Thứ Hai, 30 tháng 9, 2019

Chút dấu tích của danh họa Nguyễn Sáng



Nhà văn Võ Bá Cường
Ít người biết ở Thái Bình có một căn nhà nhỏ vẫn thờ danh họa Nguyễn Sáng bằng bức ảnh duy nhất của ông. Bức ảnh này do tướng Trần Độ chụp.

Tâm trạng dằn vặt, ông (họa sĩ Nguyễn Sáng) không ngủ được, thức cả tuần liền đêm không hề chợp mắt. Bệnh mất ngủ kéo dài. Thời ấy thuốc Sedusen khó kiếm. Gặp tướng Trần Độ (Chín Vinh), ông than thở cái bệnh “quái đản” đã hành hạ mình. Chín Vinh nhìn họa sĩ không chớp mắt rồi lắc đầu đứng dậy mở tủ đưa cho Nguyễn Sáng vỉ thuốc. Hôm sau gặp lại, họa sĩ Nguyễn Sáng vui vẻ hẳn lên, vì đêm qua ông đã ngủ được một giấc sâu.
Ông Trần Độ thăm họa sĩ Nguyễn Sáng tại căn phòng số nhà 65, Nguyễn Thái Học

Lúc còn sống, đều đặn hàng tuần, ông tướng Trần Độ đưa sổ cho bác sĩ bảo vệ sức khỏe của mình đi lĩnh thuốc Sedusen và không quên đến tận nhà đưa cho Nguyễn Sáng.
Rồi họa sĩ chuyển vào Sài Gòn, tướng Trần Độ chuyển về là Bí thư Đảng đoàn và làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa.
Một lần từ Hà Nội vào Sài Gòn, ông tướng xếp lịch đến thăm họa sĩ Nguyễn Sáng. Nghe tin Trần Độ vào, Nguyễn Sáng uống rượu thật say rồi lăn ra ngủ. Khi tỉnh rượu, anh em họa sĩ trách: “Biết anh Độ vào, sao lại uống say thế?”. Ông bảo: “Gặp tướng Độ, phải say mới sướng”.
Lần sau Trần Độ lại đến thăm họa sĩ, Nguyễn Sáng lúc khóc lúc cười, lúc kêu khổ, lúc lại kêu sướng. Rồi nửa tỉnh nửa say nói:
- Anh Độ ạ! Lúc này tôi cần có người phụ nữ để chăm sóc, là ai cũng được! Nhưng giá là mẹ tôi thì tốt.
Nói vậy rồi Nguyễn Sáng kêu lên: “Ôi tôi cô đơn quá”. Nguyễn Sáng là người có khát vọng vươn tới tự do, vươn tới cái đẹp, suốt đời đắm mình trong nghệ thuật. Nhiều khi đau đớn dữ dằn trong “cơn đau đẻ” cho tác phẩm mới của mình. Thế mà cuối đời ông đã kêu lên “Ôi! Tôi cô đơn quá”.
Tôi đến nhà họa sĩ Trần Dậu thăm cô Ngọc, người vợ hiền của anh trong cái ngách nhỏ đường Trần Hưng Đạo (TP Thái Bình) vào chiều 20-11-2009. Nhà họa sĩ Trần Dậu chỉ cách mặt lộ chừng hai mươi mét, nó nằm sâu hút trong sự tĩnh lặng, đôi lúc tôi có nghe thấy duy nhất tiếng một con “cu” gáy. Thế mà ngoài kia là ồn ào, náo nhiệt đường phố cùng tiếng mà cả, mua bán, tiếng loa đài từ các quán trà, quán cà phê. Trong cái thế giới ồn ào chợ búa đó, có ai biết trong ngách này có một danh họa Nguyễn Sáng đang được thờ ở nhà Trần Dậu. Ông đã sống cuộc đời cô đơn buồn tủi, vắt kiệt sức mình cho nghệ thuật, phảng phất chút hiền triết, khổ hạnh và bao dung. Tôi đứng trước bàn thờ Trần Dậu và Nguyễn Sáng ngẫm về sự cô đơn tĩnh lặng. Vợ Dậu ngậm ngùi nói: “Vì thày Sáng sống cô đơn, không biết trong kia thế nào? Em đưa bức ảnh duy nhất của thày Sáng do tướng Trần Độ chụp thờ cùng với chồng em, để hàng ngày em hương khói cho linh hồn thày trò Nguyễn Sáng”.
Tôi nhìn vợ Dậu không chớp mắt rồi thầm kêu lên “Ôi tấm lòng cao cả của một người phụ nữ”. Rồi nhìn sâu vào đôi mắt Nguyễn Sáng trong ảnh trên bàn thờ. Đôi mắt ấy như thấm sâu nỗi cô đơn người nghệ sĩ Nguyễn Sáng, đã truyền sang tôi lúc nào không biết. Lòng tôi thấy chua xót thầm đọc lại câu của một thi nhân: “Mực đọng trong nghiên sầu” thì những bức tranh của Nguyễn Sáng đang ở đâu đó cũng nhuộm một màu cô tịch cô liêu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét