Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2019

Xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa


Các văn kiện của Đại hội IV và Đại hội V của Đảng ta khi nói về văn hoá đều làm nổi bật một nhiệm vụ trung tâm: xây dựng con người mới.

Việc xây dựng con người mới gắn chặt và nhất quán với việc xây dựng nền văn hoá mới.
Con người mới xã hội chủ nghĩa phải được hình thành từ một nền kinh tế mới xã hội chủ nghĩa và từ một chế độ xã hội làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa. Nhưng con người lại là chủ thể tích cực và sáng tạo, để xây dựng nên nền kinh tế và chế độ xã hội đó.
“Chúng ta nhận thức rằng chế độ mới và nền kinh tế mới có ảnh hưởng quyết định đến sự hình thành nền văn hoá mới, con người mới. Ngược lại, những thắng lợi của sự nghiệp xây dựng nền văn hoá mới, con người mới là một động lực to lớn thúc đẩy tiến trình xây dựng chế độ mới và nền kinh tế mới” (Báo cáo chính trị tại Đại hội V).
Từ nhận thức này ta phải quan niệm việc xây dựng con người mới sao cho đúng. Có người tưởng rằng việc xây dựng con người mới chỉ là kết quả của một số cuộc vận động, của một số công cuộc tu dưỡng, rèn luyện theo những tiêu chuẩn nhất định. Và do đó nóng lòng chờ đợi những cơ quan có trách nhiệm ban hành ra những tiêu chuẩn cụ thể của các loại con người mới: công nhân, nông dân, học sinh, v.v…
Chúng ta không thể có con người mới xã hội chủ nghĩa hoàn chỉnh và đầy đủ, nếu chúng ta chưa có một xã hội có một nền kinh tế công nghiệp hoá và một chế độ xã hội làm chủ tập thể một cách tốt đẹp. Nhưng chúng ta sẽ không có một xã hội như vậy nếu không có những con người giác ngộ xã hội chủ nghĩa có năng lực và ý chí xây dựng nên xã hội đó. Không phải là xã hội xã hội chủ nghĩa tự nó đến và từ đó cũng tự nó xuất hiện những con người xã hội chủ nghĩa phát triển toàn diện và hài hoà. Chúng ta không thể chờ đợi một cách ảo tưởng như vậy. Đảng ta nói: chúng ta cần và có thể xây dựng từng bước con người mới xã hội chủ nghĩa ngay từ bây giờ.
Và Đảng ta đã vạch ra con đường tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng tư tưởng văn hoá, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt và nhiệm vụ trung tâm của cách mạng tư tưởng văn hoá là xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.
Đảng ta đã triển khai toàn diện, đồng bộ một loạt hệ thống hoạt động nhằm vào mục tiêu đó. Xã hội ta đã hình thành một sự nghiệp giáo dục hoàn chỉnh gồm nền giáo dục mẫu giáo, nhà trẻ, nền giáo dục phổ thông, nền giáo dục đại học và trung học chuyên nghiệp và một hệ thống các trường dạy nghề. Bên cạnh hệ thống giáo dục còn có hệ thống các cơ quan văn hoá và thông tin, thể dục thể thao cùng hoạt động nhằm giáo dục tư tưởng, tình cảm cho mọi người, mọi lứa tuổi trong những điều kiện lao động và nghỉ ngơi ngoài nhà trường, hệ thống y tế, bảo vệ bà mẹ và trẻ em để chăm lo sức khoẻ cho nhân dân. Hơn nữa, các hệ thống hoạt động thông tin đại chúng cũng góp phần quan trọng vào việc nâng cao tư tưởng, nhận thức của nhân dân, hệ thống các hoạt động tuyên huấn và văn hoá của các đoàn thể quần chúng, của các tổ chức lực lượng vũ trang và công an nhân dân cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Tất cả các hệ thống hoạt động trên đều tuân theo phương hướng lãnh đạo của Đảng, tác động lẫn nhau và tạo nên những hiệu quả, tích luỹ lâu dài góp phần quan trọng vào việc xây dựng con người mới.
Sự nghiệp xây dựng con người mới là một sự nghiệp lâu dài nhưng cũng luôn luôn có những mục tiêu và yêu cầu cụ thể của từng giai đoạn cách mạng, thúc đẩy những yếu tố tiên tiến trong từng con người, từng lớp người để tạo nên một sức thúc đẩy chung cho xã hội từng bước tiến lên.
Đại hội lần thứ V của Đảng đã đề ra nhận định cụ thể về tình thế cách mạng của đất nước, xác định hai nhiệm vụ chiến lược của cả nước trong giai đoạn trước mắt. Mỗi người dân, mỗi chiến sĩ, mỗi đảng viên thấm nhuần những nhận định đó, nhận thức sâu sắc nhiệm vụ của đất nước và xác định trách nhiệm cụ thể của mình, thì ta cũng có một sức mạnh tinh thần mới, trong đó những yếu tố tiến bộ tích cực tạo ra những nét mới trong từng con người. Những yếu tố đó tức là những yếu tố của con người mới xã hội chủ nghĩa (tinh thần tích cực lao động, lòng yêu nước nồng nàn biểu lộ ở ý chí quyết chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, thương yêu, tôn trọng lẫn nhau, hết sức giúp đỡ nhau trong lao động và cuộc sống để đẩy mạnh sản xuất làm giàu cho Tổ quốc và giúp nhau khắc phục khó khăn chồng chất trong cuộc sống từng người, từng gia đình, từng tập thể).
Trong giai đoạn này, tức là trong bước đi ban đầu của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội của nước ta với những đặc điểm riêng của nó, trong xã hội còn chứa nhiều yếu tố không xã hội chủ nghĩa (và cả chống xã hội chủ nghĩa) về kinh tế, về xã hội, về ý thức tư tưởng, thói quan nếp sống trong từng con người, nên mỗi con người còn bị nhiều sự tác động tiêu cực khác nhau từ nhiều phía. Hơn nữa, kẻ thù đang tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại toàn diện, ra sức khoét sâu những khó khăn phức tạp của ta, làm suy yếu ta về nhiều mặt. Trong bối cảnh lịch sử ấy, còn không ít những biểu hiện xấu của tàn dư tư tưởng tiểu tư sản, tư sản và phong kiến. Chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội dưới nhiều màu sắc, chủ nghĩa tự do vô chính phủ, là thói gia trưởng, quan liêu độc quyền độc lợi trong cán bộ, nhân viên, viên chức Nhà nước cho đến những thói hư tật xấu khác như tham ô, ăn cắp của công, mê tín dị đoan, chạy theo lối sống sa đoạ, tư sản, thực dân đang gây tác hại lớn trong đời sống cũng như trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta.

Ảnh: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội Trần Độ thăm một trường dạy nghề ở Thừa Thiên – Huế, 1983
 Đại hội V của Đảng đã nhận định tình hình 5 năm qua và tình thế cách mạng của đất nước hiện nay một cách rất khoa học và khách quan, rất chính xác và từ đó, nhận định những khó khăn, khuyết điểm, nhược điểm cũng rất rõ ràng dứt khoát. Xuất phát từ đó, Đại hội cũng đề ra những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng và những yêu cầu về mọi mặt công tác của Đảng và sinh hoạt trong xã hội. Đó là một kiểu mẫu về tính trung thực, tính cách mạng và tính khoa học, đó là nguồn gốc của những yêu cầu tư tưởng, để xây dựng con người mới trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Khi nêu lên yêu cầu và nhiệm vụ các mặt, Báo cáo chính trị trong Đại hội viết:
“Về tư tưởng và văn hoá, đẩy mạnh công cuộc xây dựng nền văn hoá mới và con người mới, bám thật sát yêu cầu cách mạng và phù hợp với khả năng kinh tế, thúc đẩy tốt hơn nữa công cuộc xây dựng chế độ mới và nền kinh tế mới, tăng cường đấu tranh xoá bỏ những tệ nạn xã hội cũ, những tàn dư văn hoá thực dân mới, chống mọi ảnh hưởng của tư tưởng và văn hoá phản động”.
Như vậy, con người mới là con người trước mắt phải hiểu thật rõ và thấm nhuần sâu sắc những yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, một lòng một dạ đem hết sức mình đóng góp từng chút cho sự nghiệp cách mạng, hiện nay phải ra sức lao động sản xuất có hiệu quả để tăng nhanh sản phẩm của xã hội, phải nung nấu lòng yêu nước xã hội chủ nghĩa và tinh thần quốc tế vô sản, sẵn sàng chủ động và vượt qua mọi gian khổ hy sinh để bảo vệ cho được Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Mỗi con người hiện nay phải hiểu rõ thực trạng những khó khăn về kinh tế, về đời sống của đất nước - một đất nước vừa chịu sự tàn phá lâu dài của nhiều cuộc chiến tranh, vừa có những khó khăn to lớn về thiên nhiên, về trình độ sản xuất và quản lý, để tự giác chấp nhận một mức sống phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước, một mức sống còn nhiều thiếu thốn khó khăn và gian khổ. Mỗi người phải tổ chức cuộc sống cho phù hợp với yêu cầu “sống với những gì mà khả năng mức sản xuất của đất nước đạt tới”. Không ảo tưởng mơ ước vào những gì “trời cho”, hoặc “may mắn có được”, không ỷ lại vào những gì có được do sự giúp đỡ từ bên ngoài, không so sánh một cách vô căn cứ vào các loại mức sống khác nhau của các nước trên thế giới, v.v…
Trong một tình hình đất nước như vậy, mỗi người biết sống với tính trung thực, với lòng nhân hậu, như lương thiện, biết thương mình, thương người, thương nước, thương nhà, biết tôn trọng phẩm giá và nhân cách của mình, của người khác, tôn trọng sức lao động của mọi người, tôn trọng mỗi người với sự nỗ lực và đóng góp trong cương vị của người ta. Phải lên án mạnh mẽ và kiên quyết chống những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân và các tư tưởng không vô sản khác, làm cho mọi người biết căm ghét những thói hư tật xấu, nêu cao phẩm chất cao đẹp xã hội chủ nghĩa.
Hiện nay cả đất nước đang ở trước một tình thế cách mạng đặc biệt sôi nổi và khẩn trương: “Năm năm qua đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một đoạn đường rất vẻ vang của cách mạng Việt Nam, vượt qua khó khăn chồng chất, nhân dân ta đã đưa cách mạng Việt Nam phát triển lên một thế chiến lược mới, vững chắc hơn so với trước đây, tạo ra khả năng to lớn hơn để bảo vệ Tổ quốc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội” (Trích Báo cáo chính trị trong Đại hội V).
Nhưng chúng ta cũng đứng trước những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng hết sức nặng nề và phức tạp. Đại hội cũng chỉ ra “cuộc đấu tranh giữa hai con đường : giữa cái mới và cái cũ… tiên tiến và lạc hậu, tiến bộ với phản động trên lĩnh vực văn hoá tư tưởng, lối sống đang diễn ra hàng ngày rất phức tạp mà chúng ta không thể xem nhẹ”.
Trách nhiệm nặng nề của cách mạng tư tưởng và văn hoá là tiếp tục cải tạo và xây dựng con người, đề cao người tốt, việc tốt, phê phán cái xấu và không lành mạnh, tạo điều kiện thúc đẩy toàn bộ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Bối cảnh lịch sử như vậy đặt vấn đề xây dựng con người mới một cách thật cụ thể. Chúng ta không thể chỉ hướng vào việc xây dựng con người một cách chung chung mà phải xây dựng những con người có đủ ý chí hiểu biết, có đủ khả năng để thực hiện những nhiệm vụ cụ thể của cách mạng đặt ra, của tình hình đất nước đặt ra. Chúng ta có những con người như vậy thì chúng ta mới đưa đất nước ta tiến lên và tạo ra những tiền đề kinh tế - xã hội và tư tưởng, văn hoá để tiếp tục xây dựng những con người ngày càng hoàn thiện, những con người phát triển toàn diện và hài hoà, những con người mới xã hội chủ nghĩa thực sự.
Quan niệm về con người mới phải nhất trí với cách nhận xét và đánh giá con người cụ thể trong nhiệm vụ cách mạng cụ thể. Với tình thế cách mạng như trên vừa trình bày thì hiện nay Đảng ta, xã hội ta đang yêu cầu, đang cần có những con người thế nào? Đảng phải chối bỏ và không chấp nhận những con người như thế nào?
Con người mới trước hết phải hình thành từ những người Đảng viên, những người tiên phong của xã hội, Đảng đang yêu cầu Đảng viên phải được nâng cao bản lĩnh kiến thức về năng lực lãnh đạo để xây dựng xã hội mới.
Đảng ta có nhiệm vụ chủ động khích lệ những phẩm chất mới của con người mới, cần phải được trang bị những quan điểm thật đúng để xét đoán những điều mới mẻ luôn xuất hiện hàng ngày – Chính ở lĩnh vực này, cần phải hết sức khắc phục bệnh bảo thủ trì trệ thì mọi công việc cách mạng mới có điều kiện triển khai và phát triển. Tuy nhiên trong lúc này ta vừa phải khắc phục bảo thủ trì trệ, vừa phải khắc phục bệnh nôn nóng chủ quan, bệnh thoát ly thực tế, lao bừa vào những cái gọi là “mới mẻ” một cách vô nguyên tắc, v.v…
        Quả thực, sự nghiệp xây dựng con người mới là một sự nghiệp lâu dài phức tạp. Dưới ánh sáng những nghị quyết hết sức chính xác của Đại hội V, mỗi người chúng ta cần làm sáng tỏ về tinh thần khoa học, tinh thần cách mạng, tinh thần nhân nghĩa của Nghị quyết để soi sáng công việc của mình, trước hết cần thực hiện một lẽ sống dựa trên tinh thần và lẽ phải. Đó đúng là một tiền đề hết sức quyết định cho toàn bộ sự nghiệp xây dựng con người mới trên những bước đường tiếp theo.

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012)

1 nhận xét:

  1. of course like your web site however you need to take a look at the spelling
    on several of your posts. Many of them are rife with spelling problems and I to find it very troublesome to inform the reality then again I will certainly come back again.
    Feel free to surf my web page ... learn more

    Trả lờiXóa