Thứ Ba, 5 tháng 3, 2019

Lối sống và lẽ sống


Khi ta nói lối sống, ta có thể hiểu là ta nói đến toàn bộ các hoạt động sống của con người theo một kiểu lối nào đó. Toàn bộ hoạt động sống của con người bao gồm trước hết là lao động, là các hoạt động sống hàng ngày của cá nhân trong gia đình ngoài xã hội, là các hoạt động văn hóa, học tập, giải trí, giao tiếp bạn bè.

Tất cả các hoạt động này đều gắn liền với những cơ sở kinh tế, chính trị, tư tưởng triết lý của xã hội. Những cơ sở ấy quyết định chiều hướng tư duy, tư tưởng tình cảm con người và quyết định chiều hướng sống con người theo một lối sống phù hợp với các cơ sở ấy.
Nếu các cơ sở kinh tế, chính trị là kiểu tư bản chủ nghĩa, tư tưởng triết lý của nó nhất định là cá nhân chủ nghĩa cực đoan, ích kỷ cực đoan, càng ít lao động mà kiếm được nhiều tìn càng tốt, tiền là trên hết, cốt sống đầy đủ hơn người. Còn ai chết đói mặc kệ. Và lối sống của mỗi người trong xã hội cũng theo kiểu như vậy.
Nếu các cơ sở kinh tế, chính trị là kiểu xã hội chủ nghĩa, tư tưởng triết lý là xóa bỏ bóc lột, là thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau, tạo mọi điều kiện cho mỗi người được phát triển tốt nhất, toàn diện nhất. Lối sống kiểu xã hội chủ nghĩa là lối sống theo chủ nghĩa tập thể, coi trọng lợi ích tập thể theo đạo lý “một người vì mọi người, mọi người vì một người”.
Đó là hai lối sống hoàn toàn đối lập nhau, trái ngược nhau, không có điểm nào dung hòa được.
Thông thường một xã hội tồn tại như thế nào, quy định con người trong xã hội đó phải sống theo cái lối sống phù hợp với nó. Do vậy mỗi con người lại tạo cho mình những cách suy nghĩ hành động theo lối sống như vậy làm cho xã hội lại càng vững vàng phát triển theo hướng mà nó đang có. Vì con người vừa là sản phẩm do xã hội nhào nặn lên, vừa là chủ thể xây dựng lên xã hội.
Chúng ta hiện nay đang trong bước đi ban đầu của thời kỳ quá độ để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xã hội ta chưa có đầy đủ những cơ sở kinh tế xã hội xã hội chủ nghĩa vững chắc (tức là một nền công nghiệp lớn xã hội chủ nghĩa), trong khi đó lại còn đang tồn tại nhiều cơ sở kinh tế không phải xã hội chủ nghĩa như các cơ sở kinh tế tư nhân, các cơ sở kinh tế kiêm tư bản chủ nghĩa. Vì vậy trong đầu óc con người cũng còn tồn tại cả kiểu tư duy và đạo lý xã hội chủ nghĩa cũng như kiểu tư duy và đạo lý không xã hội chủ nghĩa – chống xã hội chủ nghĩa.
Hai chữ đạo lý này đang đấu tranh với nhau kịch liệt. Cũng như hai kiểu cơ sở kinh tế cũng đang đấu tranh với nhau quyết liệt.
Chỉ có điều trong xã hội ta có Đảng cộng sản, mạnh mẽ, lại có chính quyền Nhà nước do Đảng cộng sản lãnh đạo. Vì vậy các cơ sở kinh tế cũng như đạo lý xã hội chủ nghĩa có thế mạnh, thế thống trị thế áp đảo.
Đạo lý xã hội chủ nghĩa là đạo lý tiến bộ, nhân đạo vì hạnh phúc của tất cả mọi người. Đạo lý tư bản chủ nghĩa là đạo lý phản động chỉ lo cho lợi ích ghê gớm của những kẻ bóc lột.
Một khi đạo lý tốt đẹp được toàn xã hội hay tuyệt đại đa số người trong xã hội tán thành công nhận và thực hành thì cũng tạo ra được một lối sống tốt đẹp trong xã hội.
Trong thời kỳ chiến tranh chống đế quốc của nhân dân ta, cơ sở kinh tế của ta nghèo nàn, đời sống luôn luôn bị đảo lộn, bị tàn phá vì chiến tranh. Nhưng nhân dân ta “muôn người như một” sống theo đạo lý của Bác Hồ “Không có gì quý hơn độc lập tư do” nên ở những vùng giải phóng và trong quân đội ta có một lối sống rất đẹp, rất cao mà thế giới phải khâm phục.
Tình hình đó ngược hẳn lại với tình hình trong các vùng Mỹ ngụy kiểm soát.
Hiện nay ở nhiều nơi, nhiều lúc cũng xuất hiện những người có lối sống không tốt, không đẹp. Điều đó chỉ biểu hiện rằng đang có một cuộc đấu tranh về lối sống. Chứ hoàn toàn không phải là không thể có lối sống tốt đẹp kiểu xã hội chủ nghĩa được. Muốn có một xã hội xã hội chủ nghĩa và một lối sống xã hội chủ nghĩa tốt đẹp phải có một cuộc đấu tranh toàn diện quyết liệt và lâu dài. Cuộc đấu tranh này diễn ra ở tất cả mọi nơi, từ những lĩnh vực chung bao trùm tất cả, đến những lĩnh vực cụ thể, thậm chí nhỏ nhặt hàng ngày.
Đạo lý của chủ nghĩa xã hội trong lối sống là đạo lý “Vì hạnh phúc của nhân dân”. Đó chính là vấn đề “lẽ sống của mỗi người”, “Mục đích cuộc sống của mỗi người” và là vấn đề cơ bản của lối sống.
Lẽ sống là vấn đề cơ bản của lối sống
Hiện nay toàn xã hội đều quan tâm đến vấn đề lối sống. Các cán bộ lãnh đạo có trách nhiệm với xã hội có mối lo lắng đối với những hiện tượng sa sút của lối sống, nhất là trong thanh niên. Một số lớn người khác trong đó có nhiều thanh niên, nhiều người có một hoài bão muốn sống sao cho tốt đẹp, nhưng trong cuộc sống thực tế nhiều lúc phải có những hành vi sống mà tự lương tâm không yên. Từ đó phát sinh mỗi nỗi hoài nghi và bối rối, lo “liệu có thể sống tốt đẹp như mình muốn được không” hoặc “Cuộc sống kiểu này sẽ đưa đẩy lối sống đến chỗ sa sút như thế nào ?”.
Nhưng đồng thời không ít người không quan tâm gì đến lối sống. Họ cho là sống thế nào cũng được miễn là họ sống được … Nhưng như vậy thực chất họ đã tự chọn cho mình một lối sống, đó là lối sống “vô trách nhiệm”.
Có lẽ phải có nhiều điều cần nói với những loại ý kiến vừa nói trên.
Muốn thấy rõ mình sống như thế nào? sống theo một lối sống thế nào, trước hết và cơ bản nhất là tự mình phải thấy rõ mình sống vì cái gì ? mình sống vì mục đích gì, lẽ sống của mình là gì. Trách nhiệm của mình đối với cuộc sống của mình thế nào?
Nói đến vấn đề này, có thể có người bĩu môi chê là cũ: “xưa như trái đất”. Đúng nó là vấn đề rất cũ vì có lẽ bắt đầu từ khi loài người biết tư duy đã phải đặt ra để giải đáp. Và suốt hàng vạn năm và thậm chí hàng chục vạn năm, loài người cứ lúng túng với những câu hỏi sống để làm gì ? Sống thế nào cho đúng và sống thế nào là hạnh phúc. Đã có bao nhiêu các nhà hiền triết nổi tiếng trong lịch sử thế giới giải đáp khác nhau như Jésus Christ, Thích ca Mâu ni. Và tất cả các câu trả lời đều chưa giải đáp được đúng, chưa mang lại một sự yên ổn trong tâm tư sống của con người.
Tóm tắt câu trả lời của các vị ngày xưa là “sống gửi, thác về” – nghĩa là con người sinh ra sống thì chỉ là thực hiện một việc rất tam bợ, gửi tạm cuộc sống trên cõi đời dương thế này thôi, chỉ có khi chết sang thế giới bên kia lúc ấy mới là về nơi sống thật, sống vĩnh cửu. Vì vậy khi sống thì cố tu nhân tích đức, chịu ép một bề nhẫn nhục, nhận hết những gì là khổ ải cuộc đời vốn có để chờ đợi đến lúc “về” cõi khác. Không khác gì người đi tạm chuyến tàu. Vì bị ảnh hưởng của loại tư tưởng này nên có một loại người quan niệm đơn giản rằng sống chỉ là khổ, không thể và không hề có sống hạnh phúc trên đời này.
Hồi trẻ, tôi có một người bạn gái, cô ấy hay buồn. Tôi hỏi tại sao, cô ấy bảo “đời là bể khổ” và đó là chân lý đúng nhất. Nhưng đấy cũng chỉ là tâm trạng của đa số nhân dân lao động. Tâm trạng ấy rất cần thiết cho giai cấp bóc lột. Giai cấp bóc lột càng nhấn mạnh các loại triết lý ấy để nó vững tâm bóc lột vơ vét và tạo cho nó một cuộc sống tuy là sống gửi, nhưng rất đầy đủ sung sướng, thừa thãi. Chính bọn họ không cần lo lắng gì lắm cho đến lúc “về”. Vì khi chết rồi chúng lại tin tưởng sắm đủ mọi thứ để “hối lộ” cho các vị thần linh. Các vị thần linh vẫn sẵn sàng “bao che” cho chúng khỏi những quả báo ghê gớm. Và chúng vẫn không có gì lo ngại cả.
Bây giờ các nhà triết học khoa học tư sản hiện đại lại đua nhau dựa vào nhiều kết quả khoa học để giải đáp đưa người ta càng dấn sâu vào nỗi chán chường bi quan hoài nghi và bế tắc. Đó là cách nói “cuộc sống là phi lý”, tức là sống không để làm gì cả. Sống được lúc nào hay lúc đấy. Cứ sống bừa đi, không cần quy tắc, đạo đức luật lệ. Vì “đời chẳng là cái quái gì cả”. Bọn lính ngụy ngày xưa có những hành động “nham nhở” với phụ nữ, người ta đem đạo lý ra nói lại thì nó cũng nham nhở trả lời “đời mà em”, đối với chúng, đời là một sự nham nhở, không cần đạo lý, không cần lý lẽ. Mà cuộc đời người lính ngụy lại là thứ đời nham nhở nhất trong cuộc đời nham nhở đó, cho nên có đứa còn nói câu (mà nó cho là sâu cay hơn) : “lính mà em”. Thế là đế quốc Mỹ với chủ nghĩa thực dân mới đã mang lại cho nhân dân những nơi chúng đặt chân đến một tai họa ghê tởm nhất trong các tai họa là phá nát cuộc sống bằng cách phá nát tâm hồn con người, đầu độc tâm hồn con người bằng những triết lý cực kỳ phản động, kèm theo với các loại của cải tiêu dùng tràn ngập mà nó dụng ý để “điều kiện hóa lối sống”. Nó làm cho lối sống bị thác loạn ngay bằng những điều kiện tiêu dùng bừa bãi đó. Nó có nhiều lối nói, nhiều sách vở, nhiều phim ảnh và nhiều cách tổ chức cuộc sống để có thể đánh vào nhiều loại thị hiếu khác nhau. Nhưng điều bản chất nhất, cơ bản nhất và là mục đích sâu độc nhất là ở chỗ nó tung ra một quan niệm sống để tạo ra cái mà nó gọi là “lối sống Mỹ” đó. Điều cực kỳ nguy hiểm là nó đã gây nên một sự mơ hồ khá rộng rãi trong số không ít người.
Vì nó đã điều kiện hóa lối sống đó bằng cách tạo nên các cơ sở kinh tế theo kiểu tư bản chủ nghĩa hiện đại và tung tiền bạc ra để tạo cho mọi người lao vào một lối sống tiêu dùng quá dễ dãi, trong điều kiện của cuộc chiến tranh xâm lược.
Như vậy vấn đề sống để làm gì, sống thế nào ? quả thật là một vấn đề quá cũ, “xưa như trái đất”, nhưng nó lại luôn luôn mới, luôn luôn nóng hổi. Bất cứ ở thời đại nào, thậm chí năm nào, ngày nào nó cũng đặt ra đòi hỏi phải được trả lời. Những người có ý thức về nó thì day dứt băn khoăn tìm câu giải đáp. Nhưng cũng có kẻ không cần quan tâm, chẳng tìm câu giải đáp, hoặc là bằng lòng với câu giải đáp vô trách nhiệm “đời là thế”, “đời là phi lý” và cứ sống như một sinh vật không cần biết có tư duy.
Hiện nay cũng vẫn là lúc phải tiếp tục giải đáp cho rõ vấn đề đặt ra như vậy. Và vấn đề cũng đang đặt ra vừa nóng bỏng vừa phức tạp.
Thực ra từ hơn 100 năm nay câu hỏi đã được giải đáp chính xác, rõ ràng và dứt khoát. Ai đã được biết, được hiểu và tin vào sự giải đáp đó thì tìm được một sự thanh thản tuyệt vời trong tâm hồn và sống một cuộc sống đầy ý nghĩa tốt đẹp.
Bản thân tôi khi còn ở tuổi thanh niên, tôi đã từng gặp một sự khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng. Lúc ấy tôi đang đi học. Tôi có một ông anh họ, ông ấy được học ít hơn tôi. Có một buổi ngồi chơi, tự nhiên ông “triết lý” với tôi thế này : “Chú học hành, có nhiều chữ nghĩa, vậy tôi hỏi chú câu này : “Con người sinh ra để làm gì ? và sống để làm gì ? – Tôi nói chú nghe nhé. Như tôi đây này. Cả ngày tôi làm mửa mật ra, đầu tắt mặt tối, để làm gì nào ? – Để kiếm miếng ăn, ăn để làm gì ? – Để mà sống, thế sống để làm gì ? lại để đầu tắt mặt tối kiếm thêm miếng ăn để mà sống. Rồi tôi lấy vợ, tôi đẻ con, tôi lại phải cật lực gấp hai, gấp ba để cho con tôi lớn lên, con tôi lớn lên rồi nó ra thế nào ? Nó lại cũng như tôi lại chạy vạy mửa mật để kiếm miếng ăn, để sống, rồi lại để đẻ con ra, cứ như vậy. Còn tôi, cuối cùng tôi già rồi tôi chết, tôi trở về với đất, tôi để lại ở đời những đứa con tôi nó tiếp tục kiếp sống như tôi và cuối cùng nó cũng chết hết. Đấy thế đấy. Rút cuộc sống là để kiếm ăn, ăn để sống, sống lại để kiếm ăn rồi chết ! Vậy tôi hỏi chú, sống để làm gì nào ?”.
Khổ thân tôi, lúc ấy tôi mới đang học : “Quả đất tròn, quả đất xoay quanh mặt trời”. “Mưa là do hơi nước bốc lên thành mây, mây gặp khí lạnh đọng lại thành nước rơi xuống và thế là mưa”. Tôi lại đang học nước ta có nhiều Anh hùng cứu nước, thật vẻ vang. Chứ nào tôi đã học đến những điều oái oăm mà anh ấy hỏi tôi đâu – Nhúm chữ nghĩa của tôi làm sao giải đáp được điều đó ?
Nhưng cái điều tai ác là câu hỏi ấy ám ảnh tôi ghê gớm, đảo lộn đầu óc tôi một cách gay go nhiều năm liền. Những năm sau đó tôi học cao hơn lên, tiếp xúc nhiều hơn với cuộc sống, tôi càng thấy câu hỏi ấy hành hạ tôi dữ dội đến mức quả chính tôi cũng không muốn sống nữa, vì tôi thấy sống khổ quá và đúng là thấy mình không làm được gì cho mình và cho đời thật.
Cho đến lúc tôi được tiếp xúc với chủ nghĩa Mác – Lê-nin và giác ngộ chủ nghĩa Cộng sản. Tôi mới thấy chủ nghĩa Mác giải thích cuộc đời tài tình, chí lý, chính xác một cách lạ lùng. Tôi mới thấy rõ cuộc đời có sự kết cấu của nó, có quy luật tồn tại và phát triển và con người ta sống có vai trò lớn đối với quy luật phát triển của cuộc sống, của xã hội. Cố nhiên lúc đầu cũng tự thấy mình “vĩ đại” quá lên một mức. Nhưng dù sao điều đó cũng mang lại cho tôi một hạnh phúc tuyệt vời.
Mác đã giải thích rõ con người ta đã xuất hiện trong lịch sử như thế nào ? Vai trò con người có thể chinh phục và dựa vào thiên nhiên để sống thế nào ? Con người ta đã quan hệ với nhau trong xã hội thế nào theo những quy luật vận động thế nào ? Những quy luật ấy đã đưa xã hội loài người tiến lên từ chế độ nọ sang chế độ kia như thế nào ? Những quy luật ấy đang vận động trong nội bộ xã hội tư bản và nhất định sẽ phá vỡ chế độ tư bản, đưa xã hội tiến lên một bước tốt đẹp hơn. Con người ta khi đã nhận thức đúng những quy luật ấy, chủ động thúc đẩy những quy luật ấy vận động nhanh hơn sẽ có thể tạo nên một xã hội ở đó xóa bỏ được hết những xung đột, ganh tỵ, những khổ ải, những tàn ác để sống một cuộc sống thân ái, đầy đủ, hạnh phúc.
Như vậy câu trả lời đã hiển nhiên : “Con người ta sống ở trên đời để làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn”.
Nhưng đó chỉ là một cách nói đại giản lược để nêu bật lẽ sống của con người. Nếu con người đã hiểu được lẽ sống chân chính như vậy, con người có thể sống với một lẽ sống hết sức tốt đẹp cao cả và điều đó nâng cao cuộc sống con người. Chính lẽ sống tốt đẹp ấy nó hướng dần cho con người một lối sống tốt đẹp, một lối sống cao thượng, loại trừ mọi hành vi sống ty tiện, nhỏ nhen, thấp hèn.
Nhưng cuộc sống gồm cả một rừng lớn các mối quan hệ, các hành vi sống xen kẽ nhau, phối hợp nhau, bài trừ nhau. Cho nên có một lẽ sống đúng, đẹp chỉ mới là có cái cơ bản, cái phương hướng lớn của lối sống, chứ chưa thể giải quyết mọi chi tiết trong cuộc sống được, chưa xóa bỏ hết mọi bối rối, mọi buồn bực trong tất cả mọi hành vi sống hàng ngày được. Tuy nhiên nó là vấn đề Trước hết, vấn đề Gốc. Muốn có một lối sống đúng và đẹp thì phải hiểu rõ và có một niềm tin vững chắc, tuyệt đối vào lẽ sống của mình. Nói một cách khác là phải sống có lý tưởng. Có nhiều người gặp nhiều bối rối, mâu thuẫn và khó khăn trong cuộc sống hàng ngày nhiều khi không biết giải quyết thế nào cho đúng. Từ tình trạng đó người ta bỗng quên đi điều cơ bản nhất là lý tưởng cuộc sống.
Cũng có nhiều người không thấy lý tưởng cuộc sống là cái căn cốt của cuộc sống, lao theo những ý tưởng tầm thường thấp kém, rơi vào một triết lý phản động mà thực dân mới trước đây đã gieo rắc: “Sống đếch cần lý tưởng, chỉ cần đớp hít”. Phải thấy điều đó đã làm cho con người rơi xuống địa vị của một sinh vật hạ đẳng, con người đã rời xa địa vị vẻ vang đáng tự hào của mình : Con Người. Những kẻ đáng khinh bỉ nay lại còn giở trò chế giễu những người nói đến lý tưởng một cách nghiêm túc, gọi họ là “hâm” là “bôn sệt” và tự cho mình là “thực tế”, “hiểu cuộc sống”. Cũng có người trong hành vi sống hàng ngày, làm những điều không tốt đẹp, nhưng vẫn ngộ nhận là nhân danh lý tưởng cuộc sống lý tưởng cách mạng, đường lối của Đảng, chứng minh sự trung thành “tuyệt vời” của mình bằng số năm tháng theo cách mạng hoặc tuổi đời để mưu mô những sự việc tồi tệ, lo cho danh vị và quyền lợi cá nhân, hãm hại người khác, những người mà họ không ưa hoặc có nguy cơ tổn thương đến danh dự và quyền lợi của họ. Chính những kẻ này là những cái cớ bỉ ổi cho những loại người “đếch cần lý tưởng” có cớ để chế giễu lý tưởng và xuyên tạc lý tưởng.
Nhưng thôi, đấy là những sự phức tạp sinh động của cuộc sống phong phú. Ta muốn cùng nhau bàn ở đây là bàn đến lý tưởng chân chính của cuộc sống, đến lẽ sống thật sự của con người.
Lý tưởng cuộc sống và lý tưởng lao động
Trong tất cả các hành vi sống của con người thì hành vi sống quan trọng nhất, cơ bản nhất và có bản chất người nhất là lao động. Con người nhờ có lao động sản xuất ra của cải vật chất mà sống. Con người cũng nhờ có lao động mà ngày càng được nâng cao về cả thể lực và trí tuệ, tâm hồn, ngày càng “người” hơn và ngày càng hoàn thiện hơn. Trước Mác thì trong cuộc sống người ta coi lao động là khổ sai, là nô lệ, vì thực sự nó như vậy và ai nấy đều coi khinh lao động. Con người sống như loài vật và khi làm cái việc có tính người nhất là lao động thì lại cũng làm như loài vật và bị coi như loài vật. Trong những xã hội đó, người ta quan niệm ai không lao động mà giàu sang được là vẻ vang, là đáng tự hào và người đua nhau khoe với nhau cái vẻ vang không lao động, cứ tự hào giàu sang vì biết bóc lột, biết lừa bịp, biết ăn cắp của người khác. Thế là xã hội có hai lối sống. Một lối sống của kẻ bóc lột, không lao động mà giàu sang phè phỡn và một lối sống gần như loài vật của những người bị bóc lột cùng cực – Trong khi đó có một loại người ở giữa thì hướng về lối sống của kẻ giàu sang, học đòi các mánh lới thủ đoạn, giày xéo lên chút lương tri của mình để học đòi ngoi lên theo cách đó.
Ngày nay chúng ta đã và đang xóa bỏ tình trạng đó. Chúng ta đang xây dựng và củng cố một chế độ xóa bỏ triệt để mọi hình thức bóc lột, mọi giai cấp bóc lột. Một xã hội coi lao động vừa là nghĩa vụ vừa là vinh quang, ai lao động mới có sống, có vị trí trong xã hội. Ai không lao động bị lên án, bị hình phạt. Ta đã thực hiện được một bước quan trọng làm cho xã hội tốt đẹp hơn, trong sạch hơn.
Nhưng chúng ta lại đứng trước một tình hình mới đẻ ra nhiều vấn đề phức tạp mâu thuẫn gây nên nhiều sự bối rối cho các thành niên mới bước vào đời và cả các bậc cha mẹ. Tình hình đó là : muốn xây dựng một xã hội công nghiệp lớn, ta phải có càng ngày càng nhiều loại lao động – hay nói cách khác càng ngày càng nhiều nghề.
Nhiều người đã biết câu châm ngôn rất cao thượng “không có nghề thấp hèn, chỉ có con người thấp hèn”. Đứng về lý thuyết, trong xã hội đã yêu cầu có nghề gì thì nghề đó đều là cần thiết cho cuộc sống trong xã hội, nghĩa là đều có ích, đều vẻ vang cả. Chỉ có người nào làm nghề nào đó mà gian dối, lừa bịp thì người đó mới là thấp hèn và làm xấu cái nghề ấy đi mà thôi.
Xã hội ta đang có hai khó khăn lớn ảnh hưởng đến những suy nghĩ về lý tưởng cuộc sống và lý tưởng lao động (việc chọn ngành chọn nghề) của thanh niên.
a) Ta có một nguồn sức lao động dồi dào, nền kinh tế của ta chưa phát triển, chưa đủ việc làm cho tất cả mọi người, phần lớn thanh niên đến tuổi vào đời chưa có việc làm – nhất là thanh niên đô thị.
b) Nền giáo dục của ta phát triển mạnh và rộng rãi nhưng chất lượng còn nhiều khuyết điểm. Các thanh niên trải qua sự giáo dục (kể cả phổ thông và Đại học, chuyên nghiệp) khi ra đời chưa được trang bị đầy đủ về tư tưởng và bản lĩnh, kỹ năng lao động, chưa sẵn sàng lao động tốt đối với nghề mình học.
Hai tình hình trên đẻ ra muôn vàn khó khăn khác trong đó có việc là nó tác động không nhỏ vào một bộ phận quan trọng tâm lý xã hội, thiếu niên không hăng hái chăm chỉ học tập vì không biết học xong ra làm gì ? Vai trò xã hội của thày giáo bị giảm sút. Nhiều người không căn cứ vào sự phát triển mới của xã hội và những tình hình, vấn đề mới phát sinh của nó. Mà cứ so sánh một cách vô căn cứ, rồi thấy cái gì cũng “kém ngày xưa”, làm như ngày xưa cái gì cũng tuyệt vời và xã hội ta hình như càng ngày càng sa sút. Việc chọn nghề đặt ra một vấn đề lớn hơn : lý tưởng lao động. Trong tình hình hiện nay và sau này vấn đề lý tưởng sống không còn là vấn đề phải tranh cãi, cân nhắc. Xã hội ta hiện nay đã giải quyết vấn đề đó một cách dứt khoát rõ ràng và hết sức sáng sủa. Mỗi người sống trong lúc này chỉ có thể có một lẽ sống : sống làm cho xã hội tốt đẹp hơn, sống vì mọi người, sống có ích cho xã hội. Còn bất cứ những kẻ nào khác, lúc nào đó nói bậy nói bạ những cái gọi là “lẽ sống” khác thì chỉ đều là bọn “bá láp” không ai thừa nhận mà tự bản thân những kẻ ra những “tuyên ngôn” như “chỉ cần sống vì mình” – “sống thì tiền là trên hết” cũng tự thấy hổ thẹn trong lương tâm và cũng tự thấy mình nói bừa nói láo. Hoặc có một vài kẻ nào đang đắc ý và có một số “thành công” nào đó với những lẽ sống đó thì cũng chỉ là tạm bợ, chỉ là những rác rưởi và bèo bọt của cuộc sống, sớm muộn cũng bị quét sạch đi mà thôi.
Phải sống có ích cho xã hội. Được rồi. Nhưng sống bằng nghề gì, lao động gì để có thể sống được. Phải sống được đã rồi mới làm việc có ích cho xã hội được chứ. Thế mà tình hình nghề nghiệp trong xã hội ta hiện nay lại có những nét không ổn định và phức tạp như thế này :
- Có vấn đề lao động trí óc và lao động chân tay ;
- Có vấn đề có nghề có nhiều thu nhập, có nghề rất ít thu nhập ;
- Có nghề phù hợp sở thích, phù hợp điều kiện gia đình hoặc có nghề lại đẻ ra mâu thuẫn giữa hai điều kiện đó ;
- Học nghề nào, thích nghề ấy, nhưng khi phân công công tác lại phải nhận một nghề khác – do tổ chức sắp xếp hoặc do sức ép của gia đình, của người yêu, của điều kiện sống, v.v…
Cũng do tình hình phức tạp như vậy cho nên có một sự đảo lộn các giá trị lao động, gây nên những sự ngộ nhận, đánh giá sai các giá trị lao động. Thực ra lao động chân tay và lao động trí óc đều có giá trị như nhau. Nhưng nay trong xã hội lưu truyền một số ý kiến đánh giá sai giá trị của lao động trí óc, coi thường đặc điểm lao động trí óc. Ví dụ có người phàn nàn hiện nay trong các chất thì chất xám là rẻ nhất, xuất hiện các câu tục ngữ, các chuyện tiếu lâm đều xếp giá trị lao động trí óc xuống thấp. Ví dụ họ nói : các thứ phó thì phó tiến sĩ là thấp nhất, phó mộc cao nhất. Hoặc có phó tiến sĩ đi hỏi vợ phải nói dối là lái xe thì mới được nhận lời. Hoặc có câu là “Muốn ăn thì lấy thợ điện, muốn diện thì lấy thợ may, muốn ăn mày thì lấy trí thức”.
Thực ra đây hoàn toàn không phải là những ý kiến “đề cao lao động chân tay”, hạ uy thế lao động trí óc để đảo ngược cách quan niệm giá trị của các xã hội cũ. Mà những ý kiến kể trên kia chỉ biểu hiện một sự nhận thức thực dụng, chọn nghề gì dễ kiếm tiền. Thực chất nó là một khía cạnh của nhân sinh quan phản động, coi tiền là cao nhất, lợi ích vật chất là cao nhất.
Cũng có thể thấy một khía cạnh phụ là sự phản ứng chua chát của những ý kiến bênh vực giá trị lao động trí óc. Lao động chân tay và lao động trí óc đều là lao động. Người nào cũng là người lao động. Trong lịch sử có lúc lao động trí óc được đề cao như một loại nghề cao cấp, quý phái. Ngày nay ta gạt bỏ quan niệm đó. Nhưng không thể vì thế ta lại hạ uy thế lao động trí óc như một loại lao động cấp thấp được. Cũng còn không ít người coi lao động trí óc là thứ lao động dễ dàng (phất phơ, không sản xuất được ra sản phẩm vật chất), những người trí thức là những người “ngồi mát ăn bát vàng”. Quả thực tính chất và giá trị của lao động trí óc còn cần được nhận thức cho đầy đủ. Mọi người chỉ thấy các trí thức không phải lao động vất vả bằng chân tay và có nhiều khi sản xuất ra những sản phẩm trí óc một cách nhanh chóng và dễ dàng. Có một giai thoại ở thế giới : có một nhạc sĩ nhận một đề tài sáng tác một ca khúc, anh chỉ làm trong hai giờ xong một tác phẩm” – Nhạc sĩ trả lời : “Không phải thế đâu, phải tính hai giờ cộng với cả cuộc đời của mình mới đúng”.
Thật vậy, mỗi một trí thức hoặc nhà khoa học hoặc nghệ sĩ sáng tác, hoặc thày dạy học, mỗi khi cống hiến cho đời một sản phẩm, một tác phẩm dù ngắn hay dài đều phải có một sự cố gắng căng thẳng phi thường, huy động đến mức cao nhất tất cả những gì thuộc về trí tuệ tình cảm của cả một cuộc đời. Đó là chưa kể tùy từng nghề, người trí thức còn phải làm nhiều việc vất vả như sưu tầm tài liệu, đi thực tế trong cuộc sống, đi thư viện hoặc tìm tòi sách vở ở đủ nơi, đọc, ghi chép, sắp xếp tra cứu, hoặc những nhà điêu khắc nhiều khi phải làm việc như người thợ mộc, thợ nề hay thợ gò, v.v…
Cần xóa bỏ ấn tượng cũ kỹ rớt lại từ ngàn xưa là trí thức là công việc giấy tờ nhàn hạ, “dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm” là một nghề dễ dàng. Phải coi công việc lao động trí óc là một thứ lao động, một thứ lao động hết sức cần thiết và nhiều hiệu quả thúc đẩy xã hội tiến lên, làm xã hội tốt lên, xã hội đẹp lên, đem lợi ích tinh thần hạnh phúc và niềm vui cho mọi người.
Không nên chỉ liệt nó vào một loại nghề khó khăn, khó kiếm ăn. Thực ra các nghề trí thức vẫn có vị trí vẻ vang của nó. Bây giờ cũng vậy, không ai hạ thấp nó được. Một số ý kiến nêu lên ở trên thực chất chỉ là ở những người kém học và bị ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dụng phản động mà thôi.
Nếu hành vi chủ yếu của cuộc sống là lao động, thì lý tưởng cuộc sống phải được thể hiện ở lý tưởng lao động. Lao động trong một nghề có một mặt thiết thực là phải có một nguồn thu nhập để sống. Nhưng không phải chỉ như vậy. Ai đã có lý tưởng cuộc sống tốt đẹp thì cũng phải có lý tưởng lao động tốt đẹp có ý thức rằng mình lao động trong nghề ấy nhằm tới cái gì cho xã hội và cho bản thân mình. Vì lao động làm cho xã hội tốt đẹp, đồng thời lao động còn làm cho bản thân người lao động tốt đẹp lên.
Tôi có biết một em, em tốt nghiệp Đại học, nhưng em chỉ mong sao có được một việc nhàn hạ ở thành phố và có nhiều nguồn thu nhập. Vì nếu em theo sự phân công của nghề nghiệp Đại học mà em học thì tất cả mong muốn của em đều không đạt và em viện một lý do rất thiết thực, rất sắc bén là em làm nghề đó, lương sẽ không đủ bảo đảm em sống. Thế là em cố xin vào làm một công tác dịch vụ rất tạm thời, không cần nghiệp vụ. Và em đạt được đủ mọi yêu cầu của em, em sắp có một cuộc sống phong lưu. Nhưng sau hơn một năm em nói với tôi một điều tâm sự sau đây :
“Em cảm thấy không thích thú công việc của em, em muốn tìm một công việc khác có thể phát huy được vốn kiến thức Đại học của em. Em làm việc hiện nay quả là em có thu được một số lợi ích. Nhưng em nghĩ về lâu về dài, rồi em sẽ thành một người thế nào, em sẽ tham gia giúp ích xã hội bằng cái gì và bản thân em sẽ tiến đến đâu. Em muốn có một công việc tạo cho em một nghề nghiệp có trình độ ngày càng cao để giúp ích xã hội tốt hơn và em có một vị trí xứng đáng trong xã hội, kiến thức thu được ở trường Đại học của em phát huy được tốt hơn”.
Tôi nghe em tâm sự, tôi hết sức vui mừng, tôi thấy em đã nhận ra được điều chủ yếu của lý tưởng sống và lý tưởng lao động. Và em đã có ý thức về một lối sống tốt đẹp. Tuy em chỉ mới có ý thức đầu tiên, chưa biết em sẽ giải quyết cuộc sống cho em thế nào ? Nhưng điều tâm sự ấy giúp tôi kết luận cái ý về lý tưởng lao động một cách cụ thể.
Trong tình hình hiện nay những suy nghĩ đúng đắn về phương hướng này không ít và ngày càng phát triển. Đó là điều hết sức đáng mừng. Nhưng tôi xin tiếp tục bàn đến nó trong phần sau.
Sống cho mình và sống cho mọi người
Có một anh bạn tôi nói chuyện với tôi về một đứa con. Trong lúc anh trao đổi với nó về đạo lý “một người vì mọi người, mọi người vì một người”. Cháu đó nói lại rằng : “Hiện nay con sống cho một mình con còn chưa xong, còn lấy gì mà sống cho mọi người”. Câu nói này gợi cho tôi nhiều suy nghĩ. Đó có thể là một câu nói biểu hiện một ý kiến tiêu cực “chỉ cần biết mình, không cần biết đến người khác”, hay là một câu nói đầy ý nghĩa tích cực : “Tôi phải tự rèn luyện nâng cao tôi lên cho tôi có một nhân cách độc lập, một bản lĩnh sống vững vàng để tôi sống có ích hơn trong xã hội”.
Tôi thiên về ý nghĩ cho là ý thức của cháu có tính tích cực. Cháu muốn cháu phải có đầy đủ ý thức làm chủ bản thân cháu, cháu có một lý tưởng lao động thích hợp và vững vàng nghĩa là cháu phải có một nghề chắc chắn trong xã hội đã. Lúc cháu phát biểu với bố cháu như trên, chẳng qua là cháu nhấn mạnh cái yêu cầu nỗ lực của bản thân để cháu vào đời, chứ không phải cháu bác bỏ đạo lý mình vì mọi người. Vì trong cuộc sống hàng ngày cháu vẫn nhận sự giúp đỡ của bạn bè, vẫn hào hiệp giúp đỡ bạn bè và làm những nhiệm vụ của một người con trong gia đình đối với cha mẹ và các em rất chu đáo kia mà.
Quả thực trong cuộc sống hiện nay mỗi người làm thế nào sống cho mình và sống cho mọi người đều tích cực, hài hòa là một điều rất khó. Tôi đã nhận được khá nhiều câu hỏi xung quanh đề tài này, hoặc bằng thư, hoặc bằng trả lời trực tiếp. Mà bản thân tôi cũng chưa biết giải đáp thế nào cho thỏa đáng.
Có trường hợp thanh niên công tác khoa học có ý thức muốn vào Đảng. Nhưng anh muốn vào Đảng bằng một nhân cách khoa học của anh, anh tập trung tâm trí và thời gian để tự nâng cao trình độ khoa học, để cố tạo ra một thành tựu khoa học. Và anh quan niệm đó là làm việc cho Đảng và anh sống cho đời, cho mọi người. Vì vậy đối với một số người (kể cả cán bộ lãnh đạo) anh có một thái độ bình đẳng và bình thường, đối với một số đảng viên anh không gần gụi được. Một số đảng viên có trách nhiệm giúp đỡ anh thì lại chỉ thường giúp đỡ về ý thức phấn đấu lao động (mà chủ yếu là lao động chân tay) và thái độ chan hòa với mọi người. Ít hoặc không có ai giúp đỡ anh nâng cao về ý thức Đảng, tính chất Đảng mà có ý kiến rõ rệt hoặc sâu sắc bằng các tài liệu anh đã đọc. Hơn nữa lại còn có người nhận xét thiên lệch đối với anh như “chuyên môn thuần túy – chạy đua để lấy học vị, lên lương” – nghĩa là chỉ thấy anh sống cho mình anh một cách ích kỷ.
Như vậy anh rơi vào một bối rối. Muốn vào được Đảng phải nghe theo và làm theo những lời khuyên mà anh cho là tầm thường. Còn anh muốn vào Đảng với nhân cách khoa học và bản lĩnh khoa học của anh thì gặp khó khăn.
Trường hợp trên không phải chỉ có một. Có một trường hợp anh bạn khoa học nhận được một lời khuyên là “lùi một bước tiến hai bước”. Nghĩa là anh ấy phải chiều theo ý kiến những người chung quanh một thời gian để vào Đảng đã. Khi anh đã là đảng viên anh sẽ tích cực phát huy tác dụng của anh với tư cách là đảng viên, như vậy hiệu quả hơn. Và quả thật tình hình đã xảy ra đúng như thế. Vậy là hiệu quả. Riêng tôi, tôi thừa nhận đúng. Sự việc đó diễn ra là có hiệu quả. Nhưng tôi lại thấy một khía cạnh khác là phải chăng lời khuyên ấy cũng phảng phất một tý tinh thần cơ hội chăng ?
Hay là chính trong trường hợp này, người trong cuộc biết nén cá tính của mình lại chiều theo một chút ý kiến những người chung quanh, tạo nên một sự hòa hợp, một tinh thần thông cảm đoàn kết và như vậy lợi ích cho công việc cho sự nghiệp chung là sự cần thiết hợp lý và đúng đắn chăng ?
Có lẽ cuộc đời là biện chứng – Có thể trường hợp này thì đúng mà trường hợp khác lại là mầm mống của cơ hội ! ?
Lại còn những trường hợp khác :
- Có trường hợp, cán bộ thấy cấp trên (cấp trên đây có thể là cấp trưởng phó phòng của Vụ, Cục, Giám đốc, thậm chí cao hơn nữa) có những hành động hoặc chủ trương sai trái, trong bụng cán bộ thấy bất bình hậm hực muốn phản đối, nhưng tự thâm tâm lại thấy phản đối cũng không được mà có khi còn bị “đập vỡ niêu” ảnh hưởng ngay đến cuộc sống hàng ngày của bản thân, của gia đình. Thế rồi đành phải im và có khi cũng đành phải lên tiếng ca ngợi là sáng suốt, là cao kiến, là có lòng chăm lo đến cơ quan, v.v… mà trong bụng thì tự xỉ vả mình là thằng hèn.
Phán xử lương tâm ra sao ? phán xử hành vi ra sao ? Quả là ta đang đứng trước cuộc sống quá linh hoạt, quá sinh động phong phú !
Có một cán bộ làm một việc X. Đồng chí đó tự nhận xét là “tôi làm việc đó tôi thấy nhục quá, nhưng tôi không nỡ để con tôi ốm mà không có thuốc nên tôi phải dẹp lương tâm lại mà làm”. Cái sự việc đó không có gì to tát đâu, chỉ là xoay xở cho con ốm có ít tiền mua thuốc, mua sữa thôi.
Một cán bộ cao cấp biết chuyện và cũng nói rằng : “Bảo là cậu đúng thì không được, nhưng bảo cậu sai thì không nỡ” – Vậy là nó sai đấy. Nhưng cho phép làm được. Và đó cũng chỉ là sự được phép tạm thời. Việc căn bản là Nhà nước cũng như từng tổ chức xã hội, từng người phải nỗ lực xóa bỏ các yếu tố buộc con người cứ phải làm những việc trái lương tâm.
Lại là cuộc sống biện chứng muôn màu muôn vẻ.
- Có người khác, thuộc loại cán bộ có học, có trách nhiệm, có suy nghĩ, có ý kiến mới mẻ. Nhưng ý kiến mới mẻ có thể đảo lộn cả chiều hướng suy nghĩ của cấp trên. Đồng chí này không phát biểu ra thì cảm thấy bực bội khổ sở, không yên tâm, cảm thấy không có trách nhiệm với sự nghiệp. Nhưng phát biểu ra thì những ý kiến ấy lại trở thành những ý kiến quái đản, mọi người kinh ngạc, chế giễu, bài bác và có khi quy nạp cho những tội tày trời. Cho nên lại sợ, không dám phát biểu. Cũng có lúc muốn làm Galilée – Nhưng ý kiến thì chưa đúng bằng cái bụi của ý kiến Galilée. Mà có phải năm nào cũng có thể xuất hiện một Galilée. Không phát biểu, giữ yên được cho cuộc sống của mình và sống được cho mình, nhưng lại là không sống cho người khác được.
Cũng có người có can đảm quên mình để vì sự nghiệp. Cách mạng nghĩa là không thiết đến danh vọng, quyền lợi. Nhưng người đó quên mình, nhưng người khác có quên người đó đâu ? họ lại vẫn nhớ người đó như một con quỷ tai hại của cuộc đời hoặc như con người tốt đẹp của cuộc sống.
Đời ta mới có câu mà nhiều người đã biết :
Thật thà, thẳng thắn, thường thiệt thòi,
Lỗi lầm luồn lọt lại lên lương.
Sống cho mình và sống cho mọi người, đâu phải đơn giản, ý kiến của cháu thanh niên, tôi nhắc đến ở đầu đoạn này đâu phải là một ý kiến ngây thơ dại dột.
Muốn sống tốt đẹp phải có đức và có tài.
Đức đây là nói những đức tính xã hội chủ nghĩa, trung thành với chủ nghĩa xã hội, yêu lao động, tôn trọng tập thể, năng động sáng tạo và biết chịu trách nhiệm.
Nhưng nội dung mỗi điểm này cũng có sự hiểu khác nhau. Trung thành với chủ nghĩa xã hội cũng có thể hiểu là chỉ biết khư khư với những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa xã hội. Cũng có thể hiểu là phải làm mọi việc táo bạo để nhiều hiệu quả kinh tế, để làm cho đất nước giàu mạnh. Từ đó mang lại no đủ và hạnh phúc cho nhân dân và như vậy là trung thành với chủ nghĩa xã hội một cách rất thiết thực. Thực ra hai cách hiểu không đối lập, nhưng cứ có người đem đối lập lại.
Tôi rất thích một ý kiến của Nguyễn Mạnh Tuấn viết trong “Đứng trước biển” phê phán một loại người. Loại người đó không thích và không dám đóng vai có tài mà chỉ thích đóng vai có đức. Đóng vai có tài nó khó, phải hành động, phải làm cho công việc có hiệu quả, phải có gan chịu trách nhiệm. Còn đóng vai có đức thì dễ hơn, luôn luôn giữ mình không dính gì đến các chủ trương công việc phức tạp, sống kham khổ, yên lặng và luôn luôn có thể tự hào tuyên bố : “Tôi không tham ô, không hủ hóa, một đời theo Đảng”, v.v… thế là tuyệt vời, trong sạch rồi. Nhưng có biết đâu dám chịu trách nhiệm, dám năng động tìm ra những phương án nhiều hiệu quả mới chính là cái đức cần thiết để xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Không tham ô, không hủ hóa, v.v… cũng là những đức tính đẹp, nhưng đó chỉ là cái đẹp để giữ mình cho trong sạch để sống cho mình thôi. Như vậy đã đủ yêu cầu của đạo đức xã hội chủ nghĩa chưa ? đã sống tốt cho mình và có ích cho mọi người chưa ?
Tôi có một người bạn mà tôi hết sức cảm phục về tài năng đức độ, nhưng có lần tôi lại được nghe các con của người đó phàn nàn với tôi : “Bố mẹ cháu chỉ ngày đêm lo chúng cháu sơ xuất điều gì “hại đến danh dự gia đình”. Hình như bố mẹ cháu chỉ thấy có danh dự gia đình là điều thiêng liêng nhất, cao quý nhất, bất khả xâm phạm. Còn như chúng cháu đều đã lớn, đã là trí thức xã hội chủ nghĩa, chúng cháu ý thức được đầy đủ trách nhiệm đối với cuộc sống của chúng cháu và trách nhiệm lao động của chúng cháu đối với xã hội. Chúng cháu có những nguyện vọng, hoài bão của chúng cháu, nhưng chưa bao giờ bố mẹ chúng cháu quan tâm tới điều đó của chúng cháu, chứ đừng nói đến khuyến khích và ủng hộ nữa”.
Điều phàn nàn này lại làm cho tôi phải nghĩ rất nhiều. Không thể nào chê trách các bậc bố mẹ lo cho danh dự gia đình. Nhưng cũng không thể nào hoàn toàn tán thành những bậc bố mẹ chỉ vì danh dự gia đình mà không quan tâm tới nguyện vọng hoài bão của các con, không tôn trọng ý thức tự trách nhiệm của các con.
Tôi thường va chạm với một loại người quá nặng sống vì mình một cách không tự giác. Những người này thường bị biến đổi nhân cách ngược chiều với sự “tiến bộ” (thăng quan tiến chức). Tôi đã thấy những người khi làm phó thì khiêm tốn nhũn nhặn dễ thương, nhưng khi làm trưởng thì trở nên lộng hành hách dịch. Mọi cử chỉ sống hàng ngày như chào hỏi, nói chuyện, nhìn người tiếp chuyện, gặp người xin gặp đều thay đổi một cách kỳ lạ và xin nói là thay đổi “đi xuống”.
Ngược lại có những người khi chưa đạt được một địa vị khá khá thì thường tỏ ra năng động sáng tạo trung thực thẳng thắn một cách hùng hồn, cường điệu để biểu diễn tinh thần bảo vệ chân lý một cách xuất sắc, có quan hệ tốt với những ai mà anh ta cho là cũng “mới mẻ” như anh ta. Nhưng khi anh ta đạt tới một địa vị cao hơn thì bỗng nhiên anh ta lại trở nên một con người “đầy tổ chức tính” nghĩa là nghe theo tất cả mọi ý kiến cấp trên một cách tuyệt đối và luôn trích dẫn, đề cao cũng một cách cường điệu lạ lùng. Và anh ta tự an ủi cũng như giải thích với mọi người : “Phải thế mới làm việc được” – “Phải lấy mục đích cao nhất là cho nó được việc đã”. Nhưng có những ý kiến nhận xét của người đời độc miệng hơn và có lẽ cũng thực chất hơn là : Đối với anh ta bây giờ “chân ghế” quan trọng hơn “chân lý”. Khi chưa có “chân ghế” trước đây anh ấy say sưa chân lý. Nhưng nay “chân ghế” quan trọng hơn.
Rút cục anh ta cũng chỉ mới sống cho mình, mà sống cho mình như vậy đã đúng chưa ? đã trong trẻo được như điều băn khoăn mà một cháu trẻ tuổi nói với bố như tôi nhắc ở trên không ?
Đến đây ta lại đụng phải một vấn đề khác rất cao siêu mà cũng rất phàm tục. Quyền lực và quyền lợi. Tôi đã được nghe có người bày tỏ với tôi những ý đồ táo bạo, những phương án công tác đầy căn cứ khoa học và có những khám phá khoa học mới mẻ, sắc xảo. Nhưng anh ta phàn nàn : với tất cả vốn liếng của tôi như vậy mà tôi không có quyền lực trong tay thì tôi chịu chết, làm sao được. Muốn cống hiến được cho xã hội tôi phải có quyền lực, tôi phải có quyền quyết định điều này, điều khác, ý đồ của tôi mới thành hiện thực. Nếu không thì :

- Về một số lĩnh vực, có những tay dốt nát hoặc không có gan, cứ để lùng nhùng hoặc ngày càng sa sút ;
- Những “chất xám” của tôi quý giá như vậy, không đem ra thực hiện rồi nó thui chột đi, tôi chết đi, tôi mang xuống tuyền đài là hết – Xã hội lãng phí mất một thứ của cải không có tiền nào mua được.
Nhiệt tình trình bày của anh làm cho cả người tôi bốc lửa. Nhưng khi tôi nguội lại tôi lại lật vấn đề xem xét và tôi nảy ra một mối hoài nghi : Anh cần quyền lực hay cần quyền lợi. Vì quyền lực là chức vụ. Anh bảo anh cần quyền lực để làm việc cho xã hội. Nhưng cũng có lúc anh nói anh thiếu quyền lực là thiếu điều kiện làm việc, thiếu xe cộ để đi lại, thiếu diện tích nhà để anh suy nghĩ nghiên cứu, thiếu thực phẩm để anh bảo đảm sức khỏe lao động – và vì vậy ý đồ, lý luận của anh không phát triển được ?
Cũng cần phải thừa nhận có một sự thật là có những người có ý đồ hay mà không có quyền lực thì không thực hiện được. Nhưng những người đòi quyền lực, mong quyền lực và mê quyền lực thì nhiều khi chỉ là cái cớ để mà có quyền lợi. Vì thật có người có quyền lực trong tay mà nhiều khi không dùng quyền lực đó làm lợi được gì cho sự nghiệp đâu !
Còn có khía cạnh nữa là quyền lực và quyền thế. Có người có quyền lực nhưng thực chất lại bất lực, khi đã bất lực lại phải dựa vào quyền thế, không bao giờ dám tự chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Có ý kiến gì hoặc có quyết định gì thường phải viện “thế” người nọ, thế người kia ra để làm sức ép buộc người khác nghe theo.
Cái đó dính đến một điều khác là quyền lực thật và quyền lực giả. Quyền lực giả chỉ có thể dựa vào chức vụ và vào những quyền thế khác. Quyền lực thật phải hoàn toàn dựa vào trình độ tài năng, kiến thức khả năng xét đoán và quyết định vấn đề, dựa vào nhân cách cao cả, biết quan hệ với mọi người với tinh thần bình đẳng và tôn trọng tài năng người khác thật sự, do đó có một sức thuyết phục lớn. Điều đó mới quả thật là quyền lực. Trước đây Bác Hồ còn sống toàn dân đều nghe theo Bác không phải chỉ vì Bác là Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước mà trước hết là vì Bác là Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, một nhân cách vĩ đại, một tài năng tuyệt vời. Người ta không những nghe theo Bác, tin tưởng ở Bác mà còn vì người ta yêu Bác sâu sắc. Cho nên còn có thứ quyền lực của những người yêu nhau. Yêu nhau thì tin nhau và nghe nhau. Còn có quyền lực gì lớn hơn quyền lực của một cô gái đẹp, tốt đối với người yêu, cho dù anh chàng người yêu đó là một người có chức, có quyền lại khỏe mạnh, rất đô, rất dữ. Nhưng khi người yêu yêu cầu : Anh đừng hút thuốc lá nữa, anh đóng hộ em đôi guốc, anh bơm hộ em cái xe đạp, v.v… thì anh chàng trai thực hiện một cách rất nhanh nhẹn chu đáo và còn đầy hạnh phúc.
Ngày xưa có câu đại khái “Làm đày tớ thằng khôn còn hơn làm thày thằng dại”. Người nắm quyền lực phải là người “khôn” mới có quyền lực thật. Tôi nhớ trong một cuốn tiểu thuyết mới đọc, có một câu bình luận về một ông thủ trưởng cơ quan : “Ông ta rất thích quyền lực, ông ta xử sự một cách đầy quyền thế. Nhưng khi ông ta đã biết dùng quyền lực của ông ta mang lại bao nhiêu lợi ích cho cơ quan, làm cho cơ quan đó những bước tiến vẻ vang. Cả cơ quan cần cảm ơn quyền lực của ông ta” – Một người như vậy đã sống đầy đủ cho mình và cho mọi người. Những kẻ hám quyền lực và tệ hơn là những kẻ bất tài chỉ dựa vào quyền thế, cố giữ “chân ghế” hơn “chân lý” – thực chất chỉ biết sống cho một mình hắn mà thôi.
Vấn đề sống cho mình và sống cho mọi người là một vấn đề rất khó khăn. Tôi cho rằng ta phải biết sống cho ta một cách trung thực dũng cảm, thực sự coi trọng nhân cách mình thì mới thực sự biết tôn trọng người khác, tôn trọng nhân cách người khác, biết tạo nên được một cách sống hài hòa cho mình và cho mọi người – Hiện nay cũng lắm người nói đến nhân cách, vận nhân cách ra để xỉ nhục người khác là thiếu nhân cách, kém nhân cách. Nhưng tôi tin rằng nhiều người trong số nói đến nhân cách hoặc chưa biết nhân cách là cái gì hoặc là nói đến cái từ hay ho đó để che giấu cái kém nhân cách của chính bản thân mình.
Không phải chỉ tỏ ra quan tâm tới những người khác mà tự cho mình đã sống vì mọi người. Phải có một lý tưởng vững chắc, phải đặt cả cuộc sống của mình vào một lý tưởng sống thì có cơ sở để sống một cách tốt đẹp vì mình và vì mọi người. Những anh hùng chiến sĩ của ta đã có những hành động anh hùng, xả thân vì lý tưởng độc lập tự do và xã hội chủ nghĩa là những người có nhân cách đẹp nhất. Cái chết của họ chính là sự sống đúng đạo lý xã hội chủ nghĩa, đúng đạo đức cộng sản chủ nghĩa nhất. Chúng ta đang còn sống, chúng ta cần suy nghĩ nhiều đến cái “Sống” của những người đã không còn nữa ! Và vì vậy Lẽ sống thật sự là linh hồn của lối sống, trong bất cứ điều kiện sinh hoạt vật chất thế nào?

Tháng 6 - 1984

(Trích Trần Độ tác phẩm, Tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét