Thứ Năm, 10 tháng 10, 2024

Tuổi thiếu niên

Chương 2. Tuổi thiếu niên


Tôi bắt đầu đi học vào khoảng 7, 8 tuổi, tức là vào những năm đầu của thập kỷ 30 (193l – 1932). 


Ở vùng tôi lúc đó, trong các làng có trường hương sư do thầy giáo làng dạy và một số trường tiểu học Pháp – Việt. Các trường tiểu học hình như tiếng Pháp gọi là Ecole Primaire plein exercice, có hệ thống lớp từ thấp đến cao như sau:
Lớp thấp nhất:    Lớp Đồng ấu (Tiếng Pháp: Enfantin),
     Lớp dự bị (Tiếng Pháp: Préparatoire),
     Lớp cơ bản (Tiếng Pháp: Elémentaire).
Sau đó đến:        Lớp nhì năm thứ nhất (Moyen un),
     Lớp nhì năm thứ nhì (Moyen deux),
     Lớp nhất (Supérieur).
Học hết lớp Elémentaire thì thi lấy bằng sơ học yếu lược, học xong lớp Supérieur thì thi lấy bằng Certificat (bằng cao đẳng tiểu học) có lẽ tương đương với trình độ cấp 2 của ta hiện nay. Sau khi có bằng Certificat thì có 2 đường học tiếp trung học:
- Học theo hệ thành trung từ năm thứ nhất lên đến năm thứ tư sẽ thi lấy bằng trung học (tiếng Pháp: Diplome),
- Học theo một hệ khác năm năm thì thi lấy bằng tú tài, Baccalauréat. Có tú tài văn chương, triết học (Bac Philo) và tú tài toán học (Bac Math) và có tú tài toàn phần.
Có tú tài bản xứ (Bac Local) và tú tài Tây. Tú tài toàn phần và tú tài Tây thì có giá trị hơn. Thái Bình lúc ấy có 12 phủ huyện. Đơn vị lớn hơn được gọi là phủ, nhỏ hơn là huyện, hình như lúc ấy chỉ có 2 nơi gọi là phủ: Kiến Xương (nay là huyện Kiến Xương) và Tiên Hưng (nay nhập với huyện Đông Quan, thành huyện Đông Hưng).
Làng tôi lúc đó tên là làng Thư Điền (nay là xã Tây Giang) ở bên cạnh làng Trình Phố (nay là xã An Ninh). Cả hai làng lúc ấy đều thuộc phủ Kiến Xương. Nay cả 2 xã đều đã thuộc về huyện Tiền Hải.
*  *  *
Tôi không hiểu vì sao lúc ấy ở vùng tôi có mấy trường khác nhau. Ở làng tôi (làng Thư Điền) có một trường hương sư hình như chỉ có lớp Đồng ấu, dự bị, cơ bản, do một hương sư (thầy giáo làng) phụ trách. Ở Trình Phố có một trường sơ học Pháp Việt cũng chỉ có đến lớp cơ bản (Elémentaire). Còn ở huyện lỵ Tiền Hải trong làng Ngoại đê. Địa điểm đó cách địa điểm huyện lỵ Tiền Hải hiện nay độ hơn một cây số. Huyện lỵ Tiền Hải hiện nay ở địa phận đầu xã tôi (xã Tây Giang). Ở huyện lỵ Tiền Hải cũng như phủ lỵ Kiến Xương có trường có lẽ là cao đẳng tiểu học, có đến lớp nhất (Supérieur). Tôi bắt đầu đi học ở lớp Đồng ấu (Enfantin) từ lớp l hiện nay ở trường Trình Phố. Trường này có nhiều trẻ em của các xã Thư Điền, Trình Phố và cả xã ở xa hơn một chút như Vũ Lăng, Rãng Thông, An Khang, Cao Mại, An Bồi... cũng về học. Cho nên tôi có rất nhiều bạn quen. Học sinh phần lớn là con trai mỗi lớp chỉ có 2 - 3 bạn gái, các bạn gái đều con cái nhà giàu có, có thế lực (con quan chức, địa chủ, phú nông) vì chỉ những nhà đó mới có điều kiện cho con gái đi học. Còn các bạn gái khác nói chung là không đi học và phải lao động kiếm sống rất sớm. Tuy vậy cũng có một số không nhỏ các bạn gái biết đọc, biết viết và tham gia hoạt động cách mạng rất nhiều.
Tuy vậy, tôi chỉ nhớ được một số kỷ niệm với các bạn trong làng tôi (Thư Điền). Vì chúng tôi cùng làng, nhà ở gần nhau cùng đi học, cùng chơi với nhau thân thiết nên có nhiều quan hệ chặt chẽ, gặp gỡ và hoạt động với nhau rất nhiều.
Các bạn học của tôi hồi đó rất nhiều và cũng nhiều người trưởng thành sau trở thành cán bộ cách mạng quan trọng (như Nguyễn Đức Tâm, Trần Xuân Trú, Ngô Duy Cảo, Vũ Trọng Kiên, ...). Tôi cũng không biết được tin tức của hết các bạn, ai còn sống, ai đã mất rồi, chỉ biết là số đã mất cũng khá nhiều. Những người còn sống thì phần lớn đã ngoài 70 và đã nghỉ hưu từ lâu.
*  *  *
Vừa rồi, đầu năm 1997, có một dịp một nhóm 4 người lúc đó thân thiết nhất gặp nhau một bữa ôn lại chuyện cũ. Nhóm 4 người này có :
- Tôi là Tạ Ngọc Phách tức Trần Độ, người làng Thư Điền,
- Ông Tạ Ngọc Giản tức Vũ Trọng Kiên là chú họ tôi, theo quan hệ họ hàng,
- Ông Tô Hữu Hạnh, người làng Thư Điền,
- Ông Đặng Ngọc Trác tức Võ Quang Anh người gốc ở Hành Thiện (Nam Định) nhưng cư trú ở làng Trình Phố. Ông Trác hiện nay đang sống trong Thành phố Hồ Chí Minh vì lúc kháng chiến ông hoạt động nhiều ở Nam Bộ đã có lúc Tham mưu trưởng ở khu 9.
Trong 4 người : ông Tô Hữu Hạnh lớn tuổi hơn cả. Ông sinh năm 1920 hay 2l. Còn 3 chúng tôi đều sinh năm 1923.
Các bạn bè chơi thân với nhau thì cũng còn khá nhiều, khoảng hơn chục người. Nhưng gắn bó gần gũi và thường xuyên thân thiết với nhau nhiều, gần như là nhóm nòng cốt của lớp, thanh niên làng tôi lúc ấy chỉ là 4 chúng tôi. Ngoài ra chúng tôi còn nhớ đến những ông Tạ Ngọc Lam, Lê Ngọc Chữ, Lê Ngọc Nam ... cùng đều còn sống cả.
*  *  *
 Tình bạn chúng tôi thuở đó có những nét đặc sắc và thú vị. Chúng tôi đều là con của các gia đình nghèo. Chúng tôi không nghèo đến nỗi, không có gì ăn, mà chỉ là cha mẹ chúng tôi phải kiếm miếng ăn một cách vất vả cực nhọc. Chúng tôi thường đến nhà nhau, và do có nhiều điều tâm đầu ý hợp, nên chúng tôi đều coi nhà của mỗi người đều là nhà chung của cả nhóm. Chúng tôi lấy tên hiệu đều bắt đầu bằng chữ Hồng, chỉ vì thấy nó hay, chứ không phải vì nó là màu đỏ Cộng sản. Tôi còn nhớ: Anh Hạnh lớn tuổi nhất tên là Hồng Minh, anh Trác cao kều tên là Hồng Nhật, tôi tên là Hồng Anh và rất nhiều Hồng nữa, tôi không nhớ hết. Khi chúng tôi tụ tập ở nhà ai, thì lập tức nhà ấy thành là của chung của chúng tôi. Chúng tôi học, ăn, chơi, đùa nghịch tự do như ở nhà mình. Những bậc ba mẹ chúng tôi cũng tự nhiên chấp nhận một tình trạng đó, và mắng mỏ, khuyên dạy chúng tôi một cách cũng rất bình đẳng không phân biệt. Chúng tôi hay tụ tập ở nhà tôi, nhà anh Hạnh, nhà anh Giản chứ ít khi đến nhà anh Trác vì anh Trác ở làng khác (làng Trình Phố). Chúng tôi gọi nhà là “nhà chúng ta” (notre maison) chứ không nói nhà anh, nhà tôi. Đặc biệt đối với mẹ chúng tôi, chúng tôi đều gọi là “Mẹ chúng ta” (notre mère) khi nào cần chỉ rõ mẹ nào thì chúng tôi nói Notre mère kèm theo tên anh con vào : Ví dụ norte mère Hạnh. Hình như chúng tôi ít khi nói đến bố, vì đa số chúng tôi đều mồ côi bố, và thông thường chúng tôi hay tiếp xúc với các mẹ và thường được các mẹ che chở, chu cấp cho nhiều. Suốt thời gian dài trong tuổi thiếu niên chúng tôi sống trong một tình cảm cộng đồng thân thiết như vậy ít nhất là cho đến lúc chúng tôi 13, 14 tuổi đã phân tán mỗi đứa đi một cuộc sống khác và xa nhau, nhưng lúc đó luôn luôn chúng tôi vẫn hỏi thăm nhau và hướng về những “notre mère”.
Ảnh : Nhóm bạn “Hồng” ngày xưa : ông Đặng Ngọc Trác, Tạ Ngọc Phách, Vũ Trọng Kiên, Tô Hữu Hạnh.
 Trong những dịp gặp nhau, hình như nội dung công việc học tập, chúng tôi ít quan tâm và cũng ít trao đổi bàn bạc, không có cảnh “tổ học tập” hay “nhóm học tập” như bây giờ. Hoàn cảnh xã hội lúc ấy có nhiều yếu tố tác động vào suy nghĩ chúng tôi. Vùng chúng tôi, phong trào cộng sản có từ sớm, từ những năm 30. Sau những trận khủng bố các năm đầu của 30, thì mỗi làng lại xuất hiện một thứ nhân vật hơi thần bí, mà dân làng thường nói là những người “tình nghi”. Đó là những người có quan hệ thế nào đó với các hoạt động cách mạng, mà bị các chức sắc ở làng và ở huyện tình nghi, họ bị liệt vào loại người phải coi chừng theo dõi. Có người còn gọi đầy đủ là “người tình nghi cộng sản”. Chúng tôi đều biết những người này. Họ thường là vào bậc cha chú và anh lớn của chúng tôi. Tự nhiên chúng tôi thấy rất thích và kính trọng các người “tình nghi”. Mà quả thật trong đời thường, đối với dân làng, họ là những người hiểu biết đứng đắn, đôi khi họ là tác giả các bài về phê phán một chuyện xấu xa nào đó của cánh hương chức quan lại, mà nhân dân rất thích đọc và truyền lại cho nhau nghe. Khi trong xóm có việc gì khó xử, dân làng thường chờ đợi ý kiến của những người đó.
Lúc ấy ở tỉnh tôi (Thái Bình) quan đầu tỉnh người Việt Nam là một quan tổng đốc tên là Vi Văn Định. Ông này bị coi là một tay sai đắc lực của Pháp và có một người cách mạng ở làng tôi tên là Tô Thúc Dịch. Ông này có kế hoạch ám sát để trừng trị Vi Văn Định, nhưng ông bị thất bại, bị bắt tra tấn dữ dội và bị đầy đi Côn Đảo. Ông Dịch là người lấy một bà cô họ của tôi nên cũng là có họ hàng. Sau việc đấy, chúng tôi nghiễm nhiên trở thành người ngưỡng mộ và ủng hộ ông Tô Thúc Dịch và căm ghét cánh quan lại như Vi Văn Định, con ông Thúc Dịch tên là Tô Ngọc Thiếp cũng là một trong nhóm thiếu niên của tôi.
Trong không khí như thế, chúng tôi, số thiếu niên học sinh khi gặp nhau thường bị hấp dẫn với thời cuộc, hay quan tâm tới chuyện đời, chúng tôi thấy như đường đi chúng tôi đã chọn sẵn rồi : chúng tôi thuộc về những người cách mạng, thuộc về những người tình nghi cộng sản và chúng tôi yên chí rằng : lớn lên, chúng tôi nhất định sẽ làm những công việc như đánh Tây giành độc lập cho nước nhà. Chúng tôi mê mải đọc các chuyện cổ của Tầu và những truyện nghĩa hiệp, tôn thờ những người trung quân, ái quốc, những người nghĩa khí, cương trực, những người hy sinh cho dân cho nước, những người nghĩa hiệp, hay làm việc hào hiệp cứu dân độ thế.
Những cụm từ lay động tâm hồn chúng tôi rất sâu sắc là “nhục mất nước”, “vong quốc nô”, “giặc Pháp - giặc Tây”, ... chúng tôi chưa biết nhiều đến những từ như cách mạng, cộng sản ... Nhưng chúng tôi cũng đã trao đổi với nhau những ký hiệu bí mật : Congsan, CS, ... và chúng tôi đã loáng thoáng nghe thấy một tên người Nguyễn Ái Quốc. Và chúng tôi nghe tên đó, như người trong đêm tối nhìn thấy một ngôi sao sáng và gần gụi. Và chúng tôi bàn với nhau rất nhiều và không mệt mỏi về việc đánh Tây và phục quốc. Nhưng với đầu óc non nớt ngây thơ chỉ có thể cùng nhau tạo nên những chuyện đơn giản và ngây thơ. Chúng tôi tôn anh Tô Hữu Hạnh, người lớn tuổi nhất như huynh trưởng của chúng tôi và dự kiến rằng sau này chúng tôi sẽ là một nhóm tướng lĩnh tổ chức đánh Tây để phục quốc. Thành công rồi, thì anh Hạnh sẽ làm vua, các anh khác là tể tướng, nguyên soái, riêng tôi, tôi xin đến lúc đó sẽ đi tu, không phải tu Phật, mà tu Tiên ở trên núi để được ẩn dật, lánh đời, sống cuộc sống ở nơi hoang vắng như các vị tiên ông.
Thế rồi chúng tôi biết có một số anh “tình nghi” có võ, chúng tôi liền tổ chức xin các anh dạy võ cho. Chúng tôi tập thể thao theo kiểu ở trường, lại học võ Tầu các anh dạy và học cả đánh bốc để nâng cao bản lĩnh. Chúng tôi còn tổ chức một đội bóng đá ở trong làng và lấy một bãi tha ma ở đầu làng gần một cái cầu, tên là cầu “Các Già” làm nơi tập luyện và thi đấu với các đội bạn. Đội bóng cũng là nơi chúng tôi tập hợp để bàn chuyện và kể chuyện cho nhau nghe. Nói chung, chúng tôi đều mê truyện cổ Trung Quốc, như Tam Quốc chí, Thủy Hử, Song phượng kỳ duyên, Hán Sở tranh hùng, ... chúng tôi thường trao đổi với nhau về các nhân vật anh hùng trong các tiểu thuyết đó. rất thích thú với những hành vi ứng xử, những bản lĩnh cao cường và tính cách đặc biệt của Gia Cát Lượng, Quan Vũ, Triệu Tử Long, Võ Tòng, Hoàng phủ Thiếu Hoa, Hạng Võ... và các loại tiểu thuyết khi học đến Supérieur, chúng tôi đã có thể đọc các tiểu thuyết ngắn và đơn giản bằng tiếng Pháp. Chúng tôi đã biết đến Guy de Manpassant, Molière, Lamatin. Đặc biệt là tôi, tôi mê mải và say sưa đọc và tìm sách đọc ... Khi tôi bắt đầu học Trung học, tôi đã thuộc rất nhiều thơ Tố Hữu và đóng 2 cuốn sách bìa cứng rất đẹp, để chép thơ của Xuân Diệu và Huy Cận.
Những tình cảm và tư tưởng của chúng tôi cứ theo chiều hướng ấy mà phát triển.
*  *  *
Trong thời gian ấy, chúng tôi còn có một mối quan tâm và một niềm hào hứng khác cũng rất say sưa : hoạt động xã hội.
Chúng tôi hết sức chú ý đến một tình hình là ở một số xóm có nạn đói khủng khiếp diễn ra. Chúng tôi rủ nhau ngoài giờ học kéo đến thăm các gia đình nghèo ở những xóm này. Có một hình ảnh mà tôi còn nhớ đến bây giờ : chúng tôi vào một nhà, nhà vắng hết người lớn, chỉ có 2 chị em còn bé. Đứa chị độ 10 tuổi bế đứa bé độ 3 - 4 tuổi, hai đứa đều rách rưới gầy gò, chân tay khẳng khiu như cây sậy, 2 cái đầu thì to quá cỡ, 4 con mắt thô lố trong rất kinh hãi. Con chị thấy chúng tôi vội bế em chạy ra, nhưng khi nó bước qua ngưỡng cửa không cao lắm thì nó không đủ sức đỡ được 2 cái đầu to và nặng, nó và em nó bị ngã lăn kềnh ra, chúng tôi chạy đến đỡ và nghe tiếng kêu : cháu đói quá !
Được thấy như vậy chúng tôi về vận động các học sinh bạn chúng tôi trong lớp quyên tiền và gạo, rồi chúng tôi mua gạo và tổ chức nấu cháo hết giờ học kéo đến từng nhà phân phát cho những người đó. Việc làm rất có tiếng vang, chúng tôi đi đến đâu, đều được các em bé và cả người lớn người già đón tiếp và đi theo chúng tôi để mong được nhận bố thí. Chúng tôi rất thương những người đói, nhưng việc làm chúng tôi nhỏ bé quá không thấm thía vào đâu. Trong khi ấy có một xóm ở gần trường là xóm của những địa chủ lớn. Các địa chủ phần lớn họ Đinh và con cái họ cũng học với chúng tôi và là bạn chúng tôi. Chúng tôi liền bàn bạc và thuyết phục các bạn ấy đưa chúng tôi về nhà để chúng tôi trực tiếp quyên góp các địa chủ, chỉ có họ mới có thể có một số lớn lương thực để cứu giúp dân đói. Tôi nhớ, có một cuộc tôi đi vào nhà một địa chủ. Hình như ông ta tên là Huyện Tô. Ông ấy tên là Tô, còn chữ Huyện là chức danh mua bằng tiền, chứ không phải ông ấy là quan Huyện. Con ông cũng học với tôi và cũng là một người tương đối thân với tôi, nên tôi mới vào nhà ông.
Không ngờ, tôi được ông này trả lời như sau : Các cậu còn bé thế, tôi làm sao tin các cậu mà quyên với góp ! Việc giúp người nghèo là việc tốt. Các cậu làm thế cũng là tốt nhưng chúng tôi người lớn, có làm việc cứu giúp gì chúng tôi tự đứng ra làm thì còn có tiếng tăm danh dự, chứ chúng tôi dại gì lại đưa tiền cho những trẻ con như các cậu.
Thế là chúng tôi thất bại. Những việc đó hình như cũng có tác động. Một số địa chủ sau đó có đứng lên tổ chức phát chẩn cứu giúp một số dân nghèo qua cơn nguy kịch và chúng tôi cũng được dân làng yêu mến hơn.
*  *  *
 Chúng tôi còn thích thú một loại hoạt động khác, mà chúng tôi mơ hồ cảm thấy như có được những hành vi nghĩa hiệp, cứu khốn phò nguy. Đó là chúng tôi tự vận động tổ chức trang bị cho mình mỗi người một cây gậy bằng gỗ chè già lấy từ trong các vườn chè một số gia đình thải ra, gậy dài độ l,2 m đến l,5 m, to bằng cổ tay. Tối tối, chúng tôi phân công nhau thành từng tốp, mỗi tốp 2 - 3 người, đi tuần quanh xóm làng cho đến khuya để cảnh cáo và phòng bị các tên trộm hay đi ăn trộm ở các nhà. Tôi cũng nhớ là chúng tôi không có can thiệp được vụ nào có kết quả rõ rệt. Nhưng chúng tôi cũng tin rằng hoạt động đó của chúng tôi có góp phần bảo đảm an ninh cho dân làng. Chúng tôi cứ phải đi với nhau 2 - 3 người là vì dù sao chúng tôi cũng còn bé và còn sợ ... ma.
Những hoạt động này kéo dài cho đến về sau này, khi hoạt động bí mật, thì chúng tôi là những đội viên thiếu niên bảo đảm an toàn và đưa đón cán bộ cấp trên về sống và hoạt động trong xã. Chúng tôi đón cán bộ đưa về chỗ ở, bố trí người canh gác và tiếp tế lương thực, đưa tin tức cho các cán bộ cấp trên về hoạt động trong xã. Đó là vào những năm 1940, chúng tôi bắt đầu bước vào tuổi thanh niên.
Ngày 2l/4/1997 chúng tôi có dịp họp mặt nhau 4 người. Ở Hà Nội có tôi, ông Vũ Trọng Kiên, ông Tô Hữu Hạnh và ở thành phố Hồ Chí Minh ra có vợ chồng ông Võ Quang Anh. Chúng tôi họp mặt ở nhà ông Vũ Trọng Kiên, có ông Hạnh đã 78 tuổi và 3 chúng tôi bằng tuổi nhau (đều 74 - 75). Anh Hạnh còn rất khỏe và đi tập đều ở Câu lạc bộ. Chúng tôi gặp nhau một buổi, ôn lại những kỷ niệm cũ và bảo nhau ghi lại như trên đây, tôi ghi. Cuộc gặp nhau xúc động và rất vui vẻ.
 Tôi còn có một nhóm bạn khác, khi tôi đã học Trung học. Sau 1938 tôi đỗ bằng Certificat (cao đẳng tiểu học), mẹ tôi lại chăm lo và khuyến khích tôi đi học nữa và tôi phải đi Hà Nội để học tiếp Trung học. Nhà tôi nghèo không có tiền ăn và tiền học. Mẹ tôi phải đi gặp gỡ các bạn của bố tôi trước, nhờ các cụ giúp đỡ. Và mẹ tôi gửi tôi ở nhà chị cả lấy chồng ở Hà Nội. Mẹ tôi chỉ lo được một tháng 3 đồng bạc đưa cho chị tôi, gọi là trả tiền ăn. Còn tiền học thì nhờ ông bạn bố tôi có người quen mở trường tư giúp đỡ cho tôi được học không phải nộp học phí. Trường đó lúc đó gọi trường Hàng Đẫy (tiếng Pháp là Duvillier) ở phố Hàng Đẫy nay gọi là phố Nguyễn Thái Học - Hà Nội. Tôi học được hết năm thứ nhất (Thành chung) và nửa năm thứ hai. Rồi vì tôi cũng chán học và vì không có tiền, nên tôi bỏ học để về quê tham gia hoạt động cách mạng, lúc đó là cuối năm 1939 đầu năm 1940. Trong 2 năm học ở trường, Anh P.L và anh K. Đ. thành một nhóm chơi thân với nhau : Anh P.L chơi đàn ghita hawaii, anh K.Đ làm thơ, tôi thì thích văn chương. Cả 3 người đều thuộc loại nhà nghèo nên gắn bó bênh vực nhau chống lại sự khinh bỉ và bắt nạt của cánh con nhà giàu.
Sau năm 1940, thì mỗi người một số phận đi theo một ngả đời, cho đến năm 1975, không gặp mặt nhau, tuy vẫn hỏi thăm tin tức về nhau.
Anh P.L. sau đó đi học nông nghiệp ở Pháp và Anh, rồi thành một chuyên gia nông nghiệp tầm cỡ dưới chính quyền của Diệm và Thiệu. Anh chỉ thích làm chuyên môn mà không quan tâm chính trị và không màng quan chức. Sau năm 1975 vì hoàn cảnh gia đình, anh sang Mỹ và sống với gia đình (Vợ anh và 3 con anh). Anh sống ở mức sống trung lưu vì chị ấy và các con anh đều làm việc và có lương. Anh không phải dựa chút nào vào trợ cấp xã hội của Mỹ. Anh có trang trại nhỏ vì anh vẫn thực hiện chuyên môn của anh ở trong trại anh. Tôi nhận thấy anh là một người yêu nước, cương trực và trọng nghĩa khí, có kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn cao. Nhưng rất tiếc cho anh ít gặp điều kiện thuận lợi để sống được như ý mình.
Còn anh K. Đ thì do nhận một nhiệm vụ của cách mạng, anh phải sống suốt từ năm 1954 đến 1975 ở Sài Gòn và cũng có 4 người con trai, hiện các cháu của anh đều làm ăn và sống ở nước ngoài. Chị vợ anh đã mất từ lâu (khoảng những năm 80). Anh đã tái hôn với một bà khác và có nhiều cháu nội. Sau 1975, tôi liên lạc ngay được với anh K.Đ ở Sài Gòn, và chúng tôi lại khôi phục tình bạn xưa kia. 
Sau đó ít lâu, tôi liên hệ được với anh P.L trong một dịp anh về thăm lại Tổ quốc (hình như vào khoảng 90 hay 91). Từ đó chúng tôi cũng hay gặp nhau nhất là trong các dịp anh P.L về nước. Anh đã đưa 2 con trai của anh ở Mỹ về cưới vợ trong nước, một cô ở Sài Gòn và một cô ở Đà Nẵng. Cũng đôi khi 3 chúng tôi gặp nhau, cùng ngồi ôn lại những kỷ niệm xưa, và rất lấy làm vui sướng. Ba chúng tôi bằng tuổi nhau hoặc có chênh lệch thì chỉ một tuổi. Tuy 3 cuộc đời cách biệt và xa lạ nhau nhiều nhưng chúng tôi gặp lại nhau thì những tình cảm và kỷ niệm thời niên thiếu lại quyện chặt với chúng tôi. Kể ra cả 3 chúng tôi đều còn sống và gặp nhau vào lúc tuổi đã ngoại 70, trong hoàn cảnh đất nước đã hòa bình và đang phát triển. Chúng tôi đều thấy quãng đời hơn 50 năm của mỗi người đều có những ý nghĩ và ý vị rất lý thú.

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012)  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét