Thứ Tư, 30 tháng 1, 2019

Những kỷ niệm Năm mới (*)



Trần Kiến Quốc (báo liếp bantroik5)


Buổi sáng năm mới Nhâm Thìn 2012, tôi tạt qua thăm chú em Trần Hậu Tuấn. 

Ngay cửa nhà đặt trên giá là bức tranh mầu nước khổ lớn 1,2m x 1m “Rồng vàng 2012 Nhâm Thìn”, vẽ trên giấy nhàu của lão họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Tuấn giới thiệu: “Cụ vừa vẽ cho năm nay, anh ạ. Đã ngoài 90 mà cụ còn vẽ như thế. Đúng là vẽ làm con người ta trẻ mãi”.

Vì đang bận “chỉ đạo” học trò treo lại tranh trong phòng khách của Gallery nên sau hồi trò chuyện thì Tuấn “thả” tôi lang thang các phòng trưng bày. Với tôi địa chỉ này quá quen thuộc, thậm chí còn biết xuất xứ của không ít tác phẩm.

Phải nói Tuấn có 1 bộ sưu tập cỡ lớn (cấp nào không tiện nói!) với nhiều tranh, tượng của nhiều họa sĩ, điêu khắc gia tên tuổi Việt Nam thế hệ đầu tiên 1930-1945 (tỷ như: Sáng-Nghiêm-Liên-Phái, Nguyễn Phan Chánh, Hoàng Tích Chù, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, ...) hay lứa đương đại (Thành Chương, Nguyễn Quân, Đặng Xuân Hòa, Vũ Hòa, Five Gangs, ...). Đã vào xem như là lạc vào chốn mê cung, mà xem xong thì người thư thái, nhẹ tênh.

Tích tiểu thành đại. Không chỉ với cụ Phái mà Tuấn từng sang tận Mỹ tìm mua lại bức sơn mài khổ lớn của cụ Nguyễn Gia Trí (sinh viên Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương lứa trước 1945, sống tại Sài Gòn) vẽ riêng cho Tổng thống Diệm để tặng Tòa thánh Vaticane. Chỉ vì chính quyền đàn áp Phật tử năm 1963 mà họa sĩ giấu nhẹm bức tranh. Rồi tranh qua tay nhiều người, rồi sang tới Mỹ...

Không chỉ sưu tập, không chỉ vẽ mà Tuấn còn là nhà phê bình, viết sách nghệ thuật và chủ biên không dưới chục đầu sách có giá trị. Eight Gallery tại số 8 Phùng Khắc Khoan, là địa chỉ dành cho các nghệ sĩ và những người yêu nghệ thuật tạo hình, được Tuấn và bạn bè gầy dựng.

Lên đến tầng thượng có Phòng lưu niệm Cố họa sĩ Bùi Xuân Phái. Tuấn là người đầu tiên mở phòng lưu niệm cho họa sĩ Bùi Xuân Phái vào năm 1995-96. Một dạng bảo tàng tư nhân, khi mà thời điểm ấy, Nhà nước chưa cho phép tư nhân mở bảo tàng!

Với ông, Tuấn có nhiều kỷ niệm bắt đầu từ ngày đi học cùng con trai ông. Tuấn từng tâm sự: “Lại chơi nhà, em ngạc nhiên vì thấy tường nhà bác toàn treo tranh khổ lớn, nhỏ do chính tay bác vẽ. Khác với nhà mình và nhiều nhà cán bộ hàng xóm toàn treo đầy tường bằng, giấy khen”. Sự hiểu biết, tình yêu nghệ thuật được nhen nhúm; mãi sau này mới bắt đầu “ti toe nhặt nhạnh” những bức tranh nhỏ chỉ bằng bàn tay, bằng đồng lương của công chức nghèo “chỉ có chiếc xe đạp là cần câu cơm”.

Tại phòng lưu niệm của cụ Phái được xem nhiều kỉ vật gắn liền với cuộc đời họa sĩ. Từ những tuýp màu bị bóp gần hết, những chiếc cọ sơn, chiếc bay trét màu... Góc nhà có chiếc xe đạp Eska cụ mua sau khi đoạt giải để lấy phương tiện dã ngoại hay chiếc đồng hồ duy nhất cũng mua nhờ vẽ để xem thời gian... Trong tủ kính đặt sketch cụ tự phác thảo vài nét bằng bút chì cái bàn chân và “chai nước biển” treo cuối giường khi sắp ra đi. Cuộc đời lao động nghệ thuật bình dị của cụ đã để lại hàng trăm (hay hàng nghìn?) tác phẩm sống mãi với thời gian.

Cũng tại đây được xem lại lưu bút của nhiều người nổi tiếng trong giới văn hóa, mỹ thuật, của nhiều bạn bè trong và ngoài nước mến mộ ông. Trong đó có lưu bút tích của cụ Trần Độ:

“Nghệ thuật là tinh hoa của dân tộc.

Nghệ sĩ là những người xây dựng tinh thần cao quý của dân tộc.

Nghệ thuật sống mãi.

Và nghệ sĩ cũng muôn năm.
Ngày 1.11.2000 - Trần Độ".


Cụ Trần Độ viết những dòng này trong một lần tới thăm phòng tranh của Tuấn. Lần đó, trong một dịp cụ Độ vào Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ Trần Độ có nhiều kỷ niệm với Nam bộ (vì từng ở chiến trường B2 suốt từ 1965 đến 1974) nên sinh thời hầu như năm nào cũng vào thăm bạn cũ. Tôi hỏi cụ có mê tranh, pháo vì có “anh bạn thân người Hà Nội, con em nhà ta” mở phòng lưu niệm cụ Phái được ít năm. Cụ đồng ý liền: “Cái gì chứ đã là văn hóa thì chú rất thích”. (Cụ là hàng xóm nhà tôi, lại là đồng hương Thái Bình với mẹ tôi mà anh em tôi coi cụ như em của cha). Lấy xe đón cụ và anh Trần Toàn Thắng (con trưởng) lại nhà Tuấn.

Nhà Tuấn khi đó ở tầng 3 chung cư cuối đường Lý Chính Thắng. Tuấn rất vui và khoe: “Khi cháu làm quyển sách về họa sĩ Nguyễn Sáng đã lấy ảnh của bác chụp cho họa sĩ để in trong sách. Hôm nay bác lại chơi, cháu xin tặng bác bức ảnh này làm trên laminage”. Cụ bảo: “Ừ, mình mê chụp ảnh từ ngày đầu chống Pháp và từng bị kỉ luật vì “dám lấy chiến lợi phẩm (phim) của địch về dùng. Lúc ấy thì làm chó gì có phim, giấy ảnh mà dùng! - cụ khẽ cười. Bức ảnh này chụp khi đến thăm ông Sáng ở Sài Gòn. Ông này có thói quen đội mũ lưỡi trai, dù vào Nam trời ấm”. “Vâng, bức ảnh này rất có hồn, đúng cái chất của ông Nguyễn Sáng!”, Tuấn nói. Sau ngày cụ ra Hà Nội, tôi đến thăm thấy cụ trân trọng đặt bức ảnh Nguyễn Sáng trên giá sách.

Rồi cụ kể: Nhiều họa sĩ tài ba của ta và cả ông Sáng “rất số phận”. Thời kỳ ở ngoài Bắc (những năm sau 1975), ông bị chứng bệnh thần kinh hoang tưởng, thường mất ngủ và hay có cảm giác bị ai đó theo dõi. Thuốc an thần Méprobamate thời đó chỉ có cán bộ cao cấp mới được dùng. Cụ Độ kể: “Ban bảo vệ sức khỏe Trung ương cấp định kỳ cho chú; thế là chú cho ông Sáng mấy vỉ. Uống vào, ông ngủ được ngay. Từ đó đi đến đâu, gặp ai ông Sáng cũng khen “ông Độ tốt lắm!”. Chú nghĩ, giúp được người cái gì thì giúp, chuyện nhỏ ấy mà. Làm chính trị như chú thì chẳng để lại cái gì cho đời; còn văn nghệ sĩ thì chỉ cần một tác phẩm hay là sống mãi với đời, phải biết trân trọng họ”.

Khi cụ Độ sang Quốc hội, mỗi lần vào Nam vẫn đến thăm ông Sáng. Một lần, thư ký cụ Độ báo trước cho anh trai ông Sáng là cụ tới thăm. Khi cụ sắp đến, anh trai vào giục, vẫn thấy ông Sáng đang ôm chai rượu trắng. Giận quá, ông anh mắng:

- Anh Độ sắp đến nơi rồi mà chú còn...

- Em phải uống say... uống thật say... mới “thật là em” khi gặp ông Trần Độ. Có thế Trần Độ mới hiểu hết em.
người thay mặt Đảng lãnh đạo văn hóa nghệ thuật như cụ Trần Độ xưa nay thật hiếm có.

(*) Đầu đề do chúng tôi đặt lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét