Thứ Hai, 30 tháng 12, 2024

Đường xưa lối cũ

Nhà văn Tô Đức Chiêu

Được biết nhà văn Trần Độ có một khối lượng phong phú tác phẩm về nhiều vấn đề xã hội nhưng tới gần đây tôi mới được đọc hệ thống hơn văn chương của ông. Chưa đầy đủ! Bởi vì chưa sưu tầm hết và cũng còn bởi nhiều bài sinh thời ông chưa công bố.

Đây chỉ là những gì đã phổ biến công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng từ ngày ông tham gia cách mạng trước năm 1945 tới thập kỉ cuối cùng của thế kỉ trước. Đọc nhanh để rồi hình dung ra ngọn bút nhà văn đã bao viễn tầm nhìn rộng lớn, vừa khái quát, vừa cụ thể, vừa sắc sảo lí luận và cũng rất sống động đời thường. Ở cương vị như ông, uỷ viên trung ương đảng, phó chủ tịch Quốc hội, trưởng ban Văn hoá văn nghệ trung ương, trung tướng, phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội nhân dân... văn chương rất dễ đi vào những vấn đề lí luận chỉ đạo, nhưng nhà văn Trần Độ không thế, và sự cuốn hút qua những trang viết của ông phần không nhỏ chính là như vậy. Những đề bài chân thành mộc mạc, chẳng hạn: Lí tưởng - ước mơ và nghĩa vụ, Đạo đức Hồ Chí Minh trong quân đội, Chung quanh câu chuyện nghĩa vụ, Kể chuyên Điên Biên, Mấv em giải Phóng... Đọc cuốn hút, cũng không phải ở chữ nghĩa bóng bẩy, hình tượng ngọt ngào, mà chính là nội dung bộc lộ tình cảm yêu mến đắm say của người cầm bút.



Sinh thời tôi đôi lần tiếp xúc với ông nhưng không được gặp riêng bao giờ. Hồi Nguyễn Du khoá một ông có tới nói chuyện với cương vị lãnh đạo cấp cao nhưng ông không huấn thị, rằng chúng ta phải thế này, phải thế khác, hay văn chương phải thế nọ, phải thế kia, mà nhìn hội trường toàn những cây bút ông như đang tâm sự với độc giả của mình. Tôi không nhớ lắm những gì ông nói, nhưng có chi tiết không bao giờ quên, ông đã mở đầu rằng cái trường mà chúng tôi đang theo học, Nguyễn Du khoá một lúc đó với danh nghĩa nhà nước là một khoa của trường văn hoá. Tôi ghi dấu ấn hình ảnh ông đứng sau bục giảng, người hơi đậm nhưng không cao, nhè nhẹ nhấp nhô, và giọng cất lên dí dỏm: Nhà văn phải là tài năng bẩm sinh cùng với lao động miệt mài và cuộc đời đào tạo. Nhưng tiếp thu tri thức vẫn vô cùng cần thiết để nâng ta lên và vì vậy anh em mình có mặt ở đây. Ngôi trường này cũng qua nhiều thăng trầm và phát triển. Lúc đầu là trường lí luận nghiệp vụ Bộ văn hoá. Sau thành cao đẳng văn hoá. Nhưng tôi thì tôi cứ gọi thân mật là trường Ô chợ dừa cho dễ nhớ và dễ tìm. Tất cả vui cười xôn xao làm cho buổi thuyết trình của ông trở thành cuộc trao đổi thân tình. ít lâu sau tôi nhận được giấy mời đánh máy trên một nửa tờ pơluay đen đen của thời kì ấy nội dung mở đầu thế này: Ban văn hoá văn nghệ và đồng chí Trần Độ muốn gặp mặt thân mật một số nhà văn để nghe ý kiến của các anh, các chị về những vấn đề sáng tác và đời sống... Địa điểm... Đúng hẹn tôi tới 51 Trần Hưng Đạo, thấy ở đó ông ngồi nói chuyện với nhà văn Nguyên Ngọc khi ấy đang là bí thư đảng đoàn, phó Tổng thư kí Hội Nhà văn Việt Nam. Chừng hai mươi người dự mà tôi nhớ có Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Trịnh Đình khôi... Ông tập trung lắng nghe chứ hầu như không nói gì cả.

Từ lâu tôi đã đọc một số bài của ông, như: Bên sông đón súng, Anh bộ đôi tuổi hai mươi viết nhân ngày kỉ niệm 22 tháng 12 năm 1964, rồi Anh hùng và chân lí kí tên Cửu Long hình như in nhiều kì trên báo QĐND... và cũng như đọc bao tác phẩm của những tác giả khác, nhớ nhưng chỉ biết vậy, tới hôm nay đọc lại có hệ thống các tác phẩm tạm gọi là bút kí của ông, tôi suy ngẫm nhiều về sự đồ sộ của ngòi bút, sự bao quát của tầm nhìn, sự đắm say của nhiệt huyết. Điều dễ sẩy ra với người đọc hôm nay, là cảm giác mệt mỏi, nếu không nói là ngán ngẩm, khi mở những trang viết cũ, nhất là với thể kí mà ta thường cho là ít chất văn chương. Tôi không phải nhà phê bình văn học, lại chẳng bao giờ dám phát biểu nhận xét về văn chương của ai đó theo lối nghĩ và lối cảm của nhà phê bình văn học, nhưng tôi quả thực say sưa khi đọc bút kí của ông, chẳng phải vì có mối quan hệ riêng biệt gì mà chỉ với tư cách bạn đọc thông thường. Hãy chỉ nói riêng về thể loại này ông đã kéo ta đi suốt từ những ngày đất nước đắm chìm dưới ách đế quốc Pháp và phát xít Nhật, cho tới giai đoạn chuẩn bị tổng khởi nghĩa, ông lúc là bảo vệ lúc là thư kí cho đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh, tới những năm đánh Pháp và đánh Mĩ, tới cả sau này, ngòi bút của ông không hề mệt mỏi, không phân tâm, lúc nào cũng hào sảng. Sức sống ấy cảm hoá người đọc rất nhiều làm cho văn chương ông tới hôm nay vẫn có ích cho đời và cần cho đời.

Những trang ông viết về đồng đậm đà tình ngươi. Ông ngợi ca từ anh binh nhì, chị du kích vùng ven, tới vị tướng là cấp trên của mình, cũng đều với giọng văn trân trọng như nhau, lời lẽ thắm thiết và chí tình, chí lí như nhau. Hai nữ chiến sĩ thi đua Diệu Linh và Nguyễn Thị Thắm mà ông gặp ở hậu cứ B2 năm 1968 và đã viết bài Lớn lên trong bão táp tới 18 trang làm cho hình bóng các chị hiện qua từng câu, từng chữ cũng như các bài viết về nữ tướng Nguyễn Thị Định, về đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đại tướng Lê Trọng Tấn, về Tổng bí thư Trường Chinh… ông đều ngợi ca mà đọc lên ta thấy đúng tầm, đúng cỡ, không hề có giọng tâng bốc sường sượng làm người đọc ngượng ngùng. Bài Người lính già đầu bạc để cho ta nhiều suy nghĩ cùng với niềm xúc động lớn lao. Nhân danh chiến sĩ Điện Biên ông gửi gắm niềm tâm huyết của mình vào lí tưởng chiến đấu, vào hình bóng Bác Hồ với lá cờ quyết chiến quyết thắng Bác trao với nghĩa tình cao thượng của cả những thế hệ và những con người một lòng một dạ hiến dâng. Ông viết bài này năm 1993, nghĩa là tuổi đã cao và sức đã yếu nếu như ông không viết gì cả và không nghĩ gì cả ta vẫn cho rằng đó là phong độ vốn có của người cao tuổi sau khi đã hoàn thành vẻ vang và trọn vẹn nghĩa vụ với đời, nhưng ở ông vẫn là sự đắm say ngòi bút cùng trách nhiệm lớn lao trước thời cuộc. Cũng như thế với bài Đường xưa dấu cũ và bài Điện Biên Phủ truyền thuyết làm cho người đọc hôm nay, dù đã thưởng ngoạn quá nhiều những trang sách, hay báo chí về Điện Biên Phủ, vẫn say sưa đọc và suy ngám khi gấp sách lại. Bởi người viết đã truyền cảm hứng và tình yêu cho ta và muốn vậy, chính người viết, là nhà văn Trần Độ, phải giữ vững ngọn lửa nống ấm thế nào với con người và sự kiện mình đề cập tới. Gần trăm bài viết của ông, tôi đồ rằng, nếu in khổ mười ba mười chín nhẽ thường trên dưới hai ngàn trang sách, không thấy ông nói chút gì về mình. Chẳng hạn, phải vất vả thế nào để vượt qua gian khổ này, hi sinh nọ, nếu có đề cập tới cũng chỉ như là nói lại sự kiện ấy để dẫn chuyện. Vượt khỏi tù tội trên đường kẻ thù áp tải từ Sơn La về xuôi để đầy đi Côn Đảo và lẩn trốn kẻ thù ở Đông Anh những ngày Mặt trận Việt Minh, cho cả tới khi được phong trung tướng trở lại chiến trường miền đông nam bộ cũng vậy. Ông đã đặt ông là học trò trong sự kì vĩ của nhân dân anh hùng và quân đội anh hùng.


Chúng ta đều biết đề cương văn hoá Việt Nam do chính đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh soạn thảo và sau đó đến với giới văn hoá và văn học. Chúng ta cũng đã đọc hồi kí của nhiều nhà văn lớp trước như Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi... Thấy như Lê Quang Đạo, Vũ Quốc Uy... thay mặt đảng tới truyền đạt tinh thần bản đề cương cho các nhà văn. Quả đúng như vậy? Nhưng đọc các bài viết của nhà văn Trấn Độ thì thấy chính ông, với cương vị bảo vệ và thư kí của Tổng bí thư đã đem văn bản này tới các vị Lê Quang Đạo và Vũ Quốc Uy. Ông không trực tiếp dự các buổi mạn đàm về nội dung: Dân tộc - Khoa học và đại chúng với các nhà văn nhưng là sợi dây nối giữa lãnh đạo với các nhà văn. Khối lượng lớn lao tôi được đọc gồm gần 2000 trang vi tính khổ A4 thì phần được xếp vào thể loại kí và truyện chừng 1000 trang. Nhưng những trang văn đầy sức sống của ông thì kí và truyện như hoà vào làm một, bởi trong kí có truyện và trong truyện có kí. Ông có mặt ở chiến trường miền nam khi Mĩ ồ ạt đưa quân vào chuyển tình thế sang chiến tranh cục bộ và năm 1974 trở ra, thấy miền bắc đổi thay, những bước đi lên nhiều và cũng lắm tồn tại làm ai đó tâm huyết với dân, với nước phân vân, suy ngẫm. Ông lặng lẽ và cân nhắc, rồi sau khi tham quan nghỉ dưỡng ở Đức trở về, ông quyết định viết những dòng chữ gửi các đồng chí lãnh đạo cao nhất của đảng và nhà nước gọi là thư tâm huyết. Ta không bàn ở đây nội dung thư đúng tới đâu và được lắng nghe ra sao mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng, ông là con người sục sôi ý nghĩ, lúc nào cũng đáu đáu tư cách mình là công dân, là người con nước Việt, cùng trách nhiệm cao cả của chiến sĩ. Cho nên đọc văn của ông đôi khi ta thấy ngậm ngùi. Suốt những trang văn đầy hơi thở đời sống ấy tôi thấy sảng khoái và khá thú vị khi ông viết về tướng Nguyễn Sơn. Chúng ta đều biết vị lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn khá độc đáo và dường như có một không hai trên thế giới đã được ông ghi lại chân thực bằng ngôn ngữ rất sống động. Mở đầu là chuyện ông dẫn một tốp nhà văn đàn anh tới gặp tướng Nguyễn Sơn. Ông Sơn vui vẻ bắt tay từng người nhưng tới Trần Độ thấy trẻ quá, lại chẳng có tên tuổi, bèn hỏi:
- Mày là thằng nào? Biết gì văn chương mà ngồi ở đây?
Người khác có thể tự ái. Nhưng Trần Độ không. Ông khiêm tốn thưa:
- Em muốn được nghe và học tập các bậc đàn anh.
Thế là Nguyễn Sơn cho phép. Và trong thâm tâm ông bái phục tài ăn nói và hiểu biết của vị tướng về văn học cũng như các vấn đề xã hội. Khi được giao nhiệm vụ sang bạn bàn việc trọng đại, may say sao trên đường có tướng Nguyễn Sơn cùng đi nhân vị tướng trở về tổ quốc thứ hai của mình là Trung Quốc ông rất mừng và đề nghị được giúp đỡ. Tướng Sơn vui vẻ nhận lời. Nhưng với hiểu biết sâu rộng và ngôn ngữ giao tiếp tuyệt vời, lại nắm rõ nhiệm vụ của ông Độ, vị tướng thông loát tất cả và nhân vật chính là ông chỉ còn biết nghe theo. Tôi bỗng dưng nhớ lại những ngày hè năm 1968, ở chiến trường Quảng Trị, khi ấy tôi tham gia chiến đấu trong đội hình trung đoàn pháo binh DKB, một bữa sáng ra thấy truyền đơn chúng rải trắng rừng, cầm mấy tờ đọc vội thì nào là: Các bạn còn chiến đấu làm gì nữa, đừng hi sinh vô ích khi Hoa Kì và Bắc Việt sẽ ngồi vào đoàn đàm phán... Nào là: Vì sao cụ Phan Nho vui mừng hoặc vì sao ông Hồ Hữu Ngân hăng hái hoạt động... và thật bất ngờ, có một tờ in tít lớn: Tướng Trần Độ đã chết... cùng lời lẽ tóm tắt Trần Độ là một trong những tác giả cuộc tấn công vào Sài Gòn Mậu Thân vừa qua và bức ảnh chụp ông nằm nghiêng, quần áo bà ba, trong tư thế hơi co quắp và ngừng thở. Tôi không hiểu thực hư, không dám nói chuyện với ai, càng không dám hỏi ai, nhất là với cấp trên, vì mình đang phấn đấu vào Đảng, thành phần không tốt lại xem truyền đơn địch thì coi như moi sự đi đứt. Đành im lặng cho rằng đó cũng là lẽ thường. Thời năm 1968 ấy tôi đã đọc ông qua một số bài in trên báo, cho nên khi ở Nguyễn Du khoá một, nghe ông nói, tôi cứ ngắm nhìn ông và đợi xem ông có nói gì về chuyện này hay không. Nhưng không! Ông chỉ nói về văn chương như trao đổi mạn đàm. Và đến năm 1995 tôi được điều về làm chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam, trong một buổi gặp gỡ các nhà văn cao tuổi nhân dịp xuân mới, cuộc vui kết thúc, mọi người ra về, tôi thấy một người đàn ông phong độ ung dung cứ đứng mãi trên sân như có ý muốn bắt chuyện với ai, ngờ ngợ như nhà văn Trần Độ. Khoảng mươi mười lăm năm không gặp lại nay nhìn ông có khác, tôi đi đến và hỏi:
- Thưa bác, bác có phải nhà văn Trần Độ?
Ông vui vẻ và tất nhiên không thể nhận ra tôi là lớp đàn em về mọi mặt.
- Đồng chí là... làm gì ở đây?
- Thưa... Em là chánh văn phòng.
- Nghĩa là giúp việc cho Nguyễn Khoa Điềm và Hữu Thỉnh? Vậy thì tốt quá. Nếu sau này có việc gì quan hệ tới hội mình cứ liên lạc với Chiêu được chứ?
Ông có liên hệ một số việc nhưng xin được đề cập vào dịp khác. Gần tới ngày đại hội đại biểu các nhà văn ông có gửi cho tôi một tài liệu nay tôi vẫn còn lưu giữ. Tôi hiểu ông đã yếu, nhưng rõ ràng sức viết vẫn dồi dào, đặc biệt mối quan tâm tới cuộc đời và sáng tác văn học vẫn sục sôi. Từ hôm ấy tôi có tới nhà ông đôi lần, cũng chỉ nhằm thưa lại chuyện này chuyện khác, nhưng ông tiếp tôi như đối với một người bạn, và trao đổi về những tác phẩm đang có dư luận lúc bấy giờ. Về nhà tôi đọc lại bài kí Đường xưa dấu cũ của ông mà lòng cảm phục. Từng dòng chữ toát lên tâm hồn một chiến binh lăn lộn suốt cả cuộc đời vì dân vì nước, hoà nhã, khiêm nhường, về già, trên đường qua Nghĩa Lộ và trở lại Điện Biên, gặp lại cảnh xưa người cũ, nôn nao trong lòng nhớ đồng đội hi sinh, bùi ngùi, mến mộ và cảm thông với ai đó cuộc đời không may mắn - Cái đọng lại tất cả qua những dòng chữ ấy là tình người. Cũng như chính trong một bài kí khác ông đã kể, tại một hội nghị ở Matxcova, các cựu chiến binh Nga phát hiện ra ông là cựu chiến binh Điện Biên Phủ đã trân trọng giới thiệu và ngợi ca ông, ông đã phát biểu: Đồng đội tôi làm nên chiến thắng và chính những con người anh dũng ngã xuống ấy đã hiến dâng cả thân mình cho sự nghiệp vĩ đại của dân tộc Việt Nam chúng tôi. 

         (Trích Nhớ Nhà văn Trần Độ, Nxb Văn Học, 2013)

1 nhận xét:

  1. Cuộc sống giản dị, chân thật, gần gũi và tài năng của chú Độ đáng để người có lòng yêu nước học tập.

    Trả lờiXóa