Thứ Tư, 5 tháng 6, 2019

Chủ nghĩa Mác và nhiệm vụ xây dựng nền văn hoá mới xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam


(Tham luận tại Hội nghị “Kỷ niệm Các Mác” ở Viện Mác – Lê nin 5 – 1983)


Lịch sử của Đảng ta đã cho thấy đầy đủ những căn cứ để chúng ta tự hào một cách chính đáng rằng Đảng ta thực sự trung thành với chủ nghĩa Mác và đã vận dụng những học thuyết của Mác một cách sáng tạo để giải quyết các vấn đề của cách mạng Việt Nam. Trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, Đảng ta luôn luôn phân tích sâu sắc tình hình cụ thể của cách mạng Việt Nam để đề ra những vấn đề đường lối chủ trương, chiến lược chiến thuật thích hợp và đều đã thu được những thắng lợi lớn lao trong mấy chục năm qua.
Trên lĩnh vực văn hóa, tình hình cũng đúng như vậy. Trong thời kỳ Đảng ta vận động và tổ chức quần chúng để giành chính quyền, bản Đề cương văn hóa của Đảng đã ra đời và giải quyết rất trúng những vấn đề văn hóa đặt ra lúc đó. Bản Đề cương có sức mạnh cổ vũ đoàn kết các nhà văn hóa yêu nước và động viên toàn dân tiến lên giành chính quyền.
Bản Đề cương xác định những luận điểm cơ bản về văn hóa của Đảng để làm căn cứ giải quyết các vấn đề văn hóa lúc ấy, nhưng cũng là vạch ra chiến lược văn hóa lâu dài. Bản Đề cương đã đặt vấn đề:
- Văn hóa bao gồm có tư tưởng, học thuật, nghệ thuật,
- Hạ tầng cơ sở (nền tảng kinh tế và chế độ kinh tế) quyết định thượng tầng kiến trúc (bao gồm toàn bộ văn hóa),
- Thái độ của Đảng ta (lúc ấy là Đảng Cộng sản Đông Dương) đối với vấn đề văn hóa.
a) Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động,
b) Không phải chỉ làm cách mạng chính trị, mà còn làm cách mạng văn hóa nữa,
c) Đảng phải lãnh đạo phong trào văn hóa.
Bản Đề cương phân tích tính chất lịch sử văn hóa Việt Nam và khẳng định tính chất văn hóa Việt Nam lúc ấy :
“Văn hóa Việt Nam… (lúc ấy) về hình thức là thuộc địa, về nội dung là tiền tư bản”, nhưng đồng thời bản Đề cương cũng nhấn mạnh đến một văn hóa khác ở Việt Nam “đang chịu ảnh hưởng của văn hóa dân chủ, xu trào văn hóa mới của Việt Nam đang cố vượt hết mọi trở lực để nảy nở (văn nghệ bất hợp pháp)” và dự đoán : “Văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới”. Trước tình hình đó, bản Đề cương tuyên bố rõ quan niệm của Đảng Cộng sản:
a) Phải hoàn thành cách mạng văn hóa, mới hoàn chỉnh được cuộc cải tạo xã hội,
b) Cách mạng văn hóa phải do Đảng Cộng sản (lúc ấy là Đảng Cộng sản Đông Dương) lãnh đạo,
c) Cách mạng văn hóa phải đi sau cách mạng chính trị,
d) Cách mạng văn hóa ở Đông Dương phải thực hiện một nền văn hóa xã hội chủ nghĩa,
e) Trong giai đoạn cách mạng dân tộc giải phóng, cuộc vận động văn hóa phải thực hiện ba nguyên tắc: Dân tộc – Khoa học – Đại chúng,
g) Nhiệm vụ cụ thể của cuộc vận động văn hóa phải là:
+  Đấu tranh về tư tưởng học thuyết – làm cho chủ nghĩa Mác thắng,
+  Đấu tranh về các trường phái văn nghệ, làm cho xu hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa phải thắng,
+  Đấu tranh về ngôn ngữ tiếng nói, chữ viết của dân tộc,
+  Đấu tranh về tuyên truyền và xuất bản,
+  Đấu tranh giành quyền lợi thực tế cho các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ,
+ Chống nạn mù chữ.
Như vậy bản Đề cương đã vạch ra được những nét bản chất nhất của tình hình văn hóa Việt Nam lúc ấy, đề ra những yêu cầu vận động rất then chốt, thiết thực. Quan trọng nhất là bản Đề cương đã dự đoán rất đúng tình hình phát triển của cách mạng và đề ra nhiệm vụ lâu dài là phải tiến hành cách mạng văn hóa sau khi hoàn thành cách mạng chính trị, và nền văn hóa ta phải xây dựng là nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, tức là đã nói lên rất sớm những nhiệm vụ văn hóa của chúng ta đang thực hiện hiện nay.
Về sau, năm 1948, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp đồng chí Trường Chinh, người khởi thảo bản Đề cương văn hóa nổi tiếng đó của Trung ương, đã giải thích đầy đủ hơn trong tác phẩm “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam”. Trong tác phẩm này, đồng chí Trường Chinh đã khẳng định mạnh mẽ.
“Văn hóa cách mạng đã đi trước thực trạng kinh tế và ảnh hưởng lại xã hội một cách mãnh liệt và kinh tế, chính trị quyết định văn hóa, rồi sau văn hóa tác động lại kinh tế và chính trị, nhiều khi với một sức mạnh phi thường” (Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt nam – NXB Sự thật 1974, tr.17).
Những điều khẳng định trên đã nói rõ mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và kinh tế, chính trị, nói rõ sức mạnh của văn hóa, tư tưởng.
Tiếp sau đó, đồng chí Trường Chinh vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử phân tích lập trường văn hóa cách mạng, nêu cao tính giai cấp của văn hóa, rồi đi tới mấy kết luận về lập trường văn hóa của Đảng ta:
- Về xã hội lấy giai cấp công nhân làm gốc,
- Về chính trị lấy độc lập dân tộc, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội làm gốc,
- Về tư tưởng, lấy học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm gốc,
- Về sáng tác văn nghệ, lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa làm gốc.
Trong tác phẩm trên, đồng chí Trường Chinh còn phân tích mối quan hệ giữa mặt trận văn hóa và các mặt trận khác của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện ; mối quan hệ giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa thế giới, nhiệm vụ quốc tế của văn hóa Việt Nam và cũng trên cơ sở những quan điểm cơ bản đó, đồng chí Trường Chinh đã giải đáp một số vấn đề cụ thể của văn học nghệ thuật như vấn đề tuyên truyền và nghệ thuật, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, vấn đề phê bình và vấn đề sáng tác.
*
*    *
Qua mỗi Đại hội của Đảng và qua mỗi thời kỳ lịch sử của các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, Đảng ta lại có những ý kiến ngày càng mở rộng hơn về các vấn đề văn hóa, văn nghệ. Bản Đề cương văn hóa năm 1943 và tác phẩm của đồng chí Trường Chinh xứng đáng là những nền móng vững chắc cho các vấn đề văn hóa, văn nghệ của Đảng ta cho đến tận ngày nay. Hiện nay, chúng ta đang ở vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước thống nhất, và cảnh giác đấu tranh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Các Đại hội IV và Đại hội V của Đảng đã vạch ra những nhiệm vụ kinh tế và nhiệm vụ văn hóa rất rõ ràng và phù hợp với yêu cầu của tình hình cách mạng mới. Ta có thể thấy rất rõ những vấn đề lớn như :
1. Xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa là một trong những mục tiêu cơ bản, một trong những nhiệm vụ cơ bản của cách mạng xã hội chủ nghĩa.
2. Muốn cho cách mạng xã hội chủ nghĩa giành thắng lợi, phải tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt, cách mạng tư tưởng và văn hóa có vai trò quan trọng.
3. Mục tiêu và nhiệm vụ trung tâm của cách mạng tư tưởng và văn hóa là xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa để thực hiện câu nói sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “muốn có chủ nghĩa xã hội, trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa”.
4. Trong điều kiện hiện nay, ta có thể và cần phải từng bước xây dựng nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa, không nhất thiết phải chờ kinh tế phát triển, trong khi ta biết rõ, xét đến cùng, kinh tế mới quyết định được văn hóa.
5. Trong các nhiệm vụ của cách mạng văn hóa, thì việc hoàn thiện nền giáo dục quốc dân có vai trò hàng đầu, lĩnh vực văn nghệ có vai trò cực kỳ quan trọng – văn nghệ có những đặc trưng của nó – Đảng phải tăng cường và cải tiến sự lãnh đạo văn hóa – văn nghệ cho phù hợp với tính đặc thù của nó, để bảo đảm sự phát triển lành mạnh của văn hóa văn nghệ.
6. Phải coi quá trình xây dựng nền văn hóa mới đồng thời là quá trình đấu tranh không khoan nhượng xóa bỏ và đẩy lùi các loại tư tưởng văn hóa phản động, đồi trụy do chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ để lại và do các âm mưu của các thế lực phản động, tiến hành phá hoại ta và thay thế nó bằng những tư tưởng cách mạng, những hoạt động văn hóa, văn nghệ lành mạnh.
7. Để thực hiện tốt nhiệm vụ của cách mạng tư tưởng văn hóa, phải quan tâm tới quy luật và mục đích của chủ nghĩa xã hội là thỏa mãn những nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, nhu cầu vật chất và nhu cầu văn hóa tinh thần, phải đưa văn hóa tốt đẹp vào trong đời sống hàng ngày của nhân dân, tổ chức cho được đời sống văn hóa ở các cơ sở dân cư.
8. Nền văn hóa mới của ta xây dựng là nền văn hóa có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc, có tính Đảng, tính nhân dân sâu sắc. Ta thừa kế những di sản tốt đẹp tiến bộ của văn hóa truyền thống dân tộc và tiếp thu có chọn lọc cả giá trị văn hóa của nhân loại, kết hợp hài hòa những tinh hoa văn hóa có phong cách riêng của các dân tộc anh em trong đại gia đình dân tộc Việt Nam.
Tất cả những nội dung trên đã nói lên một cách hùng hồn rằng Đảng ta vận dụng một cách hết sức nhuần nhuyễn và sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, đặc biệt phép biện chứng trong mối quan hệ giữa ý thức và tồn tại.
Một nhà ngôn ngữ học trẻ tuổi người Mỹ là David W.P.Elliott khi nghiên cứu những vấn đề đường lối chính sách văn hóa của ta hiện nay, đã đề ra cho tôi những câu hỏi :
1. Trong khi Việt Nam mới bắt đầu xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa trên cơ sở một nền kinh tế lạc hậu và bị chiến tranh tàn phá, mà đề ra việc xây dựng nền văn hóa mới và con người mới thì có gì sai với nguyên lý kinh tế quyết định văn hóa hay không ?
2. Việt Nam đề ra xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa có nghĩa là phải phủ nhận những cái gì là cũ. Thế mà Việt Nam lại cũng nói phát huy các truyền thống dân tộc. Như vậy có gì mâu thuẫn không ?
3. Việt nam nhấn mạnh cách mạng tư tưởng văn hóa, coi tư tưởng và văn hóa là động lực thúc đẩy việc xây dựng kinh tế, như thế có phải rơi vào duy ý chí luận không?
Tôi không muốn nhắc lại nội dung những câu trả lời của tôi mà tôi chỉ muốn nêu lên những câu hỏi của một người nước ngoài để chứng tỏ rằng họ chưa nắm chắc được cách vận dụng sáng tạo của Đảng ta về phép biện chứng mác-xít thì tất nhiên chưa hiểu nổi những vấn đề Đảng ta giải quyết. Trong các điểm về đường lối chính sách văn hóa của mình, Đảng ta luôn khẳng định điều kiện quyết định cuối cùng là kinh tế, nhưng Đảng ta đã đánh giá rất đúng vai trò và tác dụng của tư tưởng và văn hóa là một động lực thúc đẩy việc xây dựng kinh tế. Văn hóa xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu cần đạt tới, là sản phẩm của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, của chế độ chính trị làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa nhưng lại vừa là động lực, là công cụ tinh thần để xây dựng kinh tế và chính trị.
Trong khi nhấn mạnh phải xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa, con người mới xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã khẳng định tính dân tộc của văn nghệ, của nếp sống và con người. Đại hội IV và cả Đại hội V của Đảng đều đã chỉ rõ nền văn hóa mới của Việt Nam “vừa hấp thụ có chọn lọc những thành quả của văn minh loài người, những thành tựu văn hóa, khoa học hiện đại, vừa là sự kết tinh và nâng cao lên một tầm cao mới những gì đẹp nhất trong truyền thống bốn ngàn năm của tâm hồn Việt Nam, của văn hóa Việt Nam” (Báo cáo chính trị của Trung ương trong Đại hội IV. NXB Sự thật 1977, tr.62).
Như vậy, Đảng ta đã có một cách nhìn hết sức mác-xít đối với truyền thống dân tộc. Ta chỉ kế thừa những gì là đẹp nhất và phải kết tinh nó lại, nâng nó lên một tầm cao mới, cho phù hợp với chủ nghĩa xã hội, chứ không phải chỉ là bảo tồn, là phục cổ. Đảng ta vạch ra những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp là “Truyền thống yêu nước, bất khuất, kiên cường và mưu trí trong đấu tranh giành độc lập tự do, là tình thương giữa người lao động, là đức tính cần cù, sáng tạo và tinh thần lạc quan yêu đời” (Sách đã dẫn, tr.63).
Trong suốt nửa thế kỷ hoạt động của mình, Đảng ta không chỉ đứng hết sức vững chắc trên lập trường cơ bản của chủ nghĩa Mác, mà còn vận dụng nhiều nguyên lý của chủ nghĩa Lê-nin, vận dụng có sáng tạo những kinh nghiệm mới nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô và các đảng anh em khác nữa. Tất cả những điều đó đều nhất quán xoay quanh cái cốt lõi là những nguyên lý của chủ nghĩa Mác.
*
*     *
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất của Mác, chúng ta biết ơn sâu sắc những tư tưởng của Người, coi đó là di sản tinh thần vĩ đại và sáng chói nhất thời đại mà Mác và Ăng-ghen đã để lại – Đồng thời, chúng ta tiếp tục thấm nhuần sâu sắc hơn nữa những tư tưởng đó để giải quyết các vấn đề trước mắt chúng ta hiện nay.
Để quán triệt hơn nữa tinh thần những vấn đề của cách mạng tư tưởng và văn hóa và nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần thực hiện một số công tác lớn:
1. Cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò và tác dụng của văn hóa trong giai đoạn cách mạng xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước. Nền văn hóa mới cần được xây dựng một cách tự giác. Các cấp ủy Đảng cần nắm lấy việc lãnh đạo và thúc đẩy nó, phải xây dựng hệ tư tưởng Mác – Lê nin chiếm vị trí chủ đạo vững chắc trong đời sống tinh thần của xã hội, xây dựng nền văn học, nghệ thuật xã hội chủ nghĩa, xây dựng một nếp sống mới lành mạnh tiến bộ, và triển khai toàn bộ các hệ thống giáo dục, hoạt động văn hóa, xã hội để từng bước xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.
Có như thế chúng ta mới chủ động và tự giác thúc đẩy quá trình xây dựng xã hội mới, làm cho vai trò tư tưởng văn hóa đáp ứng được với vai trò “ngày càng quan trọng” của nó trong việc xây dựng xã hội mới.
2. Muốn thế vấn đề tư tưởng và văn hóa phải có vị trí xứng đáng trong chương trình nghị sự của các sinh hoạt Đảng từ Đại hội đến Hội nghị các Ban chấp hành và trong chương trình làm việc của các cấp chính quyền.
Nghị quyết Đại hội toàn quốc của Đảng đã dành cho vấn đề tư tưởng một vị trí xứng đáng. Vấn đề lớn là những Nghị quyết đó phải được cụ thể hóa thành những “kế hoạch, chính sách và biện pháp” và những chủ trương cụ thể ở từng cấp khác nhau. Cần nâng cao vai trò của bộ máy Nhà nước trong việc đặt kế hoạch và thực hiện những kế hoạch và xây dựng văn hóa, như Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói. Kế hoạch phải thể hiện được phương hướng, yêu cầu, những việc cần làm và những điều kiện vật tư, kỹ thuật, tài chính, lao động để bảo đảm thực hiện những việc đó. Văn hóa là một lĩnh vực hoạt động khó làm kế hoạch. Chỉ cần ta có những nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của nó, những nội dung hoạt động của nó, những nét đặc thù của nó. Nếu chúng ta thấy nó không phải là những hoạt động phù phiếm, mà nó là mục tiêu của cách mạng thì ta có thể đặt kế hoạch được, cũng như ta đã coi trọng kinh tế và đã đặt được kế hoạch phát triển kinh tế ngày càng cụ thể và cũng có căn cứ vững chắc.
Có kế hoạch, phải có chính sách.
Nếu về kinh tế, ta cần có những chính sách để gỡ những mặt, những yếu kém để đẩy sự phát triển kinh tế cho nhịp nhàng, đồng bộ và mạnh mẽ, thì về văn hóa cũng cần phải như thế. Đối tượng của các chính sách văn hóa là những lực lượng sáng tạo văn hóa (cần được coi như những lực lượng sản xuất tinh thần) bao gồm các nhà giáo, các nhà trí thức các lĩnh vực, các nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn, các người quản lý văn hóa.
Yêu cầu của chính sách là phải vạch rõ phương hướng tư tưởng và nghệ thuật. Ta cấm và chống cái gì, ta khuyến khích cái gì, chấp nhận cái gì.
Văn hóa, đặc biệt là văn học nghệ thuật là lĩnh vực tinh tế và phức tạp, những người hoạt động là những người nhạy cảm, dễ xúc động, yêu cầu văn nghệ phải phong phú đa dạng. Cho nên chính sách phải đạt được yêu cầu làm cho các nghệ sỹ sáng tạo yên tâm trong sự nghiệp sáng tạo của mình, hồ hởi phấn khởi trong sáng tạo. Nếu như đường lối đúng đắn của Đảng không được cụ thể hóa ra những chính sách cụ thể, nếu như đường lối đó cứ được hiểu và giải thích thông qua những thị hiếu và sở thích cá nhân, mà những thị hiếu và sở thích này thông thường lại khác nhau rất nhiều, thì không sao khắc phục được tâm trạng khắc khoải lo âu của những người sáng tạo, họ không biết lúc nào và cái gì được chấp nhận, được khuyến khích, tình trạng đó hạn chế nhiều tinh thần hào hứng trong sáng tạo.
Các Đại hội của Đảng đều nêu rõ Đảng khuyến khích sự tìm tòi sáng tạo. Nếu không có chính sách cụ thể, thì tinh thần tốt đẹp đó không thực hiện được. Muốn khuyến khích được sự sáng tạo phải có chính sách chỉ rõ cái gì là phải ngăn cấm, phải chống cho cụ thể. Còn có những cái tìm tòi tốt cần được khuyến khích. Có những sự tìm tòi chưa thành công, nhưng không vi phạm điều cấm cần được chấp nhận, v.v…
Đó là những yêu cầu quan trọng nhất của chính sách. Mặt khác, yêu cầu chính sách phải thể hiện thái độ của Đảng trong lãnh đạo văn hóa. Đảng có nhiệm vụ bồi dưỡng, giúp đỡ cho lực lượng trí thức quán triệt được những đường lối, chủ trương của Đảng, bồi dưỡng cho lực lượng trí thức nâng cao tư tưởng, nâng cao đạo đức để làm cơ sở cho chất lượng của sự sáng tạo. Như vậy cần có chính sách bồi dưỡng, giáo dục lực lượng sáng tạo bằng sự quan tâm và chỉ dẫn của các cán bộ lãnh đạo và các cơ quan lãnh đạo, quản lý văn hóa, bằng cách giúp cho lực lượng sáng tạo có điều kiện hòa mình vào trong cuộc sống sôi nổi của cách mạng, bằng cách tạo điều kiện vật chất cần thiết cho hoạt động sáng tạo. Thực hiện được như vậy, các lực lượng sáng tạo làm được việc khám phá, nhận thức cuộc sống sâu sắc hơn, phong phú hơn, tạo thành luồng thông tin phản hồi giúp cho cơ quan lãnh đạo nắm được tình hình mọi vẻ của cuộc sống đầy đủ hơn, thấy được các khía cạnh của các vấn đề do cuộc sống đặt ra được đầy đủ hơn.
Tinh thần chủ yếu của các vấn đề chính sách văn hóa, phải như vậy. Việc có những chế độ đãi ngộ phù hợp với đặc thù của lao động sáng tạo cũng là một mặt quan trọng của chính sách, cần có những chế độ cụ thể làm cho các lực lượng sáng tạo phát huy quyền làm chủ tập thể, tự chủ trong các hoạt động của mình về các mặt tổ chức và tài chính. Xét cho cùng, những việc đó chưa phải là mặt chủ yếu nhất, nhưng cũng là những điều không có không được.
3. Cần có một hoạt động nghiên cứu khoa học để giải quyết các vấn đề lý luận cụ thể cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới, để nâng cao trình độ lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và của toàn Đảng, để hướng dẫn cụ thể được các hoạt động sáng tạo. Hôm nay, ta cần có những vấn đề lý luận để lý giải một cách có căn cứ khoa học các vấn đề đường lối mà Đại hội Đảng đã vạch ra. Ví dụ thế nào là cách mạng tư tưởng và văn hóa, là xây dựng nền văn hóa mới, thế nào là văn hóa xã hội chủ nghĩa, là làm chủ tập thể về văn hóa, là nếp sống mới, con người mới. Những quy luật hình thành nếp sống, con người là những quy luật gì. Thế nào là tính dân tộc, các mối quan hệ của tính dân tộc, thế nào là truyền thống và cách tân, thế nào là mới, là cũ ? Những giá trị của văn minh loài người là những gì ? Tự do xã hội chủ nghĩa và tự do tư sản, tự do chủ nghĩa khác nhau ra sao ? Con người cá nhân chủ nghĩa và con người nhân cách, con người làm chủ, con người xã hội chủ nghĩa khác nhau thế nào ? v.v… và v.v… Ta lại cần có những vấn đề lý luận hành động để giải quyết các vấn đề thực tiễn, như vấn đề đặt kế hoạch phát triển văn hóa, vấn đề vai trò của Nhà nước vô sản chuyên chính trong việc phát triển văn hóa, văn nghệ, vấn đề quản lý văn hóa về tổ chức, về chính sách, và về nghiệp vụ, vấn đề kinh tế trong văn hóa.
Những vấn đề trên đều là những vấn đề mà các nước xây dựng xã hội chủ nghĩa phát triển đã nhiều năm cũng còn đang đặt ra, đang thảo luận để giải quyết. Chúng ta tuy mới ở bước đi ban đầu của thời kỳ quá độ, nhưng chúng ta lại có may mắn là có thể nghiên cứu được những kinh nghiệm mới nhất của các nước anh em để giải quyết những vấn đề đó sớm hơn và thúc đẩy nhanh chóng sự nghiệp xây dựng văn hóa của ta được.
4. Tất nhiên chúng ta còn một loạt vấn đề thực tiễn nữa như vấn đề nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ, vấn đề xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, vấn đề đấu tranh chống các loại văn hóa phản động, đồi trụy. Đó là những vấn đề quan trọng và cấp bách. Những vấn đề đó cũng cần được giải quyết về mặt chính sách, chế độ quản lý và lý luận khoa học.
Chúng ta rất tự hào về đường lối của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo, đầy tinh thần khoa học và cách mạng. Những nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa của nước ta đang phát triển mạnh mẽ trong những điều kiện khách quan và chủ quan hết sức phong phú và phức tạp. Đảng ta là một đảng Mác xít – lê nin nít chân chính được lịch sử chứng minh đầy đủ, nhất định sẽ làm tròn nhiệm vụ của mình hiện nay một cách vẻ vang, phát triển chủ nghĩa Mác ngày càng cao trong những điều kiện lịch sử mới mẻ. Chúng ta tin chắc như vậy và hết sức nỗ lực để làm được như vậy.

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012) 

1 nhận xét:

  1. Absolutely fantastic job you have done here.This is so nice.Thanks for sharing.

    Trả lờiXóa