Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

Nhớ về cuộc họp với Anh Trần Độ

Ký ức của Vũ Nam Bình (tên thật là Nguyễn Văn Khả, nguyên là Phó Phòng Bảo vệ B2)

Khoảng một tuần sau, Thủ trưởng Cục Chính trị Miền cho mời các trưởng, phó phòng bảo vệ, các trưởng ban và một số đồng chí làm công tác nghiên cứu lên gặp các thủ trưởng Cục Chính trị. Tham dự cuộc họp có đầy đủ các anh lãnh đạo Cục: Anh Trần Độ (Chín Vinh), Hai Chân, Tư Thắng và Chánh văn phòng Tư Vân.



Anh Trần Độ, Phó Chính ủy Quân Giải phóng Miền trực tiếp làm Chủ nhiệm Chính trị Miền nói với chúng tôi: “Các đồng chí phê bình Thủ trưởng Cục Chính trị và Quân ủy Miền thiếu những chỉ đạo lớn, có hiệu quả đối với công tác bảo vệ. Cái đó hoàn toàn đúng. Chúng tôi xin nhận khuyết điểm.

Tôi có ý kiến với các đồng chí ở Phòng Bảo vệ như thế này xem có được không nhé. Tôi đề nghị chúng ta sẽ tổ chức một cuộc họp, có đầy đủ các thủ trưởng Cục Chính trị Miền, tất nhiên có tôi là đầu tiên và các đồng chí cán bộ chuyên trách công tác bảo vệ có mặt ngày hôm nay. Trong cuộc họp đó, các đồng chí ở Phòng Bảo vệ sẽ truyền đạt cho chúng tôi những nội dung chính sau đây:

Một là: Đi từ cái rất cơ bản là công tác bảo vệ quân đội là gì? Liên Xô, Trung Quốc và ta định nghĩa công tác bảo vệ quân đội như thế nào? Có gì khác giữa ta và các bạn không? Điều này anh Thái sẽ trình bày.

Hai là: Những nội dung, nguyên tắc, biện pháp chủ yếu của công tác bảo vệ quân đội là gì? Những vấn đề này anh Năm Bình sẽ trình bày.

Ba là: CIA Mỹ ở miền Nam là như thế nào? Chiến tranh gián điệp, chiến tranh tâm lý của chúng chống phá lực lượng vũ trang của ta như thế nào? Âm mưu, thủ đoạn và tính chất nguy hiểm của nó như thế nào? Những vấn đề này anh Tư Nghi sẽ trình bày.

Bốn là: Chúng ta phải làm những gì để phòng chống và đánh bại chiến tranh gián điệp, chiến tranh tâm lý của địch? Hiện nay, công tác bảo vệ quân đội của Quân Giải phóng ở mức độ nào, có những ưu điểm, khuyết điểm chính gì? Các đồng chí đề xuất những gì về công tác bảo vệ quân đội với Quân ủy Miền, Cục Chính trị Miền? Những vấn đề này anh Thái sẽ trình bày trước, các anh khác sẽ bổ sung.

Đây là bốn nội dung mà chúng tôi muốn được nghe ý kiến của các đồng chí. Thời gian trình bày và thảo luận là hai ngày. Nếu nội dung trình bày phong phú, ý kiến thảo luận nhiều thì thêm một ngày nữa cũng được. Chúng ta phải tìm hiểu cho ra nhẽ để giải quyết vấn đề một cách căn cơ, rốt ráo. Các đồng chí được phân công sẽ lo chuẩn bị nội dung cho thật chu đáo, để trình bày với những học trò đặc biệt của mình”.

Ba ngày sau, cuộc họp đặc biệt này được bắt đầu.

Đây là một buổi trao đổi ý kiến thoải mái, vui vẻ về những đường hướng chỉ đạo lớn của công tác bảo vệ quân đội trong thời gian chiến đấu với “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam.

Nhìn chung đây là một cuộc sinh hoạt chính trị rất thiết thực và bổ ích. Các thủ trưởng Cục Chính trị, các đồng chí ở Phòng Bảo vệ rất thoải mái, phấn khởi khi kết thúc cuộc họp đúng hai ngày để bàn về công tác bảo vệ của Quân Giải phóng miền Nam.

Đây là kỷ niệm sâu sắc của tôi trong thời gian đầu vào công tác ở Phòng Bảo vệ Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.    


(Trích cuốn Một thời ở Cục Chính trị Quân Giải phóng miền Nam (B2), tập 2), Nxb Quân đội Nhân dân, 2018.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét