Thứ Tư, 5 tháng 2, 2020

Một vấn đề trong quá trình tiến lên của văn hoá


Đường lối văn hoá của Đảng ta là một đường lối hoàn chỉnh có đầy đủ tính khoa học và tính cách mạng. Nó phản ánh đúng những quy luật phát triển của văn hoá. 


Văn hoá phát triển bao giờ cũng là một sự nối tiếp liên tục, kế thừa văn hoá quá khứ của dân tộc và bao giờ cũng phát triển trong sự quan hệ với các nền văn hoá của các dân tộc khác. Nhưng Đảng ta không chỉ nói kế thừa một cách chung chung đơn giản, mà kế thừa phải là kết tinh và nâng lên một tầm cao mới những gì tốt đẹp nhất trong truyền thống Việt Nam. Đảng ta cũng không chỉ nói tiếp thu một cách đơn giản mà hấp thu có chọn lọc những thành quả của văn minh loài người, những thành tựu văn hoá và khoa học hiện đại.
Chung quanh vấn đề tiếp thu, có một loạt vấn đề cần lý giải và nhận thức thống nhất để chỉ đạo các hoạt động cụ thể, có thể nêu lên các vấn đề sau:
- Thế nào là thành quả văn minh loài người, đó là những cái gì? Những giá trị gì? Nó ở đâu?
- Thế nào là thành tựu văn hoá và khoa học hiện đại?
- Thế nào là tiếp thu có chọn lọc?
Trong tình hình thực tế hiện nay, trên lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật của nước ta, có rất nhiều yếu tố của thế giới và đã trở thành những yếu tố văn hoá của Việt Nam. Một yếu tố quan trọng nhất của văn hoá là ngôn ngữ và văn học. Chúng ta đã có chữ viết la tinh hoá, mà chữ viết la tinh hoá thì được rất nhiều nước trên thế giới sử dụng, nhờ có chữ viết như vậy, ta thực hiện việc học chữ cho nhân dân một cách hết sức nhanh chóng và dễ dàng, làm cho người biết chữ Việt Nam thuận lợi tiếp xúc các thứ ngôn ngữ có chữ viết la tinh và cũng giới thiệu văn học của ta với thế giới một cách rộng rãi. Chữ viết Việt Nam bây giờ được công nhận dứt khoát là chữ quốc ngữ, không ai có chút ấn tượng gì rằng ta vay mượn nước ngoài.
Trong nhiều hiện tượng văn học nghệ thuật, nhân dân ta đã tiếp xúc và sử dụng rất nhiều giá trị của thế giới. Về văn học, tuyệt đại bộ phận những người biết chữ đều không xa lạ gì với những nhà văn nổi tiếng của thế giới và các tác phẩm của họ. Về âm nhạc, nhân dân ta quen biết với các nhạc cụ thế giới như piano, violon, accorđêon, các loại kèn; và một số người (hạn chế hơn) đã biết thưởng thức những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của thế giới. Nhiều người học và sử dụng các nhạc cụ thế giới một cách tự nhiên không thấy lạ lùng bỡ ngỡ, dễ quen hơn cả việc học tiếng nước ngoài. Về mỹ thuật, các loại hình đồ hoạ và hội hoạ sơn dầu cũng đã trở thành “của Việt Nam” và có những tác phẩm sơn dầu Việt Nam, những tác giả sơn dầu Việt Nam.
Rõ nét nhất là nghệ thuật điện ảnh và sân khấu kịch nói. Ngày nay, ta không thể tưởng tượng được là trong đời sống văn hoá của ta lại không có điện ảnh và kịch nói, cũng không thể tưởng tượng được là trên màn ảnh của ta thiếu những phim của các nước trên thế giới.
Một nền văn hoá mới của Việt Nam không thể không có tất cả những thứ đó. Một con người mới xã hội chủ nghĩa Việt Nam không thể không được tích luỹ tất cả những giá trị văn hoá đó.
Tình hình đấu tranh tư tưởng, văn hoá của ta đang diễn ra hết sức quyết liệt và phức tạp. Chúng ta phải tiến hành xây dựng được nền văn hoá mới của chúng ta đồng thời trên cả ba mặt:
a) Kết tinh và nâng lên một tầm cao mới những truyền thống tốt đẹp của 4000 năm lịch sử.
b) Hấp thụ có chọn lọc những tinh hoa của văn minh loài người, những thành tựu văn hoá và khoa học hiện đại.
c) Đấu tranh triệt để và bền bỉ, xoá bỏ mọi tàn dư của văn hoá thực dân mới, chống lại mọi âm mưu văn hoá thâm độc.
Ba mặt trận trên có liên quan biện chứng với nhau và cùng nhằm vào mục tiêu thống nhất. Thế nhưng ba mặt ấy cũng có những điểm mâu thuẫn trái ngược nhau. Nghị quyết Đại hội V chỉ rõ: “Cuộc đấu tranh giữa hai con đường: giữa cái mới và cái cũ, tiên tiến với lạc hậu, tiến bộ với phản động trên lĩnh vực văn hoá, tư tưởng, lối sống đang diễn ra hàng ngày rất phức tạp mà chúng ta không thể xem nhẹ” (Văn kiện Đại hội V, tập I, tr.91, 92).
Các mặt đấu tranh xen kẽ nhau rất phức tạp. Chẳng hạn cái mới và cái cũ thì còn phải phân biệt cái “mới tiến bộ” và có cái “mới phản động”. Và khi nói cái cũ cũng vậy, cần phân biệt cái cũ tinh hoa và cái cũ lạc hậu, trì trệ.
Trong mặt thứ nhất (điểm a) : Khi ta nói đến tính dân tộc, giữ gìn và kế thừa truyền thống dân tộc, có người lại chú ý đến tinh thần “kết tinh và nâng lên một tầm cao mới”. Muốn “kết tinh” được, phải hiểu và nắm chắc trong truyền thống cổ truyền của ta, cái gì là tinh hoa, là tiến bộ và cái gì là cái tinh tuý vốn có, và nó đã biến động qua các thời kỳ lịch sử theo hướng tích cực hoặc tiêu cực (bị phai nhạt, biến chất đi) như thế nào. Có thế ta mới thực hiện được “sự kết tinh và nâng lên một tầm cao mới”. Nếu không ta dễ rơi vào phục cổ, hoài cổ, sùng cổ, một cách bảo thủ, rơi vào tư tưởng tự mãn dân tộc, dân tộc hẹp hòi. Trong đời sống hàng ngày, ta vẫn thường gặp những người than thở, so sánh “xưa và nay” và hầu như đều cảm thấy mọi cái “xưa” của dân tộc ta đều hay và cái “nay” đều dở và biểu thị một nỗi lo sợ là hình như ta dần dần mất gốc. Thực ra, đúng là trong cuộc sống hiện nay, một số mặt đạo đức, văn hoá ở một số lĩnh vực có tình hình sa sút so với những thời điểm lịch sử mà cái hay cái đẹp được phát huy cao độ, có tình hình thoái hoá ở một số loại người. Nhưng như vậy không có nghĩa là xã hội ta đi xuống. Mà phải khẳng định xã hội ta vẫn đi lên, đi lên trong sự đấu tranh quyết liệt và phức tạp ở khắp mọi lĩnh vực.
Trong mặt thứ hai và thứ ba (điểm b và c) thì tình hình lại còn rắc rối hơn. Trong khi ta cần tiếp thu có chọn lọc thành quả văn minh của loài người, ta gặp một loạt khái niệm gắn liền với các giá trị văn hoá như “nước ngoài”, “phương tây”, “thế giới”, “lai căng”. Trong khi chúng ta cần tiếp thu những thành tựu văn hoá, khoa học hiện đại, chúng ta cũng gặp những trào lưu khác nhau của “chủ nghĩa hiện đại”, gặp phải tâm lý “chạy theo thời đại”, “theo mốt” một cách lệch lạc. Về mặt văn hoá, cần quan niệm cái chung và cái riêng cho rõ ràng. Có những giá trị tinh thần có tính chung cả loài người phù hợp với mọi dân tộc, có những giá trị tinh thần khác nhau phù hợp với từng dân tộc khác nhau, đó là tính riêng. Nhưng phần lớn những giá trị tinh thần của dân tộc khác nhau mà có ý nghĩa cao cả, cũng dễ phù hợp với các dân tộc khác và những giá trị chung của loài người cũng tồn tại trong các dân tộc với tâm lý và điều kiện sống của các dân tộc khác nhau, khó mà phân tích có những giá trị nào thuần tuý dân tộc của một dân tộc nào đó, phân biệt dứt khoát với những cái gì không phải của dân tộc ấy.
Các giá trị văn hoá mà loài người có được đến ngày hôm nay là do sự tích luỹ của loài người suốt trong lịch sử hàng vạn năm, trong đó nhiều giá trị văn hoá đã nảy sinh ra dưới chế độ chính trị phản động. Có cả những giá trị văn hoá có ý nghĩa chống lại các chế độ chính trị phản động, lại cũng có cả những giá trị văn hoá mà giai cấp thống trị phản động sử dụng một cách triệt để chống lại nhân dân, nhưng nó cũng vẫn là những giá trị văn hoá cần thiết cho nhân dân lao động đã làm chủ xã hội.
Những ý niệm trung thực, chính trực, khảng khái, hào hiệp, nghĩa khí, nhân ái, liêm khiết, … nảy sinh ra trong chế độ phong kiến và được giai cấp phong kiến thống trị lợi dụng triệt để để duy trì và củng cố quyền thống trị của chúng.
Ngày nay, nhân dân lao động đã nắm chính quyền không thể nào lại chỉ đi tìm những ý niệm ngược lại những ý niệm trên, trái lại ta phải kết tinh nó và nâng lên tầm cao mới, trong lúc ta phải “quét sạch mọi tàn dư tư tưởng phản động” của phong kiến. Chính trên cơ sở đó, Bác Hồ đã đề ra những yêu cầu đạo đức mới của ta là : “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Đó là một sự kết tinh và nâng cao. Đó là một sự chọn lọc tài tình.
Những ý niệm bình đẳng, tự do dân chủ, bác ái, nhân đạo, danh dự, nhân cách, cá tính, nhân tính cũng được sản sinh ra trong khi giai cấp tư sản thúc đẩy lịch sử tiến lên, đập tan chế độ phong kiến và là những giá trị văn hoá tiến bộ trong một giai đoạn của lịch sử. Ngày nay xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, cần phải xoá bỏ và chống lại mọi tư tưởng tư sản, ta không thể bác bỏ những ý niệm ngược lại. Ta phải phân tích chọn lọc, gạt bỏ những yếu tố lừa bịp, phản động trong những ý niệm đó và đem lại cho nó một nội dung tiến bộ chân chính.
Trong khi ta cần tiếp thu những giá trị văn hoá của loài người, ta không thể cứ thấy cái gì không phải của dân tộc ta là “của nước ngoài”, “của phương tây”, rồi nếu không bài bác, gạt bỏ thì cũng nghi ngại, chập chờn vì sợ mất gốc. Nếu như vậy cũng chỉ là trình độ thấp của tư tưởng bài ngoại mà thôi.
Ta cần phê phán tâm lý “sùng ngoại” và “tự ty dân tộc” mang đầu óc nô lệ, nhưng ta không thể không nhận định tình hình một cách khách quan, khoa học, nhận rõ những nhược điểm trong tính cách dân tộc của ta để mà vươn tới.
Trong vốn cổ của ta về văn hoá, có những giá trị hết sức tốt đẹp, nhưng cũng không ít “truyền thống” lạc hậu đã tồn tại trong xã hội hàng ngàn năm, đã là những yếu tố kìm hãm sự phát triển của xã hội. Sự kế thừa bao giờ cũng là “có chọn lọc” và phải “nâng cao lên”.
Chúng ta có thể thấy mẫu mực tuyệt vời của Mác, khi Mác làm chủ gần như toàn bộ kho tàng trí tuệ của loài người để tổng kết và sáng lập nên chủ nghĩa Mác, đưa hẳn trí tuệ loài người sang một kỷ nguyên mới. Ta lại có thể thấy ở Lê-nin một mẫu mực khác về kế thừa có phê phán đối với những di sản văn hoá quá khứ trong những ý kiến của Lê-nin về Lép Tôn-xtôi, Đô-xtôi-ép-xki và các nhà văn, nhà hoạt động chính trị khác trong lịch sử Nga. Hơn nữa, ta còn thấy thái độ mẫu mực của Lê-nin đối với Gorki và Mai-a-cốp-xki : vừa ân cần, tôn trọng giúp cho nhà văn vượt qua những bước dao động chính trị, trên cơ sở khẳng định tài năng của nhà văn, vừa thẳng thắn tuyên bố “không thích” phong cách của nhà thơ mà vẫn tôn trọng và đánh giá cao những cống hiến, những thành tích của nhà thơ.
Văn hoá (và nhất là văn nghệ) là một hiện tượng rất phong phú, rất phức tạp. Có những điều có thể nói cần có sự thống nhất, nhưng có những điều lại cần thiết phải khác nhau. Đa dạng, phong phú, nhiều vẻ, nhiều phong cách là thuộc tính của nghệ thuật, là biểu hiện sự phát triển tốt đẹp của nghệ thuật.
Nhưng trong nghệ thuật lại phải có vấn đề tư tưởng, vấn đề nội dung chính trị. Tư tưởng và nội dung chính trị lại gắn liền với hình thức biểu hiện của nghệ thuật. Cho nên trong nghệ thuật vừa có vấn đề sai và đúng, cách mạng và phản động, lại vừa có vấn đề hay và dở, đẹp và chưa đẹp. Vì vậy, thái độ thưởng thức nghệ thuật cũng có vấn đề được và không được, thích và không thích. Tư tưởng chính trị và hình thức biểu hiện của nghệ thuật không thể tách rời, nhưng nó vẫn là hai mặt của vấn đề. Tất cả tư tưởng chỉ đạo của Đảng ta cũng như tư tưởng Mác-xít Lê-nin-nit đối với nghệ thuật luôn luôn không thừa nhận thứ nghệ thuật sơ lược, minh hoạ chính trị một cách khô cứng. Đồng thời cũng không chấp nhận thứ nghệ thuật tách rời chính trị, thứ “nghệ thuật vị nghệ thuật”, mà thực chất là “mượn màu son phấn” của nghệ thuật để truyền bá một loại tư tưởng chính trị phản động.
Vì vậy trong sự nghiệp xây dựng nền văn hoá mới, có sự phát triển của văn nghệ. Sự phát triển của văn nghệ có vấn đề hấp thụ thành quả văn minh của loài người và thành tựu văn hoá hiện đại. Sự tiếp thu này đặt ra nhiều vấn đề phải bàn bạc.
Trước hết là vấn đề “có chọn lọc”. Rõ ràng là ai cũng thấy ta không thể chấp nhận tất cả mọi thứ nghệ thuật, bất kể khuynh hướng tư tưởng và phong cách như thế nào. Và ta phải chọn lọc, nhưng chọn lọc theo tiêu chuẩn nào ? Có người nêu ra ý kiến là chỉ tiếp thu những gì “hợp với ta”, nghĩa là ta chỉ chọn những gì giống với ta, hợp với tâm hồn cốt cách của ta. Nếu chỉ có như vậy thì chẳng hoá ra ta tự hạn chế ta và ta không thể tiếp xúc với cả một thế giới phong phú các điều khác lạ trong tâm hồn thị hiếu của các dân tộc gần xa trên khắp hoàn cầu hay sao ? Cho nên “hợp” và “giống” không thể là tiêu chuẩn để lựa chọn. Tiêu chuẩn để lựa chọn phải là tiến bộ hay lạc hậu, cách mạng hay phản động, lành mạnh (làm trong sáng con người) hay sa đoạ (huỷ hoại tâm hồn con người). Nhưng đó lại là tiêu chuẩn hết sức trừu tượng, biến hoá và tinh vi, không thể phân tách từng điểm cụ thể để xây dựng nên khuôn phép tiêu chuẩn được. Ta nhận thấy những điều đó bằng sự mẫn cảm về chính trị, bằng sự nhạy bén của tâm hồn. Thế mà sự nhạy bén của tâm hồn lại gắn chặt với thị hiếu cá nhân. Nếu ta có thể có một sự phân tích khoa học và khách quan thì khi ta tiếp thu nghệ thuật, ta có thể quyết đoán được rõ rệt cái tiến bộ, cách mạng, lành mạnh và những cái được phép và không được phép và không lẫn lộn với cái thích và không thích. Vì có thể trong những cái được phép có cái ta không thích vì nó không hợp với thị hiếu cốt cách của ta, và trong những cái không được phép, có thể có những cái ta rất thích, nhưng ta cũng không được phép tiếp xúc. Nếu không có sự phân biệt như vậy thì không thích đồng nghĩa với không cho phép. Mà cái thích hay không thích lại rất khác nhau, điều đó đưa tới tình trạng cơ quan này (hoặc người này) cho phép, mà cơ quan khác (hoặc người khác) lại không cho phép. Và khi đó lý do không cho phép được nói ra, không bao giờ là lý do của sự không thích, mà tất cả đều là lý do của sự không được phép.
Đầu đao mái chùa Thổ Hà, Bắc Ninh. Ảnh : Trần Độ
 Một vấn đề khác nảy sinh ra trong quá trình tiếp thu văn minh nhân loại là sự “bắt chước” (mù quáng) và sự “lai căng”. Quan sát các hiện tượng trong xã hội, sự tiếp thu văn hoá thế giới có những dạng như thế này :
- Có sự tiếp thu rất tự nhiên, ta tiếp thu mà ta không hề có ý thức rằng ta tiếp thu. Do nhu cầu của cuộc sống, nhu cầu sống hàng ngày cùng với nhu cầu giao tiếp, tự nhiên đến một lúc nào đó ta có một hiện tượng văn hoá vốn hoàn toàn không phải của ta : quần áo kiểu Âu của nam giới hiện nay với complê và cravát, đầu tóc phụ nữ với các kiểu uốn và cắt ngắn, nhà ở phải có xa-lông và đi-văng, uống cà phê, uống bia và một số loại hình nghệ thuật như đã kể ở trên. Nó vào ta tự nhiên, ngọt ngào, không xảy ra một “dị ứng” nào và nó nghiễm nhiên thành ra “của ta”. Trong quá trình giao tiếp phát triển, ta phải tuân theo quy tắc của thế giới và không ai có thể bàn cãi gì lắm : muốn đấu bóng đá phải tuân theo Luật bóng đá thế giới. Nhiều lúc có những quy tắc lịch sự, quy tắc thẩm mỹ ta cũng buộc phải tuân theo, vui vẻ mà tuân theo : như ăn mặc chỉnh tề phải có cravát. Cravát có khi to bè, khi bé tí cũng tuỳ theo sự thay đổi của thế giới, màu sắc quần áo phù hợp mùa, thời tiết, các quy chế ngoại giao, v.v… Ở đây có sự tham gia của các quy luật vật lý, sinh lý, của khoa học tự nhiên. Nhưng về đại thể nó cũng là hiện tượng văn hoá. Chỉ có những nhân vật siêu phàm vĩ đại như Bác Hồ chẳng hạn, mới có đủ uy tín đôi lúc phá bỏ những tục lệ cũ, có khi của thế giới, mà tạo ra một tục lệ của Việt Nam, nhưng lại được cả thế giới tán thưởng.
- Có hiện tượng quá trình tiếp thu là quá trình dị ứng, phản ứng hoặc đấu tranh gay gắt.
Ta đã thấy phong trào thơ mới gặp sóng gió thế nào, ta đã thấy việc cắt búi tó của các cụ ông gay go ra sao ? Và gần đây phụ nữ mặc quần âu, việc vận động kế hoạch hoá gia đình (hạn chế sinh đẻ), v.v… Thông thường ta đều thấy rốt cục rồi cái mới, cần thiết cho cuộc sống vẫn cứ thắng và chiếm lĩnh đời sống.
- Cũng có hiện tượng khác, không phải là sự tiếp thu về phía ta, mà là sự thâm nhập về phía địch. Các loại kẻ thù, đế quốc, bành trướng tìm mọi cách du nhập vào ta các thứ “văn hoá” với âm mưu chính trị rất thâm độc. Ở đây sự phản ứng của nhân dân, sự chỉ đạo đấu tranh của Đảng và Nhà nước ta là vô cùng cần thiết và nói chung cũng thu được thắng lợi từ trước đến nay. Hiện tượng này không thể gọi là hiện tượng giao lưu văn hoá bình thường, mà đây là hiện tượng xâm lược về văn hoá. Trong trường hợp này không có sự tiếp thu, mà chỉ có sự áp đặt và sự chống trả.
Quá trình hấp thụ văn minh loài người là một quá trình hết sức phức tạp và khó khăn như trên vừa nói. Quá trình đó luôn luôn đẻ ra những vấn đề phải giải quyết.
Trong một dịp tôi gặp đồng chí Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học của nước Cộng hoà Xô viết Tát-dích, tôi có nêu vấn đề này để trao đổi. Tôi có nhớ được mấy ý kiến ngắn gọn nhưng rất sâu sắc của đồng chí như sau :
1. Chúng tôi cần cho nhân dân chúng tôi tiếp xúc và thưởng thức nghệ thuật của thế giới. Muốn thế trước hết chúng tôi phải để nhân dân chúng tôi được trực tiếp thưởng thức những loại hình nghệ thuật mà nhân dân chúng tôi chưa có, nhân dân cần được trực tiếp thưởng thức loại hình nghệ thuật đó, đúng như nó có. Nghĩa là chúng tôi muốn cho nhân dân chúng tôi thưởng thức ba-lê thì chúng tôi phải để nhân dân chúng tôi trực tiếp xem ba-lê của Nga, với những tiết mục và phong cách biểu diễn vốn có của họ. Như vậy nhân dân chúng tôi mới hiểu đúng đắn loại hình nghệ thuật đó.
2. Sau đó có một thời kỳ - mà tôi cho là không thể loại bỏ, chúng tôi bắt chước ba-lê Nga để chúng tôi sáng tác và biểu diễn. Thời kỳ này tất nhiên gặp nhiều sự chập chững, khó khăn, không thể thuần phục ngay được.
3. Bước tiếp theo là trải qua một thời gian dài bắt chước, chúng tôi nắm vững được loại hình nghệ thuật đó, chúng tôi có những nghệ sĩ được đào tạo và qua sự giao lưu giữa người sáng tác và quần chúng, chúng tôi đưa các yếu tố dân tộc của chúng tôi vào nghệ thuật ba-lê và chúng tôi sáng tạo ra được một phong cách ba-lê của dân tộc Tát-dích với những đặc sắc của nó.
Tôi cho rằng những ý kiến trên có ý nghĩa tổng kết rất chính xác. Quả là mỗi loại hình nghệ thuật hoặc một phong cách nghệ thuật, khi được giao lưu, được tiếp thu, đều trải qua có những bước chập chững thiếu thuần thục. Chính trong thời kỳ này hay xuất hiện những tình hình “lai căng” và “lố lăng”. Ở ta, riêng tôi nhận xét, ví dụ đối với ba-lê, nhân dân ta chưa biết nó như thế nào, chưa thấy những vẻ đẹp kỳ diệu của nó, thì một số biên đạo đã vận dụng ngay ba-lê kết hợp với các điệu múa dân gian quen thuộc của ta. Điều đó không tránh khỏi làm người xem bỡ ngỡ. Hơn nữa, tác giả và diễn viên của ta cũng chưa phải là những người nắm vững nghệ thuật ba-lê đến mức nhuần nhuyễn, chưa được chuẩn bị chu đáo những điều kiện thể lực và kỹ thuật để thể hiện nó. Vì vậy nó chưa chinh phục được người xem, mà nó lại gây ấn tượng “lai căng”.
Về nghệ thuật tạo hình, cũng có thể có những thí dụ tương tự. Tiếp thu “có chọn lọc” là cả một quá trình, trong đó có sự tác động khách quan của các quy luật về tâm lý xã hội, về thị hiếu trong cuộc sống, và có sự chỉ đạo của tư tưởng cách mạng, tư tưởng tiên tiến, sự chọn lọc không thể được thực hiện như sự chọn lọc giống lúa, có tiêu chuẩn cụ thể và làm một lần xong ngay. Cuộc sống sẽ thực hiện sự chọn lọc ; và lãnh đạo sự chọn lọc phải trên cơ sở hiểu biết sâu sắc các giá trị cần chọn lọc và hiểu biết đầy đủ quy luật của cuộc sống.
Do những tình hình như trên, việc hấp thụ tinh hoa của nhân loại đòi hỏi ta phải có những điều kiện như sau :
Ta phải xác định, củng cố và nâng cao bản sắc dân tộc của văn hoá ta bằng cách sưu tầm và tổng kết được các đặc điểm tốt của văn hoá ta, kết tinh và nâng lên tầm cao mới các đặc điểm đó trong việc giáo dục và xây dựng các hoạt động văn hoá dân tộc, phải coi trọng việc giáo dục thẩm mỹ ở các trường phổ thông, nhằm đích xây dựng những thị hiếu nghệ thuật phù hợp với tâm hồn và cốt cách dân tộc. Những việc đó tạo nên một bản lĩnh văn hoá dân tộc vững chắc cho mọi người và điều đó làm nền tảng cho sự tiếp thu văn hoá thế giới trong việc sáng tạo và hưởng thụ. Trong thực tế cũng có nhiều nghệ sĩ, do được nâng cao trình độ kiến thức của thế giới mà có khả năng khai thác kế thừa truyền thống dân tộc tốt hơn. Nhưng cũng có những trường hợp có người không có bản lĩnh văn hoá dân tộc thì tiếp thu văn hoá thế giới một cách sống sượng, đẻ ra tình trạng vay mượn, chủng chẳng, không hài hoà, không nhuần nhuyễn hoặc đi tới tình trạng bài bác, coi thường những gì của dân tộc.
Mặt khác, ta cần nâng cao bản lĩnh trong chỉ đạo và lãnh đạo, vì tình hình phức tạp, tế nhị, ta không nên nôn nóng và hoảng hốt trước một vài hiện tượng chưa được nhuần nhuyễn còn những dị ứng và phản ứng khác nhau.
Hiện nay, về một số môn nghệ thuật, cũng có những ý kiến nhận xét trái ngược nhau : có ý kiến cho rằng ta đã coi nhẹ tính dân tộc hoặc bỏ mất tính dân tộc. Ý kiến khác cho là ta khép kín quá, đóng cửa quá, nhân dân ta không được biết gì đến thế giới. Hai ý kiến đó đều có những dẫn chứng rất cụ thể, đầy xúc động và phát ra những tiếng nói có tính chất kêu cứu, báo động. Tôi cho là hai ý kiến trên đều quá đáng, cực đoan. Thực ra, cả hai mặt ta đều chưa làm được nhiều.
Có một lần tiếp xúc với một đồng chí lãnh đạo cao về văn hoá của Liên Xô, tôi nói về một tình hình ở Việt Nam với ngụ ý phàn nàn một tình trạng non kém của ta : “thanh niên chúng tôi cứ hướng về sự ham thích văn học nước ngoài qua các tác phẩm dịch …” thì đồng chí đó lại ngắt lời : “Nếu thanh niên các đồng chí quan tâm, mở rộng tầm mắt đến những chân trời rộng rãi của thế giới thì thật là một điều đáng mừng …”.
Như vậy các hiện tượng “trân trọng” các vốn có văn hoá của cha ông ta, cũng như hiện tượng “hướng tới chân trời mới” đều có những điều hay và cả những điều không hay xen kẽ vào. Ta cần bình tĩnh nhận xét, phân tích tìm hiểu. Ta cứ tích cực đẩy mạnh các hoạt động văn hoá văn nghệ theo đúng tinh thần đường lối văn hoá của Đảng ta, với ý thức giữ vững và đề cao tính Đảng, thì rồi mọi việc sẽ được giải quyết dần dần. Tôi cho rằng trong tình hình đấu tranh gay gắt hiện nay về mặt văn hoá, ta vẫn có yêu cầu cấp bách xây dựng nền văn hoá mới, nội dung xã hội chủ nghĩa, tính chất dân tộc. Ta cần đặt đúng vai trò của cách mạng tư tưởng văn hoá. Ta phải tích cực đầu tư một lượng thích đáng về trí tuệ, nhiệt tình và vật chất, tài chính vào sự nghiệp văn hoá để tạo nhiều giá trị văn hoá mới, đáp ứng nhu cầu văn hoá ngày càng cao của nhân dân ta. Làm như vậy là ta tích cực đấu tranh trên mặt trận văn hoá.
Nhu cầu văn hoá của nhân dân phát triển có quy luật của nó. Đó là những nhu cầu vô hạn, việc thoả mãn các nhu cầu đó sẽ hướng dẫn sự hình thành các nhu cầu lành mạnh, cao hơn. Muốn thế, sự đáp ứng phải dồi dào. Một tài liệu thế giới nói về điều này có nêu lên một ý kiến có tính chất tổng kết vấn đề : “cung” và “cầu” về văn hoá, đòi hỏi “cung” bao giờ cũng phải nhiều hơn “cầu”. Ta phải nỗ lực nhiều hơn về giáo dục ý thức, giáo dục thẩm mỹ. Trong quá trình đó, có xảy ra một vài hiện tượng “chưa vừa ý” thì đó cũng chỉ có thể là những hiện tượng tạm thời, không nên quá nóng ruột, hốt hoảng và quan trọng hoá nhiều vấn đề chi tiết. Với bản lĩnh dân tộc của nhân dân ta được thử thách mấy nghìn năm, với ý thức lãnh đạo rõ rệt của Đảng, với cơ chế ngày càng hoàn thiện của chế độ làm chủ tập thể, ta có đầy đủ cơ sở tin tưởng vững chắc vào tương lai văn hoá của dân tộc ta.
* * *
   Nói đến vấn đề này, không thể không bàn đến mấy điểm đang trở thành mối quan tâm lớn của cả những người hoạt động sáng tạo và của toàn thể xã hội đang hưởng thụ những sản phẩm sáng tạo. Vấn đề này nằm trong ý “tiếp thu các thành tựu văn hoá khoa học hiện đại”. Không phải không có lý do mà Nghị quyết Đảng đặt riêng vấn đề này thành một ý. Đó là vấn đề tính thời đại của văn hoá và tính hấp dẫn của nghệ thuật. Hai vấn đề này liên quan chặt chẽ với nhau, tính hấp dẫn của nghệ thuật cũng là một nội dung của tính thời đại của văn hoá. Đây là hai vấn đề lớn đòi hỏi những công trình nghiên cứu đồ sộ và hàng loạt hoạt động thực tiễn để kiểm nghiệm và phát hiện nhiều khía cạnh. Trong phạm vi bài này, tôi chỉ xin trình bày vài ý đại cương :
- Tính thời đại của văn hoá có thể bao gồm hai bản chất : văn hoá thời đại hiện nay phải là văn hoá xã hội chủ nghĩa, văn hoá của ba dòng thác cách mạng,
- Văn hoá hiện nay là văn hóa của thời đại cách mạng khoa học kỹ thuật tiên tiến, với tốc độ mạnh mẽ trong hoàn cảnh thế giới chung sống và giao lưu văn hoá.
Vì vậy văn hoá hiện nay có rất nhiều mới mẻ, luôn luôn biến động và gặp nhiều tình hình đảo lộn. Những sự mới mẻ và biến động diễn ra ở các lĩnh vực triết học, văn học nghệ thuật, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên. Và đó là những thành tựu văn hoá và khoa học hiện đại, xuất hiện hàng ngày hàng giờ và ở khắp nơi trên thế giới, những cái đó tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến tâm lý xã hội của mọi tầng lớp, mọi dân tộc, tính thời đại tác động mạnh mẽ tới tâm lý thanh thiếu niên, tác động nhiều mặt tới lối sống và tác động nhiều ở khu vực sáng tạo nghệ thuật và thị hiếu thưởng thức nghệ thuật. Nếu ta không nhìn nhận văn hoá có những ảnh hưởng và nhu cầu của tính thời đại một cách cởi mở thì có nhiều khi ta sẽ bị động và bối rối trước nhiều chi tiết khác nhau xa lạ, xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày và cuộc sống nghệ thuật.
Đi đôi với tính thời đại, có vấn đề tính hấp dẫn của nghệ thuật, vấn đề này không phải mới nảy sinh nhưng nó nảy sinh ra những vẻ mới của tính hấp dẫn, do sự tác động của khoa học kỹ thuật. Nó nảy sinh ra những quan niệm mới về tính hấp dẫn, những thị hiếu mới và những nhu cầu mới.
Tính hấp dẫn là sức mạnh của nghệ thuật, nó thoả mãn một cách sâu sắc, một khía cạnh của nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, nó thoả mãn những khát khao của con người cần có, những ấn tượng mạnh mẽ, những xúc động sâu sắc, những ý chí vươn tới tầm cao. Chính vì vậy nó mang lại cho nghệ thuật một sức mạnh giáo dục mới mẻ, đồng thời nó làm đời sống tinh thần được phong phú, nhẹ nhàng và thoải mái.
Không bao giờ nên coi thường vai trò của tính hấp dẫn, nhưng cũng không bao giờ chỉ chú trọng tìm sức hấp dẫn ở những thủ pháp dễ dãi hoặc trống rỗng không dính đến nội dung tư tưởng của tác phẩm. Cả hai hiện tượng đều biểu thị sự coi thường công chúng, xa rời công chúng và làm hại công chúng.
Sự hấp dẫn chính là trình độ cao của nghệ thuật.
Trên đây là một số ý kiến sơ sài góp phần bàn luận vào một mặt quan trọng của đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng, trên cơ sở một quan điểm là nhận thức những đặc thù của văn nghệ để có thái độ thích hợp với vấn đề lớn đặt ra đó: Vấn đề “hấp thụ có chọn lọc thành quả của văn minh loài người và những thành tựu văn hoá khoa học hiện đại”.
Chắc chắn sẽ còn nhiều điều phải bàn thêm, bàn kỹ mới có thể có được những ý kiến chỉ đạo thiết thực cho các mặt hoạt động văn hoá, nghệ thuật ngày nay. Cho dù ở chỗ nào, lĩnh vực nào cũng còn nhiều vấn đề phải giải quyết, tôi vẫn tin chắc rằng về đại thể ta đi đúng hướng, đúng đường lối của Đảng và ta đã có đầy đủ cơ sở để tin tưởng vào tương lai nền văn hoá mới của ta.

 (Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét