Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2025

Đỉnh cao nghệ thuật

                Năm 1979 tôi được điều về làm việc ở Hội Nhà văn Việt Nam, đâu khoảng nửa tháng thì anh Trần Độ bấy giờ phụ trách văn hóa văn nghệ ở trung ương nhắn tôi sang chơi, và trong buổi nói chuyện hôm đó anh hỏi những dự định của tôi khi về Hà Nội. Tôi hăng hái trình bày với anh những kế hoạch lớn nhỏ của tôi, và nói: nếu chúng tôi làm tốt được những công việc đó, thật giỏi, thì trong khoảng mười năm, không thì khoảng hai mươi năm, hy vọng sẽ nâng được tình hình chung trong những người cầm bút chúng ta lên một bình diện mới, và từ đó tạo ra được một hay vài đỉnh cao mới trong văn học…

Nhà văn Nguyên Ngọc trong buổi giới thiệu tác phẩm sáng 25/4/2025 tại Đà Nẵng 

          Anh Độ im lặng hồi lâu, rồi bảo: “Mình tán thành tất cả các kế hoạch của cậu, cậu ạ, cậu nghĩ thử xem có đúng không nhé: hình như trong văn học, và nghệ thuật nói chung, xưa nay và ở đâu cũng vậy, muốn có đỉnh cao mới thì phải có trường phái mới. Bởi vì đỉnh cao tức là đã chuyển sang một cái gì đó rất mới, rất khác rồi. Một cái gì đó vừa là nối tiếp, tất nhiên, vừa là khác đi về cơ bản. Là cái gì chưa từng có. Có thể, toàn bộ vấn đề của chúng ta bây giờ là ở đấy: tạo mọi điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất, cho trường phái mới có thể nảy sinh và khẳng định… Nếu Hội Nhà văn làm được điều đó thì là công lớn đấy. Còn không thì mọi sự cũng sẽ yên ổn thôi, yên ổn làng nhàng và kéo dài mãi. Yên ổn như thế thì cũng chẳng để làm gì, nhạt thếch, vô vị…” Quả tôi thật sự kinh ngạc vì những lời nói bất ngờ của anh. Tôi quen anh đã lâu, biết anh là một vị tướng tài, xông xáo nam chinh bắc chiến đã nhiều, tính tình giản dị, chân thành, nhân hậu, gần gũi anh em, rất yêu văn nghệ, nhưng chắc cũng thế thôi, cũng không thoát được bao nhiêu chất “võ biền” của một người cầm súng đã gần như suốt đời. Vậy mà, rất ngắn gọn, súc tích đến lạ, anh đã nói với tôi một điều sâu xa về những chân lý trong đời sống văn học nghệ thuật hẳn ở ta thật khó có người hiểu và nói được như anh, gọn gàng vậy mà sâu sắc vậy, vừa là quy luật lâu dài của nghệ thuật, lại vừa nóng hổi tính thời sự khi rõ ràng trong đời sống văn học nghệ thuật – và có lẽ không chỉ trong văn học nghệ thuật – đang thật sự đặt ra vấn đề lớn và tinh tế, mà ta gọi là vấn đề “chuyển giao thế hệ”… Tôi thân với anh Độ là từ đó, một người bạn lớn, một người thầy, một trong những con người hiếm hoi không dễ tìm được giữa cuộc đời này, có lẽ vì vô cùng trong sáng nên lại tiếp cận được những chân lý sâu xa và khó khăn, cực kỳ tinh tế, thậm chí là bằng con đường có chút gì cứ như bản năng, hay là tích lũy lâu dài, hoặc cả hai… Tiếc thay chính sự trong sáng quá ấy khiến anh gặp không ít rắc rối, và những ý kiến độc đáo, đặc sắc của anh trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ không được chú ý, nhiều khi còn bị gạt đi phũ phàng…

Chuyển giao thế hệ - trong văn học nghệ thuật và hẳn không chỉ trong văn học nghệ thuật – là một yêu cầu có thực của cuộc sống, là quy luật tiến hóa, đòi hỏi tất yếu của đời sống phát triển. Nhưng không phải cứ đời sống phát triển, tình thế thay đổi, thì tất cả sẽ có chuyển giao. Chuyển giao không phải là một bước tiệm tiến, mà là một bứt rút, một nhảy vọt, một phát triển bằng phủ định, thậm chí phủ định quyết liệt, nhiều khi cả “hỗn hào”. Sự đời là vậy đấy, cái mới không thể ra đời nếu nó không nặng lời với cái cũ, cả bất công và mắng mỏ nữa kia… Bởi là cái mầm còn quá non, nếu không sấn sổ thì nó sẽ bị cái cũ, bao giờ cũng mạnh và đầy quyền uy lấn át, đến chết cũng vẫn đầy quyền uy, càng nhiều quyền uy, trấn áp, tiêu diệt… bằng số đông! Cái mới bao giờ cũng lẻ loi, thiểu số. Vả lại chập chững nữa. Đứa bé là tương lai, nhưng lại rất mong manh. Nó phải rất to mồm để giành quyền ra đời và tồn tại…

Có hôm tôi kể với anh Độ lời tuyên bố kỳ lạ và bất hủ của Rimbaud: “Phải tuyệt đối hiện đại!” (Il faut être absolument moderne!). Phải hiện đại với bất cứ giá nào! – “Ông ấy có nói thật thế à,” – anh như reo lên – “nghĩa là phải tuyệt đối có trường phái mới.” Rồi anh hạ giọng, như tâm sự: “Mình nói điều này nhé, cậu ở Hội cậu phải rất chú ý, sắp đến anh em sẽ không ít đứa nó hỗn đấy. Mà như thế mới tốt. Phải giữ cho anh em, phải bảo vệ họ. Bởi không thế thì họ không thay đổi được đâu. Không phải họ hỗn với người lớn đâu, họ hỗn với cái cũ đấy, thế là tốt chứ. Và họ sẽ vấp ngã nữa. Năm lần bảy lượt, thậm chí hàng trăm bận. Phải cho họ cái quyền được sai lầm và vấp ngã… Thì rồi trường phái mới mới ra đời được… Cũng nên nhớ rằng không phải trường phái mới nào ra đời cũng đều hay, đều đúng ngay được. Sẽ có cả cái dỏm, cái dở, cái giả, cái sẽ chết non, chết yểu… Sẽ hết sức khó phân biệt. Nên đừng vội dập đi. Sợ nó dỏm, nó dở, nó giả mà tiệt nó ngay từ đầu thì lấy đâu ra cái hay, cái giỏi, cái thật, cái sẽ sống và làm nên tương lai. Có thần thánh nào mà phân biệt được ngay cái dỏm với cái thật… Nghĩa là, tóm lại, phải dành một khoảng tự do rộng nhất cho mọi tìm tòi, sục sạo, phá phách… Trong trăm nghìn những thứ ngổn ngang đó sẽ có một cái sống được, trở thành trường phái mới, thống lĩnh thời kỳ mới, chiếm lĩnh tương lai… Anh không nâng niu được cái chưa hoàn toàn hình thành ấy thì anh là người lãnh đạo vứt đi!”

Anh Trần Độ mất đã mấy năm. Trường phái mới trong văn học nghệ thuật đã ra đời chưa? Đã có chuyển giao thế hệ chưa? Chắc khó trả lời rằng đã có. Hình như đang “yên ổn” quá, sự yên ổn anh từng rất lo.

Tôi biết có hàng trăm, hay hàng nghìn anh chị em trẻ đang trằn trọc tìm kiếm, vừa ồn ào, vừa lại là trong bóng tối, bởi họ đang ở thế bên lề, phi chính thống, bị coi thường, bị khinh rẻ, chế giễu, cả đàn áp nữa đôi khi. Họ phi chính thống cũng phải thôi, bởi nếu chính thống thì họ là cũ rích rồi. Từ hàng trăm nghìn ngổn ngang lộn xộn đó, thật may ra, một trường phái mới sẽ ra đời, chiến thắng, thống lĩnh. Và lúc đó mới thật sự có chuyển giao.

Chỉ mong sao chấm dứt được sự yên ổn nhạt nhẽo đang kéo dài bây giờ!

Lãnh đạo, như anh Độ hằng tin, là dám đứng về phía cái còn ở trong bóng tối. Một sự dũng cảm không dễ chút nào.

Tháng 7/2008


(Trích Dọc Đường, Nguyên Ngọc, Nxb Phụ Nữ Việt Nam, 2022)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét