Thứ Hai, 5 tháng 12, 2022

Thử bàn về văn nghệ quần chúng, văn nghệ nghiệp dư, văn nghệ dân gian


Lâu nay, ta rất quen thuộc với mấy khái niệm “văn hoá quần chúng, văn nghệ quần chúng” với nội dung không thống nhất, thậm chí khác hẳn nhau. 

Chẳng hạn những người trong nghề, tức là những cán bộ hoạt động văn hoá quần chúng thì hiểu rằng công tác văn hoá quần chúng là một công tác gồm nhiều hoạt động để đưa các giá trị văn hoá đến với quần chúng và động viên tổ chức quần chúng tích cực tham gia các hoạt động văn hoá, nhằm mục đích nâng cao trình độ văn hoá, nâng cao đời sống văn hoá cho quần chúng. Nhưng cũng không ít người cho rằng văn hoá quần chúng là một thứ văn hoá phổ thông, phổ cập, trình độ thấp, hơi thô thiển, sơ lược, thậm chí hơi tuỳ tiện lem nhem. Vì thế thường có câu thốt ra kèm theo một tiếng tặc lưỡi: “Văn hoá quần chúng ấy mà!” để nói về những hoạt động văn hoá ở trình độ thấp, còn thô thiển. Đi kèm theo đó, thuật ngữ “văn nghệ quần chúng” cũng được hiểu đại khái như vậy. Theo tôi chữ “văn hoá quần chúng” có nghĩa là sự giáo dục và văn hoá giáo dục. “Văn hoá giáo dục” bao gồm nhiều hệ thống hoạt động nhằm chung một mục đích, đó là hệ thống thư viện (trừ các thư viện khoa học, chuyên ngành), hệ thống bảo tàng, các di tích, các công trình kỷ niệm, các công viên văn hoá và các hệ thống thiết chế văn hoá khác. Có tài liệu tiếng Pháp gọi là Education populaire, nghĩa là giáo dục nhân dân hay giáo dục quần chúng.
Nhưng khi ta nói chuyện, toạ đàm với các đồng chí Liên Xô, thì các đồng chí Liên Xô cho chữ “văn hoá quần chúng” là khái niệm của các nước tư bản dùng để chỉ một thứ văn hoá hạ cấp mà giai cấp tư sản tung ra cho hợp thị hiếu và trình độ văn hoá thấp của nhân dân lao động. Còn thứ văn hoá cao (haute culture) chỉ dành riêng cho giai cấp tư sản là những người có trình độ và điều kiện hưởng thụ. Vì vậy, theo ý tôi thì ta nên gọi hoạt động văn hoá quần chúng là hoạt động “văn hoá giáo dục quần chúng” thì thoả đáng và chính xác hơn.
Thế nhưng cần nói rõ thêm là ở ta gọi “văn hoá quần chúng” mà thực chất là “văn nghệ quần chúng” là thành phần quan trọng, chủ yếu. Ngày xưa trong dân gian ta có dùng chữ “hoạt động tài tử”, đặc biệt là có phong trào “âm nhạc tài tử” xuất hiện ở Nam Bộ vào khoảng những năm 1939 – 1945. Có lẽ chữ “tài tử” ở đây đã dịch chữ amateurs của Pháp và để chỉ những người hoạt động nghệ thuật nghiệp dư được coi là nghệ sĩ tài tử. Ngày nay chữ “tài tử” được hiểu theo nghĩa “láng cháng”, không nghiêm chỉnh, không chính quy. Và có ai có tác phong láng cháng, tuỳ hứng, không nghiêm chỉnh trong công tác thì cũng được phê phán là làm việc “kiểu tài tử”, “kiểu a-ma-tơ”. Đối chiếu với các chữ nước ngoài, không phải để ta lấy chữ nước ngoài làm tiêu chuẩn nhận thức, nhưng để ta so sánh cân nhắc, để giúp ta hiểu những ý nghĩa hợp lý của các chữ ta dùng, mà chủ yếu để làm cho các thuật ngữ khoa học của ta phù hợp với hoạt động khoa học của ta và giao lưu dễ dàng với các hoạt động khoa học của thế giới hiện đại.
Như đã nói, trong hoạt động văn hoá giáo dục quần chúng thì văn nghệ quần chúng là bộ phận chủ yếu nên ở đây xin bàn kỹ thêm về thuật ngữ “văn nghệ quần chúng”. Phong trào văn nghệ quần chúng ở nước ta rất được khuyến khích và văn kiện Đại hội Đảng coi văn nghệ quần chúng là cơ sở của cả nền văn nghệ nói chung.
“Phát triển mạnh mẽ phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng làm cơ sở cho nền văn hoá văn nghệ mới” (Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội IV của Đảng. Nxb. Sự thật, 1977, tr. 123).
Nhưng liền đó, văn kiện nói thêm về trách nhiệm của những người hoạt động văn hoá văn nghệ chuyên nghiệp đối với phong trào. Như vậy không phải Đảng quan niệm nền văn hoá mới chỉ có hoặc chủ yếu có phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng. Đảng đánh giá rất đúng những yêu cầu của cả một nền văn hoá văn nghệ của đất nước.
Trong phong trào văn nghệ quần chúng, ta thường gặp mấy tình trạng sau đây :
- Nhìn ở nhiều địa phương và qua nhiều năm thì thấy phong trào khi lên xuống, nơi mạnh nơi yếu, tuỳ theo điều kiện về lãnh đạo, về vật chất, về sự ham thích của nhân dân,
- Có một số nơi, phong trào phát triển đến một mức nào đó thì dừng lại, không nâng cao được về chất lượng, cũng như không thể phát triển được về số lượng,
- Nhiều nơi phong trào chỉ xuất hiện ở một phía. Nghĩa là có được một lượng (hạn chế) tích cực hoạt động, còn đại bộ phận nhân dân chỉ là người thưởng thức và hưởng thụ. Ở những nơi đó, có người gọi là “phong trào quần chúng xem văn nghệ” chứ không phải phong trào văn nghệ quần chúng. Trong khi đó, Đảng ta cho rằng quần chúng vừa có nhu cầu thưởng thức và hưởng thụ, vừa có nhu cầu hoạt động sáng tạo trong văn nghệ và Đảng cũng khẳng định dứt khoát là quần chúng có khả năng sáng tạo ra những giá trị tinh thần tốt đẹp.
Vấn đề của những người lãnh đạo văn hoá văn nghệ quần chúng là làm thế nào để tạo điều kiện cho quần chúng sáng tạo, hoạt động và hưởng thụ. Nhưng có một điều quan trọng mà lâu nay chúng ta rất lúng túng, không trả lời được câu hỏi : quần chúng sáng tạo như thế nào ? Từ đó không trả lời được câu hỏi : quần chúng hoạt động và thưởng thức như thế nào ? Xin lấy một ví dụ : Trong nhiều hội diễn văn nghệ quần chúng, các ban chỉ đạo thường phàn nàn là văn nghệ quần chúng cứ bắt chước văn nghệ của chuyên nghiệp, bắt chước theo phong cách biểu diễn của các nghệ sĩ chuyên nghiệp, cố sức trang bị các phương tiện hiện đại và dàn dựng theo kiểu chuyên nghiệp. Các ban chỉ đạo đều thấm thía rằng bắt chước theo chuyên nghiệp nhưng các diễn viên, tác giả không được đào tạo cơ bản, có hệ thống, không có chỉ huy và đạo diễn có nghề, nên không thể bằng chuyên nghiệp, nên khi xem, thấy một thứ văn nghệ gượng gạo như thế thì rất khó chịu. Thế nhưng, các giải thưởng phần lớn lại được trao cho các tiết mục và những tài năng biểu diễn có tính chuyên nghiệp và có những người xem thích thú cũng cứ thốt lên lời khen : “kém gì chuyên nghiệp” hoặc “hơn cả chuyên nghiệp” và lắm lúc có ý kiến còn cho rằng chỉ cần có phong trào, không cần có chuyên nghiệp.
Rõ ràng các cơ quan chỉ đạo phong trào đang hết sức lúng túng trong việc nâng cao chất lượng (đặc biệt chất lượng nghệ thuật) của phong trào. Nhiều cơ sở thường nâng cao chất lượng bằng cách mời các tác giả, đạo diễn, chỉ huy nhạc có tài ở Trung ương về để giúp đỡ dàn dựng hoặc sử dụng những kịch bản dài (có nơi gọi là trường kịch, một cách rất tự hào) tiết mục có sẵn của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Có đơn vị văn nghệ quần chúng mà cũng đăng báo tuyển diễn viên một cách rất đàng hoàng.
Có cơ quan thì tính toán rằng, phải đào tạo những người chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn, chỉ huy nhạc, sáng tác kịch, biên đạo múa cho khắp các cơ sở có phong trào văn nghệ quần chúng từ trình độ Trung cấp đến Đại học. Những tính toán ấy đẻ ra những con số cần đào tạo mà muốn có được phải cần mấy chục năm, thậm chí đến trăm năm. Song, cứ với đà tính toán đó thì ắt đẻ ra vấn đề là những người được đào tạo như vậy về cơ sở để hoạt động văn nghệ quần chúng thì rồi ai trả lương và ăn vào biên chế nào, con đường tiến thủ của những người đó ra sao ? Như thế là khi nhận xét thì ta phê phán khuynh hướng “chạy theo chuyên nghiệp”, cho là không đúng, nhưng trong chỉ đạo cụ thể thì nhiều việc lại cứ khuyến khích phong trào chạy theo chuyên nghiệp.
Vậy là, về mặt phong trào, thì ai ai cũng mong nâng cao chất lượng của các hoạt động, nhưng phương hướng và biện pháp nâng cao chất lượng như thế nào thì ta còn lúng túng.
Ta phân biệt “văn nghệ quần chúng” với “văn nghệ chuyên nghiệp” và ý thức rằng nó phải khác nhau, nhưng nó lại đều là văn nghệ, nên nó có những chỗ giống nhau; ta lại yêu cầu nó phải khác nhau, vậy thì những chỗ nào là chỗ cần khác nhau?
Ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa anh em, “văn nghệ nghiệp dư” và “văn nghệ chuyên nghiệp” cũng có những chỗ giống nhau và khác nhau khá rõ rệt. Giống nhau ở chỗ đã là văn nghệ thì phải hay, phải đẹp (tức là phải có chất lượng nghệ thuật cao). Chỗ khác nhau là văn nghệ chuyên nghiệp coi hoạt động nghệ thuật là nghề nghiệp, là hoạt động chủ yếu và những nghệ sĩ sống bằng thành quả của hoạt động nghề nghiệp đó. Còn những người hoạt động văn nghệ nghiệp dư thì coi hoạt động nghệ thuật là hoạt động thêm, còn hoạt động chủ yếu và nguồn sống của họ là một nghề  nào đó trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học, giáo dục. Họ hoạt động nghệ thuật thêm ngoài giờ lao động, chính là vì họ biết nghệ thuật, thích nghệ thuật và thông thường họ đã được đào tạo về nghệ thuật đến một mức độ nhất định (trung cấp hoặc đại học). Cho nên trong hoạt động nghệ thuật, họ có điều kiện để nâng cao trình độ, nâng cao chất lượng. Họ cũng cần đến sự giúp đỡ của các nghệ sĩ chuyên nghiệp và nhiều khi họ cũng có điều kiện và yêu cầu nâng cao chất lượng nghệ thuật như những người hoạt động chuyên nghiệp. Có nhiều nơi, người ta tổ chức các đơn vị nghệ thuật nghiệp dư về mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc ; những nơi có điều kiện người ta tổ chức cả điện ảnh có một trình độ không kém và đôi khi còn đặc sắc hơn cả các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp.
Ở ta, văn nghệ quần chúng được mọi người quan niệm là một thứ văn nghệ của tất cả mọi người, là sự hoạt động nghệ thuật của nhiều người không được hoặc không cần có sự đào tạo về nghệ thuật. Những người hoạt động nghệ thuật quần chúng là những người yêu thích nghệ thuật, có nhiệt tình, có đôi chút năng khiếu và được huấn luyện đôi chút bằng nhiều cách, học có lớp có thầy, học ngắn ngày, học lỏm, học bắt chước. Tất cả những cái đó cộng lại tạo nên một khả năng hoạt động nghệ thuật của quần chúng. Rồi những người hoạt động này qua hoạt động thực tiễn, nhờ sự giúp đỡ của các cơ quan chỉ đạo, của các nghệ sĩ chuyên nghiệp mà nâng cao chất lượng hoạt động lên.
Nhưng tình hình cũng có khác nhau giữa các vùng. Ở những đơn vị công nghiệp, những khu dân cư ở thành thị, những vùng đồng bằng gần thị xã, thị trấn, nơi đó có nhiều thanh niên có học thức khá cao, thì lực lượng văn nghệ quần chúng bao gồm nhiều thanh niên có văn nghệ khá hơn. Ở những nơi này, gặp khi cần tham gia những cuộc hội thi, hội diễn lớn, các lực lượng văn nghệ quần chúng được tập trung học tập, bồi dưỡng đầy đủ để quyết giành vị trí cao. Vì vậy, cũng có nơi xuất hiện khái niệm “văn nghệ bán chuyên”, nghĩa là nửa chuyên nghiệp. Đó là thứ văn nghệ gần như chuyên nghiệp ở cơ sở. Những người hoạt động văn nghệ đó gần như tách ra khỏi hoạt động sản xuất, hoạt động nghề nghiệp. Sự thu nhập để đảm bảo đời sống của họ không phải tính theo sản phẩm nghề nghiệp, mà tính theo sự thù lao lao động nghệ thuật. Cũng vì vậy, có những cơ sở tìm cách tuyển dụng những “hạt nhân văn nghệ” có khả năng, tuỳ theo yêu cầu hoạt động văn nghệ, chứ không phải theo yêu cầu biên chế của hoạt động sản xuất hay công tác. Thậm chí nhiều nơi nói là có tiết mục “tự biên”, nghĩa là tự cơ sở sáng tác lấy, nhưng thực chất cũng là những tiết mục thuê sáng tác mà thôi. Cũng từ đó, ở nhiều cơ sở có kiểu “vỗ gà nòi” để tạo “phong trào văn nghệ quần chúng”. Ở những nơi này thực sự có phong trào “quần chúng xem văn nghệ” đúng hơn là phong trào “văn nghệ quần chúng”. Nói cho công bằng thì những việc làm trên nhiều khi cũng xuất phát từ nhiệt tình của các đồng chí lãnh đạo cơ sở và kết quả của nó có mặt tốt đẹp là thoả mãn được phần nào nhu cầu văn hoá rất cao của nhân dân. Nhưng nó không thật sự huy động được mọi thành viên ở cơ sở tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo, không khai thác hết được tiềm năng sáng tạo của mọi người để tạo ra những giá trị tinh thần văn hoá của nhân dân.
Trái lại, ở nhiều nơi không có tình hình và điều kiện như trên thì hoặc là phong trào rất lẻ tẻ, hoặc là người ta hoàn toàn dựa vào năng khiếu bẩm sinh của nhân dân, dựa vào những tập quán sinh hoạt văn nghệ dân gian và những vốn truyền thống trong địa phương để tạo ra những hình thức hoạt động bắt nguồn từ tập quán và truyền thống địa phương, làm sống lại và phát triển được hoạt động sáng tạo nghệ thuật theo phong cách truyền thống. Ở những nơi này xuất hiện nhiều tiết mục mang màu sắc độc đáo, phong phú và rất hay. Và nhiều nơi dựa vào một truyền thống tốt đẹp của địa phương, có được những đơn vị nghệ thuật tồn tại và phát triển hàng nhiều chục năm, có một chương trình hoạt động phong phú, đội ngũ luôn luôn được bổ sung, có sự tiếp nối bền vững. Những đơn vị nghệ thuật như vậy được nhân dân địa phương công nhận, thương yêu và bù đắp nhiều, nó trở thành niềm tự hào cho mỗi người dân của địa phương.
Đến đây, lại phải bàn đôi điều về văn nghệ dân gian. Ai cũng biết bất cứ dân tộc nào cũng có một kho tàng văn nghệ dân gian giàu có, do nhân dân lao động với khả năng sáng tạo phong phú của mình đã tạo ra và tích luỹ được. Đó là những giá trị nghệ thuật gắn chặt với đời sống và tâm hồn của nhân dân, có sức sống mãnh liệt và lâu bền.
Ở Việt Nam, nhân dân ta cũng có một kho tàng như vậy, nhân dân lao động trong quá trình sống và lao động của mình luôn luôn sáng tạo nghệ thuật. Sự sáng tạo này bắt nguồn từ cách nhìn, cách nghĩ của nhân dân đối với thiên nhiên, đối với con người, bắt nguồn từ những cảm hứng trong sáng và chất phác của nhân dân, được thể hiện bằng những tài năng bẩm sinh ngay trong cuộc sống. Có những giá trị, những tác phẩm được hình thành trải qua nhiều đời, do sự bồi đắp của nhiều lớp người. Tác giả của các giá trị dân gian thường là tập thể và vô danh, khó có thể tìm được tên tác giả của những giá trị đó. Tất nhiên là cũng có những sự chuyển hoá : có những tác phẩm vốn xuất hiện từ trong dân gian, nhưng sau được một nghệ sĩ nào có tài thu lượm gọt giũa, hoàn chỉnh lại và cũng nâng lên thành một tác phẩm hoàn thiện có tên tác giả hẳn hoi. Nhưng cũng có trường hợp ngược lại : có những tác giả, có tác phẩm đáp ứng được sâu xa nguyện vọng và cảm hứng của nhân dân truyền bá rộng rãi trong nhân dân, đến nỗi nhân dân sử dụng nó, hưởng thụ nó mà không còn quan tâm đến tác giả, hoặc cứ sáng tác thêm theo kiểu ấy rồi gán tên tác giả vào. Chính vì vậy, cho đến nay ta thấy có những bài thơ mà người thì bảo là của Hồ Xuân Hương, người thì bảo không phải, v.v…
Như vậy, hoạt động văn nghệ dân gian là một thứ hoạt động sáng tạo tập thể, hồn nhiên, các giá trị nảy sinh trực tiếp từ những cảm hứng sống, cảm hứng tình yêu và cảm hứng lao động mà hình thành. Những người sáng tạo không hề được huấn luyện nghề nghiệp đầy đủ. Sự truyền bá những giá trị ấy cũng hoàn toàn dựa vào những giác quan của con người, không có một thiết bị nào. Cho đến về sau này, khi con người có những công cụ truyền bá hiện đại (in, chụp ảnh, ghi âm, truyền thanh, v.v…) thì mới có công việc bảo tồn lưu trữ, truyền bá để nghiên cứu, phân tích, học tập.
Ảnh: Trong chuyến đi làm việc tại Gia Lai - Kon Tum, tháng 11/1984
 Phải chăng, như thế có nghĩa là có một thứ hoạt động văn nghệ phát sinh tự nhiên, từ những người lao động bình thường, không được đào tạo đặc biệt gì về bất cứ một môn nghệ thuật nào mà vẫn có rất nhiều giá trị sáng tạo, tạo nên một nguồn cảm hứng vô tận cho các nghệ sĩ chuyên nghiệp các thời đại. Thứ hoạt động văn nghệ này có phong cách riêng, được lưu giữ lâu bền bằng cách truyền khẩu, truyền nghề, có những luật lệ và quy cách xây dựng, nên sau một quá trình dài được mọi người thừa nhận và tuân theo. Quá trình bảo tồn và lưu giữ cũng là một quá trình giao lưu và quá trình biến đổi (vì vậy những người sưu tầm mới gặp nhiều dị bản tuỳ không gian và thời gian được phát hiện đối với các tác phẩm của văn nghệ dân gian).
Một đặc điểm quan trọng là văn nghệ dân gian trực tiếp nói về cuộc sống, tình cảm hàng ngày của nhân dân lao động nên chân thực và xúc động. Các nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian gọi nó là hoạt động thực hành xã hội. Nó được trau chuốt, nâng cao do lòng yêu mến thực sự của nhiều người và do trí tuệ tập thể của nhiều người.
Phải chăng những đặc điểm nói trên của văn nghệ dân gian cũng nên là những đặc điểm của văn nghệ quần chúng, những đặc điểm ấy có thể tạo nên sức sống của phong trào văn nghệ quần chúng và trong tình hình mới, nó có triển vọng lớn trong việc nhanh chóng nâng cao chất lượng nghệ thuật trong quần chúng và nuôi dưỡng phong trào ngày càng phát triển. Bởi vì nó đáp ứng nhu cầu và thị hiếu nghệ thuật của nhân dân, nó huy động tiềm năng sáng tạo vô tận trong nhân dân.
Đến đây, ta có thể thấy có một sự liên quan, xen kẽ của nội dung những khái niệm văn nghệ quần chúng, văn nghệ nghiệp dư và văn nghệ dân gian. Ta có thể quy nạp mối quan hệ đó như sau : phong trào văn nghệ quần chúng cần bao gồm hai cách hoạt động : cách hoạt động văn nghệ nghiệp dư hiện nay và cách hoạt động văn nghệ dân gian trước kia. Có lần tôi đã phát biểu “về thực chất, văn nghệ quần chúng là văn nghệ dân gian”. Và đã có đồng chí nghiên cứu nghệ thuật thể nghiệm một phương châm “hãy trả lại phong cách dân gian cho phong trào văn nghệ quần chúng”. Nhưng sau khi đã có những suy nghĩ trên thì tôi thấy nói như vậy chưa đủ, mà cần xây dựng các mối quan hệ của nội dung các khái niệm đó cho hợp lý hơn.
Trước hết cần thống nhất nhận thức các khái niệm văn nghệ quần chúng, văn nghệ nghiệp dư và văn nghệ dân gian là ba hình thức hoạt động văn nghệ khác nhau trong nhân dân.
Văn nghệ quần chúng là thứ văn nghệ được nhiều người, nhiều tầng lớp khác nhau trong nhân dân tham gia hoạt động. Nó cũng có những yêu cầu nâng cao chất lượng nghệ thuật lớn. Nó cũng có khả năng tạo nên cái ấn tượng là “văn nghệ quần chúng” chỉ là những thứ hoạt động văn nghệ trình độ thấp, thô sơ, nghèo nàn và tuỳ tiện.
Muốn thế thì phải thấy văn nghệ quần chúng bao gồm khu vực hoạt động nghiệp dư, lực lượng hoạt động văn nghệ nghiệp dư phải là lực lượng đào tạo (bằng nhiều hình thức khác nhau) một cách có hệ thống những kiến thức và kỹ năng về nghệ thuật, có thể có quan hệ mật thiết với các lực lượng nghệ thuật chuyên nghiệp để nâng cao chất lượng nghệ thuật, cần có những tổ chức, những điều kiện vật chất để hoạt động cho đúng yêu cầu quy cách của từng môn nghệ thuật. Đồng thời văn nghệ quần chúng cần phát động rộng rãi một khu vực hoạt động theo phong cách văn nghệ dân gian, khu vực này bảo đảm thu hút tất cả mọi lực lượng tham gia sáng tạo nghệ thuật theo những truyền thống hoạt động nghệ thuật dân gian của từng địa phương, từng dân tộc, không nên gò bó theo các quy cách của văn nghệ nghiệp dư (vì nghiệp dư gần với chuyên nghiệp chính quy hơn). Tất nhiên ta cũng nên và cần có những đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng chỉ có nhiệm vụ khai thác bảo tồn, phát triển quy cách hoá các vốn văn nghệ dân gian đã có trong nhân dân như kiểu đoàn “Dân ca quan họ Hà Bắc”, một số đoàn chèo ở những xã có truyền thống chèo lâu đời ở miền Bắc, những đoàn tuồng (đồng ấu và người lớn) ở những vùng có truyền thống lâu đời ở miền Trung và những đoàn nghệ thuật hoặc nhà hát chuyên nghiệp về một loại hình nghệ thuật có truyền thống ở từng địa phương.
Như thế không nên yêu cầu bất cứ đơn vị nghệ thuật quần chúng nào cũng phải có những người được đào tạo đầy đủ như tác giả, đạo diễn, chỉ huy nhạc, v.v… Ngược lại cần khuyến khích mạnh mẽ các loại hoạt động nghệ thuật theo phong cách dân gian, như vậy ta sẽ có nhiều phong cách phong phú, đa dạng của nhiều địa phương.
Khi các hội diễn đánh giá các tiết mục có tính chất dân gian (kể cả những trò diễn, những trò chơi chứ không nhất thiết phải là tiết mục nghệ thuật) cần chú ý nhiều đến yếu tố tươi mát, gắn chặt với cuộc sống, tình cảm hàng ngày của nhân dân, và trình độ, công phu luyện tập của các diễn viên, khả năng bẩm sinh của các diễn viên.
Còn đánh giá các đơn vị nghiệp dư thì cần có những yêu cầu khác về trình độ, quy cách trong sáng tác, trong biểu diễn, trình độ được đào tạo của các tác giả, đạo diễn và diễn viên.
Do đó nên có quy định đơn vị nghệ thuật nghiệp dư và đơn vị nghệ thuật dân gian, không nên chỉ gọi chung là văn nghệ quần chúng một cách mơ hồ.
Vậy thì loại hình như các nhóm ca khúc chính trị thì thuộc loại nào ? Theo tôi, phải là loại nghiệp dư.
Yêu cầu các thành viên nhóm ca khúc chính trị phải được huấn luyện, đào tạo ; tiết mục phải được sáng tác, dàn dựng theo quy cách của bộ môn nghệ thuật thanh nhạc. Không nên phát động ồ ạt, thu hút tất cả mọi đơn vị nghệ thuật dân gian vào ca khúc chính trị. Ở một huyện nọ, sau mấy năm có phong trào ca khúc chính trị, đã có nơi phát triển lên hơn 150 nhóm. Như vậy, không thể nào bảo đảm chất lượng nghệ thuật cho các nhóm và tạo ra sức hấp dẫn với nhân dân được.
Nên phát triển nhiều kiểu hoạt động theo phong cách dân gian và chú ý khai thác nhiều vốn truyền thống sẵn có của từng địa phương, từng cơ sở. Làm như thế ta mới thực hiện được việc huy động mạnh mẽ tiềm năng sáng tạo nghệ thuật trong nhân dân, đánh thức con người nghệ sĩ vốn có trong từng con người lao động, làm nên tính quần chúng thực sự của phong trào văn nghệ quần chúng, bảo tồn được lâu bền các giá trị nghệ thuật truyền thống. Hơn nữa, qua hoạt động thực tiễn, sẽ xuất hiện những yếu tố phát triển và nâng cao rất thông minh của nhân dân. Phong trào văn nghệ dân gian mới này sẽ không chỉ tạo ra những giá trị riêng biệt nằm trong nhân dân xa cách với văn nghệ chính thống, chính quy chuyên nghiệp, mà nó luôn luôn bồi bổ cho nền văn nghệ đó phát triển tốt đẹp, đồng thời nó luôn luôn được tiếp thu các yếu tố chất lượng cao, yếu tố hiện đại để thúc đẩy việc phát triển và nâng cao nghệ thuật dân gian, làm cho văn nghệ quần chúng bắt rễ sâu rộng trong nhân dân và làm cơ sở thực sự cho một nền văn nghệ mới theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Đảng.
Đồng thời, nếu có một phong trào văn nghệ quần chúng mang đầy đủ phong cách dân gian, ta mới khai thác được nhiều những di sản còn lưu lại trong nhân dân, giúp cho công tác sưu tầm thu thập các giá trị tư tưởng và nghệ thuật lâu đời của cha ông, bổ sung cho những bộ lịch sử được đầy đủ, chính xác và phong phú. Phong trào này không nên chỉ bó hẹp trong một số thể loại nghệ thuật nhất định, mà nên mở rộng ra việc tổ chức các sinh hoạt văn hoá tổng hợp như các hội hè vốn có nội dung tiến bộ và nhiều ý nghĩa. Thông thường trong các hội có các yếu tố nghi thức, vui chơi, thi tài lao động và hoạt động nghệ thuật, thì các hình thức này đều đòi hỏi mỗi người tham gia phải có tài khéo léo, óc sáng tạo và óc thẩm mỹ ; xây dựng những tình cảm yêu nước, yêu quê hương, thương người, tôn trọng nhau một cách đẹp đẽ.
Sự quan tâm tới các giá trị dân gian cần được thể hiện ra như vậy. Sự quan tâm này phải được sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan nghiên cứu lịch sử, lý luận và các cơ quan quản lý văn hoá vốn đang có trách nhiệm lớn về đời sống văn hoá ở cơ sở. Những người quản lý văn hoá phải có ý thức sâu sắc về giá trị truyền thống và nhạy cảm với những nhu cầu, thị hiếu và cảm hứng của nhân dân lao động. Hiện nay có một số sinh hoạt văn hoá tổng hợp mới chỉ được khai thác một vài khía cạnh, như: hội Gióng ở Phù Đổng thì người ta chú ý khai thác yếu tố thể thao (hội khoẻ Phù Đổng); hội Liễu Đôi cũng mới được chú ý khai thác yếu tố thể thao (vật); các hội: đền Hùng, chùa Hương, có khai thác nhiều mặt hơn, nhưng cũng chưa thật tốt.
* * *
Trên đây là những ý kiến đã được suy nghĩ, băn khoăn từ lâu, xin nêu lên để cùng mọi người trao đổi mong tìm ra những cách lý giải các vấn đề trên một cách thoả đáng nhất, góp phần tìm phương hướng chỉ đạo và xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở cho phù hợp với yêu cầu đường lối xây dựng nền văn hoá mới của ta.
                                                                                                2-1983

        (Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét