Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2020

Nghiên cứu tác phẩm nghị luận văn nghệ của nhà văn Trần Độ (*)



Thạc sĩ Ngữ văn Đinh Thị Thanh Huyền
Văn nghị luận là một thể loại có truyền thống lịch sử lâu đời cũng là thể văn làm nên tên tuổi nhiều danh nhân văn hóa đất nước như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh… 


Qua các giai đoạn lịch sử, văn nghị luận đã đi vào trong đời sống, chiến đấu, sản xuất; đi vào văn hóa văn nghệ thông qua những bài viết của các nhà lãnh đạo, các nhà văn hóa văn nghệ có tên tuổi. Thời đại Hồ Chí Minh, văn nghị luận đã xâm nhập vào đời sống và góp phần xây dựng bộ mặt tinh thần cho đất nước. Trong đó, Trần Độ là một trong những cây bút tiêu biểu để lại những tác phẩm văn nghị luận giàu giá trị nhận thức tư tưởng và thực tiễn.

Trần Độ được biết đến trước hết là một nhà cách mạng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đồng thời ông là một nhà văn hóa, tư tưởng và nhà văn có nhiều đóng góp cho đường lối chủ trương phát triển văn nghệ của đất nước từ thời chiến sang thời bình, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới. Quá trình hoạt động chính trị, văn nghệ Trần Độ được nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1993), trở thành “văn tài võ tướng”, ông đã để lại khối lượng tác phẩm khá đồ sộ trong đó có một bộ phận tác phẩm nghị luận về văn học nghệ thuật, nhưng chưa được nghiên cứu đầy đủ và hệ thống.

Nghiên cứu những tác phẩm văn nghị luận của Trần Độ sẽ giúp ta hiểu biết thêm về cuộc đời, sự nghiệp, quá trình hoạt động cách mạng, những cống hiến của ông qua từng giai đoạn lịch sử của đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực văn nghệ. Thực hiện đề tài này sẽ giúp chúng tôi hiểu thêm về đường lối văn nghệ của Đảng qua quá trình nghiên cứu những tác phẩm của ông. Mặt khác, Trần Độ còn là một cây bút lý luận sắc bén, luôn đắm say, nhiệt huyết. Sức sống ấy đã cảm hóa nhiều người đọc tới hôm nay. Nghiên cứu những tác phẩm nghị luận văn nghệ của Trần Độ sẽ có thêm tri thức để giảng dạy văn nghị luận trong nhà trường được tốt hơn.
Đọc các di cảo của Trần Độ, ta thấy pho tri thức đáng quý về nhiều vấn đề của đời sống. Ông còn là một cây bút lý luận phê bình văn học sắc bén. Nhưng cho đến nay, những bài viết về tác giả Trần Độ chưa nhiều, đó đây chỉ xuất hiện một số bài viết tản mạn về ông trên một số bài báo, tạp chí và mạng văn học chủ yếu từ những năm 90 của thế kỷ XX và sau khi nhà văn qua đời. Khi cuốn Chuyện tướng Độ của nhà văn Võ Bá Cường, Nhà xuất bản (Nxb) Quân đội Nhân dân công bố năm 2007, tiếp sau đó là bộ sách Trần Độ tác phẩm do nhà thơ Hữu Thỉnh viết lời giới thiệu đã được Nxb Hội Nhà văn ấn hành năm 2012, trên mạng internet đã xuất hiện hàng loạt các bài viết về ông. Từ ngày 19 tháng 6 năm 2012, trên trang Trandotacpham có thêm mục Viết về Trần Độ” và mục “Kể về Trần Độ” để giới thiệu những bài viết đã được xuất bản rải rác trên các báo, tạp chí, các tiểu thuyết văn học… của bạn bè, đồng đội, đồng chí, các nhà văn, nhà báo yêu mến kính trọng Nhà văn Trần Độ. Hiện nay, một số bài viết về ông đã được tập hợp và biên soạn trong cuốn Nhớ nhà văn Trần Độ, Nxb Văn học tháng 6 năm 2013.
Đây sẽ là những tài liệu bổ ích cho chúng ta làm cơ sở để nghiên cứu đề tài này.
(*) Đầu đề do chúng tôi đặt 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét