Thứ Hai, 20 tháng 5, 2024

Lãnh đạo theo đường lối quần chúng



Giới thiệu kinh nghiệm học tập của một Đại đoàn
Lãnh đạo theo đường lối quần chúng
Quần chúng dạy quần chúng. Quần chúng dạy cán bộ.
 
Chỉ riêng cán bộ giảng bài thôi thì không thể giảng kỹ cho mọi người được. Nhưng nếu anh em mạn đàm, thảo luận nhiều, phê bình gom góp ý kiến giúp nhau học tập thì ai nấy đều hiểu rõ bài học.
Muốn thực hiện điểm này, việc bố trí tổ chức phải hết sức tỷ mỉ cho tổ ba người dìu dắt giúp đỡ nhau. Chiến sĩ cũ dìu dắt chiến sĩ mới, đảng viên dìu dắt quần chúng, người khỏe giúp đỡ người yếu. Có những anh em kém, nhưng nếu tổ ba người hết sức hoạt động, chuẩn bị ý kiến cho họ phát biểu ở lớp học, biên những câu hỏi ra giấy cho họ học kỹ để phát biểu cho đúng, cả tổ giơ tay để dành cho một tổ viên của mình được nói, học xong lại giúp nhau ôn tập, v.v… thì kết quả rất lớn.
Trong lúc học, nhiều khi quần chúng lại có thể dạy cán bộ, dạy kinh nghiệm thực tế, có khi dạy trực tiếp, khi gián tiếp. Như khi học “ba dân chủ lớn”, chiến sĩ đã phê bình rất đích đáng những quan niệm sai lầm của cán bộ về mở rộng dân chủ và những phương pháp làm việc. Hay là khi nghe chiến sĩ tự kiểm thảo, cán bộ mới giật mình: từ trước không hiểu gì về tư tưởng, đời sống anh em và học được cách hiểu biết bộ đội, thấy rõ nhiệm vụ chiến đấu và giáo dục của mình đối với bộ đội hơn.
Về quân sự lại càng rõ: ở một đơn vị, sau 4 ngày học tập, tổng kết kinh nghiệm của chiến sĩ về “bộc lôi”, bài của chiến sĩ khác với bài của cán bộ vì đúng hơn, sâu sắc hơn. Có một đội viên tháo và lắp một băng đạn trung liên bơ-rô-ninh có 15 giây, các cán bộ đều học mà không làm kịp.
Điều nói trên là một chân lý. Đến nay một số lớn cán bộ đã thấy thấm thía. Đã có người xoay trần ra tập, yêu cầu chiến sĩ phê bình hoặc tự đứng vào hàng tập cho chiến sĩ hô và sửa nắn cho. Tin ở quần chúng, người kém cũng có thể tiến bộ được, chỉ cần cán bộ kiên nhẫn, tỷ mỉ.
Quần chúng bao giờ cũng ham tiến bộ và đều có ít nhiều tinh thần tự giác. Vì vậy, khi học tập, người lãnh đạo phải tin họ có thể tiến bộ được dù kém đến đâu nếu ta kiên nhẫn, giảng dạy tỷ mỉ, có kế hoạch.
Ví dụ: có đồng chí kém, không dám phát biểu ý kiến, cán bộ “gợi” cho ý kiến, bày cho cách phát biểu. Anh phát biểu xong, cán bộ lại tóm tắt thật khéo, nêu được những điểm đúng, rồi ngng lại đề cao anh ta, yêu cầu mọi người hoan hô. Và dần quen đi, đồng chí kém đã phát biểu rất hăng.
Khi thảo luận phải kiên nhẫn gợi ý, nhắc đi nhắc lại, hỏi người này, chỉ định người kia cho thật kỹ, vì có khi có 9 người phát biểu ý kiến sai nhưng người thứ 10 lại có ý kiến hay.
(Trích báo cáo của Trần Độ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét