Sắp tới, chúng ta có Đại hội toàn quốc lần thứ ba của
Đoàn thanh niên lao động. Đại hội của Đoàn nhằm xác định nhiệm vụ của Đoàn và
của thanh niên nói chung đối với nghị quyết của Đại hội Đảng, tức là nhiệm vụ
của Đoàn và của thanh niên đối với giai đoạn cách mạng mới. Trong Đại hội Đảng
lần thứ ba, những người cộng sản đã nói với thanh niên như thế này:
“Thanh niên nước ta đã nêu cao tinh thần hy sinh anh
dũng trong kháng chiến và trong lao động hòa bình, thanh niên là lớp người đang
xây dựng chủ nghĩa xã hội và sẽ xây dựng chủ nghĩa cộng sản ở nước ta, phải
giáo dục và rèn luyện thế hệ trẻ thành những người chiến sĩ trung thành với Tổ
quốc, với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, phải động viên thanh niên đem hết nhiệt
tình của tuổi trẻ tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội” Đó là lời nói của Đảng
đối với thế hệ thanh niên đàn em của mình.
Bản dự thảo báo cáo chính trị của Trung ương Đoàn
thanh niên nêu lên như sau: “Thanh niên là lớp người xây dựng chủ nghĩa xã hội
và chủ nghĩa cộng sản, cho nên phải không ngừng nâng cao lòng yêu nước và giác
ngộ xã hội chủ nghĩa, luôn luôn rèn luyện mình để trở thành những người chiến
sĩ trung thành với chủ nghĩa xã hội, với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa”. Cũng trong
bản dự thảo báo cáo chính trị đó có đoạn: “Thanh niên trong thời đại hiện nay
cần phải được giáo dục theo tinh thần cộng sản chủ nghĩa, đoàn viên thanh niên
lao động và thanh niên phải trau dồi cho mình có nhân sinh quan cộng sản chủ
nghĩa và đạo đức mới, phải có nhận thức, phải có tri thức và trình độ văn hóa,
khoa học kỹ thuật và thân thể khỏe mạnh, phải noi gương các chiến sĩ cộng sản,
lấy việc phục vụ nhân dân lao động, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân lao động
làm lý tưởng cho cuộc sống của mình. Sống, làm việc, lao động, học tập không
mệt mỏi để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa. Sống là phải đấu
tranh để giành độc lập và thống nhất cho nước mình”.
Như vậy, chúng ta đã thấy rất rõ ràng Đảng đã vạch ra
lý tưởng cho thanh niên, xác định mục đích cuộc sống thanh niên, chỉ rõ mục
tiêu phấn đấu của thanh niên, nêu rõ nghĩa vụ phấn đấu, phương pháp rèn luyện
và xác định vinh quang của thế hệ thanh niên ngày nay là xây dựng chủ nghĩa xã
hội và chủ nghĩa cộng sản. Đó là mục đích của cuộc sống trong thế hệ thanh niên
hiện nay và đó cũng là nghĩa vụ phấn đấu của mỗi người thanh niên muốn sống có
ý nghĩa. Đó là lý tưởng của thanh niên và cũng là một vinh quang hết sức to lớn
cho thanh niên trong thời đại hiện nay. Chúng ta phải trung thành với Tổ quốc
xã hội chủ nghĩa, với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, noi gương các chiến sĩ cộng
sản làm việc phục vụ nhân dân. Đó là phương hướng rèn luyện của mỗi một thanh
niên.
Lý tưởng của cuộc sống là thế nào? Tại sao cần có lý
tưởng của cuộc sống và ta thực hiện lý tưởng đó như thế nào? Hôm nay, tôi muốn
nói với các đồng chí những vấn đề như thế.
Lý tưởng của mỗi người là mục đích cuộc sống của mỗi
người, là điều mơ ước của cả cuộc đời của mỗi người. Có những thứ lý tưởng lừa
bịp, có những thứ lý tưởng mơ ước ảo mộng, không thực tế và có lý tưởng không
những cao cả, tốt đẹp, toàn vẹn mà lại còn thực tế có thể thực hiện được. Trong
miền Nam bây giờ, bọn Mỹ - Diệm cũng nêu lý tưởng cho thanh
niên, chúng kêu gọi thanh niên lấy việc đi bắn giết đồng bào và làm bao nhiêu
việc khác theo kiểu anh hùng rơm để làm lý tưởng cho mình. Chúng nêu nào là
“trai hùng”, “gái đảm” với nội dung ngang tàng, lố bịch, học tập những thủ đoạn
chống lại nhân dân, làm lợi cho chính quyền phát xít của Mỹ - Diệm. Trước đây,
Pháp mộ lính nhảy dù sang Việt Nam cũng nêu lên lý tưởng sang Việt Nam để có nhiều tiền, có gái đẹp, có rượu ngon. Đó là
những lý tưởng hết sức lừa bịp. Nó kích động vào những ham muốn thấp hèn, nhất
thời của con người, đẩy thanh niên vào những hành động tội ác. Còn có những lý
tưởng rất to, cao đẹp nhưng chỉ là ảo mộng. Ở đây, chắc các đồng chí đã xem
phim Đông Ky-sốt, anh chàng đó cũng ôm một lý tưởng là ra đi tiêu diệt những
bất bằng, những xấu xa của xã hội, nhưng rút cục không có lực lượng quần chúng,
không có tri thức khoa học, đi đánh nhau với cái cối xay để rồi trở về với cái
áo giáp bẹp, không được việc gì cả.
Còn có những lý tưởng không những cao cả, đẹp đẽ, toàn
vẹn mà lại thực tế có thể thực hiện được, đó chính là lý tưởng cộng sản chủ
nghĩa mà chúng ta đang theo đuổi. Lý tưởng cộng sản chủ nghĩa vạch ra cho chúng
ta thấy là chúng ta có thể xây dựng một cuộc đời hoàn toàn công bằng, tươi đẹp,
trong đó không có người bóc lột người, của cải sản xuất ra rất nhiều, xã hội vô
cùng giàu có, trong đó ai nấy đều chỉ còn có việc đem hết sức mình làm cho xã
hội ngày càng phát triển và bao nhiêu nhu cầu của mình đều được xã hội cung cấp
đầy đủ, trong đó mọi người thương yêu lẫn nhau, sống với nhau với tình đoàn kết
thân thiện, ai ai cũng có trình độ tri thức rất rộng và rất cao. Lý tưởng đó
rất vĩ đại, từ trước tới giờ nhiều người mơ ước mà vẫn chưa thực hiện được. Đến
nay, chúng ta đã đang bắt đầu thực hiện ở Liên Xô, trên một phần sáu quả địa
cầu và sẽ tiếp tục thực hiện trên một nửa quả địa cầu và chắc chắn sẽ thực hiện
khắp cả trái đất.
Nói là mục đích của cuộc sống vì là một mục đích bao
trùm, quyết định toàn bộ sự sống của chúng ta. Nhưng mục đích của cuộc sống là
gì? Nó phải trả lời câu hỏi: sống để làm gì? Khi nói cuộc sống hay sự sống
là ta nói đến toàn bộ những hoạt động làm cho sự sống của ta có ý nghĩa lớn lao
hay nhạt nhẽo vô vị. Thường thường mỗi thanh niên, mỗi người đều có ý thức xác
định cho mình sống để làm gì và sống như thế nào? Có người có những mục đích
to lớn cao xa; có người có những mục đích nhỏ bé, thấp kém; có người nay đeo
đuổi mục đích này, mai đeo đuổi mục đích khác; có người xác định mục đích rồi
say sưa mơ ước, đem toàn bộ hoạt động của sự sống gắn bó với mục đích đó, đem
bản thân sự sống phụ thuộc vào mục đích, vào lý tưởng; có người sống không có
mục đích, không có lý tưởng, họ không biết rằng rút cục rồi sau khi họ chết, họ
đã làm được cái gì và hiện họ đang sống, đang ăn, ngủ, học để làm gì. Nhiều
người lầm tưởng lấy một hoạt động nào đó của sự sống làm mục đích của đời mình.
Ví dụ, có một thanh niên nào đó bảo rằng nếu tôi không lấy được cô đó thì tôi
chỉ có chết thôi, hoặc cũng có thể có một cô nào đó nói rằng nếu tôi không lấy
được anh đó thì tôi chết…! Như vậy, mục đích cuộc đời chị đó hay anh đó là
chỉ có việc lấy anh đó hay chị đó thôi ; ăn ngủ, rèn luyện cho khỏe mạnh, học
cho giỏi, mặc cho đẹp chỉ để được lấy anh đó hay chị đó thôi, không có thì…
chết! Có người thì lại lấy việc khác trong cuộc sống để làm mục đích, thí dụ,
chỉ làm sao để được chén cho thích; hoặc cũng có người lấy việc mặc làm mục
đích, nhịn ăn để mà mặc. Cũng ít người lẫn lộn cụ thể đến như vậy, nhưng trong
phạm vi lớn hơn cũng có nhiều người lẫn lộn, vì đi học văn hóa, học kỳ cục ngày
đêm không biết mệt để có một địa vị, có thể đi ô-tô, đeo xà-cột, nếu nửa chừng
không được tiếp tục học văn hóa, phải đi làm một việc nào khác thì thấy cuộc
đời sụp đổ, hết mục đích. Đó chính là chỉ lấy một hoạt động nào đó của cuộc
sống làm mục đích của cả cuộc đời. Nếu ai cũng cứ lấy một nhu cầu, một ý muốn
riêng của cá nhân làm mục đích cuộc sống thì sẽ dẫn đến chỗ tranh cướp nhau:
nếu anh nào cũng thích ăn cả thì sẽ tranh nhau để mà ăn và anh nào cũng thích
trở thành người thế này người thế nọ cả thì sẽ có bao nhiêu người cũng tranh
nhau một việc nào đó, còn những việc cần thiết khác thì không có ai làm, rút
cục cả xã hội chết tươi. Khi ta nói “con người” là ta nói con người chung trong
xã hội. Đấu tranh cho sự sống của con người là đấu tranh cho sự sống chung của
xã hội, không nên lẫn lộn với đấu tranh cho những yêu cầu sống của từng cá
nhân.
Chắc nhiều đồng chí thanh niên đã biết câu này của
Pa-ven: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống. Đời người chỉ sống có một
lần, phải sống làm sao để khỏi phải xót xa ân hận vì những năm đã sống thừa, để
khỏi phải hổ thẹn vì một dĩ vãng ti tiện và đớn hèn và để khi hấp hối có thể
nói rằng: suốt cả đời tôi và sức tôi đều đã cống hiến cho sự nghiệp đẹp đẽ
nhất thế giới : sự nghiệp đấu tranh giải phóng nhân loại”. Trong điều lệ của
Đoàn thanh niên, điều thứ 5 nói rằng: “Trung thành với sự nghiệp cách mạng của
Đảng, giữ gìn bí mật quốc gia, nâng cao cảnh giác chính trị, học tập quân sự,
sẵn sàng cống hiến tất cả sức lực và trí tuệ của mình, khi cần thiết thì hiến
cả cuộc sống của mình cho Tổ quốc”. Điều lệ Đảng, cũng điều thứ 5, nói rằng:
“Hết lòng hết sức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của Đảng, lợi ích
của nhân dân lên trên lợi ích của cá nhân” và khi Hồ Chủ tịch xác định tiêu
chuẩn của đảng viên, trong đó có một tiêu chuẩn: “Suốt đời kiên quyết đấu
tranh cho nhân dân, cho chủ nghĩa”. Như vậy, chúng ta thấy rất rõ : ở đâu và
bất cứ lúc nào cũng có vấn đề mục đích của cuộc sống ; vấn đề chỉ là chọn mục
đích nào. Người đảng viên, người đoàn viên thanh niên lao động cần có mục đích
cao quý, một mục đích to lớn cho cuộc đời của mình như Pa-ven, cần phải có
những hoạt động để duy trì và phát triển sự sống của mình, nhưng toàn bộ hoạt
động ấy cần nhằm phục vụ cho mục đích cuộc sống là đấu tranh cho cách mạng.
Mỗi người cần phải có lý tưởng của mình, bởi vì có lý
tưởng thì mới có được một cách sống cho đúng. Sống không có mục đích là một sự
sống thấp kém, chỉ biết có những hoạt động hẹp hòi của sự sống. Quan niệm “sống
gấp”, tức là sống vội sống vàng theo kiểu mà bọn Mỹ - Diệm đang tuyên truyền ở
miền Nam là một quan niệm hết sức phản động. Nó làm cho người
ta chỉ biết vùi đầu vào việc ăn uống, nhục dục. Cũng có một thứ quan niệm bi
quan đối với cuộc sống, đó cũng là một thứ quan niệm phản động về mục đích cuộc
sống, nó làm cho nhân dân lao động chỉ biết yên phận làm ăn, để cho bọn bóc lột
tự do bóc lột. Khi còn là thiếu niên, tôi đã từng bị gieo rắc thứ nọc độc đó
trong đầu óc. Tôi có một người anh triết lý với tôi rằng : Đấy mày xem, sống
nai lưng ra mà làm, làm để mà ăn, ăn để mà sống, sống để mà đẻ con, rồi chết!
Lúc đó, tôi chưa hiểu cuộc đời ra làm sao cả, tôi mới đem lý thuyết đó ra liên
hệ với thực tế thấy rất đúng như vậy. Con người lúc đó chỉ biết làm để kiếm cơm
cho mình và nuôi con để rồi chết là hết. Cho nên, mới 16 tuổi, lúc đó tôi đã có
tư tưởng định tự tử. Sống trong xã hội, mọi hoạt động của một người đều ảnh
hưởng đến sự sống của người khác và nếu mọi người chỉ có mục đích sống như vậy
thì rất hèn và rất ích kỷ, không có ý nghĩa gì mà lại gây tác hại cho xã hội,
làm cho cả cuộc sống trong xã hội trở nên tẻ ngắt và lộn xộn, tạo nên một thứ
“đạo đức” ích kỷ.
Thanh niên chúng ta mới bước vào cuộc sống cũng phải
xác định cho mình một lý tưởng rõ ràng và việc đó thì người cộng sản lớn tuổi
phải chỉ ra cho thanh niên. Cần chú ý một điều là xã hội càng tiến bộ thì nhu
cầu sống của con người càng phong phú. Trong thời gian kháng chiến gian khổ,
nhu cầu sống của chúng ta rất đơn giản, một cái ba-lô, một cái bát và mỗi bữa
mấy lưng cơm, thế rồi đi chiến đấu. Còn bây giờ, chúng ta sống phải có nhạc,
phải có sách, phải có câu lạc bộ… nhu cầu của sự sống trở nên rất phức tạp.
Cho nên nhu cầu của nhân dân Liên Xô thì lại càng phức tạp hơn nữa, không những
phải có bóng, phải có xi-nê mà còn phải có du lịch, phải có bao nhiêu thứ khác
nữa. Thế nhưng, nhu cầu sống càng phức tạp thì chọn mục đích lại càng rõ rệt.
Do nhu cầu sống bây giờ phức tạp như vậy cho nên nhiều người mới tưởng nhầm
rằng kiếm một việc gì làm cho mình có đủ điều kiện để sống một cách khoái trá
thì đó là lý tưởng cuộc sống của mình rồi. Có người nói rằng : sống theo chủ
nghĩa xã hội, ai lao động nhiều, cung cấp cho xã hội nhiều thì được hưởng
nhiều, vậy tôi đòi được hưởng nhiều tức là tôi muốn được phục vụ nhiều và đó là
lý tưởng “cao cả” của tôi. Nói như thế là nói bừa bãi và sai lầm. Đấu tranh cho
cách mạng là đấu tranh cho sự nghiệp chung của xã hội, cụ thể là nâng cao mức
sống của con người, nhưng không phải đấu tranh cho mức sống của con người của
riêng mình. Như vậy, chúng ta cần phải phân biệt: chí khí cách mạng của những
người cách mạng không phụ thuộc vào những điều kiện sinh sống bất cứ trong hoàn
cảnh nào, trong hoàn cảnh tù đày, bị đưa lên máy chém hoặc đưa ra trường bắn
cũng như trong điều kiện sống đầy đủ, bất cứ lúc nào người cách mạng cũng nhằm
mục đích phấn đấu cho sự nghiệp chung của xã hội. Nên sổ toẹt cái thứ tư tưởng
này: cách mạng chẳng qua cũng chỉ là đấu tranh cho sự sống, vậy thì tôi chăm
lo cho sự sống cá nhân tôi cũng là một phần của mục đích cách mạng rồi. Chính
vì người cách mạng có mục đích cao cả nên mới có được thứ đạo đức: nghèo đói không
nản lòng, giàu sang không lóa mắt, uy vũ không khuất phục. Mục đích của sự sống
phải cao thượng và điều đó đừng phụ thuộc vào những điều kiện sống, đừng lấy
việc hưởng thụ để làm điều kiện cho việc thực hiện lý tưởng của mình, đừng nghĩ
rằng : tôi phải có như thế này tôi mới có lý tưởng, nếu không thì tôi bỏ hết.
Thanh niên chúng ta cần nhận rõ điều đó, cần vạch trần cái thứ lý luận rẻ tiền: đấu tranh cho sự sống của con người, trước hết là đấu tranh cho sự sống của
cá nhân mình. Đấu tranh cho sự sống của con người là đấu tranh chung cho xã hội
và có lấy đó làm mục đích của mình thì cuộc sống mới thực có ý nghĩa.
Lý tưởng của cuộc sống có tính giai cấp của nó, thường
mỗi giai cấp có lý tưởng khác nhau, những người cùng giai cấp có lý tưởng giống
nhau. Cái đó tùy thuộc ở đâu? Tùy thuộc ở cách nhìn nhận thế giới, nhìn nhận
xã hội như thế nào. Giai cấp bóc lột có lý tưởng của nó, nó cho rằng xã hội mà
nó được ngồi không để bóc lột người khác, muốn gì được nấy, hò hét ai cũng phải
sợ, đó là lý tưởng của nó. Ai phá xã hội đó thì nó tìm mọi cách tiêu diệt, nó
mong duy trì xã hội đó để nó truyền sự giàu có của nó lại cho con cháu nó. Giai
cấp bị bóc lột thì lại có lý tưởng của mình, nhân dân lao động có lý tưởng của
mình. Nhân dân lao động không thể nào bằng lòng với một xã hội có người đi bóc
lột, xây dựng một xã hội chỉ có người lao động với nhau, ai lao động người ấy
ăn.
Cho nên mỗi giai cấp có một lý tưởng của mình. Vậy thì
lý tưởng của giai cấp vô sản mà chúng ta thường nói là cái gì ? Đó chính là lý
tưởng cộng sản chủ nghĩa đó là lý tưởng cao quý nhất, là chân lý, là hợp lý, là
công bằng, hợp với quy luật phát triển của xã hội, là bước đường đi tất nhiên
của lịch sử, là lý tưởng cao đẹp và thực tế có thể thực hiện được của loài
người. Nó dựa vào mấy điều cơ bản sau đây :
Một là, hoạt động cơ bản của con người là lao động sản
xuất để làm ra của cải. Con người muốn hoạt động cái gì thì hoạt động, nhưng
nhìn chung trong xã hội, nếu không có lao động sản xuất ra của cải thì xã hội
chết ngay lập tức. Ta thử tưởng tượng một tháng hay một tuần mà tất cả mọi
người không làm gì cả, không cày ruộng, không dệt vải và cũng không ai ăn cả vì
gạo không ai nấu thành cơm để mà ăn, thế thì xã hội sẽ ra sao ? Sẽ chết. Xã hội
phải ăn, phải mặc và phải có người làm ra cái để mà ăn, mà mặc. Cho nên hoạt
động cơ bản của loài người phải là lao động sản xuất.
Hai là, lao động sản xuất ngày càng cao thì càng phải
dùng khoa học kỹ thuật mà sản xuất, tức là phải dùng máy móc, dùng kỹ thuật và
hoạt động của con người càng phức tạp, sự sản xuất càng cần có tổ chức, xã hội
ngày càng phát triển thì giai cấp công nhân ngày càng lớn.
Ba là, giai cấp công nhân phải làm chủ xã hội và tiến
tới xây dựng một xã hội không có giai cấp. Trước đây, trong xã hội tư bản, giai
cấp công nhân làm ra rất nhiều của cải để nuôi sống xã hội nhưng không được làm
chủ xã hội mà lại do giai cấp tư sản làm chủ. Đó là một điều không đúng, không
hợp lý. Cho nên lý tưởng của những người cộng sản là làm cho những người lao
động sản xuất làm chủ xã hội. Có như thế mới công bằng và hợp lý và đó cũng là
phù hợp với quy luật phát triển của xã hội.
Cho nên lý tưởng của người cộng sản là tổ chức một xã
hội công bằng và hợp lý, của cải đầy đủ đến mức ai cần cái gì đều được thỏa
mãn. Đó là mơ ước của giai cấp công nhân, mơ ước tổ chức một xã hội cộng sản
chủ nghĩa. Đó cũng là lý tưởng của nhân dân lao động và của những người yêu
công bằng trên thế giới. Khi giai cấp công nhân chưa làm chủ xã hội được thì
phải đấu tranh để làm chủ, khi làm chủ được rồi thì đấu tranh để đưa xã hội
tiến lên. Chúng ta nhớ rằng xã hội mà giai cấp phong kiến làm chủ thì hàng mấy
ngàn năm mới sản xuất được một ít của cải giàu hơn trước kia một tý. Xã hội mà
bọn tư bản làm chủ cũng phải mất ba, bốn trăm năm mới sản xuất được một số của
cải lớn, lớn hơn phong kiến rất nhiều, nhưng đến giai cấp vô sản thì không cần
đến mấy trăm hoặc mấy ngàn năm, chỉ mấy chục năm đã có thể đưa nhân loại đến
chỗ tốt đẹp. Lý tưởng đó rất dễ thấy nhưng cũng rất khó nhận thấy. Không phải
cứ là công nhân là có ngay lý tưởng của giai cấp công nhân đâu. Những người
công nhân phải hiểu biết, phải giác ngộ, phải hiểu được quy luật của xã hội,
hiểu được chân lý của xã hội thì mới có thể thấy được lý tưởng của giai cấp.
Nhiều người công nhân còn nghĩ rằng mình làm thuê cho tư bản để kiếm miếng ăn,
không có nó thì chết, chứ không biết sự thật là chính mình làm ra để nuôi tư
bản. Nông dân cũng thế. Trước đây họ chưa tìm thấy chân lý cho nên họ cho là họ
phải nhờ địa chủ, đến khi có Đảng cộng sản lãnh đạo, giáo dục, nông dân mới
hiểu là chính nông dân nuôi địa chủ và lúc đó họ mới có lý tưởng của mình là
đấu tranh chống giai cấp địa chủ.
Khi người công nhân đã thấy được lý tưởng của mình thì
họ biến lý tưởng đó vào trong máu của mình, hòa tan trong đời sống của mình và
họ cảm thấy rằng họ sống, họ ăn, họ thở vì lý tưởng đó, bởi vì lý tưởng đó là
sự thật của đời họ. Có những người khác, không phải giai cấp công nhân, cũng có
thể thấy lý tưởng đó được, đó là những người chân thực, yêu công lý, bất bình
với những sự bất công. Họ cũng có thể thấy được nhưng phải thực sự đứng trên
lập trường quyền lợi của giai cấp công nhân thì mới có thể thấy sâu sắc, nếu
không thì nhiều khi tưởng là thấy thôi chứ
chưa phải đã là thấy hẳn. Để nói rõ lên người công nhân có thể giác ngộ lý
tưởng của mình như thế nào, tôi xin đọc một đoạn bài thơ Đời thợ của đồng chí
Tố Hữu, tả anh công nhân sau khi ở tù ra:
Anh lại sẽ lần hồi đi bán dạo
Bao tủy máu, mua ngày hai bữa gạo,
Với quanh năm, đôi bộ quần áo xanh.
Thế rồi sao, còn vợ với con anh ?
Trong mí mắt, cảnh gia đình hiện tới :
Anh lại thấy ở nhà tranh rách rưới
Ngoài ngoại ô, rác bẩn như chuồng heo
Nằm soi lưng, lở lói dưới ao bèo.
Đây là góc buồng xưa trong bóng tối
Có tiếng khóc nghe sao buồn nhức nhối
Một đứa con, ghẻ mụn bám đen ruồi
Đang chao mình tấp tểnh đẩy lao nôi
Để ru ngủ một thằng em quặn đói…
Bài thơ đã nói lên rất rõ sự giác ngộ của một người
công nhân. Những người không phải công nhân cũng rất có thể giác ngộ lý tưởng
như vậy, nhưng phải làm sao tìm hiểu và cảm thấy được cái đau đớn của công
nhân, hiểu thấu được ý nghĩa giá trị của lao động sản xuất, hiểu thấu được ý
nghĩa giá trị của lao động sản xuất, hiểu được sức mạnh của tổ chức của giai
cấp công nhân, do đó mà hiểu được cái mơ ước sâu sắc của công nhân thì mới có
thể kiên trì được lý tưởng của mình. Nếu không thì lại xem mơ ước của giai cấp
công nhân không phải là mơ ước xây dựng một xã hội mới mà là xây dựng cho mỗi
người một đời sống ấm no, rồi cho rằng lý tưởng của công nhân là cố tìm mọi
cách xây dựng riêng cho mình một đời sống ấm no, không kể đến những yêu cầu
chung của xã hội. Như vậy là sai lầm nguy hiểm, là trái hẳn lại với chân lý.
Lý tưởng của giai cấp công nhân ở miền Bắc hiện nay là
gì? Là xây dựng miền Bắc thành một nước xã hội chủ nghĩa có cơ sở vật chất
vững mạnh, có nền kinh tế dồi dào, có lực lượng quốc phòng mạnh để đập tan tất
cả mọi âm mưu xâm lược của kẻ địch và tiến tới giải phóng miền Nam, làm cho cả
nước ta trở nên một nước xã hội chủ nghĩa, rồi trên cơ sở đó mà xây dựng chủ
nghĩa cộng sản. Đó là lý tưởng của giai cấp công nhân miền Bắc hiện nay. Lý
tưởng của cuộc sống phải chi phối toàn bộ cuộc sống của mọi người và sự sống
của mọi người phải phụng sự cho lý tưởng của mình. Cho nên dưới đây, một đoạn
nữa, tôi sẽ nói với các đồng chí thế nào gọi là sống, học tập và làm việc như
những người cộng sản.
Hiện nay, có một số người bị những mục đích nhỏ nhen
của cuộc sống che mất lý tưởng của cuộc sống. Các đồng chí chắc cũng biết đoạn
Pa-ven gặp Tô-ni-a sau khi cách mạng thành công, ở chỗ làm đường sắt. Pa-ven
rất lem nhem, còn Tô-ni-a và chồng thì rất diện. Tô-ni-a đem lý tưởng của mình
ra phàn nàn cho Pa-ven, đấy là nhân sinh quan của Tô-ni-a, Tô-ni-a tưởng rằng
làm cách mạng xong rồi, vớ được một chức ủy viên gì gì đó. Nhưng
Pa-ven không thèm trả lời, nhìn Tô-ni-a một cách khinh
bỉ và không cần giải thích. Giải thích với một con người như thế là vô ích. Đem
hết sức ra cống hiến cho cách mạng thành công, cách mạng thành công rồi thì làm
cái gì cũng được, làm ở đâu cũng được, lúc thì làm cán bộ thanh niên, lúc thì
làm công nhân đường sắt, rõ ràng là không có cái gì gò bó được cuộc sống của
Pa-ven trong việc phấn đấu thực hiện lý tưởng của anh.
Trong lịch sử cách mạng, chúng ta cũng có rất nhiều
gương hy sinh, nói ra không hết. Chúng ta còn nhớ Võ Thị Sáu, cho đến lúc chết
còn yêu đời, còn hát, coi khinh kẻ địch. Hoàng Văn Thụ, cho đến lúc chết còn
học, còn giáo dục, còn tuyên truyền, còn khuyến khích những người khác và khi
kẻ địch đến để rửa tội thì đồng chí nói: “Tôi không có tội, mà nên rửa tội cho
bọn thực dân”. Chúng ta còn có Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai,
Lý Tử Trọng, … đều là những người có lý tưởng rất cao cả và rất sáng chói và
tất cả những cuộc sống của các đồng chí đó chỉ nhằm phụng sự cho lý tưởng cao
cả của các đồng chí đó thôi. Các đồng chí đó cũng phải ăn, phải mặc, cũng có
người yêu, có vợ, có con, … Nhưng tất cả những cái đó đều thấm nhuần một tinh
thần cao quý là phụng sự lý tưởng, đều phục tùng việc phụng sự lý tưởng, đều
được tiến hành hướng vào việc thực hiện lý tưởng. Và để thực hiện lý tưởng cao
quý của mình, nếu cần cống hiến cả đời mình, các đồng chí đó rất sẵn sàng nhận
lấy cái chết một cách vui vẻ.
Cho nên, nghĩ đến Pa-ven, nghĩ đến các đồng chí tiền
bối của ta, nghĩ đến các đồng chí có lý tưởng chi phối cả cách sống của mình
như vậy, chúng ta có thể học tập và đồng thời chúng ta có thể dựa vào đó, phác
cho chúng ta một cách sống trong cuộc sống hiện tại. Các đồng chí đó sống trong
hoàn cảnh đấu tranh với kẻ thù rất gay go gian khổ, còn cách sống của chúng ta
là sống trong hòa bình với những điều kiện tương đối được đầy đủ. Do đó, có
nhiều đồng chí ngụy biện như thế này: Giả dụ tôi cũng sống như thời đồng chí
Lê Hồng Phong thì tôi cũng có thể hy sinh được như thế chứ không phải tầm
thường đâu, thế nhưng bây giờ sống có khác trước rồi ! Bây giờ có khác trước
thật, có người hôm qua mình chỉ huy họ, hôm nay họ đã hơn mình rồi ; cũng là bộ
đội với nhau nhưng bây giờ anh đã làm anh nọ, anh kia, còn mình thì vẫn là
thượng sĩ hoặc vẫn là binh nhất. Thế là thế nào ? Chả nhẽ lý tưởng cộng sản chủ
nghĩa ở một số người nào đó lại là thế này : “Trong hoàn cảnh gian khổ thì tôi
có thể hy sinh cho lý tưởng cộng sản, còn lúc mà có người hưởng hơn, người
hưởng kém thì phải cho tôi hưởng hơn thì tôi mới hy sinh”. Có người tự làm mờ
lý tưởng của mình và đem một mớ lý luận rẻ tiền ra tự bào chữa như vậy. Vì vậy
cho nên trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta phải thấy rằng lý tưởng cộng sản chủ
nghĩa sẽ soi sáng cho chúng ta cách sống cũng sáng sủa, cũng anh hùng, cũng
vinh quang như những đồng chí tiền bối của chúng ta đã sống trước đây. Hiện nay
ở nông thôn, có một số thanh niên không thích ở nông thôn mà lại thích ra thành
phố, cho rằng ở nông thôn “u tì, lạc hậu, tối tăm”. Còn thanh niên làm những
công việc phục vụ thì cho việc của mình làm là việc “xấu xa”, ví dụ có đồng chí
học xong lớp 7, lớp 8 đi làm hộ lý, nói đùa rằng : “Tôi là bác sĩ đổ bô đây”,
tự khinh rẻ công việc của mình. Còn thanh niên học sinh thì học xong đến một
bậc nào đó, ra chọn ngành, chọn nghề, là một cuộc đấu tranh tư tưởng rất gay
go. Đi dạy học thì bảo là “nghề ráo phổi”, địa chất thì bảo là “nghề khỉ ho cò
gáy”, công nhân và nông dân thì cho là “vai u thịt bắp”. Người thì chê nghề
dược, người chê nghề y, người chê nghề mỏ và tóm lại người nào cũng muốn trở
thành kỹ sư, bác sĩ cả, không ai muốn trở thành những công nhân bình thường. Nhiều
người mê cái mộng “làm to” của mình đến nỗi cái đó trở thành lý tưởng của cuộc
đời. Không trở thành kỹ sư, bác sĩ thì thấy cuộc đời sụp đổ, không còn ý nghĩa
gì hết. Trong quân đội ta cũng thế, có một số đồng chí thanh niên hay vin vào
một số chuyện cá biệt : “Đấy, vừa mới học sinh thì cô ấy yêu, đi bộ đội một cái
là cô ấy đá đít ngay”, thế rồi cho bộ đội là “không ăn thua gì cả”, bao nhiêu
cái vinh quang của bộ đội đều cho là cái khổ sở …
Trái lại, nếu có lý tưởng trong sáng, không lấy lương
to, địa vị cao, đi ô-tô làm mục đích của cuộc đời thì có lương to hay không, có
ô-tô hay không, làm bác sĩ hay công nhân, làm giáo viên hay đi bộ đội, lúc nào
cũng thấy mình là một chiến sĩ cách mạng, luôn luôn thấy mình có cái mơ ước rất
tươi đẹp, cuộc đời rất sung sướng, giống như một người đã yêu ai và được yêu.
Thực ra, trong cương vị nào, nếu có một tinh thần tích cực phục vụ thì vẫn có
thể tạo nên những thành tích lớn, cống hiến được nhiều cho xã hội. Tài năng sẽ
do đó mà bộc lộ ra, không cần phải kêu gào mọi người thấy tài năng của mình. Có
lý tưởng, không khác gì có một tình yêu tốt đẹp. Lý tưởng xã hội chủ nghĩa
không chê ai cả, không chê phụ nữ, ông già, không chê xấu hay đẹp … Lý tưởng xã
hội chủ nghĩa yêu tất cả, nếu ta yêu lý tưởng đó thì đời ta lúc nào cũng thấy
tươi đẹp.
Hiện nay, trong thanh niên chúng ta đã có rất nhiều
người ôm ấp một lý tưởng rất cao đẹp và vì vậy đồng chí đó thấy cuộc đời luôn
luôn là một cái gì vui vẻ, phấn khởi. Ở các đơn vị chúng ta có rất nhiều gương
các đồng chí tân binh, mới vào một vài năm đã trở thành những khẩu đội trưởng
có tài dìu dắt chiến sĩ, bất cứ việc gì khó khăn, nặng nhọc đều gánh vác lấy,
luôn luôn có lý tưởng trở thành chiến sĩ tiền tiến để phục vụ nhân dân. Lấy vài
ví dụ ở ngay Quân khu bộ: đồng chí Ngọc là một giáo viên văn hóa, trình độ lớp
9, lớp 10, phụ trách dạy cho cán bộ, đồng chí ấy đã lấy việc phục vụ làm lý
tưởng của cuộc đời mình, nên đã tìm hết cách dạy làm sao cho những người cộng
sản trước đây bị thất học bây giờ trở thành có học. Vì vậy, ngoài việc dạy văn
hóa, đồng chí đã làm tất cả mọi việc để phục vụ : làm phân, làm cỏ, bê nước …
Hay như đồng chí Chúc, là thợ, mới học đến lớp ba và chỉ là thợ điện, nhưng rất
thích học máy, luôn luôn tìm tòi phát huy sáng kiến và đã sáng chế được máy bơm
dầu. Cái gì đã thúc giục các đồng chí đó làm được như vậy ? Nếu có cô nào cho
các đồng chí đó được như thế thì tôi chắc đó là cô “phục vụ nhân dân”. Hay như
đồng chí Lưu ở đơn vị thông tin, đồng chí Thái Quý ở văn công … Đó là những
gương cụ thể của một phong cách sống của thanh niên có lý tưởng, nếu các đồng
chí đó kiên nhẫn duy trì lý tưởng của mình, nuôi nấng làm sao cho lý tưởng cộng
sản chủ nghĩa ngày càng sâu sắc thì tiền đồ của các đồng chí đó còn rộng rãi vô
cùng, đời sống của các đồng chí còn đẹp đẽ hơn nữa. Đúng như lời đồng chí
Pô-lê-vôi đã nói với em Mi-sa trong cuốn chuyện Thanh đoản kiếm : “Nếu em lấy
phục vụ nhân dân làm mục đích của cuộc đời thì em sẽ vẫy vùng ở nơi biển cả”.
Tôi tin tưởng rằng tất cả những thanh niên có lý tưởng đó đang vẫy vùng ở biển
cả.
Tôi nói sang vấn đề đã nêu ra trong dự thảo báo cáo
chính trị của Đoàn là phải sống, học tập và làm việc như những người cộng sản.
Thế nào là sống, học tập và làm việc như những người
cộng sản ?
Theo tôi hiểu thì người cộng sản có lý tưởng của mình
và toàn bộ cuộc đời mình là nhằm phục vụ cho lý tưởng đó. Cho nên sống như
những người cộng sản là sống cuộc sống khác thường với tất cả mọi người từ đây
trở về trước. Người cộng sản không phải là người mặc áo gấm, đi hia, không phải
là có ria “ghi-đông”, có bụng phệ, không phải là những ông để tóc gọng kính
hoặc chỉ hì hà hì hục lo mặc cho đẹp, lo ăn cho ngon hoặc chỉ lo làm sao vớ
được một tý địa vị về làng khoe ta làm úy nọ, tá kia. Người cộng sản có cách
sống của người cộng sản. Trước đây kẻ địch của chúng ta bắt được các chiến sĩ
cộng sản, chúng tra tấn rồi dụ dỗ, có nhiều đồng chí còn trẻ, chưa vợ, nó đưa
gái đẹp đến hoặc đang lúc nhịn đói thì chúng mang cơm mang rượu đến mời ăn …
Nhưng các đồng chí ấy đã chửi vào mặt nó và thề chết chứ không khai, nhất định
trung thành với lý tưởng của mình cho nên bọn địch tuy gầm thét trước mặt người
cộng sản nhưng chúng đã phải khâm phục và chúng cũng không thể hiểu được tại
sao như thế ; chúng gọi họ là những người “cuồng tín vào chủ nghĩa cộng sản”.
Người cộng sản cũng biết ăn ngon, cũng cần có người yêu … nhưng tất cả những
cái đó để làm gì ? Để phụng sự một lý tưởng, lý tưởng đó không đạt được thì tất
cả những cái kia không có nghĩa lý gì cả. Cho nên người cộng sản khác với những
người khác, không phải ở chỗ không biết đau, không biết ăn ngon … mà chỉ khác ở
chỗ là có một mục đích rất cao cả và có thể hy sinh hết thảy để phấn đấu cho
mục đích cao cả đó. Cho nên bây giờ tôi không nói người cộng sản phải chiến đấu
với kẻ thù như thế nào nữa, cái đó các đồng chí biết rồi. Tôi chỉ nói sống
trong xã hội đang xây dựng chủ nghĩa cộng sản như Liên Xô, đang đề ra cho thanh
niên sống và làm việc như những người cộng sản. Vậy thì sống, học tập và làm
việc như những người cộng sản là như thế nào ? Theo chỗ hiểu biết của tôi, tôi
xin nói với các đồng chí mấy điểm :
Thứ nhất là, coi lao động như nhu cầu của cuộc sống,
coi lao động là sự đóng góp tất yếu của mình cho xã hội, không tính toán danh
vị, không lệ thuộc vào thù lao đối đãi. Đó là một tiêu chuẩn, một nội dung sống
như người cộng sản. Những người cộng sản làm việc là để phục vụ cho dân tộc,
cho xã hội, lấy việc phục vụ nhân dân lao động làm chân lý cho cuộc sống của
mình, lúc nào thấy là mình sống thì lúc đó thấy cần phải làm việc. Chỉ có làm
việc mới thấy là mình sống. Làm việc để xây dựng cuộc đời chứ không phải để
được thù lao. Có khen thưởng, có thù lao thì thêm phấn khởi, nhưng mục đích của
cuộc sống không phải là để lấy thù lao. Chắc các đồng chí ở đây không ai không
biết người nêu cao gương lao động xã hội chủ nghĩa nổi tiếng trên thế giới bây
giờ là Ga-ga-nô-va, một chị thợ dệt ở Liên Xô. Chị đang làm ở một tổ có bậc
lương cao, trong lúc đó có một tổ làm việc kém, làm cho nhà máy vướng mắc mãi,
chị đã xin ngay sang làm việc ở tổ kém mặc dù lương ở tổ đó thấp hơn. Như thế
để nhằm mục đích gì ? – Nhằm mục đích làm cho nhà máy tiến lên. Phong cách mới
đó bây giờ trở thành kiểu mẫu cho thanh niên Liên Xô.
Làm việc theo kiểu cộng sản chủ nghĩa là làm việc
không phải nhằm mục đích được hưởng lương cao hay thấp, mà là để cho nhà máy
phát triển, lương cao cũng được, thấp cũng được, miễn là đạt được mục đích đó
để đóng góp cho xã hội. Thanh niên bây giờ trong việc chọn ngành, chọn nghề
cũng vậy, chúng ta có thể chọn ngành chọn nghề nhưng không thể vì chọn như vậy
mà coi đó là lý tưởng của cuộc đời mình, rồi đến khi không giải quyết được thì
coi như thế là “u tì”. Tôi đọc lại một đoạn trong bài thơ của đồng chí Tố Hữu
“Trăn trối” tả tâm trạng của một anh cộng sản bị tù, tuyệt thực sắp chết, nhưng:
Nếu mai đây có chết một thân tôi
Hai mươi tuổi, tim đang dào dạt máu
Hai mươi tuổi, hồn quay trong gió bão,
Gân đang săn và thớ thịt căng da,
Đời mặn nồng hứa hẹn biết bao hoa !
Hai mươi tuổi mới qua vòng thơ bé
Dù phải chết, chết một đời trai trẻ
Liệm thân tàn bằng một mảnh chiếu con.
Rồi chôn xương rục thối dưới chân cồn
Hay phơi xác cho một đàn quạ rỉa ?
Tôi chẳng tiếc, chỉ cười trông mai mỉa
Bao nhiêu hình ảnh đó vẽ quanh tôi
Tiếc làm chi ? Thế cũng đã sống rồi.
Trường giông tố mấy năm trời vật lộn
Với cách mạng, tôi không hề đùa bỡn
Và không hề dám chối một nguy nan.
Dẫu bao nhiêu thành quả của thanh xuân
Tôi mới hái một đôi lần ít ỏi.
Đấy là thể hiện tất cả khí phách của người cộng sản.
Chúng ta sống là tranh đấu, mà lao động thì bây giờ là làm việc, là lao động,
mà lao động thì bây giờ là một tên lính mới cũng được, chưa được hưởng một chút
gì quả thanh xuân, chưa được hưởng hay chỉ mới được hưởng một ít thôi cũng
được. Thế gọi là sống như người cộng sản, nghĩa là sống lao động, coi lao động
là một cuộc đấu tranh cho xã hội, coi lao động là một nhu cầu cho sự sống,
không kể đến thù lao đối đãi, hăng say làm việc, lao động cần cù để đi đến xây
dựng chủ nghĩa cộng sản. Và nhân đây cũng mong rằng tất cả những người lớn
tuổi, đàn anh của thanh niên cũng có thể đem cái hăng say của mình để tiếp thêm
sức cho thanh niên.
Thứ hai là, phải có thái độ cộng sản chủ nghĩa đối với
của cải của xã hội và đối với con người trong xã hội. Của cải là của chung, là
mồ hôi nước mắt, công sức lao động của mọi người trong xã hội. Nếu nói theo chữ
nghĩa thì cộng sản chủ nghĩa là tư liệu sản xuất, là của chung của xã hội, do
đó ta phải có thái độ có trách nhiệm, phải có tổ chức, phải có quản lý, phải có
kiểm tra nghiêm ngặt để sử dụng của cải chung đó. Đối với con người thì người
cộng sản phải “ta vì mọi người, mọi người vì ta” kính trọng người lao động, đối
với mọi người như đối với bản thân, coi trọng tình bạn, tình đồng chí, phải tôn
trọng phụ nữ, phải giữ gìn trật tự chung, lịch sự với tất cả mọi người … Người
cộng sản sống như thế đấy. Người cộng sản không phải ra đường đối với người này
thì cung kính khúm núm, còn đối với người khác thì quát tháo khinh bỉ, phải
kính trọng mọi người và bình đẳng. Người cộng sản không phải là người đi xem
vợ, thích cô nào thì bỏ tiền ra mua cho bằng được, phải tôn trọng phụ nữ, tôn
trọng tình yêu. Người cộng sản không phải ra ngoài phố cứ nghênh ngang khệnh
khạng, huých người này xô đẩy người kia mà phải tôn trọng trật tự chung, biết
nhường nhịn ở những nơi công cộng. Người cộng sản cũng không phải là người đi
đâu cũng vênh mặt lên, người ta chào cũng không thèm trả lời, nói năng cục cằn.
Tóm lại, người cộng sản phải có thái độ với con người “người với người là bạn”,
bình đẳng, thân yêu nhau, luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Chắc các đồng
chí chưa quên gương chói lọi của 4 anh hùng Thái-Bình-Dương, trong hoàn cảnh
khó khăn là thế, 49 ngày đói khát vẫn giữ được tổ chức kỷ luật, mà lại còn nhớ
tới cả ngày sinh nhật của bạn, về đến nước Mỹ, bọn đế quốc đã không thể nào
tưởng tượng nổi ! Cứ như chúng nó thì lúc đó “khôn sống mống chết”, trái lại
đằng này bốn người thủy thủ Liên Xô trong lúc gian khổ vẫn một lòng giữ gìn kỷ
luật, tôn trọng nhau, giúp đỡ nhau, bảo vệ nhau, rồi lại còn vui sống đọc cả tiểu
thuyết, ngâm thơ, khuyến khích nhau. Người với người là bạn, là bình đẳng, tôn
trọng, thương yêu nhau. Đó là cách sống của người cộng sản.
Thứ ba là, người cộng sản phải là người luôn luôn nâng
cao trình độ và tài năng mọi mặt của mình để cống hiến thật nhiều cho xã hội.
Phải học tập với một tinh thần khảng khái như một nhà hiệp sĩ, học tập không
mệt mỏi. Tại sao như vậy ? Lê-nin có nói đại ý : muốn xây dựng được chủ nghĩa
cộng sản thì người cộng sản phải có tất cả tri thức của loài người từ trước tới
bây giờ. Như thế nghĩa là một người cộng sản phải là một người có tài để xây
dựng chủ nghĩa cộng sản chứ không phải là người “các cậu làm gì thì làm, tớ già
rồi !”. Như thế tức là không có lý tưởng nữa. Người cộng sản không thể tự ti
trước mọi khó khăn vì bản thân mình là người lao động, lao động là sáng tạo ra
thế giới, tri thức cũng chỉ là lao động tổng kết lại mà thôi. Cho nên người
cộng sản phải luôn luôn trau dồi tài năng của mình, không nên cho rằng cuộc đời
của ta không còn có mục đích gì ngoài việc sống sao cho yên ổn, ăn ngày hai
bữa, mùa rét có áo ấm, mùa nực có nơi tắm mát, có vợ có con. Nếu mục đích của
cuộc đời chỉ có thế thôi thì không cần phải học nhiều thật, nhưng nếu mục đích
của cuộc đời là dù còn một hơi thở cuối cùng cũng làm thêm được cho xã hội một
việc gì thì phải học và nhớ là phải học một cách khảng khái, không học vụ lợi.
Nếu học mà không để xây dựng được xã hội đi nữa thì cũng để cho mình biết được
thế giới. Thí dụ như đồng chí Hoàng Văn Thụ và nhiều đồng chí khác biết mai
mình đã lên máy chém, hôm nay vẫn còn học thêm để biết được một nước nào đó
trên thế giới. Cái học của người cộng sản là như thế. Bây giờ cũng có nhiều
người bề ngoài thì tỏ vẻ học như người cộng sản, học rất ghê, học ngày học đêm,
nhưng bên trong thì ôm ấp một lý tưởng khác : dự trữ một cái vốn văn hóa để khi
ra khỏi bộ đội thì có thể vớ được chức trưởng phòng nọ, trưởng phòng kia hoặc
vào đại học … Như thế không đúng, người cộng sản học để biết thế giới, học để
có tài năng xây dựng xã hội. Cũng cần phải chống tư tưởng tự ty. Hiện nay trong
thanh niên nên chống tư tưởng cho rằng có lớp 5, lớp 6 mới học được chứ mình
lớp 2, lớp 3 ăn thua gì. Lớp nào học cũng được, học để hiểu biết, biết lịch sử
của loài người, lịch sử các nước xây dựng chủ nghĩa xã hội như thế nào, biết
được nguyên lý của hỏa tiễn lên mặt trăng, lên sao hỏa ra sao … Ngoài việc học
chính trị, học toán, học ngoại ngữ, v.v… nên đọc báo, đọc sách, đọc tiểu thuyết
cho tâm hồn mình được sung sướng hơn. Khi đọc sách, ta sống với nhân vật trong
truyện tức là sống với những tấm gương tốt, nhờ đó cuộc sống của ta càng phong
phú thêm. Học có nghĩa là như vậy, chứ không phải chỉ cặm cụi có học văn hóa.
Ngoài ra học để có tài năng. Ví dụ đồng chí Chúc làm thợ điện, mua sách tự học
về điện, lại học cả nghề thợ rèn, học cả nghề thợ máy. Hay như đồng chí Thái
Quý chỉ là diễn viên cũng học sáng tác và sáng tác được.
Tóm tắt lại : sống, làm việc và học tập như những
người cộng sản là coi sự sống của mình cần thiết phải có lao động và lao động
nhằm mục đích để xây dựng xã hội chứ không phải mục đích thù lao đối đãi. Người
cộng sản coi xã hội là một tổ chức, trong đó tư liệu sản xuất là của chung của
tất cả mọi người, phải hết sức tôn trọng của cải của xã hội, coi xã hội là tổ
chức mà tất cả mọi người đều bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, trong bất cứ hoàn
cảnh gian nguy hay sung sướng nào cũng giúp đỡ, bảo vệ lẫn nhau, đoàn kết chặt
chẽ với nhau trên tình bạn, tình đồng chí rất thiêng liêng, rất cao quý. Sống
như người cộng sản còn có nghĩa là học tập không mệt mỏi. Học để mở mang thêm
tri thức, học để thâu thái tất cả kho tàng tri thức của loài người, học để làm
cho tâm hồn của mình cao cả, học để nâng cao tài năng xây dựng xã hội, học
không mệt mỏi, học một cách khảng khái, không vì mục đích kiếm cơm kiếm việc.
Thanh niên trong quân đội chúng ta bây giờ muốn phấn
đấu để trở thành có phong cách như vậy thì nên làm gì ? Đây là những ý kiến chỉ
đạo của Quân khu ủy đã thảo luận qua, tôi nói tóm tắt lại có 3 điểm :
Một là học tập lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, nâng cao
giác ngộ xã hội chủ nghĩa. Mỗi thanh niên cố gắng lấy lý tưởng cộng sản chủ
nghĩa làm tư tưởng chủ đạo cho mình và cho mỗi hành động của mình. Muốn có lý
tưởng đó trước mắt phải nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa. Nâng cao giác ngộ
xã hội chủ nghĩa là phải thế nào ? – Là lao động xã hội chủ nghĩa, là tôn trọng
của cải của xã hội, trước mắt phải tích cực xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng cách
chấp hành một cách rất kiên quyết, rất tích cực, rất tiên tiến những chính sách
cụ thể của Đảng trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hóa, vì Đảng đã
xác định đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, mỗi một chính sách của
Chính phủ, mỗi một chỉ thị nghị quyết của Chính phủ và của Đảng về một mặt nào
đó tức là xây dựng chủ nghĩa xã hội về mặt đó. Ví dụ : chính sách lương thực là
để làm cho toàn thể xã hội chúng ta sử dụng lương thực một cách có tổ chức,
không để cho người thì có quá nhiều, người thì cứ đói, như vậy quản lý lương
thực chặt chẽ tức là tổ chức đời sống xã hội chủ nghĩa. Các chính sách như sản
xuất Đông – Xuân, vệ sinh phòng bệnh, thể thao thể dục, v.v… cũng đều nhằm xây
dựng chủ nghĩa xã hội về các mặt đó. Trong xã hội chúng ta, thanh niên là người
có lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, trước mắt đang xây dựng chủ nghĩa xã hội thì
mỗi một chính sách đó là một mục tiêu phấn đấu trước mắt của thanh niên, là một
chiến công của thanh niên, phải phấn đấu thực hiện cho bằng được.
Hai là, yêu cầu thanh niên trong quân đội phải học tập
và rèn luyện về quân sự, chính trị, văn hóa và tinh thần Ba Nhất. Đó chính là
yêu cầu cụ thể của thanh niên trong quân đội. Thanh niên trong quân đội có
nhiệm vụ phải chiến đấu khi Tổ quốc cần đến, đem tài năng của mình ra bảo vệ Tổ
quốc. Muốn có tài năng chiến đấu phải học kỹ thuật, chiến thuật, phải có văn
hóa, phải có trình độ chính trị vững chắc. Hiện nay đang có phong trào thi đua Ba
Nhất là một phong trào nói chung hợp với khí thế của thanh niên, nghĩa là học
cái gì cũng muốn học giỏi nhất, không chịu học một mặt mà học toàn diện và
không phải chỉ học có một mình mà phải làm cho nhiều người học được và học
giỏi. Phải nuôi chí khí phấn đấu luôn luôn rẽ sóng ra khơi, vươn lên hàng đầu.
Đó chính là nhằm bảo vệ chủ nghĩa xã hội, xây dựng chủ nghĩa xã hội và xây dựng
chủ nghĩa cộng sản.
Ba là, yêu cầu mỗi thanh niên trong quân đội phải xây
dựng bồi dưỡng phong cách quân nhân cách mạng. Phong cách đó sự thật đã được
chỉ đạo dưới tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản, cho nên nói quân nhân cách mạng
là phải tôn trọng nhân dân, phải kính già yêu trẻ, không được động đến cái kim,
sợi chỉ của dân, không được bừa bãi ngoài đường phố, ăn mặc phải chỉnh tề,
không được trêu chọc phụ nữ, … làm bất cứ việc gì đều nghiêm chỉnh chính xác,
khẩn trương, phục tùng tổ chức, tự giác tôn trọng mọi quy định, mọi kỷ luật,
v.v… Đó là những đức tính của những người chân thực, những người sống theo ánh
sáng của chủ nghĩa cộng sản. Chúng ta còn rèn luyện để tiến lên chính quy hiện
đại. Chính quy hiện đại là yêu cầu phải có kỷ luật trật tự thật nghiêm túc, tác
phong khẩn trương hoạt bát. Vậy thì, chúng ta hãy tưởng tượng một con người có
trình độ văn hóa rất cao, khỏe mạnh, có tài chiến đấu rất giỏi như những chàng
hiệp sĩ đời xưa, ngoài những cái đó thì rất vệ sinh, sạch sẽ, kỷ luật trật tự,
quần áo gọn gàng, làm việc rất khẩn trương, vui vẻ, hoàn thành nhiệm vụ rất
nhanh chóng và chính xác, rất tháo vát, luôn luôn nhũn nhặn khiêm tốn, tôn
trọng người lao động bình thường, tôn trọng bạn bè, tôn trọng nhân dân, các
đồng chí thử tưởng tượng xem, một con người như thế có đẹp, có đáng yêu không ?
Cho nên quân khu đề ra cho thanh niên nên bồi dưỡng cho mình phong cách của
người quân nhân cách mạng. Làm được như vậy thì thanh niên trong quân đội dần
dần sẽ trở thành những người có phong thái của người cộng sản, những người biết
sống như người cộng sản, đó là những người rất mới và cũng là lực lượng rất lớn
lao của cách mạng.
Các đồng chí !
Muốn thực hiện “sống, học tập và làm việc như những
người cộng sản” phải có sự học tập rèn luyện nhiều, phải có suy nghĩ, có nghị
lực, phải hiểu biết rộng rãi, trau dồi những tư tưởng tốt đẹp, tập luyện những
thói quen tốt đẹp ; phải biết đấu tranh chống những cám dỗ nhất thời, chống
những thói quen và dư luận lạc hậu. Đó là một công phu lớn và lâu dài của mỗi
người, nhưng đó là một mơ ước đẹp đẽ nhất của thanh niên.
Mỗi quân nhân chúng ta hiện nay đều có nghĩa vụ bảo vệ
xã hội xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, bảo vệ độc lập, tự do, thống nhất của Tổ
quốc. Đó là một nghĩa vụ cách mạng. Nhưng chúng ta không phải chỉ cần thực hiện
cho đủ nghĩa vụ đó như một bổn phận bình thường. Chúng ta phải có lòng yêu nước
cao, có tinh thần cách mạng cao, có bản lĩnh chiến đấu, có đạo đức quân nhân
cách mạng. Tất cả những yêu cầu đó lại chính cũng là yêu cầu của những người
cách mạng, của những người có lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Chúng ta là những
thanh niên. Nếu chúng ta đạt được những yêu cầu đó một cách tốt đẹp ở một trình
độ cao thì chúng ta đã tạo cho chúng ta nhiều điều kiện tốt đẹp để sau khi rời
khỏi quân đội sẽ trở thành những người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa tiên
tiến, trở thành những người có những điều kiện tốt để “sống, học tập và làm
việc như những người cộng sản”.
Các đồng chí đang sống ở một thời đại thật là vẻ vang,
thời đại đầy hạnh phúc của tuổi trẻ. Tuổi trẻ luôn luôn mơ mộng những điều cao
cả đẹp đẽ. Trước đây, trong hoàn cảnh bị nô dịch, các cha anh chúng ta đã phải
đổ máu để đi tìm lý tưởng. Ngày nay, lý tưởng ở ngay trước mắt chúng ta, các
người lớn tuổi khuyến khích chúng ta. Chúng ta được tự do, thi đua nhau nói
những điều đẹp đẽ, tìm hiểu những điều cao cả và tự do học tập, phụng sự lý
tưởng cao đẹp của ta.
Tôi xin chúc các đồng chí được hưởng đầy đủ những vẻ
vang và hạnh phúc đó. Tương lai thuộc về các đồng chí.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét