Trong tất cả các Nghị quyết của Đảng cũng như trong Di
chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nói đến xây dựng kinh tế và phát triển văn hoá,
hai mặt không tách rời nhau.
Đối với nhiệm vụ cấp bách hàng đầu hiện nay là đẩy mạnh
sản xuất, ổn định và bảo đảm đời sống nhân dân, ta nên lưu ý đến nhu cầu chính đáng
về văn hoá và tinh thần ngày càng đặt ra một cách không kém phần cấp thiết đối
với mọi tầng lớp nhân dân. Nhu cầu văn hoá có nhiều mặt. Có mặt nằm ngay trong
nhu cầu vật chất; có mặt nhu cầu văn hoá nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo
nên đời sống tinh thần phong phú. Có người cho rằng phải thoả mãn nhu cầu vật
chất trước rồi mới thoả mãn nhu cầu văn hoá. Trong thực tế, nhiều khi vật chất
còn tạm thời thiếu thốn nhưng nhu cầu văn hoá vẫn cần thiết, cấp bách. Và có hiện
tượng nhu cầu văn hoá càng được thoả mãn thì sự thiếu thốn về vật chất có thể được
giảm nhẹ sức ép đối với trạng thái sinh hoạt chung của con người. Sinh hoạt văn
hoá có khả năng tăng thêm sức mạnh tinh thần xã hội, vượt qua những khó khăn,
thiếu thốn. Trước mắt, về vật chất góp phần xây dựng ý thức làm chủ tập thể và
cổ vũ phong trào quần chúng. Ta nên nhớ trong phong trào “Tiếng hát át tiếng
bom”. Cuộc sống ngày nay ngoài bữa ăn, nhà ở, còn nhu cầu không thể thiếu được
là sách, báo, phim ảnh và nhiều bộ môn nghệ thuật đã trở thành gần gũi với quần
chúng.
Hoạt động văn hoá thực tế là một hoạt động sản xuất.
Sản phẩm tinh thần cho xã hội xuất hiện dưới hai dạng:
- Dạng thứ nhất là sản phẩm được chứa đựng trong của cải vật chất như sách, báo, tranh, phim ảnh. Giá trị vật chất không lớn nhưng giá trị tinh thần của nó là vô giá. Cũng cần lưu ý là một số ngành trong văn hoá có thu lại khá lớn như ngành xuất bản, ngành in, ngành điện ảnh, v.v…
- Dạng thứ hai là những sản phẩm không vật chất hoá cố định được, tiêu biểu là những hoạt động biểu diễn của các nghệ sĩ âm nhạc, sân khấu. Những hoạt động này không tồn tại thường xuyên như một vật thể nhưng có khả năng tồn tại như một giá trị bền vững và toàn vẹn trong tâm hồn con người.
Trong một số lĩnh vực, những sản phẩm văn hoá và nghệ
thuật là những sản phẩm xuất khẩu: xuất khẩu sách, báo, hàng văn hoá, điện ảnh,
tác phẩm nghệ thuật và nghệ thuật biểu diễn. Nó có thể góp phần thu về cho nền
kinh tế một số ngoại tệ.
Muốn có sản phẩm văn hoá ngày một phong phú, không thể ra ngoài quy luật chung về sản xuất vật chất là phải có vốn, phải đầu tư, phải xây dựng cơ sở kỹ thuật và phải có quản lý kinh tế. Vốn trước hết là các thiết bị, nguyên liệu, vật liệu cho các hoạt động sản xuất các sản phẩm văn hoá và vốn để đào tạo, bồi dưỡng nghệ sĩ.
Chi phí cho các hoạt động tạo ra sản phẩm văn hoá tuy nhiều trường hợp không thu lại ngang bằng số vốn bỏ ra bằng tiền hay hiện vật nhưng giá trị “sử dụng” là lớn hơn giá trị vốn bỏ ra bằng tiền hay hiện vật. Cho nên hiệu quả kinh tế của công tác văn hoá phải tính bằng cách khác. Hiện nay, nhận thức văn hoá là tiêu phí đơn thuần trong một số các đồng chí làm việc trong các ngành kinh tế tổng hợp đã gây trở ngại cho hoạt động văn hoá.
Trong xã hội tư bản, những hoạt động văn hoá thông thường
cũng là hoạt động thương mại. Các sản phẩm văn hoá là hàng hoá và bị quy luật
giá trị thặng dư chi phối. Bọn tư bản lợi dụng điều đó để khuyến khích một loại
con buôn văn hoá tung vào xã hội đủ loại sản phẩm văn hoá đầu độc tinh thần quần
chúng dưới nhiều dạng khác nhau nhằm mục đích bảo vệ chế độ tư bản và làm quần
chúng lạc khỏi hướng đi cách mạng. Xã hội xã hội chủ nghĩa phải có mục đích khác.
Chính quyền vô sản chuyên chính phải tổ chức đời sống văn hoá cho nhân dân, phải
chỉ đạo những hoạt động kinh tế, tạo điều kiện vật chất cho hoạt động văn hoá.
Các hoạt động văn hoá có chức năng giáo dục nhân dân những tư tưởng cách mạng,
tiên tiến, xây dựng nếp sống mới lành mạnh, tốt đẹp, xây dựng những con người mới
xã hội chủ nghĩa phát triển toàn diện. Mọi tính toán của kế hoạch kinh tế phải
quan tâm đúng mức đến nhiệm vụ này, phải khắc phục cả hai khuynh hướng chưa thật
chính xác. Những vật tư tiền vốn đầu tư vào sự nghiệp văn hoá, nếu không thấy hết
sự cần thiết, bị cắt xén quá mức hay không được cung cấp kịp thời sẽ có ảnh hưởng
lâu dài. Mặt khác, trong hoạt động văn hoá, không thể tồn tại quan niệm coi thường
chế độ quản lý, không tính toán chút nào đến hiệu quả kinh tế, núp dưới danh
nghĩa “phục vụ nhiệm vụ chính trị”.
Mong rằng các hoạt động kinh tế có sự chú ý đúng mức hơn nữa đến nhu cầu về tinh thần văn hoá của nhân dân. Các sản phẩm vật chất cũng phải “có văn hoá”, phải tiện dùng, phải đẹp và mang lại cảm xúc thẩm mỹ cho người dùng. Mặt khác, các hoạt động kinh tế phải coi trọng việc kinh doanh và sản xuất các vật tư nguyên liệu cho hoạt động văn hoá như giấy in, mực in, phim ảnh, giấy ảnh, bột màu, vải, các thiết bị điện tử về âm thanh và ánh sáng, v.v…
Hoạt động văn hoá cần được tiến hành một công việc kinh doanh và sản xuất nhiều “hàng tiêu dùng” về văn hoá nghệ thuật để thoả mãn nhu cầu chính đáng của nhân dân. Muốn vậy, phải tính toán hiệu quả kinh tế, phải có tinh thần tự lực, tự cường để phát triển sự nghiệp của mình. Các cơ quan, đoàn thể cần những sản phẩm về văn hoá nghệ thuật để phục vụ các nhu cầu chính trị của mình, cần “gia công, đặt hàng” và phải có chế độ sử dụng kinh phí về văn hoá đã được Nhà nước cấp phát cho ngành mình một cách có hiệu quả hơn nữa.
Chúng ta cần đi tới quy định các quy tắc quản lý và các chế độ chính sách cụ thể để thể hiện những mối quan hệ nói trên. Ngành văn hoá cần chấm dứt nếp quen ít nhiều tuỳ tiện trong cách quản lý về kinh tế và tài chính, các hoạt động của mình và các ngành khác cũng không được đòi hỏi ở ngành văn hoá một sự bao cấp hành chính.
Thực hiện được như vậy là các ngành tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển sự nghiệp kinh tế và văn hoá một cách thuận lợi.
7-1979
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội nhà văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét