Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2024

Lý tưởng ước mơ và nghĩa vụ


Những vấn đề này gắn liền với nếp sống và cách nghĩ của thanh niên ta hiện nay và ở đây chúng ta sẽ bàn tới trong phạm vi mối quan hệ chặt chẽ với ý nghĩa của việc thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự.


Ai nấy đều biết rằng nhận thức là một quá trình, mỗi vấn đề đặt ra, không phải người ta nhận thức được đúng và đầy đủ ngay một lúc, mà phải qua giáo dục, nghiên cứu, thảo luận tìm hiểu lâu dài.
Vấn đề động cơ vào bộ đội cũng vậy. Hồi kháng chiến, ai cũng thích vào bộ đội, thiếu nhi cũng mơ ước vào bộ đội, cụ già cũng xin lập bạch đầu quân. Lúc đó nhiều người chỉ hiểu chung chung là vào bộ đội để đánh Tây cứu nước. Cũng có người tòng quân để mong được làm cán bộ, để tránh phải đi dân công, lại có người thích trực tiếp cầm súng giết giặc chứ không thích làm các việc khác phục vụ cho chiến đấu. Ít người hiểu được sâu sắc chữ “phục vụ nhân dân” và câu “quân đội ta là quân chiến đấu, công tác và lao động”. Mỗi lần học tập, vấn đề động cơ vào bộ đội đều được chấn chỉnh và nâng cao lên, đào sâu hơn.
Ngày nay vấn đề động cơ vào bộ đội vẫn tiếp tục được đặt ra, cần được giải quyết tốt trong những điều kiện mới.
Vấn đề thanh niên vào bộ đội với tư tưởng sai đúng ra sao phụ thuộc vào một vấn đề cơ bản lớn hơn là lý tưởng của thanh niên, tức là mục đích của cuộc đời.
Sống cần có mục đích. Sống không có mục đích rõ rệt thì không có ước mơ. Nếu chỉ như “con bò cái, chẳng cần gì mục đích cao cả, xa xôi, chỉ có việc ăn, uống, ngủ và khi đã chán thì chạy ngược chạy xuôi và húc đầu vào hầm” (Sê-khốp), thì có gì đâu mà ước mơ. Trừ khi chúng ta hạ ước mơ xuống hàng những thực tế sinh hoạt vật chất bình thường nhất như ăn, ngủ. Lê-nin thường nói: “cần phải có ước mơ”, ước mơ bao giờ cũng đi trước hiện thực, dẫn người ta tới những bước phấn đấu cao hơn. Ước mơ làm cho cuộc sống thú vị, phong phú như cỏ cây được tắm nắng mặt trời. Ta hãy tưởng tượng một người sống không có mục đích, không có ước mơ thì tẻ nhạt chán ngắt biết chừng nào.
Nhưng ước mơ phải là ước mơ nhằm vào một mục đích xã hội, ước mơ phải có tính tích cực đi trước hiện thực để đưa hiện thực đi lên chứ không thể là ước mơ tách rời hiện thực, ước mơ viển vông, không nhằm vào cái gì cả. Những ước mơ lông bông như vậy chỉ làm cho người có ước mơ kém dần nghị lực, trở thành lười biếng, bất lực, hoài nghi và đau khổ. Một điều quan trọng là mục đích sống của con người phải gắn chặt với xã hội, nghĩa là đáp ứng được yêu cầu cao cả, thiết thực và đúng đắn. Nếu mục đích cứ quanh quẩn trong vòng cá nhân thì dù đối với cá nhân say sưa là bao nhiêu rút cục cũng đi đến một sự héo hắt thảm hại.
Mục đích cuộc sống bao giờ cũng phải trả lời câu hỏi “Anh sống cho ai? Sống vì cái gì?”.
Ví dụ: Mục đích cuộc đời của anh là trở thành “cán bộ” hoặc cụ thể hơn là anh muốn thành bác sĩ. Nhưng bác sĩ có phải là bác sĩ không thôi đâu. Nếu thế thì chỉ có ở xã hội cũ bỏ tiền ra mua cái hàm là đủ vênh vang. Đã là bác sĩ thì phải chữa bệnh, vậy chữa cho ai, chữa thế nào, chữa để làm gì?
Anh muốn trở thành sĩ quan, điều đó rất phù hợp với yêu cầu xây dựng quân đội. Nhưng sĩ quan có phải chỉ ở chỗ có áo có lon và ăn lương thôi đâu. Sĩ quan phải chỉ huy bộ đội chiến đấu, vậy chiến đấu cho ai, vì cái gì? và nếu anh là sĩ quan, anh sẽ chiến đấu như thế nào?
Cho nên rút cục mục đích cuộc sống phải được xác định là anh sống cho ai, sống vì cái gì? Trên cơ sở ấy anh ước mơ thì những ước mơ mới là những cây hoa ăn rễ chặt trong đất mà nở nụ, sinh mầm. Nếu không, ước mơ hay đến đâu cũng là vô nghĩa.
Sống cho ai? Sống vì cái gì? Tức là đem hết tài năng, trí tuệ, sức lực của mình ra phục vụ ai, xây dựng cái gì? Nói chung là phục vụ nhân dân, xây dựng Tổ quốc, nhưng còn phải nói rõ ràng hơn nữa. Phục vụ cho lợi ích của giai cấp nào, xây dựng đất nước theo chủ nghĩa tư bản hay theo chủ nghĩa xã hội và nếu xây dựng chủ nghĩa xã hội thì là thứ chủ nghĩa xã hội nào vì ở đời bây giờ cũng lắm kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó!”.
Tất cả vấn đề này thật giản đơn nhưng lại rất phức tạp và sâu sắc. Giải đáp chung không khó khăn lắm, nhưng giải đáp cụ thể trong mỗi ý nghĩa, hành động hàng ngày thì không dễ đâu. Ấy chính vì vậy mà những thanh niên học sinh hiện nay, vấn đề học cho ai, học vì cái gì, cũng cần được giải đáp chu đáo. Nếu đi học chỉ để kiếm lấy một địa vị xã hội, học hết cấp hai không lên được cấp ba, học hết cấp ba không lên được đại học đã vội cảm thấy “tương lai mù mịt” thì thật là lạc lõng trước cảnh tượng hào hùng của hàng ngàn học sinh tốt nghiệp lớp bảy, lớp mười hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, xung phong lên miền núi tham gia xây dựng kinh tế, văn hoá hoặc yên tâm, vui vẻ sản xuất ở nông thôn quyết tâm cải tiến nền nông nghiệp lạc hậu của nước ta.
Các bạn thanh niên ngày nay cần nhận rõ hạnh phúc to lớn của mình là phương hướng vào đời của tuổi trẻ đã được vạch ra rõ ràng. Không như chúng tôi trước đây lớn lên trong chế độ xã hội cũ, tìm đáp số này gay go lắm. Trước mắt mỗi thanh niên hồi đó chỉ có mấy con đường.
Hoặc cam tâm làm dân nô lệ mất nước, làm việc trong bộ máy của kẻ thù, chịu đựng hết mọi nỗi nhục nhã mà kiếm miếng ăn.
Hoặc làm người sống không mục đích, khóc mướn, than vay, qua ngày đoạn tháng, đau khổ mà không dám phản kháng, kéo dài cuộc đời vất vưởng với bao nhiêu ước mơ chôn chặt, mà như vậy cũng chính là làm lợi cho giặc.
Hoặc phải liều mạng mà định mục đích cho cuộc sống của mình : đấu tranh cho độc lập của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân. Lúc ấy chỉ riêng việc xác định mục đích cho cuộc sống thôi, cũng phải liều mạng rồi, vì tất cả bộ máy đàn áp dữ tợn của đế quốc sẵn sàng nanh vuốt dập tắt mọi ý định sống có mục đích chân chính của thanh niên.
Ngày nay, tình hình khác hẳn. Tất cả mọi chí khí anh hùng của thanh niên đều được khuyến khích, tất cả mọi ước mơ đẹp đẽ của thanh niên đều được khêu gợi. Chỉ cần mỗi thanh niên chúng ta xác định được lý tưởng cao quý của đời mình là phấn đấu đến vì nhân dân, vì Tổ quốc thì bất cứ ở cương vị công tác nào đều có thể giành được những thành tích và vinh dự lớn lao. Vẻ vang của các anh hùng lao động Phạm Thị Vách, Phạm Duy Chúc há chẳng phải vẻ vang của những người thanh niên có mục đích sống chân chính, có những ước mơ táo bạo và đã bền bỉ thực hiện mục đích và ước mơ đó trong ngay công tác bình thường của mình?
Vấn đề thích làm sĩ quan hay không thích làm sĩ quan, vấn đề chọn ngành, chọn nghề, chọn nơi, chọn chốn chỉ là vấn đề ngọn. Vấn đề gốc là mục đích cuộc sống : sống cho ai, sống vì cái gì? Nếu sống vì chức sĩ quan thì thật là lố bịch và buồn cười. Cũng có nhiều người lấy vấn đề ngọn ra che vấn đề gốc. Họ trình bày công việc này, chỗ này hợp với tôi hơn, giúp tôi phát huy được khả năng phục vụ nhân dân nhiều hơn. Và khi họ không thực hiện được đúng sở thích của riêng họ thì cho là tài năng của họ bị chôn vùi, không ai biết đến, cho những người nào chỉ căn cứ vào yêu cầu chung của xã hội mà sắp xếp họ là không biết người biết của có tội to với cách mạng (!)
Đến đây, cần thấy sự liên quan giữa lý tưởng ước mơ và nghĩa vụ. Khi cách sống của ta gắn liền với đời sống xã hội thì không phải dù muốn sống thế nào thì sống, muốn ước mơ gì thì ước mơ, mà cách sống và những ước mơ của ta gắn liền với yêu cầu của xã hội. Như vậy là ta phải tự xác định cho ta những nghĩa vụ phải theo yêu cầu của xã hội mà đại diện đề ra những yêu cầu đó là Đảng và Chính phủ, lực lượng lãnh đạo của xã hội.
Hiện nay, có một số anh em thanh niên làm nghĩa vụ quân sự, cảm thấy không được vinh dự bằng chiến sĩ tình nguyện trước kia. Thật là một thắc mắc rất đáng yêu. Thật ra vinh dự không phải ở bản thân chế độ tình nguyện hay chế độ nghĩa vụ, mà là ở mục đích của chế độ và tinh thần của mỗi người trong khi thực hiện chế độ đó.
Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng nhất của thanh niên, dẫu điều ấy có được ghi cụ thể vào pháp luật hay không. Đồng thời đó là một quyền lợi, một lý tưởng, một ước mơ của thanh niên. Bởi vì đó là một yêu cầu của xã hội, một yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng mà lý tưởng, ước mơ của thanh niên phải phản ánh yêu cầu đó.
Kể ra có cái cô nào căn cứ vào “sao gạch” hoặc phân biệt anh thuỷ quân, không quân ăn mặc oai hơn anh bộ binh, anh pháo thủ xe súng đàng hoàng hơn anh thông tin dây dợ lằng nhằng để chọn người yêu, thì rõ ràng đó là thứ tình yêu thảm hại và lạc hậu nhất. Vấn đề là chọn người mà con người đâu có phụ thuộc vào hình thức, ngành nghề, địa vị. Thế nhưng còn cái anh chàng nào cho là làm bộ đội “chán” hơn sinh viên hoặc cho là làm sĩ quan hoặc vào hải quân mới đáng để đi nghĩa vụ quân sự thì cũng chẳng kém cái tình yêu thảm hại của cô gái lạc hậu trên một chút nào. Anh hùng Trần Cừ, Phan Đình Giót để tên tuổi mình bất diệt kề lỗ châu mai của kẻ địch, thì anh hùng Tô Vĩnh Diện và Bế Văn Đàn đã để lại tên tuổi mình ở dưới bánh xe pháo và giá súng liên thanh, anh hùng Hoàng Khắc Dược lại lập thành tích vẻ vang ở bên bếp nấu cơm phục vụ bộ đội đánh giặc.
Hoa súng. Ảnh : Trần Độ
 Nghĩa vụ không phải là một sự cưỡng bức, bắt buộc mà là lý tưởng được xác nhận và được tổ chức.
Khi lý tưởng phục vụ nhân dân, bảo vệ đất nước đã thành phổ cập, hợp pháp, khi lý tưởng đó đã có lực lượng vật chất và nền chuyên chính dân chủ nhân dân bảo đảm thì mọi hành động thực hiện lý tưởng đó phải được tổ chức lại. Cũng như khi đã có hàng vạn thanh niên “tình nguyện” vào bộ đội thì phải có sự sắp xếp phân công, anh lái xe, tôi xung kích, anh ngắm pháo, tôi vác càng, anh liên lạc, tôi nấu cơm, … nếu không, làm sao có thể thực hiện được ước mơ chung chiến thắng kẻ địch.
Các bạn thanh niên hiện đang tại ngũ và các đồng chí chiến sĩ nghĩa vụ tương lai, hãy nhận thức cho được sự thống nhất giữa lý tưởng và nghĩa vụ, giữa ước mơ cá nhân và yêu cầu xã hội. Đó chính là nét đặc biệt của thế hệ thanh niên Hồ Chí Minh ngày nay.
Chúng ta cần phải xét thêm một khẩu hiệu đầy khí phách anh hùng của Hồ Chủ tịch tặng thanh niên “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.
Từ xưa tới nay, những hành động anh hùng chân chính đều là những hành động khắc phục khó khăn gian khổ, những hành động quyết định trong giờ phút quyết định, những hành động quên mình vì lợi ích của sự nghiệp chung, những hành động xuất phát từ tư tưởng, đạo đức cao cả.
Những nhân vật Tam quốc như Quan Công, Triệu Tử Long, anh hùng không phải ở chỗ múa long đao, lao giáo sắc mà ở lòng ngay thẳng dạ trung kiên, vào sinh ra tử vì nghĩa lớn. Chứ tài Lã Bố với cây thiên phương hoạ kích nào có kém ai mà người đời nhớ đến chỉ tổ khinh ghét.
Ngày nay danh hiệu “chiến sĩ quân đội nhân dân” nghe càng âu yếm, càng anh hùng. Hình ảnh người chiến sĩ xông pha trong khói lửa gian nguy để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân là hình ảnh hùng vĩ đẹp đẽ biết bao nhiêu. Người chiến sĩ quân đội phải đem hết tâm trí sức lực ra thắng cái chết luôn kề bên mình để hoàn thành nhiệm vụ, phải luôn luôn dầm mưa dãi nắng, trèo đèo lặn suối đứng đầu sóng ngọn gió, lúc bình thời cũng như khi có giặc để hoàn thành nhiệm vụ. Là chiến sĩ quân đội nhân dân, mỗi thanh niên phải ra công rèn luyện cho mình một tinh thần chiến đấu dũng cảm, căm thù kẻ địch, luôn luôn quyết chiến và quyết thắng, một bản lĩnh chiến đấu kiên cường, nhảy cao, chạy xa, bắn trúng, đánh mạnh, linh hoạt và mưu trí, dù trong hoàn cảnh gian khổ nguy nan thế nào cũng đủ tinh thần và năng lực diệt địch, bất kể kẻ địch hung ác và hùng mạnh đến đâu, có gì đánh nấy thậm chí có khi chỉ tay không cộng với chí căm thù mà quật ngã kẻ thù để trở nên vô địch. Là chiến sĩ quân đội nhân dân nghĩa là một con người biết “trung với nước, hiếu với dân” không tiếc xương máu để giữ gìn tính mệnh, tài sản của nhân dân, lại là một con người hào hiệp, giản dị, yêu lẽ phải, chuộng công lý, tôn trọng người già, yêu mến trẻ em, giúp đỡ phụ nữ, chịu chạy bộ hàng chục cây số để nhường vé cho chị có con mọn, hy sinh ngày về phép gặp người yêu để giải quyết việc công trắc trở, lấy thân mình chẹn trên mái nhà dân cho khỏi tốc vì gió bão hoặc ngăn nước lũ để cứu ruộng dân khỏi nạn lụt. Là chiến sĩ quân đội nhân dân còn có nghĩa là trong con người yêu tập thể, quý đồng đội, gắn bó với nhau trong tình bạn chiến đấu, biết nhường cơm sẻ áo, tranh khó phò nguy. Từ xưa ít có tình bạn nào đẹp và cảm động hơn tình bạn của bốn anh hùng của quân đội Xô Viết trôi dạt trên Thái Bình Dương và tình bạn của bốn chiến sĩ hải quân của ta lăn lộn với sóng gió ngoài khơi biển Đông. Tình bạn nổi tiếng giữa Lưu Bình và Dương Lễ cũng trở nên yếu ớt, chật hẹp lạc lõng trước tình đồng chí vô tư, trung thực, luôn luôn tận tình mà đầy tính chiến đấu của các chiến sĩ quân đội nhân dân. Chính tình cảm cách mạng này đã hướng dẫn nhiều đồng chí trong tình yêu, tình nghĩa vợ chồng làm cho chiến sĩ của quân đội nhân dân trở thành những chàng trai ngay thẳng, thuỷ chung.
Khái quát lại một danh hiệu chiến sĩ quân đội nhân dân, một hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ, là một hình ảnh toàn vẹn của một thanh niên anh hùng dũng cảm phi thường mà tình cảm cách mạng thì rộng lớn thiết tha.
Vì vậy đi làm nghĩa vụ quân sự không phải đi làm “tròn bổn phận ba năm rồi về” một cách giản đơn, nhạt nhẽo, xong chuyện, mà là đi vào một cuộc rèn luyện, một cuộc chiến đấu, nếu chưa thực hiện được những chiến công rực rỡ thì cũng để xây dựng cho mình ý chí và bản lĩnh cần thiết để có thể thực hiện mọi lao động, công tác, phấn đấu hiệu quả cho lý tưởng cho mục đích cuộc sống của mình.
Đi làm nghĩa vụ quân sự như vậy là khó đấy, khó thật sự, nhưng chí khí thanh niên lại chính là ở đó.
Lôi Phong, người chiến sĩ anh hùng của Giải phóng quân Trung Quốc đã tự đề một câu bất hủ:
Đồng chí Lôi Phong,
Mong đồng chí sẽ trở thành tùng bách trong giông tố,
Không muốn đồng chí trở nên mầm non trong phòng ấm!
Ôi chao! Nếu chỉ làm một cái “mầm non trong phòng ấm” thì dễ dàng và buồn tẻ xiết bao ! Là học sinh cứ học hết lớp này, lớp khác, rồi vào đại học, rồi ra kỹ sư làm viên chức, có cái xe đạp, cái ra-đi-ô, căn buồng rồi làm một người chồng chăm chỉ chiều vợ hoặc một người vợ duyên dáng với những buổi chiều và ngày chủ nhật đều đặn dạo công viên. Là nông dân cứ làm đủ công điểm cho hợp tác xã, còn bao nhiêu tâm tư để vào việc xây cái sân, dựng chuồng lợn, hoàn thành ba gian nhà ngói, chăm chút mấy sào vườn riêng, ngày tháng cứ trôi qua, chồng cần cù mà vợ thì đảm đang, …
Nói như thế không phải nói thanh niên không nên là học sinh, viên chức, nông dân. Là học sinh, trí thức phải là em của Trần Văn Ơn, Lê Quang Vịnh, phải noi theo Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, là công nhân phải như Trần Văn Giao, Nguyễn Thị Thạc, là nông dân phải như Phạm Duy Chúc, Phạm Thị Vách, … Và là thanh niên nói chung phải được rèn luyện mình trong nghĩa vụ quân sự, trong chiến đấu lao động, trong bão táp của cuộc đời.
Làm nghĩa vụ quân sự hiện nay, trở thành chiến sĩ quân đội nhân dân hiện nay còn nhiều ý nghĩa thật thiêng liêng xúc động. Các đồng chí đứng dưới quân kỳ Quyết thắng, các đồng chí có nhớ đến lá cờ đó chứa những gì? Đã trải qua những bước đường chiến đấu thế nào không ? Từ ngày dựng cờ nghĩa ở chiến khu trong rừng Trần Hưng Đạo cho đến lúc cờ phấp phới trên nóc chỉ huy sở của địch ở Điện Biên Phủ lá cờ Quyết thắng đã nhuốm máu anh hùng của bao nhiêu liệt sĩ, thương binh, bao nhiêu người con ưu tú nhất của dân tộc, đã vượt qua muôn trùng lửa đạn mấy trăm, mấy ngàn trận tuyến các chiến trường lịch sử của Tổ quốc.
Các đồng chí hiện nay mặc bộ quân phục, có ngôi sao quân hiệu lấp lánh trên đầu, các đồng chí có biết đó là ngôi sao vàng năm cánh của cờ Việt Minh của Nam kỳ khởi nghĩa, ngôi sao giải phóng quân xưa đánh Pháp đuổi Nhật, ngôi sao của Vệ quốc đoàn bảo vệ Thủ đô yêu dấu những ngày đầu kháng chiến, ngôi sao của những chiến công Sông Lô, Biên Giới, Tháp Mười, Khu 5. Bây giờ các em bé trong trại trẻ mẫu giáo thích thú tập vẽ hình ngôi sao, các thiếu nữ yêu kiều ngồi thêu hình ngôi sao. Ngày xưa người ta không vẽ, không thêu ngôi sao say đắm như vậy. Sao vậy? Vì nó là ngôi sao anh hùng, ngôi sao chiến thắng. Không phải nó chỉ đẹp vì vòng tròn đỏ xinh xinh, vì năm cánh vàng cân đối, màu sắc nhịp nhàng, sáng sủa, mà là vì nó đánh dấu cả một thời kỳ lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta. Ngôi sao vàng ấy vẫn đang tiếp tục lung linh rọi niềm tin tưởng trong miền Nam đau thương và anh dũng và tung bay huy hoàng trên lá cờ của Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam.
Từ anh thanh niên bình thường, mặc bộ quân phục, đội cái mũ sao vào, là người ta thấy anh bộ đội của Nà Ngần, Phay Khắt, Ba Tơ, của La Ngà, Hải Vân, Điện Biên Phủ đâu phải chỉ là sự thay hình đổi dạng từ anh thanh niên “dân sự” sang anh thanh niên bộ đội. Trông anh bộ đội người ta hình dung ra một truyền thống vẻ vang bất diệt, người ta thấy ngay anh là em của Trần Cừ, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, La Văn Cầu, vì anh phải mang trong người dòng máu anh hùng ấy. Toàn thể nhân dân không muốn một ai trong các chiến sĩ hiện nay làm vẩn đục dòng máu ấy. Vì đây là dòng máu tươi thắm của dân tộc Việt Nam anh hùng từ đời Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung truyền lại, dòng máu của giai cấp công nhân cách mạng Việt Nam, trong dòng máu ấy còn có cả những huyết cầu của Lê-nin, Sta-lin, Mao Trạch Đông, của Ma-tơ-rô-xốp, Ma-set-xi-ép, của Hoàng Kế Quang, Đổng Tồn Thuỵ.
Các bạn ơi, đi nghĩa vụ quân sự chính là đội lấy cái mũ có ngôi sao vàng hùng vĩ, để trong máu mình tiếp lấy máu cách mạng anh hùng, để làm tròn trách nhiệm đối với những người đã chết và cũng chính vì hạnh phúc của những người đang sống. Bảo vệ Tổ quốc của ta, Tổ quốc đâu chỉ là khái niệm về đất đai, mà Tổ quốc có gần bốn ngàn năm lịch sử dựng nước và chống ngoại xâm, có Cách mạng tháng Tám thành công và trường kỳ kháng chiến thắng lợi, có miền Nam anh hùng đã mười tám năm chiến đấu và đến giờ vẫn đang chiến đấu quyết liệt, có xây dựng chủ nghĩa xã hội làm đất nước thay da đổi thịt và lớn lên từng ngày.
Các bạn trẻ đang thảo luận về vấn đề nghĩa vụ quân sự và ước mơ của tuổi trẻ. Tôi chẳng có gì phải bắt bẻ các đồng chí cả. Nếu nhận thức là một quá trình, tôi mong các bạn tiếp tục nhận thức của mình.
Sống trong thời đại anh hùng, sống giữa những sự kiện anh hùng, các bạn hãy ước mơ nhiều nữa đi. Nếu chỉ băn khoăn tính toán được mất sa lầy vào những điều vụn vặt về quyền lợi vật chất và hình thức bề ngoài thì giống như con bé nghịch ngợm kia bỏ cái bút máy đắt tiền chạy đuổi theo bọt bong bóng xà phòng rực rỡ chỉ đáng thương hại mà thôi.
Các bạn hãy quyết định rõ mục đích đời mình, chắp cánh cho ước mơ bay bổng. Các bạn rất có thể ước mơ thành tướng lĩnh của quân đội ta, chỉ cần các bạn nhớ cho rằng tướng của ta cũng chỉ là người của nhân dân và phục vụ nhân dân, sẵn sàng hy sinh vì quyền lợi của nhân dân, kể cả sẵn sàng không làm tướng nữa khi nhân dân và Tổ quốc không cần đến. Tôi và một số bạn tôi trước khi làm tướng cũng đã làm liên lạc, cần vụ, chiến đấu viên và lái xe… bò.
Các bạn có thể ước mơ làm phi công, đô đốc, nhưng trước hết hãy ước mơ học bắn cho giỏi, canh gác cho nghiêm, ăn mặc cho chỉnh tề, cư xử cho đúng kỷ luật. Trong khi ước mơ làm đô đốc hải quân mà gác không tốt vẫn phải phạt, bắn trượt vẫn phải ăn hai và ra đường thiếu lễ tiết nhân dân vẫn phê bình: “Bộ đội gì lại tồi thế!”.
Cứ ước mơ đi, các bạn ạ, ước mơ thú vị lắm. Tôi tuy đã quá tuổi thanh niên nhưng cũng xin tâm sự với các bạn tôi còn khối ước mơ. Nào ước mơ theo học hàm thụ đại học, ước mơ trở thành nhà văn thực sự, ước mơ đọc nhiều tiểu thuyết, biết âm nhạc, hội hoạ, ước mơ đi du lịch biết khắp non sông đất nước Việt Nam, … Nhiều ước mơ đốt cháy cả nỗi lòng. Nhưng lại có những ước mơ khác nóng bỏng hơn: nghiên cứu lý luận, nghiên cứu công tác chính trị và kinh nghiệm huấn luyện quân sự, học tập chiến thuật, xây dựng dân quân tự vệ, … Mỗi ước mơ đều làm tôi say sưa một khi thấy nó trước hết đem lại lợi ích cho sự nghiệp quân sự của nhân dân và Tổ quốc ta.
Cũng vì có những ước mơ thú vị đang tràn ngập trong đầu óc tôi mà tôi say sưa ngồi viết liền sáu tiếng đồng hồ dưới đèn bản thảo bài này để kịp đưa theo yêu cầu của báo Quân đội Nhân dân.

(Trích Anh bộ đội, Nxb Văn Học, 2017)

2 nhận xét:

  1. Từ ngày bọn giáo dục bỏ bài này trong sách giáo khoa Văn lớp 7 (cũ) thì thanh niên VN ta cũng hết cả lý tưởng và chỉ còn có mơ (nhưng lại nhờ đập đá mà có mơ).

    Trả lờiXóa
  2. Mỗi một thế hệ đều có lý tưởng sống sao cho đúng .Lứa bọn tôi (đều đã về hưu ) rất tâm đắc với bài viết này Dù một thời chúng tôi mơ Nước Nga tuy chưa bao giờ được đặt chân đến đó hay có thời coi ngành cơ khí nơi ĐHBK đào tạo ra là then chốt (giờ cái chốt đó rỉ rồi) thì ai cũng vẫn mơ về cuộc sống tốt đẹp hơn (giờ nước Nga cuộc sống lứa bạn tôi ở lại bên đó so với người ở VN) chả hơn gì Tuổi này chỉ mơ sức khỏe để đi chơi được với bạn bè và gia đình bình an Lứa con cháu ta nó có lý tưởng ước mơ và nghĩa vụ ta dạy bảo được à?

    Trả lờiXóa