Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2023

Ý nghĩa văn hoá của công tác giáo dục ở xã Cẩm Bình


Kinh nghiệm ở xã Cẩm Bình thuộc tỉnh Nghệ Tĩnh không phải chỉ là kinh nghiệm công tác giáo dục mà thật sự là kinh nghiệm tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng ở cơ sở bằng cách lấy giáo dục làm đòn xeo, làm bước đi trước.

Những sự kiện và số liệu ở Cẩm Bình làm cho ta đặc biệt chú ý:
Năm 1958, xã xoá xong nạn mù chữ, thuộc loại địa phương thực hiện việc đó sớm nhất bằng con đường bình dân học vụ. Năm 1966, toàn dân trong xã đã phổ cập cấp I. Năm 1975, toàn dân đạt trình độ phổ cập cấp II. Năm 1978, được UNESCO tặng thưởng về thành tích giáo dục. Hiện nay, trong xã có 560 người đã tốt nghiệp cấp III, chưa kể 192 người đã học xong đại học.
Tất cả cán bộ chủ chốt của xã như Bí thư, Chủ tịch, 12 đội trưởng sản xuất, 24 kế toán hợp tác xã đã tốt nghiệp hệ phổ thông 10 năm. Trong xã có 3800 người, thì 860 là lao động trong lứa tuổi. Số người trong lứa tuổi đạt trình độ cấp III phổ thông là hơn 400 người, chiếm gần 50 %.
Trải qua một thời gian dài, đến nay tình hình cơ sở vật chất đầu tư cho khu vực sản xuất nông nghiệp có giá trị 2,1 triệu đồng (năm 1982), thì khu vực phúc lợi xã hội (văn hoá – giáo dục) cũng ngang với giá trị đó (riêng trường học của xã đáng giá 1,5 triệu). Như vậy, số đầu tư của xã cho văn hoá – giáo dục cũng gần ngang đầu tư cho sản xuất nông nghiệp.
Trường học của xã đang trở thành trung tâm khoa học kỹ thuật và trung tâm văn hoá của xã.
Xã có tổ chức một Hội đồng giáo dục mà chủ tịch Hội đồng là đồng chí Bí thư đảng uỷ, vốn cũng là học sinh của trường xã.
Trường của xã có 17 lớp, chia lớp cấp I, cấp II; hai lớp cấp III và sáu lớp vừa học vừa làm. Riêng cấp III thu hút học sinh của 6 xã, trong đó số học sinh cấp III của xã Cẩm Bình chiếm 50 %.
Bên cạnh trường có một hệ thống giáo dục, các đồng chí Cẩm Bình gọi là hệ thống “mầm” thu hút hết mọi người tham gia các loại lớp, từ lớp bổ túc văn hoá tại chức, lớp học chuyên đề và 21 câu lạc bộ có những hoạt động nâng cao trình độ chính trị và kiến thức khoa học. Các thầy giáo, cô giáo và học sinh ở trường nghiên cứu phương hướng sản xuất cho xã, nuôi giống bèo, làm phân, chọn giống lúa, làm các nghề sản xuất gạch ngói, thợ nề, thợ mộc, có hệ thống hồ ao nuôi cá, trồng cây lấy gỗ, cây ăn quả. Những lao động ngành nghề nói trên là những ngành nghề mà từ trước xã Cẩm Bình chưa có truyền thống. Ở 21 đội sản xuất, mỗi đội đều có một giáo viên làm tham mưu kỹ thuật và cán bộ nòng cốt vận động xây dựng gia đình văn hoá mới. Thư viện của trường cũng là thư viện của xã. Nhà trường có một cơ sở vật chất gồm 66 gian nhà gạch ngói, tổng cộng khoảng 200 mét vuông sử dụng.
Từ năm 1967, nhà trường thực hiện bàn giao học sinh tốt nghiệp cho hợp tác xã. Các học sinh tốt nghiệp xong đều được phân công công tác ở xã, làm cán bộ quản lý hoặc lao động có kỹ thuật, đều yên tâm và làm việc tốt.
Những đặc điểm tình hình trên nêu lên những vấn đề đáng suy nghĩ:
Đầu tư cho văn hoá và giáo dục là đầu tư cho việc xây dựng con người, con người được xây dựng trở thành những người lao động có kiến thức, có kỹ thuật, có lý tưởng, tạo thành một sức sản xuất lớn, chứ không phải chỉ là đầu tư cho khu vực “không sản xuất vật chất”, chỉ là đầu tư cho một việc “nâng cao đời sống tinh thần”. Nhiều người chỉ nhìn thấy ở Cẩm Bình những kinh nghiệm của sự nghiệp giáo dục, của công tác giáo dục và cảm thấy sự nghiệp ấy chưa thiết thực cho việc nâng cao năng suất, sản lượng trong sản xuất nông nghiệp. Vì thế có câu hỏi đặt ra: “Cẩm Bình làm giáo dục giỏi như vậy mà sao năng suất còn kém. Thế thì giáo dục đem lại cho Cẩm Bình được cái gì?”. Các đồng chí Cẩm Bình trả lời: “Chúng tôi được con người” – và nói thêm: “Những con người đó đang làm biến đổi Cẩm Bình đi lên theo hướng xã hội chủ nghĩa”. Kết quả tích luỹ từ nhiều năm qua đang tạo thành một sức mạnh lớn để đưa đến cho Cẩm Bình những bước nhảy vọt. Vài con số của Cẩm Bình đã nói rõ: Năm 1967, Cẩm Bình còn phải xin trợ cấp 50 tấn gạo. Năm 1976, đã có 178 tấn làm nghĩa vụ lương thực cho Nhà nước, năm 1982 có 452 tấn nghĩa vụ. Bình quân giá trị xuất khẩu theo đầu người một năm là 165 đồng, trong khi bình quân chung toàn huyện là 12 đồng.
Ta có thể tin chắc Cẩm Bình sẽ có những bước tiến lớn và vững chắc trong những năm tới với một đội ngũ lao động có kiến thức và một không khí văn hoá tốt đẹp trong xã.

         Kinh nghiệm Cẩm Bình là một kinh nghiệm hay, kinh nghiệm của việc tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng ở cơ sở. Các đồng chí lãnh đạo ở Cẩm Bình đã kiên quyết đầu tư cho sự nghiệp văn hoá – giáo dục một cách kiên trì, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho văn hoá và giáo dục, chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên, nhằm đúng mục tiêu xây dựng con người, kết hợp nhiều mặt hoạt động để đạt mục tiêu đó. Kết quả đạt được không phải là kết quả của một năm, vài năm mà là kết quả của sự kiên trì phấn đấu hàng chục năm. Cẩm Bình biết kiên trì phấn đấu hàng chục năm. Cẩm Bình biết kiên trì phấn đấu để tạo ra kết quả đó. Và những kết quả đó bắt đầu phát huy tác dụng từ vài năm nay, sẽ còn phát huy sức mạnh của nó lâu dài hơn nữa.

      (Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét