Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2024

Thủ Đức, một hình mẫu quản lý văn hoá cấp huyện


Thủ Đức là một huyện ngoại thành phía Đông Bắc thành phố Hồ Chí Minh. Huyện có 16 xã và một thị trấn, gồm hơn 26 vạn dân. Trong huyện có gần 200 đơn vị cơ sở như xí nghiệp, trường học, cơ quan thuộc thành phố và Trung uơng. Số cán bộ công nhân viên thuộc các đơn vị này chiếm hơn một nửa tổng số cán bộ, công nhân viên sống và làm việc trong địa bàn huyện. Trong huyện còn có hơn 300 cán bộ công nhân viên hưu trí cư trú.

Thành phần dân cư và hoàn cảnh địa lý của huyện như trên tạo nên những nét riêng biệt của một huyện ngoại thành : một vùng nông nghiệp có xen kẽ nhiều cơ sở có tính công nghiệp và văn hoá của đô thị, quan hệ rất mật thiết với mọi mặt đời sống của đô thị lớn.
Trong mấy năm qua, sự nghiệp văn hoá của huyện Thủ Đức đạt được những thành tích tốt đẹp, công tác văn hoá có nhiều tiến bộ lớn, và năm 1984 huyện đã được khen thưởng cao và được coi như một lá cờ về văn hoá, bên cạnh lá cờ đầu của cả nước trong nhiều năm là huyện Hải Hậu.
Một thành tích nổi bật của huyện Thủ Đức là huyện đã xây dựng cho mình một hình mẫu tổ chức quản lý về văn hoá khá hoàn chỉnh, nếu chưa phải là tuyệt vời thì cũng là một hình mẫu tiên tiến nêu lên nhiều bài học bổ ích.
Sự quản lý công tác văn hoá ở huyện Thủ Đức đã trở thành nề nếp, có hiệu quả và tác động nhiều đến phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở. Ủy ban nhân dân và cơ quan văn hoá có nhiều cố gắng sáng tạo, nhiều quyết định mạnh bạo và đúng đắn làm cho sự quản lý công tác văn hoá mỗi năm đều được hoàn thiện hơn lên. Những quyết định trên đều xuất phát từ sự hiểu biết nguyện vọng trong đời sống của nhân dân và từ sự đánh giá đúng đắn những khả năng của bản thân huyện.
Sự quản lý công tác văn hoá ở huyện Thủ Đức được thể hiện ở một quy trình hợp lý ở những khâu quan trọng và có hệ thống, tạo nên một sự vận hành thuận lợi và có hiệu lực. Điều đó được thể hiện như sau:
1. Hàng năm Huyện uỷ và Ủy ban nhân dân đều có quyết định sớm về những chủ trương và mục tiêu của công tác văn hoá. Quyết định này được hình thành từ cuối năm trước để dự kiến cho mọi mặt hoạt động của cả năm sau.
2. Những chủ trương và mục tiêu ấy được Phòng văn hoá huyện cụ thể hoá thành kế hoạch. Trong kế hoạch xác định rõ những việc cần làm ở trung tâm huyện, ở các xã, các đơn vị cơ sở, thời gian (lịch) các hoạt động được tiến hành, người hoặc cơ quan chịu trách nhiệm.
Kế hoạch cũng nêu lên yêu cầu về tổ chức, về điều kiện và về tài chính. Và những yêu cầu này được Ủy ban nhân dân huyện cùng các cơ quan khác của huyện bảo đảm một cách thuận lợi.
 3. Mỗi năm, Phòng văn hoá huyện đều kiểm lại lực lượng tổ chức và cán bộ của mình, đối chiếu với yêu cầu và mục tiêu công tác của năm tới để điều chỉnh hoặc bổ sung tổ chức. Cho đến nay, tổ chức các cơ quan văn hoá của huyện đã được xác định rõ ràng:
- Phòng văn hoá huyện với nhiệm vụ quản lý về mặt Nhà nước các hoạt động, xây dựng kế hoạch và kiểm tra thực hiện,
- Các tổ chức sự nghiệp gồm có:
+ Nhà văn hoá,
+ Thư viện,
+ Nhà truyền thống,
+ Đội thông tin lưu động,
+ Nhà thông tin triển lãm,
+ Bản tin huyện,
+ Đội kiểm tra nếp sống mới.
Nhà Văn hoá huyện Thủ Đức đã được Ủy ban nhân dân quyết định thành một đơn vị cơ sở có tài khoản và con dấu riêng, được độc lập hạch toán về tài chính và có một biên chế gồm 28 người.
- Các tổ chức sản xuất kinh doanh gồm 4 đơn vị:
+ Xí nghiệp in,
+ Công ty chiếu bóng,
+ Công ty phát hành sách,
+ Quốc doanh nhiếp ảnh.
Ngoài ra Phòng Văn hoá huyện còn quy định tổ chức bộ máy cho các xã, thị trấn, đặt quan hệ chặt chẽ với các tổ chức văn hoá của các cơ sở công nghiệp, các cơ quan, xí nghiệp, trường học của thành phố và Trung ương trong địa bàn huyện. Như vậy bộ máy hoạt động văn hoá của huyện gồm 7 đơn vị sự nghiệp và 4 đơn vị kinh doanh sản xuất, tổng cộng tất cả có 182 người, gồm 117 người ở các cơ sở sản xuất kinh doanh, 42 người ở các cơ sở sự nghiệp và Phòng Văn hoá, 28 người thuộc Nhà Văn hoá. Trong đó, Phòng Văn hóa huyện là cơ quan quản lý chung chỉ gồm có 5 người, trong đó có 1 kế toán, 1 tổng hợp, 1 quản trị và 1 thủ quỹ cùng với trưởng phòng hoạt động.
Tổ chức như trên được phân định rất rõ rệt và hợp lý và biên chế thực sự trong cơ quan Nhà nước rất gọn nhẹ.
4. Về tài chính cho hoạt động văn hoá, huyện Thủ Đức cũng giải quyết khá mạnh bạo và hợp lý, tạo điều kiện rất thuận lợi cho ngành văn hoá hoạt động.
Hàng năm, đi đôi với quyết định những chủ trương, mục tiêu của công tác, Ủy ban nhân dân huyện đã quyết định ngay về tài chính: tính số phần trăm trong tổng ngân sách của huyện cho hoạt động văn hoá. Số phần trăm được Ủy ban nhân dân quyết định như sau:
1982 – 1,7 % tổng ngân sách,
1983 – 2,3 % ;
1984 – 5 %
Đồng thời  Ủy ban nhân dân huyện còn quyết định chi thêm cho các hoạt động văn hoá ở cơ sở tính bình quân đầu người:
1982 cho mỗi đầu người 0,12 đồng/tháng,
1983 – 0,20 đồng/tháng,
1984 – 0,30 đồng/tháng.
Như thế cứ 1000 người được chi thêm 300 đồng/tháng. Nhưng cơ sở còn được sử dụng một phần của ngân sách của cơ sở và được Phòng Văn hoá huyện chi viện thêm một phần kinh phí hoạt động. Ba nguồn tài chính đó đảm bảo cho xã có thể bố trí được 5 người hoạt động văn hoá (trong đó có một định xuất do quy định chung của Nhà nước) và có kinh phí hoạt động đều đặn được.
Ủy ban nhân dân cũng căn cứ vào các hoạt động có thu của các cơ sở sự nghiệp của văn hoá, khoán cho Phòng Văn hoá một khoản thu nhất định trong năm, như năm 1982, khoán thu 150.000 đồng. Phòng Văn hoá đã thu được 153.000 đồng. Năm 1983, huyện hạ mức khoán xuống còn 100.000 đồng, nhưng Phòng Văn hoá đã thu được 257.000 đồng. Số thu vượt khoán, Phòng được quyền giữ lại để chi thêm vào phát triển sự nghiệp và cải thiện đời sống cho cán bộ công nhân viên.
Riêng cả 4 cơ sở sản xuất kinh doanh của văn hoá huyện năm 1984 đạt doanh số tới hơn 8 triệu đồng.
Nhà Văn hoá huyện được thành lập từ năm 1977 hoạt động ngày càng sôi nổi và đi vào nề nếp. Từ năm 1978 đến 1980, số lượt người hoạt động trong nhà văn hoá từ 30 vạn đến 90 vạn một năm thì từ năm 1981 đến 1984, số lượt người đã tăng lên từ 1 triệu đến 1,5 triệu một năm. Trong 7 năm (từ 1978 đến 1984), Nhà Văn hoá đã thu hút gần 7 triệu lượt người tham gia sinh hoạt.
Số tiền thu được trong những năm đầu từ 18.000 đồng đến 80.000 đồng thì những năm sau thu được từ nửa triệu đến 70 vạn đồng (kể cả thu về hội chợ). Số tiền thu được quy định sử dụng như sau:
50 % nộp lại cho ngân sách huyện;
30 % dùng để chi phát triển sự nghiệp của nhà Văn hoá;
20 % dùng để bồi dưỡng cho cán bộ nhân viên.
Chính sách tài chính của huyện như trên đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho hoạt động văn hoá. Chính sách tài chính được đảm bảo bằng những quy định ổn định, làm cho các cơ quan văn hoá có nhiều quyền chủ động trong việc điều hành hoạt động. Cơ quan văn hoá huyện giúp đỡ và hướng dẫn văn hoá ở cơ sở có nhiều hiệu lực.
5. Sự điều hành hoạt động trên địa bàn toàn huyện cũng được thực hiện tốt.
Phòng Văn hoá huyện đã xây dựng được nề nếp điều hành như sau :
- Cứ cuối mỗi năm, dựa vào ý kiến chỉ đạo của Huyện uỷ và Ủy ban nhân dân, xây dựng kế hoạch hoạt động và phát triển của năm sau. Kế hoạch năm được sự phê duyệt của Huyện uỷ và Ủy ban nhân dân huyện. Nó cũng được sự nhất trí (bằng chữ ký) của các ngành liên quan như Phòng Tài chính, Phòng Tổ chức chính quyền, Ban Kế hoạch, Hội đồng thi đua và Ban Tuyên huấn Huyện uỷ,
- Sau đó Phòng Văn hoá căn cứ vào kế hoạch năm, làm kế hoạch quý, kế hoạch tháng. Những kế hoạch này được phổ biến cho các cơ sở và các cơ sở lấy đó làm căn cứ để định kế hoạch hàng tháng và hàng tuần cho cơ sở của mình.
Nhà Văn hoá huyện cũng làm kế hoạch hoạt động và tiến hành các hoạt động theo kế hoạch. Các kế hoạch năm đều được in đẹp và rõ để đưa về các cơ sở và báo cáo với những cơ quan cấp trên.
Ngoài những kế hoạch thường xuyên khi có những công việc đột xuất như có sự kiện chính trị lớn, kỷ niệm lớn, ngành văn hoá lại có kế hoạch chuyên đề, đột xuất. Kế hoạch này cũng được phê duyệt và bảo đảm về tổ chức và kinh phí.
- Mỗi năm và mỗi quý, Phòng Văn hoá đều có họp với các cơ sở. Cuộc họp này đều có sự có mặt của đại diện Ủy ban nhân dân của cơ sở để thảo luận và nhất trí các kế hoạch hoạt động, các điều kiện để bảo đảm cho kế hoạch,
- Hàng tháng Phòng Văn hoá lại có họp với các Trưởng Ban Văn hoá của cơ sở (xã và thị trấn) để kiểm điểm và đôn đốc việc thực hiện kế hoạch.
Các cuộc họp trên đều được giữ đều đặn và thành nề nếp, làm cho các công việc được tiến hành trôi chảy, thường xuyên. Những Trưởng Ban Văn hoá ở xã, thị trấn và Phòng Văn hoá huyện đều biết rất rõ một năm có 18 cuộc họp phải tham dự (12 tháng, 4 quý và 2 cho cả năm).
Việc thi đua được thực hiện trên cơ sở có những biểu mẫu và tiêu chuẩn chấm điểm. Hội đồng thi đua căn cứ vào biểu mẫu và tiêu chuẩn cho điểm từng mặt. Sau đó cộng điểm lại, đơn vị nào nhiều điểm hơn được coi là thi đua có thành tích hơn. Như vậy sự thi đua có mục tiêu cụ thể và được nhận xét tương đối công bằng và có căn cứ.
* * *
Như vậy sự quản lý công tác văn hoá của huyện Thủ Đức đã được thực hiện một cách đồng bộ trên mấy mặt:
- Chủ trương, mục tiêu của công tác,
- Kế hoạch năm, kế hoạch quý và kế hoạch tháng,
- Tổ chức, cán bộ,
- Tài chính,
- Và điều hành.
Từ chủ trương, mục tiêu, định ra kế hoạch, kế hoạch có sự bảo đảm bằng tổ chức và lực lượng tài chính. Sự điều hành được thực hiện theo một nề nếp các cuộc họp thường kỳ đều đặn. Như vậy sự quản lý được hiện thực hoá một cách toàn diện và công tác được điều hành theo một chương trình mà cơ quan quản lý (Phòng Văn hoá) làm chủ được chương trình một cách vững chắc.
Có thể coi đây là một hình mẫu về quản lý công tác văn hoá khá tiên tiến. Hiện nay ở nhiều huyện chưa thực hiện được. Phòng Văn hoá chưa biết làm việc để Ủy ban nhân dân xác định cho những chủ trương và mục tiêu và do đó chưa vạch được kế hoạch. Đồng thời về tổ chức chưa xác định rõ ràng được hệ thống tổ chức ngành của mình và tính chất mỗi thành phần của tổ chức, chưa quản lý được tài chính, nên cũng không có đủ các điều kiện để làm kế hoạch và do đó công việc thường được tiến hành một cách tuỳ tiện và bị động, sự vụ. Người phụ trách cao nhất không dự liệu được công việc trước mắt, không có được chương trình hoạt động cụ thể.
Những kinh nghiệm của Thủ Đức rất đáng là những bài học cụ thể và hiện thực để các huyện thi đua học tập mà xây dựng nề nếp cho mình, nâng cao trình độ quản lý để đẩy mạnh và nâng cao công tác văn hoá ở huyện và các cơ sở trong huyện.
                                                                                        6-1985

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét