Ông tên
thật Tạ Ngọc Phách sinh ngày 23 tháng 9 năm 1923 tại làng Thư Điền, tổng An
Bồi, huyện Trực Định (nay là xã Tây Giang, Tiền Hải, Thái Bình). Hội viên Hội
Nhà văn Việt Nam năm 1957.
Từ năm
1938 khi đang học thành chung ở trường Duvillier (Hàng Đẫy) ông đã tham gia
hoạt động cách mạng, bị Pháp bắt giam, được thả ông về quê làm công tác thanh
niên, là tỉnh uỷ viên dự khuyết, Bí thư Tỉnh đoàn rồi Bí thư phủ uỷ Kiến Xương.
Cuối 1941, ông bị Pháp bắt lần 2, kết án 15 năm tù khổ sai, đày ở nhà tù Sơn
La, ông tham gia làm báo Suối Reo trong tù. Cuối 1943 trốn thoát, làm báo Cờ
giải phóng, Bí thư Công tác đội của Trung ương, lãnh đạo khởi nghĩa ở huyện
Đông Anh. Năm 1946, ông tham gia Quân đội, là uỷ viên Uỷ ban quân sự cách mạng
Bắc Bộ, chính trị viên khu Hà Nội, Bí thư Khu uỷ rồi Phó chính uỷ Khu 2. Năm
1947 ông lên chiến khu Việt Bắc làm Phó phòng tuyên truyền Chính trị cục, Chủ
nhiệm báo Vệ quốc quân. Từ 1950 - 1954, Chính uỷ Trung đoàn Sông Lô (E209) rồi
chính uỷ Đại đoàn 312. 1955 - 1964 là Chính uỷ Quân khu Hữu Ngạn (sau là Quân
khu 3). Tháng 3 năm 1965 ông vào B2 giữ chức Phó chính uỷ Quân giải phóng Miền.
Tháng 6 năm 1974 giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị phụ trách công tác Tổng
kết chiến tranh, Phó Ban miền Nam Trung ương Đảng, quân hàm trung tướng. Cuối
năm 1976, ông rời quân đội làm Phó trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Đảng, Thứ
trưởng Bộ Văn hoá. Từ 1981, ông là Trưởng ban Văn hoá - Văn nghệ Trung ương,
Đại biểu Quốc hội khoá VII, Chủ nhiệm uỷ ban Văn hoá và Giáo dục của Quốc hội. Từ
1986 - 1992 ông là Trưởng ban Văn hoá - Văn nghệ Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch
Quốc hội, Uỷ viên Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá giáo dục Quốc
hội. Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa III (dự khuyết), VI. Cuối năm
1992 nghỉ hưu. Ông mất ngày 09 tháng 8 năm 2002 tại Hà Nội.
* Tác
phẩm chính: Lòng tin (truyện ký, 1953);
Nỗi lòng đồng chí Mão (truyện ký, 1955); Kể chuyện Điện Biên (bút ký, 1955); Lý
tưởng, ước mơ và nghĩa vụ (1964); Bên sông đón súng (hồi ký, 1964); Một số kinh
nghiệm giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng của Quân giải phóng miền Nam
(1970); Anh bộ đội (tuỳ bút, 1975); Mấy vấn đề về xây dựng nền văn hoá mới xã
hội chủ nghĩa (1978); Phấn đấu xây dựng nền văn hoá mới xã hội chủ nghĩa
(1982); Văn hoá, văn nghệ trong cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (1986);
Nghĩ về cuộc sống (tùy bút, 1987); Đồng đội; Mấy vấn đề văn hoá cần nghiên cứu;
Văn hoá văn nghệ dưới ánh sáng Đại hội VI của Đảng (1987); Đổi mới và chính
sách xã hội, văn hoá (1988)...
* Nói về nghề:
“Mỗi tác
phẩm có một cuộc sống do giá trị có thực của bản thân tác phẩm đó. Công chúng
và thời gian là hai yếu tố phán xét công minh và khắc nghiệt đối với bất cứ tác
phẩm nào”.
Trích
trả lời phỏng vấn của nhà văn Trần Độ
trên
báo Quân đội Nhân dân ngày 23-01-1988.
(Tổng tập Nhà văn Quân đội, Kỷ yếu – Tác phẩm, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Nxb Văn học, 2023)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét