Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

Đại hội Nhà văn lần thứ 4

Chương 13
Đại hội Nhà văn lần thứ 4

Giữa lúc không khí đổi mới trong Văn nghệ đang sôi nổi khắp nơi, đặc biệt là cao trào chuẩn bị cho Nghị quyết của Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ lên đến đỉnh cao thì ngày 23-6-1987, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra thông tư về việc các Hội Văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức đại hội.


Thông tư do anh Đỗ Mười, Ban Bí thư ký, viết:
“Ban Bí thư đồng ý để các Hội văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức đại hội toàn quốc trong năm 1988. Trên cơ sở tinh thần nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, Đại hội các Hội văn học nghệ thuật cần quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới – đổi mới tư duy, đổi mới phong cách làm việc, đổi mới tổ chức và cán bộ, giải phóng năng lực sáng tạo của giới văn học nghệ thuật, nhằm tích cực tham gia vào việc giải phóng sức sản xuất, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội do Đại hội VI của Đảng đề ra.
Đại hội các hội kỳ này phải đánh dấu một chặng đường mới trong sự phát triển văn học nghệ thuật và trong tổ chức hoạt động của các Hội sáng tạo ở nước ta”.
Nếu ai chú ý sẽ thấy những nội dung chính của Thông tư là những quan điểm cốt lõi của Nghị quyết 05: “Đổi mới tư duy, đổi mới phong cách làm việc, đổi mới tổ chức cán bộ, giải phóng năng lực sáng tạo của giới văn học nghệ thuật”. Nó được thông qua dễ dàng trong không khí cởi mở của Đại hội VI.
Cùng với các Hội khác, Hội Nhà văn sôi nổi, khẩn trương chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 4 của mình. Từ Đại hội Nhà văn lần thứ 3 năm 1983 đến nay đã hơn 4 năm. Không chỉ riêng độ dài thời gian đã chín mùi mà nhiều vấn đề khác về cơ chế tổ chức, về sáng tác, lý luận phê bình đang được đặt ra một cách bức xúc dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng VI.
Bốn năm qua, đặc biệt là từ năm 1986, nền văn học nước nhà đã có những khởi sắc mới. Những sáng tác của Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Văn Tuấn, Phùng Gia Lộc, Hoàng Hữu Các, Nguyễn Khắc Trường, Trần Huy Quang... làm sôi động diễn đàn văn học.
Để gây men không khí chuẩn bị tiến tới Đại hội, nhà văn Nguyên Ngọc, Tổng biên tập báo Văn Nghệ có sáng kiến mở mục “Văn Nghệ phỏng vấn” để trao đổi những vấn đề sẽ đặt ra trong Đại hội, với 2 câu hỏi:
1. Thông tư của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đại hội các hội văn học nghệ thuật Trung ương nêu rõ: “Các đại hội cần đánh giá một cách toàn diện, khách quan, trung thực tình hình phát triển của ngành và hoạt động của Hội trong thời gian qua”.
Trên tinh thần đó, đồng chí nhìn nhận như thế nào về nền văn học của ta từ Cách mạng tháng Tám đến nay, qua các thời kỳ, nhất là hiện nay; cái đã đạt được, cái chưa đạt được, chỗ mạnh, chỗ yếu, tiềm năng, triển vọng... của nó?
2. Thông tư của Ban Bí thư cũng nêu rằng “Đại hội cần quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới - Đổi mới tư duy, đổi mới phong cách làm việc, đổi mới tổ chức và cán bộ, giải phóng năng lực sáng tạo của giới văn học nghệ thuật”.
Theo đồng chí để thực hiện được sự “giải phóng” đó cần tháo gỡ ở khâu nào?
“Văn Nghệ phỏng vấn” vừa đưa ra lập tức được sự hưởng ứng nhiệt tình của các nhà văn, nhà hoạt động văn hóa, làm cho phong trào văn học càng thêm sôi nổi, và báo Văn Nghệ trở thành một diễn đàn có sự hấp dẫn mới.
Có những bài vừa sâu sắc vừa thú vị, đem đến cho người đọc những cảm thụ mới về nhiều lĩnh vực đáng được mọi người quan tâm:
Với “Câu chuyện cũ mới”, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện, nổ phát súng đầu tiên trong mục này:
“Vụ đổi tiền tháng 9-1985 quả là một tai họa ập đến với nhân dân ta.
Nhưng nói như một ngạn ngữ phương Tây bao giờ tai họa cũng có mặt hay của nó.
Lần đầu tiên, ở nước ta mọi người đều thấy, lãnh đạo tối cao cũng có thể phạm những sai lầm nghiêm trọng. Trước đó, một số người đã suy nghĩ như vậy, nhưng cái mới là nay số đông bắt đầu nghĩ như vậy. Và dĩ nhiên, tiếp theo là, từ rày, ta không thể khoán trắng cho lãnh đạo suy nghĩ, động não thay thế cho mọi người. Quốc gia hữu sự ai cũng có trách nhiệm không những gánh vác bằng chân tay, mà bằng cả trí óc nữa…
Anh viết tiếp:
Chưa bao giờ, người cầm bút (và máy ảnh hay quay phim) thấy rõ vinh quang và trách nhiệm của mình như hiện nay. Phản ánh, đúc kết dư luận, nói lên những đòi hỏi và nguyện vọng của nhân dân nổi lên thành nhiệm vụ hàng đầu của các mê-đi-a, chứ không chỉ dành để phổ biên những chỉ thị của trên. Ngày nay, thông tin hàng ngày là món ăn tinh thần của toàn dân, quan trọng không kém so với cơm gạo. Đứng vào những hàng người kéo dài đợi mua báo hay tụ tập chung quanh loa truyền thanh khi cả nước hay đia phương có một tin gì quan trọng mới thấy rõ sự khát khao của quần chúng. Các mê-đi-a của chúng ta đang trên đà dân chủ hóa, đó là một trong những chìa khóa mở ra con đường tiến lên của dân tộc.
Quá trình dân chủ hóa thể hiện qua mấy khâu:
- Đầu tiên là nhận thức của số đông là mỗi người có quyền làm công dân, có quyền suy nghĩ, nói lên ý của mình, không ai được xâm phạm những quyền cơ bản mà hiến pháp và pháp luật đã quy định,
- Báo chí trở thành công cụ sắc bén của dư luận,
- Các cơ quan dân cử như Quốc hội, các đoàn thể làm tròn nhiệm vụ là thay mặt cho dân, chứ không làm “cây cảnh” nữa,
- Những cơ quan tư pháp giữ tính độc lập xử theo pháp luật, không chấp nhận một sức ép nào bất kỳ từ đâu.
Bốn khâu này cần hoạt động đồng bộ, khâu này hỗ trợ khâu kia. Và dân chủ ở thành phố phải hỗ trợ cho dân chủ ở nông thôn và ngược lại. Quên mất nông thôn, để một nông thôn rộng lớn (80 phần trăm dân số) phi dân chủ bao vây các thành phố thì chóng chầy những mầm mống dân chủ chớm nở ở thành phố cũng bị bóp nghẹt. Chúng ta còn phải lâu dài “tập sự dân chủ”, tập làm quen với chế độ dân chủ, dưới làm quen với việc tranh cãi với trên, trên tập nghe ý kiến của dưới mà không nghĩ rằng đó là “phạm thượng”, là “chống Đảng”…
Thật là một trùng hợp ngẫu nhiên khi đúng vào dịp này, anh Nguyễn Văn Linh lại có bài “Những việc cần làm ngay” đăng trên báo Nhân dân ngày 10 tháng 7 năm 1987. Nội dung của bài tưởng như chỉ nói về chính trị, về kinh tế và tiêu cực nói chung, nhưng xét về ý nghĩa thúc đẩy phong trào đổi mới toàn diện, tôi thấy bài này cũng hoàn toàn thích hợp với mục “Ý kiến chúng tôi” của “Văn Nghệ phỏng vấn”. Do đó, anh Nguyên Ngọc đã cho đăng lại bài này trên báo Văn Nghệ:

“Những việc cần làm ngay

Sau vài bài đầu cũng “Những việc cần làm ngay” có đồng chí khuyên tôi nên thôi, vì lo:
- Những bài tôi viết sẽ không được hưởng ứng, lúc đó mới thôi viết, thế là đánh trống bỏ dùi, đã vô ích lại mất tín nhiệm,
- Sợ tôi làm sao biết hết, biết thật đúng mọi việc, sẽ có sự đôi co phản tác dụng. Hoặc viết ít bài rồi hết đề tài, sẽ cũng là một thứ đánh trống bỏ dùi,
- Mới nói những việc nhỏ, ắt có sự không bằng lòng, cho rằng chỉ nhằm từ vai xuống, còn đầu thì chưa, hay không dám,
- Cũng có người có trách nhiệm đã chỉ trích biết bao nhiêu việc cần làm, sao lại phải hăng hái chống tiêu cực? Vài trăm tấn tỏi, mấy vị mang hộ chiếu ngoại giao đi buôn... có gì là ghê gớm. Phê và tự phê công khai chỉ làm rối lòng dân, làm cản trở công việc của lãnh đạo... (có lẽ cũng nên xem xét kỹ động cơ và thái độ của cách đặt vấn đề theo kiểu này!).
Đành trái lời khuyên, tôi vẫn viết tiếp vì thấy cần quá.
May thay: chỉ vài ngày sau, dư luận rộng rãi khắp cả nước hưởng ứng bằng nhiều cách đúng đắn, đáng mừng, đáng khâm phục:
- Nhiều Bộ trưởng, thủ trưởng các đơn vị cho điều tra ngay các vụ việc nói về ngành mình, xử lý nghiêm túc và cho đăng công khai trên báo, với tinh thần trách nhiệm và tôn trọng công luận cao,
- Nhiều địa phương từ Bắc chí Nam, cả cấp ủy cũng bàn, khuyến khích quần chúng góp phần với báo, đài, cho đi kiểm tra kịp thời và đã phanh phui ra ánh sáng nhiều vụ tiêu cực quá to, quá đau lòng, đụng đến cả một hệ thống cán bộ, cơ quan, có khi có cả ô dù lớn che chở. Cấp ủy, ủy ban và các đoàn thể đã xử lý nghiêm cả về mặt Đảng và đem truy tố trước pháp luật...
Nghị quyết Đại hội VI của Đảng đã chỉ rõ: phải dùng sức mạnh của pháp chế xã hội chủ nghĩa kết hợp với sức mạnh của dư luận quần chúng để đấu tranh chống tiêu cực. Mong rằng chúng ta sẽ làm theo đúng tinh thần của nghị quyết, và cũng là tinh thần câu châm ngôn cổ truyền của dân tộc: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”.
N.V.L sẽ vẫn tiếp tục viết, và mong muốn cán bộ từ Trung ương xuống đến cơ sở, mong đồng bào trong và ngoài Đảng tới đây sẽ tham gia ngày càng đông đảo cùng viết, cùng phanh phui những việc mà N.V.L tôi không tài nào biết hết và biết chi tiết được. Việc thôi không đủ, các cấp lãnh đạo phải xử lý nghiêm minh và công bằng mới được. Ai xấu quá thì phải trừng trị. Ai có lỡ lầm nhỏ nhưng thực lòng cải hối thì giáo dục lại thành người tốt. Khuyên nhau làm việc tốt, tôn trọng kỷ luật, pháp luật.
Những việc này phải chung tay mà làm một cách kiên trì mới thành công được. Phải vừa nghiêm khắc, vừa độ lượng. Dạy bảo, phê bình nhau với động cơ trong sáng, tấm lòng chân thành và ý thức trách nhiệm cao.
Báo chí từ Trung ương đến địa phương, đài phát thanh, vô tuyến truyền hình tiếp tục là diễn đàn chung của Đảng và của nhân dân, là công cụ để thực hiện chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, là phương tiện thông tin tới mọi người dân thường, chẳng những thành thị mà phải đưa sâu vào nông thôn, những nơi xa xôi hẻo lánh, trong đồng bào Kinh cũng như đồng bào các dân tộc.
Ánh sáng trong lành phải được lan rộng, đẩy lùi và xua tan bóng tối”.
N.V.L
(Báo Nhân dân ngày 10 tháng 1 năm 1987)
Dưới bài “Những việc cần làm ngay” là bài “Về cái tiêu cực và cái tích cực” của Nguyên Ngọc, giống như một “hợp đồng tác chiến” tuyệt đẹp:

“Cái Tiêu cực và cái Tích cực

Những ngày gần đây chúng tôi đang chứng kiến sự hình thành, hoặc đúng hơn sự khẳng định một quyền lực mới trong xã hội, quyền lực của báo chí. Có lẽ, ít nhất là kể từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay, chưa bao giờ như bây giờ, báo chí lại có vai trò năng động đến thế, lại tham gia trực tiếp, mạnh mẽ và có hiệu lực đến thế vào các quá trình xã hội sôi động và phức tạp.
Tất nhiên điều đó phản ánh một hiện tượng khác sâu sắc và to lớn hơn, to lớn hơn chính bản thân “hiện tượng báo chí” nhiều: nó phản ánh quá trình dân chủ hóa đang diễn ra đầy khó khăn, trăn trở nhưng quyết liệt và không gì ngăn nổi trong đời sống của đất nước. Quyền lực của báo chí những ngày này, đó chính là quyền lực của nhân dân. Đó chính là một cách - và quả là một cách khá hiệu lực - nhân dân dùng cái quyền của mình đòi hỏi và tham gia trực tiếp vào công việc lập lại trật tự, lập lại công bằng xã hội.
Đã bao nhiêu lần chúng ta nói về cái khái niệm đẹp đẽ “nhân dân làm chủ”. Nhưng làm chủ bằng cách nào vậy? Cái số đông và vì là số đông nên lại trừu tượng ấy có thể thực sự làm chủ bằng cách nào? Thì ra nhân dân có thể làm chủ bằng công luận. Đó là sự thức tỉnh mạnh mẽ của nhân dân, của xã hội ta…
Vậy nên, không có gì phải lo sợ về “tỷ lệ thích đáng” giữa biểu dương cái tích cực và phê phán cái tiêu cực trên báo chí. Bản thân việc nhân dân biết nắm lấy cái quyền lực công luận của mình, và sử dụng nó ngày càng có hiệu quả để làm trong sạch cuộc sống, là một điều tốt đẹp biết bao, tích cực biết bao”.
7-1987
Nguyên Ngọc
Bản thân tôi, với cương vị Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương, chịu trách nhiệm trước Ban Bí thư về kết quả của Đại hội các Hội, đặc biệt là Đại hội Nhà văn, tôi phải giành nhiều tâm sức cho quá trình chuẩn bị đại hội.
Ngay sau khi có Chỉ thị của Ban Bí thư, tôi đã phát biểu một số gợi ý có tính chất chỉ đạo những nội dung chủ yếu của các Đại hội bằng bài báo đăng trên trang nhất báo Văn Nghệ số 1236 ngày 11-7-1987 với nhan đề “Đổi mới Văn nghệ và Văn nghệ đổi mới”.
“Khi nêu vấn đề này, trước hết có câu hỏi cần trả lời: đó là trong khi cần đổi mới toàn diện trên tất cả mọi lĩnh vực, vậy văn nghệ có cần phải đổi mới không? và văn nghệ đổi mới thế nào? Chắc chắn không có ai nói rằng văn nghệ không cần đổi mới. Có điều văn nghệ cần đổi mới thì văn nghệ trước đây có những gì yếu kém và sai trái, có những gì lạc hậu lỗi thời? Chỉ có vạch rõ được những điều đó, ta mới có thể có sự đổi mới. Muốn tìm được những điều đó, ta phải tìm ở nhiều khâu:
- Trước hết ở khâu bản thân văn nghệ sĩ, những chủ thể sáng tạo, là lực lượng sáng tác,
- Tiếp theo là phải xem xét những tác phẩm đã có đánh giá chung được tình trạng hay là trình độ chất lượng các tác phẩm. Phải xem xét từ trình độ nội dung tư tưởng, đến trình độ nghệ thuật, phải có quan niệm chính xác về chất lượng nghệ thuật, để có căn cứ và tiêu chuẩn đánh giá,
- Lại cần phải xem tình trạng phân phối và phổ biến các tác phẩm trên các mặt xuất bản, biểu diễn, triển lãm, tiêu thụ các giá trị nghệ thuật từ quan điểm, quan niệm cho đến các cơ chế tổ chức và kinh tế tài chính,
- Sau nữa phải xem xét đến sự chuyển biến của công chúng, những thị hiếu lạc hậu, tầm thường, những nhu cầu mới, tâm lý mới, thị hiếu mới. Phải có sự đối chiếu mọi hoạt động sáng tác và phân phối nghệ thuật với những nhu cầu chính đáng và thị hiếu phát triển của công chúng, phân tích được chỗ phù hợp và chưa phù hợp. Có như thế mới thấy chỗ cần đổi mới…”.
Ngoài việc đi dự và phát biểu tại các đại hội, tôi còn được mời đến dự các đại hội các hội Văn học nghệ thuật địa phương.
Ngày 13 tháng 9 năm 1987, tôi vào thành phố Vinh dự Đại hội lần thứ IV ngành văn học nghệ thuật tỉnh Nghệ Tĩnh. Tại đây, tôi phát biểu một bài dài nhưng chủ yếu xoay quanh những nội dung mà chỉ thị của Ban Bí thư đã nêu ra:
“Trước đây, khi làm công tác quân sự, rồi chính trị trong quân đội, do nhiệm vụ, tôi thường hay đi nói chuyện. Được đi nhiều nơi, gặp gỡ chuyện trò với nhiều tầng lớp, thật thú vị. Và gần đây, khi từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên đều sôi nổi bàn luận về việc đổi mới tư duy, tôi lại càng thấy những cuộc gặp gỡ nói chuyện, nói rồi nghe, nghe, nói, làm rồi lại nói... thấy vỡ ra nhiều điều, tôi càng thấy phấn khởi và thú thật là càng... thích nói chuyện!”
Bài nói chuyện có mấy ý như sau:
“Có thật là văn nghệ cũng cần phải đổi mới không nhỉ? Đặt câu hỏi này ra trong tình hình đang tiến triển của sự đổi mới toàn diện trên cả mọi lĩnh vực xem ra có vẻ “hợp thời” đấy! Nhưng nên nhớ sự hợp thời ở đây hoàn toàn không phải là cái “mốt”, là sự “chả nhẽ” hình thức nào, mà là sự đổi mới dứt khoát phải có, vô cùng cần thiết và không thể khác! Có người còn muốn rõ ràng hơn, cụ thể hơn liền dùng cặp từ “giải phóng” để nói về sự đổi mới, như “giải phóng tiềm năng sáng tạo”... chẳng hạn.
Giải phóng! Thế thì trước đây ta bị tù hay sao mà nay đòi giải phóng? Cố nhiên chẳng ai hiểu theo nghĩa như thế, nhưng quả thực trước đây trong văn nghệ chúng ta đã có những yếu kém và sai trái, có những cái lạc hậu và lỗi thời, đã hạn chế tiềm năng sáng tạo mà nay phải đổi mới tháo gỡ để mở ra một thời kỳ phát triển mới, một chặng đường cách mạng mới cho sự hoàn thiện.
Không nên kiêu ngạo và huyễn hoặc mình, nhưng người nghệ sĩ chân chính cần ý thức được vị trí cao quý của mình trong nền văn hóa của dân tộc và trong tình cảm của nhân dân. Có lần tôi làm trưởng đoàn một đoàn trong đó có các văn nghệ sĩ xuống thăm một địa phương. Khi giới thiệu đoàn với những chức danh lãnh đạo và hành chính thì công chúng phản ứng bình thường. Nhưng khi giới thiệu các văn nghệ sĩ với những tác phẩm tiêu biểu và quen biết của họ, thì công chúng xôn xao hẳn lên. Họ ùa lại với văn nghệ sĩ, xem mặt, xin chữ ký, đòi chụp ảnh chung, đòi hẹn gặp lại, v.v... Như vậy nhân dân thực sự mến yêu các văn nghệ sĩ và mến yêu tác phẩm của họ với một tình cảm xứng đáng, một tình cảm thật sự vô tư mà sâu sắc. Có địa phương, nhân dân còn đòi dựng tượng các ông nhạc sĩ đã có bài hát tuyệt hay về quê hương... Thế đấy!”.
Trong mục “Ý kiến chúng tôi” của Văn Nghệ phỏng vấn có hai bài tôi rất thích và được đông đảo bạn đọc chú ý đó là bài của anh Trần Bạch Đằng và anh Nguyễn Khải. Có nhất trí hoan nghênh tất cả hay không tôi không biết, có thể nói nội dung hai bài này đã phản ánh được không khí và tâm tư tình cảm của giới văn học trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội...
Bài viết của anh Trần Bạch Đằng viết từ tháng 10 năm 1987, mãi đến tháng 4 năm 1988 mới được đăng trên báo Văn Nghệ số 1278 dưới tiêu đề “Phiếm luận về Văn học nghệ thuật” có những suy nghĩ thật mới và thật mạnh mẽ:
“Cuộc sống thì nhiều mặt, sôi động. Qua rồi thời kỳ “tô hồng, bôi đen” thô sơ và lộ liễu. Bây giờ, trách nhiệm của nhà văn định giá trị của nhà văn. Tất nhiên, còn tài năng, song nói như thế nào đây về hai chữ “tài năng” gọn gãy lại cực kỳ rối rắm. Ta đành bằng lòng đồng hóa “tài năng” với “khả năng” vậy. Và ta hãy cổ vũ mọi người sáng tác, thậm chí chưa nói vội chữ sáng tác kênh kiệu, mà viết và vẽ, mà làm nhạc, mà dàn dựng phim, tuồng, kịch... Trên một cái nền xum xuê, của nào đứng được qua sàng lọc của người thưởng thức và thời gian, của ấy là sản phẩm quý và người đẻ ra sản phẩm quý nhất định có tài. Đôi khi, dùng một lăng kính nào đó, sự phán xét vội vàng về tài năng bóp chết tài năng đích thực…
Trong mọi nỗi buồn, nỗi buồn day dứt chúng ta hơn cả là cảnh thiếu trung thực của người sáng tác lẫn người phê bình. Né tránh cái đúng, cái cần ủng hộ, né tránh cái sai, cái cần phê phán... chúng ta có thể thông cảm được bởi những kiềm tỏa rất phi lý. Nhưng, chuyển cái sai thành cái đúng, chuyển cái đúng thành cái sai thì là điều không sao biện bạch nổi. Tiếc thay, vừa qua, không phải không có những chuyện trái khoáy. Nền văn học nghệ thuật của ta thấp xuống vì ba thứ lộn xộn lẽ ra tránh được ấy...
Anh Thái Duy thuật cho tôi nghe một câu chuyện vui. Lúc anh làm báo Cứu Quốc, có viết một bài tố cáo một cán bộ cấp huyện bê bối về tiền bạc hay về một cái gì đó không sạch sẽ lắm. Anh vào Nam chiến đấu một số năm, trở ra làm báo cũ, đến tỉnh kia xin gặp cán bộ có trách nhiệm thì người tiếp anh là... ông cán bộ cấp huyện độ nọ, bây giờ lên chức to hơn; anh lặng lẽ rút lui, hú ba hồn chín vía!
Nếu không có tư trào đổi mới – kể cả một số người chỉ bán rao đổi mới – thì Bên kia bờ ảo vọng khó sinh đẻ, Lời khai của bị can sẽ là lời... phản tỉnh (có thể giả bộ của người viết)…
Lý luận cơ bản thì không có gì phải tranh luận, nhưng lý luận vào thời kỳ trở mình hiện nay quả đáng được lật mặt nọ mặt kia; lý luận văn học càng cần đặt ra để tiến tới sự xác lập thống nhất..
Nên chấm dứt những kết luận có vẻ khẳng định mà kỳ thực chưa đủ sức thuyết phục. Tôi nêu ví dụ: các bài Thiên Thai, Suối Mơ, Đàn Chim Việt... của Văn Cao bị cho nhãn “nhạc vàng”, trong khi Đời cô Lựu của Trần Hữu Trang, Lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính... tuy chẳng thể nào “đỏ” được, vẫn được ca ngợi. Đâu là chỗ nhất quán? Và chúng ta trầm trồ Sô-panh, khen đáo để Đô-stôi-ép-xki, cả Héc-to Ma-loi, cả Con-nan Doy-le thì lại e dè Buồn tàn thu, Làm đĩ, Cha con nghĩa nặng, Mai Hương và Lê Phong... Ngay văn học cổ cũng vậy, chúng ta cho in bài điếu chiến sĩ trận vong của Nguyễn Văn Thành nhưng cấm bài văn tế Võ Tánh và Ngô Tòng Châu của Đặng Đức Siêu (hay Vũ Lượng?). Thiếu nhất quán là một cách đánh giá, tùy tiện là một cách đánh giá khác”.
Những lời cuối cùng của Trần Bạch Đằng trong bài viết có sức vang lớn:
“Chúng ta báo động về xuất bản... về truyện vụ án, v.v.. Nhưng cái đáng báo động hàng đầu là một chính quyền do Đảng vô sản phụ trách đất nước hoàn toàn giải phóng 13 năm rồi lại chưa có chính sách về quyền lợi của nhà văn, nghệ sĩ - những người lao động vất vả - Tôi xin kết thúc bằng lời kêu cứu của giới văn nghệ”.
Nguyễn Khải, trong bài “Nghề văn, nhà văn và Hội nhà văn” giống như một lời tâm sự đối với các đồng nghiệp của mình trước ngưỡng cửa bước vào Đại hội 4 nhà văn có những đoạn như sau, đọc thật lý thú và sâu sắc:
Chúng ta thử xem xét trong đại hội lần này những vấn đề gì sẽ được giới ta quan tâm nhiều. Vẫn là những chuyện về nghề nghiệp, tôi nghĩ thế. Cái nghề văn là nghề của tâm hồn. Cái nuôi sống tâm hồn phải là tự do chứ không thể là cái khác. Tự do sáng tác là khắc khoải của người cầm bút, cả trẻ, cả già. Vì có nhiều chuyện lắm. Nặn tượng, vẽ tranh, viết nhạc không lời không đụng chạm trực tiếp với các nhiệm vụ chính trị như một cuốn tiểu thuyết, như một vở kịch, như một bộ phim, vì phim có kịch bản phim, có lời bình, có đối thoại, vẫn là chữ nghĩa. Ca khúc cũng thế. Viết truyện lịch sử, viết truyện viễn tưởng cũng vẫn cứ đụng chạm. Đụng chạm từng câu, từng chữ. Nên Hội Nhà văn thường được các cơ quan tham mưu của Đảng về tư tưởng, về văn hóa văn nghệ chú ý nhiều hơn, chăm sóc nhiều hơn. Mà là nên, là phải. Vì đã có biết bao nhiêu vụ việc đáng tiếc từ Hội Nhà văn mà ra. Anh em nhà văn đều là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa văn nghệ là những chiến sĩ đứng ở hàng đầu chứ chưa bao giờ đứng ở hàng chót, sự nghiệp một đời gắn bó với sự nghiệp cách mạng bằng tác phẩm của mình, chả lẽ lại luôn luôn không đồng tình với Đảng?...
Từ sau khi có Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ VI, anh em ta cũng hay bàn luận về những tác phẩm của mình và của bạn bè, theo tinh thần dám nhìn thẳng vào sự thật, dầu nó nhức nhối đến thế nào. Cái sự tự nhìn ngắm mình, nhìn ngắm những đứa con tinh thần của mình vẫn là việc thường làm đối với mỗi nhà văn chứ chẳng phải đợi đến bây giờ. Có thể nói gọn một câu: Là buồn nhiều hơn vui, khắc khoải nhiều hơn là mãn nguyện. Thời gian còn được ôm ấp nó, nghĩ ngợi về nó và khoe khoang với bạn bè là lúc vui nhất, chứa chan bao nhiêu là hy vọng, phen này tác phẩm được ra mắt đồng nghiệp và công chúng thì phải biết, phải biết... Cuối cùng sách đã ra cả tháng, cả năm cũng chả được mấy ai nhắc nhở, vì nó vẫn như cũ, như những cuốn trước, có khi còn tệ hơn. Chúng tôi chả đổ lỗi cho ai khi tác phẩm của mình không được như mong muốn, như lúc ấp ủ, như lúc hy vọng. Mình kém tài thì mình đành chịu hận chứ còn biết trách ai, có ai lại ngốc nghếch đi trách người khác cái công việc tự nguyện của mình. Vì có ai buộc mình phải viết đâu, lại phải viết đúng như thế đâu. Có điều do cái tài của mình kém nên cũng muốn dựa dẫm vào sự nghiệp to lớn của Đảng làm sự nghiệp riêng của mình. Sự nghiệp chung vinh quang thì sự nghiệp riêng cũng có phần vinh dự. Như những tác phẩm đã viết về cuộc chiến tranh giải phóng ba chục năm chẳng hạn. Cho đến nay, nói gì thì nói, những tác phẩm văn học viết về chiến tranh vẫn là thành công hơn cả…
Nói cho cùng kỳ lý, không một ai có thể chú ý loại bỏ hoặc công nhận một tác phẩm văn học hoặc một tác giả. Nói gì tới một giai đoạn văn học, một nền văn học. Cái số phận của Vũ Trọng Phụng là một ví dụ rất tiêu biểu. Rồi ông Tản Đà. Rồi ông Hàn Mặc Tử. Và vân vân. Vì các tác phẩm của họ vẫn âm thầm lắng đọng tâm hồn nhiều thế hệ bạn đọc. Người xưa chúng ta còn biết tôn trọng huống hồ người của bây giờ, là thầy mình, là đàn anh mình, là bạn bè mình, là chính mình nữa, làm sao mà sổ toẹt. Nhưng chúng ta phải lựa chọn lại, phải đánh giá lại cho thật đúng. Nếu mình đánh giá không đúng thì con cháu mình sẽ cười rồi họ cũng phải đánh giá lại theo cách của họ, dĩ nhiên. Vả lại, chúng ta đã trưởng thành, chẳng lẽ không biết nhìn lại một thời cho chính xác, cái hay và cái dở, cái mạnh và cái yếu của một nền văn học thì mới tìm được ra một phương hướng xây dựng không đến nỗi viển vông cho những năm tới...”
Cuối cùng Nguyễn Khải tiên đoán:
“Đại hội Nhà văn họp lần này sẽ là một đại hội rất vui, rất đẹp. Vì Đảng đã cởi bỏ cho chúng ta rất nhiều vướng mắc, tin cẩn giao trách nhiệm qua Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác văn hóa văn nghệ. Không có sự chuẩn bị nhẫn nại, tích cực, thông cảm của nhiều nhà lý luận và phê bình văn học, của các cơ quan tham mưu của Đảng về tư tưởng, về văn hóa văn nghệ thì không thể có Nghị quyết lịch sử lần ấy. Mọi thiên kiến đều sai lầm là thế. Những người, những cơ quan mình vốn sợ, vốn ngại phải tiếp xúc, rút lại, đã cứu cả giới mình ra khỏi bao nhiêu là phiền muộn, đã “cởi trói” cho mình như hiện nay ta thường nói. Còn đòi hỏi gì hơn? Riêng tôi, là một người viết, tôi không muốn đòi hỏi gì thêm nữa. Hôm qua khó là thế mà còn viết được huống hồ bây giờ. Bây giờ nếu có lo là lo không đủ tài để thả sức tung hoành, không đủ tiền để nuôi mình và nuôi vợ con trong một thời gian dài ngồi viết, lại lo không đủ giấy để in sách của mình, của bạn bè cho văn đàn được bừng khởi. Cũng vẫn là lo, nhưng là “cái lo trong vui mừng” trong bàn bạc, trong hy vọng. Chỉ riêng một cái lo thôi cũng đã khác với hôm qua nhiều lắm”.
*  *  *
Qua mục “Văn Nghệ phỏng vấn”, có thể nói Đại hội Nhà văn lần thứ 4 đã họp trước khi Đại hội khai mạc. Đó chỉ là mới nói đến những ý kiến trên báo Văn Nghệ Trung ương. Còn biết bao nhiêu ý kiến ở các Hội địa phương, ở các báo Văn nghệ địa phương.
Thật là sôi nổi và hào hứng. Tôi vừa nhận nhiệm vụ Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ mới hơn một năm nay, nhìn thấy phong trào phát triển như thế này mà thấy phấn khởi vô cùng…
Rõ ràng Nghị quyết Đại hội Đảng lần VI không chỉ mở đường cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội mà cả trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, Đại hội VI cũng là chiếc đòn bẩy thần kỳ.
Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm văn học nghệ thuật lớn cũng tích cực chuẩn bị  cho Đại hội Nhà văn lần thứ 4. Ngày 24 tháng 10 năm 1987, Hội những người viết văn Thành phố Hồ Chí Minh đã họp Đại hội lần thứ 2. Trên tinh thần đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ VI và quán triệt những tư tưởng lớn trong bài nói của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại cuộc gặp gỡ với văn nghệ sĩ  ngày 6 và 7 tháng 10 năm 1987. Đại hội lần thứ 2 những người viết văn Thành phố Hồ Chí Minh đã nghiêm túc kiểm điểm lại hoạt động của mình trong thời gian qua và nghiên cứu bàn bạc sâu sắc về những nhiệm vụ nóng bỏng đang đặt ra cho văn học hiện nay.
Đại hội cũng đã bầu ra Ban Chấp hành mới của Hội, gồm 21 ủy viên và do nhà văn Nguyễn Quang Sáng làm Tổng Thư ký.
Tại Đại hội, đồng chí Võ Trần Chí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã có bài phát biểu quan trọng:
“Đại hội lần này của Hội những người viết văn Thành phố được tổ chức trong một thời điểm đang có nhiều khó khăn nhưng cũng có những điều đặc biệt thuận lợi.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI và các Nghị quyết 2, 3 của Trung ương gần đây mà nội dung cơ bản là quyết tâm đổi mới, mở đường cho đất nước tiến lên, đang đi vào cuộc sống và sẽ trở thành hành động cách mạng của hàng chục triệu quần chúng.
Với tư tưởng “lấy dân làm gốc”, với thái độ “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ, nói đúng sự thật”, cả nước ta đang dấy lên không khí dân chủ lành mạnh trước đây còn bị nhiều hạn chế để tấn công vào mọi biểu hiện của chủ nghĩa quan liêu bao cấp, mọi thói quen bảo thủ trì trệ và mọi thói hư tật xấu đã và đang là lực cản chủ nghĩa xã hội, nhằm làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và bộ máy Nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội.
Không khí đó, quả thật là một thận lợi để chúng ta đánh giá một cách nghiêm túc những gì đã làm và chưa làm được, chỉ ra phương hướng đúng đắn và chấn chỉnh lại lực lượng, nhằm đưa đội quân văn học hùng hậu của chúng ta tiếp tục xung trận, đóng góp một cách xứng đáng nhất vào sự nghiệp đổi mới của đất nước…”
Tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Đình Thi, Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam đã phát biểu ý kiến:
“Tôi được điều may và niềm vinh hạnh thay mặt Ban Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam đến dự Đại hội lần thứ 2 của Hội những người viết văn Thành phố Hồ Chí Minh, trong bầu không khí dân chủ, cởi mở và chân tình như tôi được thấy. Xin cho tôi được chia vui với các đồng chí và các bạn về kết quả tốt đẹp của Đại hội này và được chân thành chúc mừng các anh chị đồng nghiệp. Trong những năm qua, những người viết văn Thành phố Hồ Chí Minh đã có đóng góp quan trọng vào nền văn học chung của cả nước, với những tác phẩm mạnh bạo đi vào những vấn đề nóng bỏng, gai góc của đời sống chúng ta; không ngại nhìn thẳng vào sự thật, chiến đấu chống những cái xấu nhiều hình dáng, phát hiện những cái đúng, cái tốt mới nảy lên giữa tình hình đất nước còn đang gặp biết bao khó khăn to lớn, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội còn ở những bước đầu tiên, còn đang tìm tòi dò dẫm qua những vấp váp không nhỏ. Những cây viết của Thành phố cũng không hề sao lãng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, trên mặt trận Tây – Nam và góp phần xây dựng tình anh em chiến đấu với nhân dân Campuchia đang tiến lên mạnh mẽ trên đường hồi sinh. Mặc dù tất cả chúng ta chưa bằng lòng với chính mình và thấy rõ nhiều thiếu sót, nhiều chỗ còn yếu của văn học ta hiện nay, nhưng tôi nghĩ rằng những thành tựu đó là rất rõ ràng, rất đáng quý và đã có góp một phần tạo nên bầu không khí xã hội để đón nhận công cuộc đổi mới mà Đại hội VI của Đảng ta đã đề ra.
Tuy nhiên, qua thử thách của thời gian chưa dài lắm, chúng ta cũng thấy được là những tác phẩm hay, có sức đứng lại lâu bền, có lẽ còn là hiếm hoi. Có những tác phẩm đã làm ào ào dư luận một lúc vì những sự việc, những vấn đề mà người viết nêu lên, nhưng rồi ít có người tìm đọc lại một lần thứ hai, thứ ba, phải chăng vì còn thiếu những gì đọng sâu vào tâm hồn con người. Và cũng xin cho phép tôi nói lên một điều tôi lo lắng: trong văn học ta, có sự “làm ăn” không được lành mạnh, chạy theo những thị hiếu thấp kém, những chuyện giật gân nhằm ăn khách. Có những quyển sách viết quá vội, quá ẩu và có cả những hàng “rởm”. Không biết tôi nói như vậy có đúng không? Nếu tôi nói sai, tôi thành thật mong các đồng chí và các bạn thứ lỗi và lượng thứ cho. Đó cũng chỉ vì tôi mong mỏi các tác phẩm văn học được in ra ở Thành phố mang tên Bác sẽ luôn được bạn đọc cả nước đón đọc với sự chờ đợi hào hứng.
Vừa qua, tại Thủ đô Hà Nội đã diễn ra cuộc gặp gỡ của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với gần 100 anh chị em văn nghệ sĩ và nhà văn hóa. Tôi chắc cũng như tôi, các đồng chí và các bạn đều có rất nhiều niềm vui và nhiều suy nghĩ khi đọc bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Linh trong cuộc gặp gỡ này. Những ý kiến của đồng chí Tổng Bí thư Đảng ta đã tháo gỡ nhiều vướng mắc kéo dài đã quá lâu về phương hướng sáng tác, cũng như về cơ chế quản lý đối với các hội văn học nghệ thuật và các chế độ chính sách đối với lao động văn hóa nghệ thuật và đối với người làm công việc sáng tạo văn nghệ. Tôi nghĩ rằng bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Linh là cơ sở vững chắc và quý báu để các hội văn học nghệ thuật và mỗi người cầm bút chúng ta phát huy được tốt hơn những tiềm năng sáng tạo của chúng ta vì lợi ích của cách mạng.
Ở đây, tôi chỉ xin nói lên một điều đã làm tôi xúc động. Đó là khi nghe đồng chí Nguyễn Văn Linh nhắc nhở người cầm bút phải có trách nhiệm và sự suy nghĩ chín chắn và với trách nhiệm đó, đừng bao giờ uốn cong ngòi bút của mình. Tôi nghĩ rằng tinh thần ấy chính là tinh thần của Đại hội này của các đồng chí và các bạn.
Với ý nghĩ đó, xin cho phép tôi một lần nữa chúc mừng thành công của Đại hội. Chúc những cây viết của Thành phố Hồ Chí Minh, chúc cho mỗi chúng ta, những năm tới đây, mỗi người đều sẽ có đóng góp cho văn học ta, xứng đáng với những truyền thống cao quý của dân tộc ta, một nền văn học lớn đã có Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu và từ Cách mạng tháng Tám, nền văn học Việt Nam ta đã bước sang một kỷ nguyên mới với chân trời rộng mở hơn bao giờ hết. Ước mong những năm tới đây, những tác phẩm văn học của chúng ta sẽ luôn đem đến cho bạn đọc hình ảnh chân thực của đời sống xã hội và đời sống những con người trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội chân chính trên đất nước Việt Nam yêu quý. Ước mong văn học ta sẽ đem đến cho tâm hồn mỗi con người ánh sáng của những lẽ phải lớn, của tình yêu thương lớn, với niềm hy vọng và niềm tin dắt dẫn cho mỗi con người sống có nhân cách và phát huy được sáng tạo của mình, để làm việc, để chiến đấu, xây dựng một cuộc sống thật sự giải phóng cho nhân dân lao động và giải phóng cho mỗi con người”.      
Lại thêm một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Đúng thời gian chuẩn bị tiến tới Đại hội Nhà văn lần thứ tư, nhà văn Nguyễn Tuân qua đời. Thông thường cái chết là một sự buồn đau, một sự mất mát. Nhưng cái chết của Nguyễn Tuân, bên cạnh sự buồn đau, sự mất mát, còn là sự đóng góp quan trọng làm cho nghề văn, nhà văn, Hội Nhà văn, nền văn học nước nhà càng thêm cao quý. Đây là một trong những cái chết hiếm hoi làm nảy sinh cuộc sống, làm đẹp thêm cuộc sống. Thông thường chỉ có cái chết của các lãnh tụ, các bậc vĩ nhân mới có thể làm nên điều đó Nhưng ở đây, Nguyễn Tuân, một hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, người đã từng viết những bài “Phở” nổi tiếng, bây giờ sống giản dị trong một căn nhà đơn sơ, thường đi xe đạp, hoặc đi bộ với chiếc ba-toong ngất ngưởng trên đường phố, đã làm nên điều kỳ diệu đó.
Cái chết của Nguyễn Tuân thực sự đã trở thành một sự kiện văn học, một sự kiện xã hội, và cũng là một sự kiện chính trị của Hà Nội, của cả nước lúc bấy giờ.
Đồng chí Lê Quang Đạo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch danh dự Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo của các cơ quan đoàn thể ở Trung ương và Hà Nội đã đến viếng nhà văn quá cố.
Tới dự lễ tang, còn có đại diện Đại sứ quán Liên Xô và một số đại sứ quán, cơ quan Thông tấn báo chí nước ngoài. Bà Bác-ha-ra Crô-xát, phóng viên thời báo Niu-lóoc từ nước Mỹ sang công tác ở Việt Nam, cũng đến viếng.
Có tất cả 172 đoàn đại biểu từ Trung ương đến các địa phương đến viếng và dự lễ tang Nhà văn.
Nhiều tờ báo ở Trung ương và các địa phương đã viết bài tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Tuân. Trong số các bài đó, tôi thích nhất hai bài, một của Kim Lân, một của Nguyễn Minh Châu.
Bài của Kim Lân với tiêu đề “Anh là người sung sướng nhất”, viết:
Một lần anh em xuất bản cử tôi đến gặp anh Nguyễn Tuân đề nghị anh sửa cho mấy chữ trong một bài ngắn, anh vừa mới viết. Tôi đến gặp anh mà cứ lo ngay ngáy. Không biết chuyện gì có thể xảy ra đây. Thôi thì cứ phải liều, cứ thực bụng mình nghĩ thế nào cứ nói thế ấy. Tôi nói với anh: “Bài của anh gửi cho là hay lắm rồi. Chỉ có mấy chữ, thật tình tôi thấy… thấy nó cũng chẳng làm sao... Thế nhưng nếu không sửa... Anh thì anh chẳng cần gì, nhưng bọn tôi… bọn tôi thì...”.
Thế là anh Tuân vui lòng sửa ngay. Đã đến cái nước đàn em chịu xuống bò thế thì ông anh tôi không hẹp lượng.
Cắt được ít lâu, không biết nghĩ ngấm nghĩ nghía thế nào ông anh tôi lại thấy tiếc, thấy đau... Trong một buổi họp, giữa cơ quan Hội Nhà văn, anh chỉ vào mặt tôi mắng: “...Thằng cha Kim Lân này có quyền chức nó cũng không phải vừa đâu, nó cắt của mình mấy chữ! Đểu quá! Đểu quá!”.
Mặt anh đỏ bừng lên, hai mắt sáng loáng, anh chống hai tay vào hai gối, cúi gập người xuống, cái đầu rất to phơ phât mấy túm tóc bạc. Anh em có mặt trong cuộc họp cũng đều ngồi lặng đi, chờ đợi.
Lúc sau anh Tuân mới ngửng lên, nét mặt đã hòa dịu trở lại, anh mệt nhọc nói tiếp:
- Cũng là miếng cơm manh áo cả thôi... Tôi mà làm biên tập lúc này, tôi cũng phải làm như vậy.
Anh ngừng lại một lúc:
- Thì ra cái nét chung của chúng ta lúc này là cái nét sợ, các ông ạ. Sợ đến cả những cái chẳng đáng sợ nữa...
Anh khẽ lắc lắc cái đầu:
- Sĩ khí nhà văn chúng mình... Buồn quá... - Anh đứng dậy, chống ba-toong lừ đừ ra khỏi phòng họp.
Tôi biết anh Tuân không chỉ nói tôi. Anh nói cái gì ngoài tôi, trên tôi kia. Cái gì đó rất vô lý và bí hiểm, từ lâu vẫn đè nặng trên tâm tư những người cầm bút...
Anh Nguyễn Tuân ơi! Anh vốn là người yêu hoa, quý hoa. Trong phòng viết của anh quanh năm không lúc nào vắng hoa. Hôm nay, hoa Hà Nội tề tựu cả ở đây, cùng chúng tôi, các bạn bè thân thiết của anh, các bạn đọc xa gần từ lâu vẫn ái mộ anh, tất cả hoa, và chúng tôi cùng đưa tiễn anh về nơi yên nghỉ cuối cùng.
Thế thì anh Tuân ạ, trước sau anh vẫn đúng là người sung sướng nhất đời đấy!”.
Bài của Nguyễn Minh Châu với tiêu đề: “Người cầm bút ấy...”
“Người cầm bút ấy như trời sinh ra giữa hạ giới để minh chứng cho một lời phán truyền: “Ép dầu ép mỡ” chứ không bao giờ ép được văn chương. Văn chương nói thật ra là một cái gì rất riêng của từng cá thể nghệ sĩ, cá biệt đến độ dị biệt. Văn chương là một cái gì có thể vô cùng, vô hạn độc đáo. Con người ấy vừa rời bỏ cái cuộc đời trần thế vừa đầy thú vui, vừa đầy tục lụy và thô thiển mà ra đi. Nhà văn lão thành mà đường tài hoa văn chương có một không hai ấy vừa vĩnh biệt làng văn chúng ta – những con người hậu thế, đàn em đồng nghiệp của ông – một đám người đông đúc, tuy không bao giờ nói ra, nhưng tôi dám đoán chắc có lẽ ông vừa yêu mến, vun đắp vừa cười cợt sau hàng ria.
Đời người được cưng chiều. Thời nào ông cũng được người đời hết mực nâng niu chiều chuộng, vì lòng mến mộ một tài năng đích thực và đồng thời vì một khát vọng cháy bỏng của mọi con người: được sống giữa cõi đời này với tất cả các bản ngã đích thực của mình. Nhà thơ Chế Lan Viên một lần nói với tôi: văn chương ta mà tất cả đều là Nguyễn Tuân thì mệt quá, nhưng thiếu đi một Nguyễn Tuân thì thiệt to quá, hỏng lớn quá, thiếu đi nhiều quá!
Nhớ ngày nào thuộc một thuở nào, ông còn khăn đóng áo dài ngất ngưởng ngồi uống rượu ở nhà nhà thơ Tản Đà dưới Cầu Mới – và nhà thơ Tản Đà chống một thanh kiếm đứng sừng sững lẫm liệt giữa phản, giảng giải cho Nguyễn Tuân nghe cái lý ở đời: người có văn mà thiếu võ thường ươn hèn, kẻ có võ mà thiếu văn tất trở thành kẽ võ biền. Rồi Tản Đà xuống tấn, trịnh trọng nâng lưỡi kiếm lên ngang mày, rồi bất ngờ vung lưỡi kiếm sắc, múa kiếm vù vù cho Nguyễn Tuân xem (Rất tiếc là không hiểu sao Nguyễn Tuân không đưa vào trong văn chương của mình những đường kiếm tuyệt diệu của Tản Đà?)”.
Vô cùng xúc động là những lời ghi của bạn bè, đồng nghiệp, của nhiều tầng lớp độc giả trong sổ tang của Nhà văn. Những dòng chữ ghi vội vàng xuất phát từ tấm lòng, rất mộc mạc, nhưng thật sâu sắc, đang thực sự là tiếng nói từ trái tim chân thành của con người đối với Nguyễn Tuân nói riêng và văn học nói chung.
Thực sự cái chết của Nguyễn Tuân đã làm cho vai trò, vị trí của nhà văn, của nền văn học được nâng lên một tầm cao mới... Tôi biết có nhiều nhà văn đau buồn tiễn đưa Nguyễn Tuân đến nơi an nghỉ cuối cùng, đồng thời cũng cảm ơn Nhà văn đã đem đến cho mình niềm vinh quang, niềm tự hào của nghề văn, của nhà văn.

Có thể nói sự ra đi của Nguyễn Tuân trong dịp này đã góp phần làm cho con đường đi đến Nghị quyết 05, con đường đi đến Đại hội Nhà văn lần thứ 4 thêm đẹp, thêm sinh động.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét