Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2024

Bài học về tháo gỡ tâm tư chiến sĩ



Tuấn Phong

Trong một đoạn hồi ký của mình về những ngày ở Điện Biên Phủ (do nhà văn Chu Phác ghi lại, in trong tập sách do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành), Trung tướng Trần Độ đã chia sẻ những bài học mà ông đã thu lượm được khi xuống các đơn vị dưới quyền tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các cán bộ, chiến sĩ để giải quyết các khúc mắc nhằm giúp cho đơn vị đồng tâm nhất trí hào hứng bước vào những trận chiến đấu quyết liệt mới, đi tới thắng lợi sau cùng…


Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị lập công xuất sắc, tiêu diệt cứ điểm Him Lam ngày 13-3-1954 để mở màn và bắt sống bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm này ngày 7-5 chính là Đại đoàn 312 (nay là Sư đoàn 312 thuộc Quân đoàn 1). Khi ấy, Đại đoàn trưởng là Lê Trọng Tấn (về sau trở thành Đại tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), còn Chính ủy là Trần Độ (năm 1974 được phong quân hàm Trung tướng).
* * *
Khi nhận nhiệm vụ làm Chính ủy Đại đoàn 312, ông Trần Độ mới ở tuổi tam thập. Tức là khoảng cách tuổi tác giữa ông với nhiều cán bộ chiến sĩ dưới quyền là rất gần gụi. Và điều này đã giúp cho ông có thêm điều kiện để thấu hiểu hơn tâm sự và cảnh ngộ của họ, giúp họ vượt qua những tình huống khó xử hay phức tạp trong cuộc đời bộ đội. Hồi ức của Trung tướng Trần Độ liên quan tới giai đoạn Đại đoàn 312, theo ý định chiến lược của Trung ương và Tổng Quân ủy, bí mật giấu quân trong những khu rừng già thuộc vùng Yên Bái, sẵn sàng đánh địch ra vùng tự do và cũng sẵn sàng làm đội dự bị chiến lược của Bộ, sẵn sàng thực hiện phương châm “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Đó là vào thời điểm tháng 12-1953.
Trung tướng Trần Độ kể:
“Sau một thời gian khá dài vừa chỉnh quân học tập chính trị về cải cách ruộng đất, vừa huấn luyện quân sự khá kỹ, chúng tôi cảm thấy có một sức chiến đấu mạnh chưa từng có: Tinh thần chiến đấu bắt nguồn từ một lòng căm thù giai cấp rất cao, từ cán bộ đến chiến sĩ, ai nấy đều hăm hở muốn đi giết giặc. Cán bộ được bố trí khá vững mạnh, hầu hết là các đồng chí có kinh nghiệm chiến đấu, trình độ giác ngộ chính trị tốt. Các đơn vị từ đại đội đến tiểu đoàn đều có truyền thống chiến đấu anh dũng và được rèn luyện qua nhiều chiến dịch. Sự đoàn kết trong nội bộ đơn vị vốn đã có từ trước, nay càng được củng cố thêm. Đối với các cán bộ chỉ huy và lãnh đạo không có gì vui sướng hơn khi thấy đơn vị mình có một lòng tin yêu nhau sâu sắc. Chúng tôi cảm thấy như phía trước một cái gì vĩ đại và vẻ vang đang chờ đón chúng tôi. Tôi muốn nhân dịp bộ đội tập kết bí mật này, xuống cơ sở nghiên cứu một số vấn đề lãnh đạo còn vướng mắc trong các cấp và trong cả bản thân tôi nữa...”
Và thế là vào một hôm “trời như muốn trở rét, mưa dầm ướt át, đường rừng đã lầy lội và có chỗ rất trơn”, Chính ủy Trần Độ đã “xắn quần cao quá đầu gối, đeo chiếc xà cột vào người, chống cái gậy bằng cây hóp, xuống thăm Đại đội 366 – đại đội chủ công của Trung đoàn 209”. Trung đoàn 209, còn gọi là Trung đoàn Sông Lô, là nơi ông từng là chính ủy và ông Lê Trọng Tấn làm trung đoàn trưởng năm 1950. Trung tướng Trần Độ kể tiếp:
“Vừa đi tôi vừa suy nghĩ miên man về nhiệm vụ sắp tới và tình hình đơn vị. Điều làm tôi băn khoăn là trong mỗi một đơn vị vẫn còn một vài chiến sĩ chưa tiến bộ, trước nhiệm vụ còn cáo ốm, chây lười hoặc ngang bướng không chấp hành mệnh lệnh. Trong khi đó, có một số cán bộ mới được lên cấp thì lại tự ti, e dè hoặc lúng túng trong lãnh đạo và chỉ huy.
Trước đây đã có nhiều đêm tôi thao thức suy nghĩ về vấn đề này, đã có nhiều lần tôi xuống đại đội nghiên cứu, trao đổi trong đảng uỷ, trao đổi với các chính uỷ trung đoàn và các cán bộ khác, tìm mọi cách cải tiến phương pháp lãnh đạo của mình, của các đồng chí khác. Tôi nhớ có một đồng chí cán bộ đại đội gặp tôi, mặt nhăn nhó:
- Anh ạ, đề nghị đổi chiến sĩ khác cho tôi, nếu không, tôi xin trả lại đại đoàn. Thà ít quân còn hơn có cậu ấy; thật, chỉ làm vướng chân anh em.
Có đồng chí khác tỏ ra chín chắn hơn, nhưng vẫn nguyên một giọng không lấy gì làm thích thú lắm:
- Thì cũng phải kiên trì thôi, nhưng các cậu ấy cũng khó mà tiến bộ, gặp khó khăn thì “chứng nào tật ấy”.
Những câu nói đó càng khơi sâu mối suy nghĩ của tôi. Trước đây, tôi đã biết một Tiểu đội trưởng tên là H., nổi tiếng là “ngang”, lúc thì chây lười từ chối nhiệm vụ, lúc thì tỏ ra ngang tàng, anh hùng cá nhân hay trêu chọc, chèn cán bộ. Nhưng H. lại là một đồng chí chiến đấu rất dũng cảm, bị thương nhiều lần và được nhiều huân chương. Thấy vậy, tôi tìm hiểu kỹ đồng chí đó. Sau nhiều lần chuyện trò thân mật, tôi rủ rỉ hỏi anh:
- Mình hỏi thật nhé! Tại sao cậu hay “ba gai” thế?
Im lặng một lát, anh đáp:
- Tôi chỉ “ba gai” tuỳ lúc thôi. Chắc anh cũng biết, ra trận thì tôi chiến đấu như thế nào.
Nói đến đây anh tỏ ra kiêu hãnh, bàn tay gân guốc nắm chặt lấy cổ báng súng tiểu liên đã bạc phếch, đôi lông mày rậm rướn lên làm cho nét mặt của anh càng thêm vẻ bướng bỉnh. Dần dà, anh kể cho tôi nghe, anh có thành kiến rất xấu với đồng chí chính trị viên đại đội của anh, tuy anh cũng thừa nhận đồng chí chính trị viên rất dũng cảm và tận tuỵ. Vốn là năm 1952, trong trận đánh Nghĩa Lộ, H. bị thương vào chân không đi được, bị lạc đơn vị, phải lê hai ngày mới tới một bản nhỏ. Anh kiệt sức tưởng như không sống được nữa. Nhưng anh đã tuyên truyền giải thích cho nhân dân, được nhân dân giúp đỡ, rồi sau anh gặp các đồng chí tải thương cáng anh về đơn vị. Anh đã nhường cơm cho người cáng. Thế mà, sau một thời gian ở quân y về tới đơn vị, đồng chí chính trị viên lại hỏi một câu, làm H. choáng váng cả người: “Sao đồng chí về quân y chậm thế? Ỷ lại vào cáng phải không?” H. nói với tôi là, vết thương đã làm H. đau đớn, mấy ngày lê đi đã đói khát, mệt nhọc, nhưng lúc này câu nói của chính trị viên đã làm anh đau đớn hơn nhiều và hầu như không bao giờ quên được.

Chính ủy Trần Độ với chiến sĩ Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 (12.1964)

Về đơn vị, H. hay chuyện trò với Hùng. Thực tâm, anh cũng không biết lúc này Hùng có tư tưởng đào ngũ. Thế là chính trị viên lại nói như dội thêm một gáo nước lạnh vào đầu anh: “Muốn đào ngũ hay sao mà làm bạn với thằng Hùng?”. Từ đó, biết bao nhiêu những ý nghĩ xấu về người chính trị viên đại đội của anh, luôn luôn làm anh mất thăng bằng về tư tưởng. Anh không phục người chính trị viên nọ, trước còn ngấm ngầm, sau bực mình quá, anh nói toạc ra, rồi cãi lại…
Tiểu đội trưởng H. còn kể cho tôi nghe nhiều chuyện khác. Khi đơn vị cho H. đi học trường quân chính với ý định bồi dưỡng khả năng cho anh. Anh lại cho là “đẩy đi”. Khi cán bộ thực tâm săn sóc, anh lại cho là giả tạo…
Qua câu chuyện này tôi nghĩ rất nhiều về tác phong lãnh đạo của cán bộ. Tôi biết rõ đồng chí chính trị viên kia là một đồng chí cán bộ rất trung thành, dũng cảm, nhưng có đôi phần giản đơn và chủ quan. Chỉ có một khuyết điểm với một đồng chí tiểu đội trưởng mà câu chuyện đi xa đến thế. Cần phải rút ra ở đây một vấn đề lãnh đạo cho cụ thể.
Tôi đang mải suy nghĩ về câu chuyện cũ, thì chợt đã đi tới khu vực của Đại đội 366. Các chiến sĩ chào tôi và reo lên:
- A! Chính uỷ!
- Anh!
- Anh xuống với chủ công đấy à? Có nhiệm vụ chưa anh?
Các chiến sĩ vây tròn lấy tôi, người hỏi thăm sức khoẻ, người chất vấn nhiệm vụ, có đồng chí trình bày luôn thắc mắc. Vốn các chiến sĩ và tôi có một tình cảm đầm ấm như thế, vì trước đây tôi đã là Chính uỷ của Trung đoàn này. Hồi đấy Chính uỷ Trung đoàn đối với Đại đội chủ công có một tình cảm đặc biệt. Ăn, ở, chuyện trò tâm sự với các chiến sĩ, tôi có cảm giác như chính mình là người của Đại đội chủ công.
Tôi hỏi vui một chiến sĩ người thấp bé:
- Này, cậu thấp thế thì liệu có đánh nhau được không?
Chiến sĩ đó vui vẻ trả lời:
- Tôi khoẻ lắm, có thể gánh được bốn, năm mươi kilôgam, người thấp bé ra trận càng dễ tránh đạn.
Liền lúc ấy, một chiến sĩ khác bĩu môi, mắt lườm người chiến sĩ thấp bé kia, ý chê bai: mày chỉ nói khoác. Người chiến sĩ thấp bé trông thấy, mặt đỏ bừng, miệng lúng búng như định phản đối, nhưng nghĩ thế nào lại lảng đi chỗ khác. Đến khi tôi la cà vui chuyện với một tiểu đội, nhiều chiến sĩ xúm lại pha trò, lại cười rộ lên thì người chiến sĩ thấp bé lại đến. Một chiến sĩ hỏi tôi:
- Chính uỷ có thuốc không, cho anh em hút với!
- Mình có cả thuốc lào, thuốc lá, nhưng thuốc lá chỉ còn vài điếu...
Các chiến sĩ xôn xao, chìa ngón tay trỏ và ngón cái vê vê làm hiệu:
- Xin Chính uỷ một điếu thuốc lào!
- Xin Chính uỷ một điếu!
Đồng chí chiến sĩ thấp bé cũng hớn hở như anh em khác. Nhưng anh lại chìa hai ngón tay duỗi thẳng theo kiểu kẹp điếu thuốc lá.
- Báo cáo Chính uỷ! Cho tôi một điếu thuốc lá!
Mấy chiến sĩ trố mắt nhìn chằm chằm gần như mắng, làm cho người chiến sĩ thấp bé ngượng đỏ mặt, tiếp theo là những tiếng xì xào trêu chọc. Người chiến sĩ thấp bé lại xịu mặt xuống, tiu nghỉu chuồn đi chỗ khác. Tôi bồn chồn sốt ruột và thấy như chộp đúng được vấn đề tôi đang tìm. Tôi tìm gặp cán bộ đại đội. Một cán bộ đại đội cho tôi biết người chiến sĩ đó tên là K. và giới thiệu luôn:
- Cậu ấy lạc hậu lắm! Không hiểu gì cả, lúc hăng lên thì làm được một tý, rồi đâu lại vào đấy! Mang nặng cũng ngại, đi xa cũng ngại, chiến đấu cũng ngại…
Tôi hỏi:
- Sao mình đến thấy cậu ấy có vẻ hăng hái thế? Cậu ấy cứ xoắn xuýt lấy mình mà hỏi nhiệm vụ cơ mà.
- Anh đến thì thế, chứ anh đi thì “chứng nào tật ấy”!
Hôm sau, anh em vẫn tiếp tục học tập thảo luận phương châm “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Tôi đến dự với tiểu đội có người chiến sĩ thấp bé đó.
Trời mưa, người nào lên sàn lán ngồi đều dính một tý đất. Cả tiểu đội và tôi cũng vậy. Nhưng khi đồng chí chiến sĩ thấp bé vừa bước chân lên sàn nứa thì cả tiểu đội ồ lên, mắng mỏ, gắt gỏng tỏ vẻ nghiêm khắc và hơi thành kiến:
- Bẩn hết cả sàn rồi!
- Cậu K. mang bao nhiêu là đất lên sàn!
- Chẳng ý tứ gì cả!
Thế là suốt buổi thảo luận, K. cúi gằm mặt và lặng thinh không phát biểu một lời. Sau đó, một cán bộ đại đội cho tôi biết là đơn vị anh còn có hai chiến sĩ chây lười, ngang bướng như thế nữa. Đồng chí nói:
- Chúng tôi vẫn kiên trì giáo dục đấy, nhưng gay go lắm...”
Bằng những gì tai nghe mắt thấy và với một tư duy sáng suốt, sâu sát, Chính ủy Trần Độ đã quán triệt cho các chỉ huy dưới quyền rằng, muốn bớt đi những hiện tượng như thế, “phải xuất phát từ lòng chân thành, tình yêu thương giai cấp, nếu hắt hủi, thành kiến thì không thể nào dìu dắt đồng đội, đồng chí, chiến sĩ tiến bộ được...”. Ông nhớ lại:
“Tôi bắt đầu đi sâu tìm hiểu nguyên nhân của từng sự việc, của từng người. Đồng chí chiến sĩ thấp bé nói với tôi:
- Tôi không tiến bộ được, ở đây cán bộ và anh em đều ghét tôi, đề nghị cho tôi đi đơn vị khác.
Tôi hỏi:
- Thế nhưng tại sao anh em lại ghét?
Đồng chí chiến sĩ nói giọng cảm động gần như khóc, kể đầu đuôi câu chuyện cho tôi nghe. Thì ra, những mẩu chuyện cũng gần giống như Tiểu đội trưởng H. trước kia. Ví dụ, trước lúc đi chiến dịch, anh cảm sốt khó chịu thì một người chỉ huy nào đó nhìn với con mắt nghi ngờ, hoặc buông thõng một câu: “Lại ốm à?”. Đồng chí đó không muốn giữ trung liên, muốn xin giữ súng trường vì tính tò mò, thiếu kiên nhẫn của tuổi trẻ cũng như nay muốn làm xung kích, mai đánh bộc phá thì cán bộ lại cho rằng: “Lý do lý trấu để từ chối nhiệm vụ…”. Như vậy là sự giáo dục đã có phần không đáp ứng đúng với lo nghĩ hoặc sai lầm của anh em, rồi từ thành kiến này đến thành kiến khác, cán bộ đã đẩy anh em xa lãnh đạo đi đến thiếu tin tưởng ở mình và ở mọi người… Tôi cùng cán bộ Đại đội 366 bàn bạc cách giáo dục cụ thể và chú ý theo dõi sự chuyển biến của từng người. Sau này, tôi lại cùng các đồng chí cán bộ và phòng chính trị Đại đoàn bàn bạc trao đổi và phổ biến kinh nghiệm chung cho toàn đơn vị...”
Sau đó một thời gian, ngày 24-12, Đại đoàn 312 rời núi rừng Yên Bái, lặng lẽ tiến về Điện Biên Phủ… Có thể nói rằng chính công tác tư tưởng mà Chính ủy Trần Độ cùng các cán bộ chính trị của mình đã làm đã góp phần quan trọng tạo nên một hào khí tinh thần của Đại đoàn, xứng tầm với nhiệm vụ được cấp trên tin cậy giao cho…
(Theo báo Tinh hoa Việt số 3 ra ngày 10.5.2015)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét