Thứ Ba, 10 tháng 7, 2018

Những ký ức không chịu ngủ yên

Tô Hoài 

Những năm 1944-1945



...
Mới hôm rồi, Trần Độ hỏi tôi: “Có phải mình gặp Nam Cao cái hồi đói mà họp ở nhà cậu được ăn bánh chưng ấy phải không?”. Lúc thiếu đói, miếng ăn ngon bao giờ cũng nhớ lâu...


Rồi ngày họp đã đến. Các bạn lác đác về như tình cờ đến chơi. Như Phong, Trần Huyền Trân, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Huy Tưởng, Trần Quốc Hương đến từ sáng sớm. Chập tối, Trần Độ mới tới. Sau này mới biết nơi công tác đội của Trung ương ở ngay ngoài đê, chỉ qua cánh đồng Dàn, Cáo thì tới làng tôi. Trần Độ đã thuộc nhiều đường nên không muốn đi ban ngày. Trần Độ và Trần Quốc Hương là cán bộ trên đến liên lạc và truyền đạt. Công tác văn hóa cứu quốc ở Hà Nội liên lạc với Trung ương theo cách thức hoạt động đơn tuyến – chỉ có một người biết. Tổng bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách công tác Hội Văn hóa cứu quốc Hà Nội. Ngày ấy, nghe nói “thượng cấp” tưởng ở những đâu, rồi sau mới biết các anh Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ ở ngay những làng ven đê sông Cái cũng thường qua lại làng tôi. Chỉ thị của Tổng bí thư Đảng được Trần Độ làm công tác đội đưa đi. Người đón nhận tài liệu, công tác giữa đường là Hương “đen”, rồi từ Trần Quốc Hương đến Lê Quang Đạo, bí thư ban cán sự của thành phố. Trong ban cán sự chỉ một mình Lê Quang Đạo liên lạc với một tổ Văn hóa cứu quốc, là tổ của Vũ Quốc Uy, Như Phong và tôi. Các tổ độc lập phát triển, ba người một... Lần này họp thiếu Lê Quang Đạo.

Hai tài liệu của Trần Độ mang tới để nghiên cứu và thảo luận là: Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và Chỉ thị sửa soạn khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh (in năm 1944). Đề cương chưa in, Trần Độ đọc bản chép tay. Đề cương này sau được đăng tạp chí Tiên Phong của Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam, số 1, ngày 10 tháng 11 năm 1945, tại Hà Nội.

(Trích Những ký ức không chịu ngủ yênNxb Văn học, 2017)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét