Hồi đó (khoảng 1983-1984) khu sáng tác Đại Lải vừa hoàn thành và bắt đầu nhận một số văn nghệ sĩ tới ngồi sáng tác. Đó là một vùng cảnh quan trung du tuyệt đẹp với những biệt thự xây trên các triền đồi cạnh bên hồ nước xanh ngắt bao la, chỉ cách Hà Nội chừng một giờ xe chạy.
Các
biệt thự cách nhau vừa đủ để người ở biệt thự này không làm gì ảnh hưởng tới
người ở biệt thự kia, nhất là khi họ đang “nhập thần” sáng tác. Ngay tại mỗi
biệt thự có hai căn hộ cùng vách nhưng riêng biệt. Mỗi văn nghệ sĩ, nếu được
mời, sẽ sử dụng một căn hộ gồm phòng ngủ, phòng làm việc, phòng ăn cùng khu tắm
giặt, vệ sinh khép kín. Đến giờ ăn, theo yêu cầu cụ thể của người sáng tác, nhà
bếp sẽ phục vụ tận phòng riêng, vì có người thì thức cả đêm để viết nên ngủ
muộn ăn muộn, có người thì như nhân viên hành chính : viết ngày, ngủ đêm ...
Chứ không như bây giờ, văn nghệ sĩ cả đoàn, văn-thơ-nhạc-họa-nhiếp ảnh ... đi
chung, ở chung trong một căn phòng trong một nhà, giờ giấc như trại lính, ăn
cùng giờ, ngủ cùng giờ. Thế mà cũng gọi là đi sáng tác. Không biết sáng tác
kiểu gì? (Cũng có phòng VIP đầy đủ tiện nghi nhưng để cho thuê làm kinh tế).
Tiêu
chuẩn ăn ở đây được nhà nước đài thọ hoàn toàn, ăn bữa nào cũng như đại tiệc.
Anh em bên quân đội cho biết, còn hơn “tiểu táo cấp tướng”. Mà người được mời
đến đây được cung phụng tối thiểu một tháng, có khi hơn, vì thường là người có
công trình “nặng ký” (chứ không phải như bây giờ, chỉ mười lăm ngày, cùng với
cả một đoàn ầm ào).
Lúc
đó, đời sống văn nghệ sĩ cực ghê gớm, “độc lập tự do, ăn bo bo thế gạo”, nên
được mời đến đây, từ ăn tới ở “oách” chưa từng hưởng, giữa khung cảnh trời mây
sông nước hữu tình, được thoải mái một mình sống với nhân vật, không có ai quấy
rầy, những gì ấp ủ lâu nay chưa “đẻ” được vì chuyện cơm áo gạo tiền khắc khoải,
thì đó là khoảng thời gian thần tiên.
Chúng
tôi chỉ biết tri ân vô cùng người đã có sáng kiến học cách “đầu tư chiều sâu”
của Hội nhà văn Liên Xô và đốc thúc quyết liệt thực hiện sáng kiến này. Người
có sáng kiến và quyết liệt thực hiện sáng kiến đó là anh Trần Độ, khi đó là Thứ
trưởng kiêm Bí thư Đảng đoàn Bộ Văn hóa (và được ông Vũ Quang Triệu, Vụ trưởng
Vụ Kế hoạch hết sức ủng hộ). Lúc tôi đến khu sáng tác Đại Lải thì anh là Trưởng
ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương Đảng và đang có mặt tại căn nhà nhỏ của gia
đình (nguồn gốc là nhà lán trại của công trình, anh Độ mua và xây lại), cạnh
khu sáng tác.
Lần
đó tôi gấp rút hoàn thành tập 3 bộ tiểu thuyết “Dòng sông phẳng lặng”. Từ Huế
đến, dịp này, còn có Hoàng Phủ Ngọc Tường. Anh hoàn tất tập bút ký “Hoa trái
quanh tôi”.
Đã
có nhiều buổi cuối chiều, thường vào giờ Tường và tôi thư giãn tản bộ, anh Độ
qua chơi và hay rủ chúng tôi đi lên phía đỉnh đồi đầy sim lộng gió phía sau khu
sáng tác. Một hôm, hái mấy quả sim chín chia cho tôi và Tường, anh vừa cười vừa
nói :
- Quê
tớ ở Thái Bình, chẳng có đồi sim mua gì sất. Nên ngày còn bé, khi nghe
mấy câu : “Muốn tắm mát, lên ngọn sông Đào / Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh
/ Hai tay anh vít cả hai cành ...”, tớ cứ tưởng cây sim to như cây đa. Hê hê
...
Anh
và hai chúng tôi cười vang cả khu đồi. Tiếng cười thiệt thà của anh khiến chúng
tôi vui quá trước chuyện ngây thơ lạ lùng của một người anh từng trải. Anh nói
tiếp :
- Cho
đến ngày đi cách mạng, lên Bắc Giang,Thái Nguyên mình mới biết cây sim bé tí
din ! - Anh lại cười. Rồi chợt tư lự như đang liên tưởng tới một chuyện gì khác
ít vui nhộn hơn.
Đúng như thế. Anh kể :
Đúng như thế. Anh kể :
- Mình
viết tập hồi ký Bên sông đón súng, có bối cảnh là An toàn khu (ATK) là vùng
ngoại thành Hà Nội, phía Bắc sông Hồng. Có đoạn kể chuyện tập bắn súng ngắn của
ông Thận (cụ Trường Chinh). Chả là chuẩn bị Cách mạng tháng Tám, ai cũng phải
biết bắn súng mà. Bọn mình đưa Cụ xuống lòng con mương cạn, dưới chân đê kín
đáo. Mình kéo lui kéo tới quy-lat khẩu súng lục mấy lần để cho Cụ thấy đã kiểm
tra là không còn viên đạn nào hết. Để không gây tiếng ồn náo động. Tưởng vậy là
kỹ rồi, nhưng khi cầm khẩu súng, Cụ vẫn kéo lui kéo tới rạt rạt mấy lần nữa,
rồi còn bấm, rút cái sạc-rơ ra xem đúng là không còn viên đạn nào “kẹt” trong
đó, Cụ mới cho bắt đầu buổi tập. Cụ kỹ kinh không? Ai đặt tên cho Cụ là Thận
đúng thật.
Anh
nở nụ cười không ra vui cũng chẳng ra buồn, nói :
-
Tớ chỉ viết như thế trong hồi ký, vậy mà sau này, tại một kỳ họp Quốc hội, lần
đó, vào giờ nghỉ giải lao, Cụ kêu tớ ra một góc riêng, giọng rất nghiêm túc
nhắc lại cái đoạn chết tiệt ấy, rồi “góp ý” chắc nịch: “Lần sau có gì cần góp ý
với mình thì cậu cứ trao đổi thẳng thắn, làm gì phải viết ra sách ra vở như
vậy!”. Bỏ mẹ thật, Cụ không biết đùa các cậu ạ! ...
Trước
những ngày ở Đại Lải, tôi đã khâm phục xen lẫn lạ lùng, sao một vị tướng
đã từng Nam chinh Bắc chiến cả đời như Trần Độ, tưởng chỉ biết đánh đấm võ
biền, mà sao lại hiểu biết nhiều và hơn thế nữa là có những nhận biết đi trước
rất xa về văn hóa nghệ thuật so với mặt bằng lãnh đạo lúc đó. Những chuyện dân
giã, bình dị mỗi chiều đồi sim như thế khiến chúng tôi còn nhận ra nơi anh – một
con người chân thật, hồn hậu. Như cái chuyện nhảy múa mà tôi vừa cười vừa
thương anh lắm khi nghe anh kể tại nhà riêng trước Ga Hàng Cỏ. Đó là lúc anh đã
bị cấp trên “nhắc khéo đôi lần” về quan điểm, đường đi nước bước của văn nghệ.
Dạo đó, có một đoàn anh chị em diễn viên múa “đẹp như tiên” kéo đến nhà
anh “xin ý kiến chỉ đạo” để chuẩn bị thành lập Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam. Anh
cười hề hề, chua chát mà rằng :
- Ôi
dào, tớ đi đứng còn không vững nữa, nói gì tới chuyện múa với may!
* *
*
Khi
tôi ngồi viết ở Đại Lải thì nhà tôi cũng đang theo lớp cao học vật lý tại
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhà tôi đem cháu thứ hai là Diệu Lan, mới 4
tuổi. Còn cháu đầu – Diệu Linh, gần 8 tuổi thì ở Huế với tôi (khi đó chúng tôi
chưa có cháu thứ ba là Diệu Liên). Để lên ngồi cả tháng ở Đại Lải, tôi phải đem
theo cháu Diệu Linh ra cho mẹ nó. Cho dù đang học rất căng nhưng biết làm sao
được, nhà tôi phải chăm sóc cả hai cháu nhỏ, cho tôi toàn tâm toàn ý hoàn thành
tập sách kịp yêu cầu của nhà xuất bản. Cả ba mẹ con chen nhau trong căn phòng
lợp tranh vách đất hơn mười mét vuông của khu tâp thể giáo viên mà khi trời mới
mưa thì nước đã tràn sân trước nhà, nên mọi người hay gọi là khu “Đồng Tháp
Mười”. Có bữa, một bà mẹ từ thành phố Hồ Chí Minh ra thăm con cũng đang học cao
học như nhà tôi, tưởng giảng viên đại học ăn ở chắc “oách” lắm, ai dè
đứng bên “Đồng Tháp Mười” nhìn con gái đang loay hoay cái bếp dầu nấu cơm chiều
trong cái xó chật hẹp, bà đứng khóc nức nở, bước không nổi tới ôm con nữa.
Những
ngày đầu ở Đại Lải, ngồi viết thì thôi, chứ đến giờ thư giãn, nhất là buổi
chiều, tôi nhớ hai cháu quay quắt. Có lúc bần thần cả người. Chỉ có Tường mới
biết điều đó, vì chính Tường cũng nhớ hai con Lip, Lim đang ở Huế với mẹ Mỹ Dạ,
cũng không kém chi tôi. Một buổi, khoảng gần trưa, tôi đang cặm cụi trong phòng
viết thì nghe tiếng còi pim pim của xe ô tô ngay trước căn biệt thự tôi ở. Tôi
bước ra cửa thì nhận ra chiếc Volga màu đen của anh Trần Độ và tiếng anh sang
sảng :
- Diệu
Linh, Diệu Lan, “rượu lúa
mới” đến! ...
Rồi
anh mở cửa sau, lần lượt bế hai cháu Diệu Linh, Diệu Lan ra. Tôi sững cả người,
sung sướng ôm vào lòng hai cháu vừa lao tới. Ba cha con mừng quá, quấn quýt
nhau mà quên cả cảm ơn bác Độ. Khi sực nhớ ra thì xe bác đã biến đi rồi. Ôi
chao là Anh!
Hóa
ra Tường đã cho anh biết nỗi nhớ con của tôi khi chiều xuống. Anh cũng không
nói gì với Tường và tôi, cứ lặng lẽ về Trường Đại học Sư phạm, lần mò vô tận
khu “Đồng Tháp Mười” bế cho được hai cháu lên cho ba Vỹ. Sau này tôi có vặn vẹo
nhà tôi là sao gặp người lạ, khi mới chỉ nghe nói “Tôi là Trần Độ, chỗ ông Vỹ
về đây” mà đã đưa cả hai đứa con cho người ta, không sợ “mẹ mìn” nó lừa à, thì
nhà tôi quặc lại ngay :
-
Ai mà giả được ông Trần Độ? Nhìn mặt là biết ngay người nhân hậu rồi.
Tôi
đành chịu.
* *
*
Khi
tôi bị rắc rối với “vụ Sông Hương”, cũng có thể vì có người cho chúng tôi là
“băng Trần Độ”. Bởi khi chuẩn bị cho các Đại hội đổi mới của các Hội văn học
nghệ thuật Việt Nam, Ban Văn hóa – Văn nghệ Trung ương mà anh Trần Độ làm
Trưởng Ban có chọn một số văn nghệ sĩ của các Hội như: Mỹ thuật (Đặng Thị
Khuê, Lương Xuân Đoàn), Âm nhạc (Trọng Bằng, Trung Kiên, Ca Lê Thuần), Sân khấu
(Hồ Thi), Điện ảnh (Lê Quốc), Nhà văn (Nguyễn Khoa Điềm, Từ Sơn, Tô Nhuận Vỹ)... và một số Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phụ trách văn-xã hoặc Phó Ban Tuyên
huấn của các tỉnh, thành phố như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đăk
Lăk, Quảng Ninh và một số chuyên viên của Ban Văn hóa – Văn nghệ, Báo Nhân dân,
Tạp chí Cộng sản... do giáo sư Nguyễn Văn Hạnh, lúc đó là Phó cho anh Trần Độ,
làm trưởng đoàn sang học 3 tháng chuyên đề “Đảng lãnh đạo văn hóa văn nghệ” tại
Viện Hàn lâm khoa học xã hội, trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản
Liên Xô (A.O.H). Sau cuộc đi học này, nhiều người bị “tan xác pháo”. Nhưng nói
vậy, cũng không hẳn đúng, vì “tan xác pháo” chỉ có anh Nguyễn Văn Hạnh và tôi,
chứ gần như tất cả đều “thăng tiến” sau đó.
Nhiều
năm sau này, gặp nhau, anh em đều vẫn nhớ lớp bồi dưỡng này và nhớ mãi anh Trần
Độ.
Huế,
ngày 20/11/2009
(Trích Nhớ Nhà văn Trần Độ, Nxb Văn Học, 2013)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét