Thứ Năm, 30 tháng 5, 2024

Cuộc hỏi cung tướng De Castries (*)

           …Tại Sở Chỉ huy Đại đoàn, dưới nóc hầm làm bằng những cây gỗ ngoại cỡ, có ánh sáng điện, bàn ghế phẳng phiu, trên một chục cán bộ đã ngồi sẵn. De Castries đứng lại, suy nghĩ điều gì không rõ rồi bước vào hầm, đứng nghiêm chào Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn, có Chính ủy Trần Độ ngồi bên cạnh, ở cuối căn phòng.

Chính ủy Đại đoàn 312 Trần Độ trao cờ “Quyết Chiến, Quyết Thắng” của Hồ Chủ tịch cho Đại đội trưởng Hà Văn Nọa, Đại đội 243, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141 trong trận đánh Him Lam (13/3/1954).
Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ.

Đại đoàn trưởng đứng lên, khẽ gật đầu và chỉ tay cho ông ta ngồi xuống trong dãy ghế quay lưng ra rừng. Đại đoàn trưởng ra lệnh cho tôi (Chủ nhiệm Trinh sát) kiểm tra chữ ký của De Castries. Tôi đặt một tờ giấy trắng cùng bút, De Castries đưa tay sốt sắng nhận và chững chạc ký tên vào.

Sau khi nghe tôi báo cáo kết quả kiểm tra, Đại đoàn trưởng cũng trực tiếp xem xét chữ ký lại một lần nữa rồi cầm máy nói báo cáo lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Chỉ huy chiến dịch về sự kiện Đại đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ và bắt được tướng De Castries cùng Bộ Tham mưu tập đoàn cứ điểm. Đại tướng hỏi lại là đã kiểm tra chữ ký chưa và khi nghe Đại đoàn trưởng báo cáo kết quả kiểm tra đích thực, Đại tướng buông máy nhưng vẫn vang từ đầu dây bên kia tiếng của Đại tướng báo cáo tin thắng trận lên Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuộc hỏi cung được bắt đầu bằng câu hỏi của tôi (tất nhiên bằng tiếng Pháp):

- Ông đã ra lệnh đầu hàng lúc mấy giờ?

Sau cái nhún vai tỏ vẻ ngạc nhiên, De Castries đáp:

- Không, tôi không hề chủ trương đầu hàng, chẳng qua sĩ quan, binh lính dưới quyền không chịu chiến đấu nữa nên tôi cũng đành phải bó tay!

- Ông cho biết quân lực lúc thất thủ?

De Castries lại lạnh lùng nhún vai:

- Điều này… tôi thấy không thể trả lời được!

Quen với những cuộc hỏi cung tù binh trôi chảy trước đây, lần này thấy thái độ ngang ngạnh của viên tướng quý tộc, tôi đã không giữ được bình tĩnh, khẽ đập tay vào bàn:

- Ông đủ trình độ để hiểu rằng một khi đã bị bắt làm tù binh thì có nhiệm vụ trả lời nghiêm chỉnh câu hỏi của đơn vị chiến thắng đặt ra.

De Castries lại tiếp tục lặng thinh, khẽ nhún vai và thoáng nhìn tôi với ánh mắt phản kháng rồi nhìn xuống mặt bàn.

Giữa lúc không khí căng thẳng, tôi thấy có chân ai đụng khẽ vào chân tôi dưới gầm bàn rồi tiếp đến là tiếng của Chính ủy Trần Độ hướng về phía tôi:

- Anh Sơn, lúc này ta đang cần nắm được âm mưu của địch trong và sau chiến dịch để kịp thời báo cáo lên trên, vậy không nên câu nệ vào phương pháp hỏi cung tù binh, anh nói theo tôi nói đây: “Bộ Tư lệnh Đại đoàn đưa ông tới đây để trao đổi một số vấn đề về nghệ thuật quân sự”.

Sau khi nghe tôi dịch lại, tướng De Castries như bị điện giật, người như nở ra, vuốt lại ve áo, chỉnh lại ca lô ngay ngắn, sửa lại tư thế ngồi, tươi tắn hẳn lên và hoạt bát, cởi mở:

- Tôi rất phấn khởi và hoan nghênh ý định trên của các tướng quân! Điện Biên Phủ là một ván cờ lớn, ai cao tay sẽ thắng, ai thấp nước ắt phải thua. Các ngài là những người có nước cờ cao tay nên đã giành thắng lợi, chúng tôi thấp tay cờ nên phải chấp nhận thất bại, đó là đương nhiên!

Dịp hiếm hoi, nhân kỷ niệm 45 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Trần Độ về thăm lại chiến trường xưa. Ảnh chụp vào ngày 14/3/1999.


Nhờ có ý kiến chỉ đạo của Chính ủy Trần Độ và trước sự chuyển biến thái độ của De Castries, tôi tiếp tục theo hướng đó khêu gợi:

- Ông là một nhà quân sự, ông hẳn thừa biết việc đưa một đạo quân lớn lên vùng lòng chảo Điện Biên là điều bất lợi?

   De Castries gật gật đầu và thao thao phân tích khá kỹ về những khó khăn, bất lợi mà đạo quân của ông đã phải đương đầu: nào là xa hậu phương, mọi vấn đề về hậu cần tiếp tế đều phụ thuộc vào cầu hàng không, nào là địa hình rừng núi trở ngại cho mọi hoạt động tác chiến kể cả của pháo binh, thời tiết phức tạp ảnh hưởng đến sự yểm trợ của không quân…

Rồi ông ta kết luận rằng trong hoàn cảnh của ông ta, trên có tướng Cogny, trên nữa là tướng Navarre và cạnh ông này có cố vấn Mỹ O’Daniel, nên dù có hiểu rõ những khó khăn, bất lợi kể trên, ông ta vẫn phải làm hết trách nhiệm theo luật nhà binh, theo lệnh cấp trên giao xuống.

Sau đó, vẫn theo cách gợi ý và trao đổi như trên, các vấn đề mà Bộ Tư lệnh Đại đoàn cần tìm hiểu đã được ông ta bộc lộ khá tỉ mỉ, thẳng thắn.

Ông ta còn mạnh dạn hỏi Chính ủy Trần Độ là các chiến sĩ khi vào bắt ông ta đều có sắc mặt đỏ gay, phải chăng đã được cấp trên cho uống rượu?

Chính ủy Trần Độ mỉm cười:

- Không phải thế đâu! Quân đội Việt Nam không quen có tác phong như vậy! Có chăng là do lòng căm thù.

Trước khi kết thúc, tướng De Castries còn đề nghị cho phép mang theo hai lính hầu về trại tù binh và được trả lời:

- Trong trại tù binh của Việt Nam có sự bình đẳng đối xử, nếu ai có cảm tình với ông và tự nguyện giúp đỡ thì việc đó sẽ được xem xét giải quyết.

…Nhớ lại buổi thẩm vấn đêm hôm chiến thắng 07/5/1954 và cho đến tận hôm nay, 42 năm sau, tôi vẫn cảm thấy đến từng chi tiết sự bàng hoàng của De Castries trước dấu chấm hết cho Điện Biên Phủ và cho cả cái chế độ thực dân đã cáo chung từ đấy.

Sơn Hà

(*) Bài đăng trên Tạp chí Xưa & Nay, số 39, tháng 5/1997


(Điện Biên Phủ Lịch sử và Ký ức, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2024)

1 nhận xét: