(Tham luận đọc trong dịp kỷ niệm 40 năm Đề cương văn
hóa Việt Nam do UBKHXH tổ chức)
Ngày nay chúng ta nghiên cứu Đề cương văn hóa 1943, ta
cần gắn chặt nó với bài thơ “Là thi sĩ”, với bài báo “Mấy nguyên tắc lớn của cuộc
vận động văn hóa mới Việt Nam hiện nay”, bài đã đăng trên báo Cờ giải phóng năm
1944, cùng với tác phẩm Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam (1948) của
đồng chí Trường Chinh, ta mới thấy rõ yêu cầu nhiệm vụ cách mạng đặt vấn đề văn
hóa thế nào và tính chiến đấu sắc bén của bản Đề cương.
Bản
Đề cương là một văn kiện hết sức súc tích, hết sức ngắn gọn, tất cả chỉ có
khoảng 1500 chữ, nhưng với bối cảnh xã hội, bối cảnh phong trào cách mạng và
bối cảnh văn nghệ lúc đó, bản Đề cương đã có một giá trị to lớn vô cùng.
Đề cương xác định vai trò
của văn hóa trong đấu tranh cách mạng (là một mặt trận) và trong sự nghiệp xây
dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa – nền văn hóa xã hội chủ nghĩa.
Đề cương xác định mối
quan hệ giữa cách mạng văn hóa với công cuộc cải tạo xã hội.
Đặc biệt quan trọng là
bản Đề cương nêu lên ba nguyên tắc cơ bản của cuộc vận động văn hóa: “Dân tộc,
Khoa học, Đại chúng”. Ba nguyên tắc đó nhất quán với nội dung đường lối văn hóa
của Đảng ta do Đại hội IV và V đề ra là “xây dựng một nền văn hóa có nội dung
xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc, có tính đảng và tính nhân dân sâu sắc,
thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản”, với tất cả những
yêu cầu cụ thể của nó gắn với cuộc đấu tranh cách mạng hiện nay là chống các
loại văn hóa phong kiến, tư sản, thực dân cũ và mới, các âm mưu văn hóa của chủ
nghĩa bành trướng, bá quyền cấu kết với đế quốc. Đó là những nguyên tắc rất cơ
bản. Những nguyên tắc đó vận động và phát triển trong suốt quá trình cách mạng 40
năm qua.
Ngày nay, ta đang có
nhiệm vụ xây dựng một nền văn hóa với nội dung xã hội chủ nghĩa và tính dân
tộc. Xây dựng một nền văn hóa mới vừa là mục tiêu của cách mạng, vừa là động
lực, vừa là phương tiện của cách mạng. Ngày nay, Đảng ta đã chỉ rõ vai trò của
văn hóa như vậy. Văn hóa có mục tiêu là xây dựng con người mới xã hội chủ
nghĩa.
Nếu trước đây, văn hóa là
một mặt trận trong ba mặt trận, với nội dung triển khai cuộc đấu tranh quyết
liệt chống mọi thứ văn hóa nô dịch, ngu dân, v.v… thì ngày nay “phải hoàn thành
cách mạng văn hóa để hoàn thành cuộc cải tạo xã hội”, phải thực hiện quyền làm
chủ tập thể của nhân dân về văn hóa, phải xây dựng được một nền văn hóa mới xã
hội chủ nghĩa, phải tiến hành cuộc đấu tranh chống các loại văn hoá phản động
của đế quốc, bành trướng, văn hóa tư sản phản động, văn hóa phong kiến và văn
hóa thực dân mới.
Cách mạng văn hóa là một
thành phần của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ
nghĩa ở Việt Nam, Đảng ta nêu lên phải tiến hành đồng thời ba cuộc
cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học – kỹ thuật, cách
mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó cách mạng khoa học – kỹ thuật là then chốt.
Cách mạng tư tưởng và văn hóa phải được tiến hành đồng thời với hai cuộc cách
mạng khác, có tác động qua lại với các cuộc cách mạng khác, và mỗi một thành
quả cách mạng xã hội chủ nghĩa đã đạt được đều là thành quả tổng hợp của cả ba
cuộc cách mạng.
Cách mạng tư tưởng và văn
hóa của ta phải làm nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới, con người mới xã hội chủ
nghĩa ở Việt Nam. Thực ra, cách mạng tư tưởng là nằm trong phạm trù
cách mạng văn hóa. Nhưng ở ta, nhiệm vụ cách mạng tư tưởng hết sức nặng nề và
to lớn, nó có nhiệm vụ phải làm biến đổi toàn diện và triệt để hệ tư tưởng
trong xã hội, phải xóa bỏ hệ thống tư tưởng phong kiến và những tàn dư, biến
tướng của nó, phải xóa bỏ hệ thống tư tưởng tư sản bao gồm cả các thứ tư tưởng
do chủ nghĩa thực dân mới và cũ truyền bá gieo rắc. Nó còn phải chống lại mọi
âm mưu tư tưởng của các loại phản động thế giới, phải khắc phục những tư tưởng
và tâm lý của nền sản xuất nhỏ, những tư tưởng này là nơi trú ẩn và phát sinh,
phát triển của các loại tư tưởng phong kiến, tư sản. Cho nên, cách mạng tư
tưởng với nhiệm vụ cụ thể là làm cho tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lê nin chiếm vị
trí chủ đạo trong xã hội, là linh hồn chỉ đạo của toàn bộ cách mạng văn hóa ở
Việt Nam trong lúc này. Nhưng khi nói đến văn hóa, ta phải nói
đến nhiều sự nghiệp có ý nghĩa xã hội to lớn. Đảng ta đã chỉ rõ nhiệm vụ hoàn
thiện nền giáo dục quốc dân có ý nghĩa hàng đầu, xây dựng một nền văn nghệ nội
dung xã hội chủ nghĩa và tính dân tộc là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, xây dựng
một nếp sống mới xã hội chủ nghĩa cũng không kém phần quan trọng. Như vậy,
nhiệm vụ cách mạng văn hóa của ta hiện nay đã xuất hiện ra rất rõ ràng và cụ
thể về mặt đường lối, nó làm sáng rõ rất nhiều những dự kiến ban đầu của Đề
cương. Tất nhiên, ta còn cần có một loạt các hệ thống chính sách để tác động
vào trong cuộc sống hàng ngày của toàn xã hội, làm cho sự phát triển văn hóa
của xã hội được nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Ngày nay, bối cảnh lịch
sử đã khác xưa, nhiệm vụ văn hóa nặng nề, rộng lớn hơn, những lực lượng văn hóa
cũng hùng mạnh hơn. Tuy vậy, những vấn đề cơ bản do Đề cương nêu ra vẫn có ý
nghĩa nguyên tắc của nó như vai trò của xây dựng và phát triển các sự nghiệp
thông tin đại chúng, thể dục thể thao, y tế, là những việc trong cách mạng văn
hóa, như sự lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa. Những nguyên tắc vận động văn
hóa thời trước vẫn có ý nghĩa là những nguyên tắc xây dựng nền văn hóa mới ngày
nay.
Nếu trước đây, đồng chí
Trường Chinh đã phân tích ba nguyên tắc “Dân tộc, Khoa học, Đại chúng” liên
hoàn với nhau có mối quan hệ mật thiết, nêu lên tính dân tộc nhưng lại yêu cầu
tính dân tộc phải gắn liền với tính khoa học, không thể dân tộc kiểu “thủ cựu”,
kiểu “nệ cổ” (Xem bài Ba nguyên tắc vận động văn hóa trong Về văn hóa văn nghệ,
NXB Văn hóa, Hà Nội 1976, tr.139), thì ngày nay ta cũng yêu cầu tính dân tộc
của văn hóa phải gắn liền với nội dung xã hội chủ nghĩa, gắn liền với tính giai
cấp. Và do đó, tính dân tộc tự nhiên cần có mối liên quan với tính quốc tế,
tính nhân loại, tính hiện đại (hay thời đại) của văn hóa.
Nếu trước đây, tính đại
chúng chống lại tính phản quần chúng và xa quần chúng, thì ngày nay, tính đại
chúng phải được phát triển thành quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động về
văn hóa. Nhiệm vụ cách mạng tư tưởng và văn hóa và nhiệm vụ xây dựng nền văn
hóa mới đều lấy mục tiêu cơ bản là xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Xây
dựng con người, nghĩa là phải tiếp tục giải phóng con người thoát khỏi sự dốt
nát, thoát khỏi thế giới quan thần bí lạc hậu, thoát khỏi những định kiến sai lầm
và thoát khỏi cả những âm mưu văn hóa của các loại kẻ địch muốn đầu độc và phá
hoại tinh thần nhân dân ta. Làm như vậy, chính là ta thực hiện mục đích nhân
đạo cao cả của chủ nghĩa cộng sản, là tạo cho con người có điều kiện để phát
triển toàn diện và hài hòa, làm cho con người phát huy được những năng lực bản
chất của con người, đó là năng lực lao động, năng lực sáng tạo, năng lực trí
tuệ, năng lực cảm xúc, để con người tự giáo dục, tự hoàn thiện, tự biểu hiện
mình. Vì vậy, trong văn hóa, vấn đề nhân cách được đặt ra rất thiết thực, ta
phải tìm hiểu lý luận Mác – xít về nhân cách, quan niệm đầy đủ về nhân cách,
gợi lên sự tự ý thức về nhân cách và ý thức tôn trọng nhân cách người khác. Có
như thế, con người mới đủ khả năng và điều kiện để làm chủ thiên nhiên, làm chủ
xã hội và làm chủ bản thân.
Hiện nay, tính khoa học của văn hóa trở thành vấn đề
cần đặc biệt quan tâm. Văn hóa phải có tính khoa học, và tính khoa học trong
lao động, trong sản xuất, trong quản lý, trong cuộc sống cũng là vấn đề văn
hóa.
Ta có thể thấy rõ: chỉ có sự thắng lợi của tính khoa
học trong văn hóa mới bảo đảm thắng lợi cho văn hóa xã hội chủ nghĩa. Một điểm
chủ yếu của tính khoa học là phải nhận biết được các loại quy luật khách quan,
phải phát hiện được tính quy luật trong mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội để có
thể có tự giác hướng dẫn mọi hoạt động trong xã hội nhằm tới đích xã hội chủ
nghĩa. Phải khắc phục một cách kiên quyết tính chủ quan, tính áp đặt, tính mù
quáng, tính duy tâm trong mọi hoạt động của con người.
Đó là một dạng vẻ hết sức mới mẻ trong nhiệm vụ văn hóa của ta hiện nay mà từ Đề cương văn hóa 1943, ta có thể suy ra như vậy.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
Đó là một dạng vẻ hết sức mới mẻ trong nhiệm vụ văn hóa của ta hiện nay mà từ Đề cương văn hóa 1943, ta có thể suy ra như vậy.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
Tôi xin ông cho biết bài này được viết năm nào? Bài này được đăng ở tạp chí nào, hay là lời phát biểu không? Cám ơn.
Trả lờiXóaRất vui lòng
XóaBài viết này có lẽ được viết và công bố năm 1983, nhân kỷ niệm 40 năm ngày ra đời của Đề cương Văn hóa 1943. Bài này được đăng ở Tạp chí Xã hội học (trực thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội)số 1 - 1984.
Bài này còn được đăng trong cuốn "Văn hóa văn nghệ trong cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam - Mục tiêu và động lực", Nhà xuất bản Văn hóa, 1986 ... của tác giả.