Năm
1950, tôi ra đơn vị, được ít lâu thì có nhiệm vụ đưa bộ đội sang biên giới huấn
luyện và nhận viện trợ vũ khí. Toàn bộ trung đoàn trang bị lại mới mẻ và đồng
bộ. Tôi được cử đi tiền trạm sang giao thiệp với các nhà chức trách Trung Quốc
trước để bố trí chỗ ăn ở, luyện tập, nhận vũ khí viện trợ. Đơn vị đi sang sau.
Khi tôi ở bên đó và sắp huấn luyện xong thì biết tin ở nhà đang chuẩn bị chiến
dịch Biên giới, song không hiểu quy mô như thế nào, đánh ra làm sao. Tuy vậy,
tôi cho là cần phải đưa trung đoàn trở về ngay biên giới. Chỗ chúng tôi chỉ
cách Cao Bằng mấy chục cây số thôi và biết sẽ được tham gia chiến dịch. Đây là
chiến dịch đầu tiên, lại được tham gia thì náo nức vô cùng. Tôi nhận được thư
của anh Tấn. Bấy giờ anh Tấn đã cùng bộ tổng tư lệnh lên biên giới chuẩn bị
chiến trường. Anh Võ Nguyên Giáp trực tiếp đi chuẩn bị. Anh Tấn đi cùng đoàn và
từ đó viết thư cho tôi. Anh ấy kể chuyện ở nhà đang chuẩn bị ra sao và cũng có
phác qua phương án. Tôi hiểu là sẽ tập trung đánh và giải phóng Cao Bằng. Anh
Tấn cũng cẩn thận và bảo chưa có quyết định ngã ngũ và có thể có phương án khác
đang thảo luận. Anh dặn: “Cậu cố thu xếp đưa anh em về để tham gia chiến dịch”.
Chúng tôi cũng vừa kết thúc huấn luyện. Thu xếp xong
xuôi, tôi tự động cho anh em về nước, tranh thủ đi thanh toán với nhân dân địa
phương, chào các cố vấn. Anh em trong đơn vị thì thu dọn để lúc “bốc về” là lên
đường được ngay. Hôm ra về, bộ đội xuất phát sau, tôi cưỡi ngựa cùng một anh
cần vụ bảo vệ đi về trước tìm anh Tấn để thu xếp chỗ trú quân và nhận nhiệm vụ.
Tôi về với tâm trạng rất phấn khởi, tự cảm thấy mình làm được việc và lại kịp
thời. Phải lần tìm mãi mới vào được đúng chỗ của anh Văn. Trông thấy tôi, anh
lộ vẻ ngạc nhiên, hỏi: “Ơ! Cậu ở đâu về?”, “Tôi vừa bên Hoa Đồng về! Tôi đưa
bộ đội về để tham gia chiến dịch”.
Đang
tươi cười nghe vậy anh Văn nghiêm mặt hỏi:
-
Lệnh đâu mà cậu trở về?
Câu hỏi của anh làm tôi bừng tỉnh, bụng nghĩ: “Bỏ mẹ
rồi! Quân đội là phải có lệnh! Thư anh Tấn gởi là mang tính chất bạn bè đồng
nghiệp, đồng sự trao đổi với nhau thôi mà mình lại bốc bộ đội về”. Tôi ớ ra
không biết trả lời như thế nào, cứ lúng ba lúng búng: “Tôi nhận được thư anh
Tấn thấy nói là đang chuẩn bị chiến dịch nên tôi đưa anh em về chuẩn bị cho kịp”.
Ông Văn phẩy tay dứt khoát: “Trở lại ngay lập tức! Phải giữ bí mật mà cậu lại
lục tục đưa cả một đoàn quân lớn như thế thì lộ hết kế hoạch chiến dịch. Hỏng
hết! Cậu đáng bị kỷ luật! Quay trở lại ngay lập tức! Không lôi thôi gì cả!”.
Thế thì bao nhiêu náo nức đang nóng cả đầu lụi tắt hết.
Tôi tái mặt, chào anh Văn rồi nhảy lên ngựa quay trở lại. May sao bộ đội mới
xuất phát chưa qua biên giới. Chao ôi! Trở lại thì phải làm bao nhiêu chuyện
mới vừa thanh toán xong. Lại ăn ở làm sao? Sinh hoạt thế nào? Tập tành ra sao? Còn một ít tiền thì chi phí thế nào cho đủ nuôi quân mà không để thiệt hại
cho dân? Ở lại chờ lệnh, đó là quân lệnh! Cái kỷ niệm vô tổ chức này cứ nhức
nhối mãi.
Khoảng
một tuần sau mới nhận được lệnh về tham gia chíến dịch. Đơn vị tôi nhận nhiệm vụ
cùng đơn vị ông Chu Huy Mân (trung đoàn 174) đánh Đông Khê. Trận đánh bắt đầu.
Với tôi cũng là bắt đầu tham gia đánh trận. Trước đó nói là bộ đội đánh ở Hà
Nội nhưng chưa thể gọi là trận mạc được. Còn lúc này ở Đông Khê là trận đánh có
tổ chức, có chỉ huy, với đơn vị lớn đàng hoàng. Tôi với anh Tấn đến ngày xuất
quân đi vào trận địa cứ thao thức, bàn lên bàn xuống. Chuyện gì cũng thấy chưa
ổn, lo khổ lo sở đến chẳng buồn ăn uống. Thời ấy bữa ăn cũng đã có gì đâu. Nhà
bếp thổi cho mỗi người một nắm cơm ăn với muối vừng và ít thịt rang. Suốt đêm
hôm đó, nằm ở chỉ huy sở cùng với các cố vấn Trung Quốc, mọi người cứ thao
thức, đi ra đi vào, dò hỏi tình hình. Ông Tấn khoái trá khoe với tôi : “Lần này
chỉ huy chiến đấu có têlêphôn nhé !”. Trước đó lệnh chỉ huy toàn chạy bộ mà
truyền. Mấy tay cố vấn thì yêu cầu : “Các đồng chí đi nghỉ đi để mai có sức mà
chỉ huy, mà chiến đấu ! Cứ thức như thế này thì không được !”. Tôi lại lấy làm
ngạc nhiên tại sao lại cứ phải đi nghỉ ! Mai có sự kiện ghê gớm đến thế mà hôm
nay ngủ được sao ? Thật là lời khuyên dở hơi ! Tôi liền hỏi họ :
-
Như các đồng chí có nhiều kinh nghiệm thì trước trận đánh các đồng chí làm gì ?
Tay
cố vấn này cũng tinh nghịch trả lời :
-
Trước trận, đánh một bữa no, xong là chúng tôi đi ngủ. Như thế mới giữ được
sức, cân bằng thần kinh ngày mai chỉ huy sáng suốt. Nếu cứ thức suốt đêm, mai
người nó mụ đi thì nguy hiểm lắm !
Nghe
cũng có lý, anh Tấn và tôi đi nằm, nhưng chẳng làm sao ngủ được, cả hai thao
thức suốt đêm, sáng hôm sau triển khai trận đánh. Trận đánh có nhiều chuyện xúc
động lắm, kể ra đây cả cũng khó đầy đủ, khó nói đến nơi đến chốn. Đánh một đêm
không xong phải rút quân về củng cố. Cán bộ chúng tôi chia nhau xuống các đơn
vị động viên anh em, giải quyết các vấn đề. Gặp anh Hoàng Cầm lúc ấy là tiểu
đoàn trưởng thấy anh đang lộ vẻ bực mình với đại đội trưởng Trần Cừ. Anh nói : “Thằng
Cừ nó khóc ở ngoài kia, tôi mắng cho một mẻ mà nó chưa chịu !”. Tôi tìm gặp
Trần Cừ. Qua câu chuyện tìm hiểu ra Trần Cừ
thấy đại đội của cậu ta thương vong nhiều quá, toàn là những anh em thân thiết
trước nay, buồn quá mà khóc. Anh Hoàng Cầm thì lo tinh thần đơn vị sa sút, tối
lại đánh tiếp sợ khó thắng ? Tôi cùng anh Hoàng Cầm nói chuyện nhiều với Trần
Cừ. Thì ra Trần Cừ đau lòng vì bạn bè chứ không hề sa sút tinh thần chiến đấu.
Đêm hôm sau, anh chiến đấu rất quyết liệt và thực hiện lấy thân mình lấp lỗ
châu mai, là gương anh hùng đầu tiên trong quân đội ta.
Một
kỷ niệm khác ở chiến dịch Biên giới là dân công lên tiền tuyến. Sau trận đánh
Đông Khê ta còn đánh vận động diệt binh đoàn Lơpa và Sactông. Hai binh đoàn
này, một từ Cao Bằng về và một từ Lạng Sơn lên, định hợp quân chiếm lại Đông
Khê nhưng lại rơi vào tay ta. Đánh vận động thì mỗi đơn vị quân đội bổ sung một
đơn vị dân công để vận tải đạn dược, lương thực và thương binh, tuyệt đại đa số
là người địa phương và phần là các cô người Tày rất dễ thương. Các cô vừa đẹp
vừa vui nhộn, quen leo núi, dáng đi rất uyển chuyển. Đứng ngắm thấy đẹp quá tôi
gọi mọi người : Xem này, xem này, một đoàn văn công đang biểu diển. Họ đi như
múa vậy. Ngoài việc tập trung thành lực lượng vận tải rất cơ động, hoàn cảnh
nào cũng bám sát bảo đảm hậu cần cho bộ đội chiến đấu, họ còn được phân bổ đi
phục vụ ban chỉ huy, về các trạm y tế săn sóc thương bệnh binh, vận chuyển
thương binh về tuyến sau. Dân công chính là nhân dân sát cánh với bộ đội để
giành từng chiến công, để giải quyết mọi hậu quả sau trận đánh. Một hình ảnh
đẹp đẽ, biểu tượng nhất của chiến tranh nhân dân. Ban chỉ huy trung đoàn của
tôi cũng có một tiểu đội dân công phục vụ việc đưa đường, chở gạo, muối, nấu ăn
... Tiểu đội này săn sóc ban chỉ huy rất tận tình. Nhìn bữa ăn của anh em chỉ
có cơm nắm chấm muối vừng hoặc thức ăn sơ sài, các cô bàn đi kiếm rau rừng.
Bình thường các cô vẫn anh anh em em thân tình nhưng khi định làm gì lại khép
nép thưa gửi. Một cô đánh bạo đến trước ông Tấn :
-
Báo cáo ông Tấn !
Nghe
vậy anh Tấn hỏi :
-
Cô cần gì ?
-
Ông Tấn cho phép em leo cái cây này.
Cô
vừa nói vừa chỉ lên cây
-
Leo làm gì ?
-
Lấy rau cho bộ đội ăn !
- Ừ,
nhưng phải cẩn thận không ngã !
Hôm
đó, ban chỉ huy được bữa rau ngon sau bao ngày xót ruột vì ăn không có rau. Cái
cây cô kia xin trèo có nõn lá làm rau ăn hết sức ngon. Có cô thì xin phép đi
vào rừng. Lúc về mang theo một bọc nào bưởi, nào ổi và các thứ trái cây rừng,
vứt trên bàn ban chỉ huy bảo : “Ăn đi”. Phải nói bộ đội mà vắng dân công thì
như cá thiếu nước. Và trong thực tế thì có nhiều thiên bí sử, tình sử giữa hai
bên, chẳng ai mong muốn nhưng mà cũng khó mà ngăn nổi. Nói về thái độ tình cảm
của chị em đối với bộ đội ta phải xác định sự hy sinh của họ vô bờ bến, gian
lao không tính, nguy hiểm không sờn ! Sự anh dũng, cái anh hùng của dân công và
bộ đội không kém cạnh nhau mà đã nâng nhau lên đến đỉnh cao.
Ảnh : Thời gian ngắn ngủi bên con và gia đình ở Thái Nguyên năm 1949. |
Sau
chiến thắng của chiến dịch, bộ chỉ huy lập một ban thu nhận chiến lợi phẩm. Có
anh em đã đụng phải một hầm rượu, đủ cho lính đồn của địch uống cả năm. Các thứ
thuốc lá, bánh kẹo, bơ sữa nhiều lắm. Đó là chưa kể súng ống, quân trang, quân
dụng, máy móc, thuốc Lơ Mo
lấy về cả kho. Ông Đinh Đức Thiện đem pha trộn với thuốc ta hút. Các đơn vị
cũng lấy hút. Thuốc này một người hút khói thơm lan cả một vùng. Sôcôla thì
lính mình nông dân chê đắng. Tôi thích chụp ảnh cũng đi mò phim. Có chỗ thấy cả
đống nhưng không dùng được nữa vì anh em không biết tưởng kẹo đã bóc ra cả.
Cuộn phim cũng bọc giấy bạc như kẹo. Hôm tôi đi qua Đông Khê vừa giải phóng,
thấy một nhóm chiến sỹ đang ngồi nhai bánh, ăn kẹo. Cán bộ thu dọn chiến trường
đến quát tháo đòi kỷ luật, bắt anh em đưa nộp hết bất cứ thứ gì đã thu nhặt
được với cái lẽ : chiến lợi phẩm lớn nhỏ đều là tài sản quốc gia, là chiến quả
đổi bằng xương máu. Với máu thanh niên vốn sôi nổi, tôi rất ghét cái thói lên
lớp dạy đời, nên đứng lên cãi lại. Tôi cũng nói ngang ngược không kém : “Các
anh có biết chiến thắng này do ai không ? Và ai đổ xương máu ở chiến trường này
? Có phải là những người lính không ? Trước khi đi vào trận đánh họ vui vẻ ăn
bưởi rừng, ổi ma thay cơm, măng rừng thay thịt cá. Bây giờ chiến thắng rồi, có
tí chút chất tươi vui vẻ với nhau. Các anh phải lên lớp làm gì nặng nề thế !
Thôi các anh đi đi. Đây là đơn vị chúng tôi. Chúng tôi chịu trách nhiệm ở đây
không cho ai lấy”. Sau tay này báo cáo với ông Trần Đăng Ninh, trưởng ban thu
dọn chiến trường - vốn là người rất nghiêm khắc. Trong một cuộc họp sơ kết
chiến dịch mấy chục người ông Ninh phát biểu nhiều điều, trong đó có điều tôi
không ngờ tới : “Một chính ủy trung đoàn nói như thế này đây ... Như thế là
không được, là vô kỷ luật !”. Thế là cộng với cái tội vô kỷ luật nào đó, ông ấy
đề nghị Quân ủy mặt trận thi hành kỷ luật và tôi bị cảnh cáo trong chiến dịch.
Thực
tình tôi rất thương anh em chiến sĩ. Hồi chuẩn bị chiến dịch, cả thời gian dài
lương thực thiếu thốn phải vào rừng kiếm các thức ăn thay cơm, phải nói là ai
cũng chịu đói khổ. Thấy anh em đụng tới chiến lợi phẩm như những thứ lặt vặt
đó, tôi không cho là vi phạm kỷ luật chiến trường, không nỡ nặng lời với họ.
Với lời phân tích của ông Trần Đăng Ninh cho là khuyết điểm thì tôi cũng đành
chịu. Hôm về dự tổng kết chiến dịch ở vùng chợ Chu,
tôi lo ngay ngáy. Sau khi bị kỷ luật tôi cũng buồn. Buồn vì sự kém cỏi không đủ
trình độ xử lý các công việc cho tốt. Giữa lúc mọi người vui sướng phấn khởi về
chiến thắng, riêng tôi vừa buồn vừa lo, về dự tổng kết mà lòng ngay ngáy.
Anh
Trường Chinh gọi tôi lên gặp trước hôm khai mạc hội nghị. Tôi toát mồ hôi : “Thôi
chết ! Chuyện tôi ở chiến trường đã đến tai các ông. Bị đổi công tác khác thì
nguy ! Mới khởi đầu có đà thế này mà phải thay đổi thì uổng quá”. Một cảm giác
đau đớn lan tỏa trong tôi. Tối hôm tôi lên gặp anh Trường Chinh, ra đi lòng
bâng khuâng lo lắng cực độ. Mỗi bước đi tới lòng càng quặn thắt. Tôi cũng nghĩ
anh Trường Chinh vốn rất thân tình với tôi, xem tôi như em út, nay có chuyện
nghiêm trọng thế này biết trình bày với anh thế nào ? Điều tôi lo nhất là phải
chuyển đổi công tác vì tôi đang say bám đơn vị mà kháng chiến, thấy ở đó có
nhiều ý nghĩa.
Thấy tôi tới, anh Trường
Chinh nhỏ nhẹ hỏi thăm tôi đã chiến đấu như thế nào, bộ đội ta ra làm sao, đánh
nhau có kinh nghiệm gì hay không. Nỗi lo của tôi tiêu tan dần theo câu chuyện
và anh cũng chẳng nói gì đến khuyết điểm của tôi cả. Thái độ của anh vẫn thân
tình từ tốn như xưa. Rồi chính tôi tự nói ra : “Trong chiến dịch này tôi có một
khuyết điểm”. Tôi thuật lại với anh chuyện tôi bị kỷ luật. Anh ấy chăm chú nghe
rồi thân ái khuyên : “Ừ, chuyện đó rút kinh nghiệm thế là tốt, về cố gắng sửa
chữa để tiến bộ. Cuộc chiến đấu còn dài, phải rút kinh nghiệm để chiến thắng
lớn hơn, không có gì phải lo lắng”.
Tôi
sướng quá, yên tâm dự tổng kết. Có Bác Hồ đến, cuộc họp càng sôi nổi vui vẻ.
Trên đường trở về đơn vị, căn cứ của sư đoàn chúng tôi đóng ỏ Phú Thọ, tôi cùng
anh Tấn đi cùng đường bằng xe đạp. Cứ gặp máy bay địch rà đường thì cả hai vứt
xe chui bụi nằm. Nó bay qua, lại đạp xe thong dong, tán đủ thứ chuyện. Tôi bảo :
“Chiến dịch này mình tiêu diệt nó năm tiểu đoàn. Ở cả Đông Dương, Pháp nó có 45 tiểu đoàn. Vậy thì chín chiến dịch là xong
ráo, là giành được độc 1ập !”. Thật là thứ lập luận đơn giản máy móc nhưng ông
Tấn nghe cũng cười ha hả ra vẻ hưởng ứng. Sau đó ông Tấn thông báo với tôi là
chuyến này đơn vị sẽ phát triển lên cỡ đại đoàn, mà trung đoàn Sông Lô là nòng
cốt. Sự phát triển đó rất phù hợp với mong ước của chúng tôi nên rất vui sướng.
Dần dần không biết bằng con đường nào, bằng công văn hay
do bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ mà tin ấy ngày càng lan ra. Rằng đại đoàn
thành lập sẽ có 209, tức trung đoàn Sông Lô, thêm trung đoàn Lao Hà (tỉnh Lào
Cai và Hà Giang) mới được mang danh hiệu là “Thành đồng biên giới”, tức là
trung đoàn 165, Trung đoàn thứ 3 sẽ thành lập mới, lấy từ sư đoàn 308 một tiểu
đoàn độc lập, tiểu đoàn 16 huấn luyện tân binh và tiểu đoàn 11, tức là tiểu
đoàn đã lập thành tích lớn diệt cứ điểm Phủ Thông trên đường số 3 và tiểu đoàn
428, đơn vị trực thuộc của quân khu 1, tức là quân khu Việt Bắc. Tôi với ông
Tấn bàn nhau đặt tên cho trung đoàn mới này. Vì nó gồm ba tiểu đoàn 16, 428 và
11 bèn lấy 3 con số đầu ghép lại thành tên trung đoàn 141. Bộ Tổng tư lệnh bổ
nhiệm ngay anh Nam Long làm trung đoàn trưởng, anh Mạc Ninh làm chính ủy, hình
như có cả anh Trần Nguyên Độ nữa. Trong cả trung đoàn, tiểu đoàn 11 được coi là
anh cả vì thành tích oanh liệt diệt Phủ Thông. Đồn Phủ Thông cách thị xã Bắc
Cạn 20 km về phía Bắc, án ngữ ngã ba Bắc Cạn, Ngân Sơn, chợ Rã. Địch chốt ở đây
nhằm giữ con đường huyết mạch từ Cao Bằng đi Bắc Cạn làm lá chắn từ xa bảo vệ
quân Pháp đóng ở thị xã Bắc Cạn và khống chế uy hiếp vùng chợ Rã, Lượng Thượng,
Na Rì. Đồn có 150 lính Âu-Phi giữ, trang bị mạnh. Trận đánh tuy không dứt điểm
nhưng tiểu đoàn 11 đã chiến đấu dũng cảm, diệt gần hết quân địch, cung cấp
nhiều kinh nghiệm quý về đánh công kiên, tiểu đoàn được Bộ Tổng tư lệnh tặng
danh hiệu “Tiểu đoàn Phủ Thông”.
Chúng
tôi rất mừng, yên tâm có được đơn vị như thế. Về đến nơi, chúng tôi bắt tay
ngay vào tiếp nhận ba tiểu đoàn trên và lập ban chỉ huy trung đoàn, rồi lập
trung đoàn ủy. Bộ Tổng tư lệnh cũng ra quyết định thành lập đại đoàn được gọi
là Đại đoàn 312. Thế là sau 304 đến 308 rồi 312, không rõ có ý nghĩa gì nhưng
cứ cách nhau 4 con số. Tiếp theo còn có 316 và 320. Sau đó lệ này không giữ
nữa, miền Trung có đại đoàn 325. Khi lập bộ chỉ huy, anh Tấn được chỉ định là
đại đoàn trưởng, tôi thì chính thức là phó chính ủy nhưng là quyền chính ủy.
Tôi làm luôn bí thư đảng ủy gồm các anh Nam Long, Mạc Ninh, Lê Thùy (Trung đoàn
trưởng 165). Tôi nhớ buổi họp đầu tiên có cả anh Đào Đình Luyện.
Khi
làm việc tiếp nhận và hình thành tổ chức trung đoàn 141 thì phải nhận ngay tham
gia chiến dịch Trần Hưng Đạo, tức là chiến dịch Trung du ở vùng Vĩnh Yên. Lúc
này chúng tôi mới có trong tay hai trung đoàn 141, 209 còn trung đoàn 165 ở
biên giới chưa về kịp. Thế là đơn vị tham gia chiến dịch với lực lượng hai
trung đoàn. Chúng tôi triển khai kế hoạch đánh đồn Ba Huyên theo phương châm
Trung Quốc là : “Đánh điểm diệt viện” tức là đánh một điểm buộc địch phải cho
quân đến cứu viện thì đón đánh chúng ngoài công sự, có lợi cho ta hơn, để giành
thắng lợi và tiêu diệt sinh lực chúng nhiều hơn. Nhưng thằng Đờ-lát Đờ-tat-xi-nhi
lúc ấy đang triển khai kế hoạch của nó và nó bình định dữ lắm nên nó ra tay
trước (chẳng hiểu nó có biết kế hoạch của ta không !). Đúng vào đêm chúng tôi
chuẩn bị xuất quân đánh Ba Huyên thì chúng nó tiến lên. Pháo chúng nó nã vào
vùng ta trú quân. Trước hôm đó, chúng tôi đã làm lễ thành lập sư đoàn, tập hợp
cả hai trung đoàn lại làm mít tinh rất nghiêm trang, tạo khí thế cho việc xuất
quân. Một cánh quân của nó tiến vào đã đụng phải 141 và 209 ở nơi trú quân. Thế
là diễn ra trận đánh nổi tiếng gọi là trận Liễn Sơn, Xuân Trạch. Một tiểu đoàn
Âu Phi đã bị diệt gọn, mở đầu cho cả chiến dịch về sau của sư đoàn. Còn trận
đánh Ba Huyên thì bộ tư lệnh sư đoàn cho lùi lại. Nói là bộ tư lệnh thật ra đã
có gì đâu. Mới có vài cán bộ tham mưu, vài ông chính trị, vài ông hậu cần lo
vận tải, quân y. Tôi còn nhớ lúc đó ngồi chuẩn bị chiến dịch tôi là chính ủy
cũng chỉ có một cái hố cá nhân, ngồi bên đó để nghe báo cáo và thảo chỉ thị. Đi
theo chiến dịch có các nhà báo, nhà văn ... Họ kéo đến chỗ tôi. Sư đoàn chưa có
nhà khách, đến hố cá nhân cho khách tránh bom đạn cũng chưa chuẩn bị được. Bí
quá không biết giải quyết tiếp đón sao cho chu đáo, chỉ còn cách giới thiệu họ
xuống các trung đoàn. Tôi nói : “Xuống đó còn có chuyện mà viết, ở đây chỉ có
báo cáo”. Sau đó chiến dịch diễn biến, đánh quanh Vĩnh Yên, vùng thị xã, là
những trận đánh nổi tiếng. Chuyện anh Hoàng Cầm chiến đấu về sau truyền đi rất
thú vị. Một mình anh giữa cánh đồng quần nhau với máy bay địch bắn phá. Ông cứ
xem hướng nó lượn, nằm ém vào bờ ruộng đối lại, tạo một góc nhỏ nhất và thoát
khỏi làn đạn của địch. Hai liên lạc viên đi với ông đều bị tử thương. Một cán
bộ tiểu đoàn là anh Hồ Kỳ Lân cũng hy sinh. Còn ông ấy không việc gì. Phải thừa
nhận động tác chiến đấu của ông giỏi lắm và trước sự nguy hiểm ông ấy rất bình
tĩnh. Xong chiến dịch chúng tôi kéo nhau về họp tổng kết : Đại đoàn bắt đầu ra
quân, anh em đã chiến đấu rất dũng cảm góp phần quan trọng vào thắng lợi của
chiến dịch. Trở về đất Phú Thọ hình như là 30 Tết, tôi mới triệu tập cuộc họp
đảng ủy đầu tiên ngay đêm hôm đó. Cũng là lần đầu tiên ngồi bên nhau đủ mặt,
làm tôi xúc động sâu sắc. Tôi nêu ý kiến: “Lần đầu tiên chúng mình gặp nhau,
chưa hiểu đời riêng của nhau như thế nào. Tôi đề nghị để xây dựng mối quan hệ
mật thiết làm việc với nhau lâu dài về sau, xin mỗi đồng chí tự thuật cuộc đời
mình với anh em”.
Buổi
họp thành buổi tâm sự hết sức chân thành cứ tuần tự kể cho nhau nghe cuộc đời
mình, hoàn cảnh gia đình xuất thân, tuổi ấu thơ, tiếp xúc với cách mạng, ngày
vào Đảng, quá trình trong quân đội, lời tự nhận xét và những mong muốn trong
tập thể này. Tối đó đèn sáng thâu đêm, có nhậu lai rai với bánh chưng, càng về
khuya, câu chuyện càng đằm thắm. Nhiều anh em cũng như tôi bộc bạch cả những sự
non yếu của mình với dụng ý để hiểu nhau thật đầy đủ, thông cảm và khoan dung
để toàn tâm toàn ý lao vào công việc. Sau cuộc nói chuyện tôi cảm thấy chúng
tôi gần nhau hơn, tình cảm bạn bè chiến đấu nhen nhóm lên. Chúng tôi bàn cả kế
hoạch xây dựng sư đoàn, bố trí tổ chức và cán bộ, chọn chỗ đóng quân, đặt kế hoạch
huấn luyện ... Tất cả biểu thị quyết tâm xây dựng đại đoàn vững mạnh thi đua
với 308. Ít lâu sau trung đoàn 165 mới về tới nơi, cũng vừa lúc nhận nhiệm vụ
đi dự chiến dịch Hoàng Hoa Thám đánh ở đường 18, dốc Đông Triều thuộc tỉnh
Quảng Ninh ngày nay. Cả đại đoàn kéo quân suốt từ Vĩnh Yên - Phú Thọ đi qua
Thái Nguyên sang Bắc Giang, đi lên vùng Bắc Bắc Giang rồi đổ xuống Quảng Yên.
Cuộc hành quân kéo dài ngày nhưng không gian khổ bằng lên Tây Bắc sau này. Mười
ngày hành quân vất vả đến ngày 20-21 tháng 3 năm 1951 đại đoàn đến vị trí an
toàn. Ngày 23 tháng 3 chiến dịch Hoàng Hoa Thám mở màn. Đại đoàn 312 là một
trong những đơn vị chiến đấu trên hướng chính.
Chiến
dịch Hoàng Hoa Thám bộc lộ trình độ chỉ huy của cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu
phát triển chiến đấu quy mô tập trung lớn. Tư tưởng chỉ đạo tác chiến của đại
đoàn chưa hình thành rõ ràng, cơ sở vật chất chuẩn bị không chu đáo do đó bộc
lộ nhiều lúng túng, mất dần thế chủ động khi gặp khó khăn, dẫn đến tổn thất
lớn.
Ngày
26-4-1951,
Chủ tịch Hồ Chí Minh dự hội nghị tổng kết chiến dịch do Bộ chỉ huy chiến dịch
mở. Người nói: “Trước ta nói phê bình và tự phê bình, bây giờ phải nói tự phê
bình và phê bình. Nói như thế là chú trọng tự phê bình trước, phê bình người
sau. Phê bình mình là chính, phê bình người là phụ... Tự phê bình và phê bình
là để thống nhất tư tưởng. Tư tưởng có thống nhất, hành động mới thống nhất. Tư
tưởng và hành động có thống nhất mới đánh thắng được giặc...”.
Cán bộ đại đoàn 312 dự hội nghị này vô cùng thấm thía những lời dạy của Bác (Sách Đại đoàn 312, trang 73).
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
Cán bộ đại đoàn 312 dự hội nghị này vô cùng thấm thía những lời dạy của Bác (Sách Đại đoàn 312, trang 73).
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét