Thứ Tư, 5 tháng 6, 2024

Giáo dục quan điểm cách mạng tiến công trong việc đánh giá so sánh lực lượng địch, ta


Trong bất cứ thời kỳ nào của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xây dựng cho được một quyết tâm cao, chính xác trong các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng bao giờ cũng là một vấn đề quan trong bậc nhất, là động lực hàng đầu đối với việc đánh bại mọi kế hoạch chiến lược của Mỹ. 

Để xây dựng một quyết tâm như vậy, thực tiễn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã chỉ rõ rằng công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng phải tiến hành hàng loạt vấn đề quan trọng, trong đó việc giáo dục, lãnh đạo nâng cao nhận thức tư tưởng, quán triệt quan điểm cách mạng tiến công trong việc đánh giá so sánh lực lượng địch, ta qua từng bước phát triển của chiến tranh cách mạng nhằm biến quyết tâm của lãnh đạo thành quyết tâm của quần chúng là một trong những vấn đề mấu chốt.
1. Trước hết cần nắm vững mấy đặc điểm quan trọng sau đây của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vì những đặc điểm này tác động sâu sắc đến tình hình tư tưởng của bộ đội và đó cũng là một trong những căn cứ để tiến hành công tác tư tưởng nói chung, cũng như để xem xét vấn đề đánh giá so sánh lực lượng giữa ta và địch nói riêng.
- Một là, cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân miền Nam đang diễn ra trong thời đại mà kẻ địch tuy là một tên đế quốc có lực lượng kinh tế và quân sự giàu mạnh nhất trong phe đế quốc, nhưng lại ở vào thế bị động, thất bại, đang trên con đường suy yếu và thất bại của chủ nghĩa đế quốc, ngày càng có nhiều khó khăn, lúng túng không thể nào cứu vãn được. Còn nhân dân miền Nam ta, tuy ở trong hoàn cảnh của một dân tộc đất không rộng, người không đông, lực lượng kinh tế và quân sự có hạn, nhưng lại nằm trong cao trào cách mạng thế giới đang ở thế tiến công, đang đánh lùi từng bước, đánh đổ từng bộ phận, từng vị trí của chủ nghĩa đế quốc. Đặc biệt là nhân dân ta đang sống và chiến đấu trong thời đại thắng lợi không gì ngăn cản nổi của chủ nghĩa xã hội, của phong trào giải phóng dân tộc, lại được sự giúp đỡ và cổ vũ hết sức mạnh mẽ, to lớn về tinh thần cũng như vật chất của phe xã hội chủ nghĩa và phong trào cách mạng thế giới.
- Hai là, kẻ thù của nhân dân ta là tên đế quốc đầu sỏ, hung hãn, tên trùm phản động, xâm lược và bóc lột lớn nhất, tên sen đầm quốc tế. Nó có nhiều tiền của và vũ khí đi đôi với một hệ thống tư tưởng, lý thuyết phản động, thối nát của bọn đế quốc trong thời kỳ sụp đổ và giãy chết. Đó cũng là nơi tập trung những kinh nghiệm xâm lược, thống trị và bóc lột của chủ nghĩa thực dân. Bằng chính sách thực dân kiểu mới, đế quốc Mỹ đã xâm nhập và cố bám lấy miền Nam nước ta ; chúng đã điên cuồng tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới mà đặc điểm nổi bật của nó là tính chất lừa bịp mị dân, giấu mặt, trá hình dưới cái vỏ độc lập, dân chủ giả hiệu, dưới những hình thức “viện trợ” kinh tế, quân sự, những “cam kết” với bọn tay sai. Đồng thời đế quốc Mỹ đã huy động một bộ máy quân sự khổng lồ, một đội quân viễn chinh hơn nửa triệu và đã dùng hầu hết các thứ vũ khí hiện đại, các thủ đoạn cực kỳ tàn bạo, phát xít để tiến hành xâm lược và thống trị miền Nam.
- Ba là, đi đôi với chính sách dùng bạo lực để tiến hành chiến tranh xâm lược là chủ yếu, đế quốc Mỹ còn dùng chiến tranh tâm lý, coi đó là một vấn đề chiến lược, một trong những thủ đoạn cơ bản để tiến hành chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới. Vốn là sản phẩm của thế yếu, chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của Mỹ càng tăng cường bao nhiêu thì chúng càng ráo riết đẩy mạnh chiến tranh tâm lý bấy nhiêu mà đặc điểm cơ bản của nó là khoe khoang sức mạnh to lớn về quân sự và kinh tế của Mỹ, rêu rao “thiện chí hoà bình”, vu khống, xuyên tạc, bưng bít, bóp méo sự thật, đảo lộn phải trái, trắng đen, gây tâm lý cầu an, khiếp sợ Mỹ, gây ảo tưởng để từng bước uy hiếp, phá hoại trận địa tư tưởng cách mạng của quân và dân ta mà thực chất là cuộc phản công điên cuồng về tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc đứng trước nguy cơ sụp đổ và diệt vong.
- Bốn là, trong cuộc đấu tranh quyết liệt, phức tạp để chống lại kẻ thù rất hung hãn, thâm độc đó, đường lối của ta xuất phát từ tư tưởng lấy bạo lực cách mạng của quần chúng chống lại bạo lực phản cách mạng. Sức mạnh của quân và dân ta không phải chỉ là sức mạnh của lực lượng vũ trang mà là sức mạnh tổng hợp của cả hai lực lượng quân sự và chính trị của đông đảo nhân dân. Đường lối đấu tranh của ta luôn luôn kết hợp chặt chẽ đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, giữ vững và phát huy thế cách mạng tiến công đánh địch bằng cả quân sự, chính trị và binh vận, kết hợp đấu tranh ở cả ba vùng chiến lược đồng bằng, thành thị và rừng núi. Chúng ta không ngừng phát huy cao độ ưu thế tuyệt đối về chính trị và tinh thần của quân và dân ta để lần lượt đánh bại các âm mưu, thủ đoạn quân sự, chính trị của địch, giành thắng lợi từng bước tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.
Chính những đặc điểm nói trên đặt ra cho ta phải làm sao cho bộ đội nhận rõ địch, đánh giá đúng sức mạnh tạm thời bề ngoài, chỗ yếu cơ bản và thế đi xuống của chúng, đồng thời đánh giá rõ sức mạnh vô tận và vô địch về chính trị, tinh thần và vật chất của nhân dân ta để luôn có một quyết tâm sắt đá dám đánh và biết thắng Mỹ.
2. Quá trình xây dựng và củng cố quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược là một quá trình giáo dục nâng cao nhận thức, tư tưởng để đánh giá đúng đắn so sánh lực lượng giữa ta và địch.
Trong quá trình chiến đấu để đánh bại các kế hoạch chiến lược của đế quốc Mỹ, trên lĩnh vực công tác tư tưởng vấn đề đánh giá so sánh lực lượng địch, ta trở thành một vấn đề then chốt, được các cấp lãnh đạo đặc biệt quan tâm làm đi làm lại nhiều lần trong các lực lượng vũ trang nhân dân. Hiện nay và mãi mãi sau này, chắc chắn vấn đề lãnh đạo, giáo dục nâng cao nhận thức tư tưởng trong việc đánh giá so sánh lực lượng địch, ta vẫn là một trong những vấn đề quan trọng nhất phải luôn luôn đặt lên hàng đầu trong nội dung xây dựng quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của công tác tư tưởng. Cho nên, có thể nói rằng nếu như những thắng lợi to lớn liên tiếp trên chiến trường của quân và dân ta trong 14 năm qua không tách rời với những thắng lợi to lớn của công tác tư tưởng thì quá trình trưởng thành về mặt chính trị, tư tưởng trong các lực lượng vũ trang nhân dân cũng là quá trình đấu tranh tư tưởng để nhận thức và đánh giá đúng đắn so sánh lực lượng giữa địch và ta.
Nhìn lại quá trình phát triển của cách mạng miền Nam, mỗi chặng đường thắng lợi của cách mạng là một bài học sâu sắc, quý giá về những nhận định đánh giá so sánh lực lượng địch, ta.
Sau khi hất cẳng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, xây dựng, trang bị và huấn luyện đội quân nguỵ đông hàng mấy chục vạn tên, lập nên một bộ máy nguỵ quyền với tất cả những phương tiện và thủ đoạn đàn áp dã man, tàn bạo. Chúng điên cuồng đánh phá phong trào cách mạng, bắn giết và giam cầm hàng vạn đồng bào ta. Nhân dân ta chỉ có một lòng căm thù và hai bàn tay trắng. Đế quốc Mỹ tự coi như thắng thế, nắm chắc miền Nam trong tay và hò hét Bắc tiến để thôn tính luôn cả miền Bắc.
Nhưng ta đã đánh giá rất đúng chỗ mạnh, chỗ yếu của kẻ địch, nhìn rõ sức mạnh vô tận và vô địch của nhân dân, phát động nhân dân “đồng khởi” tiến công mãnh liệt vào ách kìm kẹp của Mỹ - Diệm trong những năm 1959 – 1960. Cuộc Đồng Khởi long trời lở đất đã giành được thắng lợi vĩ đại trở thành một bước ngoặt lịch sử trong sự xoay chuyển tình thế cách mạng ở miền Nam, khiến cho Mỹ - Diệm thôi hò hét Bắc tiến, phải dùng “chiến tranh đặc biệt” để chống đỡ với thế cách mạng tiến công của nhân dân miền Nam.
Chuyển sang thời kỳ “chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ và tay sai với 40 vạn quân nguỵ dưới sự chỉ huy của 25.000 cố vấn Mỹ, điên cuồng tiến hành một cuộc chiến tranh thật sự, hòng dập tắt phong trào cách mạng miền Nam. Với kế hoạch Sta-lây Tai-lơ, Mỹ - Diệm đã ráo riết đánh phá phong trào cách mạng miền Nam, kết hợp tăng cường càn quét với việc gom dân, lập ấp chiến lược trên quy mô lớn hòng cứu vãn tình hình và giành thắng lợi trong 18 tháng. Bằng mọi thủ đoạn đánh phá cực kỳ tàn bạo, Mỹ - Diệm đã đạp lên căm hờn của nhân dân mà thực hành cái gọi là “quốc sách ấp chiến lược”. Chúng đã gây cho nhân dân ta những khó khăn nhất định. Lực lượng vũ trang nhân dân ta lúc đó còn non trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm mà đã phải đương đầu với những chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” và mọi thủ đoạn thâm độc của chúng. Nhưng một lần nữa ta lại đánh giá đúng đắn thế và lực giữa ta và địch ; phong trào cách mạng miền Nam tiếp tục vươn lên với một thế mới chưa từng có. Chiến thắng lịch sử Ấp Bắc đã đánh bại chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” với hàng loạt ấp chiến lược bị phá banh, phá rã từng mảng, đã đánh dấu một giai đoạn thất bại của chính sách thực dân kiểu mới của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Đây là lần thứ hai đánh dấu sự đánh giá so sánh lực lượng địch, ta rất sáng suốt của cách mạng miền Nam.
Chiến lược “chiến tranh đặc biệt” bị phá sản, đế quốc Mỹ vội vàng đưa sang miền Nam Việt Nam 20 vạn quân viễn chinh Mỹ có đầy đủ trang bị, kỹ thuật hiện đại, tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược cục bộ hòng cố làm thay đổi cán cân lực lượng và giành lại quyền chủ động trên chiến trường. Trước một đối thủ lợi hại, tình hình so sánh lực lượng có những biến động mới rất phức tạp khiến cho nhiều người trong quân và dân ta phải suy nghĩ, băn khoăn. Trước tình hình đó Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã kịp thời chỉ rõ cụ thể chỗ mạnh, chỗ yếu của ta và địch, khẳng định rằng chiến lược của chiến tranh cục bộ ra đời trên cơ sở thất bại của chiến tranh đặc biệt chắc chắn không tránh khỏi thất bại thảm hại hơn. Qua cuộc đọ sức quyết liệt trên chiến trường, những thắng lợi to lớn của quân và dân miền Nam trong hai mùa khô 1965 – 1966 và 1966 – 1967 đã chứng minh hết sức hùng hồn nhận định của Mặt trận là hoàn toàn chính xác. Đây là lần thứ ba đánh dấu sự đánh giá so sánh lực lượng địch, ta rất tài tình của ta.
Sau khi đánh thắng hai cuộc phản công chiến lược mùa khô của Mỹ, Mặt trận chỉ rõ thế thất bại, suy yếu, bị động của Mỹ - nguỵ và thế thắng, thế mạnh, thế chủ động vô cùng thuận lợi của quân và dân ta. Từ đó hạ quyết tâm chuyển sang giai đoạn tiến công chiến lược trong một thời cơ vô cùng thuận lợi cho ta. Nhờ vậy, qua một năm tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt, quân và dân ta đã giành được thắng lợi cực kỳ to lớn. Đây là lần thứ tư đánh dấu sự đánh giá so sánh lực lượng địch, ta rất tài tình của ta.
Rõ ràng, qua mỗi chặng đường phát triển quanh co của cách mạng, bất kỳ trong tình huống lực lượng so sánh thay đổi phức tạp như thế nào, cách mạng miền Nam cũng chỉ có một kết luận cơ bản là “Mỹ giàu nhưng Mỹ nhất định bị nhân dân ta đánh bại” và cũng chỉ khẳng định một quyết tâm duy nhất là “quyết đánh, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược trong bất kỳ tình huống nào”.
Trong khi quân địch binh hùng tướng mạnh, hung hăng, hùng hổ, ta vẫn quyết đoán : ta có thể đánh bại địch trong khi lực lượng cách mạng bị đàn áp dã man, nhân dân sống trong cảnh khủng bố đen tối, ta vẫn quyết đoán : nhân dân nhất định vùng lên và có đủ sức mạnh đánh bại quân địch. Thật là “anh hùng đoán giữa trần ai mới già”. Những nhận định đúng đắn của ta, một mặt bắt nguồn từ sự phân tích khoa học và mặt khác quan trọng hơn, phản ánh được sâu sắc những nguyện vọng thiết tha, lòng tin tưởng của tuyệt đại đa số nhân dân ta đối với tiền đồ của cách mạng. Vì vậy, những nhận định đó mới mau chóng ăn sâu trong quần chúng và biến thành sức mạnh vật chất vĩ đại.
Mặc dù vậy, quá trình biến quyết tâm của Mặt trận thành quyết tâm của quần chúng cũng là một quá trình giáo dục rất khẩn trương, với nội dung rất phong phú. Công tác tư tưởng của ta cũng do đó mà thu được những thành tựu tốt đẹp. Tình hình tư tưởng của bộ đội ta trong mấy năm qua cũng chỉ rõ : nơi nào, lúc nào quán triệt và đánh giá so sánh lực lượng địch, ta được đúng đắn thì tư tưởng của bộ đội tỏ ra rất phấn khởi, tin tưởng, hăng hái ; ngược lại thì không tránh khỏi có những hiện tượng lệch lạc, hạn chế thắng lợi của ta.
3. Đánh giá đúng đắn so sánh lực lượng địch, ta phải thông qua phân tích, tính toán theo lập trường, quan điểm cách mạng tiến công và theo phương pháp khoa học.
Đánh giá đúng đắn so sánh lực lượng địch, ta trên toàn cục hoặc trên từng chiến trường trong thời kỳ hoặc của từng chiến dịch, của từng trận chiến đấu cụ thể là một vấn đề phức tạp, phải thông qua phân tích, tính toán theo lập trường, quan điểm cách mạng tiến công với ý chí quyết đánh và quyết thắng quân xâm lược và theo phương pháp khoa học mới rút ra được những kết luận chính xác, không thể nêu lên một cách giản đơn được. Để đánh giá thật chính xác tình hình địch, ta, cấp lãnh đạo đã vận dụng phân tích nhiều mối mâu thuẫn, mối liên hệ nhiều phạm trù, quy luật, đồng thời còn phát hiện thêm những phạm trù, quy luật mới khác nữa. Chúng ta có thể sơ bộ tóm tắt như sau :
- Trước hết, ta đánh giá sức mạnh của địch và của ta trong đặc điểm của thời đại, trong hoàn cảnh chung của thế giới, chứ không tách riêng chỉ có Mỹ và ta. Chính vì thế mà ta biết rõ đế quốc Mỹ tuy có sức mạnh vật chất nhưng do bị nhiều mâu thuẫn, khó khăn ở trong nuớc và trên thế giới ràng buộc, hạn chế, nên chúng không thể tự do dùng hết sức mạnh của chúng ở miền Nam. Ta đất không rộng, người không nhiều, nhưng ta lại có sức mạnh vô tận của nhân dân, sức mạnh đó lại được cả thế tiến công của cách mạng thế giới cổ vũ, tiếp sức,
- Đánh giá sức mạnh vật chất của địch, chúng ta không tách rời cái thế chiến lược, thế chính trị chung của chúng, cũng như khi xem xét lực lượng của ta, chúng ta phải thấy rõ sự tác động của thế chiến lược, thế chính trị rất thuận lợi làm cho ta hoàn toàn có thể đánh bại được đế quốc Mỹ giàu có và hung bạo, nhưng có nhiều cái yếu rất cơ bản,
- Ta nhìn vào lực lượng của địch và ta, không phải chỉ dựa vào sự tính toán những yếu tố, những số liệu cụ thể mà còn phải căn cứ vào sự phân tích nhiều yếu tố rất quan trọng khác.
So sánh lực lượng giữa địch và ta không chỉ tính riêng lực lượng quân sự mà là sự so sánh tổng hợp các lực lượng chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, … Càng tổng hợp lại ta càng thấy mạnh dạn hơn địch và thậm chí chính kẻ địch cũng phải thừa nhận điều đó. Cho nên chúng đã phải tính 10 tên quân của chúng mới địch nổi một du kích của ta. Đó là vì một chiến sĩ của ta mạnh lên gấp bội trong phương châm đấu tranh hai chân, ba mũi. Và cũng vì vậy, riêng về lực lượng quân sự, ta cũng không chỉ tính riêng số lượng hoặc cộng lại sức mạnh của ba thứ quân mà ta nhìn sức mạnh của các lực lượng vũ trang của ta trong sức mạnh tổng hợp của các lực lượng đấu tranh chính trị, binh vận, v.v…
- Ta nhìn vào lực lượng tổng hợp rồi nhưng ta còn đánh giá lực lượng tổng hợp đó phát huy tác dụng thế nào sự nỗ lực chỉ đạo chủ quan. Do đó, ta đã coi nghệ thuật chỉ đạo là một yếu tố quan trọng khi phân tích so sánh lực lượng. Ta thấy rõ sự chỉ đạo khoa học đúng đắn, có tính tích cực cách mạng của ta, có khả năng biến ít thành nhiều, biến yếu thành mạnh, biến mạnh một thành mạnh mười. Chúng ta còn chú ý đến những sự chỉ đạo sai lầm tất yếu của kẻ địch. Bị những quan điểm sai lầm chi phối nên chúng luôn chủ quan, mù quáng, tự lừa dối. Ví dụ, chúng quá tin tưởng vào những máy tính điện tử, những nguồn tin tình báo bán lấy tiền, vào sức mạnh hoả lực và sự cám dỗ về tiền tài, danh vọng, …
- Ta luôn đánh giá sức mạnh vật chất của địch trong quá trình phát triển của cuộc đọ sức giữa ta và địch mà ta luôn luôn ở thế mạnh, thế thắng, thế chủ động, còn địch luôn ở thế yếu, thế thua, thế bị động. Cho nên trong cuộc đấu tranh đó sức mạnh của địch thường bị hạn chế và biến hoá từ mạnh mười thành mạnh một, hoặc từ mạnh thành yếu. Ví dụ, xe tăng của địch mà tự do tung hoành thì có sức mạnh cơ động, hoả lực và vỏ thép thật lớn, nhưng đứng trước các chiến sĩ dũng cảm mưu trí của ta, nhiều tên địch đã bỏ cả xe tăng mà chạy trốn vì chúng thấy xe tăng không giúp chúng chiến thắng mà ngược lại còn “bỏ tù” cả cái sinh mạng của chúng. Lại ví như các thành phố và căn cứ quân sự của chúng được bố phòng rất chắc chắn, nhưng đứng trước lòng căm thù, ý chí quyết chiến quyết thắng, tài thao lược, óc sáng tạo và cách đánh tài tình của quân và dân ta, những sào huyệt của chúng lại trở thành nơi không an toàn nhất,
- Chúng ta nhìn rõ mặt thất bại, suy yếu của địch, nhưng không bao giờ bỏ qua mặt ngoan cố, tàn bạo của địch ; chúng ta nhìn rõ sự thối nát và suy sụp về tinh thần của địch, nhưng cũng không bao giờ coi thường những âm mưu, thủ đoạn cực kỳ xảo quyệt, tàn bạo của chúng. Cho nên trong chỉ đạo, chúng ta vừa không ngừng nâng cao quyết tâm đánh bại địch, đồng thời vừa dự tính, đề phòng những điều kiện khó khăn, phức tạp có thể xảy ra để sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt của địch,
- Chúng ta không những chỉ đánh giá địch chung về mặt chiến lược mà còn chỉ ra những phương pháp đánh giá địch cụ thể trong từng chiến dịch, từng cuộc chiến đấu, trong từng âm mưu cụ thể của địch, ở từng địa phương. Đôi khi thường xảy ra những hiện tượng mâu thuẫn giữa tình hình cục bộ và tình hình toàn bộ, làm cho một số người bối rối. Địch thường lợi dụng những hiện tượng đó, ra sức làm chiến tranh tâm lý hòng lung lạc tinh thần chiến sĩ, cán bộ và nhân dân ta. Nhưng quân và dân ta với ý chí quyết chiến quyết thắng, lại được thử thách dày dạn trong chiến tranh, đã mau chóng nhận rõ những hiện tượng tạm thời và giả tạo đó, vạch trần và đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý của địch, không ngừng nâng cao quyết tâm đánh địch giành thắng lợi.
Sự đánh giá so sánh lực lượng địch, ta hết sức chính xác đó không những có tác dụng rất quan trọng đến sự chỉ đạo chiến lược đúng đắn, đến việc nâng cao quyết tâm chiến đấu của cán bộ và chiến sĩ, mà còn làm cho nghệ thuật quân sự của ta phát triển hết sức độc đáo, sáng tạo. Và nghệ thuật quân sự của ta càng sáng tạo, càng giành được nhiều thắng lợi, càng góp phần làm thay đổi lực lượng so sánh có lợi cho ta một cách rõ rệt.
Sự đánh giá so sánh lực lượng địch, ta trong thời kỳ tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt lại có những nội dung rất phong phú. Việc ta hạ quyết tâm giành những thắng lợi có những ý nghĩa chiến lược để chuyển cuộc chiến tranh sang giai đoạn mới trong khi kẻ thù còn một đội quân hơn 1 triệu tên là một thành công lớn trong sự đánh giá so sánh lực lượng địch, ta. Nếu không có tinh thần cách mạng tiến công rất mãnh liệt, không có sự lãnh đạo cách mạng dày dạn kinh nghiệm, không có phương pháp phân tích khoa học và một lòng tin vững chắc vào nhân dân ta, dân tộc ta, một dân tộc đã trải qua hàng chục năm chiến đấu, đã từng có một lịch sử chống xâm lược hết sức oai hùng thì không thể có được sự đánh giá so sánh lực lượng địch, ta một cách đúng đắn, chính xác như vậy.
Rõ ràng vấn đề đánh giá so sánh lực lượng địch, ta là một vấn đề rất phức tạp. Công tác tư tưởng phải làm cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững lập trường, quan điểm cách mạng tiến công, nâng cao ý chí quyết chiến, quyết thắng, có một phương pháp phân tích khoa học biện chứng, xem xét sức mạnh vật chất, kỹ thuật của địch, nhưng phải thấy chỗ hạn chế phát huy tác dụng của nó, phải thấy yếu tố quyết định của tinh thần, thấy sức mạnh tổng hợp của ta trên chiến trường, nhìn mặt này nhưng không quên mặt khác, nhất là phân biệt rõ những vấn đề hiện tượng và bản chất, số lượng và chất lượng, cục bộ và toàn bộ và xu thế phát triển của lực lượng so sánh giữa địch và ta. Trong khi ta khẳng định mặt thất bại, suy yếu của địch, ta phải nhận cho hết mặt ngoan cố của nó ; chúng thua keo này bày keo khác, lùi một bước, dừng lại, giãy giụa điên cuồng cố ngoi lên, rồi lại tiếp tục lùi cho đến khi thất bại hoàn toàn. Công tác tư tưởng phải làm cho mọi người thấy được sự thất bại, suy yếu trong bản chất ngoan cố của chúng ; hai mặt đó không gạt bỏ nhau cho đến bao giờ nó chịu thất bại hoàn toàn. Thấy sự suy yếu của địch để củng cố lòng tin mà không mất cảnh giác, đồng thời thấy rõ mặt ngoan cố của chúng để nâng cao quyết tâm, nâng cao ý chí chiến đấu, tăng cường cảnh giác mà không bi quan, đánh giá địch cao, ta thấp.
Kinh nghiệm của công tác tư tưởng trong các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng chung quanh vấn đề giáo dục đánh giá so sánh lực lượng địch, ta trong quá trình trực tiếp đánh bại đế quốc Mỹ và tay sai đã cho nhận thức thấm thía, sâu sắc hơn về mấy vấn đề sau đây :
a) Quá trình nhận thức, đánh giá đế quốc Mỹ là một quá trình củng cố lập trường, quan điểm cách mạng triệt để, là quá trình không ngừng nâng cao ý chí chiến đấu cho cán bộ và chiến sĩ ta. Điều quan trọng hàng đầu để đánh giá đúng kẻ địch là ta phải có lập trường, quan điểm cách mạng triệt để, ý chí quyết chiến quyết thắng. Đứng trước một kẻ địch có số quân đông, trang bị vũ khí hiện đại, nhiều hơn ta mà ta đề ra quyết tâm “quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ” ; điều đó chỉ có thể khẳng định trên cơ sở của lập trường triệt để cách mạng, trên tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do” và trên cơ sở thấu triệt quan điểm “con người là nhân tố quyết định mọi thắng lợi” trong chiến tranh. Đó chính là nội dung của lập trường cách mạng của lực lượng vũ trang giải phóng hiện nay.
Chính từ trong thực tiễn chiến đấu cực kỳ anh dũng đầy thắng lợi mà các đồng chí bộ đội Long An đã có ý nghĩ hết sức đúng đắn biểu hiện rõ lập trường đánh giá so sánh địch, ta “Đánh giá địch là để đánh địch”.
“Đánh giá địch là để đánh địch và thắng địch” là hạt nhân của lập trường xem xét địch. Có thế mới thấy “Mỹ giàu tiền, giàu súng mà ta vẫn đánh được”, “địch bố trí phòng ngự chặt chẽ thế nào nhất định cũng có chỗ sơ hở để ta đánh”, “địch hay cơ động, ta càng có nhiều cơ hội diệt địch”, mới thấy “máy bay Mỹ bổ nhào về phía mình để ném bom là lúc ta dễ bắn rơi nhất”. “Mỹ to xác ta càng dễ ngắm trúng”, v.v…
Đối với một người dám xả thân vì nước, quyết đánh Mỹ và tin là đánh thắng thì không có một thứ vũ khí gì của Mỹ là đáng sợ cả. Rất thú vị là trong khi một lão du kích của ta xem trái bom 500 kg không hơn một viên đạn súng trường thì một giặc lái loại anh chị của Mỹ lại sợ một viên đạn súng trường của du kích ta, thấy nó cũng nguy hiểm như một tên lửa hiện đại.
Cứ mỗi lần đánh giá Mỹ lại là một lần nhận thức sâu thêm chỗ mạnh tạm thời và chỗ yếu cơ bản của địch. Mỗi lần đánh giá Mỹ để đánh Mỹ lại là mỗi lần tăng cường thêm quyết tâm cách mạng, thấy rõ thêm ý nghĩa của độc lập tự do, nâng cao hơn ý chí và lập trường chiến đấu.
Cho nên quá trình đánh giá địch, ta còn là quá trình nhận thức ngày càng sâu sắc và rõ nét hơn về bản chất cực kỳ phản động, tàn bạo của đế quốc Mỹ và chủ nghĩa thực dân kiểu mới của nó, là quá trình nhận thức ngày càng sâu sắc quy luật phát triển của cách mạng, của chiến tranh cách mạng và là quá trình nhận thức so sánh lực lượng giữa cách mạng và phản cách mạng trên phạm vi toàn thế giới, trong đặc điểm của thời đại ngày nay. Tất cả những cái đó, cứ mỗi bước phát triển của cách mạng lại làm cho cán bộ, chiến sĩ ta nâng cao thêm lập trường, quan điểm cách mạng để đánh giá địch, ta luôn luôn đúng đắn. Đứng vững trên lập trường cách mạng trong thời đại ngày nay là phải luôn đứng vững trên thế chiến lược tiến công của cách mạng, trên quan điểm tiến công, trên khí thế tiến công địch, với tư tưởng tích cực tiến công, kiên quyết và liên tục tiến công mà xem xét, đánh giá địch, ta. Phải luôn luôn quán triệt những nhận định cơ bản trong thời kỳ cách mạng, luôn luôn lấy đó làm điểm xuất phát cho mọi vấn đề suy luận, đánh giá của mình.
Công tác tư tưởng của ta vừa có quan điểm cách mạng vững vàng, có lý lẽ thuyết phục, vừa có thực tiễn thắng lợi chứng minh, đã không ngừng nâng cao nhận thức tư tưởng, làm cho bộ đội ta thêm trưởng thành nhanh chóng.
b) Quá trình đánh giá so sánh lực lượng giữa địch và ta còn là một quá trình nâng cao phương pháp tư tưởng, biết xem xét phát hiện những mâu thuẫn của địch, mà trong đó một vấn đề quan trọng là sự phân biệt rõ hiện tượng và bản chất. Đế quốc Mỹ vốn là tên kẻ cướp tàn bạo và nham hiểm luôn luôn dùng mọi thủ đoạn xảo quyệt nhất để lừa mị nhân dân, mà thủ đoạn cơ bản của chúng là chiến tranh tâm lý. Không có một phương pháp suy luận khoa học thì cũng không dễ gì đánh giá được thực chất của một kẻ địch phức tạp như vậy. Phương pháp xem xét của ta là phương pháp biện chứng cách mạng. Chỉ có nắm vững phương pháp đó mới giúp cho ta phát hiện được mâu thuẫn cơ bản chứa đựng những nhân tố thất bại luôn luôn đục khoét kẻ địch trong quá trình suy sụp của chúng. Nhờ có phương pháp đó mà cán bộ, chiến sĩ ta đã đánh giá ngày càng đúng hơn sự suy yếu bên trong của chúng bắt nguồn từ chỗ yếu tuyệt đối chính trị - tinh thần, từ đường lối chính trị, chiến lược, chiến thuật ngày càng bế tắc, từ tinh thần dao động, bạc nhược. Chúng ta không để cho những hiện tượng bề ngoài của đế quốc Mỹ như quân đông, tiền nhiều, súng lắm, v.v… che lấp và lừa gạt mình. Sự xem xét của ta ngày càng thực tế hơn, biết phân tích sức mạnh vật chất của địch qua những thử thách của chiến trường, lấy hiệu quả thực tế về chiến thuật cũng như hiệu suất chiến đấu thực tế của các binh chủng, của mọi thứ vũ khí kỹ thuật của địch trên chiến trường mà đánh giá chỗ mạnh có hạn của chúng. Với cách xem xét đó, công tác tư tưởng đã cho thấy rõ sự suy yếu của địch là có tính quy luật, không có một sự nỗ lực chủ quan nào của chúng có thể xoá bỏ nổi những nhân tố khách quan đang quyết định chiều hướng vận động xuống dốc của nó. Ví như, trên chiến trường, có nơi đột nhiên địch tăng cường phi pháo, đánh phá dữ dội, gây thiệt hại về tài sản, tính mạng trong nhân dân. Nhưng cấp lãnh đạo đã chỉ rõ : “Địch càng dùng nhiều phi pháo càng chứng tỏ chúng đã thất bại nặng ; chúng dùng nhiều phi pháo bừa bãi vì chúng sợ nhân dân ta, v.v…”. Nhờ có sự chỉ đạo đánh giá chính xác đó mà quân và dân ta có phương hướng bảo vệ mình và tích cực tiến công địch mạnh mẽ hơn trong khí thế mới. Quả thật, nếu không có một phương pháp xem xét biện chứng cách mạng, khoa học thì khó mà có được những kết luận hợp với quy luật và đầy tinh thần anh hùng cách mạng như vậy.
Cán bộ và chiến sĩ ta còn biết xem xét tình hình so sánh trong những mối quan hệ tác động bởi những nhân tố cơ bản hoàn toàn khác nhau đang thúc đẩy quá trình phát triển ngược chiều giữa địch và ta, mà trong đó sự nỗ lực chủ quan và nghệ thuật chỉ đạo tài tình của lãnh đạo luôn luôn đóng vai trò quyết định trực tiếp. Từ sự phá sản của chiến lược chiến tranh đặc biệt đến sự thất bại của chiến lược chiến tranh cục bộ, cho đến sự thất bại hoàn toàn trong chiến lược chiến tranh phá hoại của Mỹ là những bằng chứng hùng hồn củng cố thêm vững chắc cho sự xem xét đánh giá so sánh lực lượng địch, ta của cán bộ và chiến sĩ ta.
Chính vì công tác tư tưởng của ta ngày càng đi sâu giáo dục cách xem xét biện chứng cách mạng trên mọi lĩnh vực của cuộc sống và chiến đấu với một kẻ thù hung bạo như vậy nên cán bộ, chiến sĩ ta càng thấy rõ : ta tuy có những hạn chế về vật chất kỹ thuật, nhưng có nhiều điểm mạnh rất cơ bản ; địch tuy mạnh về vật chất, kỹ thuật nhưng có nhiều điểm yếu rất cơ bản mà không thể khắc phục nổi. Những ý nghĩ mới mẻ trong nghệ thuật đấu tranh như “tìm sơ hở”, “tạo thời cơ”, “nắm quy luật” để đánh địch thật ra là kết quả của một phương pháp tư tưởng rất khoa học trên cơ sở một tinh thần tích cực cách mạng, không lùi bước trước bất cứ một khó khăn nào. Cũng chính nhờ có phương pháp tư tưởng biện chứng mà cán bộ và chiến sĩ ta trong những lúc khó khăn vẫn thấy rõ thuận lợi và triển vọng tươi sáng để tiến lên không ngừng. Đó cũng là một thành công của công tác tư tưởng trong quá trình giáo dục cách xem xét đánh giá so sánh lực lượng giữa địch và ta.
c) Đánh giá đúng đắn so sánh lực lượng giữa địch và ta còn phải dựa trên cơ sở nâng cao lòng tự hào dân tộc, thấm nhuần sâu sắc truyền thống, kinh nghiệm của dân tộc ta. Nước ta tuy đất không rộng, người không đông nhưng đã từng có truyền thống chiến thắng ngoại xâm hết sức oanh liệt, đã từng đánh bại nhiều kẻ thù xâm lược lớn mạnh hơn mình gấp bội. Đường lối chính trị và đường lối quân sự bách chiến bách thắng của ta luôn luôn kế tục và phát huy cao độ truyền thống và kinh nghiệm đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta : một dân tộc anh hùng, tài trí, thông minh, đầy tinh thần anh dũng, bất khuất chống ngoại xâm, luôn luôn phát huy sức mạnh đoàn kết của dân tộc, biết lấy yếu đánh mạnh, lấy ít thắng nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, lấy chính nghĩa thắng cường bạo, đánh bằng cả quân sự, chính trị và ngoại giao, biết giành từ thắng lợi nhỏ để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Mỗi cán bộ, chiến sĩ chúng ta đều mang theo trong lòng một tình yêu gia đình thắm thiết, một tình yêu quê hương đất nước sâu sắc. Lòng căm hờn chồng chất đối với bọn cướp nước và bán nước được truyền lại từ đời nọ sang đời kia ; chí khí hào hùng của cha anh ngày trước luôn luôn hun đúc cho mỗi thanh niên trong các lực lượng vũ trang một tinh thần khảng khái xả thân cứu nước. Phát huy truyền thống thiêng liêng đó, công tác tư tưởng của ta đã biết nắm lấy chìa khoá phát động tư tưởng, không ngừng khởi động lòng yêu mến gia đình, quê hương gắn chặt với lòng yêu mến Tổ quốc, lòng tự hào dân tộc.
Trong khi đánh giá lực lượng địch, ta và nhất là đánh giá sức mạnh của ta, chúng ta không những chỉ dựa vào những yếu tố hiện có của thời đại hiện nay mà còn đánh giá đúng đắn sức mạnh của truyền thống, của sự kế thừa các kinh nghiệm và tinh thần chiến đấu của nhiều thế hệ. Mỹ khoe Mỹ văn minh, nhưng lịch sử dựng nước của nước ta còn dài gấp 20 lần nước Mỹ, Mỹ khoe Mỹ giàu, quân đội Mỹ mạnh, nhưng dân tộc ta đã từng đánh bại thực dân Pháp và phát xít Nhật là những tên đế quốc xâm lược mạnh hơn ta nhiều lần và trong lịch sử tổ tiên ta đã từng đánh bại nhiều đội quân xâm lược hung bạo mạnh nhất thế giới.
Khi Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào xâm lược miền Nam nước ta, cấp lãnh đạo đã nêu lên ý kiến giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ : “Đế quốc Mỹ đưa quân sang trực tiếp xâm lược nước ta, ta nhất định sẽ đánh bại chúng hoàn toàn để đập tan mọi thói ngông cuồng, ỷ mạnh của chúng”. Vấn đề nêu ra đó đã trở thành tư tưởng phổ biến trong cán bộ và chiến sĩ ta. Mọi người đều nghiền ngẫm trao đổi với nhau một cách hào hứng và tự hào về nhiệm vụ đánh Mỹ, cứu nước còn là nghĩa vụ quốc tế của dân tộc ta để “rửa nhục cho các dân tộc bị nô dịch trên thế giới”. Sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta đã được nhân dân tiến bộ thế giới hết lòng hết sức ủng hộ, cổ vũ. Chúng ta đã đánh giá rất cao sự cổ vũ quý báu đó.
Niềm tự hào quyết tâm “đánh bại tên xâm lược mạnh nhất trong phe đế quốc” vừa là một sự đánh giá rất đúng sức mạnh tinh thần, vật chất của nhân dân ta, vừa là một sự cổ vũ rất cao quý làm tăng thêm nhiều lần sức mạnh tinh thần của nhân dân ta. Chú trọng đến niềm tự hào chân chính là điều quan trọng trong việc giáo dục đánh giá so sánh lực lượng địch, ta.
d) Đánh giá đúng đắn so sánh lực lượng giữa địch và ta còn phải trên cơ sở giáo dục nâng cao ý chí quyết chiến quyết thắng, tinh thần tích cực tiến công tiêu diệt địch, không ngừng nâng cao kiến thức khoa học, kỹ thuật, chuyên môn quân sự cho cán bộ và chiến sĩ. Có nâng cao kiến thức về khoa học kỹ thuật, chuyên môn quân sự mới giúp cho mỗi người có cơ sở nghiên cứu các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại của ta và của địch để đánh giá đúng tính năng, tác dụng thực tiễn về chiến thuật và kỹ thuật của nó trên chiến trường, để phát huy hết sức mạnh của trang bị vũ khí, kỹ thuật của ta, hạn chế chỗ mạnh và khoét sâu những chỗ yếu của địch để đánh thắng địch trong bất kể hoàn cảnh nào. Không có trình độ khoa học kỹ thuật để phát hiện được đầy đủ những nhược điểm của vũ khí, kỹ thuật của địch qua thực nghiệm ở chiến trường, lại bị những thủ đoạn tác động tâm lý của chúng nhất là nếu không có tinh thần chiến đấu cao thì dễ bị ngợp mắt trước sức mạnh vật chất của chúng.
Đế quốc Mỹ luôn luôn tuyên truyền khoác lác về “sức mạnh quân sự không tưởng tượng nổi” của chúng. Hễ mỗi lần chúng cho ra đời một thứ vũ khí, kỹ thuật nào thì liền theo đó, chúng ra sức quảng cáo rùm beng để hòng đe doạ quân và dân ta. Còn về ta, cứ mỗi lần địch có thứ vũ khí, phương tiện nào xuất hiện trên chiến trường thì bộ đội ta nhanh chóng nghiên cứu rút kinh nghiệm, phát hiện những chỗ yếu về kỹ thuật, về chiến thuật của nó để thi nhau đánh bại nó và kịp thời phổ biến kinh nghiệm đó tới quân và dân trên khắp các chiến trường. Nhờ đó nhiều phong trào thi đua hạ máy bay, diệt xe cơ giới, đánh tàu, v.v… trở thành phong trào quần chúng rộng rãi. Trước khí thế thi đua giết giặc lập công sôi sục trên chiến trường bắt nguồn từ lòng yêu nước và căm thù địch sâu sắc, quyết không chịu khuất phục trước sức mạnh vật chất, kỹ thuật của Mỹ, mọi thứ vũ khí kỹ thuật tối tân của Mỹ như máy bay lên thẳng, xe M.113, pháo cực nhanh, máy bay phản lực các loại, các kiểu, máy bay B.52, … đã lần lượt bị đánh bại trước sức mạnh tinh thần, vật chất và cách đánh tài tình của Quân Giải phóng. Luận điểm khoác lác về “ưu thế kỹ thuật quân sự Hoa Kỳ” của đế quốc Mỹ đã bị đập tan. Ngày nay, trên chiến trường, chúng ta có hàng ngàn anh hùng, chiến sĩ thi đua và dũng sĩ hạ máy bay, đánh cơ giới, đánh tàu với những Tạ Quang Tỷ, Bành Văn Trân, với những địa phương anh hùng như Bác Ái, Củ Chi, Trị Thiên, v.v… Đó là những ngọn cờ đầu trong phong trào quần chúng thi đua đánh bại những thứ vũ khí kỹ thuật của Mỹ, đó là thắng lợi to lớn của công tác tư tưởng trong quá trình giáo dục ý thức nâng cao trình độ khoa học, kỹ thuật để biết địch và đánh địch.
Kinh nghiệm của Quân giải phóng còn chỉ rõ việc nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật phải luôn luôn dựa trên cơ sở nâng cao quan điểm cách mạng về quan hệ giữa chính trị và khoa học, kỹ thuật, giữa con người và vũ khí ; phải kết hợp giáo dục chính trị với việc học tập kinh nghiệm chiến đấu, thông qua những thể nghiệm thực tiễn của mỗi người để ngày càng hiểu địch, đánh giá đúng đắn chỗ mạnh có hạn và chỗ yếu cơ bản của đội quân xâm lược nhà nghề có trang bị kỹ thuật hiện đại. Quá trình nâng cao nhận thức về địch cũng là quá trình đấu tranh tư tưởng, phát huy tinh thần quyết chiến quyết thắng, phát huy mọi sáng kiến đánh bại những thứ vũ khí, kỹ thuật của Mỹ, đồng thời đấu tranh khắc phục những nhận thức, tư tưởng sùng bái kỹ thuật, cố thủ, thụ động trước hoạt động phi pháo, cơ giới của địch.
Để thực hiện việc giáo dục này, công tác tư tưởng còn phải thường xuyên kết hợp chặt chẽ với công tác đấu tranh chống chiến tranh tâm lý của địch, liên tục đánh bại những thủ đoạn tuyên truyền lừa bịp rẻ tiền, ngu xuẩn, nhưng thâm độc, quỷ quyệt của Mỹ - nguỵ.
Tóm lại, qua kinh nghiệm công tác tư tưởng của Quân giải phóng, việc đánh giá so sánh lực lượng địch, ta sở dĩ được đúng đắn, chính xác là do :
- Ta có tinh thần kiên quyết chiến đấu vì độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc, ý chí quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, tinh thần tiến công liên tục, nên mặc dù giặc Mỹ và tay sai đông quân, lắm súng và hung bạo đến như thế nào, ta cũng tìm thấy những chỗ yếu cơ bản của chúng để tiến công tiêu diệt chúng, giành thắng lợi ngày càng to lớn,
- Ta có đường lối cách mạng đúng đắn làm cơ sở khoa học để phân tích tình hình địch, ta và làm kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của quân và dân ta,
- Ta có thực tiễn chiến đấu và những chiến thắng to lớn của quân và dân ta trên khắp các chiến trường chứng minh rằng nhân dân ta và các lực lượng vũ trang ta gồm ba thứ quân, bất kỳ ai, bất kỳ đơn vị nào, địa phương nào đều có khả năng đánh tiêu diệt quân Mỹ, nguỵ, chư hầu và đánh bại mọi chiến thuật, kỹ thuật hiện đại của chúng.
Hiện nay, sau hơn một năm tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt của quân và dân ta, lực lượng so sánh giữa địch và ta đang ngày càng thay đổi có lợi cho ta, bất lợi cho địch. Ta càng đánh càng mạnh, càng mạnh càng thắng to; địch đang càng đánh càng yếu, càng thua đau thiệt hại nặng. Ý chí xâm lược của chúng ngày càng lung lay, lực lượng mọi mặt của chúng ngày càng suy yếu, thế trận của chúng đang ngày càng chìm sâu vào thế phòng ngự hết sức tiêu cực, bị động. Chúng đang bị cô lập về chính trị, đang gặp nhiều khó khăn không sao khắc phục được cả ở trong nước và trên thế giới. Mỹ thua đã rõ ràng, nhưng chúng vẫn còn ngoan cố. Quân và dân miền Nam nắm vững thời cơ đang thừa thắng xông lên tiến công liên tục ở khắp nơi mọi lúc, bằng mọi lực lượng, với mọi quy mô, mọi hình thức quyết “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới thống nhất Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta.

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà văn, 2012) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét