Chương 1. Gia đình trong trí nhớ
Tôi sinh ra trong một gia đình công chức. Hồi năm sáu tuổi, tôi nghe người làng gọi bố tôi là quan Phán.
Thời
ấy các công chức đều là quan, quan Thông phán tức thư ký các toà, quan tham tá
thuộc bậc cao hơn. Bố tôi là quan phán vì ông làm thư ký ở tòa Thống sứ tại Hà
Nội.
Bố
tôi xuất thân từ một gia đình nho giáo ở quê Thái Bình. Khác với Bác tôi đã nối
nghiệp nhà trở thành là một nhà nho. Bố tôi lớn lên giữa buổi chữ Hán không còn
được trọng dụng, ông đã chuyển sang học quốc ngữ để mưu cầu việc kiếm sống. Nghe
bạn bè bảo phải biết cả tiếng Pháp mới hòng có cơ may, ông đã tìm học tiếng
Pháp đến mức viết và nói được. Rồi ông nhờ cậy chạy được một chân thư ký ở toà
Thống sứ Bắc kỳ. Từ đó mỗi lần về quê, dân làng cứ trọng vọng gọi ông là quan
Phán.
Với
bà con tỉnh lẻ thì cứ là dân Hà Nội, hoặc là người từ Hà Nội về đã là điều đáng
nể lắm rồi huống hồ là quan phán tòa Thống sứ, biết tiếng Tây là điều rất oai
đến mức cả làng cũng tự hào lây. Tôi là con cái trong nhà, thâm tâm cũng lấy
làm oai lắm, lại vừa nể sợ bố. Tôi không dám săn đón quấn quít bố như con nhà
khác. Phần các cụ cũng rất xem trọng phép nhà, thương yêu con cái bao nhiêu để
trong lòng, còn trong tiếp xúc hàng ngày thì giữ vẻ nghiêm nghị theo phép tắc.
Cho đến ngày nay tâm khảm tôi vẫn còn lưu lại đậm nét về bố tôi thời ông ngoài
ba mươi với dung nhan phương phi, dáng vẻ bệ vệ. Gia cảnh bố mẹ tôi chẳng lấy
gì làm sung túc. Đến nỗi số tiền bố tôi vay ngày lên Hà Nội tìm việc làm cũng
không trả nổi. Đến ngày ông qua đời, mẹ tôi phải thế nợ bằng một đám đất hương
hỏa của nhà.
Mẹ
tôi trước sau vẫn sống ở quê. Hai cụ sinh được 4 con. Trước tôi là hai chị gái.
Chị đầu tên là Thi, lấy chồng làm y tá, ở góa từ ngoài ba mươi tuổi, nay đã
ngoài bảy mươi vẫn sống tại quê nhà. Bà chị hai tên là Câu (Tạ Thị Câu), nhỏ
hơn hai tuổi. Tôi là con thứ ba. Sau khi sinh tôi, mẹ tôi đi hỏi và cưới vợ hai
cho bố tôi. Bà dì sống ở Hà Nội với bố tôi. Thời này, tôi cũng được lên Hà Nội
sống với bố và dì để đi học. Đời sống công chức của bố tôi tuy không được phong
lưu nhưng cũng có thể mướn người giúp việc và nuôi con ăn học.
Bà Mẹ. Ảnh : Trần Độ |
Còn
ở quê mẹ tôi khá lam lũ. Bà vừa lo cày cấy, nuôi lợn gà lại còn phải chạy hàng
xáo. Bà lặn lội đi mua thóc về tự xay giã làm gạo bán ở các chợ quê, lấy trấu
để đun nấu và cám nuôi lợn gà. Thời này cứ hai hào làm một thùng thóc, tức là
mười ký. Vậy là hai xu mua được ký thóc. Và lãi là tính từng xu chênh giữa giá
bán gạo và tiền mua thóc. Tuy còn bé, tôi cũng nhiệt tình phụ mẹ một tay. Đứng
cối giã gạo. Xuống ao lặn hụp vớt bèo. Song không vì thế mà mẹ tôi chịu ngơi
tay. Bà lại đan cói làm các mặt hàng gia dụng đến tận khuya. Tinh mơ bà đã dậy
đỏ lửa lo nồi cám lợn nấu cùng bèo ủ chua. Để thức khuya dậy sớm bà dùng thuốc
lào, đến nghiện. Có lần bà say thuốc lào gục cả đầu vào bếp, thật thương tâm.
Bà
chị thứ hai tôi bán hàng xén để kiếm sống, cũng là cái vỏ bọc thích hợp để bà hoạt động cách mạng. Khó mà biết bà làm
việc gì là chính. Bà tham gia từ năm nào cũng không rõ. Với tôi, tuổi thiếu
niên tôi đã được chị dìu dắt đi hoạt động. Nếu như mẹ tôi thầm lặng ủng hộ, kín
đáo che chở cho tôi thì chị lại nhiệt thành kèm cặp trong hoạt động thực tế,
từng bước rèn luyện thử thách cho đến khi tôi được kết nạp Đảng. Sau đó cả hai
chị em đều thoát ly địa phương.
Hồi
sau này vào khoảng 1942 - 1943, chị tôi bị Pháp bắt và bị ở tù ở Hỏa Lò (Hà
Nội). Còn tôi thì bị đi đày ở Sơn La. Nghe tin thực dân Pháp chuyển tù Sơn La
đi Côn Đảo, các tù nữ ở Hỏa Lò ở Hà Nội đã xé quần áo lót lấy vải thêu tặng anh
em trên đường ra đảo. Chị tôi ngày đó hẳn đã đau lòng vì không thấy thằng em để
tặng khăn dành cho nó. Chị đâu có hay là dọc đường tôi đã được phép trốn và đã
trốn thoát. Vợ tôi là người ngồi tù cùng lúc với chị biết rằng chị đã mất 1944,
thế là chị không được biết rằng thằng em còn sống, còn tiếp bước chị hoạt động
đến ngày thắng lợi. Hôm nay, ghi lại những dòng này em lại thấy hiển hiện trước
mặt người chị gái cao lớn, nhiệt tình và sôi nổi. Lại nhớ đến nỗi lo sợ ngày chị
trả lễ cầu hôn. Hồi chị tôi 21 - 22 tuổi, có nhà mang lễ đến xin cưới giữa lúc
chị vắng nhà. Mẹ tôi có vẻ ưng thuận và bà lấy mấy quả hồng cho thằng con trai
cưng là tôi. Giữa câu chuyện thì chị tôi đi chợ về nói: lấy chồng là việc của
con sao mẹ tự đảm đương lấy! Chị về, bê cả mâm lễ đặt ra ngoài sân. Tôi cuống
quít níu áo chị, xin “Em lỡ ăn mấy quả hồng rồi”. Chị nói ráo hoảnh “Thì đi mua
về trả người ta”.
Chuyện
tình duyên của chị tôi cũng như việc hoạt động cách mạng của chị, cả nhà chẳng
ai biết rõ. Có lần chị đi về khuya khác thường, tôi hỏi thì chị nói: “Tối qua
tao đi lùng!”. Tôi có biết trong làng có anh tên là Lùng, chị đi gặp anh này
sao? Thế rồi tình thế buộc cả hai chị em phải đi thoát ly, rồi cùng bị bắt.
Nghe phong phanh ngày trong tù chị có yêu, nhưng cũng chẳng lưu lại tung tích
gì.
Hồi
tôi lên Hà Nội ở với bố thì dì tôi, rồi mẹ tôi đều có mang. Dì tôi sinh con
trai. Nó mồ côi bố lúc ba tháng tuổi và mất khi được sáu tháng tuổi. Mẹ tôi
sinh con gái được 3 ngày thì bố tôi qua đời. Thế là mọi công chuyện nhà dồn lên
đôi vai mẹ tôi vốn đã quá tải.
Mẹ! Ký ức tôi cứ khắc sâu hình ảnh một phụ nữ nông thôn chân chất, lam lũ quanh
năm vì chồng, vì đàn con. Có lẽ chẳng có lấy một lần bà nghĩ đến bản thân.
Tôi chẳng bao giờ quên
được cảnh nằm ổ rơm cùng mẹ, nó thần tiên như chuyện cổ tích. Về mùa đông, ổ
rơm là thứ sang trọng của người nghèo. Mẹ tôi cũng quây một ổ ở bếp. Sau một
ngày lam lũ, bà lại ổ rơm nằm nghỉ, kéo chiếc chăn chiên phủ lên người. Tôi
chui vào nằm gọn trong lòng mẹ sực mùi rơm, lắng nghe bà rủ rỉ kể truyện Kiều,
truyện Lục Vân Tiên, Phạm Công Cúc Hoa, cảnh gà mẹ ấp con này trong hương lúa
lan tỏa đưa tôi tới những giấc mơ thần tiên ngày ấy và cả đến bây giờ. Tình mẫu
tử ấp ủ tôi suốt đời.
Khi
bố tôi mất, mẹ tôi vẫn bắt tôi phải tiếp tục đi học. Bà gởi tôi nhờ một anh lớn
dẫn đi, từ nhà đến trường hơn một cây số. Đi học về tôi lo học bài thầy cho về
nhà. Cứ xong bài tôi lại vui sướng reo lên khoe với mẹ tôi.
-
Mẹ ơi! Con thuộc bài rồi.
-
Con mẹ giỏi quá.
-
Con thương mẹ lắm!
Tôi
tận hưởng sự dịu dàng âu yếm trong ánh mắt, trong âm sắc mẹ dành cho. Đó là thứ
không thể thiếu để tôi khôn lớn, là điều an ủi, khích lệ tôi trước những tình
huống gian nan nguy hiểm của cuộc đời : một chân trời của tôi luôn có mẹ.
Những
kỷ niệm về mẹ làm phong phú đời tôi. Mẹ tôi hàng năm cũng tranh thủ lên thăm
chồng con. Tôi luôn hăng hái đưa mẹ đi thăm phố phường để khoe Hà Nội với mẹ và
cũng không bỏ lỡ dịp để được cùng mẹ thưởng thức của ngon vật lạ theo túi tiền.
Chuyến tôi mời mẹ món “tê cố” cứ làm tôi nhớ hoài “tê cố” là món nước giải khát
ngọt có đá. Vì sao gọi như vậy, đến nay tôi vẫn không rõ. Những cốc “tê cố” đầy
đá đập vụn pha mấy thìa nước đường, với tiếng rao lanh lảnh đã thành một thứ
giải khát mà ngày đó tuổi chúng tôi mơ ước nhất. Khi mẹ tôi thấy lạ không dám
mua thì tôi nài ép bà lấy được. Thương con, rồi bà cũng thuận tình. Tôi sướng
như mở cờ trong bụng, dành lấy một cốc ăn ngon lành trong khi thành cốc thứ hai
đã đẫm nước, mẹ tôi vẫn nghi ngại. Tôi khích lệ và mẹ tôi cầm lấy, rồi hốt
hoảng buông tay xuýt xoa như phải bỏng. Thế là ngon chẳng thấy đâu mà phải bỏ
tiền đền chiếc cốc vỡ.
Làm hàng xáo nên thức ăn chính của mẹ tôi là cơm tấm
muối vừng mặn chát. Ngoài ra, thứ gì đối với bà cũng lạ, cũng là “phí tiền”.
Khi đã lớn, tôi đi đâu về vẫn không quên mua quà biến mẹ, dù biết chắc chắn là
sẽ bị bà chửi: “Cha tổ bố mày, mua phí tiền”. Cứ mỗi lần mắng yêu con là cụ
lại chửi như vậy. Ngày nay dù mẹ tôi không còn nhưng cái lệ ấy đã truyền lại
cho bà chị và cô em gái tôi. Kỳ
vừa rồi tôi đưa đứa cháu nội về thăm quê có nhắc lại chuyện này cho cháu nó
biết và quả nhiên nó đã được “chửi yêu” như thế khi vừa tới nhà.
Khoảng
năm 1940 tôi vẫn hoạt động loanh quanh gần nhà. Đến 1941 mới thoát ly hẳn. Đến
1947 – 1948, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang mở rộng và quyết liệt
thì tôi gặp mẹ rất bất ngờ.
Do
Pháp tấn công lên Việt Bắc, nên quân ủy có ý định sơ tán cơ quan. Tôi được trao
nhiệm vụ cầm đầu một đoàn văn nghệ sĩ đi vào khu 4 vừa để khảo sát tình hình
vừa là sơ tán. Đoàn của tôi có các ông Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Xuân Khoát, Mai
Văn Hiến. Cùng đi còn một cán bộ chính trị và một cần vụ kiêm bảo vệ cho tôi.
Cuộc càn của Pháp kết thúc, tôi đi từ khu 4 trở ra theo lối qua huyện Nghĩa
Hưng, vượt sông Hồng rồi sang Thư Trì về Thái Bình mong để tranh thủ ghé thăm
mẹ.
Đến
đoạn đường cái quan mà người làng tôi vẫn đi chợ, tôi lần xuống men thềm bờ
ruộng để tránh gặp phải người quen. Được một đoạn thì tôi nhìn thấy mẹ tôi đang
đi trên đường cái, đầu đội thúng hai tay vung vẩy, bước thong dong, có lẽ bà từ
chợ về. Nhìn thấy mẹ, tôi bối rối quá. Bụng dạ thúc tôi chạy lên với mẹ, nhưng
gặp giữa đường lại đột ngột thế này thì cụ xúc động quá làm sao giữ được bình
tĩnh, lỡ cụ khóc lóc thì rầy rà to. Đang suy tính thì cụ cũng nhận ra tôi. Cụ
giơ tay vẫy, tôi vẫy lại. Cụ biết ý, từ từ rẽ xuống ruộng đi tới gặp tôi. Hai
mẹ con chỉ nói với nhau trong chốc lát. Tôi xin phép:
- Thôi
con xin phép đi, vì công việc vội lắm, vả lại nói chuyện ở đây lâu không tiện.
Để
hóa trang tôi đã phải bôi đen răng và đội nón cời sùm sụp làm dân quê đi làm
ruộng, nhưng không thể mất cảnh giác. Nét mặt mẹ tôi rất bịn rịn cứ nhìn tôi như
muốn giữ chặt lấy đứa con trai, song miệng lại thốt lên:
-
Thôi! con đi đi!
Đi
được một quãng, tôi quay lại nhìn, mẹ tôi vẫn đứng nguyên đó, im lìm. Tôi nhớ
lại thấy mẹ tôi tay lần bao thắt lưng, tôi hiểu ý bà muốn cho tiền nên đã xua tay lắc đầu, liền đó mẹ tôi đưa giải yếm
lên chấm mắt. Dù gặp chốc lát tôi đã được yên tâm về mẹ, về gia đình. Như đã kể
trên, mẹ tôi đã cưới vợ hai cho bố tôi. Tuy như chị em một nhà, sau khi mất
chồng, mất con trai, dì tôi đi bước nữa. Dì vẫn không quên lui tới thăm hỏi mẹ
con tôi. Đời chồng sau, bà có năm con đều là gái, làm bà càng thương tiếc đứa
con trai đầu. Sau này, mỗi lần ghé quê, tôi đều tới thăm dì. Thấy tôi là bà lại
dấm dứt khóc. Bà bảo tôi:
-
Nếu nó còn thì chắc chắn em nó sẽ theo anh, theo anh thì bây giờ nó cũng khá...
Tôi
xót xa an ủi bà:
Dì
ơi, dì đừng khóc thêm đau khổ. Đằng nào em nó cũng đã yên phận. Bây giờ con là
con dì, con về thăm dì cũng là em nó vẫn nhớ dì đó.
Trong
số con gái của bà, có đứa út, kém tôi chừng mươi tuổi và thân với tôi nhất. Tôi
cũng quý nó và mấy đứa con nó. Hiện nó là cán bộ thương nghiệp ở Thái Bình.
Lại
nói về mẹ tôi. Ngày tôi vào chiến trường miền Nam,
nhất là năm 1968, địch tung tin tôi bị chết. Các anh ở Tổng cục Chính trị và
Trung ương có về thăm và xác định lại với cụ về sự thất thiệt. Khi được nghe
cái băng cassette có tiếng nói của tôi thì cụ yên tâm ngay. Ngày trở ra miền
Bắc, tôi trở về nhà. Gặp cụ tôi thưa:
-
Đây con trở về với mẹ nguyên vẹn đây.
Bà
nhìn tôi vẻ bằng lòng và nói:
-
Thôi! được rồi. Nhưng bây giờ mẹ lại mong muốn điều này. Cái thằng Thắng (con
trai đầu của tôi) phải lấy vợ đi chứ, gần ba mươi tuổi chứ nhỏ dại gì nữa. Có
chắt nội thì mẹ nhắm mắt mới vui lòng.
Tiếc
là sau đó ít lâu mẹ tôi mất (năm 1975). Cháu Thắng chưa kịp lấy vợ. Mẹ tôi đổ
bệnh giữa lúc tôi đang dồn sức sửa sang gian nhà tử tế hơn đền bù lại cả cuộc
đời cụ sống lam lũ, ăn ở nhếch nhác quá. Chả là suốt thời kỳ tôi được phái vào
chiến trường miền Nam
thì lương của tôi vẫn để lại nhà. Vợ tôi nhận một phần nuôi các con ăn học, số
còn lại đồng chí thư ký riêng của tôi cất giữ. Sau 1975, tôi trở ra Hà Nội, số
tiền dành dụm đó khoảng mười mấy ngàn, tương đương mấy chục triệu bây giờ. Tôi
trích ra khoảng năm ngàn, bàn với cô em gái là sửa cái nhà bằng tiền của mình
có thì chẳng có gì phải e ngại. Về sau mới hay sự việc đâu có đơn giản như thế.
Chỉ vì tôi là ông tướng, lại vừa từ chiến trường ra. Trong dư luận thời đó đang
đồn thổi câu: “tướng tấn, tá tạ, úy kilo”. Vậy là vấn đề của tôi trở thành vấn
đề rất tế nhị. Đồng chí thư ký đã cùng chính quyền địa phương trao đổi kỹ hoàn
cảnh của tôi. Các đồng chí ấy rất hiểu tôi cũng như hoàn cảnh gia đình mẹ tôi
cho nên việc sửa nhà được thực hiện suôn sẻ. Giữa lúc công việc đang bộn bề thì
mẹ tôi đổ bệnh và cũng chỉ kịp ở trong ngôi nhà mới được có hơn chục ngày. Lần
sau cùng khi em gái tôi báo tin cụ ốm nặng, tôi về thăm. Thấy tôi cụ bảo:
-
Thôi con cứ về đi. Công việc của chúng mày còn nhiều. ở lâu không tiện. Mẹ thì
không biết lúc nào. Con chờ đợi thì ai lo công việc cho. Con ạ, con về lần này
nữa là mẹ thỏa mãn lắm rồi. Con cứ yên tâm mà đi. Có thế nào em nó báo tin rồi
con trở về cũng được.
Một
tuần sau, bà cụ qua đời. Lời nói hôm nào trở thành lời trối trăng của cụ với
tôi nhắc nhủ tôi suốt đời. Ngày tổ chức ma chay cho mẹ tôi, anh chị em chúng
tôi đều thoả thuận lo cho chu tất, trang trọng. Cô em - Cô Xuyến, sống với mẹ
tôi lâu ngày nhất. Mỗi lúc về thăm mẹ, tôi vẫn nói đùa:
- Mày
thay tao làm trưởng nam rồi đấy!
Hôm
làm tang lễ nó rụt rè thưa:
- Xưa nay anh bảo gì em đều nghe theo. Còn hôm nay em
xin anh để em mời đội bát âm cho thỏa vong linh mẹ. Các cụ vẫn bảo: “Sống dầu
đèn, chết kèn trống”. Em cũng hiểu
như vậy có nệ cổ một tí, nhưng mong anh cho em lo.
Để thỏa vong linh mẹ, để em gái
báo hiếu với mẹ, tôi sốt sắng tán thành. Lòng tôi nhớ thương mẹ vô hạn, nhưng
không hiểu sao tôi không khóc được. Ký ức về cuộc sống của mẹ tôi cứ như một
cuốn phim choán lấy tâm trí tôi. Cho tới đêm khuya tôi ngồi soạn bài điếu văn,
lòng thắt lại khi viết dòng chữ: “Suốt đời mẹ là những thử thách đợi chờ: chờ
đợi chồng, chờ đợi con, rồi chờ đợi cháu”. Đến đây tôi bật khóc vì thương mẹ
quá. Lời điếu của tôi đã làm họ hàng và bà con thân quen xúc động sâu sắc và họ
đồng tình cất bản văn đó vào hòm gia phả. Sau lễ tang, chị em tôi thỏa thuận
giao mảnh vườn và ngôi nhà mẹ tôi ở cho cô Xuyến, là người từng sống lâu ngày
với mẹ để lo việc nhang khói cúng mẹ, cũng là cách ghi công cô đã săn sóc mẹ
bao lâu nay thay các anh chị.
(Trích Anh bộ đội, Nxb Văn Học, 2017)
(Trích Anh bộ đội, Nxb Văn Học, 2017)