Văn học nghệ thuật không phản ánh cuộc sống một cách
thụ động. Trong xã hội có giai cấp, văn học nghệ thuật có tính chất giai cấp rõ
rệt, nó phục vụ một đường lối chính trị nhất định. Các nhà kinh điển của chủ
nghĩa Mác – Lê-nin và các đồng chí lãnh đạo ta đã nói đầy đủ tính đảng của văn
nghệ và của văn nghệ sĩ.
“Văn hoá nghệ thuật là một mặt trận,
Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”
(Hồ Chí Minh. Về công tác văn hoá, văn nghệ. Nxb. Sự
thật, Hà Nội, 1977, tr.32).
Mấy chục năm quan, văn học nghệ thuật ta mang tính đảng
và tính nhân dân ngày càng sâu sắc, đã luôn luôn là một tấm gương soi trung thực
cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội, cuộc đấu tranh của cách mạng và tiên tiến
chống phản cách mạng và lạc hậu trong mỗi giai đoạn phát triển của sự nghiệp vì
độc lập, tự do và vì chủ nghĩa xã hội của dân tộc ta. Mấy chục năm qua, đội ngũ
văn nghệ sĩ ta đã đứng trên lập trường tư tưởng của Đảng, của giai cấp công nhân
mà sáng tác và biểu diễn, đều rèn luyện trong chiến đấu và nghiêm chỉnh thực hiện
đường lối chính sách của Đảng, từng bước xây dựng nên nền văn học nghệ thuật xã
hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhờ vậy mà “với những thành tựu đã đạt được chủ yếu
trong việc phản ảnh hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, văn học nghệ thuật
nước ta xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học, nghệ thuật
chống đế quốc trong thời đại ngày nay” (Báo cáo chính trị của Ban chấp hành
Trung ương Đảng tại Đại hội IV, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1979, tr.121). Nguyên tắc
tính đảng trong văn học nghệ thuật từ lâu đã là một chân lý sáng ngời, từ lâu đã
là một vấn đề không còn phải bàn cãi gì nữa. Không một ai có ý kiến ngược lại,
trừ một nhúm bọn Nhân văn – Giai phẩm. Thậm chí nghĩ thầm trong bụng, chúng ta
cũng không ai có ý nghĩ ngược lại hoặc hoài nghi vấn đề nguyên tắc tính đảng
trong văn nghệ.
Thế thì tại sao lúc này lại phải nhắc lại “văn nghệ -
vũ khí của cách mạng ?”.
Tổ quốc ta đã bước vào giai đoạn mới. Trong điều kiện
mới, có những thuận lợi và khó khăn lớn mà chúng ta chưa kịp hiểu biết được đúng
đắn và sâu sắc. Văn học nghệ thuật gặp một hiện thực mới, những điều kiện sáng
tác và biểu diễn mới, những đòi hỏi mới cao hơn rất nhiều về chất lượng, về tầm
cỡ, … Tóm lại là, đứng trước một yêu cầu phát triển to lớn vượt bậc, phải đánh giá
lại những gì mình đã làm được và chưa làm được để biết mình sẽ tiếp tục tiến lên
từ chỗ nào và như thế nào. Phải tìm những nội dung mới, những cách thức mới nhằm
đáp ứng những nhu cầu mới. Không ít anh chị em văn nghệ sĩ băn khoăn suy nghĩ,
hăng say tìm tòi nhằm góp phần vào việc phát triển nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa
của ta trong tình hình mới. Đó những cố gắng đầy thiện chí rất đáng hoan nghênh.
Nhưng trong quá trình suy nghĩ, tìm tòi đó, có một số trường hợp do hạn chế về
mặt này hay mặt khác, đã nảy sinh những ý kiến lệch lạc đụng chạm đến những
nguyên tắc cơ bản trong đường lối văn nghệ của Đảng, đến nguyên tắc tính đảng
trong văn nghệ.
Đây phải chăng đã là những sự tìm tòi không đúng chỗ và
đã tìm vào cái chỗ không đáng tìm ?
Thật vậy, thế nào là chân thật ? Chân thật là phản ánh
đúng hiện thực. Hiện thực bao gồm giới tự nhiên, đời sống xã hội, con người, những
tình cảm, những khát vọng của con người và những vấn đề của con người về cuộc sống.
Phản ánh đúng hiện thực nghĩa là không được bịa đặt tuỳ tiện, tưởng tượng vô tội
vạ, vo tròn, bóp méo thực tại sao cho khớp với ý muốn chủ quan của mình, nhưng
cũng không phải là sao chép thực tại từng chi tiết của nó một cách tự nhiên chủ
nghĩa, bị động và lệ thuộc vào cái bề ngoài, không đi được vào chiều sâu, vào bản
chất, vào xu thế phát triển tất yếu của nó. Không thể chỉ biết phản ánh hiện thực
như kiểu “tả chân, tả thực” của thời Vũ Trọng Phụng, v.v… Khi nói đến chủ nghĩa
hiện thực, Ăng-ghen đã chỉ rõ rằng : “ngoài chi tiết chân thực, chủ nghĩa hiện
thực còn đòi hỏi một sự tái hiện chân thực những tính cách điển hình trong những
hoàn cảnh điển hình” (C. Mác – P. Ăng-nghen – V.I Lê-nin. Về văn học và nghệ
thuật, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1977, tr.383 – 384).
Viết về hai cuộc kháng chiến của ta chẳng hạn, đâu phải
cứ miêu tả tỉ mỉ từng trận đánh là phản ánh đúng được hiện thực nếu không từ những
con người và sự kiện được miêu tả phát hiện ra những mối liên hệ sâu sắc trong
thực tế, làm nổi bật lên tinh thần yêu nước nồng nàn, chủ nghĩa anh hùng cách mạng
ngời sáng của nhân dân ta đoàn kết triệu người như một quyết chiến quyết thắng
dưới lá cờ vẻ vang của Đảng trong thời đại ngày nay. Không có những chi tiết chính
xác thì không có được những hoàn cảnh điển hình và tính cách điển hình, nhưng cái
chính là phải sáng tạo cho được những tính cách điển hình trong những hoàn cảnh
điển hình, phải phản ánh và lý giải một cách chân thật, toàn diện cuộc sống với
nội dung xã hội chân chính của nó, trong xu thế phát triển của nó. Điều này rõ
ràng liên quan đến trình độ nhận thức hiện thực và trình độ khái quát nghệ thuật
của nghệ sĩ.
Phải nói rằng hơn ba mươi năm qua, chúng ta đã nhận thức
được hiện thực và tác động tích cực trở lại hiện thực theo chiều hướng đi lên của
lịch sử, trên quy mô rộng lớn của cả một thời đại. Đội ngũ văn nghệ sĩ ta nói
chung, dưới ánh sáng soi đường của Đảng, đã biết nhìn đúng sự thật, đã nắm bắt được
bản chất và xu thế phát triển của xã hội ta và đã miêu tả nó một cách thông
minh, với một sự xúc động chân thành, bằng một ngôn ngữ nghệ thuật khá phong phú.
Những quyển truyện, những bài thơ, những vở kịch, những bức tranh, những bản nhạc
ca ngợi và cổ vũ sự nghiệp chiến đấu và xây dựng hào hùng, tràn đầy khí thế cách
mạng của nhân dân ta, đã thấm vào lòng người, đã nâng cao tâm hồn, trí tuệ của
nhân dân ta, đã góp phần thúc đẩy cách mạng nước ta tiến lên đến thắng lợi ngày
nay. Đó là những tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa đã cố gắng “miêu tả hiện
thực một cách chân thật, cụ thể - lịch sử, trong quá trình phát triển cách mạng
của nó” đấy chứ ! Không thể có sự bất công gọi đó là “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”,
là không chân thật, là “cái phải tồn tại chứ không phải cái đang tồn tại”, là
“một nửa hiện thực tức là sự giả dối” ? Đánh giá như vậy chẳng những không đúng
thực tế mà cũng không đúng với lý luận.
Hiện thực không thể tuỳ tiện, máy móc cắt đôi, cắt ba
ra được. Hiện thực không phải là những con người, những sự kiện tách rời nhau,
cũng không phải là tổng số những con người, những sự kiện. Hiện thực mang nội
dung và ý nghĩa khái quát : nó là toàn bộ, nó là một thể thống nhất, có bản chất
của nó, có quy luật phát triển của nó. Văn học ta viết về hai cuộc kháng chiến
chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chiến đấu và chiến thắng là đúng với hiện
thực trong bản chất của nó, trong xu thế phát triển của nó, chứ không phải chỉ
là “một nửa hiện thực”, là nói dối, cần phải cân bằng lại bằng “một nửa hiện thực”
nữa là những mất mát, hy sinh, thua thiệt, những âm hưởng bi đát của số phận cá
nhân, v.v… mới là chân thật. Chiến tranh đúng là đổ máu, là khắc nghiệt, nhưng
cả loài người tiến bộ đều đã ca ngợi Việt Nam chiến đấu và chiến thắng như thế nào và vì sao. Kẻ thù
còn đó, còn luôn luôn đe doạ xâm lược nước ta. Nếu cần, chúng ta lại sẽ chiến đấu
và chiến thắng như thế nữa hoặc hơn thế nữa. Đó là hiện thực Việt Nam, hoàn cảnh Việt Nam, những con người Việt Nam, đạo đức Việt Nam. Cho nên, nếu bàn đến việc nâng cao hơn nữa tính hiện
thực của văn học viết về chiến tranh thì không phải chỉ cần thêm cái mảng những
mất mát, hy sinh, thua thiệt, mà là phản ánh “cho hay, cho chân thật và cho hùng
hồn” toàn bộ cuộc chiến đấu vĩ đại ấy, trong đó âm hưởng chủ đạo vẫn là âm hưởng
anh hùng.
Hiện thực phải được nhận thức, lý giải và phản ánh
trong chính thể của nó, đúng với bản chất của nó và trong xu thế phát triển của
nó cũng có nghĩa là ở đây lý tưởng và hiện thực, cái phải tồn tại và cái đang tồn
tại gắn bó với nhau, cái sau là cơ sở cho cái trước và cái trước là xu thế tất
yếu của cái sau. Hiện thực luôn luôn là cái đang vận động đó. Nhưng nó có sự vận
động phát triển, tiến bộ, đi lên và cũng có sự vận động phản động ngược lại. Điều
đó tạo ra một trạng thái đấu tranh, đặc biệt trong xã hội ta, đang ở trong thời
kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, thái độ của văn nghệ phải như thế nào trước
cái vận động phát triển, đi lên, là vũ khí hay không là vũ khí, là ở chỗ này đây.
Tình hình đấu tranh phức tạp làm cho văn nghệ sĩ khó nhìn thấy cái phát triển đi
lên chăng ? Nhưng còn chỗ đứng và thái độ của văn nghệ sĩ nữa chứ ! Cùng một sự
việc (hay một hiện thực) vẫn có thể có hai (hoặc nhiều) cách nhìn khác nhau,
hai (hoặc nhiều) cảm xúc khác nhau. Văn nghệ sĩ cảm xúc thế nào và truyền lại cảm
xúc ấy cho người thưởng thức thế nào ? Có những đồng chí sáng tác “có ý định”
(về lý trí) truyền cái cảm xúc này nọ cho độc giả, khán giả, nhưng kết quả lại
cứ ngược lại ! Vậy là tại sao ? Hoặc là tác giả đã bộc lộ cái cảm xúc thật của
mình, hoặc là tài năng, bản lĩnh chưa đủ để thực hiện ý định của mình. Vậy ta
phải kiểm tra lại cảm xúc của ta chứ ?
Đương nhiên, chúng ta không thoả mãn với những thành tựu
đã đạt được. Nâng cao tính chân thật, nâng cao chất lượng của các tác phẩm văn
học nghệ thuật luôn luôn là một yêu cầu của Đảng ta, của nhân dân ta, của mỗi
nghệ sĩ. Bên cạnh những tác phẩm thành công, trong văn nghệ ta còn có những tác
phẩm không thành công, đơn giản và sơ lược. Ngay cả trong một số tác phẩm thành
công đã được đánh giá cao một thời, ngày nay nhìn lại vẫn thấy có chỗ chưa hay,
chưa đủ chân thật và hùng hồn. Đó là vì tính chân thật trong từng tác phẩm cụ thể có những hạn chế lịch sử của nó ;
hoặc là do hiện thực khách quan lúc bấy giờ chưa bộc lộ rõ ; hoặc là do trình
độ nhận thức hiện thực khách quan của nghệ sĩ còn có chỗ chưa đủ sâu sắc ; hoặc
là do điều kiện đấu tranh phức tạp chưa cho phép nói công khai một số sự thật
nào đó, v.v… Nhưng trong bất cứ trường hợp nào hoặc cộng tất cả các trường hợp
ấy lại cũng không thể kết luận rằng văn nghệ không chân thật, rằng đó là “sự
miêu tả cái phải tồn tại lấn át cái đang tồn tại”, là “chủ nghĩa hiện thực phải
đạo”, là “một nửa sự thật”.
Đối với những chỗ non yếu và thiếu sót có thật của văn
nghệ ta trong giai đoạn vừa qua cũng phải thấy đầy đủ mọi nguyên nhân. Có những
điều kiện khách quan hạn chế. Có những khuyết điểm và nhược điểm trong công việc
của chúng ta. Và nhiều khi những cái khách quan, chủ quan ấy lại đan chéo vào
nhau. Ví dụ, bệnh công thức sơ lược trước hết là do tác giả, nhưng cũng có nhiều
nguyên nhân khác nữa.
Ngay trong một số trường hợp người sáng tác cảm thấy bị
gò bó hoặc buộc phải sửa chữa tác phẩm theo yêu cầu của một tờ báo, một nhà hát,
một nhà xuất bản chẳng hạn, cũng cần có sự phân tích thấu đáo để khỏi có sự ấm ức
trong lòng : dường như tranh bị loại mới là tranh đẹp, văn học trong bản thảo mới
là của tác giả, mới là hiện thực ; còn văn học in ra thì không hiện thực và không
còn là của tác giả nữa. Ở đây có thể có sự can thiệp không cần thiết hoặc thô bạo
của cán bộ lãnh đạo chính trị hoặc không hiểu đầy đủ đặc trưng của văn nghệ, sự
tinh tế và tác dụng lâu dài, nhiều mặt của văn nghệ, cứ muốn tác phẩm nào cũng
phải có tác dụng tức thời cụ thể ngay vào một nhiệm vụ chính trị trước mắt. Thảng
hoặc cũng có những cán bộ biên tập vin vào những yêu cầu chính đáng của một cơ
quan xuất bản để bắt bẻ, đề ra những yêu cầu quá đáng đối với tác giả. Nhưng cũng
có thể có sự hiểu biết và tu dưỡng của tác giả chưa đủ toàn diện và sâu sắc, trách
nhiệm của tác giả chưa đủ cao. Tác giả có nhiệt tình và động cơ tốt muốn đóng góp
nhiều tác phẩm hay, nhưng chỉ nhiệt tình và động cơ tốt chưa đủ. Ví dụ : cách mạng
nước ta hiện nay gặp nhiều khó khăn cực kỳ to lớn, song nó vẫn tiến lên trong
khó khăn gian khổ ; nếu không có một nhận thức đúng đắn, biện chứng, theo quan điểm
của Đảng thì sẽ có thể đề ra những câu hỏi đại loại như “Chủ nghĩa xã hội tốt đẹp
sao ngày lại càng lắm khó khăn, cách mạng tiến lên sao lại có nhiều hiện tượng
tiêu cực ?” thì sẽ không làm chủ được tình hình, sẽ lúng túng loay hoay với ngòi
bút của mình.
Vậy là phải nhận thức được yêu cầu của cách mạng trong
từng giai đoạn, nhiệm vụ của văn nghệ và của văn nghệ sĩ - chiến sĩ, luôn luôn
nâng cao tính Đảng của mình về mọi mặt, trong tư tưởng, trong tình cảm, trong sáng
tác. Phải “viết từ trái tim mình, nhưng trái tim ấy thuộc về Đảng” (Sô-lô-khốp).
Điều quan trọng hàng đầu chưa phải là nói sự thật này, sự thật nọ mà là cân nhắc
xem mỗi điều mình viết ra có lợi hay có hại cho cách mạng. Lại phải thấy rằng các
cơ quan lãnh đạo văn nghệ của Đảng cũng chỉ muốn và làm tất cả để có nhiều tác
phẩm hay, thấu suốt các yêu cầu của cách mạng. Mỗi nhà xuất bản có tôn chỉ mục đích
của nó, tất phải có những yêu cầu nhất định đối với các tác giả để văn nghệ thực
sự là vũ khí của cách mạng, v.v… Theo hướng đó, sẽ dễ dàng tìm thấy sự nhất trí
giữa người sáng tác và người quản lý văn nghệ. Mâu thuẫn vẫn còn có thể xảy ra,
nhưng khi những nguyên nhân tạo nên mâu thuẫn đã được phân tích thấu đáo và trên
tinh thần đồng chí thì cũng dễ giải quyết thoả đáng.
Tóm lại, cần có một sự đánh giá đúng đắn nền văn nghệ
hiện thực xã hội chủ nghĩa của chúng ta trong giai đoạn vừa qua. Chúng ta tự hào
đã có được những tác phẩm ghi dấu một chặng đường phát triển của văn nghệ ta, xứng
đáng với dân tộc ta, nhân dân ta. Hãy biết quý trọng những giá trị do mình và
anh chị em mình tạo ra trong máu và nước mắt. Hãy công bằng với mình và công bằng
với mọi người. Bởi vì, một sự đánh giá không công bằng, hạ thấp hay phủ định những
thành tựu đã đạt được qua bao nhiêu năm phấn đấu gian khổ và đầy hy sinh, dễ gây
nên sự chán nản, nghi ngờ và đặt lại cả những vấn đề cơ bản nhất, những vấn đề
thuộc về nguyên tắc.
* * *
Một vấn đề cơ bản khác cũng chớm được đặt lại trong bối
cảnh ý kiến phân vân, tâm trạng bối rối của một số người là vấn đề chức năng của
văn học nghệ thuật xã hội chủ nghĩa của chúng ta.
Coi văn nghệ ta chỉ là “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”,
văn học ta chỉ là một thứ văn chương “phải đạo” là muốn nói văn nghệ ta là văn
nghệ giáo huấn viết theo ý muốn của lãnh đạo. Nói trong văn nghệ ta “nhận thức
lý tính lấn át hình tượng, nội dung lấn át hình thức” cũng tức là nói văn nghệ
ta chỉ chú ý đến tư tưởng mà không chú ý đến
nghệ thuật. Đánh giá văn nghệ ta còn khá là sơ lược, giản đơn, có ý kiến đã
khẳng định rằng đó là do một quan niệm dung tục về mối quan hệ giữa văn nghệ và
chính trị, “tuyệt đối hoá hiện thực”, “tuyệt đối hoá chính trị”, do một “quan
niệm thô thiển về chức năng của văn học”, v.v…
Cứ thế hình thành một khuynh hướng cho rằng văn nghệ
ta lâu nay chỉ chú trọng có một chức năng giáo dục tư tưởng. Tư tưởng ở đây lại
được hiểu là những công thức, khuôn sáo định sẵn mà nghệ sĩ đành phải tuân theo
cho “phải đạo”. Có người đã nói thẳng ra rằng : tư tưởng tác phẩm chỉ là tư tưởng
của Đảng, còn tư tưởng của tác giả trong đó thì hầu như bằng không. Câu nói này
thoạt đầu có thể là chỉ nhằm chê trách những tác phẩm nhạt nhẽo, thiếu cá tính
sáng tạo, tức là thiếu sự độc đáo của tác giả trong cách nhìn, cách khái quát
những hiện tượng của cuộc sống, v.v… Nhưng từ đó, trong bối cảnh nói trên lại hình
thành những luận điệu kỳ quặc chia cắt con người nhà văn ra làm hai ; nhà văn với
tư cách là người mang tư tưởng của bản thân nhà văn và nhà văn với tư cách là
người tuân theo tư tưởng của Đảng ; chia văn học ra làm hai thứ : văn học với tư
cách là tấm gương phản ánh hiện thực bằng sáng tạo nghệ thuật.
Chia cắt như thế rõ ràng là phi lý. Không có hai con đường
nhà văn tách rời nhau như vậy trong một nhà văn xã hội chủ nghĩa. Không có hai
thứ văn học như vậy trong một nền văn học xã hội chủ nghĩa. Nhà văn là người
tuyên truyền tư tưởng của Đảng bằng tiếng nói của riêng mình. Khi là tấm gương
phản ánh hiện thực bằng sáng tạo nghệ thuật, văn học vẫn phải là vũ khí tư tưởng
của Đảng, văn học chỉ làm được vai trò là một vũ khí tư tưởng sắc bén và nhuần
nhị của Đảng khi nó là tấm gương phản ánh trung thực hiện thực bằng sáng tạo
nghệ thuật.
Cần nói rõ thêm điểm này.
Chúng ta coi văn nghệ là vũ khí của cách mạng. Nhưng
muốn đóng vai trò là vũ khí của cách mạng, văn nghệ phải thực hiện đồng thời và
đầy đủ mọi chức năng của nó.
Một tác phẩm đáng gọi là tác phẩm nghệ thuật là một thể
thống nhất, chỉ có trong tư duy lý luận chúng ta mới có thể phân tích ra nào là
nội dung, nào là hình thức, nào là tính tư tưởng, nào là tính nghệ thuật. Nhưng
rồi lại cũng phải nói đến quan hệ biện chứng, tác động qua lại giữa chúng với
nhau. Tác phẩm nghệ thuật tác động đến chúng ta cũng là tác động bằng cái thể
thống nhất đó của nó và tác động vào toàn bộ các năng khiếu của con người chúng
ta, chỉ có trong lý thuyết, chúng ta mới có thể phân tích ra các phương thức và
hình thái khác nhau của sự tác động đó.
Một buổi diễn kịch làm cho chúng ta hài lòng thì khoái
cảm thẩm mỹ đó là toàn bộ cuộc biểu diễn ấy, do những hình tượng nghệ thuật sân
khấu đẹp đã được tạo nên bằng toàn bộ cuộc biểu diễn ấy kể từ lúc ánh đèn tắt và
màn mở. Những hình tượng nghệ thuật ấy làm chúng ta rung động, đem lại cho chúng
ta những nhận thức mới về cuộc sống, nâng cao chúng ta lên về tư tưởng, tình cảm,
đạo đức, gợi lên trong ý thức, trong trí tưởng tượng của chúng ta những liên tưởng
nhiều mặt làm cho những hình tượng nghệ thuật ấy dường như thêm dầy dặn, phong
phú, hoàn chỉnh, khiến chúng ta phải khóc, phải cười, phải tin vào những điều mà
buổi biểu diễn muốn truyền cảm đến chúng ta. Làm sao có thể cắt rời nội dung cuộc
sống được phản ánh với hình thức nghệ thuật của tác phẩm sân khấu đó, với những
tư tưởng và quan điểm chứa đựng trong nó và do nó gợi lên ? Làm sao có thể máy
móc nói được rằng những bức tranh trung thực về cuộc sống của con người được phản
ánh trên sân khấu thì làm chức năng nhận thức ; những ý niệm, quan niệm, lý tưởng,
v.v… thì làm chức năng giáo dục tư tưởng ; còn phong cách, thủ pháp nghệ thuật,
sáng tạo tài tình của đạo diễn, của diễn viên thì làm chức năng thẩm mỹ ? v.v…
Không ? Tác phẩm nghệ thuật làm toàn bộ các chức năng
của nó bằng cái toàn bộ của nó, bằng cái thể thống nhất của nó. Khi phân tích tác
phẩm nghệ thuật ra thành nội dung và hình thức, tính tư tưởng và tính nghệ thuật,
khi bàn đến chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, v.v… của văn nghệ nhằm nghiên
cứu để thúc đẩy sự phát triển của văn nghệ ta, chúng ta thấy những cái đó có thể
có chỗ chưa thật hài hoà với nhau. Cho nên chúng ta không được phép cắt rời, cô
lập những cái đó ra, càng không thể đối lập chúng với nhau. Thủ tướng Phạm Văn Đồng
yêu cầu tính tư tưởng phải 100 %, tính nghệ thuật cũng phải 100 % là theo tinh
thần ấy. Văn nghệ ta phải làm đồng thời và đầy đủ các chức năng chủ yếu của nó
là nhận thức, giáo dục thẩm mỹ mới là vũ khí sắc bén của cách mạng và bất cứ xét
về mặt làm chức năng nào nó cũng phải là vũ khí của cách mạng. Không phải chỉ làm
chức năng giáo dục, nó mới là vũ khí tư tưởng của Đảng hoặc vì là vũ khí tư tưởng
của Đảng nên nó chỉ cần làm một chức năng giáo dục là đủ, không cần làm chức năng
nhận thức thẩm mỹ. Càng không phải là khi làm chức năng thẩm mỹ, nó không cần
phải là vũ khí tư tưởng của Đảng. Nếu có người nói đến chức năng giải trí thì
ngay cả khi làm chức năng giải trí, văn nghệ ta vẫn phải là vũ khí của cách mạng.
Vẫn phải đem lại khoái cảm thẩm mỹ trong sáng lành mạnh, bởi vì chúng ta không
cần đến một sự giải trí trống rỗng hoặc buông thả, có hại.
Coi văn nghệ cũng chỉ là một công cụ giáo dục tư tưởng
như mọi công cụ giáo dục tư tưởng khác, không chú ý đến đặc trưng, đến tính chất
nghệ thuật, đến sức mạnh riêng của nó là không đúng. Đó là sự ấu trĩ. Đó là một
quan niệm đơn giản và sơ lược - gọi là thô thiển cũng được - về chức năng của văn
học. Quan niệm này ở một phạm vi nào đó, kể cả trong sáng tác chứ không riêng gì
trong lý luận phê bình và chỉ đạo văn nghệ, ở một số địa phương nào đó và trong
một thời gian nào đó đã ít nhiều có hại cho sự phát triển của văn học – nghệ
thuật nước ta. Chúng ta cần khắc phục bệnh ấu trĩ đó, các cán bộ chính trị lãnh
đạo văn nghệ ngày nay cần nâng cao hiểu biết của mình về văn nghệ để vũ khí sắc
bén này trong tay Đảng càng phát huy hiệu quả nhiều hơn.
Nhưng thật là không đúng nếu cho rằng quan niệm thô
thiển ấy dường như quán xuyến, kéo dài, chi phối văn học ta giai đoạn vừa qua, đến
mức làm xói mòn năng lực thẩm mỹ của công chúng, làm khô cằn khả năng sáng tạo
nghệ thuật và ý thức trách nhiệm xã hội đúng đắn của nhà văn, tạo nên một sự cản
trở vừa ở ngoài họ, quanh họ, vừa ở trong chính họ, nghĩa là coi nó như là nguyên
nhân duy nhất hoặc chủ yếu, quan trọng nhất của cái gọi là “sự trì trệ trong văn
học”.
Nếu từ đấy lại cho rằng vì lâu nay đã quá nặng về chức
năng giáo dục rồi, bây giờ không cần nói đến nó nữa mà phải nhấn mạnh chức năng
thẩm mỹ, thậm chí chức năng giải trí của văn nghệ, thì lại càng sai lầm hơn.
Đáng tiếc là trong thực tiễn, đã chớm xuất hiện xu hướng
ấy : ít bàn đến chức năng giáo dục, ít bàn đến tính tư tưởng của tác phẩm mà
quan tâm nhiều đến hình thức hấp dẫn trong văn nghệ, thiên về mặt hình thức hấp
dẫn trong văn nghệ, thiên về mặt hình thức biểu hiện, phong cách nghệ thuật, thủ
pháp nghệ thuật, câu chữ, lời văn, v.v… “còn về nội dung thì miễn không sai là được
rồi !” (sự thật là đã có những cái sai về nội dung tư tưởng).
Đảng ta chưa bao giờ tha thứ bệnh công thức sơ lược và
tự nhiên chủ nghĩa trong văn học – nghệ thuật, nghĩa là Đảng ta luôn luôn yêu cầu
các tác phẩm phải có tính nghệ thuật cao. Một tác phẩm hay phải có tính tư tưởng
cao và tính nghệ thuật cao, phải tạo ra được những cảm xúc sâu sắc và mạnh mẽ,
tạo ra những khoái cảm thẩm mỹ đậm đà, đem lại cho tâm hồn và tình cảm con người
một chiều cao mới. Tất nhiên, ta không thể đòi hỏi một tác phẩm nghệ thuật có một
tác động tư tưởng để giải quyết một vấn đề cụ thể ngay lập tức trong cuộc sống.
Nghệ thuật tác động vào con người một cách toàn diện và lâu dài. Nhưng ta cũng
không thể chấp nhận một tác phẩm nghệ thuật không ăn nhập chút gì với những vấn
đề nóng hổi của cuộc sống, của nhiệm vụ cách mạng, dù cho đó là một tác phẩm “cổ
điển” có tính tư tưởng sâu sắc và tính nghệ thuật cao.
Tác phẩm nghệ thuật phải hấp dẫn, phải mang lại cho người
thưởng thức một khoái cảm, một sự thú vị. Vì vậy, cần phải hết sức quan tâm phân
biệt những thị hiếu, nhu cầu chính đáng, cao cả và những thị hiếu, nhu cầu tầm
thường, lạc hậu, thậm chí phản động nữa trong những người thưởng thức. Một tác
phẩm “ăn khách” không phải luôn luôn là một tác phẩm hay và tốt. Văn nghệ với tư
cách là một chủ thể sáng tạo còn có nhiệm vụ tạo ra cho mình một đối tượng chân
chính của chủ thể. Và khi có một đối tượng chân chính ấy thì chính đối tượng ấy
lại trở thành chủ thể sáng tạo cùng với văn nghệ sĩ tạo nên một nền văn nghệ chân
chính và cao cả.
Đây là một vấn đề hết sức tinh tế và khó khăn không thể
có bất cứ một cách lý giải đơn giản nào giải quyết được.
Chúng ta cần những tác phẩm văn nghệ không chỉ đúng, mà
còn hay, đa dạng, hấp dẫn, xúc động lòng người, chưa xem thì náo nức muốn xem,
xem rồi lại muốn xem nhiều lần nữa, chứ không cần những tác phẩm văn nghệ khô
khan, nhạt nhẽo. Nhưng sự hấp dẫn nghệ thuật trước hết là do nội dung kết cấu của
tác phẩm, do những vấn đề đặt ra trong đó có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc cuốn hút
lòng người, do những ý tưởng đẹp đẽ cao sâu, từ những tình tiết của câu chuyện
cứ bừng lên như những ánh chớp và lan tới tâm tư tình cảm của mọi người, v.v…
chứ không phải chỉ đơn thuần là do hình thức biểu hiện. Đi săn tìm những yếu tố
hấp dẫn về mặt hình thức, chiều theo những thị hiếu tầm thường, hấp dẫn chỉ để
mà hấp dẫn, mới lạ chỉ để cho mới lạ, đi vào những bi kịch cá nhân, tạo nên những
tính cách “dữ dội”, phi lý, tất cả những biện pháp ấy không tạo nên được sự hấp
dẫn nghệ thuật chân chính. Chỉ chú trọng đến hình thức biểu hiện, phong cách và
thủ pháp nghệ thuật mà coi nhẹ nội dung tư tưởng của tác phẩm cũng không đủ để
nâng cao tính nghệ thuật của tác phẩm, để văn nghệ làm tốt chức năng thẩm mỹ của
nó.
Tất cả những điểm vừa trình bày
trên đây đều chứng tỏ : văn nghệ với đặc trưng vốn có của nó tác động nhiều mặt
vào con người theo cách nhận thức riêng của nó, cùng một lúc nó làm tất cả chức
năng chủ yếu của nó là nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ và chính vì vậy nên nó mới
là vũ khí sắc bén của cách mạng.
* * *
Cuộc sống luôn luôn đặt ra những vấn đề mới. Văn nghệ
cũng luôn luôn đặt ra những vấn đề mới. Phải suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo nếu chúng
ta muốn tiếp tục tiến lên nữa. Những suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo không chỉ đòi
hỏi có nhiệt tình, còn phải có nhận thức đúng, phương pháp đúng.
Một số ý kiến lẻ tẻ cho chúng ta một nhận xét là đã chớm
nở một xu hướng đặt lại những vấn đề cơ bản thuộc về nguyên tắc của văn nghệ ta
là vấn đề tính chân thật và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, vấn đề chức năng
của nghệ thuật ta. Hiện tượng ấy có bối cảnh lịch sử của nó, trước hết là do một
nhận thức còn hạn chế và hời hợt về tình hình đất nước, do một phương pháp tư tưởng
siêu hình, thiếu khoa học. Những anh chị em tự giác hay không tự giác theo xu hướng
này đều xuất phát từ chỗ chân thành muốn cho văn nghệ làm tốt được vai trò vũ
khí của cách mạng. Không ai nghi ngờ thiện chí đó của anh chị em, nhưng có lẽ vì
anh chị em quá tự tin vào sự chân thành và thiện chí của mình nên cứ phát biểu
không cần đắn đo cân nhắc, do đó không tự biết mình rơi vào sai lầm.
Chúng ta khuyến khích sự suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo vì Tổ quốc và vì chủ nghĩa xã hội, vì sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của nền văn nghệ cách mạng của chúng ta. Không thể đòi hỏi sự suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo đó tuyệt đối không được có một chút lệch lạc, sai lầm nào. Nhưng có một ranh giới để luôn luôn tự kiểm tra mình, để nhận biết mình : đó là tính Đảng trong văn nghệ, là những vấn đề thuộc về nguyên tắc trong đường lối văn nghệ của Đảng ta. Cần chú ý rằng kẻ địch xấu xa và thâm độc vẫn rình mò đây đó, hễ thấy trong chúng ta, những người nắm vũ khí tư tưởng sắc bén và nhuần nhị này, có tí gì chuệch choạc về nhận thức và tư tưởng là chúng len vào khai thác đến cùng. Vì vậy, những ý kiến lạc hướng nói trên, tuy xét về số lượng chỉ là rất ít và mới chớm nở lẻ tẻ, nhưng xét về tính chất thì là sai lầm nghiêm trọng vì thực sự nó đã đụng đến những vấn đề về nguyên tắc, phải được quan tâm kịp thời.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
Chúng ta khuyến khích sự suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo vì Tổ quốc và vì chủ nghĩa xã hội, vì sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của nền văn nghệ cách mạng của chúng ta. Không thể đòi hỏi sự suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo đó tuyệt đối không được có một chút lệch lạc, sai lầm nào. Nhưng có một ranh giới để luôn luôn tự kiểm tra mình, để nhận biết mình : đó là tính Đảng trong văn nghệ, là những vấn đề thuộc về nguyên tắc trong đường lối văn nghệ của Đảng ta. Cần chú ý rằng kẻ địch xấu xa và thâm độc vẫn rình mò đây đó, hễ thấy trong chúng ta, những người nắm vũ khí tư tưởng sắc bén và nhuần nhị này, có tí gì chuệch choạc về nhận thức và tư tưởng là chúng len vào khai thác đến cùng. Vì vậy, những ý kiến lạc hướng nói trên, tuy xét về số lượng chỉ là rất ít và mới chớm nở lẻ tẻ, nhưng xét về tính chất thì là sai lầm nghiêm trọng vì thực sự nó đã đụng đến những vấn đề về nguyên tắc, phải được quan tâm kịp thời.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét