Ngày 13 tháng 3 năm 1978
Hôm nay tôi sẽ nói với các đồng
chí một số điểm về tinh thần trong Nghị quyết của Đại hội IV, những suy nghĩ
của Đảng đoàn Bộ và những vấn đề đặt ra trong thực tiễn công tác của chúng ta ở
các địa phương từ trước đến nay.
Hiện nay đi đâu tôi cũng thấy người ta phàn nàn: ngành
y tế giáo dục họ có ngạch, bậc, có tiêu chuẩn cán bộ rõ ràng, chẳng hạn như xã
có y tá xã, có giáo dục cấp I, II,… người ta có lương đàng hoàng,… Còn những
người làm văn hoá thông tin thì chẳng có tiêu chuẩn, chế độ gì cả, chẳng ai cho
công điểm, chẳng ai cho lương, không biết nó thuộc ngạch bậc nào? Cho nên khi
nào hăng hái thì tham gia công tác còn khi nào gia đình gặp khó khăn thì thôi.
Hoặc có tình trạng anh cán bộ văn hoá xã phải làm quá nhiều việc không thuộc chức
năng của mình, lúc thì anh bị cử ra phụ trách công tác văn hoá xã, nhưng lúc khác
cần thu thuế, thu mua thì người ta lại sẵn sàng điều anh sang làm. Thậm chí ở
huyện cũng có tình trạng đó. Cho nên một yêu cầu đặt ra là phải tiêu chuẩn hoá
người cán bộ văn hoá thông tin.
Đi xuống thực tế tôi thường hay nói đùa để an ủi các địa
phương: “Như thế ngành ta có vinh dự là có thể cung cấp cán bộ cho tất cả các
ngành, cho nên các đồng chí chẳng có gì phải lo ngại cả”. Ở Thanh Hoá có tổng kết: đào tạo được hàng vạn cán bộ làm công tác văn hoá nhưng hiện giờ chỉ còn 1/3 số cán bộ đó còn ở lại công tác. Một số tỉnh
khác cũng vậy, đào tạo nhiều, nhưng đào tạo xong người ta lại sang làm việc
khác như công an, giáo dục, thu mua, v.v… Vậy thì văn hoá là cái gì? Là thế
nào? Thế nào là người cán bộ văn hoá? Hiện nay ngành của chúng ta đang ở
trong tình trạng như vậy đó.
Bây giờ chúng ta phải chấn chỉnh lại trường Cao đẳng
nghiệp vụ văn hoá để đào tạo cán bộ nghiệp vụ cho ngành văn hoá, có chuyên môn,
có bằng cấp rõ ràng. Chúng ta phải làm cho đội ngũ cán bộ được tiêu chuẩn hoá từ
trên xuống dưới. Việc thành lập Trường cao đẳng nghiệp vụ văn hóa chính là một
bước quan trọng hàng đầu để tiến tới việc tiêu chuẩn hoá cán bộ văn hoá, tiến tới
thực sự có một đội ngũ cán bộ văn hoá, có nội dung đào tạo nghiệp vụ rõ ràng, có
một hệ thống kiến thức nhất định.
Vừa qua tôi có đi tham quan một số nước trong đó có nước
Cộng hoà Dân chủ Đức. Tôi được tới một Viện Hàn lâm văn hoá của tỉnh. Khi nghe
nói về Viện Hàn lâm của tỉnh tôi cũng chưa hình dung ra sao cả, vì ở Hà Nội mình
có mỗi một trường ở Ô Chợ Dừa mà chưa xong. Đến tham quan tôi có hỏi ngay các đồng
chí cán bộ Ủy ban, các đồng chí phụ trách văn hoá xem Viện Hàn lâm này chuyên đào
tạo cán bộ gì và có bằng cấp ra sao? Lúc đó các đồng chí ấy cười và nói rằng:
“Viện Hàn lâm của chúng tôi đào tạo tất cả các loại cán bộ từ trung cấp đến tiến
sĩ, nhưng học xong ở trường ra không có bằng nào cả”. Tôi thấy họ trả lời như vậy
thì không hiểu họ làm ăn theo kiểu gì. Sau này tôi mới hiểu ra: chữ “Viện Hàn
lâm” là theo tập quán người Đức người ta gọi thôi, họ không hiểu như chúng ta
thường hiểu. Và Viện Hàn lâm này chính là trường bồi dưỡng nghiệp vụ văn hoá.
Nhưng trình độ tổ chức quản lý cán bộ nghiệp vụ ở các tỉnh của họ rất cao. Ty Văn
hoá của họ ở tỉnh nắm được toàn bộ các cán bộ văn hoá hoạt động ở trong tỉnh từ
tiến sĩ cho đến cán bộ trung cấp (nói như thế có nghĩa là họ đã tiêu chuẩn hoá được
cán bộ). Trong trường họ có đủ các loại chương trình: có loại 3 tuần, loại 2
tuần, 1 tuần, thậm chí có loại chương trình 3 ngày, 1 ngày. Chương trình dài nhất
là 4 tuần. Và một năm họ có khoảng vài chục chương trình. Cứ hai năm một lần, tất
cả các cán bộ văn hoá đều phải qua trường này. Căn cứ vào nội dung chương trình
đó, nhà trường có thể nắm và biết được những ai cần học gì và họ chỉ định những
người đó đến học. Những người được chỉ định đều bắt buộc phải học. Trường này cũng
chỉ có 50 chỗ ở chứ không nhiều, thường xuyên chỉ có 50 người học.
Chương trình của họ chủ yếu dựa vào Nghị quyết của Đại
hội Đảng, từ nghị quyết họ rút ra những vấn đề cần phải bồi dưỡng cho cán bộ văn
hoá.
Ví dụ họ có một số chương trình như: phương hướng phát
triển điện ảnh dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội lần thứ IX. Nền văn học thế
giới hiện đại dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội lần thứ IX, v.v…
Mỗi cán bộ văn hoá có một cuốn học bạ. Khi học xong một
chương trình nào đó đều có chứng nhận của nhà trường. Cứ hai năm một lần, mỗi cán
bộ văn hoá đều phải qua một chương trình học. Cán bộ phụ trách văn hoá ở Ty luôn
nắm vững các học bạ đó để xét việc lên lương, đề bạt,… Qua đó chúng ta thấy rõ
họ tiêu chuẩn hoá cán bộ rất chặt chẽ.
Khi liên hệ đến cách học của chúng ta thì thấy rằng chúng
ta học nhiều mà chất lượng ít. Ví dụ Nghị quyết Đại hội IV của ta thì tất cả các
ngành phải học hết từ đầu đến cuối, phải học hàng tháng, nhưng lại không đi sâu
vào nội dung của ngành.
Khi mới về Bộ Văn hoá, tôi đã phải tìm hiểu mãi xem thế
nào mà trường ta lại là trường lý luận và nghiệp vụ, nhưng không ai giải đáp
cho tôi được rõ ràng. Sau này tôi phải xuống trường tìm hiểu mới biết được chức
năng cụ thể của trường, nhưng thực ra tôi vẫn chưa có một định nghĩa đầy đủ rõ
ràng về những chữ “lý luận” và “nghiệp vụ”. Bây giờ tên trường đổi là “Cao đẳng
nghiệp vụ văn hoá” tức là đào tạo những cán bộ nghiệp vụ về văn hoá. Nhưng cũng
chưa có lý luận để xác định văn hoá có những nghiệp vụ gì. Các đồng chí ở đây đều
là các giảng viên, các cán bộ nghiên cứu, không hiểu các đồng chí đã trả lời một
cách có lý luận rõ ràng vững chắc được chưa? Ngồi thống kê tôi thấy có tới 20
nghiệp vụ, nhưng dồn lại thì chỉ có 3, 4 nghiệp vụ thôi. Cụ thể trường ta bây
giờ cũng chỉ mới mở được 3 khoa (4 khoa). Nhưng thực tế còn rất nhiều hoạt động
khác nó thuộc nghiệp vụ gì. Tôi đã từng tranh luận với các đồng chí ở Vụ Văn hoá
quần chúng xem thế nào là cán bộ văn hoá quần chúng, thế nào là nghiệp vụ văn
hoá quần chúng, nhưng đến nay tôi cũng chưa thông sự giải thích của các đồng chí
ấy.
Cho nên hôm nay tôi muốn nói với các đồng chí xung
quanh vấn đề thế nào là nghiệp vụ văn hoá và văn hoá có những nghiệp vụ gì? Và
những nghiệp vụ ấy đang đặt ra những nhiệm vụ gì cho việc nghiên cứu, giảng dạy,
đào tạo?
Thời gian qua tôi đi một loạt các tỉnh: Huế, Đà Nẵng,
Nghĩa Bình. Tỉnh nào cũng đề nghị cho ý kiến về công tác bảo tồn bảo tàng. Và các
đồng chí đó yêu cầu có ý kiến về những công trình cụ thể dự định xây dựng… Từ đó
lại đặt ra vấn đề: nhiệm vụ của bảo tồn bảo tàng là gì? Thường các đồng chí
phụ trách bảo tồn bảo tàng khi hướng dẫn cho cán bộ làm thì chỉ hướng dẫn cách
trưng bày, cách dùng màu sắc, ánh sáng,… Nhưng anh em cán bộ lại đòi hỏi phải
hướng dẫn kế hoạch bảo tồn bảo tàng. Vậy nhiệm vụ của bảo tồn bảo tàng là gì?
Là màu sắc, ánh sáng, là phòng, hành lang,… hay là đặt kế hoạch. Nhiều lần tôi
tìm hiểu giáo trình, bài giảng của trường ta nhưng cũng thấy chưa có gì.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV đặt ra nhiều vấn đề
về công tác văn hoá mà ngành ta phải có nhiệm vụ giải đáp. Những lần đi giới
thiệu Nghị quyết Đại hội IV, đầu tiên bao giờ tôi cũng định nghĩa thế nào là văn
hoá.
Sau Nghị quyết Đại hội IV, trong xã hội ta chữ văn hoá
được sử dụng một cách phổ biến trong đời sống. Chỗ nào cũng có vấn đề: có văn
hoá và thiếu văn hoá, lao động có văn hoá và lao động thiếu văn hoá, xử sự có văn
hoá và xử sự không có văn hoá, cách nói có văn hoá và cách nói thiếu văn hoá,…
Thế bào là có văn hoá? Văn hoá lại gắn liền với một loạt các khái niệm khác. Nói
xây dựng một xã hội có văn hoá cao là thế nào? Hoặc định nghĩa nền văn hoá là
cái gì? Vừa qua trong Hội nghị đấu tranh chống văn hoá thực dân mới cũng đặt
ra câu hỏi: có một “nền văn hoá thực dân mới” hay không? Người thì nói “có”,
người nói “không”… khi không giải quyết được lại gọi là “cái” văn hoá thực dân
mới. Có người lại quan niệm chữ “nền” chỉ có nghĩa như là một tính từ, thay cho
chữ cái, con, chiếc, v.v… Nói như vậy cũng không ổn. Người ta phải nói nền văn
hoá. Nhưng thế nào gọi là nền? Có “nền văn hoá thực dân mới” hay không? Trường
ta là trường cao đẳng nghiệp vụ văn hoá, do đó phải làm thế nào có được định
nghĩa cơ bản này. Điều tối thiểu của người cán bộ văn hoá là phải biết được định
nghĩa về văn hoá là gì?
Đồng chí Vũ Khiêu ở Viện Triết học sưu tầm cho tôi một
tập gồm rất nhiều định nghĩa của nhiều tác giả nước ngoài, ở các thời kỳ khác
nhau về văn hoá. Khi tôi đọc thấy định nghĩa nào cũng có ý đúng, nhưng cũng chưa
có định nghĩa nào thật thoả đáng cả. Chúng ta phải có được một định nghĩa để mọi
người đều hiểu được và nó thành một nhận thức thống nhất trong ngành văn hoá.
Nghĩa là từ đồng chí Bộ trưởng cho đến ông nhân viên văn hoá xã đều hiểu và nói
như nhau.
Trong phạm vi các công tác văn hoá mà Đảng vạch ra để
phát triển gồm có giáo dục, y tế, du lịch, thể dục thể thao, khoa học. Từ đó, có
người nói có hai loại văn hoá, văn hoá theo nghĩa rộng và văn hoá theo nghĩa hẹp.
Văn hoá theo nghĩa rộng gồm tất cả các ngành: giáo dục, thể thao, du lịch,
v.v… Cho nên tôi bảo phải đặt tên cho Bộ ta là Bộ “Văn-Thông-Du-Thể-Nghệ”. Có
người phân ra 3 loại văn hoá: văn hoá giáo dục, văn hoá nghệ thuật, văn hoá xã
hội. Văn hoá xã hội lại bao gồm cả công tác thương binh liệt sĩ. Hiện nay nước
ta có một Bộ trưởng phụ trách công tác văn xã. Đồng chí ấy phụ trách văn hoá,
giáo dục, du lịch, thể dục thể thao và thương binh liệt sĩ. Thực tế quỹ của văn
xã ở Tỉnh, huyện cũng bao gồm các thành phần như vậy. Cho nên, khi trích quỹ
cho công tác văn hoá của chúng ta (chưa biết gọi nó là văn hoá gì) chỉ chiếm
khoảng vài ba phần trăm thôi. Và nếu tính tổng ngân sách thì chỉ có mấy phần
nghìn. Từ đó lại đẻ ra thế nào là văn hoá, thế nào là văn xã? Cho nên tôi nhắc
lại là trường ta phải có trách nhiệm làm cho rõ khái niệm đó. Bản thân tôi là Bí
thư Đảng Đoàn, phụ trách ngành mà cũng không làm sao nói cho rõ được định nghĩa
văn hoá là gì? Ở đây có tất cả các nhà lý luận, các đồng chí phó tiến sĩ, những
người tốt nghiệp đại học, các đồng chí đã nghiên cứu lâu năm, tôi đề nghị các đồng
chí làm cho việc này. Các đồng chí làm thế nào cho rõ tất cả những khái niệm có
liên quan đến chữ văn hoá.
Thời gian vừa qua khi đi nói chuyện, tôi thường hay nói
đùa là: đào được hũ sành cũng gọi là một nền văn hoá. Nghĩa là nền văn hoá là
cái mảnh sành. Có nơi lãnh đạo cho văn hoá là nghệ thuật, và nghệ thuật rút cục
lại là cải lương!
Có nơi nói văn hoá là toàn bộ các hình thức sinh hoạt
vật chất, tinh thần của một xã hội. Như vậy lại đẻ ra loại văn hoá vật chất và
loại văn hoá tinh thần. Ví dụ mảnh sành, mảnh sứ thuộc loại văn hoá vật chất, còn
tinh thần đạo đức thuộc văn hoá tinh thần. Nhưng trên thực tế khi đi sâu vào tôi
thấy hai nhu cầu này không tách rời nhau. Mỗi nhu cầu vật chất đều gắn chặt với
nhu cầu tinh thần. Ví dụ khi ăn cơm chúng ta cũng muốn có cái bát đẹp, sạch. Hoặc
tôi biết có gia đình đã đủ bát ăn rồi, nhưng thấy mậu dịch bán bát đẹp là đi
mua ngay. Tôi có một người bạn vào Sài Gòn thấy có loại ấm trà đẹp thì vội vàng
đi mua, mặc dầu ở nhà đã có đầy đủ. Chính nhu cầu mua thêm chục bát đẹp, bộ ấm
trà đẹp đó là nhu cầu văn hoá, nhưng nó lại là những vật chất cụ thể. Hoặc các
chị em phụ nữ thường bàn với nhau là hôm nay bán vải này, mai bán loại vải khác
và rủ nhau đi mua, mặc dù ở nhà đã có khoảng chục chiếc áo treo trong tủ rồi!
Rõ ràng nhu cầu vật chất không phải là một lúc mặc cả hơn chục chiếc áo mà mỗi
lúc chỉ mặc một, hai chiếc thôi. Ở các nước, khi đời sống họ cao, người phụ nữ
có đến vài ba chục đôi giầy khác nhau, vài ba chục bộ quần áo có “mốt” khác
nhau…
Tóm lại, nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần luôn đi
liền và không tách rời nhau. Về các Tỉnh uỷ tôi cũng thường hay nói: “Các đồng
chí quan tâm đến văn hoá cũng có nghĩa là các đồng chí quan tâm đến đời sống của
nhân dân”. Có người nói: “thôi văn hoá, văn hiếc gì bây giờ cốt no cái bụng đã”
(!) Điều đó không đúng đâu. Ví dụ: một bữa ăn với vật chất như nhau của hai
gia đình thì gia đình hoà thuận vui vẻ tất ăn sẽ thấy ngon hơn gia đình sống không
hoà thuận. Cho nên, đi theo bữa ăn còn đòi hỏi có nhu cầu tinh thần kèm theo.
Nhưng, nếu nói văn hoá là tất cả các loại vật chất ở trong xã hội thì không được.
Vì còn kinh tế là cái gì ? Theo tôi, văn hoá là toàn bộ những hình thức sinh hoạt
tinh thần và vật chất. Những hình thức sinh hoạt tinh thần này luôn gắn chặt với
phương thức sản xuất. Nói cách khác, văn hoá gắn chặt với tất cả cơ sở vật chất
của xã hội. Văn hoá thể hiện bằng vật chất và chứa đựng ở trong các cơ sở vật
chất đó. Muốn biết một xã hội trình độ văn hoá có cao hay không, người ta nhìn
vào cơ sở vật chất của xã hội đó cũng có thể đánh giá được. Ví dụ: một nước nào
đó thấy họ có những Viện Hàn lâm đồ sộ, chúng ta cũng có thể hiểu rằng xã đội đó
có văn hoá cao. Cái mà ta gọi là tinh thần thuần tuý nhất là các đạo tôn giáo,
phật giáo,… thì cũng phải có cơ sở vật chất đó là chùa chiền, nhà thờ và các
phương tiện khác.
Trong văn hoá còn có một ý nghĩa khác nữa đó là kiến
thức. Ở Hội nghị đấu tranh chống văn hoá thực dân mới, trong báo cáo của đồng
chí Xuân Trường có nói: “Nếu nói văn hoá với ý nghĩa mang lại tiến bộ cho nhân
loại thì cái gọi là văn hoá thực dân mới là “phản văn hoá”. Đồng chí Vũ Hoàng Địch
ở Viện Triết học đọc bản tham luận, trong đó có phân tích toàn bộ âm mưu của chủ
nghĩa thực dân mới, chúng dùng đủ mọi hình thức phát thanh, tuyên truyền, chiến
tranh tâm lý, v.v… chúng làm có hệ thống từ trên xuống,… cộng với cả một hệ thống
giáo dục, v.v… Tóm lại nó có một hệ thống âm mưu rất đầy đủ. Và đứng về ý nghĩa
này là có một “nền văn hoá thực dân mới”. Song đứng về ý nghĩa nội dung của văn
hoá thì nó huỷ hoại dân chúng, huỷ hoại ý thức con người, huỷ hoại ý thức giai cấp,
dân tộc, rất dã man,… Điều này lại hoàn toàn phản văn hoá và không phải là một
nền văn hoá thực dân mới. Tóm lại tham luận của anh ấy nêu lên: gọi một nền văn
hoá thực dân với ý nghĩa toàn bộ hệ thống hoạt động được triển khai không phải
một nền văn hoá với ý nghĩa là những âm mưu, nó huỷ hoại những tiến bộ của nhân
loại. Nói đến văn hoá là nói đến một cái gì tiến bộ. Có người nói văn hoá là kiến
thức, có nâng trình độ kiến thức lên mới nâng cao được trình độ văn hoá. Do đó
các em học sinh đi học phổ thông gọi là đi học văn hoá, và trình độ kiến thức
chính là trình độ văn hoá. Những người có cách sống văn hoá cao thông thường là
người có kiến thức cao về khoa học, về đạo đức, về thẩm mỹ, đời sống,… rõ ràng
trong đời sống hàng ngày người ta nói trình độ văn hoá cao hoặc thấp tức là trình
độ kiến thức phổ thông…
Nói một người nào đó là người có văn hoá nghĩa là người
đó có lối sống văn minh, có lối sống tiến bộ,… Trong đời sống hàng ngày, có những
người trình độ văn hoá thấp nhưng có thể gọi người ấy là người có văn hoá, với ý
nghĩa là có nếp sống, lối sống tiến bộ và thiếu văn hoá là người lạc hậu, dốt nát,
trì trệ.
Đó là một số khái niệm chung quanh chữ văn hoá. Từ đó đặt
ra câu hỏi: công tác ngành văn hoá của ta, công tác của Bộ Văn hoá, công tác mà
trường Cao đẳng nghiệp vụ của chúng ta đây đào tạo ra là công tác gì? Nói văn
hoá theo nghĩa hẹp thì trường của các đồng chí đây phải có biển đề là Trường
Cao đẳng nghiệp vụ văn hoá theo nghĩa hẹp hoặc Bộ Văn hoá và Thông tin theo nghĩa
hẹp. Nói như vậy thì thật là rắc rối. Vậy thì công tác văn hoá của bộ ta là văn
hoá gì? Có người nói nó là văn hoá giáo dục hoặc văn hoá xã hội, có người cho
rằng nó là văn hoá nghệ thuật. Nhưng ở trên tôi đã nói văn xã nó lại có cả thương
binh liệt sĩ hoặc có cả vấn đề phục hồi nhân phẩm. Vậy bộ ta phải làm tất cả những
vấn đề đó hay sao? Ở Hội nghị đấu tranh chống văn hoá thực dân mới thì các đại
biểu cũng phải đi thăm trường phục hồi nhân phẩm. Vậy các đồng chí cố nghĩ xem
nên dùng từ gì cho chính xác. Thực tế Bộ Văn hoá gồm các ngành nghệ thuật (điện
ảnh, sân khấu, xiếc, v.v…), bảo tàng, phát hành, thư viện, xuất bản.
Tóm lại, muốn cho vấn đề có lô gích, có lý luận chúng
ta phải xác định khái niệm về văn hoá, để từ đó nhận thức nghiệp vụ văn hoá là
gì? Tôi cho rằng vấn đề này phải có nhiều cơ quan cho ý kiến, nhưng trước hết
trường ta phải giải quyết. Có lẽ bài học đầu cho những sinh viên vào học đây là
phải xác định cho rõ định nghĩa. Và rồi toàn bộ ngành ta phải thống nhất một
quan điểm: nếu tập trung tất cả các đồng chí trưởng phó Ty bảo các đồng chí ấy
định nghĩa thì rồi sẽ lại có tới 61 định nghĩa khác nhau. Cố nhiên chưa chắc định
nghĩa của chúng ta sẽ được thế giới công nhận ngay, nhưng ít nhất cũng thống nhất
với nhau trong ngành. Định nghĩa phải bao gồm được ý nghĩa lý luận và thực tiễn.
Có nghĩa là chỉ ra được công tác văn hoá là công tác gì và người làm công tác đó
như thế nào… Nếu không chúng ta sẽ rơi vào định nghĩa chung quá hoặc đơn giản
quá. Bây giờ tôi còn đang băn khoăn không biết văn hoá nó là cái gì, những người
làm công tác văn hoá cụ thể là làm gì? v.v… Hiện nay, do xác định nghiệp vụ chưa
thống nhất, cho nên công tác văn hoá cụ thể của các Ty cũng khác nhau và cũng từ
đó làm tham mưu cho cấp uỷ có những chủ trương khác nhau. Chúng ta đã quán triệt
nghị quyết của Đảng mà vẫn còn tình trạng đó.
Ngành văn hoá của chúng ta có từ 20 – 30 năm nay rồi.
Có những đồng chí ở trong ngành cũng 30 năm rồi mà bây giờ vẫn chưa nói được văn
hoá là cái gì? Còn có ai hỏi tôi thì để Trường nói thôi bởi vì tôi mới sang ngành
này được một năm. Cho nên đề nghị trường của các đồng chí làm cho việc này. Các
đồng chí giải thích cho được văn hoá là gì, để làm cơ sở nhận thức cho người ta
biết công tác văn hoá gồm những vấn đề gì, những mặt nào. Và làm cơ sở nhận thức
cho toàn ngành chúng ta, từ cán bộ của các cơ quan Trung ương cho đến cán bộ ở
xã biết được mình làm cái gì, biết được mình là người như thế nào?
Vấn đề thứ hai là vấn đề cũng rất rắc rối. Trường ta sẽ
phải đóng góp xây dựng vấn đề nếp sống mới và con người mới. Hiện nay tôi đang được
danh hiệu mà người ta gán cho là chuyên gia về “nếp sống mới và con người mới”.
Tôi cũng xin thú nhận thật với các đồng chí là trong người tôi chưa có chữ nào
về nếp sống mới và con người mới cả. Nhưng người ta cứ nói: Anh phụ trách văn
hoá, anh phải biết chứ.
Nếp sống mới và con người mới là
nhiệm vụ trọng tâm của cách mạng tư tưởng và văn hoá. Hiện nay Ban Lý luận của
Đảng đã tổ chức hai tổ nghiên cứu lý luận - Một tổ nghiên cứu về cách mạng tư
tưởng và văn hoá và nền văn hoá mới. Một tổ nghiên cứu về con người mới. Tuy
được phân công làm tổ trưởng
tổ nghiên cứu lý luận về con người mới, nhưng bây giờ tôi cũng chưa biết nội
dung vấn đề đó ra làm sao. Nhiều anh em biết tôi làm tổ trưởng tổ con người mới
nên đến mời tôi đi nói chuyện về con người mới. Thời gian trước anh Thọ cũng
định tổ chức một Hội nghị khoa học về con người mới ở trường lý luận nghiệp vụ.
Đó cũng là một ý định rất tốt. Bây giờ mời các đồng chí tham gia cùng với tổ
nghiên cứu về con người mới của Ban Lý luận Trung ương.
Kỳ học tập Nghị quyết Đại hội IV vừa qua có những vấn đề
chung quanh con người mới đã được Ban Tuyên huấn tập hợp lại có 3 câu hỏi:
- Thế nào là một cái mẫu cụ thể về con người mới?
Trong Nghị quyết Đại hội chỉ có những tiêu chuẩn chung
chung, ở đây đòi hỏi có một cái mẫu con người mới. Nói một cách khác là muốn có
một định nghĩa thế nào là con người mới. Trong kháng chiến có những cái mẫu về
anh hùng, chiến sĩ thi đua rất cụ thể. Bây giờ trong xây dựng xã hội chủ nghĩa
thì con người mới là như thế nào?
- Một vấn đề khác nữa là đánh giá con người chúng ta bây
giờ ở trong xã hội Việt Nam thì nó mới đến mức nào, cũ như thế nào? Có nhiều người
thắc mắc và nói chung đều có một nhận xét là “con người bây giờ nó cũ quá, không
có con người mới”. Vì ở trong cán bộ lãnh đạo thì tham ô, quan liêu, thu vén và
chèn ép, mất đoàn kết, trong thanh niên thì đầu xù, quần loe, nói tục, lười lao
động, chọn ngành chọn nghề, muốn ở Hà Nội, v.v… Nông dân, ngày làm việc 4 – 5
tiếng đồng hồ, đất 5 % thì tốt, ruộng hợp tác xã thì làm xấu, cán bộ xã tham ô,
cửa quyền,… không thấy bóng dáng con người mới ở đâu, chỉ thấy bóng con người
cũ che lấp hết.
Vậy đánh giá con người hiện tại trong xã hội Việt Nam đang trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở đây
như thế nào, nó có những cái gì mới rồi, còn cái gì cũ nữa. Điểm này phải để các
đoàn thể đánh giá, thanh niên đánh giá thanh niên, phụ nữ đánh giá phụ nữ, công
đoàn đánh giá công đoàn. Trong bộ đội có những hình ảnh Lê Thị Hồng Gấm, Lê Mã
Lương, nhưng thời kỳ đó đã qua rồi. Bây giờ, những nhân vật điển hình lại là những
nhân vật bán xăng lậu, ngoài đường phố thì lôi thôi lếch thếch, bộ đội thì vô kỷ
luật. Việc đánh giá con người có chuyện lạ là: càng ngày thời gian càng qua đi
thì con người cũng cứ thấp đi không bằng ngày xưa!
Trong bộ đội, có nhiều đồng chí chỉ huy trung đoàn, tiểu
đoàn đã qua hai cuộc chiến đấu chống Pháp và chống Mỹ đều phàn nàn chiến sĩ chống
Mỹ không bằng chiến sĩ chống Pháp. Vì họ vô kỷ luật, kỹ thuật kém, chiến thuật
cũng kém, dân vận tồi,… Bây giờ phải thảo luận xem chiến sĩ chống Mỹ mới chỗ nào,
cũ chỗ nào. Có thời gian nên thảo luận xem truyền thống quân đội phát triển hay
suy yếu đi. Và có nhiều người nói truyền thống quân đội bây giờ suy yếu đi so với
trước, bây giờ nó bạc nhược. Các đồng chí xem có phải như vậy không? Đây chính
là việc đánh giá một con người. Chính việc nhận thức con người bây giờ còn khó
khăn như vậy, nó phức tạp, rắc rối như vậy cho nên các nghệ sĩ sáng tác của ta
hiện nay đang bế tắc, nói chung từ giới sân khấu điện ảnh cho đến các giới khác
đầu đang bế tắc. Tìm thấy con người tiên tiến bây giờ khó quá.
- Làm thế nào để xây dựng con người mới?
Ngoài 3 câu hỏi trên, còn một câu hỏi nữa tôi thấy cũng
cần đặt ra: Thế nào là con người mới xã hội chủ nghĩa Việt Nam? Thế nào là người Việt Nam? Điểm này tôi cũng đang bí. Hiện nay các đồng chí ở
Viện Sử học đang làm một báo cáo nghiên cứu về con người Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử. Nhưng những điểm mà Đảng
ta nêu lên được coi là những đặc điểm của người Việt Nam chưa chắc đã phải là những đặc điểm của người Việt Nam. Ví dụ như điểm “cần cù lao động”. Nếu nói vậy thì hoá
ra người Trung Quốc không cần cù ư? Nói cần cù lao động thì người Trung Quốc họ
cũng cần cù. Vậy nó có phải là đặc điểm không? Hoặc nói đặc điểm người Việt Nam là yêu nước thiết tha. Nhân dân Liên Xô người ta không
yêu nước hay sao? Trung Quốc họ không yêu nước hay sao? Triều Tiên không yêu
nước chắc? Họ cũng yêu nước lắm chứ. Thậm chí mình còn học người ta mà trở thành
anh hùng.
Vậy thì cần cù lao động, yêu nước thiết tha, anh dũng
kiên cường có phải là đặc điểm riêng của người Việt Nam không? Nếu cứ nói người nào có những đặc điểm trên đều
là người Việt Nam thì nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa sẽ là người Việt Nam hết. Vậy thì tâm hồn người Việt Nam là cái gì? Cốt cách người Việt Nam là cái gì? Thực tế điểm này chúng ta chưa lý giải được
rõ ràng. Có những cái mình thích mà các nước họ không thích và ngược lại. Cái mình
không thích ấy chính là cái mình cảm thấy không phải là Việt Nam và cái mà mình thích là cái mình cảm thấy nó là Việt Nam.
Ví dụ: trong lĩnh vực âm nhạc, mình nghe nhạc gì mang
truyền thống dân tộc thì thấy xúc động và chính sự xúc động đó mình cảm thấy nó
là dân tộc. Nhưng tâm hồn nó là cái gì, định nghĩa cái gì là tâm hồn thì tôi cũng
chịu. Tôi đã đọc rất nhiều tiểu thuyết cuối cùng tôi tìm thấy định nghĩa của Mác-xim
Goóc-ki “tâm hồn là quả cầu bằng đồng”. Goóc-ki dẫn giải định nghĩa này: quả cầu
bằng đồng ấy nó nhẵn bóng và nó phản ánh các sự kiện của thế giới bên ngoài vào
và nó ứng với góc nào thì góc đó phản ánh lại những điều khác nhau. Các đồng chí
đọc tiểu thuyết của Nga, biết rằng người Nga họ rất tự hào về những nhà văn L.
Tôn-xtôi, Mắc-xim Goóc-ki, diễn tả rất đúng tâm hồn và tính cách người Nga cảm
nhận thấy chỗ nào cũng có hơi Nga. Nhưng yêu cầu khái quát lên thành lý luận và
có định nghĩa Nga là thế nào cũng chưa làm được. Nếu chỉ đi vào một số đặc điểm: cần cù lao động, yêu nước thiết tha, dũng cảm kiên cường sẽ dẫn đến sự giống
nhau của các nước xã hội chủ nghĩa. Đối với dân tộc ta có đặc điểm: bánh chưng
xanh, củ dưa hành là rõ nét nhất, không nước nào có. Nhưng có phải toàn bộ tâm
hồn là bánh chưng, củ dưa hành không? Không phải. Tâm hồn là sự phản ánh đối với
tất cả mọi hiện tượng trong cuộc sống.
Nhưng thế nào là tâm hồn Việt Nam, cốt cách Việt Nam? Có thời gian còn nằm trong rừng B2 tôi thường băn
khoăn, cho nên khi ra Hà Nội, việc đầu tiên tôi tìm đến Tổ nghiên cứu tâm lý học
và tôi học 3 ngày. Tôi có đề nghị các đồng chí định nghĩa cho thế nào là cốt cách,
tính cách, tâm hồn, tình cảm, linh hồn, tâm linh,… Các anh ấy cũng chưa làm. Có
người nói đặc điểm của phụ nữ Việt Nam là chung thuỷ. Trên thế giới phụ nữ họ cũng chung thuỷ
chứ, và ngay Việt Nam thì cũng có nhiều người không chung thuỷ chứ. Xung quanh vấn đề là như
vậy. Bây giờ Đảng đặt ra vấn đề xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trước đây thấy một số người đặt vấn đề này ra tôi
cho rằng các ông ấy gàn. Gần đây tôi mới đọc một tài liệu “Bản chất con người là
gì?” Mình sống gần hết cuộc đời rồi, bây giờ định nghĩa mình là cái gì? Cũng
không biết.
Vấn đề nếp sống mới hay lối sống mới cũng vậy. Lối sống
khác với khái niệm mức sống. Lối sống mới – đây là một vấn đề đang được các nước
trên thế giới tìm hiểu nghiên cứu và đặt nó thuộc một phạm trù mới của triết học,
trong duy vật lịch sử nói đến sức sản xuất, hạ tầng cơ sở, thượng tầng kiến trúc,… Nhưng những điều đó chưa giải thích được vấn đề lối sống. Lối sống nằm trong
các cặp phạm trù đó hay bản thân nó có phạm trù riêng, có phải lối sống nằm trong
phạm trù thượng tầng kiến trúc không? Nhưng xét cho cùng cũng không phải vì lối
sống nó bao gồm cả lối lao động và như thế nó lại dính đến hạ tầng cơ sở. Vậy lối
sống là một phạm trù nào? Có phải trong xã hội phải vừa có hạ tầng cơ sở, có
thượng tầng kiến trúc và vừa có lối sống không? Và lối sống nó cũng không tách
ra khỏi thượng tầng kiến trúc, hạ tầng cơ sở, song nó cũng không đồng nhất với
các phạm trù đó. Hiện nay các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu vấn đề này. Nếu nói
lối sống bao trùm lên mọi lĩnh vực của xã hội, cũng như nói văn hoá cao trùm các
mặt hoạt động của xã hội là không được. Văn hoá nó có liên quan đến tất cả các
mặt hoạt động của văn hoá nhưng nó vẫn là một phạm trù riêng. Lối sống cũng vậy,
nó có ảnh hưởng đến các lĩnh vực của xã hội nhưng nó vẫn là một phạm trù riêng
biệt. Vậy lối sống là gì? Các đồng chí cứ nhìn vào đời sống sẽ thấy người ta cứ
sống là có lối sống. Cho nên anh ngủ cũng có lối sống và ngủ cũng có lối ngủ, có
người ngủ nghiêng, có người ngủ sấp, có người ngủ ngửa, có người ngủ ngáy khò
khò, người ngủ im, có lối ngủ có văn hoá, có lối ngủ không có văn hoá. Lối ngủ
không có văn hoá là lối ngủ lộn xộn, lung tung, chống chếnh. Còn ngủ nệm gấm, gường
cao, chiếu đẹp… theo nghĩa văn hoa là tiến bộ. Ăn cũng là sống thì cũng có lối
ăn có văn hoá và có lối ăn không có văn hoá. Mặc cũng có lối mặc, lối đi có văn
hoá và không văn hoá. Nói cũng là sống, có lối nói có văn hoá, có lối nói không
văn hoá. Lao động cũng có hai loại: có văn hoá và không có văn hoá.
Còn một vấn đề lớn nữa là giáo dục thẩm mỹ cho nhân dân.
Trong Nghị quyết của Đại hội IV có nêu: “Đưa cái đẹp vào cuộc sống”, lâu nay mọi
người vẫn dùng như vậy, nhưng bây giờ ta nên dùng từ “giáo dục thẩm mỹ” cho nhân
dân. Các nước họ đặt vấn đề này bao trùm cả lĩnh vực văn hoá, giáo dục. Ở
Bun-ga-ri, toàn quốc chỉ có mấy hội đồng, trong đó có một Hội đồng quốc gia “nếp
sống mới”, bên cạnh là Hội đồng “giáo dục thẩm mỹ” cho nhân dân. Qua Hội nghị đấu
tranh chống văn hoá thực dân mới và trong các hoạt động thực tế của xã hội chúng
ta thấy rất rõ “giáo dục thẩm mỹ” là một vấn đề cần phải đặt ra. Hiện nay từ nhân
dân đến các nghệ sĩ, các nhà lý luận phê bình đều chưa lý giải được một cách nhất
quán thế nào gọi là thẩm mỹ tiến bộ, thế nào gọi là thẩm mỹ lạc hậu. Mặt sáng tác,
biểu diễn và thưởng thức nghệ thuật bây giờ còn lộn xộn.
Về âm nhạc hiên ta có âm nhạc cổ truyền, âm nhạc thế
giới, nhạc hiện đại (và nhạc nhẹ ở Sài Gòn biểu diễn vào trình độ thế giới). Về
phần này còn lộn xộn vì người thì thích nhạc cổ điển thế giới, người thích nhạc
cổ dân tộc (chèo, dân ca, cải lương), người thích nhạc hiện đại, v.v… Mỗi lứa
tuổi, mỗi địa phương lại có những ý thích khác nhau. Sân khấu cũng vậy: cải lương
có cải lương miền Bắc, miền Nam; tuồng khu Năm, tuồng Nam, tuồng Bắc,… Hoặc
người ta nói miền Nam thường thích cải lương, nhưng Hà
Nội cũng rất mê cải lương, mà cải lương lại gieo rắc những thẩm mỹ lạc hậu,
song quần chúng lại rất thích. Vậy thì những thẩm mỹ nào là lạc hậu, thẩm mỹ
nào tiến bộ.
Quần chúng xem, thường là thích quần áo đẹp, ánh sáng
ly kỳ… Đạo diễn nào mà lưu ý phục vụ thị hiếu đó của quần chúng thì lập tức bị
các đạo diễn khác phê bình “chạy theo thị hiếu rẻ tiền” của nhân dân. Nhưng nếu
đoàn nào không có quần áo đẹp, không có ánh sáng huyền ảo thì không có người
xem. Kịch nói cũng vậy, nếu ở trên sân khấu
mà nói như trong cuộc sống, người ta cũng phê bình lời lẽ không phải là trong
nghệ thuật, nhưng nếu phát âm khác cuộc sống hàng ngày thì người ta lại kêu sao
ông nói có vẻ kịch thế. Vậy phải có một thẩm mỹ nào cho nhất quán giữa đạo
diễn, nghệ sĩ và người thưởng thức.
Trong cuộc họp với anh em tác giả và các nhà hát, đại
biểu tác giả lại nói các ông ở nhà hát cửa quyền, chúng tôi đưa vở đến các ông
không dựng mà vứt đấy cho vào tồn kho. Nhà hát lại nói “các anh đưa vở nhưng dựng
lên không ai mua vé thì tôi dựng sao được!”. Tác giả lại nói: “Đó là vì quần
chúng còn lạc hậu, giáo dục thẩm mỹ cho quần chúng thì phải viết như thế chứ”.
Có tác giả nói: “Tôi viết vở kịch này là theo đúng tâm hồn nghệ sĩ nóng bỏng của
tôi. Nếu viết xong tôi phải sửa theo ông lãnh đạo, sửa theo quần chúng thì còn đâu
là tôi nữa”. Vậy cái tôi của nghệ sĩ với ý kiến quần chúng, ý kiến lãnh đạo không
có sự thống nhất với nhau sao? Và cái cá tính của nghệ sĩ chả lẽ suốt đời mâu
thuẫn với Đảng với quần chúng hay sao? Đảng ta yêu cầu văn nghệ có tính Đảng,
nghĩa là người nghệ sĩ sáng tác phải phản ánh được đường lối của Đảng cũng như
nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Lúc đó cá tính của nghệ sĩ mới nhất quán được
với đường lối của Đảng, với nhiệm vụ của cách mạng và nguyện vọng của nhân dân.
Làm thế nào khi tác giả đánh giá tác phẩm của mình là hay, lúc đó mới nhất quán
được. Cho nên đâu là thẩm mỹ tiến bộ, đâu là thẩm mỹ lạc hậu? Chúng ta cần phải
tìm cho ra, nó phức tạp lắm.
Trong đời sống định nghĩa cái đẹp là gì? Thế nào là đẹp? Vì có cái người này cho là đẹp, người khác lại không cho là đẹp. Người cho rằng
đẹp là cân đối, hài hoà,… Đẹp ở đây có nhiều nghĩa: đẹp về tư tưởng, ý nghĩ đẹp,
hành vi đẹp,… Cho nên nếu không có tư tưởng chung cho cái đẹp thì sẽ cãi nhau
mãi. Và cãi nhau ngược đời hết sức, vì có cái người này cho là rất đẹp thì người
khác lại cho là xấu ghê gớm.
Có một cậu thanh niên cùng trong đoàn đi thăm các cơ
sở, nhân lúc ngồi chơi uống rượu, cậu ấy bảo: “Em phục cái thằng nào nghĩ ra cái
quần loe”. Chúng tôi bảo: “Chết rồi, cậu là thanh niên Bộ Văn
hoá mà lại đi tuyên truyền cho quần loe”. Cậu ấy cãi: “Đẹp thì em phải nói chứ”.
Cậu ấy bảo vệ rất nhiệt tình.
Một anh cán bộ khác lại có quan điểm: “Cậu bảo đẹp cái
gì, tớ thấy tất cả những cậu mặc quần loe đều là bắt chước hết, có sáng tạo gì đâu
mà đẹp”. Nhưng cậu thanh niên kia lại nói rằng cái đẹp là cái của chung của mọi
người, không thể gọi là bắt chước được.
Tôi lại nói: “Thế cái đẹp có tính dân tộc không?” Cậu
ấy trả lời là “có chứ”. Cho nên đối với ta thì chỉ hơi loe thôi là đẹp. Hoặc có
một anh trang trí phòng riêng xong ngồi ngắm nghía cho rằng đẹp lắm. Và có người
đến cũng đồng tình đẹp đấy, nhưng có người lại đến chê. Cho nên cái đẹp nào là đẹp
tiến bộ, đẹp chân chính, đẹp nào đúng tiêu chuẩn, cái nào là không đẹp. Nghĩa là
phải đi đến thống nhất có một cái đẹp chung, có như vậy thì mới biến thành giáo
trình được. Đến bây giờ tôi cũng chưa tìm ra được một định nghĩa chung ấy. Và
không biết rằng có thể có định nghĩa chung thế nào là đẹp không? Cũng rất khó.
Nói cái đẹp ở về bàn ghế, đẹp về mặt mũi khác, đẹp về
thân thể khác cái đẹp của ấm chén. Có tiêu chuẩn đẹp áp dụng vào cái này được lại
không áp dụng vào cái khác được. Vậy thì nó có cái chung nhất không? Chắc là có
nhưng ta chưa tìm ra thôi. Nhiều khi các hoạ sĩ mời tôi đến xem tranh và mời phát
biểu cảm tưởng, tôi không bao giờ phát biểu cả vì không biết nó có đẹp hay không
nên đành rút lui có trật tự.
Trong Hội nghị sáng tác mỹ thuật có đưa ra một yêu cầu: làm sao tranh vẽ dễ hiểu. Nhưng có nhiều người cho rằng không nên nói như vậy,
và tôi cũng phải rút lui ý kiến. Vì dễ hiểu lại hoá ra hạ thấp nghệ thuật, vì
nghệ thuật là phải cảm thụ, có phải nghệ thuật nào cũng hiểu được ngay đâu. Tôi
đâm hoang mang, không biết dễ hiểu có phải là một tiêu chuẩn của nghệ thuật không? Vì muốn phục vụ nhân dân thì phải làm sao cho người ta hiểu được chứ, nếu người
ta xem mà không hiểu nó là cái gì thì còn gì là nghệ thuật.
Cho nên muốn xây dựng một nền văn hoá cao, một lối sống
mới, giáo dục thẩm mỹ là một lĩnh vực hoạt động của văn hoá rất lớn. Giáo dục
thẩm mỹ đặt riêng ra thành mỹ dục, nhưng thực ra nó cũng nằm trong lối sống. Sống
thế nào là đẹp. Thường thì từ những người kém văn hoá nhất đến những người có văn
hoá cao nhất trong xã hội cũng luôn luôn tìm cái đẹp trong cuộc sống. Ngay những
ông nông dân rất thấp văn hoá thì khi làm nhà ông ấy cũng yêu cầu trang trí vẽ
con rồng, con phượng xanh xanh đỏ đỏ. Và như thế ống ấy cho rằng rất đẹp. Nhưng
anh em ta ở thành phố về lại chê rằng loè loẹt, lố bịch,… chẳng đẹp tý nào.
Bây giờ làm thế nào có một tiêu chuẩn chung để mọi người
đều thừa nhận. Và cái đẹp này phải mang tính dân tộc. Cái đẹp của Việt Nam. Có thẩm mỹ chung đồng thời có thẩm mỹ Việt Nam. Có như vậy mới xây dựng lối sống xã hội chủ nghĩa Việt
Nam.
Về văn hoá còn một vấn đề khác nữa không hiểu nên gọi
là bản chất hay là nhiệm vụ. Nói về văn hoá, có nhiều khái niệm: Nền văn hoá,
công tác văn hoá, cách mạng tư tưởng và văn hoá,… Mỗi khái niệm đó đều có nội dung
riêng. Nói về công tác văn hoá, công tác này nó quyết định nhiệm vụ của ngành
ta. Trong đợt đi thăm các nước vừa qua tôi có chú ý tìm hiểu về những quan niệm
của các đồng chí nước ngoài về công tác văn hoá. Cũng có những quan niệm thống
nhất với ta, nhưng họ cũng có sự nhấn mạnh khác nhau. Có nước như Liên Xô nhấn
mạnh “Văn hoá là vũ khí tư tưởng”, nhấn mạnh bản chất và nhiệm vụ của văn hoá.
Trong tổ chức chỉ đạo cũng nhấn mạnh mặt này. Liên Xô cho toàn bộ công tác văn
hoá là công tác giáo dục, giáo dục thẩm mỹ, giáo dục các mặt khác, v.v… Ban Văn
hoá của Trung ương Đảng chỉ phụ trách về nghệ thuật thôi. Còn lại toàn bộ công
tác văn hoá mà như ta quan niệm gồm thư viện, bảo tàng, nhà văn hoá, câu lạc bộ,… thuộc về Vụ Giáo dục văn hoá của Ban Tuyên huấn. Cho nên khi chúng tôi sang đó
với danh nghĩa là cán bộ đại diện văn hoá của Đảng sang tham quan thì họ phải có
ba Ban đón tiếp (Ban Đối ngoại, Ban Văn hoá, Ban Tuyên huấn). Họ đề ra mỗi một nhà bảo tàng,
một công viên đều là một trung tâm giáo dục. Những cái này gắn chặt với chuyên
chính vô sản.
Khi sang Bun-ga-ri và Tiệp, các đồng chí ở đây lại nhấn
mạnh văn hoá là nhu cầu và quyền lợi, văn hoá là thoả mãn nhu cầu của quần chúng
nhân dân, văn hoá là phục vụ nhân dân. Nhưng cũng không tách hẳn yếu tố là vũ
khí tư tưởng và gắn chặt với chuyện chuyên chính vô sản. Song có ý nặng ở phần đầu
hơn.
Tóm lại, ta thấy văn hoá gồm có hai mặt: Mặt thứ nhất,
theo tôi, trước tiên nó là vũ khí tư tưởng của Đảng, nó gắn chặt với chuyên chính
vô sản, làm chức năng nhiệm vụ giáo dục cho nhân dân (giáo dục chính trị, giáo
dục tình cảm, giáo dục thẩm mỹ, giáo dục truyền thống, v.v…) đồng thời văn hoá
cũng nhằm để thoả mãn nhu cầu cho quần chúng nhân dân. Hai mặt này kết hợp chặt
chẽ với nhau và quan hệ với nhau. Người lãnh đạo phải thấy được hai mặt trên để
chỉ đạo công tác văn hoá đúng đắn.
Nếu người lãnh đạo chỉ thấy mặt tuyên truyền giáo dục
không thôi là không đủ và không đúng, nếu cứ đem đường lối chính sách của Đảng
ra chế biến, phổ biến, áp dụng vào buộc nhân dân phải thấy, phải nghe, phải
xem,… thì người ta không tiếp thu nổi. Phải thấy được nhân dân có những nhu cầu
về tình cảm, về văn hoá, nhu cầu về giải trí, thưởng thức, nhu cầu được hưởng
thụ, được nâng cao kiến thức, nâng cao tình cảm. Phải đưa những sản phẩm văn hoá
đó đáp ứng đúng nhu cầu nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời bản thân những sản
phẩm văn hoá đó phải có những chức năng giáo dục cho nhân dân. Nếu chỉ nhìn nó ở
góc độ vũ khí tư tưởng như báo, đài truyền hình là không được. Hoặc chỉ thấy mặt
thoả mãn, giải trí thôi thì lại càng không nên. Hai mặt này phải luôn luôn nhất
quán với nhau. Mỗi một hoạt động văn hoá đều phải đạt được hai yêu cầu đó. Đó cũng
là một nhận thức rất quan trọng trong quan niệm về công tác văn hoá của chúng
ta. Không nhấn mạnh vai trò vũ khí tư tưởng của văn hoá cũng có nghĩa là bỏ rơi
chuyên chính vô sản, bỏ rơi vũ khí tư tưởng, bỏ rơi lập trường giai cấp. Nhưng
nếu nhấn mạnh nó với vai trò của thông tin báo chí cũng không đúng. Văn hoá không
phải chỉ giáo dục chính trị, mà nó giáo dục tình cảm, đạo đức, thẩm mỹ. Mặt khác,
nó giáo dục không phải bằng biện pháp áp đặt, phổ biến không thôi mà nó còn thoả
mãn nhu cầu của nhân dân. Thoả mãn nhu cầu của nhân dân được đúng cũng có nghĩa
là đạt được chức năng giáo dục. Giáo dục có nghệ thuật và đúng cũng có nghĩa là
đạt được chức năng thoả mãn nhu cầu văn hoá. Vì nhân dân rất cần có thông tin,
báo chí đó là một nhu cầu về tinh thần, cần đọc sách trong thư viện, cần đến chỗ
giải trí thì lại là nhu cầu văn hoá. Và sau khi giải trí, sau khi xem nghệ thuật,
sau khi đọc sách mà nâng cao được điểm nào đó trong tình cảm, trong tư tưởng là
đạt được cả chức năng giáo dục.
Ở bên Đức có nhiều hiện tượng trong nghệ thuật không
phù hợp với ta, nhưng thanh niên lại rất hoan nghênh sự lãnh đạo mặt văn hoá
nghệ thuật của Đảng, của chính quyền. Các đồng chí thanh niên ở nước ta nói với
tôi là bên đó họ chiều thanh niên quá, như thanh niên đòi nghe đĩa phương tây là
ông ấy nhập luôn đĩa phương tây cho họ, hoặc thanh niên thích các mốt phương tây
lập tức các ông ấy nhập luôn mốt phương tây về. Có mấy cháu Việt Nam học bên đó cũng vậy, sáng mặc một bộ, trưa mặc một bộ,
tối đi xem văn công mặc một bộ khác. Thanh niên chạy theo mốt thời trang một cách
ghê gớm. Cho nên dân Việt Nam kể từ nghiên cứu sinh đến sinh viên học nghề luôn
xung phong vào những cửa hàng hạ giá. Nó hạ giá vì nó lạc hậu theo thời gian. Dân
Việt Nam thì không kể mốt mới hay cũ mà cứ rẻ tiền và mặc vừa
là mua. Có những thứ hạ giá đến 70 – 80%. Cho nên việc giáo dục thẩm mỹ rất phức
tạp.
Nói về sân khấu ở nước ta nhiều khi Hội đồng duyệt cũng
hoang mang, vì có những vở Hội đồng duyệt đánh giá là khá và có thể tạo nên dự
luận tốt, nhưng đến khi cho dựng để diễn thì không ai xem. Có những vở Hội đồng
duyệt cho rằng mới chỉ “sạch nước cản” về chính trị nên diễn tạm được, nhưng
khi diễn thì quần chúng nô nức đi xem, nên nhiều khi Hội đồng duyệt thấy hoang
mang vì không biết thế nào là hay là đẹp.
Nói về công tác văn hoá, tôi cũng chưa hiểu nên gọi là
bản chất, chức năng hay nhiệm vụ? Nói về chức năng Bộ đã tổng kết gồm nhiều điểm,
nhưng ở đây tôi thấy có hai mảng: thoả mãn nhu cầu về tinh thần, về văn hoá, mặt
thứ hai là thực hiện chức năng giáo dục tư tưởng, giáo dục tinh thần. Hai mảng
này phải thống nhất lại với nhau trong công tác văn hoá.
* * *
Nhiệm vụ của
công tác văn hoá
Trường ta là trường Cao đẳng nghiệp vụ văn hoá. Thế nào
là nghiệp vụ văn hoá? Công tác văn hoá của chúng ta từ trước đến nay muốn đề
ra bao nhiêu nhiệm vụ cũng được, không có khuôn khổ nào cả. Bây giờ chúng ta thử
gói gọn lại xem sao, sơ bộ có 6 mảng công tác:
1. Văn hoá quần chúng gồm hai nội dung văn nghệ quần
chúng và nếp sống mới.
2. Công tác thông tin cổ động. Chữ “thông tin cổ động”
có nghĩa thông tin để cổ động và ngược lại, cổ động để thông tin. Lấy tin nơi
khác về thông tin đi và cổ động chứ không phải là nơi viết tin như Đài phát
thanh hoặc Báo Nhân dân. Thông tin (đưa tin cho nhanh) không phải chức năng của
ngành ta. Chức năng của ta là thông tin để cổ động. Tính chất quan trọng của thông
tin cổ động là cổ động. Cho nên cờ quạt, khẩu hiệu, áp phích, gọi loa, v.v… là
chức năng của ta. Bây giờ có tình trạng viết khẩu hiệu hoặc treo khẩu hiệu còn
hay tuỳ tiện. Thời gian tôi vào Sài Gòn có đồng chí hỏi: Anh ở nhà nào? Tôi
trả lời: Tôi ở nhà “không có gì quý hơn độc lập và tự do”, bởi vì ngoài cổng của
toà nhà này treo khẩu hiệu nho nhỏ như vậy. Hoặc ở ngay Hà Nội vào tháng 7 – 8
tôi vẫn gặp những khẩu hiệu đề “Năm mới thắng lợi mới”. Việc viết khẩu hiệu,
treo khẩu hiệu cũng phải viết cho đúng nội dung, đúng thời điểm và treo đúng chỗ,
loại nào cao, loại nào để thấp, v.v… Hoặc treo cờ cũng vậy, ở nơi nào thì nên
treo loại cờ nào. Vì có nhiều loại cờ: cờ lá chuối, cờ đuôi nheo, cờ đỏ sao vàng,
v.v…
3. Công tác xuất bản. Hiện nay Bộ Văn
hoá quản công việc xuất bản, nhưng đào tạo nghiệp vụ xuất bản lại do Ban Tuyên
huấn trung ương làm.
4. Công tác thứ tư là nghệ thuật. Lĩnh vực này do Bộ
quản: điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc. Công tác nghệ thuật gồm những khâu: sáng tác, xuất bản, đạo diễn và biểu diễn.
5. Công tác thứ năm là Bảo tồn bảo tàng.
6. Thứ sáu là công tác thư viện.
Trên đây là 6 mặt nghiệp vụ của công tác văn hoá. Sáu
mặt này cũng là những mặt phù hợp với các trường nghiệp vụ của Bộ ta hiện nay.
Trường ta hiện nay có khoa Thư viện, khoa Phát hành, khoa Bảo tàng, khoa Văn hoá
quần chúng. Còn điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật đều có trường riêng.
Thông tin cổ động ít nữa cũng sẽ là một khoa nghiệp vụ
của trường ta, xuất bản có thể cũng thuộc Bộ ta. Hiện nay có nhiều người nói xuất
bản thuộc nghiệp vụ của văn hoá. Công tác này Bộ ta sẽ bàn với Ban Tuyên huấn
sau.
I. Công tác văn hoá quần chúng
Về văn hoá quần chúng hiện nay có những vấn đề gì? Cán
bộ văn hoá quần chúng là người cán bộ như thế nào? Điều này chúng tôi còn phân
vân. Có anh em quan niệm cán bộ văn hoá quần chúng nhất thiết là phải biết một
môn nghệ thuật để chỉ đạo nghệ thuật quần chúng. Nhưng trong nghệ thuật có loại
nghệ thuật chuyên nghiệp và loại nghệ thuật quần chúng hay không? Có đồng chí
nói người cán bộ văn hoá quần chúng là phải học về văn hoá quần chúng nói
chung, sau đó đi sâu vào một môn nghệ thuật tuỳ theo năng khiếu. Có thể học nhạc,
sân khấu, vẽ, múa, v.v… Nhưng thế nào là người cán bộ văn hoá quần chúng? Chúng
ta phải hình dung xem người cán bộ văn hoá quần chúng làm cái gì? Như trên tôi
đã nói văn hoá quần chúng có hai nội dung
văn nghệ quần chúng và nếp sống mới. Ở các nước họ không nói văn hoá quần
chúng, họ nói văn nghệ nghiệp dư và văn nghệ chuyên nghiệp. Lực lượng văn nghệ
nghiệp dư họ chỉ tính những người tham gia thôi, những người chỉ đạo đều thuộc
chuyên nghiệp, bởi vì những người này đều qua các trường trung học, đại học chính
quy. Người chỉ đạo phong trào văn hoá quần chúng thì gọi anh ta là văn nghệ quần
chúng hay văn nghệ chuyên nghiệp. Điểm này rất khó. Người ta cho rằng không thể
gọi anh ta là văn nghệ quần chúng được, bởi vì anh ta được đào tạo và tốt nghiệp
ở trường ra, có trường hợp anh ta không làm chuyên nghiệp mà chỉ có bằng thôi.
Ví dụ: có những địa phương đồng chí Đội trưởng đội kèn
đồng của các cháu ở xã, ông này tốt nghiệp trường nhạc, nhưng lại là giáo viên
cấp III. Gọi ông này là văn nghệ quần chúng có được không? Không được. Phải gọi
ông ấy là văn nghệ chuyên nghiệp. Tôi có đến một viện nghiên cứu văn học dân
gian của trường, ông Viện trưởng là một nhạc sĩ nổi tiếng. Ông này đứng đầu một
tổ chức âm nhạc nghiệp dư gồm những diễn viên nổi tiếng. Ông ấy nói: Chúng tôi
vẫn thường gọi là đội nghiệp dư nhưng thực tế chúng tôi đi biểu diễn ở mấy chục
nước, trình độ các diễn viên của đoàn đều ngang trình độ các nghệ sĩ quốc gia.
Nên đứng về mặt nghiệp vụ mà phân tích thì đây là văn nghê chuyên nghiệp, không phải là văn nghệ
quần chúng.
Bản thân nghệ thuật tôi cho rằng không thể chia ra thành
nghệ thuật quần chúng hay chuyên nghiệp. Nói văn nghệ quần chúng hay chuyên
nghiệp là nói đến con người tham gia. Và đã tham gia văn nghệ là phải học nghệ
thuật và phải nâng trình độ lên, đồng thời trình độ nghệ thuật đó cũng phải có
cơ sở. Không thể quan niệm nghệ thuật quần chúng là nhẹ, nghệ thuật chuyên nghiệp
phải có chính quy. Nói quần chúng là nói người tham gia.
Nếu đào tạo một anh cán bộ văn hoá quần chúng có đủ trình
độ về mặt nghệ thuật nào đó, để khi ra anh ta có đủ khả năng hướng dẫn những người
tham gia chưa biết gì gọi là văn nghệ quần chúng là không đúng. Những người làm
công tác văn hoá quần chúng là người biết tổ chức những phong trào văn nghệ quần
chúng, biết chọn người, biết tổ chức họ, biết tạo điều kiện, biết động viên, biết
tìm nội dung để hướng dẫn phong trào, v.v… gọi là người cán bộ văn hoá quần chúng.
Chính vì thế người cán bộ đó phải có nhiều kiến thức về mọi mặt nghệ thuật, không
cần học một môn nghệ thuật cụ thể. Tôi quan niệm như vậy không biết có đúng hay
không, nhưng tôi cứ nói quan điểm của tôi ra với các đồng chí. Người cán bộ văn
hoá quần chúng không cần phải học một môn nghệ thuật cụ thể nào, nhưng phải có
kiến thức rộng, biết lịch sử âm nhạc, biết lịch sử mỹ thuật, có kiến thức về sáng
tác, có kiến thức về thẩm mỹ, biết thế nào là một bài hát đúng, hay, biết tính
chất của các loại nhạc cụ, loại nào hay ở điểm nào, biết thế nào là một bức
tranh đẹp, biết thế nào là một buổi biểu diễn sân khấu tốt, v.v… Những điểm này
các đồng chí ở Vụ Văn hoá quần chúng chưa hoàn toàn nhất trí. Người cán bộ văn
hoá quần chúng phải có nhiều kiến thức, nhưng nếu ta phải tổ chức các bộ môn
nghệ thuật, đạo diễn, sân khấu tuồng, chèo, cải lương… nhiều loại như vậy thì
biết học cái gì? Chẳng lẽ người học xiếc, người học chèo, người học cải lương,
nhạc, mỹ thuật, v.v… Mỹ thuật ở đây dạy trung cấp không ra trung cấp, cao đẳng
không ra cao đẳng, sơ cấp không ra sơ cấp. Người học thế này thì về làm gì? Ấy
thế mà ông ấy hướng dẫn quần chúng. Như thế phải chăng có một thứ nghệ thuật riêng
cho quần chúng là chỉ cần một trình độ thấp không? Làm như vậy là không nên. Tôi
cho rằng vận động quần chúng tham gia nhưng hướng dẫn cho quần chúng về mặt nghệ
thuật phải đầy đủ, nghĩa là phải có cao đẳng, có đại học.
Ở các nước nhiều khi các nghệ sĩ nổi tiếng lại là những
nghệ sĩ nghiệp dư. Còn người cán bộ văn hoá quần chúng phải là người có nhiều
kiến thức, nắm được các nhu cầu và biết đứng ra tổ chức, không cần học môn cụ
thể nào. Nếu ông ấy thích, ông ta có thể đi sâu học thêm môn nghệ thuật cụ thể
nào đó tuỳ năng khiếu và ý thích và đó là chuyện riêng của ông ta. Lúc đó ông
ta có thêm chức năng hoạt động nghệ thuật quần chúng. Còn ta đào tạo người cán
bộ văn hoá quần chúng phải là người có nhiều kiến thức về các mặt văn hoá, về các
nhu cầu của quần chúng và có tài tổ chức, tập hợp được các nghệ sĩ để hướng dẫn
phong trào và động viên phong trào lên. Tôi nghĩ rằng có người không biết đạo
diễn, không biết chơi thứ nhạc cụ nào nhưng lại có rất nhiều kiến thức về âm nhạc,
sân khấu… Nội dung của văn hoá quần chúng trước hết là những mặt đó.
Văn hoá quần chúng ở các nước, họ còn đào tạo những người
làm chủ nhiệm câu lạc bộ. Nhưng chủ nhiệm câu lạc bộ thì cũng có loại phải đào
tạo, có loại không phải đào tạo.
Loại câu lạc bộ thứ nhất là những câu lạc bộ theo sở
thích. Những câu lạc bộ này mang đúng tính chất quần chúng và nó tự giác hoạt động,
sinh hoạt của nó nhẹ nhàng. Ví dụ trong một địa phương hay một khu vực có một số
người thích chơi cái gì đó bèn tập hợp nhau lại. Nhà nước tạo điều kiện cho họ
tập hợp lại và hoạt động. Người tích cực nhất trong nhóm làm chủ nhiệm câu lạc
bộ đó… Cho nên ở trong nhà văn hoá của họ có tới mấy chục câu lạc bộ. Mỗi câu
lạc bộ là một phòng. Có câu lạc bộ những người đi săn, câu lạc bộ những người
chơi ảnh, câu lạc bộ những người quay phim nghiệp dư, câu lạc bộ những người thích
sách, câu lạc bộ những người thích chơi rađio, v.v… Trong câu lạc bộ nhiếp ảnh,
mỗi người chơi đều có máy ảnh riêng, nếu chơi một mình thì phải đi mua giấy, đi
vay phim, đi xin thuốc, đi in nhờ, v.v… nhưng nếu họ tập hợp nhau lại thì thế nào
cũng có thể trao đổi thiết bị đó cho nhau được, và nếu tổ chức câu lạc bộ thì
Nhà nước trang bị cho có phòng tối, có máy phóng, thuốc, giấy, phim,… các anh
chỉ việc đóng tiền để chơi. Thông thường ở nước ta cũng có những người cùng sở
thích thường hay tìm đến nhau. Tôi thích nghe nhạc đến ông mượn đĩa này, cho ông
mượn đĩa kia… Nhà văn hoá đảm bảo một số điều kiện, còn toàn bộ hoạt động của
tổ chức đó là do từ những người cùng sở thích tổ chức ra chơi. Người giám đốc
nhà văn hoá đó biết được có những tổ chức đó và ông ta quản lý những điều kiện
trang bị… còn tổ chức hoàn toàn do tự giác của những người có cùng sở thích.
Muốn tổ chức được những câu lạc bộ như vậy, người giám đốc Nhà văn hoá đó phải
biết tập hợp, giúp đỡ họ tổ chức câu lạc bộ.
Loại câu lạc bộ thứ hai là câu lạc bộ nhằm nâng cao kiến
thức về mọi mặt gồm có những hoạt động: tổ chức nói chuyện thời sự, tổ chức nói
chuyện khoa học, nói chuyện về kiến thức nghệ thuật, v.v… Những ông chủ nhiệm
phụ trách các Nhà văn hoá phải đứng ra tổ chức. Nếu người cán bộ văn hoá quần
chúng biết rõ cách tổ chức một nhà văn hoá, biết được nhiệm vụ chức năng của một
nhà văn hoá thì mỗi khi có nhà văn hoá, người cán bộ đó mới biết cách xếp đặt các
cán bộ và điều khiển các hoạt động của nó.
Người cán bộ văn hoá quần chúng phải là người chỉ đạo
trực tiếp các cuộc vận động về phong trào nếp sống mới. Trong Đảng Đoàn đã họp
và sơ bộ đề ra: hiện nay phải căn cứ vào những phong trào ta đã có và căn cứ vào
những sáng kiến của phong trào địa phương đã phát động. Dựa vào thực tiễn đó, Đảng
Đoàn tạm quy nó vào một số nội dung gọi là những nội dung của phong trào nếp sống
mới. Mỗi nội dung có thể có nhiều phong trào. Có thể tạm quy thành 5 nội dung:
- Xây dựng nếp sống lao động mới, có người nói nếp lao
động không thuộc văn hoá, lao động thuộc phạm vi sản xuất kinh tế. Nhưng nó là
một nét chủ yếu trong nếp sống, vì con người sống trong xã hội thì mặt hoạt động
chủ yếu nhất trong cuộc sống là lao động. Anh muốn sống trong xã hội chủ nghĩa
thì anh phải có lao động xã hội chủ nghĩa. Tỉnh Nghĩa Bình đã có sáng kiến phát
động phong trào lấy tên “phong trào con người mới” bởi vì họ quan niệm có con
người mới là có nếp sống mới. Con người sống theo nếp sống mới cho nên nếp sống
mới với con người mới là một. Do đó họ mới phát động phong trào “con người mới”
với 5 tiêu chuẩn: một là, ý thức làm chủ tập thể; hai là, có ý thức lao động; ba là, có ý thức học tập; bốn là, tôn trọng pháp luật,…
Muốn vận động một phong trào nào họ đều lấy phong trào
con người mới đó mở đầu. Ví dụ vận động đi kinh tế mới thì con người mới phải xây
dựng kinh tế mới. Vì đi kinh tế có nghĩa là có lao động, chấp hành chính sách,… Hoặc vận động phong trào bình dân học vụ, xoá nạn mù chữ cũng lấy phong trào
con người mới mở đầu. Họ phát động tất cả mọi người đăng ký 5 tiêu chuẩn đó.
Khi mọi người đăng ký rồi thì cứ dựa vào đó mà vận dụng, phong trào đó có kết
quả rất tốt.
- Nội dung thứ hai là xây dựng
gia đình văn hoá mới. Phong trào này hiện nay được phát động tương đối phổ
biến, miền Nam bắt đầu làm. Ngay nếp sống trong
gia đình cũng là một nội dung rất quan trọng trong đời sống hàng ngày.
- Thi hành Chỉ thị 214 về cưới, tang, giỗ, hội. Vấn đề
này cũng khá quan trọng vì nó động đến những sự kiện quan trọng nhất của một cuộc
đời con người. Điểm này gắn với chống mê tín dị đoan.
- Các nếp sống công cộng gồm: vệ sinh công cộng, lễ
phép công cộng,… Mặt này hiện nay có Luật phạt vi cảnh hỗ trợ rất nhiều.
- Giáo dục thẩm mỹ trong sáng tác, thưởng thức nghệ
thuật, giáo dục thẩm mỹ trong hành vi cuộc sống hàng ngày, giáo dục quan niệm
thẩm mỹ về cái đẹp trong cuộc sống hàng ngày. Giáo dục thẩm mỹ ở nhiều lĩnh vực,
nhưng tuỳ theo yêu cầu từng nơi từng lúc và áp dụng từng mặt cụ thể.
Trong Hội nghị đấu tranh chống văn hoá thức dân mới có
đi tới một kết luận: cần phải giáo dục thẩm mỹ để chống văn hoá thực dân mới.
Văn hoá thực dân mới đã đem vào cho nhân dân một thẩm mỹ rất lạc hậu, một quan
niệm thẩm mỹ rất lạc hậu, đặc biệt đối với nghệ thuật. Đối với nghệ thuật nó rơi
vào quan điểm thẩm mỹ du hí, nó coi nghệ thuật là trò chơi để giải trí hoặc nghệ
thuật có thể là thương mại. Từ đó nó quan niệm những người nghệ sĩ là những vật
để buôn bán và coi người nghệ sĩ cũng là những con hát phục vụ mọi người.
Chúng ta phải xây dựng quan điểm coi nghệ thuật là nhu
cầu tinh thần và nghệ thuật có chức năng nâng cao tinh thần, nâng cao tư tưởng,
nâng cao đạo đức, nâng cao tình cảm cho con người. Cho nên nghệ sĩ cũng là những
kỹ sư tâm hồn, mọi người phải có thái độ tôn trọng đối với nghệ sĩ. Mặt khác phải
giáo dục nếp sống văn minh, giáo dục mọi người có lời nói hay, hành vi cử chỉ đẹp,
giáo dục thẩm mỹ đối với mọi vật hàng ngày như nhà ở, đồ dùng, quần áo, tóc
tai,…
Ở các thành phố của các nước, đi ra đường tôi thấy họ ăn
mặc rất nhiều màu sắc, nhiều kiểu cách. Ở Hà Nội của chúng ta chỉ thấy màu xanh
và màu đen là nhiều. Nhưng đối với chúng ta màu sắc thế nào cho đẹp? Căn cứ vào tính dân tộc và yêu cầu của cái đẹp chúng tôi
thấy nên đưa ra 3 tiêu chuẩn: Đẹp giản dị, giản dị có nghĩa là chống lại
cái phức tạp, cầu kỳ, diêm dúa. Thứ hai là trang nhã. Trang nhã cũng gần với giản
dị, nhưng nó có thêm mặt khiêm tốn hài hoà. Tôi chưa đi sâu vào nghiên cứu lịch
sử mỹ thuật, nhưng thấy được truyền thống của dân tộc ta rất thích trang nhã. Có
lần tôi đi xem triển lãm Mỹ nghệ, thấy những người Hà Nội bày những tấm thảm.
Thảm này dệt theo thời cổ, nhưng màu sắc sáng nhạt trông rất nhã, đẹp. Anh Tố Hữu
nói với tôi: Anh xem cái này rất “Hà Nội”. Hà Nội ở đây trở thành một tính từ để
chỉ màu sắc, một tính cách Hà Nội là lịch thiệp, trang nhã. Tôi nêu ở đây là nêu
cái chung, chứ hiện nay đi ra đường cũng có nhiều chuyện phức tạp. Các đồng chí
còn nhớ ngay áo “mớ ba mớ bảy” của các bà, các cô phụ nữ trước đây, ở trong là
màu rất tươi, sặc sỡ, nhưng bên ngoài phải mặc một chiếc áo sao cho kín đáo và
làm dịu bớt màu sặc sỡ của áo gấm bên trong.
Một yếu tố nữa không hẳn là đẹp nhưng nó bổ sung cho cái
đẹp là khoẻ mạnh. Khoẻ mạnh chống lại sự uỷ mị, thướt tha, lượt thượt.
Đó là một số yêu cầu chúng tôi đề xướng ra dần dần trở
thành tiêu chuẩn. Những tiêu chuẩn này đưa vào giáo dục nhân dân từ nhỏ đến lớn
và luôn luôn được dư luận xã hội nhắc đến. Khi những yêu cầu đó đã trở thành mẫu
mực thì những lai căng, lố bịch nhập vào lập tức bị áp đảo ngay. Vấn đề này rất
lớn và phức tạp. Hiện nay do nhu cầu của phong trào cần đề ra những vấn đề cho đơn
giản và cụ thể để làm ngay, nên tôi mạnh dạn đề ra như vậy. Đi sâu vào phân tích
về mặt lý luận thì còn khó khăn lắm. Những tiêu chuẩn trên tuy nó mới chỉ là những
vấn đề đơn giản và cụ thể nhưng nó cũng đã làm cho các cơ sở có chỗ dựa để phát
động phong trào. Nếu cứ nói chung giáo dục thẩm mỹ thì các cơ sở chẳng biết làm
như thế nào, giáo dục thẩm mỹ nó là cái gì. Những tiêu chuẩn trên nếu mà trúng,
được xã hội ngày càng tán thành rộng rãi thì dần dần nó trở thành những nhu cầu
được xác định trong dư luận xã hội. Đạt được như vậy ngay từ trường của các đồng
chí đây cũng có một giáo trình thống nhất. Các anh em học ở đây khi về công tác
đều phổ biến thống nhất từ trên xuống dưới.
Hiện nay đi về các tỉnh, nhiều nơi chưa nói lên được
chức năng cụ thể của mình và các anh lại đổ tại Bộ không hướng dẫn.
Tóm lại đào tạo những người làm công tác văn hoá quần
chúng là những người có kiến thức về nghệ thuật, biết những nhu cầu của quần chúng
về nghệ thuật, biết tổ chức những hoạt động nghệ thuật cho quần chúng, biết điều
khiển, tổ chức những cơ sở hoạt động văn hoá
quần chúng, cụ thể là các loại câu lạc bộ và các nhà văn hoá. Những đồng chí
làm công tác văn hoá quần chúng có thể làm việc ở Phòng văn hoá thông tin của
huyện, ở Phòng văn hoá quần chúng ở tỉnh và có thể là Giám đốc một nhà văn hoá
hoặc hướng dẫn cho cán bộ cơ sở làm.
Người cán bộ văn hoá quần chúng phải hiểu các mặt hoạt
động của quần chúng ở cơ sở. Hội nghị Đảng Đoàn vừa qua đã xác định 8 mặt hoạt
động ở cơ sở (cả văn hoá và thông tin). Mỗi mặt hoạt động có 4 yếu tố:
- Mặt hoạt động,
- Tổ chức con người để thực hiện mặt hoạt động,
- Cơ sở vật chất để thực hiện mặt hoạt động đó,
- Phong trào nhân dân tham gia.
Mỗi mặt hoạt động của cơ sở đều phải gồm có 4 yếu tố
hoạt động trên.
Hoạt động cơ sở gồm 8 mặt hoạt động như sau:
1) Đọc sách. Tổ chức của nó gồm có thư viện và người
quản lý thư viện. Cơ sở vật chất là nhà thư viện và phòng đọc sách. Phong trào đọc
sách báo và làm theo sách báo, kể chuyện, giới thiệu sách.
2) Câu lạc bộ. Tổ chức của nó có Ban chủ nhiệm và cộng
tác viên. Cơ sở vật chất có thể có riêng hoặc hoạt động ở hội trường, phòng đọc
sách, nhà văn hoá. Không nhất thiết phải có nhà câu lạc bộ. Phong trào là nhân
dân tham gia sinh hoạt câu lạc bộ.
3) Giáo dục truyền thống. Tổ chức là người phụ trách nhà
truyền thống, nhà bảo tàng. Cơ sở vật chất là nhà truyền thống, nhà lưu niệm hoặc
nhà di tích. Phong trào là sưu tầm hiện vật và bảo quản di tích, hoạt động giáo
dục truyền thống.
4) Hoạt động văn nghệ của quần chúng hay là văn nghệ
nghiệp dư. Tổ chức là tổ sáng tác và đội văn nghệ. Cơ sở vật chất là các trang
thiết bị cho đội văn nghệ, nơi tập luyện và nơi biểu diễn. Phong trào là đội văn
nghệ làm nòng cốt, quần chúng tham gia.
5) Hoạt động thông tin cổ động. Tổ chức là Đội thông
tin, Tổ báo cáo thời sự. Cơ sở vật chất là trạm truyền thanh, trạm thông tin và
triển lãm.
6) Trang trí, kẻ, vẽ. Tổ chức là tổ trang trí kẻ, vẽ.
Cơ sở vật chất là các khẩu hiệu cố định, cột cờ, bảng tin,…. Phong trào là
phong trào kẻ, vẽ của quần chúng, phong trào làm đẹp làng đẹp nhà.
7) Nếp sống mới. Tổ chức gồm có Ban chỉ đạo nếp sống mới.
Cơ sở vật chất có Phòng cưới, Phòng cưới có thể kết hợp phòng đọc sách và câu lạc
bộ; nghĩa trang nhân dân, xe tang. Phong trào: gia đình văn hoá mới và phong
trào chống mê tín di đoan.
8) Tổ chức chiếu bóng và biểu diễn nghệ thuật. Tổ chức
bao gồm có Ban quản lý nhà hát và tổ, ban điện ảnh. Cơ sở vật chất là nhà hát
hay bãi chiếu bóng ngoài trời,…
Trên đây là 8 mặt hoạt động ở cơ sở. Bây giờ mỗi cán bộ
làm công tác văn hóa quần chúng ở tỉnh, huyện cũng phải làm cho thống nhất quan
niệm này để hướng dẫn chỉ đạo cho cơ sở. Hiện nay có tình trạng mỗi nơi có một
quan niệm khác nhau. Mặt khác phong trào còn phụ thuộc vào ý thích của Bí thư tỉnh
uỷ, ông thích thư viện, ông thích văn nghệ, ông thích phòng truyền thống, v.v… ông
nào thích lĩnh vực nào là chỉ quan tâm đến mặt đó.
II- Thông tin cổ động
Thời gian tới vấn đề thông tin cổ động sẽ là một khoa
của trường ta. Vấn đề này tôi chưa đi sâu nên cũng không biết có những vấn đề gì
đặt ra. Tôi chỉ xin nhắc các đồng chí một điểm là phải xác định tính chất công
tác. Thông tin của ta là thông tin cổ động. Chữ “cổ động” ở ta và các nước cũng
có quan niệm khác nhau. Ở ta quan niệm công tác huấn luyện tuyên truyền là công
tác cổ động. Ở các nước cho rằng tuyên truyền và huấn luyện là một, còn cổ động
giống như công tác tuyên truyền của ta. Ở Liên Xô quan niệm công tác tuyên truyền
giống công tác huấn luyện ở nước ta.
Nước ta quan niệm tuyên truyền gồm có: báo chí, đài
phát thanh, xuất bản. Cổ động thể hiện ở các cơ sở như triển lãm, khẩu hiệu,
panô, áp phích,… Thường Đội thông tin cổ động ở cơ sở gồm có cả văn nghệ (hát
múa) hát phải có nhạc kèm theo. Ở huyện có Đội thông tin lưu động, các anh chị
em này cũng phần lớn biết đàn, hát. Bây giờ Bộ chỉ thị cho huyện là nhất thiết
không có văn công (dù nghiệp dư hay chuyên nghiệp) mà chỉ nên duy trì các đội
nghiệp dư mạnh ở các xã.
Có nhiều huyện, tổ thông tin cơ động cũng chính là đội
văn nghệ. Vấn đề này phải được xác định rõ ràng. Công tác cổ động ở cơ sở thì
thế nào cũng phải sử dụng văn nghệ, nhưng tổ chức nó là tổ thông tin cổ động chứ
không phải là để biểu diễn văn nghệ.
Hiện nay các huyện đang tổ chức các triển lãm nhỏ. Ở Hà
Nam Ninh có một số xã đã tổ chức. Đây là một yếu tố cổ động
rất thông minh và rất tốt. Nhiều khi chúng tôi về thăm quan chỉ cần qua triển lãm
nhỏ của xã đó có thể nắm được quá trình lịch sử của xã tiến lên như thế nào, các
thành tích về sản xuất, văn hoá, giáo dục,… phương hướng quy hoạch tiến lên ra
sao. Tất cả mọi cái đều được biểu hiện qua triển lãm.
Hình thức triển lãm rất phong phú: nơi biểu hiện bằng
ảnh, trong sơ đồ, v.v… chú thích bức tranh, có nơi đều bằng thơ. Cho nên ở đây đòi
hỏi có những nhà biên tập giỏi và nhà thơ nữa.
Công tác thông tin ở xã cũng có nhiều nơi còn thiếu sót.
Thông tin thường thường là tóm tắt tin thế giới, trong nước. Tôi đến một phường
ở Quy Nhơn có 8 tổ. Phòng Thông tin của Ty Văn hoá mỗi ngày đưa xuống phường 9
bản tin (mỗi bản tin 2 – 3 trang đánh máy). Phường gửi tin cho các tổ, bản thân
phường thì gọi loa. Các tổ nhận được tin cũng gọi loa hoặc đọc cho nhân dân
nghe. Nếu cứ có tin đều như vậy là rất tốt. Nhưng qua Hội thi của công tác thông
tin cổ động vừa qua, tôi có nhận xét chưa phải là làm thông tin lắm. Truyền đạt
chủ trương chính sách hoặc cổ động một phong trào nào, thường phần đầu chiếm khá
dài, nội dung giới thiệu rất ít. Chúng ta chưa quen với tác phong nói thẳng vào
vấn đề. Một nhược điểm nữa: tin đưa gần giống với báo của trung ương (nhắc lại
tin của báo đã nói).
Khi còn ở bộ đội, chúng tôi nói với nhau: Mình là quân
đội, mình cũng phải làm công tác tuyên truyền. Chúng tôi thành lập một đài phát
thanh ở bản chúng tôi đóng quân. Đài phát thanh mở ra có tiết mục văn nghệ rất
rôm rả, hát, thơ, ca… cũng nói tóm tắt tin thế giới, trong nước. Lúc đầu các cụ
trong bản phấn khởi đến nghe. Được hơn một tuần đài phát thanh hết khách. Chúng
tôi ngồi kiểm điểm xem nguyên nhân nào. Khi kiểm điểm thấy là nói tin thế giới,
trong nước nhiều. Sau đó chúng tôi nghĩ vậy làm thế chưa hay. Về sau chương trình
chiếm đa số của đài phát thanh là tin tức trong bản. Lấy tin trong bản rất khó
vì hàng ngày dân đi cày đi cấy, làm nương làm rẫy chẳng có gì lạ cả. Sau đó chúng
tôi bàn là trong bản có bất cứ chuyện gì cũng nói tất. Lúc đầu đưa tin chuyện
trẻ con cãi nhau, tin gà nhà bà nọ sang ăn rau vườn bà kia, tin trâu nhà nọ húc
đổ bờ rào nhà ông kia… làm kiểu tin này trẻ con nghe cười thích chí lắm và các
cụ cũng thích nghe. Những tin này có sức thu hút mọi người trong bản, đồng thời
có tác dụng xây dựng nếp sống trong bản rất tốt. Ví dụ tin “để trâu ỉa bừa ngoài
đường đi” có tác dụng nhắc nhở những nhà hay cho trâu ra bừa bãi và làng bản sạch
sẽ hơn. Trẻ con bớt đánh nhau, bớt nói tục. Cho nên đã nói thông tin ở xã là phải
có lượng tin ở xã nhiều hơn, tin thế giới, trong nước ít thôi.
Qua hội diễn tôi thấy các đồng chí làm công tác thông
tin cổ động cũng có mặt tốt là chịu khó truyền đạt những kiến thức khoa học…
Nhưng cách trình bày chưa được hấp dẫn, còn “lên gân lên cốt” nhiều. Có những nơi
tổ chức rất lớn nhưng hiệu quả chưa chắc đã giữ được lâu dài. Ví dụ xã Cổ Loa
sang mời đồng chí Trần Quốc Vượng, Hoàng Xuân Nhị nói về lịch sử Cổ Loa. Tôi
nghĩ xã không làm được mà phải dựa vào các nhà học giả sợ rằng không được lâu dài.
Đồng chí Trần Quốc Vượng nói về lịch sử Cổ Loa nghe mê lắm (từ cụ già đến các
cháu nghe đều thích) nhưng đến các đề tài khác sợ không duy trì được.
Hiện nay ngành đề ra một vấn đề là công tác biên tập
thông tin ở xã, công tác này rất khó khăn. Nhiều tỉnh, huyện đã mở lớp biên tập
viên cho xã. Tôi chưa hiểu các đồng chí đào tạo ra sao, nhưng biên tập là phải
có kiến thức, có trình độ văn hoá và phải có quan điểm rõ ràng. Thực tế tôi thấy
ở xã thường hay xuất hiện các biên tập thiên tài. Có những đồng chí đã chế biến
những lời nói của anh Lê Duẩn, anh Phạm Văn Đồng thành thơ rất giỏi.
Công tác này phải dựa vào quần chúng. Đây là một yếu tố
rất quan trọng. Ngay ở trong quần chúng chúng ta có thể phát hiện nhân tài, bồi
dưỡng nhân tài. Hiện nay tôi theo dõi trên báo thấy có hiện tượng là dân làm thơ
rất nhiều, trẻ con lên 7 – 8 tuổi cũng làm thơ.
III- Công tác xuất bản
Tôi không nói nhiều vì nghiệp vụ này rất lớn. Trong ngành
xuất bản có 3 khâu: Một là khâu sản xuất (các nhà xuất bản) làm nhiệm vụ biên
tập, làm ra bản thảo để đưa in. Khâu thứ hai là nhà in. Khâu thứ ba là phát hành.
Mỗi khâu có hàng loạt công tác nghiệp vụ khác nhau. Phát hành có: kho, giá cả
kinh doanh, phân phối, vận tải,… Hiện nay việc phát hành sách, báo còn đang tách
rời nhau. Phát hành sách thuộc cơ quan phát hành sách, phát hành báo thuộc Tổng
cục Bưu điện. Ở các nước họ có quầy sách, báo liền nhau. Vấn đề này đang được đặt
ra giữa Bộ Văn hoá và Tổng cục Bưu điện và xem để thế nào cho tiện.
In cũng có nhiều khâu: mực in, giấy in, các loại kỹ
thuật in.
Xuất bản có khâu trung tâm là công tác biên tập. Các
nhà xuất bản đều có đội ngũ biên tập, nhưng trong đội ngũ biên tập này những người
được đào tạo qua trường lớp còn rất ít. Thông thường là các anh em cán bộ chính
trị, cán bộ tuyên huấn có trình độ văn hoá, làm lâu, có kinh nghiệm thành giỏi.
Chưa có giáo trình, lý luận đào tạo người biên tập ra sao. Có lẽ đào tạo cho xuất
bản quan trọng nhất là đào tạo biên tập viên. Bộ ta mở Trường kỹ thuật In, đào
tạo cán bộ kỹ thuật, kỹ sư in. Hiện nay trường Đại học Bách khoa đào tạo kỹ sư
in. Kỹ sư in cũng có nhiều loại, có loại máy in, có loại kỹ thuật in, kỹ sư về
mực in,...
IV- Công tác nghệ thuật
Vấn đề này rất phức tạp, nó liên
quan tới các giới nghệ sĩ, các nhà sáng tác. Ở đây trường ta chỉ đào tạo cán bộ
văn hoá quần chúng, văn hoá quần chúng cần có những kiến thức chung về những
môn nghệ thuật để hướng dẫn cho quần chúng
hoạt động, không cần đi sâu vào các môn nghệ thuật.
Về sân khấu : hiện nay trong nghệ
thuật đang có những vấn đề phức tạp. Tình trạng thiếu kịch bản cho sân khấu và điện ảnh
kéo dài đã nhiều năm, bây giờ vẫn chưa giải quyết được. Điện ảnh muốn đặt kế
hoạch năm 1978 bao nhiêu phim truyện thì giữa năm 1977 đã phải có vài chục kịch
bản rồi. Hiện nay điện ảnh lên kế hoạch nhưng trong tay chưa có một bản kịch
bản nào. Đúng ra bây giờ đã phải có kịch bản để làm phim năm 1980 rồi nhưng
thực tế kịch bản cho phim năm 1978 cũng chưa có. Kịch bản cho sân khấu cũng rất
thiếu.
Nói về các thể loại thì bây giờ lấy cái gì làm chủ yếu.
Vấn đề này rất khó, cho nên hiện nay Bộ vẫn phải đi tới chỉ tiêu khuyến khích tất
cả các thể loại sân khấu. Chưa xác định được loại nào là chủ thể của sân khấu
Việt Nam. Cho nên Bộ vẫn dùng lý luận “làm chủ tập thể” rất
linh hoạt, mọi người cùng làm, cùng tập hợp. Có lý luận cho rằng tuồng, chèo là
vốn cổ, nhưng thể hiện những đề tài hiện đại để động viên xây dựng xã hội chủ
nghĩa thì tuồng chèo làm không được. Hiện nay chỉ có kịch nói làm kịp thời, vậy
thì kịch nói là chủ thể của sân khấu Việt Nam. Nhưng nếu đưa loại chủ thể này ra nước ngoài diễn thì
người nước ngoài không xem và họ còn ngạc nhiên không biết mình làm cái gì. Trình
độ kịch nói của ta còn quá thấp so với kịch nói của thế giới. Khi ta đưa trích đoạn
của tuồng, chèo ra, họ lại rất hoan nghênh. Vậy tuồng chèo là chủ thể của sân
khấu Việt Nam. Nhưng có người nói tuồng là sân khấu cung đình, chèo
mới là của nhân dân lao động. Có ý kiến lại cho rằng cải lương bây giờ mới nhiều
người thích. Phân tích như thế thì loại nào cũng là chủ thể, cho nên tất cả đều
làm chủ tập thể vậy.
Chèo và tuồng phải là một bảo tàng sống, có nghĩa là
chèo và tuồng phải giữ được những vở cổ điển của mình, phải có danh sách những
vở tuồng, vở chèo cổ điển biểu hiện cho nền sân khấu nghệ thuật của dân tộc. Những
tác phẩm này được lưu truyền mãi mãi về sau. Liên Xô có nghệ thuật ba lê phát
triển rất mạnh, những tiết mục Hồ Thiên Nga vẫn được biểu diễn đi biểu diễn lại
(tác phẩm này có hàng trăm năm rồi).
Ở ta cũng có những vở tuồng Sơn Hậu, “Ngọn lửa Hồng Sơn”,
… Tôi có đề nghị ta làm khoảng 10 vở làm vốn sẵn để khi cần có thể đưa ra giới
thiệu. Hiện nay các anh ấy nói là có đủ cả, nhưng có nhiều vở diễn chưa hay. Các
diễn viên tốt nghiệp khoa tuồng về diễn cũng không hay, phải do những nghệ nhân
cũ diễn mới hay. Thế hệ trẻ sau này diễn nó không ra cái cổ điển. Các nghệ nhân
cũ phải làm thế nào truyền đạt lại cho các nghệ nhân mới có được cốt cách cổ điển
đó mới là vốn quý. Mặt khác những vở cổ như vậy mà diễn từ đầu đến cuối người
ta xem cũng mệt và không thích, cho nên tốt nhất là “trích đoạn”. Có thời gian
tôi đã được xem các nghệ nhân của đoàn trong Sài Gòn ra giới thiệu các trích đoạn
tuồng cổ, trong đó có một bà nghệ nhân 60 tuổi ra đóng một trích đoạn. Nếu so sánh
bà A-lông-xô ra biểu diễn trích đoạn Hồ Thiên Nga trông như cô gái 18 tuổi thì
bà già này cũng không kém. Những nghệ thuật này là vốn rất quý, chúng ta phải làm
thế nào giữ được mãi. Trên cơ sở giữ được những vốn nghệ thuật trên mà áp dụng
vào những đề tài hiện đại. Tôi biết các anh em tác giả cũng có nhiều cố gắng lắm
nhưng cũng chưa có kết quả mấy.
Chèo có nhiều vở về đề tài hiện đại hơn, khá hơn tuồng
nhưng những vở về đề tài hiện đại cũng chưa được hoàn chỉnh như những tích cổ điển
Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, … Những vở chèo mới có “Tình rừng”, … nhưng
những vở này cũng chưa đứng vững, chưa hoàn chỉnh lắm.
Thế giới hiện nay cũng đang tập trung những hình thức
nghệ thuật cổ điển vào đề tài hiện đại, song việc này còn rất gay, không phải
chỉ có chúng ta mới có khó khăn.
Xem vở “Lam Sơn tụ nghĩa” do đoàn Hà Sơn Bình biểu diễn
tôi có cảm tưởng hình thức hiện đại quá mức. Hội nghị tập họp của Tây Sơn xuất
quân quyết tâm đánh quân Nguyên giống như hội nghị của Mặt trận giải phóng họp
bàn để hạ quyết tâm trong một chiến dịch nào đó, cho nên xem rất gượng gạo.
Bởi vậy việc chuyển vốn cổ nghệ thuật dân tộc sang việc
thể hiện những đề tài hiện đại cần phải dần dần và phải có một quá trình. Tất
nhiên đây là một vấn đề phức tạp và phải tranh luận nhiều.
Về âm nhạc. Cũng có những bài hát hay thật, mọi người
nghe đều thấy hay, phổ biến ra là mọi người ưa thích ngay. Cho nên nó phải có một
tiêu chuẩn chung để đánh giá, nhưng các nhà lý luận của ta chưa khái quát được
tiêu chuẩn chung đó. Chưa có lý luận để đánh giá mà thường đánh giá ở khía cạnh
cảm tính, thấy hay thì bảo là hay.
Mặt Mỹ thuật cũng còn đang gay go. Phạm vi mỹ thuật rất
rộng rãi. Sáng nay tôi nói về cái đẹp trong cuộc sống. Ngoài phạm vi nó thể hiện
lên ở những tác phẩm mỹ thuật, tranh vẽ, … trong đời sống hàng ngày nó thường
chỉ là những sáng tác vẽ dân gian. Các nhà nghệ thuật tác động vào chưa được bao
nhiêu và cũng chưa có điều kiện để tác động. Nghệ thuật dân gian cứ phát triển
mạnh. Ví dụ, đối với vẽ truyền thần, tranh bờ hồ, … các nhà mỹ thuật nhìn với
con mắt nghề nghiệp thấy nó chẳng có gì là nghệ thuật cả, nhưng quần chúng thì
vẫn rất thích, thậm chí một số cơ quan như trụ sở uỷ ban huyện cũng thích. Ngày
tết có câu đối, cuốn thư đưa ra bán đắt như tôm tươi. Tôi cho rằng không phải
quần chúng họ thích những loại đó lắm đâu nhưng bởi vì chúng ta không có gì bán
cho họ. Các cụ thường nói “méo mó có hơn không” . Mặt khác thực tế Nhà xuất bản
Văn hoá có in ảnh và tranh để bán thì nhân dân người ta thích ảnh hơn (ảnh chụp),
người ta thích ảnh chụp vì cái cây ra cái cây, cái lá ra cái lá, hoa ra cái
hoa, người ra người. Còn tranh vẽ nói như các hoạ sĩ là phải cách điệu hoá, nó
phải có “cá tính” ở trong đó rồi … Những bức tranh đó quần chúng xem thấy không
đẹp, mặc dù hoạ sĩ xem thấy nó “toát” lên những cái gì … ghê gớm lắm và cứ phải
giới thiệu mãi mới thấy “toát” ra. Thực tế tôi đã đến nhiều nơi xem thấy những ảnh
chụp như nhà Bác, lăng Bác, ảnh Vịnh Hạ Long, … người ta mua nhiều, còn tranh
trông hoạ sĩ vẽ mất rất nhiều công phu mà họ lại không mua. Và họ lại mua tranh
bờ hồ và tranh bờ hồ cũng được cách điệu hoá chứ có tử tế gì đâu. Không hiểu tại
sao họ cứ thích xanh xanh, đỏ đỏ mới kỳ cục chứ. Tình hình mỹ thuật hiện nay có
tình trạng như vậy.
Hiện nay trong sáng tác cũng có nhiều người không bằng
lòng với những cách vẽ đã có và mỗi người muốn tìm một cách vẽ mới có tính độc đáo
của mình, nhưng người khác xem thấy khó hiểu lắm. Tôi có nói chuyện với anh em
hoạ sĩ : anh bộ đội dù ở ngoài đời có đen, xấu, quần áo xộc xệch, … nhưng anh ấy
ở trong tranh là phải chỉnh tề, đẹp đẽ, nếu thấy mình ở trong tranh mà cũng giống
ngoài đời là anh ta không thích rồi. Thường nó có thị hiếu ấy, vậy thị hiếu đó
lạc hậu hay chân chính ? Chẳng hạn bây giờ ai vẽ Bác Hồ hơi méo mó một tý là không
ai chịu được, bởi vì nó động đến một cái gì thiêng liêng … Thế mà nặn tượng Bác
Hồ, muốn có chân đế vững thì nó lại ra hình mặc quần loe. Bây giờ các đồng chí ấy
cũng đang nghiên cứu, tìm tòi và sự tìm tòi này cần thiết lắm. Nhưng thực tế là
chưa tìm được cái gì cả. Ở ta bây giờ chưa có một bức tranh nào gây cho người
xem xúc động đến tâm can. Các đồng chí qua Liên Xô sẽ thấy anh em người ta có
những bức tranh, bức tượng thật là đẹp, làm cho người xem có một xúc động mạnh
và rất cảm phục những tác gia của các bức tượng, bức tranh đó. Nhiều lần đi xem
tranh ở những triển lãm của ta tôi cố xúc động mà không thể xúc động nổi.
Lối vẽ như thật bây giờ người ta cho là lạc hậu quá rồi,
không ai vẽ theo lối đó nữa. Người hoạ sĩ khi vẽ phải thể hiện được phong cách bút
pháp của mình, bức tranh của người nào biểu hiện rõ tính cách độc đáo của người
đó, đồng thời vẽ như thế nào để truyền cho người xem có một xúc động phải nhớ mãi
tác phẩm đó, phải cảm phục trước tác phẩm đó.
Những vấn đề này hiện nay còn mâu thuẫn với nhau chưa
giải quyết được. Người ta vẫn bị rơi vào cái cũ không ai muốn rời, tìm cái mới
vẫn chưa ra cái mới và tìm đi tìm lại cuối cùng lại rơi vào cái người ta đã tìm
rồi và lại hoá ra bắt chước. Mặt khác khi tìm ra cái mới rồi vẫn phải giữ được
cốt cách tâm hồn Việt Nam thể hiện trong tranh cổ. “Đám cưới chuột”, “Hứng dừa”,
“Đánh ghen”, … Nếu đưa “Đám cưới chuột”, “Hứng dừa” hiện đại hoá lên thì nó sẽ
ra thế nào ? Vấn đề này còn gay go lắm.
Hiện nay có tình trạng thực tế là một mặt phải tìm tòi,
phải khuyến khích. Song nếu khuyến khích lại bị mâu thuẫn, tìm tòi thì có nhiều
khi chưa hay, ra công chúng, công chúng chưa thích, họ phê bình kịch liệt. Các
nghệ sĩ cố gắng lắm mới tìm ra một cái, chưa đâu vào đâu đã bị phê phán. Hoạ sĩ
thấy vậy chán nản không muốn tìm tòi nữa. Công chúng thường có nhiều dư luận, có
nhiều dư luận đúng nhưng cũng có những dư luận nhận xét vội vàng như quy cho hoạ
sĩ là đi chệch đường lối của Đảng, nào là phá hoại, nào là công kích vai trò lãnh
đạo của Đảng, … Nói chung những phê phán đều có động cơ tốt, nhiệt tình nhưng
phương pháp chưa tốt nên gây ra không khí căng thẳng với tác giả. Trước tình hình
phức tạp đó các nghệ sĩ càng lúng túng.
Hiện nay có nhiều anh em hỏi tôi
: Văn nghệ của ta bây giờ không có cái gì hay cả, phải chăng trong giới văn
nghệ có vấn đề gì ? Tôi trả lời là không có vấn đề gì cả, người ta chưa sáng
tác được cái hay thì nó không hay, khi nào sáng tác được cái hay nó khắc hay.
Vấn đề này còn rất phức tạp và khó khăn.
Trong nghệ thuật còn có vấn đề cải tạo các đoàn nghệ
thuật ở miền Nam, nó liên quan đến cuộc đấu tranh chống văn hoá thực dân
mới ; nó liên quan đến nhiệm vụ giáo dục thẩm mỹ cho nhân dân, khắc phục những
quan điểm thẩm mỹ phản động của địch. Nhân tiện tôi xin thông báo để các đồng
chí nắm được tình hình khá phức tạp của Hội nghị đấu tranh chống văn hoá thực dân
kiểu mới. Vừa qua sau hội nghị này có dư luận cho rằng hội nghị không đạt được
kết quả gì. Dư luận này có đúng không ? Không đúng. Trong hội nghị có diễn ra một
vài việc không phải là tranh luận, nó là sự nói đi nói lại của anh em hoạt động
văn hoá trong vùng địch cũ và một số anh em nghiên cứu ở viện nghiên cứu. Anh
em phê phán các anh em nghiên cứu là không nắm được tình hình văn hoá thực tế
trong vùng tạm bị chiếm cho nên đã đánh giá sai, “đánh giá một cách võ đoán”. Đánh
giá sai ở chỗ : đánh giá rất cao ảnh hưởng tai hại của văn hoá thực dân mới ; đánh
giá bất cứ ai ở trong vùng địch đều bị ảnh hưởng của văn hoá thực dân mới. Thực
ra âm mưu của nó rất thâm độc, nhưng sức chống lại của ta cũng rất mạnh, vai trò
của anh em trí thức ở trong vùng tạm bị chiếm rất lớn, có những anh em chống lại
kịch liệt. Điều này anh em nghiên cứu không thấy được mà đã “vơ đũa cả nắm”.
Anh em nghiên cứu lại cho rằng mình nghiên cứu nghiêm túc và có người đã vào tận
Gia Định. Có tình hình nói qua nói lại như vậy và cách nói có khi hơi căng thẳng.
Sau hội nghị, nhóm anh em trí thức công giáo hướng dẫn
xuất bản tạp chí “Đứng dậy”. Tạp chí nêu lên một số đặc biệt về cuộc đấu tranh
chống văn hoá thực dân mới. Trong số này tiếp tục có những bài nhận định phê bình.
Những bài này phê phán cách đánh giá của các nhà nghiên cứu là hồ đồ. Ví dụ có
những câu : “có người đánh giá rằng thành phố của họ có 30 vạn gái đĩ, nếu làm
những con toán giản đơn ra thì có nghĩa 30 vạn người trong 30 triệu người thì
10 người có một gái đĩ. Nếu tính bình quân mỗi nhà 5 người thì có hai gia đình
có hai bà mẹ, có thể một bà mẹ là gái đĩ. Cách tính toán như vậy là để phê phán
các nhà nghiên cứu. Từ đó xã luận của báo “Đứng dậy” nói : “Đề nghị một quan điểm
để nghiên cứu văn hoá thực dân mới” Quan điểm đó là : nghiên cứu văn hoá thực dân
mới trong mối mâu thuẫn của nó ở trong những thất bại của nó, nếu không, chỗ nào
chúng ta cũng thấy có văn hoá thực dân mới, chỗ nào cũng tay sai, chỗ nào cũng
CIA, … thì rất hồ đồ. Ở đây anh Nguyễn Ngọc Lan có nói một ý rất chua chát : “Tôi
vốn là một tín đồ tôn giáo nên tôi phải tin ở Chúa, nhưng đứng trước cung cách
nghiên cứu như thế này thì có lúc tôi không tin ở Chúa nữa. Tôi không tin ở Chúa
không phải để tôi trở thành vô thần nhưng tôi lại phải tin ở một “Chúa khác”.
Chúa khác ấy là đế quốc Mỹ. Vì như vậy sau này tôi lên thiên đàng cũng gặp Mỹ,
xuống địa ngục cũng gặp Mỹ, đi đâu cũng gặp Mỹ”. Ý anh ấy nói như vậy là trách
anh em nghiên cứu hậu quả của cung cách nghiên cứu là như vậy. Sau hội nghị vẫn
những ý kiến đó, nói qua nói lại với nhau. Chúng tôi chủ trì hội nghị nhưng không
thể kết luận được hết những chuyện đó, chỉ kết luận được những vấn đề chính thôi.
Vì vậy, vấn đề đó còn treo đó, do đấy anh em lại tiếp tục nói đi nói lại. Cũng
vì thế có người mới kết luận : Hội nghị đấu tranh chống văn hoá thực dân mới không
giải quyết được vấn đề gì. Các anh em nghiên cứu định viết trả lời, phê phán lại
tạp chí “Đứng dậy”, nhưng chúng tôi thấy chưa nên, vì Tạp chí “Đứng dậy” nó chỉ
phát hành nhỏ trong thành phố Hồ Chí Minh thôi và những vấn đề đó người ta cũng
hiểu rằng do một số đồng chí trong thành phố Hồ Chí Minh nói thôi, nó không
mang tính chất toàn quốc. Một số anh em nghiên cứu thấy vậy không nghiên cứu nữa
mặc dù trước đây rất hăng hái.
Hôm đó tôi có phát biểu đánh giá văn hoá thực dân mới
có mấy điểm : Một là đánh giá hậu quả của chủ nghĩa thực dân mới là nó ảnh hưởng
đa số nhân dân, không phải ảnh hưởng nhẹ nhàng hay ảnh hưởng tới một số người.
Thứ hai tàn dư của văn hoá nó rất độc địa, nó không giống
như bất cứ tàn dư gì cụ thể, nó đọng ở trong tư tưởng của con người cho nên vẫn
tiếp tục lây lan. Nó không những lan ra ở trong miền Nam, mà lan ra cả miền Bắc. Tai hại hơn là cái tàn dư này
nó tồn tại trong điều kiện đất nước ta đang gặp nhiều khó khăn, tồn tại trong
khi xã hội ta vẫn còn những yếu tố tiêu cực của phong kiến để lại. Tất nhiên chúng
ta có những điều kiện cơ bản để tiêu diệt những tàn dư này.
Nói âm mưu của văn hoá thực dân mới rất thâm độc ghê gớm,
coi nó là một chính sách chủ yếu trong chính sách xâm lược của nó, nó nhằm tạo
nên những con người mất hết ý thức dân tộc, ý thức giai cấp, thậm chí mất cả ý
thức của bản thân mình, mất hết tinh thần trách nhiệm đối với bản thân, gia đình,
xã hội. Con người bị tha hoá cao độ. Chính miệng thằng Mỹ nói : “Nó sẽ tạo nên
những đứa con hoang câm và điếc”, biến người Việt Nam thành hoàn toàn nô lệ. Thằng Mỹ đã không thể tưởng tượng
được sự thất bại của chúng, mà trước hết là về quân sự và chính trị. Chúng thất
bại trước hết là do toàn dân ta chống lại. Lực lượng quan trọng nhất chống lại
văn hoá thực dân mới là lực lượng xã hội chủ nghĩa và hậu phương lớn miền Bắc.
Lực lượng chống lại thứ hai là lực lượng tại chỗ gồm có các lực lượng do Đảng lãnh
đạo, các lực lượng tiến bộ của giới trí thức và các truyền thống dân tộc đã có
từ lâu trong từng gia đình, từng người dân.
Tóm lại đấu tranh chống văn hoá
thực dân này không phải chỉ có lực lượng tại chỗ, nó là lực lượng cả nước. Lực
lượng cả nước gồm : lực lượng hậu phương, lực lượng căn cứ địa, lực lượng tại
chỗ, lực lượng quân sự, lực lượng chính trị cùng hợp tác đánh bại âm mưu của
địch. Kết luận trên, tôi cho là chính xác bởi nó đúng với hoàn cảnh thực tế. Trong Đại hội Đảng cũng đã nêu : “thắng lợi của ta không những là thắng
lợi của đường lối quân sự, chính trị mà còn là thắng lợi của chính sách văn
hoá. Các mặt này tác động hỗ trợ lẫn nhau”.
V- Bảo tồn bảo tàng
Tôi xin kể cho các đồng chí nghe một số tình hình mà tôi
đã thu được qua những lần đi thực tế xuống địa phương.
Về quy hoạch và kế hoạch : vấn đề này ở nước ngoài cũng
không dạy cho ta được, nó phải xuất phát từ hoàn cảnh, điều kiện của ta. Muốn
quy hoạch được trước hết phải thống nhất về khái niệm thế nào là nhà bảo tàng,
thế nào là nhà truyền thống, thế nào là nhà lưu niệm, thế nào là di tích, thắng
cảnh, v.v… Có lẽ nó có cái gọi là thắng cảnh
di tích và di tích thắng cảnh, vì hai cái này thường đi liền với nhau. Trong di
tích có bao nhiêu loại khác nhau ? Bao nhiêu loại tính chất di tích, bao nhiêu
loại quy mô di tích ? Hiện nay ở các nơi đều có xu hướng coi di tích nào
cũng quan trọng hết. Bộ mới tạm đề ra loại A1, A2 thì di tích nào cũng đề A1 cả.
Mỗi tỉnh có vài cái A1 là chúng ta đã có hơn 100 A1 thì gay go quá. Một cái loại
A1 là phải Phủ Thủ tướng đứng ra chủ trì mới làm nổi. Ví dụ lăng Bác phải có đồng
chí Đỗ Mười chỉ huy công trường mới làm được và phải huy động lực lượng cả nước.
Mặt khác còn có quan niệm đã là di tích là
phải có tượng đài mà tượng đài càng cao càng tốt, càng to càng hay. Xây dựng
tượng đài đâu có đơn giản. Cho nên rất nhiều vấn đề phải giải quyết và muốn
giải quyết được là phải quy hoạch kế hoạch.
Hiện nay Cục Bảo tồn Bảo tàng chưa hướng dẫn được cho
các tỉnh liệt kê và phân loại các di tích. Đến chỗ nào cũng thấy đóng biển “Di
tích đã được xếp hạng”, nhưng khi tôi hỏi các đồng chí quy hoạch, phân loại tính
chất các di tích ra sao thì lại chưa có. Hiện nay Bộ tạm thời phân loại : di tích
lịch sử, di tích cách mạng, di tích kháng chiến. Nhưng rồi kháng chiến cũng cách
mạng và cánh mạng cũng có ý nghĩa cả lịch sử. Những di tích lịch sử có ý nghĩa
là di tích trong cả quá trình 4000 năm dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Di
tích cánh mạng là kể từ ngày thành lập Đảng. Di tích kháng chiến là di tích của
những cuộc chiến đấu của 2 cuộc kháng chiến vừa qua. Nhưng khi đi vào cụ thể thấy
còn nhiều loại di tích và phân 3 loại chưa đủ mà còn phải phân loại tính chất và
quy mô.
Hiện nay đi đến đâu các đồng chí ở địa phương cũng giới
thiệu di tích. Di tích nào cũng quan trọng. Ví dụ ở Vĩnh Phú tưởng chỉ có di tích
Đền Hùng, ai ngờ có cả di tích Bà Trưng, di tích về Trần Hưng Đạo, di tích Sông
Lô, v.v… Di tích về Hai Bà Trưng hiện nay Vĩnh Phú và Hà Sơn Bình đều nhận. Di
tích về Nguyễn Trãi thì Hà Nội, Hà Đông, Hải Dương đều nhận của mình. Nhất là
di tích về Bác Hồ thì rất nhiều nơi nhận.
Sau này Bộ tổ chức một phái đoàn cán bộ của Bộ Văn hoá
kết hợp với Bộ Thuỷ lợi, Viện Sử học, Viện Khảo cổ học cùng nghiên cứu và đánh
giá lại. Có nhiều ý kiến khác nhau, có người bảo hiện nay còn nhiều di tích dưới
lòng đất, phải được khai quật lên, có người bảo hết rồi, còn mấy cái tháp ở dưới
đất để chúng tôi lấp đi cho xong. Nếu cứ đi giữ di tích trên khắp tổ quốc thì
không ai làm được gì, nhưng nếu không giữ sẽ mất hết. Cho nên nếu không có quy
hoạch kế hoạch toàn diện thì không thể làm nổi …
Ở vùng núi Thành, các đồng chí đang có kế hoạch vận động
nhân dân đến xây dựng kinh tế mới, nhưng quân đội lại đến nghiên cứu khảo sát và
tuyên truyền quy hoạch núi Thành sẽ xây dựng tượng đài lớn, có khách sạn, có khách
quốc tế, … Nghe quân đội tuyên truyền như vậy, nhân dân họ không đi nữa. Nhưng
suốt từ thời gian đó đến nay núi Thành vẫn giữ nguyên như cũ, chưa có một viên
gạch nào xây dựng cả, bởi vì các anh ấy cũng không biết nên xây dựng như thế nào,
làm thế nào xây dựng. Các anh ấy có mời tôi đến xem góp ý. Trong đoàn đi xem có
đồng chí Đại đội trưởng đánh trận lịch sử ở đó. Núi Thành ở huyện Tam Kỳ, trong
huyện các anh ấy có bày một tượng “Dũng sĩ núi Thành”. Dũng sĩ núi Thành này là
một dũng sĩ đâm lê. Nhưng tượng dũng sĩ đâm lê không đúng động tác như : đáng lý
phải đưa chân trái lên, nhưng tượng lại đưa chân phải lên. Mặt khác tỷ lệ cân đối
giữa súng, người không đúng (súng to gần bằng người), tỷ lệ cân đối giữa mình và
đầu không đúng, …
Trước đây nghe chuyện tôi cứ đinh ninh đây là một trận
đánh giáp lá cà, bộ đội dùng lê đâm và tiêu diệt gọn đại đội của Mỹ. Tôi có hỏi
đồng chí Đại đội trưởng đã chỉ huy trận này, đồng chí kể đây là một trận đánh của
đại đội tăng cường, dùng lối đặc công đánh vào đại đội Mỹ, nhưng tiêu diệt hết
hay không, điều này không dám khẳng định, bởi vì trời rất tối, không hiểu địch
có chạy thoát tên nào không và có bao nhiêu xác chết cũng không đếm được, chỉ
biết chúng chết khá nhiều. Tính chất của trận đánh là trận tập kích theo kiểu đặc
công của bộ binh. Tiêu diệt địch chủ yếu bằng thủ pháo, chỉ có một đồng chí dùng
lưỡi lê đâm chết một thằng Mỹ và đồng chí Đại đội trưởng có cách đánh đặc biệt
giết chết một thằng khác. Hồi kháng chiến chống Pháp cũng đã có những trận đánh
như vậy. Nhưng trận này hay ở chỗ : thằng địch vừa đổ bộ lên Chu Lai, chúng lập
tức triển khai ra xung quanh, núi Thành là một căn cứ chúng chiếm cách Chu
Lai khoảng 7 – 8 km. Nó vừa đổ bộ lên thì ta đánh tiêu diệt ngay. Đây là trận đầu
tiên đánh Mỹ. Nhưng tôi có suy nghĩ là nếu gọi tượng đài đó là Dũng
sĩ núi Thành thì không chắc ăn lắm, vì nó không đúng lắm. Cái tượng đài này đem đặt lên Điện Biên Phủ lại hay hơn, vì ở
Điện Biên Phủ đúng có dũng sĩ đâm lê (một mình đâm một lúc chết mấy thằng
địch), sau đó cả trung đội noi gương đồng chí đó tuốt lê đánh giáp lá cà. Tôi
còn được xem một tượng cũng dũng sĩ đâm lê núi Thành ở trường Mỹ thuật. Nhưng
tượng này là một chân đè lên đầu thằng Mỹ hai tay cầm lê đâm xuống.
Thông thường việc đánh giá các trận đánh của mình
trong từng giai đoạn chiến tranh thì trận đó phải có ý nghĩa chiến thuật hoặc nó
có ý nghĩa chiến dịch. Có ý nghĩa chiến thuật có nghĩa là trận đó thắng tuy nhỏ
nhưng nó đánh bại một chiến thuật mới của thằng địch hoặc nó mở đầu cho việc đánh
bại hàng loạt chiến thuật của địch hoặc nó là một trận làm thay đổi cục diện tình
thế chiến tranh ở một khu vực lớn.
Trận núi Thành chỉ có ý nghĩa là trận đầu dám đánh Mỹ,
nó không có ý nghĩa chiến dịch, ý nghĩa chiến thuật không rõ. Vậy các công trình
xây dựng ở đây phải thể hiện được tư tưởng là trận đầu dám đánh Mỹ. Nếu chỉ là
tượng dũng sĩ đâm lê thì không làm rõ được chủ đề tư tưởng. Một vấn đề thứ hai
là núi Thành này ở cách đường cái 7 – 8 km, xa dân cư. Tôi có hỏi huyện : Trong
quy hoạch kinh tế trong vùng này các anh xây dựng gì ? Các đồng chí đó bảo : chúng
tôi chưa có quy hoạch. Tôi nói với đồng chí ấy là muốn xây dựng văn hoá phải đưa
vào quy hoạch kinh tế để xây dựng. Các đồng chí nên có quy hoạch kinh tế rồi hãy
có quy hoạch văn hoá.
Nếu các anh hỏi tôi nên xây dựng như thế nào ? Tôi xin
đề ra hai phương án : xây dựng một khu vực văn hoá là nhằm giáo dục truyền thống
cho nhân dân để ghi lại lịch sử của mình đã giành được. Mặt khác thoả mãn được
nhu cầu văn hoá tinh thần cho nhân dân. Cho nên khu vực văn hoá phải xây dựng ở
những nơi tập trung đông dân cư. Nếu xây dựng ở núi Thành nào là tượng đài, khách
sạn, công viên, ghế đá, hồ bơi, … có cơ sở vật chất này phải có biên chế người
bảo quản, phục vụ … Nếu đầu tư tốn kém như vậy chỉ để thỉnh thoảng đón một phái
đoàn lên thăm thì không được. Hoặc nếu xây dựng lên rồi bỏ đấy không có người
trông nom cũng không được. Núi Thành ở cách xa khu dân cư 7 – 8 km, do đó nên có
hai phương án : Một là nếu An Tân, Chu Lai trở thành một thị trấn thì trong quy
hoạch kinh tế nên quy hoạch luôn văn hoá và núi Thành sẽ thành một khu vực văn
hoá của thị trấn An Tân. Phương án hai : nếu
quy hoạch kinh tế chưa thành thì nên xây dựng ở Thị trấn Tam Kỳ. Ở Tam Kỳ hiện nay có khoảng hai vạn
dân. Các đồng chí xây dựng ở đó công viên núi Thành, ở đó đã có tượng núi Thành
rồi, các đồng chí chỉ dựng lại sa bàn, tượng đài và nhà bảo tàng. Làm như vậy
sẽ thường xuyên phục vụ được cho học sinh, sinh viên, thanh niên và nhân dân
ngay thị trấn. Nếu khách ở xa đến muốn xem núi Thành, các đồng chí ở bảo tàng
dẫn các đồng chí đó vào núi Thành xem. Trên núi Thành chỉ cần làm một cái bia
đá ở đó. Tóm lại tất cả công trình này phải làm thế nào biểu hiện được “Trận
đầu thắng Mỹ”.
Vấn đề nữa là núi Non Nước. Các đồng chí ở tỉnh đề
nghị tôi góp ý kiến xem nên xây dựng như thế nào vì ở đây ngày nào cũng có
khách, khách quốc tế, … Ở Đà Nẵng chỉ có mỗi chỗ này là đẹp đẽ nhất nên ai tới
cũng phải đưa đến xem. Tôi cũng phải nói với các đồng chí đó là xác định xem
tính chất của di tích đó thế nào. Các đồng chí kể ở đây có nhiều di tích như
Phan Hành Sơn trước có chiến đấu ở đây, có các cán bộ hoạt động ở đó, có nhiều
chiến sĩ quân đội ta cũng nấp ở trong hang, trong chùa đó, v.v… Tôi nghĩ chùa
Non Nước này chỉ là nơi thắng cảnh. Trước hết ở đây nó là cảnh đẹp, có cảnh đẹp
người ta mới làm chùa. Cảnh đẹp ở đây đi liền với sản phẩm mỹ nghệ như vòng,
nhẫn, v.v… làm bằng đá rất nhiều. Cho nên ở đây xây dựng thế nào để phục vụ cho
người đến thắng cảnh là chủ yếu, những di tích chiến đấu … chỉ là kết hợp giới
thiệu. Tính chất của nó là thắng cảnh, cho nên việc này thuộc du lịch, không
phải của văn hoá. Xây dựng cái này phải do công ty du lịch, văn hoá kết hợp chỉ
đạo bảo đảm việc sản xuất mỹ nghệ. Nhưng hiện nay các sản vật không được đẹp vì
đều do con cháu làm, các cụ trước đây làm đẹp bây giờ già rồi.
Một vấn đề khác là hiện nay Nghĩa Bình còn 14 tháp Chàm.
Trong thành phố Quy Nhơn có tháp Đôi, tháp này bây giờ đang bắt đầu lở. Tháp Cánh
Tiên rất đẹp, tháp cao 38 thước, dưới chân có đường kính 10 m, khi Mỹ nguỵ đóng,
tháp này trở thành lô-cốt. Ở tháp này có những công trình kiến trúc rất quý. Các
anh ấy muốn chữa mà không biết chữa ra sao, làm thế nào chữa được. Đây là một
loại di tích. Loại này ở Quảng Nam, Đà Nẵng cũng có, vào Phan Rang cũng có. Ở đây có
chuyện về Quang Trung, ở đó các đồng chí ấy đang xây dựng nhà bảo tàng Quang
Trung, xây dựng tượng đài Quang Trung ở Quy Nhơn.
Nói đến Quang Trung có liên quan đến toàn quốc, cho nên
khi làm các anh ấy có mời tất cả các tỉnh có liên quan đến. Đối với Hà Nội có Đống
Đa, Ngọc Hồi, liên quan đến Thanh Hoá là Tam Điệp, liên quan đến Nghệ Tĩnh là nơi
Quang Trung lên ngôi và xuất quân. Liên quan đến thành phố Hồ Chí Minh là 3 lần
ông ấy vào giải phóng Gia Định. Muốn quy hoạch Tây Sơn phải có mối liên hệ suốt
từ Nam đến Bắc. Tỉnh Nghĩa Bình một mình không làm nổi được.
Nhưng các đồng chí ở Nghĩa Bình có ý thức rất tốt là đã nhận thức được đây là một
di tích quý nên các đồng chí cố gắng tập trung xây dựng. Các đồng chí đã xây dựng
được tượng đài, tuy còn có người chê nhưng tôi cho thế là khá lắm rồi. Các đồng
chí xây dựng công viên, chiều chiều nhân dân Quy Nhơn vào đó chơi – đúng là giải
trí có văn hoá. Bên cạnh các đồng chí sửa lại nhà hát đề “Nhà hát Quang Trung”.
Các đồng chí có công viên “Quang Trung”, tượng đài Quang Trung, nhà hát Quang
Trung. Không khí sinh hoạt của nhân dân thành phố Quy Nhơn rất văn hoá. Ở đây các
đồng chí ấy làm nổi bật được chủ đề rất rõ. Ở quê của Quang Trung các đồng chí đang
cho xây dựng nhà Bảo tàng. Các đồng chí tỉnh Nghĩa Bình có mời tất cả các tỉnh
có liên quan đến dự, mỗi nơi đều có một báo cáo về hoạt động của Quang Trung đóng
góp cho Nghĩa Bình.
Các đồng chí ở Ba Tơ cũng hỏi ý kiến nên xây dựng Ba Tơ
ra sao ? Tôi góp ý kiến đây là nơi xa xôi vắng vẻ, cả thị trấn huyện Ba Tơ không
được hai nghìn người, không nên xây dựng công trình văn hoá to ở đây. Nhưng ý
nghĩa của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ rất lớn. Cần phải có cái gì để kỷ niệm, cần có cái
gì để giáo dục nhân dân, để nhân dân thưởng thức. Cho nên ở đây nên xây dựng một
nhà bảo tàng. Công trình văn hoá lớn nên xây dựng ở Quảng Ngãi. Có một điểm yếu
là ở Ba Tơ các đồng chí cũng không nắm được lịch sử của nó ra sao, cho nên có
nhà bảo tàng mà không có cái gì trưng bày.
Tóm lại muốn xây dựng bảo tồn, bảo tàng phải có lý luận
quy hoạch về bảo tồn bảo tàng. Nghĩa là phải có một khuôn mẫu để phân loại các
loại di tích. Phải có quy chế phổ biến hướng dẫn cho từng tỉnh, huyện biết phân
loại về tính chất, phân loại về mức độ quan trọng, nội dung tư tưởng của từng
loại di tích. Muốn làm được việc phân loại này các nhà bảo tàng phải hiểu được
sự phong phú các di tích của toàn bộ đất nước. Mặt khác có phân loại được mới làm
nổi lên được chủ đề tư tưởng của từng loại di tích, đồng thời khi đi vào quy hoạch
mới làm rõ được quy mô xây dựng của từng loại di tích.
Quy hoạch về bảo tồn bảo tàng là quy hoạch về văn hoá.
Bảo tồn bảo tàng có lúc nó là những công trình văn hoá tổng hợp trong đó di tích
là chủ thể. Cũng có lúc nó chỉ là di tích về bảo tồn và nhằm mục đích phục vụ
cho nghiên cứu và cho kỷ niệm nhiều hơn là phục vụ cho văn hoá. Vấn đề này đòi
hỏi có sự phân loại. Bảo tồn di tích đồng thời xây dựng thành công trình văn hoá.
Di tích bảo tồn này là chủ thể của công trình văn hoá đó. Có loại nó chỉ là một
sự đánh dấu, ngày nào tháng nào ở đây diễn ra sự kiện gì. Không phải bất cứ di
tích nào cũng trở thành bảo tàng, tượng đài. Hiện nay các đồng chí ở địa phương
còn quan niệm hễ có di tích là phải có tượng đài, có khách sạn. Ở Đền Hùng các đồng
chí ấy cũng cứ băn khoăn có nên xây khách sạn ở đó không. Nhưng Đền Hùng chỉ cách
Việt Trì gần 20 km, vậy khách sạn ở Việt Trì để ai ngủ mà xây ở trong này.
Một loại phân loại khác nữa là quy mô và tính chất xây
dựng. Muốn “quy mô và tính chất xây dựng” phải gắn chặt với quy hoạch kinh tế.
Trên cơ sở quy hoạch kinh tế mà quy hoạch bảo tồn bảo tàng. Nghị quyết Đại hội Đảng
nêu : “Làm kế hoạch phát triển kinh tế và văn hoá, kế hoạch văn hoá phải đi liền
với kế hoạch kinh tế”. Nhưng kể từ Ủy ban kế hoạch Nhà nước của Trung ương cho đến
tỉnh mới chỉ làm kế hoạch kinh tế thôi, chưa biết làm kế hoạch văn hoá. Tôi có
kiện lên Trung ương, đồng chí Phạm Văn Đồng họp Hội đồng Chính phủ có nhấn mạnh
là từ nay phải làm kế hoạch kinh tế và văn hoá và anh ấy có nhắc ngành văn hoá
phải hướng dẫn người ta làm kế hoạch về văn hoá. Thời gian vừa qua Ủy ban kế hoạch
Nhà nước có ra cuốn sách “Hướng dẫn cách làm
kế hoạch về văn hoá”. Chúng tôi đọc thấy chưa thoả mãn. Chúng tôi có ý kiến đề nghị
với Ủy ban kế hoạch Nhà nước rồi nhưng các anh ấy không chấp nhận. Vì làm kế
hoạch văn hoá rất khó. Có kế hoạch văn hoá nào gần giống tính chất kinh tế là
các đồng chí ấy làm dễ dàng. Ví dụ như xuất bản in bao nhiêu cuốn, bao nhiêu
trang. Về chiếu phim thì có bao nhiêu người xem một năm, mỗi người xem bao
nhiêu lần một năm … những chuyện này các ông ấy có thể làm rất dễ dàng. Và rút
cục toàn bộ ngành văn hoá của ta chỉ có hai chỉ tiêu thôi, đó là đầu người/sách
và đầu người xem phim.
Thực tế ngành văn hoá của chúng ta có 3 loại chỉ tiêu
: chỉ tiêu các phong trào quần chúng, chỉ tiêu này phải ghi vào kế hoạch Nhà nước.
Các đồng chí ở Ủy ban kế hoạch Nhà nước cho rằng không ghi được. Chúng tôi đề
nghị cần ghi vào và làm được. Ví dụ năm nay phát triển bao nhiêu đội văn nghệ
nghiệp dư, có bao nhiêu gia đình đăng ký để trở thành gia đình văn hoá mới,
v.v… Chỉ tiêu thứ hai là xây dựng những công trình văn hoá, vấn đề này tốn tiền,
tốn của lắm, cho nên phải ghi vào kế hoạch Nhà nước mới có kinh phí được. Chúng
ta phải xây dựng nhà hát, công viên, tượng đài, v.v… cho nên nếu không ghi vào
kế hoạch Nhà nước thì không thể có tiền. Hoặc có tiền cũng không có gạch, xi măng
mà làm. Thường chỉ tiêu này các anh ấy ghi vào các công trình cơ bản cho nên
khi thì nhớ, khi thì quên. Vừa qua tôi xem kế hoạch chỉ tiêu của các công trình
cơ bản không thấy có công trình văn hoá, tôi kiện lên, các ông ấy mới nhớ ghi vào.
Chỉ tiêu thứ ba : chỉ tiêu về hưởng thụ. Chỉ tiêu này
mới tính đầu người đọc sách, đầu người xem văn công, đầu người xem phim, v.v… và
chúng tôi có đề nghị Ủy ban kế hoạch Nhà nước từ nay về sau thông qua kế hoạch
là kế hoạch kinh tế và văn hoá. Mỗi một bước phát triển kinh tế là phải có sự
nghiệp văn hoá đi kèm theo. Mỗi thị trấn, khu dân cư đều phải có văn hoá, mỗi
khu công nghiệp phải có văn hoá. Có như vậy mới có sự đồng bộ, ăn khớp và như vậy
các anh ấy mới nhìn toàn diện được. Thực tế những năm qua cho chúng ta thấy rõ
các đồng chí ấy mới chỉ chú ý kế hoạch kinh tế, chưa quan tâm đến kế hoạch văn
hoá, chưa làm kế hoạch văn hoá. Thực tế về các địa phương cũng chỉ dồn dập làm
kinh tế, còn văn hoá thì họ cho rằng cứ tà tà cũng được. Sau khi có sự lúng túng
trong việc xây dựng khu văn hoá ở núi Thành và Ba Tơ, các đồng chí lãnh đạo ở các
tỉnh mới thấy rõ sự cần thiết phải có quy hoạch văn hoá đi kèm theo quy hoạch
kinh tế.
Tóm lại, vấn đề quy hoạch và kế hoạch hiện nay là vấn đề
các tỉnh đang gặp khó khăn nhất, đang bí nhất. Cán bộ bảo tồn bảo tàng về làm
tham mưu cho tỉnh phải làm tham mưu cho được mặt này (phân loại, đánh giá được
tính chất các loại di tích, xác định được tính chất xây dựng, quy mô xây dựng các
loại di tích). Bộ hiên nay cũng lúng túng vấn đề quy hoạch, việc xác định chủ đề
tư tưởng cho từng công trình xây dựng, việc gắn kế hoạch văn hoá với kế hoạch
kinh tế.
Trong công trình văn hoá, bảo tồn bảo tàng chiếm vị trí
quan trọng.
Ở các nước, việc xây dựng rất phong phú không nhất thiết
là phải có tượng đài, nó có thể là tấm bia, có khi là cái đài hoặc có khi chỉ là
một hình thù gì đó để đánh dấu từng tính chất, chủ đề tư tưởng. Ở ta quan niệm
cứ có di tích là có tượng đài. Vấn đề này chưa thống nhất nên khi về làm tham mưu
cho các tỉnh, mỗi đồng chí quan niệm một khác. Người đi học nước ngoài về quan
niệm khác người ở trong nước.
Đó là một lý luận về bảo tồn bảo tàng, về nghiệp vụ bảo
tồn bảo tàng. Nội dung này rất quan trọng, chắc trường ta chưa đề cập vấn đề này.
Lý luận về bảo tàng xã. Vấn đề này có nhiều nơi quan
niệm khác nhau. Có nơi cho rằng bất cứ xã nào cũng có bảo tàng. Có nơi thì cho
rằng xã nào anh hùng mới có. Có nơi quan niệm ở xã chỉ gọi là Phòng trưng bày
hoặc Nhà truyền thống. Vậy quan niệm thế nào cho đúng ?
Chúng ta có 4 cấp bảo tàng : Bảo tàng Trung ương, bảo
tàng của tỉnh, huyện, xã - bốn cấp bảo tàng. Ý của Ban Tuyên huấn và Bộ Văn
hoá xây dựng ở tỉnh một bảo tàng tổng hợp thôi. Nhưng có tỉnh xây đến 4 - 5 bảo
tàng, bảo tàng lịch sử, bảo tàng thiên nhiên, …
Bảo tàng xã có tình trạng thành lập được một thời gian
thì tan. Có nhiều xã khi giới thiệu chung có nói tới bảo tàng, nhưng khi tôi đề
nghị cho đi thăm thì các đồng chí nói không còn nữa. Các đồng chí trưng bày, bà
con xem một thời gian không ai xem nữa nên các đồng chí cất vào kho. Có nơi khi
đến xem thấy bụi bám đầy vì lâu không có ai
xem nữa. Có nơi thấy không có người xem nữa các đồng chí có ý định cất những
cái cũ này đi và tìm cái mới bày vào. Tôi nói với các đồng chí ấy : bảo tàng là
phải đồ cũ chứ sao lại đồ mới.
Trong lý luận bảo tàng phải có mục hoạt động giáo dục
truyền thống. Ở các nước họ coi bảo tàng là một trung tâm hoạt động giáo dục
truyền thống, không phải bảo tàng chỉ là chỗ để bày. Ở ta quan niệm còn đơn giản,
cho là bảo tàng chỉ là để trưng bày đồ cổ.
Tôi có đi thăm một số nước thấy phần lớn các nhà bảo tàng
của họ có di tích. Hoạt động bảo tàng của họ rất phong phú. Việc kết nạp hoặc
tiễn đưa các thành viên vào Đoàn, vào Đội, vào Đảng, kết nạp sinh viên mới, học
sinh mới, tiễn người đi tòng quân, tiễn người lên tỉnh học đại học, kết nạp xã
viên, hội viên phụ nữ, v.v… đều do bảo tàng tổ chức. Bảo tàng của họ luôn luôn
hoạt động như mời anh hùng, mời người có công nói chuyện, … Tóm lại bảo tàng phải
là nơi hoạt động giáo dục truyền thống.
VI- Thư viện
Tình hình phát triển của thư viện.
Hiện nay chúng ta đang có một cao trào phát triển thư viện ở cơ sở là thư viện
xã, thư viện trường, thư viện xí nghiệp, thư viện công nông trường, … phong trào này phát triển rất mạnh. Ở Thanh Hoá, có
khoảng 400 – 500 xã mà hiện nay đã có khoảng 300 xã có thư viện.
Hiện nay thư viện cũng có tình trạng buổi đầu quần chúng
hăng hái đến mượn sách đọc, vài ba tháng sau độc giả ít dần rồi không ai đọc nữa.
Hiện nay ở Bộ đưa ra một quan niệm nên xây dựng huyện
làm trung tâm văn hoá cơ sở, vì ở huyện có đủ điều kiện, quy mô để xây dựng công
trình hoạt động văn hoá vừa phải (điều kiện đất đai, dân cư, …). Dưới thư viện
huyện có các thư viện xã. Toàn bộ vốn sách ở huyện trở thành vốn sách của thư
viện huyện. Người phụ trách thư viện huyện phải nắm toàn bộ số sách thuộc huyện
mình (số sách thư viện huyện cộng số sách thư viện của các xã), đồng thời đồng
chí này có trách nhiệm làm kế hoạch luân chuyển và phân phối trong toàn huyện.
Làm như vậy có tác dụng để mỗi người dân không những chỉ được đọc sách của thư
viện xã mình, mà còn được đọc rất nhiều sách của các thư viện xã khác và ngược
lại các thư viện xã khác cũng vậy. Như vậy vô hình chung một thư viện xã sẽ có
hàng vạn, vài chục vạn cuốn.
Ở các nước họ cũng tổ chức có những chi nhánh, có các
tủ sách lưu động thuộc tủ sách chi nhánh. Ở Trung ương và tỉnh có những thư viện
có quy mô lớn hơn, có thư viện tổng hợp, thư viện khoa học chuyên đề. Trong hoạt
động của thư viện, ngoài việc cho mượn sách còn có nơi giới thiệu sách và những
hoạt động khác nhằm nâng cao kiến thức. Có nơi gắn liền giữa câu lạc bộ và thư
viện. Đồng chí Tố Hữu đã nói thư viện là phải có 3 yếu tố : có sách, có phòng và
có đọc.
Ở Bun-ga-ri, họ có truyền thống hoạt động văn hoá, họ đã
có phòng đọc sách cách đây 200 – 300 năm rồi. Ở trong thôn hoặc trong xã đều có
phòng đọc. Từ các phòng đọc này phát triển lên thành thư viện, từ hoạt động thư
viện nâng lên thành hoạt động câu lạc bộ. Hiện nay họ mở rộng ra thành nhà văn
hoá. Ở Tiệp Khắc cũng có truyền thống tương tự ở Bun-ga-ri, cũng có phòng đọc sách
cách đây khoảng 200 – 300 năm.
Ở ta bây giờ mới bắt đầu xây dựng. Chúng ta cũng phải
xây dựng thành các trung tâm hoạt động, chứ không phải chỉ là kho sách và cho mượn
sách. Muốn có một hoạt động phát triển mạnh phải tiến lên sản xuất lớn, nghĩa là
phải mở rộng sự hợp tác và có sự hoạt động trong phạm vi toàn huyện. Như vậy vốn
sách này phải có kế hoạch luân chuyển cho mượn sách trong toàn huyện.
Hiện nay ở các xã nơi nào chưa có
thư viện thì đang náo nức xây dựng và nó vui vẻ được vài tháng đầu, thường vì
không biết hoạt động nên chỉ 3 – 4 tháng sau
ngừng lại. Rất hiếm có thư viện xã kéo dài hoạt động được 9 – 10 năm.
Cho nên đào tạo cán bộ thư viện có mấy loại trình độ.
Có loại đào tạo để hoạt động ở trong các thư viện khoa học lớn có hàng triệu sách.
Có loại đào tạo cho thư viện huyện phải rất giỏi kết hợp với phong trào quần chúng,
rất giỏi trong việc tổ chức và điều khiển các chi nhánh. Đào tạo cán bộ cho các
thư viện xã, thư viện chi nhánh phải là những người tích cực, giỏi vận động nhân
dân đọc sách và tham gia hoạt động câu lạc bộ như giới thiệu sách, mời người nói
chuyện, v.v… phải có kế hoạch đào tạo riêng từng loại cán bộ thư viện cho phù hợp.
Trường ta làm thế nào đào tạo được cán bộ cho các thư
viện lớn và thư viện huyện. Cán bộ thư viện xã sau này sẽ tiếp tục đào tạo, các
lớp này chỉ cần mở 2 – 3 tháng, 6 tháng. Cán bộ thư viện xã phải là người làm
thế nào giới thiệu, vận động được các đồng chí Đảng uỷ xã đọc sách. Có nhiều nơi
đồng chí cán bộ Thư viện xã trở thành cố vấn cho đồng chí Đảng uỷ xã (mắc vấn đề
gì, đồng chí Đảng uỷ xã lại đến nhờ đồng chí thư viện tìm hộ cuốn sách nói về vấn
đề đó). Có nhiều nơi cán bộ xã rất quý cán bộ thư viện, ở Thanh Hoá có nhiều xã
nhường cả nhà của Đảng uỷ cho Thư viện.
Đối tượng đọc ở xã thường tập trung hai loại đối tượng
thanh thiếu nhi và các cụ về hưu. Người tích cực xây dựng thư viện nhất cũng là
các cụ về hưu, các cán bộ Đảng viên về hưu hăng hái hoạt động thư viện nhất. Ở
Thanh Hoá có hội bảo trợ thư viện, trong hội có lực lượng nòng cốt là các cụ. Ở
Quy Nhơn có hội bảo trợ đội văn nghệ. Anh em kể là hội gồm những người có “máu
mặt” (người giàu có), khi đội văn nghệ gặp khó khăn gì về vật chất thì họ giao
hết cho hội làm. Tính ra giá trị hội lo cho đội văn nghệ đến 2 – 3 chục nghìn đồng.
Ngay chế độ bồi dưỡng cũng giao cho hội bảo trợ này.
Công tác bảo tồn bảo tàng, công tác thư viện có liên
quan đến công tác cơ sở. Cán bộ thư viện phụ trách ở các cấp cơ sở (huyện xã),
phải được đào tạo thế nào để gắn chặt được với phong trào quần chúng ở cơ sở, nếu
không các tổ chức văn hoá ở cơ sở sẽ không tồn tại được lâu dài.
Không phải trường ta trực tiếp đào tạo cán bộ cho xã
hoặc cho huyện nhưng đào tạo cán bộ để về giảng dạy cho các trường ở tỉnh cũng
phải biết được phần lý luận có những yêu cầu nghiệp vụ trên. Từ đó dần dần đến
tiêu chuẩn hoá cán bộ văn hoá ở tỉnh, có cơ sở như vậy mới theo kịp với chế độ
của y tế và giáo dục. Bộ có họp bàn sơ bộ xác định xem cán bộ cơ sở gồm những
loại cán bộ gì. Tính đi tính lại thấy tối thiểu cũng phải có 5 – 6 người : anh đội
trưởng đội văn nghệ, cán bộ thư viện, bảo tồn và truyền thống, người gọi loa là
4, người kẻ vẽ là 5. Năm người này phải được đào tạo ít nhất có bằng trung cấp.
Nhưng thực tế ở xã đòi hỏi phải có 5 người ăn lương thì rất gay go, rút bớt người
đi nữa thì không được. Hiện nay có một số cán bộ đã được công nhận là cán bộ thư
viện, nhất là những nơi đã có hợp tác xã. Cán bộ bảo tồn bảo tàng ở xã chưa có.
Cán bộ truyền thanh và kẻ vẽ thì cũng có nơi có, nơi chưa có và chế độ cho loại
cán bộ này chưa rõ ràng. Nhất là các tỉnh ở miền Nam chưa có hợp tác hoá càng thiếu những cán bộ này.
Trên đây là một số đề xướng về những cái gọi là nghiệp
vụ văn hoá. Sơ bộ tôi đã trình bày với các đồng chí 6 mặt nghiệp vụ. Trong 6 mặt
này, có vấn đề quan trọng các đồng chí cần quan tâm là xây dựng nội dung nghiệp
vụ cho cán bộ văn hoá quần chúng. Thứ hai là nội dung nghiệp vụ cho cán bộ bảo
tồn bảo tàng. Trong nghiệp vụ bảo tàng có vấn đề liệt kê, phân loại, quy hoạch
kế hoạch. Những vấn đề này phải xuất phát từ tình hình cụ thể của nước ta, đồng
thời có sự tham khảo lý luận của các nước để rút ra lý luận cho phù hợp. Thứ ba
là thư viện phải thấy được sự khác nhau giữa thư viện cơ sở và thư viện tổng hợp
– thư viện lớn. Thư viện cơ sở là thư viện của huyện, xã phải có tính chất nghiệp
vụ phù hợp với từng loại một. Một quan điểm nữa : nhà bảo tồn bảo tàng, nhà
truyền thống, thư viện phải là trung tâm hoạt động văn hoá và thu hút sự hoạt động
của quần chúng.
Trên đây là một số mặt nghiệp vụ tôi xin nêu lên để các
đồng chí tham khảo. Tôi mong rằng sau này trong quá trình giảng dạy, các đồng
chí cố gắng xây dựng được các sách giáo khoa về các nghiệp vụ này cho tốt. Các
sách giáo khoa này không những để dùng cho trường ta, nó còn là tài liệu để đào
tạo chung cho cả nước. Đã là sách giáo khoa là do trường đưa ra và nó trở thành
một chương trình chung của cả nước. Ý định của Bộ sau này phải quy hoạch lại các
trường đại học ở trung ương, trung học trở xuống đưa về các địa phương, đồng thời
phát triển các trường năng khiếu, trường dân lập về các môn văn hoá nghệ thuật.
Nguồn tuyển sinh của các trường Đại học là các cán bộ đã qua các trường trung học
ở địa phương. Nghiệp vụ của các trường của Bộ là đào tạo các cán bộ hoạt động văn
hoá nghệ thuật có tầm cỡ quốc gia, các nhà phê bình lý luận, đào tạo những giảng
viên cho các trường trung cấp. Các trường trung cấp của các tỉnh chịu trách nhiệm
đào tạo diễn viên cho các đoàn văn công của tỉnh mình, đào tạo các cán bộ hoạt
động văn hoá quần chúng, bảo tồn bảo tàng, thư viện cho các cơ sở của tỉnh. Vậy
kế hoạch 5 – 7 năm nữa ở Bộ phải có trách nhiệm cung cấp giáo viên cho 38 tỉnh
thành. Lúc đó chúng ta sẽ đi vào đào tạo có hệ thống cán bộ văn hoá đồng bộ.
Năm nay đã có một số tỉnh như : Hà Bắc, Bắc Thái, Thái
Bình là có trường trung cấp, một số tỉnh đang xây dựng như Hà Nam Ninh, Nghĩa Bình,
Bình Trị Thiên, … Đề nghị các đồng chí tiếp tục cho ý kiến, cố gắng hệ thống hoá
xây dựng lên những cơ sở lý luận về nghiệp vụ. Nhất là trong một vài năm nữa trường
ta có thể xuất bản được những bộ sách giáo khoa về các nghiệp vụ này. Sách giáo
khoa về bảo tồn bảo tàng, sách giáo khoa về thư viện, về văn hoá quần chúng. Trước
đây các đồng chí mới chủ yếu dựa vào giáo trình của các nước anh em, nhưng qua
thực tế tôi thấy hoàn cảnh đất nước ta cũng đặt ra nhiều vấn đề, cho nên các đồng
chí làm thế nào có được giáo trình, có được sách giáo khoa của chúng ta. Có như
vậy đào tạo cán bộ cho chúng ta mới thích hợp. Thậm chí sau này các nước gửi
sang ta học cũng là học những vấn đề của nước ta. Làm được như thế sẽ góp phần
làm phong phú kinh nghiệm thế giới.
Hiện nay Hà Nội đã là trung tâm văn hoá của Đông Nam Á.
Thực tế có một số anh em ở các nước đang đấu tranh giải phóng dân tộc đến Hà Nội
cũng như trước đây chúng ta đến Mát-xcơ-va. Đến ta họ cũng hỏi nhiều vấn đề lắm.
Vừa qua đoàn văn công của ta đi biểu diễn ở Ấn Độ, bên đó họ đề cao vai trò của
chúng ta rất ghê gớm. Có một buổi chúng ta giới thiệu : bài hát ca ngợi Hồ Chủ
tịch – lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, … đang giới thiệu, ông Giám đốc nhà hát đó lên ngắt
lời đồng chí diễn viên của ta và nói: các đồng chí giới thiệu thế là sai, ông
ta giới thiệu lại: Đây là bài hát ca ngợi Hồ Chủ tịch – lãnh tụ kính yêu của
thế giới. Qua đấy các đồng chí thấy rõ Hà Nội ít ra cũng là trung tâm văn hoá của
Đông Nam Á. Trường ta cũng là một thành phần quan trọng của vị trí Đông Nam Á đấy.
Hiện nay trường ta còn có lịch sử “Ô chợ Dừa”, nhưng tương lai nó phải quy mô và
đẹp đẽ hơn nhiều để xứng đáng với vị trí của mình. Cho nên việc soạn thảo những
sách giáo khoa này trường ta phải có trách nhiệm làm. Tôi mong rằng qua quá trình
giảng dạy, các đồng chí cố gắng nỗ lực hoàn
thành bộ giáo trình, giáo khoa về nội dung nghiệp vụ cho đất nước ta mang đậm
đà màu sắc Việt Nam, rất Việt Nam.
Các nước bạn đã giúp đỡ chúng ta nhiều, song tiến tới
chúng ta phải có hệ thống giáo trình kiến thức của chúng ta về công tác văn hoá.
Trong việc ấy nhiệm vụ của Trường Cao đẳng Nghiệp vụ văn hóa của ta phải đóng góp
phần chủ yếu, các môn nghệ thuật khác đã có các Viện nghiên cứu, còn về nghiệp
vụ này thì chỉ có trường ta.
Trên đây là một số gợi ý đề nghị các đồng chí suy nghĩ và nghiên cứu thêm. Tôi mong rằng từ đây trường ta sẽ vươn lên thành một trường hiện đại, nguy nga, có nội dung phong phú và quy mô đào tạo hiện đại.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
Trên đây là một số gợi ý đề nghị các đồng chí suy nghĩ và nghiên cứu thêm. Tôi mong rằng từ đây trường ta sẽ vươn lên thành một trường hiện đại, nguy nga, có nội dung phong phú và quy mô đào tạo hiện đại.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét