Nhà văn Trần Độ
Trần Độ,
tên thật là Tạ Ngọc Phách, có các bút danh Trần Quốc Vinh, Chín Vinh, Cửu Long.
Ông sinh năm 1923, mất năm 2002, quê làng Thư Điền, tổng An Bồi, huyện Trực
Định (nay thuộc xã Tây Giang, huyện Tiền Hải).
Ông tham gia cách mạng từ năm
1939, năm 1940 vào Đảng Cộng sản Việt Nam và hoạt động cách mạng tại Thái Bình.
Ông bị địch bắt kết án 15 năm tù giam. Năm 1944, ông vượt ngục trở lại hoạt
động cách mạng. Tháng 8 – 1945, tham gia giành chính quyền ở huyện Đông Anh (Hà
Nội), sau gia nhập Vệ Quốc đoàn … Nhà văn Trần Độ đã từng giữ những trọng trách
trong Quân đội, trong Quốc hội và Nhà nước. Trong Quân đội, ông trưởng thành từ
Chính ủy Trung đoàn đến Sư đoàn, Quân khu rồi Phó Chính ủy Quân Giải phóng miền
Nam, Trung tướng Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Ông là Ủy viên Trung ương
Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa III-IV-V-VI, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Trưởng Ban
Văn hóa Văn nghệ của Trung ương, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá và Giáo dục của Quốc
hội khóa VI-VII. Phó Chủ tịch Quốc hội, Uỷ viên Hội đồng Nhà nước.
Ông rất say mê công việc của báo chí, văn học. Trước cách mạng tháng Tám
đã tham gia làm báo “Cờ Giải phóng”, “Suối Reo”. Sau cách mạng, được Bác Hồ
giao cho làm tờ Quân Giải phóng, rồi làm Chủ nhiệm báo Vệ quốc quân. Ngoài làm
báo, ông còn ham mê chụp ảnh, viết văn đã từng xuất bản tập ảnh nghệ thuật và
nhiều tác phẩm văn học.
Ông tham gia Hội Nhà văn năm 1957.
* Tác
phẩm đã xuất bản:
1. Lòng
tin. Chuyện vừa. Nxb Quân đội Nhân dân, 1953
2. Kể
chuyện Điện Biên. Nxb Văn Nghệ, 1955
3. Sống,
học tập và làm việc như những người cộng sản. Nxb Quân đội Nhân dân, 1961
4. Lý
tưởng, ước mơ và nghĩa vụ - Bút ký. Nxb Thanh niên, 1964
5. Bên
sông đón súng - Hồi ký cách mạng. Nxb Thanh niên, 1964, tái bản 1976 – 1980
6. Anh bộ
đội - Tuỳ bút. Nxb Quân đội Nhân dân, 1975
7. Đồng
đội - Nxb Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 1987
8. Phấn
đấu xây dựng nền văn hoá mới xã hội chủ nghĩa. Nxb Sự thật, 1982
9. Bàn về
lối sống và nếp sống. Nxb Văn hoá, 1985
* Khen
thưởng:
Nhà văn
Trần Độ đã được khen thưởng:
- Hai
huân chương Kháng chiến hạng Nhất (chống Pháp, chống Mỹ)
- Hai
huân chương Quân công hạng Nhất (1955, 1976), một Quân công hạng II và một Quân
công hạng III.
- Một
huân chương Chiến thắng
- Huân
chương Chiến sĩ vẻ vang 1 – 2 – 3.
- Huân
chương Chiến sĩ Giải phóng 1 – 2 – 3.
- Huân
chương Hồ Chí Minh (1992) và nhiều Huy chương khác…
* Về cuộc
đời gắn bó và yêu mến văn chương của mình, ông viết:
Tôi xuất
thân là học sinh tiểu học ở nông thôn, nghèo. Sau đó, tôi được theo học vài năm
trung học ở Hà Nội, do học bổng của một ông bạn của Bố tôi cấp cho. Thời kỳ học
sinh của tôi (thập kỷ 1930 – 1940), là thời kỳ sôi nổi các phong trào Âu hoá,
là thời kỳ của “Tự lực Văn đoàn”, “Tiểu thuyết Thứ Bảy”. Tôi quen thuộc ngay
những tên tuổi Nhất Linh, Khải Hưng, Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận,
Lưu Trong Lư và sau đó là Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Nam Cao.
Tôi thoát
ly đi làm Cách mạng chuyên nghiệp từ 1941 (17 tuổi), bị tù từ 1942 đến 1944 và
sau đó là 30 năm ở quân đội, cho đến 1975. Ngay từ nhỏ, tôi hay mơ mộng. Tôi
rất thích câu thơ của Thế Lữ:
Tôi chỉ là người mơ ước thôi,
Là người mơ ước hão, than ôi ! …
Không
phải chỉ mơ ước về tình yêu, mà cả những mơ ước về cuộc đời. Khi còn là học
sinh Trung học, tôi đã thích văn chương và được coi là một học sinh khá về văn… Tôi hay tỏ ra mình không thích công thức, không thích khuôn phép sáo mòn… Những
người Thầy viết đầu tiên của tôi là anh Như Phong, anh Trần Mai Ninh và sau đó
nữa là anh Trường Chinh… Hồi Bí mật và ở tù, tôi thường làm công việc “giúp
việc” cho các tờ báo “Cờ Giải phóng”, “Suối reo” và cả tờ “Người mới” năm 1939.
Bất cứ ở đâu, làm công việc gì, tôi cũng có viết. Năm 1945, tôi được giao làm
tờ báo của Quân đội là tờ “Quân giải phóng”. Rồi năm 1947 – 1950, tôi làm Chủ
nhiệm báo “Vệ quốc quân” cùng với Thâm Tâm, Tân Sắc, Vũ Cao, Trần Đăng,… Thời
gian đó, tôi cũng viết hơn một trăm bài cho báo, từ xã luận, bình luận, truyện
ngắn, bút ký, chuyện vui. Tôi cũng có nhiều sách in, nhưng ba tập có tính văn
học là “Bên sông đón súng”, “Anh bộ đội” và “Đồng đội”…
Tôi luôn
luôn tự nhận thấy tôi là Hội viên Hội nhà văn vì tôi cũng có làm việc viết
lách, không nhiều nhưng không ít lắm. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy tôi là “Nhà
Văn”. Vì tôi nghĩ một “Nhà Văn” thì yêu cầu tài năng, nhân cách và bản lĩnh
phải lớn và tôi thì chưa có, tôi thấy Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy
Tưởng, Tô Hoài,… mới thật là những Nhà Văn”.
(Đức Hậu –
Phạm Minh Đức (biên soạn). Nhà văn Thái Bình 1945 – 2005. Nhà xuất
bản Hội Nhà văn, 2006, trang 245).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét