Thứ Năm, 5 tháng 12, 2019

Mục đích của chủ nghĩa xã hội là vì hạnh phúc của nhân dân


Hạnh phúc của nhân dân, hạnh phúc của mỗi người không phải chỉ ở mỗi chỗ đầy đủ về vật chất. Tuy rằng nhu cầu vật chất là nhu cầu thiết yếu của con người. 


Nhân dân có được hạnh phúc, là được thoả mãn những nhu cầu ngày càng cao về vật chất, về văn hoá tinh thần và hơn nữa, được sống trong một lẽ sống tốt đẹp, đầy tình thương yêu, tôn trọng lẫn nhau, theo một nguyên lý đạo đức mới: “mọi người vì mỗi người, mỗi người vì mọi người”. Nhu cầu về vật chất của một con người cũng không thể chỉ được thoả mãn một cách thuần tuý vật chất. Nhu cầu vật chất cũng phải được thoả mãn theo bản tính của con người, thoả mãn trong mối quan hệ tôn trọng nhau, thương yêu nhau, trong trạng thái tinh thần tốt đẹp: công bằng, thoải mái, vui vẻ. Nhu cầu vật chất của con người cũng phải được thoả mãn một cách có văn hoá, trong một trình độ cao về tinh thần.
Hồ Chủ tịch đã nói điều cơ bản: “Chúng ta không sợ thiếu thốn, chỉ sợ không công bằng”.
Thật vậy, trong đời người không phải cứ giàu có, đầy đủ là hạnh phúc. Chưa giàu có cũng đã có thể có hạnh phúc. Trong truyền thống tinh thần của Việt Nam cũng có một câu có tính phương châm cuộc sống: “Đói cho sạch, rách cho thơm” - Điều đó vừa nói lên yêu cầu trọng danh dự trong cuộc sống, vừa nói lên ý nghĩa : có thể có một đời sống đẹp, trong khi mức sống còn thấp.
Hiện nay chúng ta cũng nhận thức được rõ ràng một chân lý: mức sống có thể chưa cao, vẫn có thể có một nếp sống tốt đẹp. Ngược lại, ở một nơi nào đó, mức sống có thể rất thừa thãi, nhưng con người vẫn sống trong một cuộc sống đau khổ, cùng cực, con người luôn luôn sống trong tình trạng nơm nớp lo âu hoặc chán chường bế tắc, không có những tiêu chuẩn đạo đức tinh thần nào, người và người luôn nghi ngờ nhau, thù hằn, giữ miếng nhau, cuộc sống mỗi người bị chi phối bởi trăm nghìn yếu tố bất thường và độc ác, không ai làm chủ được số phận của mình.
Không thể nào lấy mức sống thay cho nếp sống. Dĩ nhiên phải có mức sống mới sống được. Nhưng rõ ràng là ở một mức sống nào đó, đều có thể xây dựng được một nếp sống tốt đẹp tương ứng.
Chính vì những lẽ như trên, chúng ta lại có một ý kiến rất hay :
Tất cả mọi việc không phải nhất thiết đều chờ đợi ở sự phát triển kinh tế, đều phụ thuộc trực tiếp vào sự phát triển kinh tế. Ta cần và có thể xây dựng nền văn hoá mới ngay từ bây giờ, không chờ đợi đến lúc kinh tế phát triển cao.
Xây dựng nền văn hoá mới, làm cách mạng văn hoá và tư tưởng nhằm mục tiêu chủ yếu là xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Chúng ta cũng cần và có thể từng bước xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa ngay từ bây giờ, ngay từ khi con người mới lọt lòng và xây dựng con người mới ở mọi lứa tuổi.
Rõ ràng đối với cách mạng xã hội chủ nghĩa, con người và hạnh phúc con người là mục đích cụ thể và cao nhất, mọi chương trình hành động, mọi chủ trương chính sách, mọi tổ chức chế độ cần phải nhằm vào mục đích đó.
Muốn có chủ nghĩa xã hội, phải có cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Nhưng những cơ sở vật chất - kỹ thuật xã hội chủ nghĩa cũng phải nhằm một mục đích cao quý là bảo đảm và nâng cao cuộc sống cho nhân dân, cho con người.
Xây dng chủ nghĩa xã hội, không thể hiểu là chỉ xây dựng cơ sở vật chất mà phải được hiểu là xây dựng con người.
Vì vậy, mọi kế hoạch xây dựng phải là kế hoạch xây dựng kinh tế và phát triển văn hoá. Đúng như Di chúc của Bác Hồ kính yêu đã nói.
Trong điều kiện nước ta, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, toàn Đảng, toàn dân, cả bộ máy Nhà nước ta phải tập trung nỗ lực cao nhất vào việc vượt qua những khó khăn của nghèo khổ về vật chất và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Nhưng không thể vì thế, ta lại bó hẹp quan niệm xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ là xây dựng kinh tế, đẩy mạnh sản xuất và cũng chỉ là kinh tế và sản xuất vật chất. Một xã hội, bất cứ ở một trình độ nào, cũng có sự sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần. Phải quan tâm và có kế hoạch tạo những điều kiện cho đời sống tinh thần, sự hoạt động tinh thần của nhân dân ngày càng đổi mới, phong phú và được nâng cao, nghĩa là xây dựng xã hội về mặt văn hoá, một nền văn hoá mới xã hội chủ nghĩa.
Làm chủ tập thể là hạnh phúc cao nhất
Làm chủ tập thể là một nguyên lý, là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Mỗi con người không thể tách rời tập thể, tách rời xã hội, phải bị chi phối bởi mọi mối quan hệ với tập thể, với xã hội.
Trong các chế độ xã hội cũ cũng thế. Nhưng lúc đó, xã hội nói chung lại bị một nhóm người bóc lột “làm chủ” nắm giữ mọi then chốt, chi phối tất cả. Mỗi người, đặc biệt là nhân dân lao động đều có một số phận do những lực lượng bóc lột nắm giữ, nhào nặn, giày vò. Mỗi con người nhân dân lao động không thể làm chủ được số phận của mình, muốn tìm đường giải thoát, lại gửi số phận mình cho những lực lượng thần bí. Con người lao động chỉ có mỗi một khả năng, một con đường : đau khổ, bất hạnh, làm công cụ cho kẻ khác.
Làm chủ tập thể nghĩa là mỗi con người có điều kiện để làm chủ bản thân mình, góp phần làm chủ cả xã hội, làm chủ thiên nhiên. Trong quan hệ giữa con người và xã hội, con người vẫn bị chi phối bởi những mối quan hệ ràng buộc với tập thể. Nhưng đó là cái xã hội và tập thể mà mỗi con người có quyền, có tư cách tham gia làm chủ. Con người không phải chỉ có phó mặc số phận mình cho các lực lượng và của mối quan hệ ngoài mình không được biết đến.
Vì vậy, thật sự làm chủ tập thể là hạnh phúc cao nhất của con người vì có làm chủ tập thể, con người mới có đầy đủ điều kiện làm chủ cuộc sống bản thân, làm chủ số phận của mình, góp phần xây dựng xã hội ngày càng giàu đẹp và được phát triển toàn diện, hài hoà cả về thể lực và tinh thần, nâng cao năng lực mọi mặt của bản thân để lại làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên. Làm chủ tập thể không những chỉ là hạnh phúc mà còn là vẻ đẹp cao nhất của một xã hội, một con người.
Tất nhiên trong điều kiện hiện nay, trong cuộc sống hàng ngày, mỗi con người còn gặp bao nhiêu điều bất hạnh. Từ những bất hạnh ở chỗ không đủ điều kiện tối thiểu để bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần hàng ngày, đến những bất hạnh cao hơn : không làm chủ được số phận mình, không có điều kiện để thực hiện ước mơ, hoài bão phát triển của mình. Trong cuộc sống hàng ngày, lo ăn, lo mặc, lo ốm đau, lo cho cha mẹ, con cái, lo chỗ ở. Để gạt được những điều lo âu đó, cũng thường xuyên gặp điều bất hạnh : những kẻ làm ăn phi pháp, vô lương tâm xâm phạm đến từng chút điều kiện vật chất sống hàng ngày gây những khó khăn phiền hà, v.v… và v.v…
Trước mắt, trong nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, ta phải hàng ngày loại bỏ bao nhiêu điều bất hạnh ấy cho từng con người, cho cả xã hội.
Hạnh phúc của nhân dân 
Phải nói rằng mục đích cao nhất của Đảng ta và chế độ là mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Đảng ta lo cho nhân dân ăn, mặc, ăn thế nào, mặc ra sao ? học hành, chữa bệnh, đi lại, nâng cao kiến thức, nâng cao tình cảm, mỗi người đều sống tốt đẹp thân ái và được phát triển mọi khả năng sáng tạo của mình.
Muốn như vậy, có những việc ta phải tính toán lâu dài hàng nhiều chục năm, có những việc bắt đầu từ bây giờ, nhưng năm bảy năm hoặc chục năm sau mới có hiệu quả, mới có tác động rõ đến đời sống nhân dân. Nhưng có rất nhiều việc ta phải làm ngay, làm hàng ngày để mang đến từng niềm tin nho nhỏ cho mỗi người, để loại trừ mọi thứ bất hạnh nho nhỏ hàng ngày.
Xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân, không phải chỉ xây dựng những công trình đồ sộ vĩnh cửu nhằm những mục tiêu lâu dài. Ai cũng hiểu đó là điều rất quan trọng. Nhưng cũng không kém quan trọng là toàn bộ kế hoạch hoạt động hàng ngày để tổ chức cuộc sống của nhân dân vừa nhằm những mục tiêu ngắn hạn và vừa phải giải đáp nhu cầu hàng ngày. Tuy nhiên công trình đồ sộ và vĩnh cửu nhất là trồng Người và công trình ngắn hạn hàng ngày nhất cũng là trồng Người (chữ của Bác Hồ).
Các cấp lãnh đạo của Đảng, các tổ chức của Đảng, các tổ chức Nhà nước phải lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu và tôn chỉ trong hoạt động của mình.
Trách nhiệm cao nhất là ở các cấp uỷ của Đảng, các cấp chính quyền trong đó có các cơ quan kế hoạch. Trong bộ máy có các cơ quan chuyên môn, chuyên ngành (các Bộ, các Sở, Ty) nhưng các cơ quan này không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình nếu các cấp uỷ và chính quyền, cơ quan kế hoạch không quán triệt mục đích của chủ nghĩa xã hội, không cảm thấy yêu cầu nóng bỏng, cấp thiết : vì hạnh phúc của nhân dân.
Trong hoạt động của các cấp này không phải chỉ có vấn đề quan tâm hay không quan tâm, quan tâm nhiều hay quan tâm ít, nhiều thiện chí hay ít thiện chí. Điều đó nó cứ phảng phất một tinh thần “ban ơn cửa quyền”. Vấn đề là có nhận thức rõ hay không nhận thức rõ. Có trách nhiệm hay không có trách nhiệm. Nếu có sự sâu sắc và bức thiết vì “Hạnh phúc của nhân dân” trong nhận thức tư tưởng và tình cảm thì sẽ thấy một số việc không có, không được.
Tại sao một cấp chính quyền còn thấy rõ không có trụ sở không được, không có hội trường để họp không được, lại không thấy không có rạp chiếu bóng, không có nhà văn hoá và công viên cho nhân dân cũng là không được ? Không xây được mới thì sao không điều chỉnh những cơ sở sẵn có. Tại sao những cơ quan kinh tế, ngân hàng vẫn có điều kiện có cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, mà những cơ quan văn hoá lại không có. Thậm chí có cấp còn thấy những cơ sở vật chất của văn hoá chưa cần thiết mà điều chỉnh cho các cơ quan hoạt động kinh tế một cách dễ dàng. Chúng ta thấy không có gạo, không có vải là điều không thể được. Vậy chúng ta cũng phải thấy không có sản phẩm tinh thần (sản phẩm văn học nghệ thuật) cũng không được. Và nếu như vậy thì trong kế hoạch, trong ngân sách, phần bảo đảm sự sản xuất (sáng tạo) những giá trị tinh thần, bảo đảm sự hoạt động tinh thần của nhân dân lại thường được ít coi trọng đến như vậy. Muốn sản xuất một sản phẩm vật chất phải có phương án kinh tế - kỹ thuật, vậy muốn sản xuất một sản phẩm tinh thần lại không cần có phương án kinh tế - kỹ thuật tinh thần hay sao ? Tại sao các cấp kế hoạch chưa thể hiểu điều đó để xây dựng hệ thống chỉ tiêu cho kế hoạch sản xuất và phân phối, lưu thông các giá trị tinh thần.
Trong đời sống văn hoá, ngoài việc tạo điều kiện và xây dựng những sản phẩm, phân phối, lưu thông những sản phẩm đó còn có đấu tranh chống những sản phẩm và sự lưu thông những sản phẩm phản động, đồi truỵ. Muốn làm được việc này phải có hoạt động của toàn bộ bộ máy chuyên chính dưới sự lãnh đạo thống nhất của cấp uỷ Đảng. Vậy ý thức này phải từ đâu ? Trước hết phải từ cấp uỷ. Cấp uỷ phải là người đứng ra tổ chức và tiến hành các cuộc đấu tranh đó. Cơ quan chuyên môn chỉ có thể là cơ quan giúp việc, là tham mưu mà thôi.
Một đồng chí Bí thư nổi tiếng sâu sát thường là đồng chí thăm hỏi thường xuyên các cấp sản xuất vật chất (xí nghiệp, hợp tác xã, nông trường). Nhưng còn đồng chí Bí thư biết rõ các trường đại học, các cấp nghiên cứu, liên hệ chặt chẽ với các đơn vị nghệ thuật và các lực lượng sáng tác thì cũng phải là một đồng chí Bí thư sâu sát và giỏi giang chứ ?
Đảng là trí tuệ của nhân dân, của giai cấp, Đảng phải nâng cao trí tuệ của mình cho kịp với nhiệm vụ cách mạng. Lắng nghe ý kiến quần chúng không phải chỉ là nghe những người lao động trực tiếp sản xuất vật chất, mà còn phải biết nghe ý kiến của lao động trí óc trong lĩnh vực sản xuất các giá trị tinh thần. Phải biết biểu dương những sáng kiến trong sản xuất vật chất. Dân tộc ta tự hào là một dân tộc văn hiến. Đảng ta đã chăm lo văn hiến, tôn trọng hiền tài, yêu quý các giá trị tinh thần. Ta phải có kế hoạch phát triển văn hiến của ta, nhất là trong lúc này. Mỗi giá trị tinh thần đều phải được tồn tại và được thể hiện ở một vật thể vật chất hoặc ở những con người tài năng cụ thể. Phải có kế hoạch sản xuất vật chất để bảo đảm sự sáng tạo các giá trị tinh thần. Không chỉ lấy tinh thần để sản xuất tinh thần.
Con người mới và hạnh phúc con người
Bàn về mục đích và bản chất của chủ nghĩa xã hội, ta cần xem việc “xây dựng con người mới” và việc “đem lại hạnh phúc cho con người” trong ý nghĩa đồng nhất.
Thật vậy, xây dựng con người mới là làm cho con người có điều kiện, có phương hướng phát triển toàn diện và hài hoà, là tạo ra con người hàng ngày càng khoẻ mạnh, đẹp đẽ về thể lực, có tư tưởng đúng, đạo đức cao cả, tình cảm và nhân cách tốt đẹp, sống một cuộc sống hài hoà giữa đời sống riêng và đời sống tập thể, có khả năng làm chủ bản thân, xã hội và thiên nhiên, có khả năng hưởng thụ và sáng tạo những giá trị tinh thần, ngày càng vươn lên cái đẹp. Cần khắc phục các quan niệm thiển cận và duy tâm về việc xây dựng con người mới, coi việc đó chỉ là việc xây dựng ra một số tiêu chuẩn tinh thần đạo đức, rồi lấy đó làm mục tiêu “tu dưỡng rèn luyện” của mỗi người, lấy đó làm chuẩn mực để xem xét mọi hành vi con người một cách đồng loạt, không tính gì đến sự phát triển của nhân cách và cá tính. Không nên hiểu xây dựng con người mới là chỉ có các công cuộc giáo dục, rèn luyện, đòi hỏi, áp đặt, v.v…
Cần phải thấy đem lại hạnh phúc cho con người trong cuộc sống hàng ngày, tạo cho con người những niềm vui trong sáng trong lao động và trong sản xuất, chính là nâng cao nhân cách con người mới. Làm cho con người cảm thấy được sống giữa tình thương, giữa sự chăm lo săn sóc của tập thể, của xã hội, làm cho mỗi người có trách nhiệm đầy đủ với xã hội, với Tổ quốc, với mọi người cũng là nâng cao tình cảm, tâm hồn con người, xây dựng con người mới.
Có hạnh phúc nào lớn bằng, có niềm vui nào sâu sắc bằng được sống giữa tình thương của mọi người, giữa sự thông cảm của mọi người. Trong lịch sử loài người đã có biết bao nhiêu câu chuyện cảm động và tình nghĩa tri kỷ giữa những con người – nhưng trước đây chỉ là giữa những con người riêng biệt lẻ tẻ. Ngày nay phải là sự tri kỷ của xã hội, tri kỷ giữa tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước với mỗi người dân, giữa mỗi người với nhau bất cứ ở đâu, trong cơ quan hay công xưởng, trường học, ruộng đồng. Như vậy nghĩa là cơ quan lãnh đạo, cơ quan Nhà nước phải hiểu thấu đáo, sâu sắc và chính xác những nhu cầu của nhân dân, những nhu cầu vật chất, những nhu cầu văn hoá. Phải đặt kế hoạch sao để có thể trong lúc đời sống hết sức còn thiếu thốn, nhưng lại thoả mãn được các khía cạnh nhu cầu kinh tế của con người. Tục ngữ ta có câu : “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Trong lúc khó khăn, mỗi người chỉ cần được “miếng nhỏ” đúng với nhu cầu, thì miếng nhỏ đó có giá trị bằng hoặc hơn cả một gói lớn khi mà người ta không cần lắm. Đó cũng là một điều có ý nghĩa thật khoa học.
Trong việc tổ chức đời sống, ta phải quan tâm đến mọi khía cạnh của nhu cầu con người, phải giải quyết vấn đề nhu cầu con người một cách có văn hoá, chứ không phải chỉ có việc tạo ra một số lượng vật chất mà cho là đủ. Quan tâm đến các nhu cầu, lại phải tạo ra và hình thành các nhu cầu lành mạnh, tốt đẹp. Khi con người có được các nhu cầu lành mạnh, tốt đẹp thì tức là nhân cách và tâm hồn con người đã được nâng cao. Quá trình thoả mãn các nhu cầu ấy là quá trình nâng cao các nhu cầu ấy và đồng thời nâng cao khả năng, trình độ của con người.
Phải có sự tổ chức đời sống chung của xã hội, của từng tập thể. Phải hướng dẫn sự tổ chức cuộc sống cho từng gia đình, từng cá nhân, bảo đảm được những nguyên tắc chung và phát huy sự phong phú, đa dạng của cuộc sống, phát huy mọi cá tính tốt đẹp. Muốn thế phải có kế hoạch sản xuất vật chất cho có văn hoá và sản xuất những vật chất cần thiết cho sự sản xuất tinh thần.
Điều này hết sức rõ rệt trong đời sống văn hoá, trong việc thoả mãn các nhu cầu văn hoá tinh thần. Đời sống văn hoá lại có liên quan đến toàn bộ thế giới tinh thần của con người mà việc nâng cao thế giới tinh thần con người lại có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.
Một kế hoạch phát triển kinh tế và văn hoá, tức là kế hoạch xây dựng và tổ chức đời sống cho nhân dân, nếu không quán triệt được đầy đủ ý nghĩa vì hạnh phúc nhân dân, vì sự nghiệp xây dựng con người mới – mà quan trọng là quan tâm tới việc tạo ra những điều kiện vật chất và tổ chức để nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thì chưa thể coi là một kế hoạch có đầy đủ tính chất xã hội chủ nghĩa.
Trách nhiệm của sự nghiệp sáng tạo
Đến đây cũng phải bàn thêm về trách nhiệm những người làm công tác văn hoá (tinh thần), nhất là những người sáng tạo văn học, nghệ thuật.
Mục đích của chủ nghĩa xã hội đã hết sức rõ ràng sáng sủa, những điều kiện cơ bản và phương hướng để ta xây dựng chủ nghĩa xã hội của ta cũng đã rõ ràng. Nhưng chúng ta đang bắt tay vào sự nghiệp lớn lao này trong những đặc điểm hết sức phức tạp của đất nước, trong những khó khăn hết sức to lớn và gay gắt, trong đó có cả những sai lầm, khuyết điểm do ta còn thiếu kinh nghiệm, cho nên chúng ta đi trên con đường cực kỳ gian khổ và phức tạp.
Tình hình này tất yếu đẻ ra sự thiếu thốn, khó khăn cho các hoạt động sáng tạo tinh thần ; nó cũng đẻ ra hiện tượng tưởng chừng như không hợp lý, bất công đối với các hoạt động sáng tạo tinh thần. Nếu không có một cách nhìn toàn diện vào sự vật ta cũng có thể thấy được việc gì hình như cũng bất hợp lý. Tục ngữ ta có câu : “cái khó bó cái khôn”. Vì có những việc ta biết rằng cần làm, mà ta chưa thể làm được, hoặc đặt ra làm, mà rồi nó gặp nhiều khó khăn đến nỗi không thể làm xong.
Nhưng có lẽ điều có ý nghĩa quan trọng hơn là tình hình trên tác động đến trạng thái tinh thần của người hoạt động sáng tạo như giảm và mất hào hứng sáng tạo, mất phương hướng sáng tạo ; đó là điều nguy hiểm nhất.
Phải nói thật là có một tình hình chung là những người sáng tạo đang trăn trở, day dứt với trách nhiệm của mình trước thời cuộc, đang chiến đấu một cách hết sức dũng cảm trong các điều kiện khó khăn để vươn tới những sáng tạo có ý nghĩa lớn lao đối với cuộc sống. Mỗi người đều ôm ấp những hoài bão trong sáng, đều cháy bỏng một nhiệt tình với đất nước, với nhân dân, thật sự muốn vì hạnh phúc của nhân dân, mang lại cho đời một niềm vui sáng tạo, đẹp đẽ và cao cả. Những điều quý giá đó vốn là bản chất và truyền thống của đội ngũ trí thức văn nghệ của ta.
Nhưng bên cạnh tình hình chung đó, ta thấy không ít một số tâm trạng bức bối và bối rối trong sáng tạo. Bức bối vì cảm thấy thiếu nhiều điều kiện để hoạt động sáng tạo ; bối rối vì không biết sáng tạo thế nào cho hay, cho đẹp. Có người cho rằng nguyên nhân của tình hình này là ở chỗ thiếu điều kiện cả về tinh thần, vật chất, thiếu sự hiểu biết thông cảm về điều kiện sáng tạo. Điều đó có thể có ở một số trường hợp cụ thể, nhưng không thể là nguyên nhân chung và là nguyên nhân chủ yếu được.
Trong Hội nghị về công tác tư tưởng, đồng chí Lê Đức Thọ nói : “Nguyên nhân chủ yếu của mọi thứ công thức sơ lược v.v… trong văn học, nghệ thuật không thể tìm đâu ngoài sự thiếu hiểu biết về cuộc sống, thiếu gắn liền với nhiệm vụ chính trị, thiếu sự rèn luyện, thiếu hiểu biết sâu sắc về nghề nghiệp, về đặc trưng đặc điểm của hoạt động văn học, nghệ thuật, không dám đi vào những vấn đề gay cấn nhất, cấp thiết nhất của cuộc sống với tất cả trách nhiệm của người cộng sản để đóng góp phần tích cực nhất vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng bằng văn học, nghệ thuật”.
Chúng ta có thể thấy, đó không chỉ là nguyên nhân của những khuyết điểm trong tác phẩm mà còn là nguyên nhân của tâm trạng bối rối nữa.
Thiếu hiểu biết cuộc sống và thiếu tinh thần trách nhiệm nghĩa là những người hoạt động sáng tạo không nhận thức đầy đủ hiện thực cách mạng hiện nay với tất cả tính tất yếu lịch sử của nó. Không nhận thức được hiện thực đó với tinh thần trách nhiệm công dân và đảng viên của mình, đặc biệt với tinh thần trách nhiệm của sự sáng tạo. Có người chỉ biết kêu rên về những khó khăn, những thiếu sót, những tiêu cực, cao đạo nhận xét trách nhiệm của tất cả mọi người khác, còn không thấy phần trách nhiệm của mình. Có người không thấy tính đấu tranh quyết liệt trong cuộc sống hiện nay, không thấy vị trí chiến đấu của mình, cứ mơ hồ mong đợi phép lạ để thay đổi cơ bản tình hình. Nhìn hiện thực không thấy được bản chất, không thấy được phương hướng, tinh thần chiến đấu cách mạng và lòng tin vào sự nghiệp bị tổn thương.
Có người rơi vào tình trạng ham sáng tạo nhưng chỉ cần sáng tạo cho mình, thoả mãn thị hiếu của mình và thị hiếu số ít người “hiểu mình” hoặc nhằm đáp ứng một yêu cầu “thu nhập” mà mất hết trách nhiệm “vì hạnh phúc của nhân dân” một cách thật sự. Có người muốn không cần trăn trở, day dứt cân nhắc khi sáng tạo, bất chấp sự cần hay không cần của nhiệm vụ, của công chúng, không tính đến sản phẩm của mình đem đến được công chúng niềm vui, lợi ích gì. Như vậy thì tinh thần trách nhiệm nghĩ đến hạnh phúc và niềm vui của nhân dân thế nào ?
Trách nhiệm của người hoạt động sáng tạo trước hết phải biểu hiện ở chỗ nhận thức hiện thực cách mạng một cách có trách nhiệm, thấy rõ được mình chịu trách nhiệm gì trước nhiệm vụ cách mạng. Đồng thời, cần biểu hiện ở ý thức “vì hạnh phúc của nhân dân”, đem lại điều gì cho đời sống tinh thần của nhân dân, đem lại niềm vui gì, niềm vui ấy có nâng cao được tình cảm, tư tưởng, tinh thần đạo đức của công chúng hay không ?
Chúng ta phải hết sức đề phòng và khắc phục tình trạng vô trách nhiệm trước tình hình đất nước và cách mạng, tách rời khỏi nhiệm vụ cách mạng, chỉ muốn được “tự do” sáng tạo theo kiểu hư vô, theo kiểu “sáng tạo để sáng tạo”, “nghệ thuật vị nghệ thuật”, hoặc đem hoạt động sáng tạo nghệ thuật gắn với các công tác cụ thể hàng ngày một cách dễ dàng lười biếng, đẻ ra những sản phẩm sơ lược công thức.
Chúng ta phải hết sức tỉnh táo và kiên quyết chống lại mọi “hoạt động văn hoá” nhằm đầu độc tư tưởng và tình cảm nhân dân, gieo rắc sự hoài nghi chán nản, thu hút tinh thần mọi người vào những lợi ích tầm thường, phàm tục, thoả mãn những bản năng thú vật ! Chúng ta phải kiên quyết ngăn ngừa và xoá bỏ các loại “văn hoá’ chống chủ nghĩa xã hội, chống Tổ quốc, chống hoà bình, chống nhân dân.
Nhiệm vụ hoạt động văn hoá, các loại hoạt động sáng tạo nghệ thuật của ta nhất thiết phải “vì hạnh phúc của nhân dân”, đem lại cho nhân dân những món ăn tinh thần bổ ích nhằm tạo niềm vui và niềm tin của mọi người trong cuộc sống, làm cho mọi người biết yêu, ghét rõ ràng, tin tưởng sâu sắc ở sự nghiệp và tương lai cách mạng, đem lại cho mọi người niềm hứng khởi cách mạng trong lao động và trong cuộc sống.
Làm được như vậy, các hoạt động văn hoá và hoạt động nghệ thuật thật sự phấn đấu cho hạnh phúc của nhân dân, thiết thực xây dựng chủ nghĩa xã hội từng bước tiến lên.
Vì hạnh phúc của nhân dân, vì chủ nghĩa xã hội, chúng ta nỗ lực, phấn đấu vươn lên.

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012)  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét