Thứ Năm, 15 tháng 5, 2025

Hòa bình khó nhọc

...Một hôm tôi đến làm việc với anh Trần Độ, bấy giờ là phó Ban Tuyên huấn, trực tiếp phụ trách văn hóa văn nghệ. Tôi có biết anh Trần Độ trước đây, đã lâu lắm, một lần tôi đi cùng anh Văn Phác xuống Quân khu Hữu ngạn đóng ở Nam Định, anh Độ đang làm chính ủy quân khu ở đấy, đâu khoảng 1960, 1961. Biết, chứ chưa hề quen. Chống Mỹ, anh Độ ở Nam Bộ, tôi ở Khu 5, không hề gặp nhau.

Tác phẩm và Thủ bút của nhà văn Nguyên Ngọc

Tôi đến báo cáo với anh ý định công việc của Đảng đoàn. Cũng không còn nhớ hôm ấy tôi đã trình bày những gì. Đại thể là khá dài dòng, suốt cả một buổi chiều. Anh Độ kiên nhẫn nghe. Cuối cùng tôi nói: cố gắng làm thế nào, giỏi thì khoảng mươi năm, dở thì mười lăm hai mươi năm, đưa văn học ta lên một bình diện khác, tạo nên được một số đỉnh cao mới.

Anh Độ rót nước cho tôi, rồi nói, rất thong thả:

- Kế hoạch của cậu, mình tán thành cả. Nhưng mà, cậu ạ, mình nghĩ trong nghệ thuật, muốn có đỉnh cao mới thì phải có trường phái mới.

Tôi kinh ngạc.

Và từ đó, tôi thân anh.

Sao con người ấy, vị tướng thú thực trước tôi nghĩ là giản dị, đáng yêu, nhưng chắc cũng võ biền thôi, không phải người sáng tạo, không ở trong nghề, vậy mà anh lại cảm nhận được điều đó?

Về sau, quen thân, làm việc, chơi bời với nhau nhiều nữa, tôi chưa lần nào hỏi lại anh hồi đó anh nói trường phái mới là thế nào. Tôi chắc anh cũng cảm giác thôi. Và anh diễn đạt như vậy.

Không phải ngẫu nhiên mà sau này Nguyễn Minh Châu cũng đến với anh Độ.

Nhiều người ác mồm hay bảo anh Độ và một số anh em chúng tôi có những âm mưu ghê gớm lắm. Có âm mưu thật đấy: âm mưu thực hiện cái cảm giác ấy.

Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam năm 1979. Hàng đứng: Nông Quốc Chấn,
Trần Độ (Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương), Nguyễn Khải,
Hoàng Trung Nho (phái viên Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương),
Vương Linh (Chánh Văn phòng Hội Nhà văn), Hàng ngồi: Giang Nam,
Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Ngọc, Anh Đức.

Có thời gian Nguyễn Khải hiểu lầm anh Trần Độ, nghĩ rằng anh Độ muốn loại Khải ra trong phương án dự kiến của anh. Nhưng tôi thì tôi biết rõ. Chính vào lúc quan hệ giữa Khải và tôi đang căng, lại thêm sự xúc xiểm của một số kẻ trung gian, anh Trần Độ nói với tôi: “Đừng nghĩ sai về Khải. Hãy đọc những cái Khải viết. Cậu ấy có thể nói, làm thế này thế khác, nhưng trong cái viết, Khải vẫn rất rõ ràng, mạnh mẽ. Đó mới là cái chính…”

Gần đây, một hôm ở Sài Gòn, Khải hỏi tôi:

- Nghe nói sức khỏe anh Độ yếu đi nhiều phải không?

Tôi nghe trong giọng anh một mối lo chân thành, một tình cảm quý trọng thật sự.

(Trích tác phẩm Dọc Đường 2, Nguyên Ngọc, Nxb Hội Nhà Văn, 2025)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét