Theo yêu cầu, tôi tiếp nhà văn Võ Bá
Cường, được nghe nhà văn trình bày đại thể nội dung tác phẩm “Tướng Trần Độ” do
Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân sắp ấn hành. Tôi hoan nghênh, cần một sự công
bằng với tướng Trần Độ và những người cống hiến gần hết cả cuộc đời cho sự
nghiệp cách mạng nhưng có những vấp váp nhất định!
Tôi biết nhiều về anh Trần Độ trong
kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cả anh và tôi cùng ở trong Trung ương Cục miền Nam. Thời kỳ chống Pháp, tôi mới chỉ
được nghe, được đọc về anh. Năm 1941, anh bị thực dân Pháp bắt, kết án 15 năm
tù, đày đi Sơn La. Năm 1944, anh vượt ngục, về công tác ở Ban tuyên truyền
Trung ương, tiếp sau đó, với nhiều cương vị khác nhau, phần nhiều thời gian anh
hoạt động báo chí và văn học kháng chiến chống Pháp.
Anh Trần Độ cống hiến gần hết cuộc
đời mình cho dân, cho nước suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trực
tiếp chiến đấu và chỉ huy ở chiến trường trên cương vị Phó Chính uỷ Quân giải
phóng miền Nam – Phó Bí thư Quân uỷ Miền (thời kỳ chống Mỹ), kể cả sau ngày
giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Liên tục anh là Ủy viên Trung ương
Đảng các khoá III, IV, V, VI. Anh là Trung tướng Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính
trị, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin, Phó Ban Tuyên huấn Trung ương, Trưởng Ban
Văn hoá - Văn nghệ Trung ương. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá – Giáo dục của Quốc hội
(khoá VII, khoá VIII) ; là Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Nhà nước.
Ở Trung ương Cục miền Nam, chúng tôi thường gọi tướng Trần Độ
là Chín Vinh (Anh Chín Vinh). Trong quan hệ làm việc, chúng tôi thường gặp nhau
ở hội nghị Trung ương Cục hoặc ở Bộ Chỉ huy Miền. Trong quân đội, tôi dưới anh
một cấp. Lúc đó tôi là Chính uỷ Quân khu (không sao), còn anh trong Bộ Chỉ huy
Miền (tướng có sao). Anh Chín Vinh trực tiếp chỉ đạo công tác chính trị trong
quân đội của Bộ Chỉ huy Miền. Anh được cán bộ toàn quân cảm mến vì anh có khả
năng thuyết phục và rất sáng tạo trong động viên cổ vũ cho mỗi chiến công của
quân đội.
Có dịp về Trung ương Cục gặp anh,
tôi nói đùa, coi chừng ông Chín Vinh dùng hết chữ, sau này có những chiến công lớn
hơn thì khéo không còn từ nào đủ để động viên tiếp. Anh Trần Độ luôn là người
lạc quan, pha lẫn tính cách nghệ sĩ, anh thông minh và có “bộ nhớ” rất cừ. Anh
có một thú vui thư giãn say mê, đó là chụp hình và ban đêm tự tráng rửa phim,
tự in hình.
Nhân đây, tôi muốn bày tỏ về quan
niệm của mình đánh giá con người nói chung, sự cống hiến, một chặng đường dài
trong đấu tranh cách mạng, ít ai không có vấp váp, sai phạm ở mức độ khác nhau.
Đó cũng là lẽ bình thường trong một chặng đường và cả cuộc đời. Tôi đưa ra một
tỷ dụ, sau Hiệp định Paris giữa Quân uỷ Miền (anh Trần Độ thay mặt) với Quân
khu 9, ý kiến khác nhau khá xa về bám dân, giữ đất. Anh cảnh cáo chúng tôi
(Quân khu) và còn doạ sẽ có mức kỷ luật cao hơn. Khi có kết luận bổ sung của Bộ
Chính trị mở rộng với các Quân khu miền Nam ở Sầm Sơn năm 1973, lại thống nhất
với nhau, đó cũng là bình thường …
Những cống hiến của anh Trần Độ bao
gồm thời gian 50 – 60 năm đi qua các thời kỳ như : hoạt động bí mật, sau Cách
mạng tháng Tám năm 1945, suốt hai cuộc kháng chiến và sau ngày 30/4/1975. Quan trọng nhất là giá trị của sự
cống hiến qua mỗi thời kỳ khác nhau đó với ý nghĩa thực của nó. Về vấp váp, sai
phạm, cần đánh giá đúng mức tác hại của nó, những thiệt hại cho cách mạng, cho
Đảng, mức độ ảnh hưởng đến đâu, không quy kết chỉ qua cảm tính, chủ quan mà
không dựa vào những chuẩn mực nào.
Đảng ta không chủ trương lấy công
thay cho lỗi lầm ; ngược lại cũng không vì có lỗi lầm mà phủ định hết giá trị
của những cống hiến. Vấn đề ở đây phải rất công bằng, có sức thuyết phục cao.
Hơn nữa, chúng ta cần xem xét thuộc
quan điểm, chủ trương như trước đổi mới và đổi mới ban đầu và ở những chặng sau
này. Có những cái ta cho là đúng trước đây khi đổi mới và càng về sau lại càng
thấy nó là sai, hoặc trước đây là sai nghiêm trọng nhưng khi đổi mới lại đúng
như trường hợp đồng chí Kim Ngọc (Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phú). Ngay cả đổi mới lúc
đầu với mức hiện nay cũng có nhiều mức khác biệt, ngay trong lĩnh vực văn hoá
văn nghệ. Nhân tôi có đọc tập sách của Phùng Quán với tựa đề “Ba phút sự thật”, có nhiều tư liệu nói
về cuộc đời, đồng đội và bè bạn, qua đó biết thêm về một lão thành cách mạng kỳ
cựu Nguyễn Hữu Đang.
Lịch sử sẽ phán xét công minh, nhưng
trước tiên mỗi một cá nhân cũng phải sòng phẳng với lịch sử. Với tinh thần ấy,
tôi tin việc xuất bản cuốn sách “Tướng Trần Độ” là việc làm kịp thời và rất có
ý nghĩa.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 5 năm 2007
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 5 năm 2007
Cụ Kiệt cùng chiến đấu cùng cụ Chín Vinh ngày ở B2. Con người cụ Kiệt rất Nam bộ, thẳng thắn, sòng phẳng, dám làm. Giá cán bộ ta ai cũng thế!!!
Trả lờiXóaHi there! Someone in my Facebook group shared this site with
Trả lờiXóaus so I came to look it over. I'm definitely loving the information. I'm bookmarking and will
be tweeting this to my followers! Wonderful blog and great design.
Cán bộ ta ai cũng được như hai Cụ dám nói thẳng, nói thật, dám làm dám chịu trách nhiệm thì dân được nhờ.
Trả lờiXóa