Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019

Kế thừa và phát triển trong văn hoá - nghệ thuật


1. Kế thừa và phát triển là quy luật phát triển của văn hoá – ta nói cách tân, cải cách là ta nói về một việc làm cụ thể có ý thức để thực hiện quy luật đó. Văn hoá luôn luôn sống và trong quá trình văn hoá sống cùng với xã hội, tự nó cũng cứ diễn ra quá trình kế thừa và phát triển, một quá trình phủ định những cái gì là cũ, lỗi thời và sáng tạo cái mới phù hợp. Quá trình này liên tục.

2. Có sự kế thừa phát triển một cuộc sống tương đối ổn định, trong một xã hội tương đối ổn định. Sự kế thừa và phát triển này diễn ra êm ả, chậm chạp có nhiều khi ta không nhận thấy, nhưng nó vẫn diễn ra.
Có sự kế thừa phát triển đi đôi với những biến động lớn nhỏ của xã hội. Có khi sự biến động chính trị của xã hội đẻ ra sự phát triển mạnh mẽ về văn hoá. Nhưng cũng có khi sự phát triển mạnh mẽ của văn hoá (có tư tưởng là yếu tố then chốt) dẫn đến biến động chính trị của xã hội.
3. Đất nước ta đang trải qua cuộc cách mạng toàn diện, triệt để và sâu sắc.
Cuộc cách mạng đó đòi hỏi nhiều sự phủ định văn hoá cũ và nhiều sự phát triển văn hoá mới. Quá trình kế thừa phát triển này diễn ra dày dặc, phức tạp, khẩn trương ở nhiều mặt, nhiều lĩnh vực. Những giá trị văn hoá cổ truyền của ta vừa phong phú, vừa nặng nề. Ta không phân tích tình hình này một cách tỉnh táo thì hoặc là ta rơi vào bảo thủ nặng nề, hoặc là ta rơi vào chủ nghĩa hư vô tai hại.
4. Văn hoá quá khứ của xã hội ta chứa đựng nhiều yếu tố dân chủ, nhân đạo cao quý nhưng cũng chứa đựng nhiều chất cổ hủ, lạc hậu và phản động.
Xã hội ta trong quá khứ là xã hội phong kiến thực dân, có hai dòng văn hoá :
Dòng văn hoá của nhân dân lao động tự nó có những yếu tố tiến bộ, nhưng nó cũng bị ảnh hưởng không ít của tư tưởng thống trị của giai cấp phong kiến phản động và thực dân xâm lược.
Dòng văn hoá thống trị về bản chất là phản động nhưng cũng chứa đựng những tinh thần yêu nước chống ngoại xâm tích cực và do đó nó cũng không thiếu những yếu tố tiến bộ của dòng văn hoá của nhân dân lao động.
Văn hoá thực dân cũ và mới tuy là văn hoá của giai cấp tư sản, về ý nghĩa lịch sử, nó tiến bộ hơn văn hoá phong kiến, nhưng nó lại được coi như những thủ đoạn xâm lược nên nó được pha trộn với tất cả những gì phản động nhất của thế giới tư bản và giai cấp phong kiến bản địa. Do đó nó đầu độc một cách nguy hại tinh thần nhân dân, nhưng nó cũng góp phần phá vỡ những gì bền vững lâu đời của văn hoá phong kiến. Ngược lại, nhiều yếu tố của văn hoá phong kiến cũng phát huy tác dụng chống chọi lại tác dụng phá vỡ bản sắc dân tộc của văn hoá thực dân.
Các loại văn hoá với tính giai cấp phức tạp như vậy đặt ra cho ta nhiệm vụ lựa chọn cực kỳ khó khăn và phức tạp.
5. Nền văn hoá mà ta đang xây dựng và hướng tới phải đạt được là nền văn hoá xã hội chủ nghĩa. Nền văn hoá đó phải có những tinh thần cơ bản là:
- Nền văn hoá của nhân dân lao động, của sự lao động, coi lao động là nghĩa vụ và niềm vui,   
- Nền văn hoá của tinh thần tập thể, của chủ nghĩa tập thể,    
- Nền văn hoá của tinh thần dân chủ chân chính triệt để,   
- Nền văn hoá của tinh thần nhân đạo xã hội chủ nghĩa, vì con người, vì hạnh phúc của con người,   
- Nền văn hoá của tinh thần quốc tế xã hội chủ nghĩa.   
Đồng thời nền văn hoá đó là nền văn hoá Việt Nam của dân tộc Việt Nam. Nền văn hoá Việt Nam là một bộ phận của văn hoá thế giới, góp phần vào những giá trị và những hình thức độc đáo của Việt Nam, làm tăng thêm sự phong phú của văn hoá thế giới.
6. Một vấn đề lớn của văn hoá là lối sống. Lối sống ở Việt Nam phải là lối sống xã hội chủ nghĩa, nhưng lối sống xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải chứa đựng những tư tưởng triết học dân gian của dân tộc Việt Nam, thấm nhuần nhiều điểm của tinh thần dân chủ và nhân đạo. Tinh thần dân chủ và nhân đạo là tinh thần của văn hoá xã hội chủ nghĩa nhưng ở Việt Nam nó phải giữ được bản sắc dân tộc Việt Nam và văn hoá xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải làm cho bản sắc dân tộc đó phát triển đậm đà thêm. Nó phải trở thành một vẻ đẹp của văn hoá thế giới.
Lối sống xã hội chủ nghĩa Việt Nam có bản chất là tư tưởng xã hội chủ nghĩa, là những phong tục đẹp đẽ, những nghi thức lễ hội mang tâm hồn Việt Nam. Ta phải chắt lọc trong rừng rậm những phong tục và những nghi thức lễ hội cổ truyền mà rút ra những giá trị phù hợp với tư tưởng xã hội chủ nghĩa và mang bản sắc dân tộc Việt Nam.
Như vậy, phải có thái độ hết sức trân trọng và một tinh thần phê phán sâu sắc đối với tất cả các phong tục tập quán, các nghi thức lễ hội của cộng đồng và của gia đình các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. Phải khắc phục triệt để thái độ đơn giản, thô thiển và thô bạo : hoặc giữ tất hoặc xoá sạch.
* * *
7. Văn nghệ là một yếu tố đặc biệt của văn hoá, có tính chất tiêu biểu của văn hoá. Vì vậy trong sự kế thừa và phát triển nghệ thuật có nhiều vấn đề phức tạp, tinh tế và khó khăn hơn.
8. Phải thấu hiểu được bản chất nghệ thuật trong khi tìm hiểu những tinh hoa của các giá trị nghệ thuật cổ truyền.
Nghệ thuật với bản chất của nó là sáng tạo và thuộc thế giới tình cảm có tính đặc thù rõ rệt, nên trong sự kế thừa và phát triển của nó, nó không chấp nhận bất cứ một thứ công thức nào, một sơ đồ nào. Những công thức như kiểu “bình cũ rượu mới”, “hậu kim, bác cổ”, “trọng xưa vì nay” đều chỉ có thể dùng được cho từng trường hợp mà không thể là công thức chung được.
Mỗi loại hình nghệ thuật có sự kế thừa phát triển riêng. Mỗi loại hình nghệ thuật của địa phương này, của dân tộc này lại cũng có sự kế thừa phát triển khác ở địa phương khác, trong dân tộc khác.
9. Một điểm quan trọng của việc kế thừa và phát triển các môn nghệ thuật là phải đi sâu nắm cho chắc nguồn gốc giá trị vốn nghệ thuật cổ truyền, phải hướng sự khai thác vào các giá trị của tinh thần dân chủ và nhân đạo của các tác phẩm và loại hình nghệ thuật cổ truyền, phải phân tích được đến bản chất các mặt của ngôn ngữ nghệ thuật : bản chất của phương pháp thể hiện của ngôn ngữ nghệ thuật cổ truyền, bản chất của phương pháp sáng tạo ngôn ngữ, phương pháp sáng tạo của thủ pháp nghệ thuật cổ truyền. Phải phân tích được chỗ giống nhau và khác nhau các đối tượng của ngôn ngữ nghệ thuật cổ truyền và của ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại. Phải tổng kết được phương pháp hiện đại hoá các công trình và ngôn ngữ nghệ thuật cổ truyền của ta vì nó đã có nhiều thành tựu trong văn thơ, trong âm nhạc (mà chủ yếu là ca khúc và một số nhạc cụ) và ta còn nhiều lúng túng trong kiến trúc, tạo hình và sân khấu. Có sự kế thừa, phát triển và có cả sự bảo tồn. Cần có những phương pháp và hình thức bảo tồn cho tốt. Có bảo tồn tốt, ta mới có cơ sở để nghiên cứu sự kế thừa và phát triển.
10. Một điểm khác là cần phân tích vấn đề nội dung và hình thức của các môn nghệ thuật; nội dung tác phẩm phải phù hợp với hình thức biểu hiện.
Không phải bất cứ môn nghệ thuật nào chứa đựng một cách tốt đẹp nội dung là cuộc sống xã hội trong lịch sử, những nhân vật lịch sử đều có thể thích hợp để chứa đựng nội dung là cuộc sống mới và con người mới. Không phải chỉ có thay đổi hình thức biểu hiện hoặc cải cách hình thức là giải quyết vấn đề phát triển. Không phải ngẫu nhiên mà mỗi giai đoạn lịch sử lại đòi hỏi có những thể loại nghệ thuật mới, những loại hình nghệ thuật mới, những hình thức, tác phẩm nghệ thuật mới. Nội dung đòi hỏi hình thức thích hợp và hình thức quyết định sức mạnh để chứa đựng và biểu hiện nội dung.
Nghệ thuật vốn có cái mà ta hay gọi là “cái thần” của nó. “Cái thần” của nghệ thuật là kết quả của sự phù hợp giữa nội dung và hình thức. Sự phù hợp này tạo ra một sức mạnh, một sự hấp dẫn, một bản chất vô hình. Chỉ có kế thừa đúng “cái thần” đó và phát triển “cái thần” đó, nghệ thuật cổ truyền mới phát triển thực sự được. Kế thừa và phát triển không phải chỉ là việc khai thác từng yếu tố và từng chi tiết. Phải vận dụng những yếu tố và chi tiết trong mối quan hệ kết cấu của nó để nắm lấy “cái thần”: “cái thần” có lẽ chính là cái đẹp, cái cao cả của nghệ thuật cổ truyền và nó thích hợp với cả nghệ thuật hiện đại.
Vì vậy càng nên hết sức tránh những suy nghĩ đơn giản nông cạn về việc phát triển các môn nghệ thuật cổ truyền và do đó phải mò mẫm lâu ngày trong các sự gượng ép và thất bại.
11. Nghệ thuật, dù là kế thừa và phát triển nghệ thuật cổ truyền, luôn luôn phải có sáng tạo. Vì vậy phải chú ý mối quan hệ giữa chủ thể sáng tạo và các nghệ sĩ sáng tác với chủ thể sáng tạo là công chúng. Cần phải có sự kết hợp hài hoà và sự hỗ trợ lẫn nhau.
Không thể cứ lấy những ý định sáng tạo chủ quan của nghệ sĩ sáng tác áp đặt cho công chúng. Chính công chúng có một sức mạnh của tâm hồn dân tộc. Tâm hồn của công chúng là nơi thử nghiệm các sự kế thừa và phát triển nghệ thuật một cách chính xác nhất. Mọi sự phát triển có tồn tại được hay không, đạt tới thành công hay không phải do công chúng công nhận. Chỉ có công chúng công nhận, những thành tựu phát triển mới sống được, mới thực sự phát triển trong cuộc sống và trở thành sự phát triển thực sự.
Trong các hiện tượng nghệ thuật, ta còn gặp những sự lai căng, gượng ép, gặp sự không chấp nhận của công chúng, không phải là vì công chúng kém nhận thức hiện đại mà là vì những hiện tượng nghệ thuật mới mẻ chưa phát triển phù hợp với tâm hồn công chúng.
Mọi hiện tượng công chúng thờ ơ với vốn nghệ thuật cổ truyền, một mặt là do ta chưa có sự giáo dục phổ cập cần thiết, nhưng mặt khác là do các hiện tượng nghệ thuật kế thừa chưa phát triển đúng với sự phát triển của tâm hồn công chúng, chưa chinh phục được công chúng, chưa đi sâu được vào lòng công chúng. Rõ ràng trong khi thanh niên ta ít biết và còn thờ ơ âm hưởng dân ca thì hiện đại hoá chiếm được cảm tình của đa số thanh niên và nhiều lứa tuổi khác.
Không nên coi việc kế thừa và phát triển nghệ thuật chỉ là việc riêng của các nghệ sĩ sáng tác mà là việc của tất cả mọi người phải quan tâm và coi trọng nhu cầu, nguyện vọng của công chúng. Tất nhiên ta phải nhấn mạnh nhu cầu lành mạnh và nguyện vọng chân chính của công chúng và vận dụng tích cực chức năng giáo dục của nghệ thuật.
12. Cần phải đặt sự kế thừa và phát triển nền văn hoá nghệ thuật dân tộc trong mối quan hệ quốc tế và trong mối quan hệ với sự phát triển khoa học kỹ thuật hiện đại.
Quan hệ quốc tế về văn hoá của nước ta diễn ra trên nhiều mặt :
a) Văn hoá của ta quan hệ với văn hoá các nước xã hội chủ nghĩa anh em,
b) Văn hoá của ta với văn hoá quá khứ của thế giới, của nhân loại,
c) Quan hệ với văn hoá của thế giới tư bản hiện đại,
d) Với văn hoá các nước đang phát triển, với văn hoá khu vực và láng giềng.
Các mối quan hệ trên được diễn ra một cách có ý thức và cũng được diễn ra một cách tự nhiên tất yếu. Có các mối quan hệ đó, ta vừa có những khả năng to lớn và phong phú để phát triển văn hoá của ta, nhưng ta cũng gặp những nguy cơ về văn hoá bị xâm nhập, bị đầu độc, những nguy cơ về văn hoá dẫn đến những tổn thất về chính trị, về tư tưởng. Những sự giao lưu văn hoá có khả năng làm cho văn hoá dân tộc được mạnh mẽ hơn, chứ không phải chỉ có hại cho văn hoá dân tộc, làm tổn thương văn hoá dân tộc. Đó cũng là một quy luật ta cần nắm vững.
Văn hoá nghệ thuật dân tộc phát triển trong điều kiện cách mạng khoa học kỹ thuật rộng lớn và mạnh mẽ. Ta phải biết hiện đại hoá nhanh chóng nghệ thuật cổ truyền, ta phải coi trọng các thành tựu khoa học kỹ thuật và sử dụng những thành tựu đó để làm đậm đà thêm bản sắc dân tộc của nghệ thuật dân tộc và giới thiệu nghệ thuật dân tộc của ta với thế giới. Ta không thể lẩn tránh khoa học kỹ thuật mà phải biết sử dụng nó.
Việc hấp thụ các tinh hoa của văn hoá thế giới và việc học tập kinh nghiệm thế giới phải nhằm làm cho nền văn hoá dân tộc phát triển mạnh mẽ và phong phú, làm cho văn hoá cổ truyền của dân tộc được phù hợp nhanh chóng với thời đại. Không bao giờ nên đối lập hai mặt văn hoá dân tộc và văn hoá thế giới với nhau.
Tóm lại, sự kế thừa và phát triển văn hoá - nghệ thuật là một quy luật của văn hoá. Sự kế thừa và phát triển đó cần tuân theo một số nguyên lý cơ bản:
- Phải nắm vững những yếu tố tích cực phù hợp với nguyên tắc xã hội chủ nghĩa trong văn hoá - nghệ thuật cổ truyền làm tiêu chuẩn cơ bản để định hướng sự kế thừa và phát triển,
- Phải nắm vững quan hệ nội dung và hình thức, để vận dụng sự kế thừa và phát triển một cách biện chứng và linh hoạt,
- Phải nắm vững quan hệ giữa chủ thể sáng tác của nghệ sĩ và công chúng chủ thể sáng tạo, mọi thử nghiệm phải được tiến hành trong cuộc sống,
- Phải nắm vững quan hệ giữa văn hoá dân tộc và văn hoá thế giới. Phải làm chủ được cả văn hoá thế giới và văn hoá dân tộc, không nên đối lập dân tộc và hiện đại, để có vẻ sánh vai thế giới mà rồi rút cục không hay không đẹp thì cũng không phải kế thừa và cũng không phải phát triển. Vấn đề là ta có những tác phẩm nào hay (tốt và đẹp) được nhiều người yêu thích và cảm phục chứ không phải ta đã có bao nhiêu tác phẩm có ý định kế thừa, có ý định phát triển.
Có thể còn rất nhiều vấn đề phức tạp khác. Ở đây chỉ xin nêu lên gợi ý mấy ý kiến lớn để góp phần vào sự nghiên cứu vấn đề này còn đang phải tiếp tục lâu dài.
                                                                                               10-1986

         (Trích Anh bộ đội, Nxb Văn Học, 2017)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét