Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2024

Chung quanh câu chuyện nghĩa vụ


Hiện nay, hàng năm, mấy tháng tuyển quân trở thành một “mùa” có nhiều xúc động đối với thanh niên, cũng gần như mùa hoa phượng đối với học sinh vậy. 


Cứ đến mùa này thanh niên hồi hộp, xôn xao bàn tán và chờ đợi. Người thì lo bồi dưỡng sức khoẻ, kẻ lo chữa vài bệnh lặt vặt, người tính chuyện khai tăng tuổi, kẻ bàn việc bàn giao công tác cho xong. Người ta cũng chuẩn bị từ biệt và tiễn đưa. Người ta náo nức chuẩn bị với những ước mơ, tâm sự và tính toán. Các bậc cha mẹ bịn rịn nhớ thương và kiêu hãnh ngắm nhìn con cái đã trưởng thành.
Nhưng theo tôi biết, bên cạnh tuyệt đại đa số thanh niên náo nức hăng hái đi tuyển quân với tâm trạng “được đi bộ đội”, thì cũng có một số anh em khác có tâm trạng “đành phải đi bộ đội”, hoặc “đi cho xong nghĩa vụ”. Bên cạnh các bậc cha mẹ vui mừng vì con là bộ đội, cũng có những vị cha mẹ thương con, tiếc cho con là phải đi bộ đội; cho rằng con mình không có “đất” phát triển về mặt quân sự, mà có khiếu về… kỹ sư kia. Bên cạnh những người bạn gái phấn khởi tiễn bạn lên đường với một niềm kiêu hãnh, anh hùng của phụ nữ Việt Nam, cũng có những “cô bạn” hậm hụi tiếc thương và thậm chí… tủi phận nữa!
Phải, năm ngón tay còn có ngón dài ngón ngắn huống chi lòng người ta. Vì vậy cũng cần bàn bạc với nhau cho ra nhẽ sự đời.


Thế nào là nghĩa vụ quân sự
Trước hết ta bàn với nhau về chữ nghĩa vụ. Trong Hiến pháp nước ta có câu nói rằng:
Điều 42: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và cao quý nhất của công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Công dân có bổn phận làm nghĩa vụ quân sự để bảo vệ Tổ quốc”.
Các bạn thanh niên có biết rằng, đã tốn bao nhiêu xương máu, bao nhiêu năm đấu tranh ta mới giành lại được Tổ quốc thân yêu của ta? Các bạn có lúc nào suy nghĩ “Tổ quốc” của ta là cái gì không?
Là “non sông gấm vóc” của ta, hay là nơi xóm làng quê hương thân thiết, là nơi gia đình ấm cúng với những người thân yêu với bao kỷ niệm êm đềm, là cả một lịch sử lâu ngày đầy sự tích anh hùng kỳ diệu, hay là những ngày sôi nổi phong phú với bao nhiêu hoạt động rộng lớn hiện nay, là một Truyện Kiều, một truyện Lục Vân Tiên, Thạch Sanh hay là một hình chữ S thân yêu quen thuộc, là lá cờ đỏ sao vàng hay là bài ca Sông Lô hùng tráng,…
Thực ra Tổ quốc là tất cả. Nó vừa cụ thể, vừa trừu tượng, vừa thiết thực như đời sống, vừa thiêng liêng huyền bí, nó vừa là ngày nay, là tương lai, lại vừa là mấy nghìn năm lịch sử đã qua. Bây giờ ta nắm nó trong tay, ta là một công dân ta giơ tay biểu quyết ghi vào Hiến pháp, giao ước với nhau: Phải cùng nhau bảo vệ Tổ quốc.
Nhưng cũng có thứ Tổ quốc của bọn vua quan, địa chủ, Tổ quốc của bọn tư bản mà nhân dân lao động phải bảo vệ lấy quyền bóc lột đàn áp của bọn đó. Tổ quốc của ta đây là Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của tất cả nhân dân. Tổ quốc đây là danh dự làm người, quyền sống, quyền làm việc của nhân dân lao động. Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ nhân dân, bảo vệ đời sống của ta. Vì vậy nó là nghĩa vụ, là nghĩa vụ thiêng liêng và cao quý. Nếu mọi người chỉ biết chăm lo đời sống của riêng mình mà tách rời đời sống đó ra khỏi đời sống chung của Tổ quốc, của xã hội thì chỉ đi đến chỗ nô lệ. Chỉ có bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa mới là bảo vệ đời sống của mình và đồng thời lại là bảo vệ đời sống của mọi người thân yêu, bảo vệ mọi danh dự của mình.
Có nhiều nghĩa vụ, nhưng nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc là thiêng liêng và cao quý hơn cả.
Luật nghĩa vụ quân sự lại có câu:
Điều 1:
“Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đối với Tổ quốc. Những công dân nam giới từ 18 tuổi đến 45 tuổi không phân biệt nghề nghiệp, tôn giáo tín ngưỡng, thành phần xã hội và trình độ văn hoá đều có nghĩa vụ quân sự”.
Điều 3:
“Nghĩa vụ quân sự chia làm hai ngạch: Tại ngũ và dự bị; làm nghĩa vụ quân sự là tham gia quân đội thường trực hay tham gia quân dự bị”.
Như vậy những câu nói “ba năm nghĩa vụ” đi “nghĩa vụ ba năm”, v.v… đều là không đúng. Có những tâm lý cho rằng đi ba năm xong là hết nghĩa vụ, đi ba năm cho xong nghĩa vụ cũng đều sai lầm.
Nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ của mọi người công dân. Và nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc cụ thể của công dân nam giới từ 18 đến 45 tuổi đều có nghĩa vụ quân sự, đều phải tham gia quân thường trực hay quân dự bị, đều là quân nhân, quân nhân tại ngũ hoặc quân nhân dự bị. Đó là luật pháp của Nhà nước và cũng là lẽ cần thiết của quốc gia.
Có những điều quy định về sức khoẻ về sự cần thiết công tác nghề nghiệp, nhưng đây chỉ là những quy định cụ thể cho thích hợp với điều kiện cụ thể còn đứng về tinh thần bảo vệ Tổ quốc mà nói thì tất cả nam công dân từ 18 đến 45 tuổi đều là quân nhân (tại ngũ hay dự bị).
Tham gia quân thường trực để tập luyện kỹ hơn và sẵn sàng chiến đấu trong điều kiện của quân thường trực; tham gia quân dự bị là để sinh hoạt và tập luyện không thoát ly sản xuất, thoát ly công tác và sẵn sàng chiến đấu trong điều kiện của quân nhân dự bị. Dân quân tự vệ là tổ chức bán vũ trang của Đảng của chính quyền, mà mỗi quân nhân dự bị cần ở trong đó để sinh hoạt và sẵn sàng chiến đấu được tốt hơn, chặt chẽ hơn.
Nghĩa vụ quân sự tức là nghĩa vụ chiến đấu cho nên tất cả ai làm nghĩa vụ quân sự đều có nghĩa là phải đang ở vị trí chiến đấu. Nhiệm vụ chiến đấu (quân sự) là do nhiệm vụ chính trị của cách mạng quyết định. Mọi người làm nghĩa vụ quân sự phải hiểu rõ mục tiêu và nhiệm vụ cách mạng, hiểu rõ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước đề ra, nâng cao tinh thần cảnh giác, có ý chí chiến đấu rất cao để bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ chiến đấu của mình. Vậy ai có tâm lý cho rằng đi cho xong ba năm học tập rồi về là không đúng. Đi “làm nghĩa vụ” mà không thấy là đi chiến đấu, không thấy mục tiêu và nhiệm vụ chiến đấu, không thấy vị trí chiến đấu của mình thì rất suông, rất vô ích, sai lầm, có hại và coi như là về thực chất anh đã trốn tránh nghĩa vụ thiêng liêng cao quý của anh.
Điểm căn bản: Phải có quan điểm đúng đắn
Sự thực, hiểu biết về nghĩa vụ quân sự không phải là điều khó khăn. Những văn kiện, tài liệu giải thích đã có tương đối đầy đủ, nhưng muốn hiểu nghĩa vụ quân sự đúng với ý nghĩa của nó hiện nay cần phải có một quan điểm, một thái độ cho đúng. Quan điểm và thái độ của thanh niên đối với nghĩa vụ quân sự cũng tức là quan điểm và thái độ đối với cuộc sống, là nhân sinh quan.
Có thể có nhân sinh quan cách mạng của giai cấp vô sản và nhân sinh quan không cách mạng, cá nhân chủ nghĩa của các giai cấp tư sản, địa chủ. Quan điểm và thái độ đối với nghĩa vụ quân sự cũng quan hệ với quan điểm thái độ đối với quân đội. Đối với quân đội nhà nghề, đánh thuê, công cụ áp bức của giai cấp tư sản địa chủ thì ai chống nó là cách mạng, còn những người tham gia vào đó thì hoặc là để bảo vệ quyền lợi áp bức bóc lột cho giai cấp bóc lột hoặc là để mưu cầu một chút lợi lộc, coi là một nghề kiếm ăn.
Còn đối với quân đội cách mạng, quân đội nhân dân, là lực lượng vũ trang để làm cách mạng thì chống nó là phản cách mạng và tham gia nó là làm một công tác cách mạng quan trọng.
Vậy thì coi vào quân đội là làm một nghề để kiếm sống hay là một công tác cách mạng, chính cũng là quan điểm cách mạng hay không cách mạng.
Hiện nay, nói chung thanh niên ta hết sức nô nức với việc “đi nghĩa vụ” và nói chung là thấy rất rõ vinh dự cách mạng trong việc đi bộ đội, nhiều thanh niên tích cực bồi dưỡng sức khoẻ, nôn nóng mong chờ ngày “đi nghĩa vụ”. Nhiều thanh niên cậy cục để đi nghĩa vụ cho bằng được, có người còn khai tăng tuổi để được đi cho sớm. Nhiều cuộc tiễn đưa, nhiều câu hò hẹn, nhiều lời gửi gắm đượm một tình cảm cách mạng sôi nổi.
Nhiều thanh niên mơ ước những sự nghiệp phi thường như Phan Đình Giót, Cù Chính Lan,… Dù cho đôi khi những mơ ước mong đợi có chút giản đơn, nông nổi, nhưng hết thảy đều đáng yêu, đều đúng đắn. Tuy nhiên, không khỏi có những thanh niên còn có những suy nghĩ sai lầm và suy nghĩ chưa sâu.
Hãy nói trước đến những suy nghĩ sai lầm.
Một hôm tôi đi xem chiếu bóng được nghe mấy thanh niên (cả nam và nữ) bàn chuyện với nhau, khi loáng thoáng thấy họ bàn về nghĩa vụ quân sự, tôi càng chú ý.
- Này, anh X trúng tuyển nghĩa vụ quân sự rồi đấy nhé!
- Thế à? anh ấy thi trung cấp kỹ thuật cũng được rồi kia mà?
- Vì thế mà lại phải đi nghĩa vụ đấy – Nghĩ cũng tiếc cho anh ấy quá.
- Ừ tiếc thật đấy nhỉ! Chắc anh ấy buồn lắm.
- Nhất định là buồn rồi.
Thế nghĩa là thế nào? Nghĩa là tiếc và buồn vì phải đi nghĩa vụ ư?
Tôi lại biết có những bậc cha mẹ viết thư cho cấp chỉ huy xin cho con được “miễn nghĩa vụ” vì “cháu nó chỉ có xu hướng về đường văn chương, kỹ thuật mà không có khiếu quân sự”.
Thế nghĩa là phải có khiếu quân sự mới đi nghĩa vụ hay sao?
Lại có bậc cha mẹ khác không muốn cho con đi nghĩa vụ vì “để cháu nó tiếp tục học tập để xây dựng tương lai, kẻo cả nhà trông mong vào có nó là thông minh nhanh nhẹn”.
Vậy thì ra, để người khác “kém thông minh nhanh nhẹn” đi “nghĩa vụ” cho cậu cả đó xây dựng tương lai cho gia đình ư?
Lại có người thấy cán bộ cao cấp cho con đi “nghĩa vụ” thì sửng sốt hỏi rằng “Sao bác cũng để cho anh ấy đi “nghĩa vụ” à?” Ra cái điều là – đã là con cán bộ cao cấp thì không cần “nghĩa vụ” chăng?
Đó là những nhận thức lạc hậu, xuất phát từ một quan điểm rất sai lầm đối với nghĩa vụ quân sự và đối với quân đội.
Kể ra những nhận thức “lạc hậu” như trên cũng cá biệt thôi, nhưng thường nó lại rơi vào những bậc cha mẹ “có học thức” hẳn hoi! Thế mới buồn cười. Trong khi đó, nhiều bà mẹ ở nông thôn chăm chút cho con để con đi “nghĩa vụ” và nhiều bậc cha mẹ khác lấy làm vinh dự mà khoe rằng nhà có hai con (hoặc ba con) đều được đi “nghĩa vụ” cả.
Những người có những nhận thức sai lầm như trên cố tình không hiểu đến một lẽ phải rất giản đơn. Tất cả nhân dân ta hiện nay có một nước nhà độc lập, ai nấy đều có quyền và có nghĩa vụ lao động để xây dựng nước nhà tiến lên xã hội chủ nghĩa, tất cả mọi người đều làm chủ tập thể nhà máy và đồng ruộng. Đế quốc và những kẻ muốn cướp bóc, bóc lột, làm giàu một mình bằng sức lao động của người khác, đều muốn phá hoại chế độ ta. Hiện nay, còn đang diễn ra một cuộc chiến tranh của nhân dân ta chống lại đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai. Đế quốc đã xâm lược miền Nam, lại trắng trợn phá hoại và chuẩn bị xâm lược miền Bắc. Để bảo vệ Tổ quốc ta, tất cả mọi người đều có nghĩa vụ xây dựng quân đội.
Hiện nay ở miền Nam, đế quốc Mỹ giúp bè lũ tay sai lập nên một quân đội phục vụ cho mục đích của chúng, chúng lừa bịp, mua chuộc thanh niên, chúng tìm mọi cách bịt đường sinh sống của thanh niên (đánh hỏng thi, khủng bố đàn áp) buộc thanh niên phải đi vào quân đội, ràng buộc thanh niên bằng nhiều thứ kỷ luật, cưỡng bức, mọi thứ quyền lợi vật chất thô bỉ gợi nên những thú tính xấu xa, biến thanh niên thành những công cụ để sai khiến, mất hết nhân tính. Trong một tình hình như vậy, quân đội nguỵ quyền trở thành một nơi và một nghề kiếm sống. Đối với những người lương thiện thì dù biết rõ nghề đó rất là không trong sạch, nhưng người ta cũng bị bắt buộc phải lao đầu vào. Còn những kẻ chỉ biết mưu cầu danh lợi, chọn nghề “dễ kiếm ăn nhất” thì lại cho đó là “vớ bở”.
Đó là những quan điểm và thái độ tất nhiên, nảy sinh ra đối với quân đội đánh thuê, quân đội tay sai đế quốc, quân đội bù nhìn, quân đội công cụ của giai cấp bóc lột.
Nếu có những người không phân biệt được rõ sự đối lập dứt khoát giữa hai thứ quân đội, hai thứ tính chất công tác quân sự thì không thể hiểu nổi tính chất thiêng liêng và vẻ vang của nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc và nghĩa vụ quân sự của ta. Họ mang trong người những quan điểm quá ư lạc hậu, cũ kỹ, đầy tính chất ích kỷ cá nhân.
Câu chuyện “u tì” và hạnh phúc
Bây giờ phải nói đến những suy nghĩ chưa sâu, chưa kỹ. Những suy nghĩ kiểu này cũng khá phổ biến trong thanh niên. Nó có thể có hai loại. Một là đi bộ đội phải có điều kiện, hai là đời sống bộ đội khô khan khắc khổ quá.
Những thanh niên có những ý kiến như trên nói chung đều hoan nghênh đi bộ đội, hiểu rõ những nét chủ yếu về ý nghĩa của nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc và bản chất của quân đội ta; nhưng họ vẫn chưa gột rửa hết được những quan điểm lệch lạc.
Có thanh niên nói trắng trợn với một sĩ quan (là bạn) như thế này: “Anh vào bộ đội hơn mười năm mà mới thượng uý là xoàng. Tôi thế, tôi chả vào! Tôi mà đi bộ đội, độ năm năm phải lên đại uý, thiếu tá, tôi mới đi”. Có bạn thấy rằng vào bộ đội mà có đi học sĩ quan thì mới vào (như ý kiến bạn Nguyễn Tiến Long đã gây nên cuộc thảo luận sôi nổi) – Có bạn còn nói với bạn: “Vào bộ đội mà đút tớ vào bộ binh chân đất là tớ về ngay – ít nhất phải vào pháo binh mới có kỹ thuật hiện đại”, có bạn muốn hải quân, không quân, có bạn muốn được đi đây đi đó, có bạn lại muốn là ở gần nhà gần thành phố, v.v…
Tất nhiên mỗi bạn đều có quyền có mong ước, có nguyện vọng, nhưng những mong ước và nguyện vọng chỉ có thể là những thứ “trang sức” cho sự nghiệp phục vụ nhân dân phục vụ Tổ quốc của mình thêm tươi đẹp, mà quyết không thể là những điều kiện không có nó thì không “phục vụ phục viếc” gì nữa. Nếu mà đặt điều kiện như vậy thì những mong ước và nguyện vọng thực chất là những tham vọng cá nhân xấu xa và ích kỷ, xuất phát từ quan điểm cá nhân chủ nghĩa.
Loại tâm lý thứ hai là loại “sợ gian khổ” và “sĩ diện hình thức”. Có nhiều bạn thích bộ đội lắm và thậm chí cũng có những bạn có quyết tâm rất cao: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. “Quyết vượt mọi khó khăn gian khổ”. Nhưng vào bộ đội ít lâu thì thấy “gian khổ trong bộ đội vượt quá sức tưởng tượng” hoặc “đời sống bộ đội cứng nhắc, đơn điệu, gò bó, khó chịu”. Cũng có bạn mơ bộ đội là mơ những hình thức: bộ quân phục, khẩu súng, ngôi sao vàng và những huân chương lấp lánh, những bài hành khúc hùng tráng, những buổi duyệt binh, v.v… Nhưng đến lúc tham gia bộ đội thì sống trong kỷ luật trật tự chặt chẽ: từ xếp đôi giày, phơi cái khăn mặt, để cái bát đều phải theo những quy tắc nhất định, ăn uống, vui chơi, tập luyện đều phải theo hiệu lệnh; rồi những buổi tập nặng nề, không kể ngày đêm mưa nắng, những buổi lao động khẩn trương, những cuộc hành quân mang nặng, v.v… thế là bao nhiêu “mộng đẹp” vỡ tan như bọt xà phòng, …
Có bạn sau khi ở bộ đội ít lâu đã viết thư than thở với các bạn khác ở nhà là: “Tao bây giờ là cá chậu chim lồng, toàn bộ cuộc đời sống theo tiếng kẻng,…” hoặc “Tao bây giờ ở nơi u tì, khỉ ho cò gáy, chứ đâu được hạnh phúc như chúng mày ở nhà”.
Những bạn trên thường lý luận thế này:
- Các bạn ấy rất nhiệt tình với bộ đội, rất vinh dự được làm bộ đội. Nhưng thực tế là đời bộ đội vất vả và gian khổ thì phải nói là vất vả, gian khổ chứ!
Đúng đấy, đoạn này không ai phản đối được. Nhưng có bạn lại nói thêm là: “Cái đồng chí Trần Độ nào đó cứ ca tụng đời sống của bộ đội đẹp đẽ. Thực tế nó chẳng đẹp đẽ tí nào. Khi nào gặp đồng chí Trần Độ sẽ tranh luận một mẻ xem sao!”.
Vậy vấn đề ở đâu? Không ai có thể nói là đời bộ đội nhàn hạ dễ chịu như những buổi chiều, quân phục chỉnh tề ung dung dạo bước bên người yêu ven hồ, trong công viên Thống Nhất. Đời bộ đội là gian khổ, vất vả. Đúng quá. Nhưng hạnh phúc vẻ đẹp là ở đâu? Hễ cứ gian khổ là không hạnh phúc, là không đẹp à? Chẳng lẽ cứ không lao động vất vả là hạnh phúc, là đẹp à? Thực ra có thứ gian khổ rất hạnh phúc và có thứ gian khổ rất tủi nhục. Có thứ lao động gian khổ rất đẹp và có thứ gian khổ rất đáng căm hờn.
Tại sao bộ đội, dân công trong kháng chiến lại có những câu thơ kiêu hãnh như thế này:
Đèo cao thì mặc đèo cao,
Trèo lên trên đỉnh, ta cao hơn đèo.
Hoặc những câu ca dao dí dỏm mà chân thành:
Ra đường em chẳng yêu ai,
Yêu anh bộ đội gánh hai cái nồi.
Bộ đội ta có phải chỉ đẹp ở lúc duyệt binh, ở những bộ lễ phục, những tấm huân chương thôi ư? Còn đẹp ở đâu nữa không? Khi ta ca tụng tấm gương chói lọi của Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, v.v… là lúc mà các anh ấy quần áo rách tả tơi, thân mình bê bết bùn bẩn, mặt mũi hốc hác, nhưng với tinh thần quyết thắng, đem hy sinh cái quý giá nhất của mình là sinh mệnh để làm tròn nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, khi người ta ca ngợi quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng là lúc người ta xúc động trước hàng trăm cán bộ chiến sĩ quần áo xốc xếch, mặt mũi lấm lem, tóc tai xoã xượi, khoác chặt tay nhau lấy thân người làm đê chắn nước cho dân hoặc nằm đè lên mái rạ chiến đấu với gió bão giữ nhà cho đồng bào. Nhân dân xúc động nấc lên những tiếng khóc khâm phục khi thấy những anh bộ đội xông vào lửa cháy cứu tài sản cho đồng bào, bế em bé thoát nguy hoặc những anh bộ đội nhường vé xe cho bà già, chị có con nhỏ rồi xốc ba lô mồ hôi nhễ nhại cuốc bộ hàng chục cây số về đơn vị cho kịp giờ trả phép.
Sở dĩ nhân dân cảm thấy bộ đội đẹp và hoan hô nhiệt liệt những buổi duyệt binh chính là vì bộ đội ta đã có một lịch sử phục vụ nhân dân, đầy những sự việc gian khổ rất anh hùng và vẻ vang như vậy. Tôi nhớ có một người đứng tuổi, đã trải đời nhiều nói với tôi khi xem duyệt binh:
- Thực ra phải nói rằng bộ đội mình duyệt binh chưa thể bằng bộ đội đế quốc được, ta làm gì có cúc đồng đánh bóng, quần áo bằng vải đắt tiền, gươm vàng, kiếm bạc, lon gù sáng quắc, v.v… Nhưng không hiểu tại sao tôi trông thấy bộ đội ta duyệt binh tôi lại thấy đẹp thế! Từ những bộ quần áo giản dị, những nét mặt hiền lành đến những lá cờ đơn giản. Tôi cảm thấy kiêu hãnh xúc động, tôi thấy một cái gì rất thân thiết của tôi và tôi đã khóc,…
Thật vậy, duyệt binh không phải là khoe quần áo khoe súng ống và huân chương, không phải là khoe màu đỏ tươi, màu vàng lóng lánh. Duyệt binh và huân chương là để nói lên những cái khác rộng lớn hơn, sâu sắc hơn và không có những cái đó thì duyệt binh và huân chương đều vô nghĩa.
Một hành động đẹp, một cuộc sống hạnh phúc không phải chỉ đẹp và hạnh phúc ở bản thân nó mà nó còn đẹp và hạnh phúc ở mục đích và ý nghĩa của nó.
Không phải bất cứ cuộc đi chơi nào cũng có hạnh phúc và đẹp như nhau. Người trốn nhiệm vụ đi chơi, luôn luôn lo sợ người ta bắt được thì đó chỉ là cuộc đi chơi nhục nhã. Người chỉ cả ngày đàng điếm rong chơi thì mọi người chung quanh chẳng ai tán thưởng và bản thân người đó cũng có khi thấy nhạt nhẽo, chán đời. Còn người chiến sĩ, người lao động sau một nhiệm vụ chiến đấu, tập luyện lao động mệt nhọc được phép đi chơi thoải mái thì tất cả mọi người nhìn vào bằng con mắt ân cần, khen ngợi. Cuộc đi chơi ấy mới thật là thú vị, hạnh phúc và đẹp đẽ.
Cũng không phải bất cứ một hành động lao động nào cũng đều đẹp như nhau hoặc xấu như nhau:
Trước đây những người lao động gục mặt, cúi đầu, làm hết sức lực, tối về trông thấy vợ đau, con đói, thành quả lao động của mình đi đâu không biết, một bước đi ra là một bước sợ sệt hãi hùng, roi vọt, mắng chửi,… Đó thật là một thứ lao động tủi cực nặng nề. Hiện nay có những người vất vả đêm hôm lo mưu tính kế, gian lận, giấu giếm để mưu làm giàu riêng, chỉ sợ mọi người bắt được, thì đấy cũng chỉ là một thứ lao động nhục nhã. Còn những người công nhân, nông dân, chiến sĩ hăng say trong nhà máy, trên đồng ruộng, thao trường, nhìn rõ thành quả lao động của mình biến thành của cải của xã hội, có ích cho nhân dân, cho những người chung quanh thì đó là thứ lao động vẻ vang đẹp đẽ bao nhiêu.
Bản thân bất cứ thứ lao động nào cũng có thể góp phần làm ra của cải. Nhưng mục đích ý nghĩa của mỗi thứ lao động thì khác nhau biết bao nhiêu. Không ai có thể ca ngợi một người đổ mồ hôi cặm cụi lau chiếc xe đạp tư một cách mải miết cầu kỳ, như người ta ca ngợi một chiến sĩ đổ mồ hôi gò lưng đỡ gánh hàng cho một cụ già.
Không ai ca ngợi được một thanh niên tóc đít vịt, quần ống tuýp tay khuỳnh, đi nghênh ngang giữa phố, như người ta ca ngợi các chiến sĩ với bộ quần áo chiến thuật lăn lộn ở thao trường. Các bà mẹ hẳn không thể đón anh thanh niên kia mời nước như các bà mẹ đã rưng rưng nước mắt ngồi săn sóc suốt đêm cho những chiến sĩ hải quân bị thương trong trận chiến đấu chống với máy bay Mỹ ngày 5-8 vừa qua.
Anh thanh niên có thể tự có ảo tưởng mình “oai phong lẫm liệt”, “ngang tàng”, “đẹp đẽ” và một số bạn bè của anh có thể trầm trồ là anh “diện ác”, là “hợp thời trang” là “trứ danh”, v.v… nhưng nhân dân, xã hội không thể nào thừa nhận đó là việc có lợi ích cho xã hội, cho nhân dân, đó là việc làm vẻ vang.
Hành động, cuộc sống chỉ có thể đẹp khi mục đích của nó được xã hội thừa nhận, được nhân dân lao động thừa nhận, tán thành. Người ta chỉ có thể cảm thấy vinh quang thật sự khi người ta thấy được sâu sắc ý nghĩ, hành động, lao động, cuộc sống của người ta là hoà hợp với yêu cầu của xã hội, yêu cầu của nhân dân lao động.
Ấy, cứ như thế mà suy ra thì những bạn cảm thấy “u tì”, “không hạnh phúc”, “thực tế không vẻ vang” thì các bạn ấy nghĩ thế nào về cuộc sống, về những lao động hàng ngày của các bạn ấy! và các bạn ấy cảm thấy vẻ vang ở đâu và hạnh phúc ở đâu???
Câu chuyện gò bó và thoải mái
Còn có bạn phàn nàn “cá chậu chim lồng”, “sống theo tiếng kẻng”, v.v… Các bạn đó nghĩ gì về kỷ luật trật tự, nghĩ gì về cái đẹp của cuộc sống. Tôi đã được nghe cha mẹ một thanh niên và hàng xóm của thanh niên đó nhận xét về thanh niên đó sau một thời gian ở bộ đội như sau:
- Trước đây, nó ở nhà sáng nào cũng ngủ ườn xác ra, bố gọi năm lần bảy lượt chả được. Chả là tối tối cứ thức vô điều độ mà lỵ, quần áo thì lôi thôi, có khi thay ra hai ba ngày không giặt, đói lúc nào là gào ăn, làm lúc nào chán thì lại thôi. Chả ra thể thống gì! Ấy thế mà bây giờ về chơi, sáng ra cứ sáng sớm là tự vùng dậy, ăn mặc gọn ghẽ, nói năng đĩnh đạc ra phết; chưa đến bữa có cái gì cho ăn, lại bảo “chưa đến giờ”. Ra cái cảnh sống bộ đội hay thật!
Hỡi các bạn nữ thanh niên! Hai hình ảnh về thanh niên mà nhân dân vẽ phác ra trên kia các bạn ưa thích hình ảnh nào hơn.
Thế nào là tự do, thế nào là gò bó? Anh cảm thấy tự do hay gò bó trong cảnh sống cũng như anh cảm thấy cưỡng bức hay vẻ vang trong lao động vậy thôi.
Người ta nói: “Người chiến sĩ cười trong gian khổ”, không phải là nói suông. Ngày xưa trong một cuộc đi đày tôi thấy các tù chính trị (cộng sản) vui vẻ và trật tự hơn đám lính khố xanh đi áp tải. Họ đi trong xiềng xích mà vẫn hát cười, chân đau, bụng đói, nhưng đến bữa ăn, họ có người trật tự cắt đặt ăn uống, vui vẻ chờ nhau. Trái lại, những người lính đi tự do ngoài hàng, quần áo lành lặn, súng ống đàng hoàng thì mặt nhăn như bị, thỉnh thoảng lại phải yêu cầu “các đồng chí” hát lên một bài cho họ đỡ buồn. Đến nỗi tên chỉ huy đã phải hỏi: “Sức mạnh nào tạo ra cho các anh một kỷ luật và một lòng yêu đời như vậy?”. “Các đồng chí” lúc ấy đã trả lời:
- Đó là lý tưởng đấu tranh, là mục đích cuộc sống của chúng tôi.
Tên chỉ huy lắc đầu khâm phục. Còn trong đám lính có người thì thào với nhau: “Họ là những người giời”.
Thực ra làm gì có người giời và người đất.
Chỉ có những người hiểu rõ đạo lý của hành động và cuộc sống của họ và những người không hiểu mà thôi.
Sức mạnh nào làm cho các chiến sĩ kéo pháo ở Điện Biên quấn dây pháo vào người đứng sững dưới làn mưa thép lửa của pháo địch? Sức mạnh nào cho các chiến sĩ hải quân và phòng không của ta ngồi trên mâm pháo đón những viên đạn lửa tàn bạo từ đám máy bay Mỹ gầm thét điên cuồng mà chiến đấu, người nọ bị thương, người khác thay liền? Sức mạnh nào làm cho các dũng sĩ Ấp Bắc, Điện Ngọc kiên trì trong trận địa chiến đấu với kẻ địch đông gấp hàng trăm lần mà không nao núng.
Thế có phải là gò bó không? Có phải là cá chậu chim lồng không ?
Trước đây lính của thực dân Pháp bị xích vào chân pháo mà các vị trí chiến đấu vẫn mất từ cái này đến cái khác. Thế có phải là tự do thoải mái không?
Kỷ luật chỉ có ý nghĩa khi ta thấy mục đích ý nghĩa của cuộc sống của cuộc chiến đấu. Và mục đích chiến đấu cũng chỉ có thể thực hiện khi ta có kỷ luật. Rèn luyện kỷ luật để trở nên có sức mạnh chiến đấu vô địch cho mục đích cách mạng của quân đội, tạo cho cuộc sống của mình có một nề nếp đẹp đẽ và sống trong nề nếp đó mà lao động, học tập chiến đấu một cách thắng lợi. Vậy thì là gò bó hay thoải mái?
Tại sao học sinh lớp 10 cuối năm học lại say sưa ăn chanh muối, hoặc rửa mặt mà thức đêm này sang đêm khác để học? Đó là sức mạnh của mục đích trước mắt: “Học để tốt nghiệp” xui nên. Ai gò bó nhau thế!
Vậy ta có cần phải học tập, lao động và chiến đấu thắng lợi không? Điều đó đã tạo thành một sức mạnh thúc đẩy trong nội tâm con người chưa? Chỉ có chưa thấy điều đó mới thấy “cá chậu chim lồng” mà thôi.
Tóm lại vấn đề cơ bản vẫn là vấn đề quan điểm, thái độ đối với nghĩa vụ quân sự, đối với bản chất quân đội, đối với mục đích cuộc sống của thanh niên. Tuỳ theo quan điểm khác nhau mà thấy vấn đề khác nhau. Người có quan điểm cách mạng đối với xã hội ta, quân đội ta thì thấy lao động và gian khổ là vẻ vang, kỷ luật là thoải mái tự nhiên. Người có quan điểm cá nhân chủ nghĩa, phản động thì thấy lao động và gian khổ trong quân đội là không cầu mong được một lợi ích gì riêng nên nó u tì, không hạnh phúc, kỷ luật là gò bó, v.v…
Tuy vậy phải nói một khía cạnh nữa là có một số người “đe hàng tổng” ghê gớm thế này “Cứ ra chiến đấu rồi biết nhau, chứ ngày thường thì không cần thiết”.
Những người đó chắc đọc nhiều truyện cổ tích, tự tin mình có cái búa và cái đàn của Thạch Sanh hoặc thanh kiếm của một anh chàng Han-xơ lười của Grim nào đó khi gặp việc có phép tiên sẽ làm nên sự nghiệp. Những lời nói “đe hàng tổng” trên thực chất chỉ là che lấp những thiếu sót trước mắt và là những lời nói khoác, không căn cứ mà thôi.
Câu chuyện ba năm
Có một chuyện khác cũng gay go là: Một số bạn thanh niên hoặc vì có tâm lý phải “trả” cho xong nợ “nghĩa vụ” hoặc không hiểu tình hình đấu tranh cách mạng hiện nay, không hiểu bản chất thâm độc của Mỹ và tay sai, không hiểu nhiệm vụ chiến đấu của bộ đội, cũng có tâm lý hoà bình. Đi ba năm học tập xong rồi về.
Vì những tâm lý ấy, nên thường xảy ra một “quy luật” về tư tưởng trong một số bạn: Năm đầu nhớ nhà, năm thứ hai yên tâm, năm thứ ba nhấp nhỏm. Và do đó ở một số bạn ấy hiệu quả công tác và học tập bị hạn chế. Nhưng cái quan trọng nhất là các bạn ấy hiểu sai ý nghĩa “ba năm nghĩa vụ”, có tư tưởng hoà bình chủ nghĩa, không rèn luyện ý chí chiến đấu, không sẵn sàng chiến đấu trong tư tưởng, hiểu sai nhiệm vụ quân đội, cho là quân đội bây giờ chỉ có học tập, do đó gặp khi quân đội có nhiệm vụ chiến đấu thì những đồng chí này trở nên lạc hậu đối với tình hình. Như ở đoạn đầu đã nói, phải hiểu rằng: đi nghĩa vụ quân sự tức là đi làm nghĩa vụ chiến đấu, tất cả mọi việc rèn luyện kỷ luật, học tập quân sự, chính trị là chuẩn bị để chiến đấu. Thế mà tình hình hiện nay đang yêu cầu quân đội phải sẵn sàng chiến đấu rất cao và luôn luôn có nhiệm vụ chiến đấu đề ra. Chúng ta đã thấy rất rõ từ đầu năm đến nay nhiều bộ phận bộ đội đã phải chiến đấu chống biệt kích tập kích, chống tàu chiến và máy bay địch, những bộ phận đơn vị đó đã nhận rõ nhiệm vụ có tinh thần sẵn sàng chiến đấu và ý chí chiến đấu cao nên đã có những thắng lợi bước đầu rất tốt.
Tình hình hiện nay thế nào?
Một là ở miền Nam, Mỹ đã tăng cường xâm lược đến mức là thực chất đã nắm hết quyền chỉ huy quân đội tay sai, trực tiếp điều khiển chiến tranh, gây nên bao nhiêu tàn phá trên một nửa đất nước ta. Chúng đã dùng hàng nghìn máy bay, hàng mấy vạn quân đội cùng bọn tay sai bắn giết nhân dân ta trong đó. Nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đã đặt ra rất rõ ràng cho thanh niên ta, thanh niên ta không thể nào coi là vẫn sống trong hoà bình được nữa.
Hai là đế quốc Mỹ và tay sai bị thua đau ở miền Nam, hết sức cay cú trắng trợn và trơ tráo khiêu khích phá hoại miền Bắc, đang thực sự chuẩn bị mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Chúng đã đến mức có những hành động chiến tranh với miền Bắc. Quân và dân ở miền Bắc đã phải chiến đấu để bảo vệ miền Bắc và đang phải ráo riết chuẩn bị chống với những hành động phá hoại khiêu khích ngày càng điên cuồng và mở rộng hơn của chúng.
Ba là đế quốc Mỹ có một âm mưu rất lớn đối với cả khu vực Đông Dương và Đông Nam Á. Thực tế chúng đã biến Thái Lan thành một căn cứ quân sự của chúng; chúng luôn luôn đưa quân, đưa máy bay vào Thái Lan để thực hiện những âm mưu của chúng đối với Đông Dương. Chúng đã đưa vũ khí, nắm bọn tay sai gây nên rối loạn ở Lào, tìm mọi cách tiêu diệt các lực lượng yêu nước tiến bộ và các lực lượng trung lập để biến nước Lào thành thuộc địa của chúng, thành căn cứ quân sự để tấn công vào miền Bắc Việt Nam và Trung Quốc. Từ căn cứ ở Lào, Mỹ đã cho máy bay biệt kích xâm phạm vào biên giới phía Tây của ta. Như vậy là đứng về cả nước ta mà nói thì một nửa nước chúng ta đang bị xâm lược, đang có chiến tranh, đang bị tàn phá; đứng về miền Bắc ta mà nói thì từ ba mặt đế quốc Mỹ không ngừng khiêu khích phá hoại và ráo riết chuẩn bị tấn công vào miền Bắc nước ta.
Hiện nay cuộc đấu tranh đang diễn ra gay gắt. Quân và dân ta ở miền Nam đang đánh bại đế quốc Mỹ và tay sai. Quân và dân miền Bắc đang nâng cao cảnh giác cách mạng ra sức chiến đấu đánh bại từng âm mưu của chúng và khẩn trương chuẩn bị đánh bại âm mưu mở rộng chiến tranh của chúng. Toàn thế giới đang ủng hộ chúng ta, ra sức ngăn chặn âm mưu thâm độc của chúng.
Tất cả mọi âm mưu của địch nhất định sẽ thất bại hoàn toàn. Nhưng một điều kiện quyết định nhất để đánh bại âm mưu của địch là tinh thần chiến đấu của quân dân ta. Cho nên hiện nay quân và dân ở miền Bắc phải thật sự sẵn sàng chiến đấu và phải có một quyết tâm chiến đấu rất cao, một tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Lúc này hơn lúc nào hết ý nghĩa chữ “nghĩa vụ quân sự” hết sức sâu sắc và thiết thực. Nhiệm vụ của mỗi thanh niên trong lực lượng thường trực cũng như hậu bị lúc này hết sức khẩn trương và nặng nề. Ai nấy đều phải ở trong tư thế chiến đấu, ở vị trí chiến đấu của mình. Thanh niên công nhân, nông dân, học sinh lúc này vừa phải sẵn sàng gia nhập quân đội vừa phải đem hết sức mình đẩy mạnh sản xuất, công tác và học tập và trong lúc sản xuất, công tác và học tập cũng phải ở tư thế chiến đấu để sẵn sàng bảo vệ thành quả lao động, thành quả cách mạng của ta.
Phải nhận thức trong tình hình này, thanh niên suy nghĩ nhiều về nghĩa vụ quân sự của mình, hiểu cho hết ý nghĩa của lá cờ Quyết thắng và những tấm huân chương, nhất là những tấm huân chương vừa nóng hổi chiến công hạ máy bay Mỹ vừa qua.
Câu chuyện trước đây và sau này
Thật ra trong tình hình cách mạng của ta hiện nay, với lịch sử đấu tranh cách mạng oanh liệt của dân tộc ta, trong hoàn cảnh phong trào cách mạng thế giới hiện nay, việc thanh niên ta làm nghĩa vụ quân sự, vào bộ đội thường trực có ý nghĩa rộng lớn của nó.
Trước hết là thanh niên vào bộ đội thường trực để làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng.
Hai là thanh niên vào quân đội để rèn luyện cho bản thân trở thành một người có nhiều bản lĩnh sống và học tập để xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa.
Ba là thanh niên vào quân đội để kế tục và phát huy những truyền thống rất vẻ vang của quân đội ta đã nổi tiếng là quân đội anh hùng của một nhân dân anh hùng.
Ba mặt đó cũng chỉ là một. Chỉ có hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện, học tập, chiến đấu thì mới hoàn thành nghĩa vụ quân sự và khi thực sự học tập và chiến đấu với một tinh thần cách mạng thì thanh niên đã tự rèn luyện mình một cách có hiệu quả nhất và cứ như thế lịch sử quân đội, lịch sử chiến đấu của nhân dân ta ngày càng phong phú, càng chói lọi, truyền thống ngày càng vẻ vang.
Cho nên thanh niên làm nghĩa vụ quân sự không phải chỉ là thực hiện một nghĩa vụ, dù là nghĩa vụ đó vẻ vang bao nhiêu, mà là gánh vác trách nhiệm trước lịch sử đã có và trước những ngày sắp tới phải xứng đáng với các bậc tiền bối và phải xứng đáng với các thế hệ mai sau.
Gần đây tôi gặp một đồng chí cán bộ trong đơn vị tôi cũ đã chuyển ngành, đồng chí đó đã ngoài 50 tuổi, đã có con lớn đủ tuổi làm nghĩa vụ quân sự. Chúng tôi lâu mới gặp nhau nên câu chuyện hàn huyên rất là đậm đà sôi nổi. Chủ đề câu chuyện chỉ là ôn lại những kỷ niệm mà chúng tôi đã sống trong quân đội, những ngày kháng chiến, chuyện chia nhau điếu thuốc lào, chuyện hành quân đêm buồn ngủ, chuyện nhịn đói, chuyện xem văn công. Nhưng những câu chuyện đó không sao cất ra khỏi những nhận xét về cuộc sống ngày nay, về thanh niên ngày nay, công tác ngày nay và quân đội ngày nay.
Trong suốt câu chuyện, đồng chí ấy thường xuýt xoa một câu:
- Những kỷ niệm trong bộ đội đối với tôi sâu sắc quá. Những ngày đó gian khổ thật, nhưng làm sao mình cứ tiếc chỉ muốn sống lại những ngày ấy.
Có lẽ đó là tâm trạng chung của những chiến sĩ cũ thời kháng chiến. Đó không phải là “hoài cổ”, “bảo thủ”, mà đó là một sự trân trọng với những truyền thống tốt đẹp với lịch sử vẻ vang của quân đội ta. Quân giải phóng miền Nam hiện nay cũng đang sống những ngày hùng vĩ trong cuộc chiến đấu vẻ vang bảo vệ Tổ quốc, hàng vạn thanh niên miền Bắc hiện nay cũng đang xây dựng nên những truyền thống mới của quân đội ta trong học tập, trong rèn luyện và trong chiến đấu. Rất nhiều bạn nghe truyện xưa mà muốn thực sự sống một cuộc sống thật sôi nổi, để trong đôi chân được thực sự chứa hàng nghìn cây số hành quân gian khổ, được biết tên hàng trăm đỉnh đèo cao khuất khúc hoang vu; đôi tay được thực sự bắn ngã kẻ thù để góp phần vào sự nghiệp cách mạng, thực sự đào đắp hàng trăm cây số giao thông hào đường quân sự, thân mình được thực sự nằm trong những chiến hào vinh quang, được bò lăn và vụt tiến qua những hàng rào dây thép gai và lửa, khói, được thực sự sống những giờ phút của anh hùng Phan Đình Giót, Cù Chính Lan, ... đầu óc được thực sự suy tính khắc phục những khó khăn cực kỳ gian khổ, tình cảm được thực sự sôi lên những mối căm thù chiến đấu và thực sự hồi hộp, phấn khởi, nở nang trước những giờ phút cắm cờ Quyết chiến Quyết thắng, nhìn hàng đoàn tù binh, nhìn xe tăng địch bốc cháy và máy bay địch đâm đầu xuống đất khuất phục, v.v…
Chỉ có những giờ phút trang nghiêm và sôi nổi ấy mới làm cho tình cảm chiến đấu và chiến thắng cô đọng lại thành một chất hồ quánh đặc, tôi luyện cho tâm hồn, làm cho cuộc sống thực sự đầy tính chất anh hùng. Tâm hồn thanh niên phải chứa đầy một tình cảm chiến đấu và chiến thắng như vậy.
Hiện nay sống trong điều kiện hoà bình, nhiều thanh niên đã hiểu nhầm kiểu sống, mong mỏi những cảnh sống thoải mái, dễ dãi, uỷ mị, lả lướt, đã hiểu nhầm những yêu cầu tình cảm cho rằng chỉ có những giờ mây bay, trăng rọi, lả lướt thướt tha mới là “tình cảm” và chỉ hướng tình cảm đi theo có một chiều. Những bạn đó đã ăn phải bả của những tình cảm sa đoạ, hiểu “cuộc sống hạnh phúc” theo một chiều lệch lạc, xa lạ với tình cảm chiến đấu, tình cảm cách mạng, chạy theo những thú vui vật chất tầm thường và những đòi hỏi của “con người” một cách chung chung không có lập trường giai cấp, lập trường cách mạng và do đó đi tới những chiều hướng xấu xa.
Trong hoàn cảnh hiện nay “cuộc sống” và những yêu cầu “con người” chỉ có thể được xây dựng trải qua những cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt gay gắt. Thanh niên mà không hiểu rõ tình hình như vậy thì không thể thấy ý nghĩa thật sự của cuộc sống của mình được và cũng do đó mà không thể thấy hết lịch sử, thấy hết được tương lai. Tìm hiểu nghĩa vụ quân sự cũng không thể cắt rời vấn đề ra khỏi lịch sử quân đội ta và nhiệm vụ cách mạng trước mắt và sau này. Điều này chẳng cứ thanh niên mà các bậc cha mẹ lại càng phải hiểu sâu sắc hơn, chẳng cứ nam thanh niên mà nữ thanh niên cũng phải hiểu kỹ, cùng thấm thía.
Đó là một cơ sở của nhân sinh quan cho thanh niên lúc này.

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà văn, 2012) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét