Thứ Năm, 5 tháng 3, 2020

Văn hoá Việt Nam ngày nay trong sự giao lưu văn hoá giữa các nước xã hội chủ nghĩa


(Tham luận tại Hội nghị lý luận văn hoá với chuyên đề “Sự tác động qua lại và sự làm phong phú lẫn nhau giữa các nền văn hoá các nước xã hội chủ nghĩa” họp ở Mat-xcơ-va 1-1978, có sửa chữa bổ sung đăng ở Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật số 1-1980).


Ngày nay, sự giao lưu văn hoá và ảnh hưởng qua lại giữa các nền văn hoá dân tộc đã trở thành một đặc điểm nổi bật của văn hoá văn nghệ thế kỷ XX. Để sáng tỏ đặc điểm này, chúng ta hãy bàn đến một khía cạnh của vấn đề, đó là tính dân tộc và tính quốc tế trong nghệ thuật.
Đối với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi mà thực chất là tư tưởng bài ngoại, tâm lý bảo thủ và mặt khác, đối lập với “chủ nghĩa thế giới” (cosmopolitisme) mang tính chất hư vô và phản văn hoá, chủ nghĩa Mác – Lê-nin quan niệm rằng, sự giao lưu văn hoá giữa các nước, đặc biệt là giữa các nước xã hội chủ nghĩa là một tất yếu lịch sử, là một quy luật phát triển của văn hoá nghệ thuật. Cơ sở của sự giao lưu văn hoá giữa các nền văn hoá xã hội chủ nghĩa là sự nhất trí về nội dung tư tưởng xã hội chủ nghĩa lấy hệ tư tưởng Mác-xít Lê-nin-nít làm gốc và lấy việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa làm mục tiêu. Nhưng nội dung xã hội chủ nghĩa ở bất cứ một nước nào cũng mang theo những đặc điểm dân tộc trong tâm hồn, tình cảm của dân tộc và được biểu hiện độc đáo, đa dạng trong nền văn hoá dân tộc mình. Vì vậy việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước cũng có những màu sắc dân tộc không thể san bằng được.
Các nhà mỹ học trước Mác, tuy không thể giải quyết trọn vẹn trên quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử được, nhưng đã có những đóng góp quan trọng. V.G. Bê-lin-xki đã làm sáng tỏ mối liên hệ biện chứng giữa tính dân tộc và tính nhân loại chung và cho rằng, chúng là hai mặt của một chỉnh thể thống nhất. Ông viết : “Nói thực ra, cuộc đấu tranh giữa tính nhân loại và tính dân tộc không phải là cái gì lớn hơn một hình thái mỹ từ ; và trên thực tế, không có cuộc đấu tranh ấy. Ngay cả khi sự tiến bộ của một dân tộc được thực hiện qua sự vay mượn một dân tộc khác, nó vẫn cứ được thực hiện với màu sắc dân tộc. Nếu không như vậy sẽ không có sự tiến bộ” (Dẫn theo P.Vư-khốt-xép : Tính dân tộc và tính quốc tế trong mỹ học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tạp chí nghiên cứu Nghệ thuật số 3-1979).
V.I. Lê-nin và những nhà mỹ học Mác – Lê-nin đã chuẩn bị một cơ sở phương pháp lập luận vững chắc để giải quyết mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính quốc tế một cách mới mẻ về nguyên tắc. Lê-nin chỉ ra rằng : “lợi ích dân tộc cao nhất, niềm tự hào dân tộc cao nhất không mâu thuẫn với lợi ích xã hội chủ nghĩa của giai cấp vô sản tất cả các nước”. Ngay từ năm 1913, trong bài “Ý kiến phê phán về vấn đề dân tộc”, trong khi đấu tranh chống những lời đả kích vu khống của ông Líp-man thuộc phái Bund, Lê-nin đã viết : “Thưa ngài thuộc phái Bund thân mến, nền văn hoá quốc tế không phải là một nền văn hoá phi dân tộc. Không ai nói như thế cả. Không có ai đã tuyên bố là có một nền văn hoá “thuần tuý” cả, dù đó là nền văn hoá nào đi nữa : văn hoá Ba Lan, Do Thái, Nga, v.v… thành thử cái đoạn ông chắp nhặt những tiếng trống rỗng nói trên chỉ nhằm để đánh lạc hướng bạn đọc và che giấu thực chất của vấn đề dưới một trang từ ngữ” (V.I Lê-nin. Bàn về văn hoá, văn học. Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977, tr.148).
Là một nhà văn hoá lớn và là người tuyên truyền tích cực học thuyết của Lê-nin về di sản văn hoá dân tộc, A.V. Lu-na-tsác-xki đã đóng góp không nhỏ trong việc giải quyết mối quan hệ qua lại giữa tính dân tộc và tính quốc tế trong văn hoá, nghệ thuật. Ông viết : “Nhân loại đang không ngừng tiến lên theo con đường quốc tế hoá nền văn hoá. Cố nhiên cơ sở dân tộc vẫn còn tồn tại trong một thời gian dài, có thể là mãi mãi nữa, nhưng chủ nghĩa quốc tế đâu có đòi hỏi phải huỷ bỏ những mô-típ dân tộc trong bản giao hưởng chung của toàn nhân loại, mà chỉ đòi hỏi phải hài hoà chúng một cách phong phú và tự do mà thôi” (Dẫn theo P.Vư-khốt-xép : Tính dân tộc và tính quốc tế trong mỹ học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tạp chí đã dẫn).
Mỗi một nền văn hoá dân tộc đều có những truyền thống tốt đẹp và độc đáo cả về mặt nội dung tư tưởng và hình thức biểu hiện, đó là những giá trị được hình thành và phát triển trong lịch sử lâu dài của dân tộc, có một sức sống hết sức mãnh liệt, trở thành xương máu, ăn sâu vào tiềm thức, thị hiếu, lý tưởng thẩm mỹ của dân tộc đó. Nhưng, vì là những giá trị lịch sử, nên trong giai đoạn mới của cách mạng xã hội chủ nghĩa, những giá trị ấy, chỉ riêng chúng, không còn đủ để đáp ứng với nhu cầu của con người mới, cuộc sống mới. Dù muốn hay không, chúng cũng bị hạn chế. Những truyền thống dân tộc, phát triển và lịch sử đã tạo ra sự gặp gỡ giữa chúng và những tinh hoa văn hoá thế giới. Chúng tôi quan niệm rằng, chỉ có thể làm chủ tinh hoa văn hoá thế giới trên cơ sở hiểu biết tường tận, sâu sắc truyền thống văn hoá dân tộc. Vì vậy, một mặt, phải tước đi những yếu tố không còn hợp thời nữa trong truyền thống dân tộc, nâng cao, hiện đại hoá chúng để trở nên những yếu tố mới mẻ ; mặt khác, tiếp thu những tinh hoa văn hoá thế giới được dân tộc yêu thích, dân tộc hoá chúng phù hợp với tâm lý, tình cảm, tập quán của dân tộc, coi đó là những sản phẩm tinh thần không thể thiếu được của dân tộc mình. Tất cả sự hình thành và phát triển đó rất đa dạng nhưng lại thống nhất : đó là nội dung tư tưởng xã hội chủ nghĩa và tất cả đều mang tính chất dân tộc. Như vậy, tính quốc tế và tính dân tộc là hai mặt gắn bó hữu cơ và tác động biện chứng lẫn nhau trong mọi nền văn hoá xã hội chủ nghĩa.
Lẽ tất nhiên, việc đòi hỏi và giúp đỡ nhau trên lĩnh vực văn hoá giữa các nước xã hội chủ nghĩa anh em không phải là việc làm tự phát, mà là yêu cầu của cách mạng, cần được thực hiện một cách kế hoạch, dựa trên sự bình đẳng, độc lập tự chủ, tinh thần tự nguyện tự giác của mỗi nước xuất phát từ yêu cầu cụ thể của mỗi nền văn hoá, từ lòng tin cậy lẫn nhau. Mỗi nước xã hội chủ nghĩa đều thấy có nghĩa vụ của mình trong sự giao lưu này, thể hiện tinh thần đoàn kết xã hội chủ nghĩa và tinh thần quốc tế vô sản cao cả. Do đó, phải có một sự nghiên cứu kỹ lưỡng những yêu cầu và khả năng văn hoá của mỗi nước, để đề ra những hoạt động thích hợp và có kế hoạch, có bàn bạc và nhất trí. Những hình thức, biện pháp hoạt động để đẩy mạnh sự trao đổi văn hoá giữa các nước xã hội chủ nghĩa tất nhiên sẽ không tách rời khỏi các hình thức hợp tác xã hội chủ nghĩa trên các lĩnh vực khác và tất cả đều nằm trong một kế hoạch chung  về sự hợp tác và tương trợ giữa các nước trong cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa. Những hình thức đó, theo chúng tôi, là hết sức phong phú, như vấn đề thông tin văn hoá, trao đổi văn hoá, văn nghệ dưới mọi dạng, giúp đỡ đào tạo cán bộ, trao đổi chuyên gia, giúp đỡ các phương tiện về văn hoá, văn nghệ, v.v…
Theo đường lối văn hoá của Đảng Cộng sản Việt Nam, nền văn hoá mới xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa trân trọng kế thừa những truyền thống ưu tú nhất của dân tộc, trong kế thừa luôn luôn có nâng cao cho phù hợp với những yêu cầu mới của thời đại xã hội chủ nghĩa, vừa không ngừng học tập, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá của các nước xã hội chủ nghĩa và mọi tinh hoa văn hoá của nhân loại. Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội lần thứ IV, trong các phần nói về sự phát triển khoa học kỹ thuật và đẩy mạnh cách mạng tư tưởng và văn hoá cũng có nhiều đoạn viết về vấn đề này :
“… Phải ra sức tranh thủ những thành tựu của thế giới. Không phí công mò mẫm những gì mà thế giới đã giải quyết tốt.
“… Ra sức mở rộng hợp tác khoa học, kỹ thuật với các nước xã hội chủ nghĩa anh em và các nước khác.
“… Sự nghiệp văn hoá phải phục vụ lợi ích của nhân dân lao động, phục vụ Tổ quốc, phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, kế thừa có chọn lọc, có phê phán và có sáng tạo những giá trị tinh thần và văn hoá của dân tộc cũng như của văn minh loài người …” (Báo Nhân dân, ngày 15-12-1976).
Phải nói rằng, những kinh nghiệm về xây dựng văn hoá của Liên Xô đối với chúng ta là hết sức quý báu. Cũng như Liên Xô, Việt Nam có nhiều dân tộc, mỗi dân tộc có một nền văn hoá, nghệ thuật độc đáo phát triển ở những mức độ khác nhau, nhưng đều khá phong phú và nhiều vẻ. Chỉ ngay vấn đề học hỏi và bổ sung lẫn nhau giữa các nền văn hoá dân tộc trong cùng một nước đó cũng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và cố gắng. Chúng tôi cho rằng, việc làm chủ mọi tinh hoa văn hoá dân tộc đó là điều kiện tiên quyết cho việc tiếp thu tinh hoa thế giới được tốt. Và chỉ khi nào làm chủ được tinh hoa văn hoá dân tộc và am hiểu sâu sắc được tinh hoa văn hoá thế giới (ở mức độ có thể, theo nhu cầu của văn hoá dân tộc và của điều kiện cho phép, vì tinh hoa thế giới hết sức phong phú về số lượng cũng như chất lượng), thì mới có thể có khả năng xây dựng một nền văn hoá mới cho đất nước. Trong khi đề phòng mọi tư tưởng bảo thủ hẹp hòi, chúng ta cũng tránh mọi khuynh hướng sùng ngoại, lai căng, thiếu chọn lọc trong việc học tập tinh hoa thế giới. Những yếu tố tiến bộ thế giới chỉ có thể phát huy được tác dụng của mình trong một sự kết hợp chặt chẽ với đặc điểm dân tộc, tâm lý, tâm hồn của dân tộc. Đó chính là tinh thần của phương châm “Nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc” của văn hoá xã hội chủ nghĩa đã được nêu lên trong Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Quá trình hình thành và phát triển nền văn hoá, văn nghệ mới của Việt Nam là một chứng minh hùng hồn cho đường lối giao lưu về văn hoá đó.
Ngay từ trước Cách mạng tháng Tám, trong lúc nền văn hoá chung của Việt Nam đang chịu sự áp bức của các thế lực phong kiến, thực dân phản động thì ánh sáng của văn hoá mới từ đất nước Xô-viết, quê hương của Cách mạng tháng Mười vĩ đại, đã được các chiến sĩ cách mạng Việt Nam tiếp thu và bí mật truyền bá. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản Việt Nam đầu tiên là người truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin sớm nhất vào đất nước chúng ta, cũng là người đi tiên phong trong sự giao lưu văn hoá cách mạng giữa các nước xã hội chủ nghĩa và nước ta. Ánh sáng văn hoá từ đất nước Xô-viết từ đây đã là một trong những nguồn nuôi dưỡng cho hàng loạt cán bộ cách mạng, theo bước chân của vị lãnh tụ vĩ đại của mình, tổ chức và phát triển Cách mạng Việt Nam cho đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám.
Nhưng chúng ta đã gặp không ít trở ngại. Sau Cách mạng tháng Tám, đất nước Việt Nam cũng vẫn còn ở trong tình thế chiến tranh và bao vây của đế quốc, và tiếp theo, nhân dân ta phải tiến hành hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ cho mãi đến năm 1975. Tình hình chiến tranh liên miên đó đã ảnh hưởng không ít đến việc giao lưu văn hoá với các nước xã hội chủ nghĩa anh em, phần lớn là ở rất xa Việt Nam, giao thông liên lạc rất khó khăn, cách trở.
Mặc dù thế, trong hoàn cảnh và điều kiện cho phép, chúng ta đã có những cố gắng đáng kể và nhận được nhiều sự giúp đỡ về văn hoá của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, sự giao lưu đó cứ mỗi ngày được tăng cường, nhất là từ sau năm 1975, sau khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng.
Việc giao lưu đó đã được thực hiện trong nhiều lĩnh vực và được thể hiện bằng nhiều dạng thức khác nhau. Trước hết hãy nói đến vị trí đặc biệt của những tác phẩm chính luận và văn học của Liên Xô có tác dụng to lớn đến sự nghiệp Cách mạng Việt Nam. Đó là cuốn “Luận cương về các vấn đề thuộc địa và dân tộc” của V.I Lê-nin. Được đọc tác phẩm này, lúc còn hoạt động ở Pháp, Hồ Chủ tịch hết sức “cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao !”. Người xúc động đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong phòng của mình, Người như muốn nói to với đông đảo quần chúng : “Hỡi đồng bào bị đoạ đày, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là đường giải phóng chúng ta” (Hồ Chủ tịch trả lời đồng chí Sác-lơ Phuốc-ni-ô, phóng viên báo Nhân đạo (Pháp) vào thượng tuần tháng 7-1969, được công bố trên báo Nhân Dân ngày 5-3-1970).
Tiểu thuyết “Người mẹ” của M. Goóc-ki – khi đến tay các chiến sĩ cộng sản Việt Nam là công cụ rất tốt để truyền bá chủ nghĩa cộng sản. Nhiều đồng chí cộng sản lão thành kể lại rằng, đêm khuya trong xà lim, những chiến sĩ cách mạng của chúng ta đã tự dịch “Người mẹ” ra từng đoạn, từng tờ rồi phổ biến cho các bạn chiến đấu và phân phát cho cả quần chúng bên ngoài. Nhiều người vì đọc “Người mẹ” mà bị thực dân Pháp bỏ tù. Tác phẩm của M. Goóc-ki và “Người mẹ” đến với trí thức, văn nghệ sĩ cách mạng nước ta trong những năm 30 đã có ảnh hưởng trong chừng mực nhất định sự hình thành lý tưởng thẩm mỹ mới của trào lưu văn học cách mạng trước Cách mạng tháng Tám.
Việc trao đổi lưu học sinh và cán bộ văn hoá, cán bộ chuyên môn giữa các nước được tiến hành một cách thuận lợi, việc tổ chức học tiếng Nga được rộng rãi trên đất nước chúng ta, việc xuất nhập sách báo tiếng Việt và tiếng Nga cùng các thứ tiếng nước ngoài khác, v.v… là những tiền đề thuận lợi cho việc tiếp xúc với những tác phẩm nghệ thuật của các nước xã hội chủ nghĩa anh em cũng như việc xuất những tác phẩm nghệ thuật Việt Nam đến các nước bạn.
Bạn đọc Việt Nam rất yêu thích những tác phẩm lớn của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Hầu như mọi người đều biết đến “Người mẹ” của Goóc-ki và ưa thích những tác phẩm văn học của Sô-lô-khốp, Pha-đê-ép, Phê-đin, Mai-a-cốp-xki, Pô-lê-vôi, Xi-mô-nốp, Phu-xích, Mích-ki-ê-vích, Đi-mi-tơ-rô-va, v.v… (chỉ kể tên một số nhà văn tiêu biểu được biết nhiều nhất ở Việt Nam). Thanh niên Việt Nam ưa thích âm nhạc Sô-xta-cô-vích, Prô-cô-phi-ép, Kha-tsa-tu-ri-an, Ai-sle, Dê-gớc, Do-tan, Go-dai, Líp-cốp, Xtai-rốp, v.v… Việt Nam cũng quen với ô-pê-ra và ba-lê Liên Xô, kiến trúc Cu Ba, múa rối Tiệp Khắc, mỹ thuật đồ hoạ Ba Lan, sân khấu Đức, Ru-ma-ni, mỹ thuật điêu khắc của Bun-ga-ri, Hung-ga-ri, xiếc ngựa Mông Cổ, múa Triều Tiên, Cam-pu-chia, dân ca Lào, v.v… Những nhà sáng tác Việt Nam vẫn xem các nghệ sĩ nổi tiếng của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa như những người bạn nhiều kinh nghiệm và luôn luôn tìm tòi nghiên cứu học tập … Những nhà đạo diễn sân khấu Việt Nam xem Xta-nhi-sláp-xki và Brét-xơ như là hai người thày lớn về nghệ thuật sân khấu ; anh chị em công tác điện ảnh luôn nhắc đến các nhà đạo diễn lỗi lạc Xô-viết và các nước xã hội chủ nghĩa như Ây-danh-xtanh, Pu-đốp-ki, Đốp-den-cô, Ghê-ra-xi-mốp, v.v… Những vở kịch xuất sắc của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa như những vở kịch nổi tiếng về Lê-nin của Pô-gô-đin, các phim nổi tiếng của điện ảnh Xô-viết như “Chiến tranh và Hoà bình”, “Sông Đông êm đềm”, … được diễn và được chiếu lại nhiều lần với số khán giả rất cao. Nhiều bộ phim truyện và phim tài liệu nhiều tập có giá trị của Liên Xô, Bun-ga-ri, Đức, v.v… cũng được chiếu nhân lên trên hệ thống vô tuyến truyền hình Việt Nam.
Về mỹ thuật, hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa đều đã tổ chức tại Việt Nam nhiều cuộc triển lãm nghệ thuật hay văn hoá tại thủ đô Hà Nội và tại một số thành phố khác. Nhân dân và giới nghệ sĩ Việt Nam tại những nơi này có dịp trực tiếp tiếp xúc với những tác phẩm hội hoạ, điêu khắc của các nước bạn.
Khán giả, độc giả Việt Nam không chỉ tiếp thu những tác phẩm văn nghệ thời kỳ xã hội chủ nghĩa, mà còn yêu thích văn học và nghệ thuật cổ điển, truyền thống của những thời kỳ trước cách mạng của các nước bạn, cũng như yêu thích tất cả những thành quả tiến bộ của văn học nghệ thuật của các nước khác trên thế giới (cả cổ điển và hiện đại).
Nhiều chuyên gia khoa học, kỹ thuật của các ngành khoa học xã hội và tự nhiên, y học, khảo cổ học, ngôn ngữ học, nghệ thuật học, dân tộc học, sử học, vật lý, toán học, v.v… của các nước xã hội chủ nghĩa đã sang giảng dạy ở các trường Đại học Việt Nam hoặc tham gia các công trình nghiên cứu khai thác tại Việt Nam.
Việc trao đổi văn hoá văn nghệ trong những năm gần đây càng được tăng cường. Các đoàn nghệ thuật, khoa học, văn hoá quần chúng, đoàn các nhà văn, nghệ sĩ các nước bạn sang Việt Nam ngày càng đông, gây được nhiều ảnh hưởng và cảm tình trong công chúng Việt Nam.
Về phía Việt Nam, trong những điều kiện có thể, Việt Nam đã gửi ra các nước bạn những đoàn nghệ thuật biểu diễn các tiết mục truyền thống, tham gia những cuộc hội nghị khoa học và trao đổi văn hoá trên thế giới. Một số tác phẩm chính luận trong đó có tác phẩm của Hồ Chủ tịch và một số đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, một số tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ Việt Nam cũng được dịch ra các thứ tiếng và gửi ra các nước. Nhiều bộ phim truyện và phim tài liệu Việt Nam có giá trị cũng được giới thiệu ở các liên hoan phim quốc tế và được chiếu ở nhiều nước. Các cuộc triển lãm mỹ thuật Việt Nam được tổ chức ở thủ đô nhiều nước bạn. Do sự nhiệt tình của nhiều tổ chức và đoàn thể ở các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là ở Liên Xô (như Hội Nhà văn Liên Xô, các Hội nghệ thuật, một số tạp chí, nhà xuất bản, …), nhiều hoạt động văn hoá đã được tổ chức để giới thiệu văn hoá, nghệ thuật Việt Nam.
Thực ra, do phương tiện thiếu thốn và hoàn cảnh không thuận lợi, những hoạt động giới thiệu văn hoá Việt Nam sang các nước bạn chưa làm được bao nhiêu. Tuy vậy, chúng ta lấy làm sung sướng nhận thấy rằng, những hoạt động còn ít ỏi đó đã giúp cho các bạn hiểu được chừng nào giá trị nghệ thuật và nhân bản của một số tác phẩm cổ điển lớn của Việt Nam như Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương, một số tiểu thuyết về cuộc sống mới ở Việt Nam, thơ ca hiện đại Việt Nam mà tiêu biểu là thơ của Tố Hữu, nhà thơ hiện đại lớn nhất đã kết hợp một cách nhuần nhị tính chất trữ tình của dân tộc và tính chiến đấu anh hùng của giai cấp vô sản.
Các bạn nước ngoài cũng đã tiếp xúc với tiếng đàn bầu, đàn nguyệt Việt Nam độc đáo, tiếng sáo Mèo, tiếng cồng và đàn T’rưng Tây Nguyên và các điệu múa dân gian các dân tộc ít người, thưởng thức tranh sơn mài và tranh lụa, những bức tượng Phật và La Hán ở các đình chùa, là những tinh hoa cổ truyền của đất nước Việt Nam đa dân tộc. Các viện bảo tàng Lịch sử, bảo tàng Cách mạng và bảo tàng Mỹ thuật, trong vòng 20 năm qua đã tiếp đón hơn 8000 đoàn khách nước ngoài đến tham quan.
Chúng ta vô cùng biết ơn các đồng chí ở các nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè trên thế giới đã đánh giá cao những phẩm chất và tinh thần của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống đế quốc dài 30 năm, coi như những giá trị văn hoá về một lối sống tốt đẹp, cao cả, thể hiện đúng tinh thần nhân đạo cộng sản chủ nghĩa. Đồng chí Xê-mê-nốp, trong bài viết về lối sống của người Xô-viết đã nhận xét : “Trong chủ nghĩa tư bản, nhiều người có được những điều kiện sống đầy đủ, song lối sống của họ vẫn là lối sống tư sản, bởi vì lối sống đó được quyết định bởi các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa thống trị. Trong khi đó nhân dân lao động nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chẳng hạn, có những điều kiện sống vật chất chưa cao lắm, nhưng họ có một lối sống rất cao, lối sống đó vốn là lối sống xã hội chủ nghĩa, đã được xây dựng trên cơ sở chế độ sở hữu công cộng và về nguyên tắc, hơn hẳn lối sống tư bản” (Tạp chí Kiến trúc).
Còn nhà báo Liên Xô A-pha-na-xi-i-ép viết trong báo Sự thật số 20-4-1972 : “Trên thế gian này có rất nhiều con đường, nhưng đây là con đường loại đặc biệt, con đường số một, con đường chính của Việt Nam”. Nữ văn sĩ Bun-ga-ri Đi-mi-tơ-rô-va thì nói : “Tiếng nói của Việt Nam nghe được khắp mọi nơi trên trái đất này. Đó là tiếng nói của lương tâm thanh thản … Trên đất nước Việt Nam này không thể nào kể hết những chuyện thần thoại. Những sự kiện lịch sử ở đây biến thành huyền thoại và huyền thoại lại biến thành lịch sử” (Ngày phán xử cuối cùng, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1973).
Chúng ta có thể kéo dài bản danh sách những lời ca ngợi như vậy, không chỉ của những văn nghệ sĩ, những ký giả và những nhà chính trị của các nước xã hội chủ nghĩa, mà còn của cả bạn bè khắp thế giới. Chị Xa-ra Líp-man, nhà văn Thuỵ Điển cho rằng “Việt Nam làm trong sáng và thức tỉnh lương tâm các dân tộc”, hay câu nói của danh hoạ Pháp Pi-ca-xô : “Đó là một dân tộc của những hiệp sĩ”.
Ngọn nguồn của nghệ thuật là quê hương, là nhân dân nước mình, là tiếng mẹ đẻ của mình. Nhưng nhận thức của nghệ sĩ chân chính hôm nay còn vươn xa ra ngoài biên giới của đất nước mình. Tất cả những gì có quan hệ đến số phận của con người, của các dân tộc, nhất là các dân tộc đang đấu tranh cho nền độc lập tự do của mình đều có thể xúc động con tim, khối óc của nghệ sĩ. Nghĩ như vậy, nhiều và ngày càng có nhiều nghệ sĩ thế giới, trong số đó có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đã lấy đề tài Việt Nam chiến đấu và xây dựng để cảm hứng và sáng tạo.
Chúng ta lấy làm tự hào về những giá trị văn hoá này, rút ra từ cuộc sống ở Việt Nam đã cung cấp cho văn hoá thế giới tiến bộ một đề tài sáng tác làm nảy sinh ra hàng loạt những tác phẩm nghệ thuật có giá trị về đề tài Việt Nam chiến đấu chống Mỹ. Chỉ xin nêu lên một số ít trong hàng nghìn tác phẩm “văn nghệ quốc tế” đó : Liên Xô có tập thơ “Sức mạnh Việt Nam” của Pa-ven An-tô-côn-xki, “Thử sờ quả bom” của I-ri-na Lép-tsen-cô, vở kịch “Hai bước cách xích đạo” của I. Ku-pô-ri-a-nốp, bộ phim “Việt Nam trên đường thắng lợi” của Các-men, nhạc của Phê-rê, v.v… Ba Lan có tập bút ký của Mô-ni-ca Vác-nen-xkai-a ; Bun-ga-ri có “Ngày phán xử cuối cùng”, các tập phóng sự và thơ của B. Đi-mi-tơ-rô-va ; Cộng hoà Dân chủ Đức có tập bút ký của Cuốc Xtéc-nơ và Gian Xtéc-nơ, kịch “Việt Nam” của Pi-tơ Vai-xơ, bộ phim “Phi công mặc áo ngủ” của Hây-nôt-xki và Su-man ; Ru-ma-ni có bộ phim “Việt Nam – tháng Tư năm Ất Mão” của Ê-vê-rét, thơ của Rô-đri-ghết. Các văn nghệ sĩ tiến bộ các nước phương Tây cũng có không ít những tác phẩm viết về Việt Nam và có thể kể đến các tập phóng sự của Ma-đơ-len Ri-phô (Pháp), của Mi-sen Ray (Pháp), tập bút ký của Ma-ri Mác Các-ty (Mỹ), các bài hát của Pi-tơ Si-gơ (Mỹ), các bài hát của Vích-to Ha-ra (Chi Lê), các tác phẩm của các nghệ sĩ Thuỵ Điển, An-giê-ri, Hà Lan, Anh. Nhiều bộ phim của nhiều nghệ sĩ trên thế giới đã quy về Chủ tịch Hồ Chí Minh … và nhiều tranh tượng của các hoạ sĩ Liên Xô, Cu Ba, Hung-ga-ri, Ý, Mê-hi-cô, Na Uy, Mỹ, v.v… đã sáng tác về Hồ Chủ tịch.
Những tác phẩm trên, với tinh thần chiến đấu nồng nhiệt và sức thuyết phục nghệ thuật cao đã đem lại cho thế giới một niềm cảm xúc mới mẻ về một đề tài hết sức phong phú đã giới thiệu Việt Nam cùng thế giới, làm cho nhân loại càng hiểu và có cảm tình với cuộc chiến đấu của Việt Nam.
Những sự kiện văn hoá kể trên có thể được coi là những đóng góp về nội dung văn hoá và nghệ thuật của Việt Nam cho nền văn hoá thế giới tiến bộ hôm nay.
Trong việc giao lưu và trao đổi văn hoá trên cả hai chiều : học tập và đóng góp ; do hoàn cảnh khó khăn, cho đến nay, các hoạt động giao lưu văn hoá giữa Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa chưa phải đã phát triển đến mức mong muốn. Tuy vậy, sự giao lưu đó đã đem lại cho văn hoá Việt Nam những yếu tố mới mẻ và phong phú. Những yếu tố ấy một mặt đã kết hợp nâng cao các di sản văn hoá nghệ thuật dân tộc, làm cho các truyền thống cổ truyền vừa giữ được cốt cách dân tộc vừa không ngừng đổi mới, tạo nên những cái đẹp mới vừa có tính chất dân tộc mà hiện đại, mặt khác đã xuất hiện những hình thức mới mẻ, được dân tộc hoá, làm cho nền nghệ thuật, văn hoá Việt Nam được giàu có thêm rất nhiều và do đó mà càng gần gũi với các nền văn hoá ưu tú khác của thế giới.
Mặt khác, chính những tác phẩm ưu tú của các nước bạn và của thế giới cũng đã trực tiếp góp phần giáo dục và nâng cao đời sống tinh thần của công chúng, của độc giả, khán giả Việt Nam, góp phần làm nảy sinh những yêu cầu thẩm mỹ mới, đạo đức và lối sống mới của con người mới Việt Nam.
Để các nền văn hoá xã hội chủ nghĩa ngày càng xích lại gần nhau, làm phong phú cho nhau, tiến đến hình thành một mặt trận văn hoá xã hội chủ nghĩa rộng lớn, có tính quốc tế và đặc điểm dân tộc, mỗi một nước xã hội chủ nghĩa phải bảo vệ lấy nền văn hoá của mình, bảo đảm cho sự phát triển đúng hướng của một nền văn hoá xã hội chủ nghĩa, trong sự giao lưu và tác động tích cực với các nền văn hoá xã hội chủ nghĩa chân chính khác và chống lại mọi thứ văn hoá tư sản phản động.
Mỗi nền văn hoá xã hội chủ nghĩa chân chính mang tính chất nhân đạo xã hội chủ nghĩa sâu sắc nhất, nó không thể dung nạp những tư tưởng bất bình đẳng và áp bức, khinh thường các dân tộc, xoá bỏ các đặc điểm dân tộc để thay vào đó một thứ chủ nghĩa thế giới kiểu hư vô ; mặt khác, nó không thể dung túng tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tư tưởng phong kiến, tư sản và thực dân cũ hay mới có thể len lỏi vào phá hoại hệ tư tưởng Mác – Lê-nin, làm cho trắng đen lẫn lộn.
Kinh nghiệm của việc xây dựng văn hoá ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa đã chỉ ra rằng muốn bảo vệ sự chân chính của nền văn hoá xã hội chủ nghĩa, không thể không tiến hành đấu tranh kiên quyết chống những khuynh hướng sai lầm nảy sinh nội bộ của từng nước hoặc là những sai lầm từ các nước khác đưa lại.
Ở những nước đang phát triển còn nhiều tàn dư của nền sản xuất nhỏ, hoặc có những vùng mới giải phóng khỏi ách áp bức của bọn thực dân và phong kiến, chủ nghĩa xã hội còn phải đấu tranh nhiều với các tàn dư văn hoá phong kiến, tư sản phản động, …
Ở miền Nam Việt Nam, mọi âm mưu văn hoá thực dân mới do Mỹ để lại, tuy đã bị đập tan trước sự tấn công của tư tưởng Mác – Lê-nin và nền văn hoá mới, vẫn còn dai dẳng ẩn núp gây nên bao nhiêu tác hại trong nhân dân, nhất là trong thanh niên chậm tiến ở các vùng đô thị. Lối sống tiêu thụ kiểu Mỹ, với những thị hiếu thẩm mỹ lạc hậu, thậm chí sa đoạ còn là sự thèm muốn của một số người vùng mới giải phóng chưa giác ngộ cách mạng. Bên cạnh những nọc độc của thứ văn hoá thực dân mới này, trên đất nước chúng ta vẫn còn rơi rớt tàn dư của văn hoá phong kiến, tư sản và tiểu tư sản, biểu hiện trong lối suy nghĩ, lối sống, sinh hoạt và tác phong lao động của một nền sản xuất nhỏ. Mặc dù chúng ta đã đạt được những thành tích văn hoá đáng kể ở miền Nam, cuộc đấu tranh quét sạch các tàn dư văn hoá này không phải dễ dàng và hoàn thành được trong một thời gian ngắn. Cách mạng tư tưởng và văn hoá ở đây chỉ có thể tiến hành đồng thời với hai cuộc cách mạng về quan hệ sản xuất và cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, với việc cải tạo xã hội chủ nghĩa nền sản xuất của đất nước. Chúng tôi nghĩ rằng, mục tiêu của cách mạng văn hoá là xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, con người có văn hoá cao, những con người mới đó không chỉ là kết quả riêng của cách mạng tư tưởng và văn hoá, mà còn là sản phẩm của cả ba cuộc cách mạng. Tuy vậy, có nhất thiết phải bó tay chờ đợi hoàn thành cả ba cuộc cách mạng, mới xây dựng được con người mới xã hội chủ nghĩa ?
Chúng tôi cho rằng, trong điều kiện đất nước chúng ta hiện nay, khi nền kinh tế phổ biến là sản xuất nhỏ đang trong quá trình tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa thì việc xây dựng nền văn hoá xã hội chủ nghĩa phải vừa là một mục tiêu của cách mạng xã hội chủ nghĩa, vừa là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Lẽ tất nhiên, chúng ta không thể xây dựng đầy đủ một nền văn hoá cao, xã hội chủ nghĩa, chỉ với ý chí và lòng tin. Chúng ta phải xây dựng kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, phát triển khoa học, xây dựng cơ sở kỹ thuật. Nhưng chúng ta phải quan niệm rằng, công tác tư tưởng, việc bảo vệ tư tưởng Mác – Lê-nin chống mọi kẻ thù dù từ ở đâu đến, văn hoá luôn luôn là nhiệm vụ hàng đầu.
Để bảo vệ nền văn hoá của mình, tất cả các nước xã hội chủ nghĩa anh em cần phải xiết chặt hàng ngũ để đấu tranh chống những âm mưu chia rẽ, phá hoại của bọn đế quốc và bọn phản động quốc tế. Đó là vấn đề lương tâm và chính nghĩa, và rút cục, đó cũng là vấn đề tự bảo vệ chính bản thân mình. Vì khi nền văn hoá chung của chúng ta bị tổn thương thì mỗi một bộ phận của cộng đồng xã hội chủ nghĩa, mỗi nền văn hoá xã hội chủ nghĩa nhất thiết phải chịu những ảnh hưởng tai hại.
Cũng trong mục tiêu bảo vệ nền văn hoá xã hội chủ nghĩa nói chung, chúng tôi nghĩ rằng các nước sẽ hết sức ủng hộ và cổ vũ lẫn nhau trong việc truyền bá những thành tựu của từng nước, coi đó như những thành tựu của chính bản thân mình.
Sự đồng tâm nhất trí biểu thị bằng thái độ và hành động thống nhất về mặt tư tưởng và quan điểm là sự bảo đảm chắc chắn nhất cho quá trình xích gần nhau và làm phong phú lẫn nhau về văn hoá và về những mặt khác của các nước xã hội chủ nghĩa, tạo nên sức mạnh cho các nước xã hội chủ nghĩa nhằm chống lại một cách có hiệu lực mọi âm mưu đen tối phản văn hoá và xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lê-nin.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét