Chúng ta đã trải qua nhiều lần thảo luận, tìm hiểu
khái niệm văn hóa để có một quan niệm đầy đủ về văn hoá. Nhiều nhà văn hóa lớn
của thế giới đã có những câu khái quát để trả lời câu: Văn hóa là gì? rất
hay, rất đúng. Xin chọn thử để xem một số câu:
Ví dụ:
- Văn hóa là thiên nhiên thứ hai (Gorki),
- Văn hóa là cái gì tồn tại mãi trong con người khi
tất cả mọi cái đã bị quên đi (Herriot nhắc lời một nhà sư phạm Nhật Bản)
- Một nền văn hóa, chính là lối sống của một xã hội (Linton)
- Văn hóa không phải chỉ là sự hiểu biết, nhưng nó đòi
hỏi trước hết là sự hiểu biết.
- Không thể có người văn hóa cao (cultivé) một lần là
xong, mà chỉ có những người đang tự nâng cao mình về văn hóa (qui se cultivé) (Bonasse) (trích lại
trong sách “La dissertation philosophique” của Armand Cuvillier – Paris 1960)
Các nhà văn hóa Xô-viết
cũng có những câu viết khá tiêu biểu về khái niệm văn hóa:
Arnoldov viết: “Bản thân khái niệm văn hóa gắn liền với toàn
bộ các giá trị vật chất và tinh thần đã được sáng tạo ra. Nó bao gồm hoạt động
sáng tạo, toàn bộ quá trình sản sinh ra cái quan niệm và sự vật chất hóa chúng,
cũng như nội dung của các giá trị tinh thần và vật chất được sáng tạo ra trong
hoạt động này” (Trên con đường tiến bộ văn hóa. NXB Tiến bộ 1974 )
Bale E.A viết: “Văn
hóa là hoạt động sáng tạo của nhân loại, trong tất cả cái phạm vi của tồn tại
và ý thức, là cái quá khứ được vật thể hóa trong các giá trị văn hóa nào đó,
cũng như cái hiện tại và tương lai được xây dựng trên việc lĩnh hội kinh nghiệm
của quá khứ đã tích lũy được và nhằm mục đích cải tạo tự nhiên, xã hội và bản
thân con người” (Chủ nghĩa cộng sản-văn hóa-con người. NXB “Nga xô viết” 1979)
Lunatrarxki viết:
“Chúng ta gọi nó (Văn hóa) là tất cả những nỗ lực của con người và những thành
tựu của y, nhằm cải tạo bản thân và tự nhiên chung quanh mình, nhằm làm cho
hoàn cảnh thích nghi với những nhu cầu của con người, như vậy nhằm tạo cho con
người có khả năng phát triển rộng rãi và kích thích mọi tài năng thực sự của
con người, làm cho con người gần lại với hạnh phúc thực sự nhân đạo, cao cả,
sáng sủa và đầy tình anh em” (Mười năm cách mạng và văn hóa, 1927)
Erhard John, CHDC Đức viết:
“Văn hóa, chính là trình tự sáng tạo con người, bằng lao động của con người.
Đối tượng của văn hóa là việc cải tạo giới tự nhiên chung quanh con người theo
hướng tiến bộ, là việc làm cho tự nhiên ngày càng thích ứng với những nhu cầu
của con người, ngày một tăng lên theo sự phát triển tiến bộ của con người tức
là việc hình thành lên bản tính con người”.
Và: “Văn hóa bao gồm không những một trình độ phát
triển, một trạng thái đã đạt được, mà còn là quá trình trong đó những lợi ích
văn hóa này được sáng tạo ra và sử dụng vào đời sống xã hội” (Những vấn đề văn
hóa và hoạt động văn hóa. NXB Tiến bộ Matxcova 1969)
Rất nhiều người đã nói về văn hóa, và nói khác nhau
khá nhiều. Trong mỗi cách nói người ta đều cố gắng tìm cách diễn tả làm nổi bật
lên cái bản chất nhất của văn hóa, chỉ ra được cái bản chất đó. Có thể nói loài
người đã mỗi ngày càng thấy rõ hơn, đúng hơn cái bản chất của văn hóa. Cho nên
tuy có nhiều cách nói khác nhau, ta cũng có khả năng thu hoạch được những điều
cơ bản của bản chất văn hóa. Thông thường ta thấy ai nói đến văn hóa cũng đều
phải nói đến sự hiểu biết, sự bồi dưỡng và hoàn thiện con người về trí tuệ, đạo
đức và tình cảm, phải nói đến sự sáng tạo, nói đến thẩm mỹ, nghệ thuật, và nhất
là nói đến tính người và tình người. Văn hóa vừa là một trạng thái, một trình
độ, vừa là những hoạt động để sáng tạo, bảo quản phân phối, và cả sự tiêu dùng
các sản phẩm được sáng tạo ra. Như vậy nói về văn hóa không thể chỉ nói về một
mặt nào, một điểm nào. Phải có một sự diễn giải bao gồm được ý nghĩa nhiều mặt
của văn hóa.
Gần đây, đồng chí Lê Duẩn có viết
: “Từ cội nguồn của nó, văn hóa là lao động. Hành vi văn hóa đầu tiên chính là
lao động của con người tác động vào tự nhiên. Có lao động mới có con người, có
con người mới có văn hóa. Văn hóa là biểu hiện sự gắn bó giữa người và người,
làm cho con người hiểu kỹ con người, làm nẩy nở những tình cảm tốt đẹp của con
người trong lao động cải tạo thiên nhiên” (Nắm vững quy luật, đổi mới quản lý.
NXB Sự thật 1984, tr.57)
Đồng chí Lê Duẩn còn viết: “Con người là vốn quý
nhất. Hạnh phúc của con người là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng của Đảng và
nhân dân ta. Khẩu hiệu hành động của chúng ta là tất cả vì con người, tất cả do
con người” (Sách đã dẫn, tr.56).
Và “Nói đến văn hóa, trước hết là
nói đến con người” (Sách đã dẫn, tr.56).
Nghị quyết Đại hội IV ghi
rõ: “Nhiệm vụ trung tâm của cách mạng
tư tưởng văn hóa là xây dựng nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa” (Nghị quyết Đại hội IV, 12.1976, tr.50).
Qua những nghị quyết Đại
hội Đảng lần IV và V, đặc biệt qua những lời phát biểu của các đồng chí Lê
Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng – chúng ta có thể thấy quan niệm về văn hóa
của Đảng ta rất khoa học, chính xác, đó là một quan niệm toàn diện và biện
chứng. Có thể nêu lên khái quát mấy điểm như sau:
1. Xây dựng nền văn hóa
mới là một mục tiêu của Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Rõ ràng ở đây có một nhiệm vụ chính
trị lớn của cách mạng : Xây dựng nền văn hóa mới và xây dựng con người mới
– không phải chỉ có một số công tác văn hóa cụ thể.
2. Xây dựng một nền văn
hóa mới là phải bảo tồn, trân trọng mọi giá trị văn hóa tốt đẹp của quá khứ,
phù hợp với nguyên tắc xã hội chủ nghĩa, phải kết tinh và nâng cao những giá
trị đó lên. Đó là những giá trị vật chất chứa đựng ý nghĩa văn hóa, những giá
trị đạo đức, tinh thần thể hiện trong các phong tục đẹp đẽ. Đồng thời phải sáng
tạo, xây dựng những giá trị văn hóa mới. Những giá trị văn hóa này vừa bắt
nguồn từ truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu có chọn lọc các giá trị
cao đẹp của nhân loại, các thành tựu văn hóa và khoa học kỹ thuật hiện đại.
Phải tạo ra và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong nhân dân ở các cơ sở
dân cư, xây dựng lối sống mới lành mạnh và tốt đẹp.
Vì thế vừa phải coi trọng bảo tồn, vừa coi trọng việc xây dựng mạng lưới
thiết chế văn hóa, các phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng.
3. Ta đặt vấn đề cách
mạng tư tưởng văn hóa, cho nên điều cần chú ý đầu tiên là phải giải quyết các
vấn đề tư tưởng, phải đấu tranh tư tưởng, chống lại các loại tư tưởng tư sản,
phong kiến, xây dựng và nâng cao tư tưởng Mác – Lê nin, tư tưởng xã hội chủ
nghĩa. Cách mạng văn hóa phải lấy việc bồi dưỡng tư tưởng làm linh hồn. Nhưng
cách mạng văn hóa có một nội dung toàn diện, nó bao gồm các sự nghiệp – khoa
học kỹ thuật, giáo dục quốc dân, văn nghệ, y tế, thể thao thể dục và các vấn đề
xã hội khác.
4. Trong toàn bộ công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam phải “xây
dựng chế độ làm chủ tập thể, trong đó có làm chủ tập thể về văn hóa. Và do đó
xây dựng một nền văn hóa mới cũng là nền văn hóa làm chủ tập thể, một nền văn hóa cao, nó đưa con người
lên vị trí làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân” (Lê Duẩn)
5. Đảng cũng đề ra nhiều
nguyên tắc cho một nền văn nghệ mới, đề ra những nhiệm vụ vẻ vang cho các văn
nghệ sĩ, xác định vai trò và trách nhiệm của sự lãnh đạo của Đảng đối với việc
xây dựng nền văn hóa mới, phát triển nền văn nghệ mới.
Văn hóa là một phạm trù
hết sức rộng lớn, phong phú và đa dạng, là một hiện tượng xã hội xen kẽ và thẩm
thấu trong tất cả mọi mặt hoạt động của xã hội. Vì vậy khái niệm văn hóa vừa có
nhiều nghĩa vừa rất linh hoạt, khó có thể có một công thức định nghĩa gọn gàng
mà bao hàm đủ các mặt ý nghĩa của nó. Mỗi một câu nói nổi tiếng về văn hóa
thường cũng chỉ nói trúng một khía cạnh của bản chất văn hóa, nhưng nó được
chấp nhận và truyền tụng vì nó đúng, tuy chưa ai nói đầy đủ. Tổng hợp tất cả
những hiểu biết có được sự giải thích khái niệm văn hóa rất khác nhau ấy, dưới
ánh sáng quan điểm của Đảng ta về văn hóa, chúng tôi thử cố gắng đưa ra một
khái niệm.
Văn hóa là một khái niệm
khoa học để nói về một hiện tượng xã hội, đó là những quá trình hoạt động lao
động sáng tạo của con người theo hướng thật, tốt, đẹp tác động vào thiên nhiên
và xã hội và các sản phẩm của các hoạt động đó được lưu truyền từ đời này sang
đời khác. Những cái đó có tác dụng phát triển các lực lượng bản chất của con
người bao gồm cả lực lượng thể chất và lực lượng tinh thần (ý thức, khả năng
sáng tạo) do đó làm cho xã hội tiến bộ và làm con người ngày càng hoàn thiện,
phát triển toàn diện.
Như vậy ở đây có một sự
quan hệ mật thiết giữa một chuỗi khái niệm – đó là các khái niệm hoạt động lao
động sáng tạo phân biệt với những hoạt động không sáng tạo, hoạt động đó phải
theo hướng thật (đúng), tốt, đẹp (chân, thiện, mỹ) chứ không thể là cái hoạt
động theo hướng khác hoặc ngược lại. Văn hóa bao gồm cả những hoạt động sáng tạo và các sản phẩm của nó. Những sản phẩm
này lại được lưu truyền từ đời này sang đời khác và là những giá trị văn hóa của
đời sau. Nhưng tất cả cái đó phải nhằm vào việc bồi dưỡng vun đắp con người làm
cho con người ngày càng trở nên “CON NGƯỜI” thực sự - tức là phát triển những
lực lượng bản chất người. Do đó mà xã hội tiến bộ và con người ngày càng được
hoàn thiện.
Vậy cái bản chất của văn
hóa là sự bồi dưỡng vun trồng con người, như Bác Hồ đã nói rất sâu sắc trong
hai chữ “TRỒNG NGƯỜI” (... Vì hạnh phúc
trăm năm, trồng người).
Con người có những hoạt động sinh lý như ăn, uống,
tình dục, bài tiết, ... Xét về nguồn gốc là bản năng, là không có ý nghĩa văn
hóa. Nhưng nó sẽ có ý nghĩa văn hóa (hay phản văn hóa) khi con người biểu hiện
nó trong một tương quan xã hội như thế nào đó. Chẳng hạn nói về ăn “ăn xem nồi,
ngồi xem hướng” (thành ngữ) là văn hóa. Nói về nhu cầu bài tiết của cơ thể thì xây nhà vệ
sinh là văn hóa, v.v...
Như vậy, những hoạt động
bản năng thụ động là không văn hóa. Chỉ có những hoạt động sáng tạo - những
hoạt động tìm ra được cái mới theo hướng đúng, tốt, đẹp là văn hóa. Cũng có
những hoạt động sáng tạo nhưng không văn hóa, chẳng hạn việc sáng chế ra bom
nguyên tử giết người hàng loạt, hay việc cho ra đời một câu chửi lố lăng, một
tiếng “lóng” mang ý nghĩa xấu, làm méo mó ngôn ngữ dân tộc thì đâu phải là văn
hóa mà là phản văn hóa.
Những
hoạt động sáng tạo có quá trình theo hướng đúng, tốt, đẹp đều tạo ra các sản
phẩm, các giá trị vật chất và tinh thần, những sản phẩm và giá trị đó là văn
hóa. Có giá trị văn hóa vật chất và giá trị văn hóa tinh thần. Văn hóa tất yếu
phải vì con người, phải có tác dụng phát triển con người tức là phát triển các
lực lượng bản chất người (thể chất và tinh thần) rồi nhờ thông qua con người,
thông qua những hoạt động của con người, những sản phẩm và giá trị đó có sự lưu
truyền, tích lũy từ đời này sang đời khác làm cho xã hội ngày càng tiến bộ.
Như trên đã nói, khái
niệm văn hóa rất rộng và rất linh hoạt, nhiều nghĩa, từ văn hóa kết hợp với các
từ khác thành nhiều cụm từ và ở mỗi cụm từ trong đó văn hóa có thể có một ý
nghĩa hẹp hơn.
Chúng ta có:
- Xây dựng nền văn hóa mới
- Cách mạng tư tưởng văn hóa
- Trình độ văn hóa
- Sự nghiệp văn hóa
- Có văn hóa – văn hóa cao
- Không có văn hóa – văn hóa thấp
- Đời sống văn hóa – sinh hoạt
văn hóa
- Hoạt động văn hóa
- Văn hóa quần chúng
- Cơ quan văn hóa
- Thiết chế văn hóa
- Đấu tranh văn hóa – mặt trận
văn hóa, v.v... và v.v...
Chúng ta có thể từ khái
niệm văn hóa như trình bày ở trên với quan niệm về cái bản chất nhất của văn
hóa, coi cái bản chất đó là cái nhất quán xuyên suốt, ta có thể quan niệm một
cách nhất quán các khái niệm văn hóa ở các cụm từ khác nhau dùng trong các
trường hợp khác nhau.
Cái căn cốt nhất, cái
nhất quán cho nhân loại từ đời này sang đời khác, xuyên suốt không
gian và thời gian của quan niệm văn hóa tức là cái bản chất của nó
gồm ba điều:
1. Vun trồng để hoàn thiện
con người.
2. Là khai thác sự hiểu
biết, tiềm năng trong con người.
3. Là sáng tạo.
Nói vắn tắt, tất cả
những gì là văn hóa là những cái gì có sự hiểu biết, có sự sáng
tạo, có sự tiến bộ xã hội; ngược lại thì không phải là văn
hóa mà là phản văn hóa. Những gì là văn hóa phải có tính người,
phải góp phần hoàn thiện nâng cao nhân cách. Muốn phân biệt được các
loại hình văn hóa trong lịch sử văn hóa phải lấy ý thức hệ, lấy
thế giới quan làm linh hồn, làm căn cứ và tiêu chuẩn đầu tiên. Văn
hóa xã hội chủ nghĩa khác văn hóa các hệ tư tưởng phi Mác-xít –
lêninnit. Văn hóa xã hội chủ nghĩa là văn hóa hoàn thiện con người. Nói
như vậy tức là ta đã thấy văn hóa có tính kế thừa. Đừng quên rằng
tất cả văn hóa trước xã hội chủ nghĩa đều có tác dụng thúc đẩy sự
tiến bộ của con người. Điều đó cũng có nghĩa là con người càng
tiến bộ hơn, văn hóa hơn theo tiến trình phát triển của lịch sử,
cũng có nghĩa là con người của xã hội phong kiến tiến bộ hơn con
người của xã hội nô lệ, con người xã hội tư bản tiến bộ hơn con
người xã hội phong kiến. Nhưng trong xã hội cũ do sự phân chia giai
cấp, do sự áp bức bóc lột của bọn thống trị, nên con người có
nhiều mặt bị tha hóa nghiêm trọng. Xã hội xã hội chủ nghĩa sẽ loại
trừ được tất cả những yếu tố làm tha hóa con người, sa đọa con
người và văn hóa xã hội chủ nghĩa có tác dụng làm hoàn thiện con
người. Cho nên những hoạt động không sáng tạo thì không văn hóa và
những hoạt động, những hành vi, những vật thể không nâng cao con người
theo hướng đúng, tốt, đẹp là không văn hóa.
Khi nói đến hoạt động
sáng tạo thì không chỉ nói lĩnh vực sản xuất, mà còn bao gồm cả
sự lưu giữ và truyền bá. Những hoạt động ngược lại yêu cầu ấy là
phản văn hóa.
Mọi người đều nhấn
mạnh yếu tố sáng tạo của văn hóa. Thế mà cái đặc trưng cơ bản nhất
của sáng tạo này là nghệ thuật. Nó lý giải những hiện tượng hàng
ngày của ta. Khi nói những giá trị văn hóa tiêu biểu của một dân tộc
là ta nói đến những tác phẩm nghệ thuật, những nghệ sĩ tiêu biểu.
Khi ta giới thiệu nền văn hóa của ta với thế giới ta cũng giới thiệu
các tác phẩm nghệ thuật. Giới thiệu phong tục tập quán và các mặt
văn hóa khác là việc làm đòi hỏi phải có thời gian. Một người nước
ngoài đến với chúng ta trong mấy tiếng đồng hồ ta chỉ có thể giới
thiệu một tiết mục (diễn Thị Mầu lên chùa) là giới thiệu một giá
trị văn hóa, v.v... Nhưng nếu cho người ta về xã ở hàng tháng để xem
một đám cưới, xem một đám ma, xem dân ta ăn ở thế nào, v.v... giới
thiệu văn hóa như vậy thì rất phiền phức và khó thực hiện.
Những danh nhân văn hóa
lớn nhất cũng chính là những người hoạt động sáng tạo mạnh nhất,
cả về khoa học và về nghệ thuật. Thông thường người đời nghiêng về
phía tước hiệu “danh nhân nghệ thuật” của họ nhiều hơn. Nguyễn
Trãi là một nhà chính trị, vừa là một nhà quân sự, vừa là một
nhà ngoại giao, vừa là một nhà văn hóa, nhưng với thời gian vai trò
nhà văn hóa của ông vẫn ngời sáng hơn và được thế giới chú trọng
hơn. Bác Hồ là nhà văn hóa vĩ đại. Người đã xây dựng được nhiều
nếp sống đẹp “mình vì mọi người, mọi người vì mình” nhưng cái
chính trong hoạt động văn hóa của Người là văn – chương kiệt xuất với
đỉnh cao là “Nhật ký trong tù” vô giá.
Văn
minh là một hình thức, một mặt biểu hiện của văn hóa, hẹp hơn văn
hóa. Nó gắn chặt với một thành tựu khoa học xã hội hoặc tự nhiên.
Trước đây ta có văn minh trồng lúa nước và sau này trên thế giới có
công nghiệp: văn minh vật chất, văn minh xe hơi, nền văn minh ti-vi,
nền văn minh vi-đê-ô ca-sét.
Văn
hóa là một trong những hệ thống hoạt động xã hội (không đồng nghĩa
với hoạt động xã hội nói chung) hệ thống này có chức năng, nhiệm
vụ của nó là phát triển xã hội theo 3 yêu cầu bản chất: hiểu
biết, sáng tạo và nhân cách.
Phát triển văn hóa bao
gồm cả hoạt động sản xuất tinh thần, lưu giữ và sử dụng các sản
phẩm, các giá trị, nâng cao tinh thần, thể lực con người theo một
định hướng nhất định, theo các hoạt động giao tiếp của con người.
Phát triển văn hóa ở mức độ sâu rộng to lớn cũng có nghĩa là một
cách mạng văn hóa. Cách mạng văn hóa là thay đổi cơ bản quá trình
phát triển văn hóa.
Quan niệm về văn hóa
trên đây giúp ta lý giải được nhiều vấn đề trong hoạt động thực
tiễn. Ta có thể suy ra như sau:
- Một người có sức
hiểu biết rộng lớn hoặc có hoạt động sáng tạo mạnh mẽ là nhà văn
hóa;
- Hoạt động văn hóa
là những hoạt động đem lại sự hiểu biết cho mọi người, khêu gợi
những khả năng sáng tạo của con người, tạo nên những phong tục tập
quán tốt đẹp, xây dựng mối quan hệ người và người theo đạo lý cao
cả – đầy tình thương yêu và tôn trọng lẫn nhau;
- Người có văn hóa là
người có những hiểu biết, yêu thích sự sáng tạo và nhất là có nhân
cách tốt đẹp;
- Người kém văn hóa
là những người ngược lại;
- Một hành động có
văn hóa là một hành động đem lại cái gì tiến bộ, hướng tới đúng,
tốt, đẹp, biểu hiện nhân cách đẹp. Hành động ngược lại là hành
động kém văn hóa.
Xây dựng một nền văn
hóa là nhiệm vụ của nhiều cơ quan, nhiều bộ. Nhưng Bộ Văn hóa là Bộ
chịu trách nhiệm chính tổ chức những hoạt động sáng tạo nghệ thuật,
lưu giữ truyền bá các giá trị văn hóa, cho nên có nhiệm vụ nặng nề
nhất và được mang tên Bộ Văn hóa.
Chúng ta còn gặp một
vấn đề là cơ cấu của văn hóa, các thành tố hình thành văn hóa.
Có một số người diễn
giải: “văn hóa như lớp kem” các hoạt động xã hội như các “lớp
bánh”, mỗi lớp bánh có một “lớp kem”, cắt ngang ra thì thấy rõ mối
quan hệ đó, quan hệ văn hóa với các hoạt động xã hội. Cho nên xã
hội có hoạt động gì là có văn hóa ấy: văn hóa lao động, văn
hóa quản lý, văn hóa chính trị, văn hóa thể thao, văn hóa thương
nghiệp, v.v... cái gì cũng có văn hóa cả. Vậy thì cơ cấu văn hóa
phải như thế nào? Có phải cơ cấu của văn hóa phải đồng nhất
với cơ cấu của xã hội không? Xã hội có bao nhiêu lĩnh vực hoạt
động thì có bằng ấy thành tố văn hóa không?
Văn hóa với bản chất
của nó, như đã trình bày ở trên thì cấu tạo kết cấu của nó có
thể phải có các loại thành tố. Không có thành tố cơ bản là không
thành văn hóa. Ngoài ra, văn hóa còn một loại thành tố nữa:
thành tố phát sinh như chữ dùng của một nhà nghiên cứu nào đó.
Một nhà khoa học đã
viết:
“Văn
hóa là một tổ hợp bao gồm sự hiểu biết, tín ngưỡng, nghệ thuật,
đạo đức, pháp luật, phong tục và tất cả những năng lực khác mà con
người với tư cách là một thành viên xã hội đã đạt được” (Tylor,
một tác giả Mỹ và Anh – chưa rõ – Trích lại ở sách Manuel de
sociologie của Armand Cuvillier 1956, Paris).
Có thể coi đây là một
quan niệm về thành tố cơ bản của văn hóa tương đối hợp lý.
Thành tố cơ bản, nhất
định phải có, là linh hồn của nó, xương sống của nó, đúng như nhiều
người thừa nhận, là thế giới quan, là tư tưởng, là triết học. Một
thành tố nữa là đạo đức nhất thiết phải có. Các nhà khoa học ở
Liên Xô cũng nhấn mạnh vai trò đạo đức trong văn hóa. Đạo đức tạo
thành nhân cách, nhân cách lại tạo nên chủ nghĩa nhân đạo trong một
nền văn hóa chân chính. Lẽ dĩ nhiên đạo đức ở đây là ta theo quan niệm
mác-xít chứ không phải đạo đức theo quan niệm truyền thống. Thành tố
thứ ba của văn hóa cũng không kém bản chất là thẩm mỹ mà bản chất
của nó là nghệ thuật. Nếp sống phong hóa, giao tiếp cũng là một
thành tố rất văn hóa không thể thiếu được. Có một hoạt động mà
hiện còn rất nhiều danh từ để gọi : hoạt động thời gian tự do
hay hoạt động thời gian rỗi, cũng là một thành tố văn hóa. Hoạt
động khoa học là một hoạt động rất văn hóa, nó được biểu hiện thông
qua những văn hóa phẩm và trình độ tri thức của các thành viên trong
xã hội, cái mà ta vẫn gọi là “người có trình độ văn hóa”. Giáo
dục là một hoạt động to lớn có quy mô trong xã hội tạo nên nền tảng
của văn hóa.
Những thành tố trên
được hình thành liên kết lại với nhau, nó có những yếu tố bền vững
thì có được một nền văn hóa. Ta không thừa nhận có một nền văn hóa
thực dân mới vì nó chỉ phục vụ cho một âm mưu chính trị xâm lược
của nó chứ không tạo ra được một cái gì bền vững, thành hệ thống,
tuy rằng di hại của nó cũng rất lớn.
Trong văn hóa những
thành tố phát sinh như “văn hóa chính trị”. “Văn hóa chính trị” và “cái chính trị” là hai
hay là một? “Văn hóa – chính trị” hay “văn hóa chính trị”?
Chính trị là một lĩnh vực hoạt động xã hội rộng lớn có tính chất
bao trùm, vậy nó phải có văn hóa của nó, gọi là “văn hóa chính trị”.
Có người
cho là văn hóa pháp quyền, và cứ đà này thì có thể còn kéo ra
nhiều tên gọi khác nhau nữa.
Theo các văn kiện đại
hội Đảng, khoa học không đặt ra trong chương nhiệm vụ văn hóa, mà văn
hóa bao gồm giáo dục văn học nghệ thuật, y tế, thể dục thể thao,
thông tin đại chúng. Còn khoa học lại thuộc lĩnh vực kinh tế sản
xuất. Nhưng như vậy không có nghĩa là văn kiện đại hội Đảng không coi
khoa học là một thành tố của văn hóa. Tổng hợp lại ý tứ của chương
nhiệm vụ văn hóa tư tưởng, thì ta thấy Đại hội đã quan niệm văn hóa
với những thành tố cơ bản của nó rất rõ.
Các tổ chức của Đảng
và Nhà nước phân công phụ trách các lĩnh vực văn hóa còn có chỗ
chênh nhau giữa các tổ chức Đảng, tổ chức Hội đồng Bộ trưởng và tổ
chức Quốc hội, nhưng điều đó cũng không hại gì đến quan niệm về các
thành tố cơ bản của văn hóa.
Một ý kiến khác chung
quanh vấn đề giá trị văn hóa. Thế nào là giá trị văn hóa? Ta
mới có Pháp lệnh “Bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử văn hóa”.
Một di tích có giá trị lịch sử có thể có giá trị văn hóa. Còn di
tích nào không có cái gì thúc đẩy sự tiến bộ, cũng không có cái gì
gây cảm xúc thẩm mỹ thì không nói là có giá trị văn hóa được. Giá
trị nào có ý nghĩa sáng tạo tiến bộ, nâng cao nhân cách, những cái
đó mới có giá trị văn hóa. Những giá trị như đạo đức, thẩm mỹ là
thuộc tính của giá trị văn hóa chứ không phải độc lập với giá trị
văn hóa.
Giá trị văn hóa nói
chung là như vậy. Giá trị văn hóa dân tộc thì đã rõ. Chủ nghĩa xã
hội tiếp thu tất cả giá trị văn hóa của loài người, do vậy một
phạm trù mới đặt ra là văn hóa xã hội chủ nghĩa là thế nào?
Con rồng khắc ở đền chùa, “Thị Mầu lên chùa”, “Nghêu, Sò, Ốc, Hến”
có phải là văn hóa xã hội chủ nghĩa không? Vấn đề quả là
không đơn giản, nó cũng đang đụng đến vấn đề mà nhiều ý kiến muốn
tranh luận, trao đổi nhằm phục vụ đường lối đúng đắn của Đảng trong
sự nghiệp xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam với nội
dung xã hội chủ nghĩa và tính dân tộc.
Tính thừa kế và phát triển văn hóa là một vấn đề rất
quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng đã nêu rõ. Ta có vốn văn hóa
kết tinh cái hay cái đẹp rất lớn cần nâng cao, nhưng cũng có những
thói hư tật xấu cần phải gạt bỏ. Ở đây cần tránh hai thái độ cực
đoan : hoặc cho quá khứ là tuyệt vời, cái gì cũng là mẫu mực
cho hiện đại, hoặc cho giá trị cũ là hoàn toàn không thích hợp với
hiện đại, nên cần loại bỏ, cần hoàn toàn xây dựng mới.
Trên đây, chúng tôi đã
cố gắng trình bày một số ý kiến nhằm tìm hiểu khái niệm văn hóa. Có thể coi như đây là một cách
tìm hiểu, một hướng tìm hiểu, trong khi có thể có nhiều cách và
hướng tìm hiểu khái niệm văn hóa.
Bản thân người đề ra
hướng tìm này thấy trong cách tìm hiểu và diễn giải ra như trên có
những điểm có thể yên tâm được – Nó chỉ ra cái bản chất hợp lý
nhất của văn hóa, nó chỉ ra được các bản chất ấy tạo nên cái nhất
quán trong sự hiểu khái niệm văn hóa ở nhiều trường hợp khác nhau.
Tất nhiên muốn có một
quan niệm vững chắc và đầy đủ về văn hóa, không thể chỉ có một bài
ngắn trình bày được hết. Còn phải tìm hiểu và suy nghĩ nhiều mặt
hơn nữa.
Mong rằng đây có thể là một sự đóng góp có ích.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
Mong rằng đây có thể là một sự đóng góp có ích.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét