Thứ Ba, 10 tháng 10, 2017

Tướng Trần Độ - Nhân cách Cộng sản



Đọc Chuyện tướng Độ (NXB Quân đội Nhân dân - Hà Nội, 2007)
... Năm 1946, chàng trai Tạ Ngọc Phách, tức Trần Độ tròn 23 tuổi nhưng đã có thâm niên trong nhiều xà lim Thái Bình, Sơn La, Hỏa Lò. Lê Đức Thọ hỏi ông muốn làm Phó Chính ủy Khu II hay Chính ủy Hà Nội.

Dĩ nhiên không phải là một địa vị thời bình, làm Chính ủy những năm ấy là đối diện với gian khổ và cái chết. Trần Độ trả lời ông muốn trả nợ ân tình với Đảng, muốn trui rèn bản thân. Ông chọn về Hà Nội, một Thăng Long tiêu thổ kháng chiến, lập đội quyết tử quân. Cái lãng mạn hào sảng của chàng trí thức tuổi thanh xuân, sự dày dạn của một con người từng vào sinh ra tử, đối diện với những gì khốc liệt nhất của cuộc chiến, suy nghĩ của một người Cộng sản và sự tự trọng với những giá trị làm Người đã làm nền cho quyết định ấy.
Trần Độ nhẹ lòng với quyết định của mình, như đã từng quyết định theo cách mạng, như đã từng coi những đòn roi của Hỏa Lò, Sơn La chẳng ra cái “đinh gỉ” gì. Suốt cuộc đời ông, cái quý nhất là lý tưởng, là tình đồng bào, đồng chí. Cởi áo mình đắp cho bạn tù ở ngục Sơn La, rơm rớm nước mắt chia tay Tô Hiệu khi ông và đồng chí vượt ngục, cám cảnh trước cái chết thương tâm của đồng bào trong cơn đói Ất Dậu... Con người tình cảm ấy tương phản nội tại với chính mình khi nhớ thương mẹ đứt ruột nhưng từ chối đề nghị của cai ngục cho mẹ vào thăm mình, từ chối những bát cơm nóng của vợ cai ngục, khi mà chính ông bị cơn đói dày vò.
Người đặt nền móng cho tờ báo Chiến Thắng (báo Quân đội Nhân dân ngày nay) chắc không nghĩ đến và cũng không thèm nghĩ đến mai kia tên mình xuất hiện như thế nào trong những bài xã luận sau nửa thế kỷ. Bởi tình yêu và tâm trí ông đã dành hết cho dân, cho nước.
Ngoài quan điểm chính trị, tâm của Trần Độ là tâm Phật, đó là bản tính nhường nhịn, bỏ qua thù hận, chỉ muốn đem tâm hồn tài trí hiên dâng cho con người. Có lẽ bởi quê hương ông là cái nôi Phật Giáo, bởi trước khi thành Đảng viên Cộng sản, ông là Con Người Việt Nam. Một Con Người đáng viết hoa cả hai chữ.
Mười năm trước, tôi khi ấy mới 24 tuổi, là một phóng viên vừa vào nghề, đi cùng những đồng nghiệp đàn anh ghé thăm ông một buổi chiều mùa đông. Ông ngồi trên đi văng ở căn phòng chật chội trong một ngôi biệt thự kiểu Pháp đã biến thành nhà tập thể, mặt tiền phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Căn phòng chật, cái đi văng không rộng, sách từng chồng chiếm hết ba phần tư, ông nửa nằm nửa ngồi thu lu một góc. Ông hỏi thăm tôi, vì tôi nhỏ nhất, thăm đồng nghiệp nữ duy nhất đi cùng. Trong nhóm nhà báo ấy, chỉ tôi và cô bạn không là đảng viên. Thời khắc ấy, tôi ngồi nghĩ miên man rằng mình đang chứng kiến cuộc thăm viếng của những người Cộng sản với một bậc tiền bối, một nhân cách Cộng sản đi trước. Những điều ông giác ngộ về Đảng không xuất phát từ những giáo điều trong các bài giảng chính trị, nó khởi nguồn từ sự trải nghiệm của bản thân, của dân tộc.
“Chuyện tướng Độ” chắc chắn không phải là một cuốn sách hay về bút pháp. Tuy nhiên, như tác giả nói, người viết đã cố bám sát để đảm bảo sự chính xác về cuộc đời của một nhân vật lịch sử. Cuốn sách được viết nên bởi niềm kính phục một nhân cách. Vì thế, nó quý giá cho những ai muốn tìm hiểu về một phần cuộc đời ông, từ lúc ra đời đến năm 1974.
Những năm cuối đời, có lần Trần Độ về Tiền Hải, Thái Bình viếng sinh từ (đền thờ được dựng từ khi người được thờ đang còn sống) Nguyễn Công Trứ. Ông càng cám cảnh trước những oan khuất của bậc tiền nhân, bị vua Minh Mạng nghi ngờ lòng trung nên giáng bốn chức quan, về sau còn bị Tự Đức nghi oan về cuối đời. Trần Độ ngẩng mặt nhìn trời xanh mà đọc vang những câu thơ của chính tiền nhân:
Tuổi tác tuy rằng chửa mấy mươi,
Đổi thay mắt đã thấy ba đời.
Ra trường danh lợi vinh liền nhục,
Vào cuộc trần ai khóc với cười.
Sách có nhiều phụ bản ảnh. Tôi chú ý đến hai bức ảnh, một của tướng Võ Nguyên Giáp chụp chung với ông với dòng chữ tướng Giáp nắn nót: “Thương tiếc Tướng Trần Độ, 2005”. Bất luận thế nào, ông Trần Độ cũng là một trong những nhân vật lịch sử cùng với tướng Giáp tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ, đặt nền móng hòa bình để xây dựng một thể chế mới. Tấm thứ hai, chụp ông trong ngày nhận Huân chương Hồ Chí Minh năm 1992.
Cuộc đời tướng Trần Độ trong tập sách nối kết bới những mẩu chuyện riêng rẽ. Nhưng tinh ý một chút, người đọc sẽ thấy rằng tác giả rất cố gắng để dựng nên một tiểu sử. Cuốn sách dừng lại ở thời điểm 1974, dù vậy vẫn hoàn thành sứ mệnh ngợi ca một cách trung thực nhân cách một Con Người Cộng Sản.
Chắc cũng không ai thắc mắc, bởi chúng ta đều biết rằng 30 năm cuối của cuộc đời ông, tại thời điểm bây giờ, vẫn là những trang sách khó viết!
Tháng 10 – 2007
Tác giả: “bocuhung”, đăng ngày 21/10/2007.

3 nhận xét:

  1. Great blog! Do you have any helpful hints for aspiring writers?
    I'm planning to start my own site soon but I'm a little lost on everything.

    Trả lờiXóa
  2. Không biết đến bao giờ mới in được phần 2 của cuốn sách nhi?





    Trả lờiXóa