…
Chiều 07 tháng 5 năm 1954, tin trung đoàn 209 bắt sống
toàn bộ ban tham mưu của quân Pháp, trong đó có cả tướng Đờ Cát ở Điện Biên Phủ,
nhanh chóng truyền đến các đơn vị tham gia chiến dịch. Thế là tập đoàn cứ điểm
vững chắc nhất, niềm kiêu hãnh của đội quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã
hoàn toàn bị sụp đổ.
Chiến dịch đã toàn thắng. Trời Điện Biên như cao hơn,
lồng lộng ánh cờ bay, tiếng súng nổ từng tràng dài thay tiếng pháo xen lẫn
tiếng reo hò của bộ đội, dân công. Nhìn đám tàn quân địch, quần áo lôi thôi,
lếch thếch, mặt mày xám ngắt, giơ cao hai tay đi hàng dài bên bờ sông Nậm Rốm,
lòng tôi dạt dào xúc động, nhớ lại hai câu thơ không rõ của thi sĩ nào mà tôi
đã đọc khi còn ngồi ở ghế nhà trường:
“Phút vui chiến
thắng là đây,
Tốn bao huyết
hãn đón ngày vinh quang”.
Trong chiến dịch lịch sử này, Đại đoàn 312 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ từ trận mở đầu đến khi kết thúc chiến dịch, dẫn đầu phong trào Thi đua Lập công, được nhận cờ thưởng của Bác Hồ, lá cờ “Đoàn kết, Anh dũng, Chiến thắng”.
Tranh thủ mấy ngày còn ở Điện Biên, tôi đi thăm lại một số nơi đã diễn ra những trận đánh của trung đoàn. Lòng chảo Điện Biên không còn bóng địch, chỉ 2 lần máy bay trinh sát địch đảo qua như nuối tiếc những ngày hùng cứ một phương.
Lên đồi Him Lam, tôi lần theo vết đường lên cửa mở tìm
đến nơi ngã xuống của liệt sĩ anh hùng Phan Đình Giót. Lô cốt đổ nghiêng, lỗ
châu mai vỡ toác, đen ngòm. Theo mũi tiến quân của tiểu đội phó Oanh như lưỡi
dao sắc nhọn chia cắt các tốp địch để xông thẳng vào chiếm sở chỉ huy, tôi nhớ
lại lời nhận xét rất đúng của anh Trần Độ: Tiểu đoàn 11 đánh như hận, thường
gặp khó khăn khi mở đột phá khẩu nhưng đã vào được tung thâm thì giải quyết
chiến đấu rất nhanh. Đó vừa là chỗ mạnh, vừa là chỗ yếu của tiểu đoàn. Từ trên đồi cao nhìn xuống, dấu vết các hố
đạn pháo cối chi chít càng nói lên tính chất ác liệt của trận đánh. Thì ra lưới
trời khôn thoát, chính cái Tiểu đoàn Lê dương số 3 thuộc Trung đoàn 13 bị xóa
sổ ở Him Lam, lần này cũng là đơn vị có một đại đội tăng cường bị Tiểu đoàn 11
tiêu diệt gần hết trong trận Phủ Thông sáu năm về trước.
(Trích Một thời ở Đại đoàn 312, Nhà xuất bản Quân đội Nhân
dân, Hà Nội, 1991).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét