Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2024

Mấy em Giải phóng


Anh T.V.,
Trước đây có lần được nghe qua đài các bài viết về anh bộ đội và nhất là bài “Anh bộ đội tuổi hai mươi”, tôi rất thích lối nhận xét và lối phác họa của tác giả. Đã từ lâu tôi muốn trao đổi với anh về những cán bộ và chiến sĩ trong quân giải phóng miền Nam, nhưng loay hoay mãi chả biết bắt đầu thế nào. 


Anh Trần Độ chọn chủ đề “Anh bộ đội” và giải thích quá trình lịch sử và ý nghĩa của chữ “Anh bộ đội”, tôi thấy rất hay. Tôi chọn những chữ “Mấy em giải phóng” để nói chuyện với anh. Vì tôi cảm thấy mấy chữ đó cũng có ý nghĩa nhiều mặt. Ở trong này, hồi chín năm thì tiếng “Anh bộ đội” hoặc anh Vệ Quốc đoàn cũng là tiếng phổ biến trong mọi lứa tuổi để gọi bộ đội của mình. Tiếng đó nói chung là thân thiết, nó biểu hiện một mối quan hệ thân mật, khái quát, nhưng đến bây giờ, họ hàng của bộ đội mở rộng quá rồi. Các lớp “Anh” ngày xưa nay trở thành “chú, bác” cả. Những người kêu bộ đội là anh ngày xưa thì bây giờ có rất nhiều em, con và cháu vào bộ đội rồi. Như vậy là tiếng anh bộ đội nó có một lịch sử của nó và bây giờ người ta tuỳ lứa tuổi mà kêu anh Giải phóng, chú Giải phóng, em Giải phóng, con Giải phóng, mấy đứa Giải phóng, v.v… Có đôi lần tôi thấy mấy bác nông dân lớn tuổi trong lúc hết sức xúc động kêu lên “Mấy em Giải phóng, xông lên đi!”. Đó chỉ là đột xuất nhưng những chữ đó lại cứ vang vọng mãi trong tâm hồn tôi một âm điệu kỳ lạ. Đó là những tiếng nói thốt ra trong lúc mối căm thù bị kích động cao độ đối với kẻ thù và tình thương yêu dạt dào nhất đối với người thân, hai tình cảm hòa vào nhau thành một tình cảm cách mạng âu yếm động viên nhau chiến đấu. Anh có thấy thế không? Tôi cứ rung động mãi về những tiếng ấy, nhớ lại hồi đầu kháng chiến, Hồ Chủ tịch nói với các chiến sĩ thủ đô một câu: “Các em quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và gần đây Hồ Chủ tịch còn nói Quân đội Nhân dân có người em oanh liệt là Quân Giải phóng thì tôi lại càng thấy câu “Mấy em Giải phóng” thật là đầy ý nghĩa đậm đà. Ngay tôi nói chuyện với anh đây há chẳng phải là một người em nói chuyện với một người anh ruột thịt đó sao?


Mỗi lần nghĩ đến các chiến sĩ cán bộ của Giải phóng quân, tôi không làm sao có được một hình ảnh khái quát tổng hợp (dù chỉ về hình thức) mà cứ hàng ngàn hình ảnh khác nhau phong phú, sinh động chen lẫn và nhảy múa trong tôi. Đó không phải chỉ là vì chúng tôi chưa có đồng phục đẹp đẽ như các anh. Nhưng vì trong này bất cứ ai thoát ly gia đình đi làm cách mạng cũng tức là đi Giải phóng, đi đầu quân, đi tân binh cả, gần thì lên Huyện, Tỉnh, xa thì đi Khu, Miền và chúng tôi có nhiều binh chủng đặc biệt như giao liên, vận tải, bảo vệ, v.v... đều có vũ trang, có chiến đấu nhưng chẳng thuộc một hệ thống đơn vị bộ đội nào. Tất cả nhân viên, y tá, đánh máy, cấp dưỡng cả nam lẫn nữ ở cơ quan cũng đều có lý do để tự thấy mình là Giải phóng vì cũng lưu động, võ trang, có thắt lưng và bi-đông, có mũ và dép cao su và quân sự hóa cả.
Trong các đơn vị Quân Giải phóng, mỗi người đều có một lịch sử đấu tranh đại khái là bé thì làm việc liên lạc đưa thư giúp việc mấy chú, lớn một chút thì làm du kích, tự vệ công khai hoặc bí mật (cũng gọi là hợp pháp) rồi theo lời kêu gọi từng đợt “đi Tân binh”, “xây dựng lực lượng” có những người thì vẫn giữ những tên cũ như : Chun, Nú, Củi, Kèn, Đậu, Búa, v.v... nhiều người thì đổi tên : Quyết Chiến, Quyết Thắng,... Ở đâu anh cũng sẽ gặp rất nhiều người tên là “Chiến” và tên là “Thắng”,... Có chú còn nhỏ tuổi tên là Chiến nhưng hỏi ở nhà tên gì, chú bẽn lẽn trả lời: tên là Đực. Đáng chú ý là các chú bé này. Các chú hoặc trốn theo bộ đội hoặc nói dối tăng lên vài tuổi để được đi bộ đội, mỗi khi gặp người lạ, các chú đều nghiêm nghị khô khan trả lời các câu hỏi chuyện một cách rất lạnh lùng. Các chú phải tỏ ra là người lớn mà. Nhưng khi hỏi kỹ thì ngay trong đơn vị, các chú còn nhiều khi giận lẫy với cán bộ không ăn cơm, thỉnh thoảng nhớ ba má còn khóc vụng. Nhưng chú nào cũng say chiến đấu, coi chiến đấu như một trò chơi hấp dẫn kỳ lạ, cũng tự hào là mình đi làm cách mạng như các chú, các bác hồi chín năm. Còn các bạn thanh niên đã lớn tuổi thì sống thoải mái hơn. Các anh em đó sống không tính toán, mối thù gia đình quê hương đã trở thành một khía cạnh thường xuyên trong tâm hồn; ai cũng nói về mối thù của mình như một chân lý của cuộc đời, ai cũng chấp nhận cuộc đời chiến đấu gian khổ như một chuyện dĩ nhiên. Hầu như trong tâm hồn nồng nhiệt giản đơn và trong sáng của họ, dân tộc Việt Nam phải làm cách mạng là điều dĩ nhiên và cách mạng nhất định sẽ thắng cũng là điều dĩ nhiên. Hồi chín năm, cha anh đã làm thế và đã thắng được một nửa thì bây giờ ai làm rồi cũng sẽ thắng, làm cách mạng đã trở thành một lẽ sống. Họ nói chuyện với nhau những chuyện hoạt động xưa của mình như canh gác cho cán bộ, đi phá đường, giật mìn, trừ gian, đánh bốt, đấu tranh chính trị cũng hồn nhiên, bình thản như khi nói những chuyện làm lao động, làm ăn ở nhà như đánh cá, làm ruộng, lượm trái cây, cất nhà vậy. Họ coi cuộc đời chiến đấu ác liệt hiện tại như một học sinh học lên lớp mười, hứng thú hơn, phong phú hơn. Trong trận Đồng Xoài, có đồng chí chiến đấu liền hai đêm một ngày, bị thương hai lần, khi nằm trên cáng về bệnh viện vẫn tươi cười nói với mọi người: “Đánh thế... mới đã”. Các em “nữ Giải phóng” cũng gây cho tôi những ấn tượng xúc động. Các cô là y tá, đánh máy, vận tải, thông tin, cấp dưỡng. Ngày Tết các cô thường rấm rứt khóc nhớ nhà, nhớ bạn, chia tay nhau các cô cũng khóc, thương anh em các cô cũng khóc. Nhưng ngay trong tiếng nổ tàn bạo của bom, đạn, tiếng cười các cô cũng giòn tan và vượt lên những nốt thật cao, thật trong sáng. Các cô đối với sự nghiệp cách mạng cũng trung hậu thiết tha như tình yêu và tình mẹ. Một cô cấp dưỡng gặp pháo bắn dồn dập vẫn bò đi thu dọn nồi, soong, chén, đũa, ... Xong rồi cô lại cười khanh khách và thật thà nói với các bạn: “Tao sợ quá, cuống tay lên, nhưng chết thì chết tao không để mất đồ của đơn vị, mất đồ đơn vị đói thì sao?”. Những thanh niên nam nữ đó ít được học nên ít biết Ốt-stơ-rốp-ki, Tôn-xtôi, Bét-tô-ven, v.v… như các anh, các chị ở miền Bắc, tuy cũng như thanh niên miền Bắc, chất liệu làm nên con người họ vốn đã là chất liệu cách mạng. Họ gần gũi thiên nhiên hơn, có rất nhiều tình cảm hồn nhiên và nồng nhiệt. Họ làm cách mạng cũng như măng phải mọc thành tre, mặt trời phải có tia nắng ấm. Giản đơn mà sâu sắc, sâu sắc đến mức tự nhiên, ít tính toán. Tôi có gặp một anh chàng mặc áo luôn phanh ngực, quần chẳng có thắt lưng, dép thì một chiếc Thái Lan, một chiếc bằng lốp xe, ăn cơm phải đi mượn ca, hành quân uống nước nhờ, gia tài chỉ có cái võng, miếng ni-lon và cái mùng với một khẩu súng. Tôi rất lo lắng về phong thái của anh ta. Nhưng các bạn anh ta kể chuyện một lần anh đi lĩnh đạn súng cối gặp máy bay oanh tạc, anh nắm tay đồng đội kéo nhau nằm úp lên đống đạn súng cối. Sau khi hết oanh tạc, anh phủi quần áo phanh ngực và cười hì hì mà nói: “Như thế rủi có sao vẫn giữ được đạn cho cách mạng”. Đó là một sự việc cụ thể có tính chất cá biệt. Nhưng cái tâm hồn cách mạng ấy là nét chung của các anh chị em trong Giải phóng quân đấy anh T.V. ạ. Tuy vậy, luộm thuộm quá cũng không là tốt phải không anh?

Ảnh: Cùng các chiến sĩ Quân Giải phóng trên đường hành quân
 Anh T.V. ơi!
Thế là loay hoay mãi tôi vẫn chưa vào đề nói chuyện được với anh. Bây giờ mới bắt đầu đây. Tôi bắt đầu kể với anh những con người tiêu biểu cho chúng tôi nhé, tôi kể anh vài nét mà tôi đã được thấy khi được sống giữa những người anh hùng trong Đại hội anh hùng của Quân Giải phóng 1965 nhé.
* * *
Trong những ngày nắng đẹp cuối tháng tư năm 1965, tôi được đến khu Hội trường để ở đó được gặp một cảnh khái quát thu nhỏ của miền Nam căm thù và chiến đấu. Đó là những con người với cả cuộc đời thật sự của mình cũng như những sự tích anh hùng trong lịch sử đấu tranh của mình từ Quảng Nam, Bình Định, Thừa Thiên, Tây Nguyên, Bình Thuận đến Gia Định – Sài Gòn, Bến Tre, Tân An, Mỹ Tho, Trà Vinh, Cà Mau.
Đó là những anh hùng của một thời kỳ của cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam, thời kỳ chống khủng bố, võ trang tự vệ đồng khởi, đánh du kích và bước đầu xây dựng lực lượng vũ trang. Mỗi người trước khi trở thành anh hùng đều bắt đầu bước đường cách mạng của mình một cách hết sức khác nhau, nhưng đều hết sức giống nhau ở một điểm yêu nước, thương dân, tự hào dân tộc. Nhưng lòng yêu nước ấy lại bắt nguồn từ những nỗi bất bình đối với tàn bạo, mối căm thù đối với cảnh nhà tan nước mất và tinh thần phản kháng của những người cùng khổ, những nỗi bất bình ấy, mối căm thù ấy, tinh thần phản kháng ấy được ánh sáng cách mạng chiếu vào sáng bật lên như kim cương và lóe ra những tia sáng của các hành động anh hùng. Ánh sáng của đường lối cách mạng đã biến những nỗi niềm u uất của từng số phận con người cùng khổ nô lệ thành những sức mạnh vĩ đại. Trước đây trong xã hội ta đã chẳng có hàng ngàn hàng vạn dòng nước mắt, ngàn vạn giọt máu âm thầm ngấm trong đất ẩm, lôi cuốn hàng vạn số phận âm thầm trôi qua đó sao ? Nhưng có ánh sáng Cách mạng một sức mạnh vĩ đại vụt lớn lên thần kỳ như gậy sắt Phù Đổng vậy. Chắc anh đã gặp Mười Lý, Huỳnh Đảnh, Trần Dưỡng và Vai rồi chứ gì ? Đấy Mười Lý, cô thiếu nữ mảnh dẻ, dịu hiền và hiếu thảo có mái tóc “cổ điển” chải sát miết vào đầu, với đường ngôi rất thẳng, đôi mắt rất trong, tiếng nói rất uyển chuyển. Nhưng chính lòng trung hậu của chị không thể bị tàn bạo, đảo điên làm mờ tối, đã đưa chị thẳng bước trên con đường chính nghĩa. Tấm lòng yêu thương tha thiết và trong sáng của chị vì những nghịch cảnh của một chế độ bán nước và tình cảm nồng hậu của chị đã làm cho chị yêu thương cách mạng và căm thù phản động. Đối với cách mạng, chị hồn nhiên, trong trắng đến ngây thơ, nhường trên nhịn dưới, thảo ngay thẳng thắn. Nhưng đối với quân phản động cướp nước, chị dũng mãnh mưu cơ như một chiến sĩ lão thành.
Nhưng anh T.V. ạ, trong hai nữ anh hùng thì phải nói chị Út Tịch đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc, nhiều suy nghĩ và nhiều bài học. Chị đến Đại hội hơi chậm, mãi buổi bế mạc chị mới đến. Chúng tôi mong chị quá trời. Chị đến, cả Đại hội hừng lên một niềm hứng phấn dạt dào. Chúng tôi đón chị như đón một vị tướng ở mặt trận mới về và cũng như đón một người chị thân yêu. Việc trước tiên là chúng tôi phải kiếm trầu cau cho chị, vì không có trầu cau chị không nói chuyện được. Hình như đời chị bẩm sinh ra để mà phản kháng, mà chiến đấu. Hồi còn nhỏ, năm lần đi ở với địa chủ thì ba lần chị phản kháng hoặc đánh lại, hoặc chửi lại rồi bỏ đi. Số phận của chị tưởng chừng như bị dìm sâu trong chuồng heo, chuồng trâu và bãi bùn đen trên bờ ruộng. Nhưng chị không chịu, chị vùng lên và khi gặp cách mạng thì sức vùng lên của chị có chỗ dựa lại càng mãnh liệt hơn bao giờ hết. Trước đây chị phản kháng bằng cách giằng lại củi của địa chủ mà đánh lại nó, ngày nay chị có vũ khí trong tay, chị say mê vũ khí, nắm chắc vũ khí, chị gắn chặt mình vào tổ chức cách mạng, vì đối với số phận của chị chỉ có cực khổ, gian lao nguy hiểm thì cũng là sống tự do, ngẩng đầu lên mà sống. Chị có người bạn đời lý tưởng là anh Tịch, hai vợ chồng bàn việc làm ăn, nuôi con thì ít mà ngày đêm bàn việc sử dụng vũ khí và chiến đấu cho cách mạng.
Người chị hết sức nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, rắn chắc, mái tóc chị búi qua loa cẩu thả, đôi mắt chị to tròn, sắc sảo và thẳng thắn, đôi mắt ấy nhìn vào ai cũng như nói với người đó: “Tôi Út Tịch là thế này đây, tôi chỉ biết làm cách mạng, anh hay chị có làm cách mạng không?” Đôi môi chị mỏng căn chỉ quết trầu màu đỏ sẫm rất ăn với nước da bánh ít hơi khô trên khuôn mặt chị. Chị ăn trầu luôn miệng và chị đi đánh giặc phải có hai thứ : súng và trầu. Chị không biết lạ và không biết e ngại, gặp chúng tôi chị ngồi bó gối trên ghế, lấy khăn rằn quấn vội lên đầu, cầm trầu ăn rồi bắt đầu nói chuyện, tiếng chị nói giòn tan. Chị nói lộn xộn không có thứ tự thời gian và thích nhắc đi nhắc lại những chuyện mà chị thích. Chị kể chuyện chị đi đường gặp bọn lính ở một bót nọ soát giấy và nghi ngờ giam giữ chị. Chị nhìn quanh bót và nghĩ thầm : “Phải bót này ở Cầu Kè thì mình có cách lấy dễ như chơi”. Thấy một tên ngụy binh vẻ buồn thiu, chị nghĩ : Tên này ta có thể “binh vận”, giải thích cho nó được đây. Ở nhà, chị làm binh vận cũng vất vả lắm, chị nhiều ý nghĩ nhưng không biết nói ra làm sao, chị nghe ra-đi-ô, nhớ lấy, đi nói hết rồi lại phải về nghe ra-đi-ô mình mới nói tiếp được. Chị không biết chữ, chị chỉ biết vẽ ký hiệu, chị làm cách mạng rất tự nhiên và giải quyết mối quan hệ giữa gia đình và cách mạng cũng rất tự nhiên. Chị cứ đi chiến đấu, đi tuyên truyền, bà con cô bác lối xóm thương chị lại trông nom cho con chị. Chị yên tâm lại cứ đi làm tới mãi. Bà con cô bác lại càng thương. Chị nhiều chất xã hội chủ nghĩa trong người lắm. Chị có nhiều đặc tính của người vô sản. Trung ương Hội Phụ nữ Giải phóng tặng chị mười lăm thước vải, chị để ở nhà, đi vắng, nên bị lấy trộm, về, chị cười nói: “Người ta nghèo hơn mình, người ta mới lấy”. Bà con thương, lại bù cho chị ít vải khác, chị lại đưa nộp xã để gởi cho đồng bào miền Trung đang bị lụt lội khổ sở hơn. Nhưng chị có một cái “tư hữu” đó là đạn và lựu đạn. Đánh được giặc thế nào chị cũng cất đi một ít để làm vốn riêng. Chị khoe với tôi “Tôi có một khạp lựu đạn cất riêng”. Tôi đùa chị: “Thế là chị lộ bí mật rồi”. Chị tỉnh khô, trả lời: “Anh có biết thì anh về nhà tôi, tôi đố anh tìm thấy được”. Chị xem phim “Nữ Hồng quân” của Trung Quốc, chị khóc và thấy cảnh trong phim giống chị quá và chị thương chồng vì hai vợ chồng cùng cảnh. Chị xem văn công thì lại phấn khởi nói to lên tất cả ý nghĩ và cảm hứng của mình.
Anh T.V. ơi! Tôi biết nói thế nào nữa về chị Út đây, tôi không có cách nào nói ra những cảm xúc của tôi cả, tôi cứ suy nghĩ miên man về sức mạnh cách mạng trong quần chúng, về sự kỳ diệu của tư tưởng cách mạng, của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Tất nhiên các đồng chí lãnh đạo đã nhắc nhở chị Út học tập nhiều hơn, nhưng sao tôi thấy hầu như chị đã là một hình tượng nghệ thuật rất hoàn chỉnh và lý tưởng mà thực 100 phần trăm về một lớp người cách mạng. Tôi so sánh thầm: Đây là Cha-pa-ép Việt Nam và đây cũng là một “Giải phóng” thân yêu của bà con cô bác ở Trà Vinh đấy.
Nếu chị Út luôn luôn biểu hiện rõ vẻ đảm đương, bộc trực, nhanh nhẹn bao nhiêu thì Bi-năng-tắc, người cán bộ già năm mươi lăm tuổi mà nhiều anh em chúng tôi kêu là Bác Hai, lại lặng lẽ, chậm rãi bấy nhiêu. Tóc Bác đã hoa râm, người Bác cằn cỗi, rắn chắc toát lên vẻ một cây cổ thụ uy nghiêm vững chắc đã mấy chục năm gội gió dầm sương. Bác có khuôn mặt vuông, khắc khổ và hai gò má cao, nước da bánh ít làm cho bộ mặt thường u uất, đôi lông mày xám nhạt rậm rạp phủ che bớt ánh sáng của đôi mắt đầy đăm chiêu tư lự làm cho tôi luôn luôn thấy Bác đang suy nghĩ để giải thích một vấn đề gì cho dân hiểu. Tuy thế, Bác cười luôn, khi Bác cười, đôi hàm răng đó nở ra một ánh sáng kỳ lạ hòa với ánh sáng của đôi mắt xám làm cho bộ mặt bừng lên một niềm vui giống hệt niềm vui hồn hậu của một ánh lửa đêm nhảy nhót trong một cánh rừng già. Bác nói tiếng Kinh không đúng vần và dấu, nhưng Bác diễn tả ý nghĩ của mình rất sáng sủa. Nhìn vẻ người của Bác, đôi cánh tay chai rám và gân guốc như dây luộc, chúng tôi thấy rất rõ được cuộc đời “đói cơm lạt muối” của Bác và của gia đình Bác. Bác phấn khởi khoe với chúng tôi con Bác đã đi Giải phóng và trong ánh mắt lại thấy có ánh lửa rừng nhảy nhót, …
Cuộc đời của Bác là một cuộc đời đầy tình thương : thương cán bộ, thương Đảng, thương cách mạng, thương vợ, thương con, thương đồng bào. Tất cả những tình thương ấy hòa hợp với nhau, hỗ trợ cho nhau làm tăng thêm lòng căm ghét kẻ địch. Làm cho Bác giải quyết các vấn đề phức tạp từ chỗ gia đình êm ấm, đoàn kết các dân tộc, đến chỗ tổ chức đánh giặc đều hợp lý và có những nét độc đáo.
Phạm Văn Hai thì trái ngược cả với hai người. Anh người nhỏ nhắn, trắng trẻo, trán cao, khuôn mặt vuông vắn, hiền lành, đi đứng điềm đạm, ăn nói nhỏ nhẹ, mái tóc thì đen nhánh mà miệng lại luôn luôn mỉm cười. Đến dự Đại hội anh hùng, anh gặp cả em ruột là chiến sĩ thi đua. Nhìn vóc vạc của chị Út mà nghe chị kể cuộc đời năm lần đi ở đợ cũng dễ tưởng tượng; nhìn mặt và tay Bác Bi-năng-tắc mà nghe Bác kể có lúc sáu tháng ăn lá gió để sống cũng thấy rõ được ngay. Nhưng nhìn con người Phạm Văn Hai, nếu anh còn nhỏ tuổi một chút thì ai cũng thấy anh là một học sinh trường kỹ thuật nào đó, mà nghe kể cuộc đời sôi nổi : hai lần bị bắt, hai lần vượt, hai lần kẻ thù kêu án tử hình vắng mặt, cuộc kháng chiến trước cùng anh hùng Bùi Văn Ba lập công đầu trong trận đánh kho bom Phú Thọ Hòa, cuộc kháng chiến này vào sinh ra tử, sống như “Nam tước Phôn-gon-rinh” chỉ huy các trận đánh tàu Card, rạp Kinh Đô, là người chỉ huy và trao nhiệm vụ cho Nguyễn Văn Trỗi, v.v… thì thật không ai tưởng tượng nổi. Một con người đã cùng đồng đội xuất quỷ nhập thần làm rung chuyển thành phố Sài Gòn mà khi đi hỏi vợ thì run như bị sốt rét, cấu nát cả chiếu nhà mẹ vợ. Đấy, con người anh hùng của chúng ta là thế đấy. Ở xa nghe nói thì tưởng bịa, nhưng ở đây tôi ngồi đây và Phạm Văn Hai trước mặt tôi đây, tôi nói chuyện với anh mà tôi nói nhiều hơn anh nói. Nghe những chiến công lẫy lừng của anh, người tôi như muốn nhảy lên, nhưng anh vẫn điềm nhiên như nói câu chuyện làm ăn quen thuộc hàng ngày. Chỉ thấy anh nói nhiệm vụ Đảng giao và các đồng đội anh làm mà anh không nói gì về việc cụ thể của anh. Chỉ thấy anh bộc lộ bất bình căm thù, đau xót khi anh kể những cảnh khổ của đồng bào, thậm chí có chuyện lúc anh đi hoạt động gây cơ sở, có chỗ đồng bào thấy bóng anh đi đêm tưởng ăn trộm bắt đánh anh, anh cũng kể lại với một giọng xót thương thông cảm. Anh kể chuyện anh gặp Nguyễn Văn Trỗi rồi tự nhiên anh sôi nổi hơn bình thường một chút, nói nhanh lên cảm tưởng của anh: “Anh Nguyễn Văn Trỗi hiền lành lắm, sau này khi thấy Trỗi anh hùng như vậy, tôi mới nghiệm thấy là phàm người nào có lương tâm trong sạch, tính tình nhuần nhị, thì thế nào cũng là những người tốt, mới gặp, tôi chỉ mến Trỗi ở chỗ hiền lành!”. Anh làm những chuyện thật ly kỳ, nhưng anh không hề thấy ly kỳ, lúc nào anh cũng tin vào đường lối cách mạng, tin vào nhân dân. Anh cứ đi thẳng với nhân dân lao động, thuyết phục và lần nào anh cũng thành công. Có lần anh cùng hơn mười đồng đội đột kích vào một bót ở giữa một khu địch kiểm soát, sau trận đánh, toàn đội bị thương, thế mà anh cứ dựa vào nhân dân, anh đưa toàn đội vượt nhiều vòng vây địch về căn cứ an toàn.
Nếu chị Út là một cố nông hừng hực lửa căm thù, luôn hăm hở chiến đấu thì anh Hai là một công nhân giác ngộ sâu sắc quyền lợi của giai cấp và đường lối đấu tranh, luôn bình tĩnh gan dạ lãnh đạo mọi người hoàn thành các nhiệm vụ cách mạng.
Chắc anh gặp Trần Dưỡng, Huỳnh Đảnh và Vai rồi nhỉ. Tôi cũng không biết nói gì thêm, tôi chỉ muốn nói những cảm xúc của tôi khi nghe cuộc đời của Dưỡng. Đế quốc và bọn Việt gian bán nước đã giết cả mẹ và cha Dưỡng một cách thảm thương và cũng chính vì thế đẩy Dưỡng vào con đường báo thù nhà, đền nợ nước. Chúng muốn đẩy những thanh niên như Dưỡng vào con đường nô lệ, đày đọa, nhưng Dưỡng đã hun đúc chí căm thù và cách mạng đã đưa Dưỡng vào con đường cứu nước, cứu nhà. Chính Dưỡng đã nói có lý khi bọn giặc kêu: “Việt cộng nhỏ con”, Dưỡng bảo: “Nhỏ con nhưng bằng sắt, bằng đồng, chúng bây đụng vào đây xem có tóe lửa không?”. Đúng đấy, đó là thứ sắt, đồng của căm thù, nó còn nặng hơn cả hạt nhân nguyên tử, nó rắn chắc hơn kim cương. Nghe Dưỡng nói xong, tôi trông lúc nào Dưỡng cũng như nặng đến ngàn cân, hình như tôi cảm thấy được sức nặng của căm thù…
Vai, Đảnh đều là những thanh niên nghèo khổ, không cam chịu cuộc sống thấp hèn, đều kêu gọi đồng đội khi ngắm bắn phải có căm thù mới bắn trúng. Những lời đó cũng phảng phất như lời kêu gọi bất diệt của Nguyễn Viết Xuân “Nhằm thẳng vào đầu thù mà bắn” đã trở thành Đảng tính, trong kỹ thuật chiến đấu của quân đội cách mạng.
Tôi còn được gặp nhiều, nào là Nguyễn Minh Thu của tiểu đoàn Gi-rông, vừa kể chuyện vừa làm thơ. Câu chuyện lá cờ Gi-rông của anh đã làm cho nhiều nhà quay phim say sưa tưởng tượng. Nào là Lê Quang Công, người đại đội trưởng xung kích nhiều chiến công. Nào là Nguyễn Hội, Nguyễn Kim, những con người của gian khổ kiên trì rất mực. Nguyễn Văn Quý, một người cố nông ở tỉnh Gia Định hay nói cà lăm mà nhiều chiến tích kỳ lạ. Nguyễn Trung Thành, là Ngô Gia Khảm của miền Nam. Tôi còn được nghe những gương hy sinh của Nguyễn Văn Đừng gang thép, của Võ Hưng dũng sĩ Điện Bàn. Chúng tôi đã lặng người rưng rưng nước mắt khi nghe bản báo công tả cái chết rất cộng sản của anh Võ Hưng. Tôi còn được nghe cái chết của em Nguyễn Minh, giao liên ở Mỹ Tho khi bị thương tỉnh dậy thấy địch băng bó cho mình đã giựt băng ra, không thèm nhận và chửi vào mặt chúng. Tôi thấy cả một khí phách anh hùng của cả Trần Bình Trọng lẫn Trần Quốc Toản, v.v…
Anh T.V., một đức tính rất đáng yêu của các anh hùng ta là khiêm tốn, họ say sưa học tập lẫn nhau, nghe thành tích của ai họ cũng thấy là hơn của họ, họ lắc đầu le lưỡi. Còn việc của bản thân thì họ thấy rất tầm thường. Anh hùng Bi-năng-tắc rất phục khi nghe cô Tô Thị Huỳnh, chiến sĩ thi đua, mới mười chín tuổi hơn trăm lần đánh trận, bị chông đâm vào chân còn cùng đồng đội mang cả chông lội qua sông về căn cứ thì khen lấy khen để, nhưng Tô Thị Huỳnh thì lại lắc đầu le lưỡi trước cảnh sáu tháng ăn lá giò của Bác Hai. Cô nói: “Chúng em đánh giặc về có cháo gà ăn thì ai chả đánh được”.
Thôi, nói sao cho hết một lúc được hàng mấy chục cuốn tiểu thuyết dài rất sinh động và rất ly kỳ đó. Tôi chỉ kể thêm anh nghe là trong Đại hội này, tôi còn được gặp những người chưa được tuyên dương anh hùng, nhưng cũng đã rất anh hùng. Chính những người như Nguyễn Minh, Tô Thị Huỳnh là những người như thế đấy. Tôi còn gặp Nguyễn Văn Quận, một thanh niên cố nông đi ở đợ coi trâu, đó là một thanh niên thấp, mập, có đôi mắt nhỏ và miệng cười rất ngây thơ. Ngay từ nhỏ anh đã rất bất bình với những cảnh tàn sát khủng bố và bản thân bị cực khổ muốn tìm con đường thoát. Anh được biết đến Mặt trận và Quân Giải phóng, chính là qua những câu chuyện tán tụng của bọn lính ngụy, anh để ý dò tìm và anh tìm ra dấu vết của cán bộ Mặt trận, rồi anh liên lạc với cán bộ và được hướng dẫn hoạt động. Kẻ địch thường lải nhải “Việt cộng ép buộc dân chúng” nhưng sự thật là chính chúng là những kẻ ép dân chúng phải đi theo cách mạng. Khi Quận tham gia Quân Giải phóng ở địa phương, trong một trận đánh trái diệt xe, trái không nổ, anh vượt qua lửa đạn và đêm tối lấy trái về cho cách mạng, vì anh nghĩ cách mạng của những người nghèo, phải chắt chiu từng chút.
Anh T.V., anh có nghe tiếng Huỳnh Văn Bồi, một cán bộ vận tải giao liên tự mình trong một thời gian dài vừa công tác vừa tập luyện, cải tiến công cụ và động tác tiến tới một mình thường xuyên vác hơn một tạ hàng vận chuyển trên đường không? Anh có biết chiến sĩ đặc công Nguyễn Văn Hòa điều tra sân bay Sóc Trăng hơn một trăm đêm đi về gây cơ sở để tạo điều kiện mò vào trại sân bay không? Trong Đại hội, chúng tôi truyền tụng chuyện Mai Thanh Thế chặt tay để tiếp tục chiến đấu. Nguyễn Văn Khái dùng các-bin và lòng căm thù hạ trực thăng đã đành, chúng tôi còn sôi nổi trao đổi với nhau chuyện một chiến sĩ vứt lòng con mắt bị thương để tiếp tục chiến đấu, một chiến sĩ khác nát hai tay còn nhảy lên xe tăng đánh tan xe tăng địch, chuyện đồng chí du kích bị thương nặng, nhưng anh bắn rớt được máy bay địch, anh cứ thế đứng dang hai tay lên trời và hét lớn “Đã chưa? đã chưa?” cho đến khi tắt thở.
Ngành nào cũng có những chuyện anh hùng, chỗ nào cũng có những chuyện anh hùng. Những sự việc anh hùng như thế đều mang theo một tính chất giản dị hồn nhiên đầy lòng tự hào dân tộc. Có một nhà báo ngoại quốc bảo chúng tôi: “Tiêu chuẩn anh hùng của các đồng chí quá cao”. Chúng tôi không biết trả lời thế nào. Từ mấy năm nay chủ nghĩa anh hùng cách mạng lại đang được thấm sâu trong các lực lượng vũ trang và chắc chắn sẽ có dịp lại nói chuyện với anh những phẩm chất anh hùng và những hành động anh hùng kỳ diệu khác đang xuất hiện khắp nơi với mức độ ngày càng cao.
Thôi câu chuyện đã dài, xin ngừng bút ở đây và chắc anh cũng đồng ý như tôi. Quân Giải phóng đang trưởng thành đã và sẽ mãi mãi xứng đáng với truyền thống oanh liệt của cách mạng miền Nam, xứng là “Mấy em” dũng cảm, đáng yêu của tất cả bà con cô bác nhân dân lao động miền Nam.                      
Thân ái xiết tay anh
6-1966

(Trích Trần Độ tác phẩm, Tập I, Nxb Hội Nhà văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét