Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2024

Mộ An Song


Bỗng dưng C. trở người mạnh, đập bàn đen đét tròn mắt nhìn tôi, nói to lên giọng thiết tha trách móc:

- Còn chuyện nữa! còn chuyện nữa cậu ơi! Chuyện An Song cậu biết không? … Ôi chao thật là đẹp, thật là ly kỳ, mình kể cậu nghe.
C. uống thêm hớp nước, châm điếu thuốc lá, tỳ người vào bàn, một tay chống bàn, một tay vừa cặp điếu thuốc lá vừa lật phật vuốt mép cuốn sách dày:
- An Song là cậu trung đội phó ở Tiểu đoàn X. cậu nhớ chứ gì. Hắn làm thợ giày ở trong nhóm anh em công nhân xung phong chiếm Bắc Bộ phủ đấy.
Chuyện hắn chết là cả một chuyện chiến đấu rất thích, hắn đã vậy, hắn lại còn chết với hai cậu đội viên rất anh hùng nữa.
- Cậu có nhớ mặt trận Mậu Lương hồi tháng 4 năm 47 không? Lúc ấy cậu đi khu 2 rồi, chắc không biết An Song chống giữ ở đâu và tử trận ở đâu. Mình biết chuyện này là vì An Song ở ngay nhà hàng xóm ông T.Đ.H. Ông H. trong trận ấy nấp vào một chỗ, thoát nạn và được mục kích cái chết của An Song.
Khi Tây đánh ra, An Song chịu trách nhiệm với một tiểu đội cùng dân quân du kích giữ Mậu Lương; căn cứ vào kế hoạch chung của cả đại đội thì tiểu đội cậu ta phải chống giữ đến cùng để yểm hộ cho toàn đại đội, thành ra cậu ta được lệnh ở lại đến khi có lệnh rút lui. Lúc thường bộ đội theo chủ trương chung là phải bảo tồn chủ lực, nên trận này, quân ta chỉ cốt tiêu hao địch rồi rút thôi. Cậu An Song phục tùng mệnh lệnh rất anh dũng.
… Địch đã bao vây kín cả làng rồi. Dân làng chạy trốn và bị bắt hết, chỉ còn có một tiểu đội với An Song và một con đường rút bí mật ở một căn nhà gạch.
Súng địch đã nổ gần lắm, nghe ngóng kỹ mọi người có thể dự đoán là lực lượng của ta ở bốn phía đã rút cả.
Lúc ấy An Song có một ý nghĩ rất đẹp, gọi hết đội viên bố trí các ngả lại, nói thật nhanh:
- Các đồng chí! Tôi được lệnh phải ở đây đến cùng, nhưng nay xét ra toàn đội ở đây vô ích, dễ bị tiêu diệt hết! Vậy các đồng chí hãy theo đường bí mật rút hết, liên lạc với đại đội bộ. Còn để tôi ở lại yểm hộ.
Giữa lúc nghiêm trọng, lòng căm thù quân giặc và tình yêu cấp chỉ huy làm hàng ngũ quân ta sôi lên. Nhiều đội viên nói cùng một lúc:
- Không! Chúng em cùng ở lại với anh! Cùng giữ đến cùng !
Tiếng súng nghe đã gần lắm. An Song cương quyết:
- Tôi được lệnh thượng cấp ở lại đây. Tôi phải phục tùng. Tôi chỉ huy các đồng chí. Tôi hạ lệnh toàn tiểu đội, rút! Đồng chí nào phản kháng? An Song rút súng lục cầm tay.
Lúc ấy có một sự im lặng đáng sợ. Các đội viên gượng gạo nói khẽ: Phục tùng! và lưu luyến, bồn chồn lặng lẽ rút đi.
An Song giơ tay chào mọi người rồi vẫn lặng lẽ làm việc theo kế hoạch đã định riêng. Anh tra khẩu súng lục đã hết đạn vào bao rồi rút hai quả lựu đạn thìa cầm ở tay, ghé răng cắn chốt an toàn ra, lại đằng sau một cái bàn có ngăn kéo mở sẵn, anh thọc hai tay vào đó, đứng yên chờ đợi. Cậu nên nhớ thứ nhất là lúc ấy không phải cả tiểu đội họ rút đâu nhé, mình sẽ kể sau đây, mà cũng chính vì thế, cũng quanh cái chết của An Song mới có nhiều điều trang điểm.
… Không đầy năm phút sau, bọn giặc đã kéo đến đi sục các nhà. Nhà An Song đứng đã mở toang hết cả cửa. Bọn Pháp đến hùng hục xô vào chợt thấy An Song, mũ sao vàng cẩn thận, lại đứng im lặng, lạnh lùng. Chúng chĩa hết cả mũi súng vào An Song hô to: “Giơ tay lên! Hàng đi!”.
An Song quắc mắt hét: “Lính Việt Nam không biết hàng!”
Bọn lính tức giận xô vào nữa, hè nhau bắt sống An Song, An Song nhanh nhẹn hô to “Hồ Chủ tịch muôn năm” và vung hai tay ra. Tiếng hô vang chen với hai tiếng nổ ầm ầm rung động cả nhà; 4, 5 tên Pháp giẫy đành đạch trên máu, vứt tung cả súng ra, bọn ở ngoài hoảng hốt chửi rủa nhặng xị, bắn rất nhiều vào trong nhà rồi bò phục cả chung quanh. Nhưng một lúc sau chúng không thấy gì lại hùng hục kéo nhau vào nhà.
Trong nhà lúc ấy chỉ có mấy xác chết ngổn ngang và một sự im lặng dọa nạt.
Bỗng lại hai tiếng súng trường nổ, hai phát đạn từ trên nhà bắn xuống vật ngã hai thằng, cả bọn lại hoảng lui ra, kịp tránh hai viên đạn nữa tiếp theo. Bọn giặc lại hục hặc bắn vào nhà, chia nhau bao vây, nhưng vô ích. Về sau chúng kéo đến càng đông, chúng thù ghét kẻ nào nằm nấp trên trần nhà đã làm chúng hoảng sợ. Chúng bê cả một khẩu ba-dô-ka nã ba phát vào tường nhà, nhà sập, gạch ngói rào rào, hai anh vệ quốc quân quần áo rách nát, máu bê bết lăn xuống theo đống gạch.
Hai anh chưa kịp trở mình đã bị bọn giặc xô đến giằng lấy súng đứng dậy bắt sống.
Thế là giặc yên chí sung sướng xô lại xung quanh hai anh, tát, đấm, chửi rủa thậm tệ. Có thằng hăm hở muốn giết ngay, chúng hùng hổ một cách hèn nhát, làm như sắp moi gan ăn thịt hai anh.
Cậu thấy lạ không? thì ra cả tiểu đội khi rút lui khỏi nhà một chút đã có hai anh lùi lại, bí mật lẻn vào nhà, trèo lên nằm kín trên trần.
- Họ làm thế nào mà An Song không biết?
Và không hiểu ý định họ định ở lại làm gì?
Sống chết với bọn Pháp chăng?
Kể ra cũng có lý cả. Nhưng nghe đến đây ai cũng thấy rằng hai anh kia không phục tùng mệnh lệnh của An Song vì đã quá cảm phục, yêu mến An Song. Đi hẳn, để An Song một mình, họ không yên tâm, họ muốn ở lại xem An Song làm gì? Họ nuôi một hy vọng mong manh rằng sẽ cứu được An Song chăng? Hay nếu không ít nhất họ được cùng chết với An Song và họ cũng làm tròn nhiệm vụ là giữ vị trí đến cùng.
K. nhỉ, chúng mình chả cần khen tinh thần anh dũng của hai anh đó làm gì, chỉ có một điều mình thương nhất là cái tình yêu nhau giữa đội viên và cán bộ mạnh mẽ, thắm thiết ấy, nó có nhiều ý nghĩa quá K. ạ!
Nhưng bực nhất là câu chuyện nó xẩy ra thế này: bọn lính Pháp đang hè nhau định xử hai tên tử thù của chúng thì một thằng chỉ huy của chúng tới. Tên này cười nhạt đầy nham hiểm, can ngăn bọn lính rồi nó ra lệnh cho bọn lính lôi hai anh ra sân. Nó nắm vai hai anh lay đi lay lại, vừa hỏi vừa cười một cách khinh bỉ, lạnh lẽo. Hai anh vẫn im lặng không nói, mặt sưng lên, tím bầm lại, môi run run, mắt cứng ra và nhiều lòng trắng. Hình như sự bực tức, thương cảm nó kích thích hai anh nhiều quá.
Bỗng nhiên thằng chỉ huy rút trong túi một tờ giấy dày, nó vuốt lại cho phẳng, rồi lại cười nhạt, gọi một anh vệ quốc quân, nắm lấy tai anh rồi xách ngửng đầu lên và giơ tờ giấy ra. Cậu có biết giấy gì không? Ảnh Hồ Chủ tịch!
Tên giặc kia hỏi một cách kiêu hãnh:
- Mày biết ai đây không?
Bỗng chúng giật mình, đề phòng, rồi trố mắt: Hai anh vệ quốc quân không ai bảo ai cùng… rập, đứng ngay người thành thế nghiêm và cùng giơ tay chào tấm ảnh, kính cẩn, nghiêm trang. Mắt hai anh sáng lên, nhanh lên hẳn hoi, da mặt trở lại hồng hào. Trong sắc thái hai anh bình tĩnh, đầy vẻ vững dạ, tin tưởng lạ lùng.
Thì ra K. ơi! hình ảnh cha già, bất cứ lúc nào hiện ra cũng là một nguồn sinh lực chuyền vào người ta khiến người ta vững vàng tin tưởng, khiến người ta sung sướng lên được. Và càng những lúc nghiêm trọng, nguy hiểm, hình ảnh cha già càng hiển hiện cho sự khuyến khích mạnh mẽ lạ thường, phải không K. nhỉ?
Thế là bọn Pháp lại một phen nữa điên cuồng, bực bội.
Chúng kéo tay một anh ra, giật mạnh mấy cái làm anh chúi đi, song nó đưa tấm ảnh vào tay anh, quát: “xé đi!” – Anh vệ quốc quân lùi lại một chút, vẫn nghiêm, lại giơ tay chào tấm ảnh lần nữa. Mắt anh vẫn sáng nhìn trân trân vào tấm ảnh và hơi rưng rưng chút nước mắt – K. ạ, giọt nước mắt ấy thật anh hùng. Tên chỉ huy Pháp gầm lên, vứt tấm ảnh đi, rút dao găm khoét hai mắt anh vệ quốc của chúng ta đưa cho một tên lính khác dán vào một bức tường đổ gần đấy. Đồng chí chúng ta nghiến răng vẫn giữ thế đứng nghiêm và ở hai hố mắt sâu hoắm máu đỏ lòe ròng ròng trên má, vẫn dáng điệu một người khóc, khóc ra máu và trên bức tường đổ rêu phong, hai con mắt dán vào đó cũng ri rỉ hai dòng máu đỏ tươi chậm chạp, căm hờn.
Thằng chỉ huy cho là đắc sách, lại nắm anh vệ quốc quân chưa bị khoét mắt, lay anh ta rồi nhét tấm ảnh bắt anh xé.
Vẫn một sự im lặng trang trọng, khinh bỉ quân thù, vẫn một niềm tin tưởng, vẫn thái độ ngang nhiên, anh vệ quốc quân của ta lại giật gót chân đứng nghiêm nhìn sâu vào bức ảnh, giơ tay chào.
Trời ơi! Nếu lúc ấy mà thật có cha già ở đó, chắc cha già đã ôm lấy hai anh vệ quốc quân kia mà hôn rồi nhỉ.
Mình cho anh hùng đời chiến quốc cũng đến thế là cùng. Chả biết có nước nào có được những chuyện kháng chiến anh dũng mà âm thầm, cao quý lặng lẽ thế không? …
Thế rồi cố nhiên việc phải đến như thế nào, chắc K. đã hiểu. Bọn giặc lại khoét nốt hai mắt anh vệ quốc quân kia nữa để anh lại phải khóc, một cái khóc căm hờn, nhưng lặng lẽ, tin tưởng và thật là nguyền rủa vào mặt nhưng tên giặc mù quáng, khốn nạn như loài vật. Sau cùng chúng bất lực, thất vọng và giận dỗi như đàn chó dại, đã lăn hai anh xuống, hè nhau lên đạn, bắn.
Khi biết mình sắp sửa trả xong nợ nước, hai anh lại đồng thanh hô “Hồ Chủ tịch muôn năm!”
- Tiếng hô của vệ quốc quân chúng mình lúc nào cũng thế, vẫn vang động, nó hét lên một ý chí bất diệt của đàn con Cụ Hồ, chỉ biết có Nước và có Cụ mà thôi.
Tiếng hô ở mồm An Song, ở mồm hai đồng chí này hay ở nhiều anh vệ quốc quân khác cũng thế thôi. Trước những tiếng hô ấy, chẳng những nhiều tên giặc đã bị tử hình mà đến ngay tinh thần chung của chúng cũng bị đe dọa nhiều nữa kia.
………..
Điếu thuốc ở đầu ngón tay C. đã tắt, C. ngừng lại, châm thuốc hút thêm vài hơi, ngồi thẳng dậy rồi trở mình tựa vào bàn, ngập ngừng nói tiếp:
- Những chuyện nếu chỉ có thế thì nó cũng thường thôi K. ạ! Về sau, xác An Song và hai đồng chí vệ quốc quân kia, được dân làng biết chuyện, thu lượm an táng cẩn thận, mồ mả được đánh dấu chu đáo. Nhiều người khóc và cảm phục vô cùng. Chuyện ấy về đến Trung đoàn, toàn Trung đoàn đều bùi ngùi và chuyện ấy đã truyền lan thành một làn sóng kích thích mọi người thêm căm thù, phấn khởi.
Từ đó về sau, mỗi khi có bộ đội đi tập kích ban đêm mà qua Mậu Lương thì thế nào cũng ghé qua thăm ba ngôi mộ của ba vị anh hùng ấy và phần nhiều các đội viên và cán bộ đều hay quỳ xuống vỗ khẽ vào mộ ba người mà thì thầm: “Các anh ơi! Chúng tôi đi tập kích đây!”.
Có một lần mình đưa bộ đội đi tập kích cũng đi qua đó. Đêm ấy cũng như đêm nay, K. ạ, tối lắm, trời lại rả rích mưa, hành quân đi ban đêm thì rùng rợn lắm, nhưng chúng mình đi như ma, lặng lẽ và nhẹ nhàng lắm. Khi đi qua mộ An Song, cũng chẳng phải vì mê tín, mà cũng chẳng biết làm sao, mình thấy rờn rợn, đồng thời thật xúc động như phấn khởi và kích thích lạ lùng. Cổ mình như có cái gì kéo lên, chặn lấy; mình dừng lại, cũng quỳ xuống vỗ vào mộ An Song, nói khẽ: “An Song ơi, tao đi đây nhé!” Rồi mình đi, nhưng lòng nó cứ làm sao ấy, khó nói lắm. Rồi đến các đội viên, họ bắt chước mình cả, họ cũng cúi xuống vỗ vào mộ: “Anh An Song ơi! Chúng em đi qua đây nhé!”. Tiếng nói thì thầm, thủ thỉ, nửa như nhắn, như thương tiếc, nửa như hứa hẹn một cái gì ghê gớm lắm, hứa hẹn rất rắn rỏi cương quyết!
C. thở dài một tiếng, lấy ngón tay trỏ dập dập điếu thuốc lá, lại trở mình, tỳ tay nhìn ra ngoài tối một cách lơ đãng.
- Ừ, đêm hôm ấy y như đêm nay! Bây giờ mình kể chuyện cho cậu nghe, mình lại có những cảm giác y như đêm hôm ấy!
Tôi theo C. cùng nhìn ra ngoài trời đen và quả thật, tôi cũng có cảm giác như đang ngồi bên mộ An Song.
12-5-1949

(Trích Trần Độ tác phẩm, Tập 1, Nxb Hội Nhà văn, 2012)

1 nhận xét: