Tinh thần của những Nghị quyết Đại hội
lần thứ IV và V của Đảng chỉ ra nhiệm vụ phải xây dựng một nền văn hoá mới xã hội
chủ nghĩa và trong giai đoạn hiện nay, trong nhiệm vụ đó có một nội dung quan
trọng là đấu tranh kiên quyết để chống lại những âm mưu văn hoá của “các loại kẻ
địch”, những tàn dư văn hoá phản động và lạc hậu của chủ nghĩa thực dân mới, văn
hoá tư sản và phong kiến, chống lại cả những tàn dư văn hoá lạc hậu là sản phẩm
của một nền kinh tế sản xuất nhỏ, lạc hậu, như các thói bảo thủ, trì trệ, các
phong tục tập quán cổ hủ, phản khoa học, những thị hiếu và nhu cầu văn hoá thấp
kém còn trong công chúng, v.v…
Như vậy, trên mặt trận văn hoá, ta có
rất nhiều kẻ thù, các kẻ thù này lại xen kẽ nhau, liên kết nhau một cách rất phức
tạp và nó vô hình, nó biến hoá một cách hiểm độc. Trên mặt trận này, chúng ta có
những ưu thế và có những nhược điểm, kẻ thù của cách mạng Việt Nam lại là những lực lượng phản động nhiều
mưu sâu, kế độc. Rõ ràng chúng ta đứng trước một cuộc đấu tranh vừa quyết liệt,
vừa phức tạp và lâu dài. Cho nên trong cuộc đấu tranh này, có vấn đề đặt ra là
hình thức và phương thức đấu tranh thế nào? Cái quyết định thắng lợi trong cuộc
đấu tranh này không chỉ là kết quả của những sự xoá bỏ, tiêu diệt và quét sạch
như trên mặt trận quân sự, mà còn là ta tạo ra được cái gì, ta xây dựng được cái
gì, ta thay đổi bộ mặt tinh thần của xã hội như thế nào? Vì vậy cần khắc phục
hai khuynh hướng (hay thái độ) phiến diện.
a) Khuynh hướng đơn giản cho rằng có thể
giải quyết vấn đề phức tạp lâu dài này bằng những phương pháp đơn giản, ngắn hạn
“ăn ngay”. Khuynh hướng này tuy có thể tạo nên một vài kết quả trước mắt, song
nếu không có sự xem xét thấu đáo, có khi còn gây ra những hiệu quả tai hại lâu
dài.
b) Khuynh hướng nguy hiểm hơn là
khuynh hướng cơ hội. Nhân thấy có vấn đề đấu tranh thì có những người hăng hái
hô to các khẩu hiệu : “xung phong”, hò hét xoá bỏ, quét sạch một cách rỗng tuếch,
chỗ nào cũng quy nạp vào đấu tranh giai cấp, chỗ nào cũng yêu cầu tính giai cấp
một cách hùng hồn, mà không có nội dung thiết thực, cụ thể, muốn thiết lập tính
giai cấp công nhân một cách duy ý chí hoặc giả tạo và có một số người cứ núp dưới
những khẩu hiệu giai cấp ấy để tung hoả mù vào mặt trận, mưu lợi cho riêng mình.
Thực ra đây là
một mặt trận rộng lớn và phức tạp, mà thắng lợi lâu dài của nó chỉ có thể là
kết quả của những công phu xây dựng kiên trì và hiệu quả. Những kết quả ấy mới
bảo đảm thực sự việc đẩy lùi và thay thế các loại văn hoá phản động xấu độc.
Tất nhiên chúng ta phải làm nhiều việc để quét sạch, xoá bỏ. Nhưng dù cho có
quét được, xoá được một vài loại sản phẩm, vài loại hiện tượng xấu độc – thì đó
cũng chưa phải đã là thắng lợi quyết định và bền vững.
Muốn có thắng lợi về văn hoá, đồng thời
phải có những thắng lợi cả về kinh tế, chính trị, an ninh, quân sự, ngoại giao,
xã hội hỗ trợ, chứ không thể có thắng lợi văn hoá chỉ được tạo bằng đơn thuần
những kết quả cụ thể của các hoạt động văn hoá.
Ở đây, căn cứ vào những thực tế hoạt động
của ta đang có, tôi xin nêu lên mấy vấn đề, coi đó là những vấn đề nếu được giải
quyết tốt thì sẽ quyết định thắng lợi của văn hoá mới một cách dứt khoát và vững
chắc.
I. Hoàn thiện hệ thống giáo dục cho phù hợp
với yêu cầu và khả năng kinh tế của đất nước
Ai cũng biết nền giáo dục quốc dân có
vai trò quan trọng để nâng cao trình độ học vấn cho nền văn hoá mới, đào tạo
cho đất nước những trí thức mới xã hội chủ nghĩa và đó là lực lượng chủ yếu của
nền văn hoá và những lực lượng lao động cho nền kinh tế. Nước ta đã xây dựng được
nền giáo dục quốc dân hoàn chỉnh trong những điều kiện hết sức gay go của chiến
tranh và của trình độ kinh tế. Đó là một niềm tự hào lớn của chúng ta và là một
bông hoa xã hội chủ nghĩa rất lớn và rất đẹp. Tuy vậy, sự nghiệp giáo dục đang
gặp những mâu thuẫn lớn và gay gắt, trong quá trình phát triển của nó. Đó là :
- Mâu thuẫn giữa sự phát triển số lượng
và sự bảo đảm chất lượng,
- Mâu thuẫn giữa quy mô và mục tiêu
giáo dục ; mâu thuẫn giữa đào tạo với yêu cầu sử dụng các lực lượng đào tạo ra.
Muốn hoàn thiện được nền giáo dục hiện
nay, ta phải giải quyết tốt hai mâu thuẫn trên.
Trước hết, cần hoàn thiện, thực hiện
tốt công cuộc cải cách giáo dục, để xây dựng củng cố mô hình giáo dục, theo một
quy mô hợp lý, đạt được những mục tiêu giáo dục mà Đại hội đã đề ra. Mục tiêu
chung là chuẩn bị tốt cho thanh niên về phẩm chất và năng lực để bước vào đời
thành những người lao động có ý thức với tư cách người làm chủ tập thể, có kỹ năng
lao động và trình độ nghề nghiệp cần thiết.
Mục tiêu của từng bộ phận của nền giáo
dục là :
- Về giáo dục mầm non và phổ thông cơ
sở : Giáo dục mầm non không nên phát triển theo số lượng, mà chủ yếu nâng cao
chất lượng để bảo đảm sự hình thành nhân cách tốt đẹp cho các cháu ở tuổi chuẩn
bị đến trường. Giáo dục phổ thông cơ sở cần hoàn thiện để đạt được mục tiêu
trang bị cho học sinh một vốn kiến thức cơ bản và toàn diện, trong đó nên quan
tâm hơn nữa đến giáo dục thẩm mỹ, có phương thức thích hợp để đưa ngay các môn
nghệ thuật : nhạc, họa thành những môn học cơ bản giống như : văn, toán, sử, địa,
v.v… đồng thời hình thành được ý thức hướng nghiệp rõ rệt.
- Về giáo dục dạy nghề và trung học
chuyên nghiệp : Cần bố trí lại việc học phổ thông kết hợp với dạy nghề và vừa học
vừa làm. Để đạt được mục tiêu là : học sinh vừa có trình độ học vấn trung học
phổ thông theo một chương trình thích hợp vừa có một nghề trong tay, học sinh
ra trường có thể lao động ngay ở các cơ sở sản xuất thuộc khu vực quốc doanh hoặc
khu vực tập thể (hợp tác xã nông nghiệp, công nghiệp) hoặc có một nghề tuy vẫn
sinh hoạt ở gia đình, nhưng có thể nhận các loại gia công dịch vụ để tăng thu
nhập.
Các loại trường này phải được tổ chức
hoạt động và quản lý với nhiều hình thức phong phú, các cơ sở sản xuất lớn có
thể phải nhận trách nhiệm tổ chức và quản lý các quận, hoạt động theo phương thức
: sự nghiệp doanh thu. Về cơ bản phải đạt được tình hình là : nhân dân tham gia
tích cực vào bộ phận giáo dục này dưới các hình thức học phí ; các cơ sở sản xuất
và các gia đình gửi người đi học mà vẫn nuôi.
- Giáo dục đại học và trên đại học :
phải có trách nhiệm đào tạo những nhân tài có trình độ cao của các môn khoa học,
các cán bộ lãnh đạo và quản lý có tài của đất nước và những cán bộ khoa học kỹ
thuật cần thiết cho các cơ sở sản xuất.
Mô hình như trên sẽ cho phép tính toán
và thu xếp kinh phí để tập trung vào những khâu cần thiết bảo đảm việc nâng cao
chất lượng giáo dục.
* * *
Việc nâng cao chất lượng giáo dục yêu
cầu giải quyết trước hết ở chỗ phân tích và đánh giá cho thật đúng vai trò vị
trí của người giáo viên, tính chất lao động của họ để có chính sách phù hợp, nâng
cao đời sống tinh thần vật chất và điều kiện làm việc cho giáo viên. Cần phải làm
như Lê-nin đã viết từ năm 1923 trong bài “Những trang nhật ký”, là một bài bày
tỏ những suy nghĩ sâu sắc của Lê-nin : “Chúng ta phải nâng người giáo viên nhân
dân ở nước ta lên một vị trí mà trước đây họ chưa từng có, và hiện nay vẫn không
có và không thể có được trong xã hội tư sản. Chúng ta phải tiến tới tình hình ấy
bằng cách nâng cao có hệ thống, kiên nhẫn và liên tục tinh thần của giáo viên,
chuẩn bị cho họ mọi mặt để họ đảm đương được sứ mệnh cao cả của họ. Nhưng việc
chủ yếu vẫn là và luôn luôn là cải thiện đời sống vật chất của họ” (Lê-nin. Toàn
tập. Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, tập 45, tr.418). Đồng thời phải quan tâm tới
việc củng cố, bảo quản cơ sở vật chất các trường lớp cho tốt. Sự nghiệp giáo dục
là nền tảng vững chắc của cả nền văn hoá.
II. Ra sức xây dựng cho được đời sống văn hoá ở
tất cả các loại cơ sở, từng bước xây dựng được các mạng lưới thiết chế văn hoá
có chức năng đem văn hoá tốt đẹp đến với nhân dân.
Các cơ sở là những điểm dân cư tập
trung sản xuất và sinh hoạt. Đó là những công trường, nông trường, xí nghiệp, hợp
tác xã, phường ấp, cơ quan, bệnh viện, trường học, cửa hàng, đường phố, các khu
tập thể.
Mỗi cơ sở cần có những điều kiện bảo đảm
để tổ chức đời sống văn hoá, đó là cơ sở vật chất gồm : nhà cửa, sân bãi, công
viên ; là cơ sở kỹ thuật gồm : các loại thiết bị văn hoá bảo đảm hoạt động văn
nghệ, truyền thanh, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, có cán bộ và nhân viên
phụ trách, có kinh phí để hoạt động. Để có những điều kiện trên thì giám đốc,
thủ trưởng cơ quan cùng công đoàn và đoàn thanh niên chịu trách nhiệm ; nếu không
thì không thể nói có đời sống văn hoá được. Đời sống văn hoá vừa thoả mãn nhu cầu
văn hoá tinh thần của nhân dân, vừa tạo nếp sống vui tươi lành mạnh vừa khích lệ
khả năng sáng tạo của nhân dân, góp phần nâng cao năng suất lao động, đẩy lùi có
hiệu quả một số hiện tượng tiêu cực.
Đi đôi với việc xây dựng đời sống văn
hoá ở cơ sở, phải từng bước xây dựng các mạng lưới, hình thành dần các hệ thống
những thiết chế văn hoá, trước hết là ở các trung tâm và địa bàn huyện, quận. Hệ
thống này vừa tạo điều kiện làm phong phú và nâng cao chất lượng các hoạt động
văn hoá ở cơ sở, vừa là những trung tâm hướng dẫn nghiệp vụ cho các hoạt động văn
hoá ở cơ sở. Đó là các thiết chế nhà văn hoá, thư viện, bảo tàng, công viên, sân
vận động, … Các loại này phải được quan tâm đồng thời cả ba mặt : cơ sở vật chất,
bộ máy tổ chức và phương thức hoạt động. Nó phải được thực hiện theo phương châm
“Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong xây dựng cũng như trong hoạt động, theo
kiểu “Sự nghiệp có doanh thu”.
III. Nâng cao chất lượng và thúc đẩy mọi hoạt
động văn nghệ chuyên nghiệp một cách mạnh mẽ về sáng tác, phổ biến và lý luận
phê bình để hình thành những thị hiếu và nhu cầu nghệ thuật ngày càng lành
mạnh, tốt đẹp trong nhân dân.
Đây là một công việc vừa rộng lớn vừa
lâu dài. Những hoạt động này đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống
tinh thần của xã hội. Ở đây chỉ xin đề cập đến vài ý kiến :
Trước hết cần quan niệm thế nào là chất
lượng cao của văn học nghệ thuật và quan niệm làm thế nào để có được chất lượng
đó.
Chất lượng cao cần phải được hiểu như
Nghị quyết Đại hội V nêu lên là tác phẩm hoặc hoạt động văn nghệ phải có sức hấp
dẫn mạnh, gây được những ấn tượng sâu sắc, hướng con người vào những suy nghĩ và
hành động đúng đắn. Như vậy cũng giống như quan niệm mà đồng chí Phạm Văn Đồng đã
phát biểu từ lâu : “Tác phẩm văn nghệ phải yêu cầu nội dung tư tưởng 100% và yêu
cầu nghệ thuật cũng phải 100%. Chất lượng không chỉ nằm trong đề tài và tư tưởng
của tác phẩm, mà phải nằm trong cả trình độ nghệ thuật của tác phẩm. Chất lượng
của văn nghệ tác động sâu sắc vào tư tưởng, tình cảm con người, nâng cao đạo đức
và tâm hồn con người ; nhưng không phải nó tác động “ngay lập tức” vào mọi yêu
cầu công tác hàng ngày mà thông thường nó biểu hiện những cái đẹp đẽ, cao cả,
thu hút con người hướng vào những điều cao cả đẹp đẽ theo một lý tưởng thẩm mỹ
cách mạng, mác-xít”. Vì vậy không thể có thái độ nôn nóng và thô bạo đối với yêu
cầu về chất lượng văn nghệ.
Muốn có chất lượng thực sự phải có được
sự hoạt động sôi nổi rộng rãi, phải có sự tìm tòi sáng tạo để có nhiều phong cách
và tài năng nghệ thuật khác nhau như Nghị quyết Đảng đã khuyến khích. Qua sự hoạt
động rộng rãi đó, mới xuất hiện nhiều tác phẩm, những tác phẩm đó được cuộc sống
chọn lọc và từ đó mới có những đỉnh cao. Thông thường mỗi thời đại, đỉnh cao văn
nghệ còn lại lâu dài với lịch sử không nhiều và nó phải là kết quả của nhiều công
phu lao động sáng tạo vất vả và lâu dài.
Chúng ta đang đứng trước tình hình là
chúng ta có thể có nhiều tài năng đặc biệt, nhưng chưa có điều kiện bộc lộ và
thực sự đã có những tài năng đã bộc lộ. Nhưng tôi vẫn nói “có thể” là vì có nhiều
người đã có tài năng được nhiều người công nhận, nhưng chưa được bảo vệ và giúp
đỡ phát triển và có nhiều người tự nhận là có tài năng nhưng chưa có gì chứng
minh được. Ta chỉ nói đến những tài năng thực sự, nhưng ta đang gặp mâu thuẫn là
những tài năng đó chưa được tổ chức để khai thác sử dụng, trong khi nhu cầu của
xã hội hết sức lớn và gay gắt. Nhà nước ta cần có thể chế để thực sự “trở thành
người bảo vệ và người đặt hàng cho văn nghệ sĩ” (theo như ý kiến của Lê-nin nói
với Cla-ra Dét-kin).
Nhất định chúng ta phải đề cao cảnh
giác với mọi thứ âm mưu của địch trong tình hình hiện nay và cần quan tâm đến một
số hoạt động văn nghệ khó kiểm soát, quan tâm đến sự tác động nhiều mặt của văn
nghệ ; nhưng chúng ta cũng rất cần xây dựng sớm những thể chế để điều khiển sự
phát triển văn nghệ có kế hoạch và có hiệu quả. Nhiệm vụ này phải được đặt
trong các kế hoạch phát triển kinh tế và văn hoá.
IV. Tập hợp đoàn kết thật tốt các lực lượng
hoạt động và sáng tạo văn hoá văn nghệ.
Điểm này liên quan mật thiết với điểm
trên, nhưng cần phải nêu lên một số ý kiến cho thật đúng tinh thần Nghị quyết của
Đảng và thật khách quan. Các lực lượng hoạt động văn hoá (bao gồm cả lĩnh vực
giáo dục, văn nghệ và khoa học) là một lực lượng xã hội có vai trò cực kỳ quan
trọng, có ý nghĩa thiết thực đối với sự phát triển kinh tế và nâng cao xã hội. Đó
là một lực lượng lao động mà tính chất lao động của nó có những đặc trưng phức
tạp và khó khăn mà không phải ai cũng làm được. Đó là thứ lao động đòi hỏi sự
tiêu phí năng lượng rất lớn, cả về thể chất và tinh thần bao gồm cả tài năng.
Thày giáo thì nói và đứng suốt buổi giảng, cặm cụi chấm bài, tham gia lao động
với học sinh, đồng thời cũng rất phải sáng tạo trong việc soạn lập giáo án. Nhà
điêu khắc trước khi tạo ra tác phẩm phải đục đẽo, nhào đất, nhào bột không kém
gì lao động của những người lao động chân tay. Nhà đạo diễn và quay phim, nhà sáng
tác văn học cũng phải mang vác nặng nhọc, lặn lội không kém những cuộc hành quân
của quân đội, v.v… Tuy họ là lực lượng sản xuất ra những giá trị tinh thần nhưng
thực tế họ đã phải lao động cả chân tay và trí óc, chưa kể đó còn là lao động của
tài năng. Đặc trưng lao động ấy là được Nghị quyết Đại hội Đảng ghi rõ : “Đảng
tin cậy và đánh giá cao” sự cống hiến của lực lượng này.
Tất nhiên trong cuộc đấu tranh phức tạp,
kẻ địch tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt, có trăm mưu nghìn kế hiểm
độc để phá hoại ta cả ở lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị, quân sự, ngoại
giao và văn hoá. Và kẻ địch tìm cách dựa vào một số phần tử xấu, tìm cách lung
lạc, chia rẽ để lôi kéo những người đương giao động trong các lực lượng của ta.
Chúng còn tiến hành các âm mưu đó ngay cả đối với các tổ chức của Đảng ta chứ
không chỉ riêng với một lực lượng nào. Chúng ta phải luôn luôn cảnh giác và có
những biện pháp đấu tranh, có luật pháp nghiêm khắc trừng trị mọi kẻ thù và bọn
tiếp tay cho kẻ thù. Nhưng trong tinh thần đánh giá chung của Đảng thì đội ngũ
các lực lượng của ta số đông là rất tốt, đã từ lâu trung thành với Tổ quốc và Cách
mạng. Điều đó ta có thể tự hào và cần tổ chức tốt các lực lượng của ta với những
chính sách thật đúng đắn để đội ngũ của ta càng lớn mạnh và cảm phục thu hút được
những người lầm lạc và giao động, thực hiện được sự đoàn kết rộng rãi các lực lượng
có lợi cho Cách mạng. Đó là cơ sở vững mạnh để đẩy lùi và đè bẹp các lực lượng
phản động, từ đó ta sẽ giành được những thắng lợi to lớn trên nhiều mặt, những
thắng lợi quyết định.
Nghị quyết Đại hội Đảng đã ghi rõ “Cuộc
đấu tranh nhằm xây dựng con người mới và nền văn hoá mới là cuộc đấu tranh lâu
dài, phức tạp và đầy khó khăn, nó không thể tách rời cuộc đấu tranh kiên quyết
liên tục và sâu sắc nhằm xoá bỏ tàn dư … không thể tách rời cuộc đấu tranh mạnh
mẽ, bền bỉ và triệt để chống chiến tranh tâm lý …” (Văn kiện Đại hội V, tập I,
tr.92).
Đảng đã nhấn mạnh tính chất phức tạp
và lâu dài của cuộc đấu tranh và chúng
ta phải hết sức khẩn trương đẩy mạnh cuộc đấu tranh đó để giành thắng lợi từng
phút, từng ngày và giành thắng lợi, không chỉ bằng quét sạch, xoá bỏ hay đẩy lùi,
mà chính là bằng xây dựng, cải tạo, bằng những thành tựu hàng ngày hàng giờ ở mọi
nơi, mọi lúc một cách kiên trì và đầy gian khổ.
Những công việc bền bỉ rộng lớn nói
trên cần sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và nhất định nó sẽ được thể hiện huy
hoàng bằng sự thay đổi dần dần bộ mặt sinh hoạt văn hoá của xã hội xã hội chủ
nghĩa.
Sự học tập kinh nghiệm và sự giúp đỡ
của các nước anh em, đứng đầu là Liên Xô, thành trì thực sự của Cách mạng thế
giới, là một hỗ trợ đặc biệt đối với chúng ta, song cũng có ý kiến “răn dạy” rằng
: “nên chú ý kinh nghiệm của các nước anh em là kinh nghiệm của các nước xã hội
chủ nghĩa phát triển, còn ta đang ở bước đi ban đầu của thời kỳ quá độ”. Phải
chăng đó là một ý định hẹp hòi, thiển cận ! Vậy tại sao ? Trong kinh nghiệm cách
mạng của Đảng ta, Đảng nắm vững phép duy vật biện chứng, luôn luôn dựa trên thực
tiễn của đất nước mình nên đã “trăm trận trăm thắng”. Không bao giờ bê nguyên
xi kinh nghiệm nước ngoài mà thắng lợi được. Cho nên :
- Về quân sự, ta không học tập kinh
nghiệm kỵ binh cưỡi ngựa múa gươm của Liên Xô năm 1920, mà lại học “binh chủng
hợp thành” không quân, tên lửa, điện tử “tự động hoá chỉ huy” là những vấn đề của
những năm 80. Tuy hiện nay, ta chưa có đủ cơ sở vật chất kỹ thuật để bảo đảm,
nhưng ta vẫn sử dụng phù hợp với hoàn cảnh bảo vệ Tổ quốc ta hiện nay.
- Về kinh tế ta phải tích cực vừa điện
khí hoá, cơ giới hoá, vừa phải đi vào những lĩnh vực mới nhất của hoá học và điện
tử, để đẩy nhanh sự phát triển của kinh tế nước ta.
- Về thông tin đại chúng, ta không chỉ
học việc xây dựng những tuyên truyền viên cầm loa tay, mà ta còn phải có tăng âm,
loa điện, ghi âm và nhất là xây dựng và sử dụng vô tuyến truyền hình, các máy
ghi hình băng từ.
- Về phương diện cách mạng xã hội, ta
không thể chỉ học tập “tinh thần cách mạng thế giới” và “tiêu diệt ku-lắc” mà
ta phải học cách cải tiến quản lý kinh tế, quản lý xã hội, học các khoa học xã
hội và khoa học nhân văn khác một cách sáng tạo.
Vậy thì về giáo
dục và văn hoá ta cũng không thể không quan tâm đến những kinh nghiệm mới nhất
của các nước anh em, không thể không quan tâm học tập thực sự những bài học
thành công và cả những bài học thất bại của các nước anh em trong những giai
đoạn trước của họ để áp dụng vào thực tiễn Việt Nam.
Cuộc đấu tranh của ta quả là khó khăn
phức tạp và lâu dài. Ta đang gặp nhiều khó khăn to lớn trong nhiệm vụ xây dựng đất
nước và bảo vệ Tổ quốc. Nhưng Đảng ta thực sự là một Đảng Mác-xít Lê-nin-nít, cách
mạng của ta đã trải qua nhiều bước đường còn khó khăn hơn và đã thắng lợi, dân
tộc ta là một dân tộc tuyệt vời, vừa anh hùng vừa thông minh, cho nên chúng ta
tin chắc : chủ nghĩa xã hội của ta nhất định thành công, nền văn hoá mới nhất định
sẽ thắng lợi.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét