Thứ Hai, 20 tháng 4, 2020

Những bài viết tiêu biểu về nhà văn Trần Độ



Thạc sĩ Ngữ văn Đinh Thị Thanh Huyền

Trước hết là một số tư liệu phỏng vấn của nhà văn Võ Bá Cường với một số nhà lãnh đạo cấp cao về Trần Độ đã được ghi lại.


Cuộc tiếp xúc của Võ Bá Cường với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vào sáng ngày 27/7/2006, với Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào ngày 2 tháng 5 năm 2007 và với Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào ngày 12 tháng 7 năm 2006. Với cài nhìn trung thực, khách quan xen lẫn niềm tự hào, khâm phục, các tác giả đều đã ghi nhận những đóng góp to lớn của Trần Độ đối với đất nước.

Nhóm tư liệu thứ hai là những cuộc tiếp xúc trực tiếp của tác giả luận văn với một số nhân vật cùng thời có liên quan đến Trần Độ như Phó Giáo sư - TSKH Nguyễn Nghĩa Trọng, Nhà văn Tô Đức Chiêu và gia đình nhà văn Trần Độ. Cảm mến con người và nhân cách của Trần Độ, tác giả Nguyễn Nghĩa Trọng, Tô Đức Chiêu đã khẳng định những cống hiến to lớn của ông cho đất nước nói chung, lĩnh vực văn hóa văn nghệ nói riêng. Mặc dù ở những góc độ khác nhau nhưng các tác giả đều nhấn mạnh vai trò tiên phong của Trần Độ trong phong trào đổi mới đất nước trong đó có văn học nghệ thuật.

Bên cạnh những tư liệu phỏng vấn còn có khá nhiều bài viết của các tác giả đương thời và những thế hệ sau này khi được đọc di cảo, được nghe, kể về Trần Độ. Trong số đó phải kể đến một số tác giả: Nhà báo, Nhà văn, đại tá Nguyễn Trần Thiết, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hạnh, Ông Nghiêm Hà - thư kí của Trần Độ, Tiến sĩ Tô Văn Trường. Và hàng loạt các trang viết của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo như Võ Bá Cường, Tô Đức Chiêu, Nguyên Ngọc, Tô Nhuận Vỹ, Phạm Đình Trọng, Trần Nhương, Xuân Ba, Minh Diện, Võ Thị Hảo v.v… Và một số bức tranh kí họa chân dung Trần Độ của các họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Lê Lam, Huỳnh Phương Đông… Trong phạm vi của luận văn, chúng tôi chỉ khái quát những ý kiến đánh giá, nhận định của một số tác giả và những bài viết tiêu biểu về Trần Độ:

Trước tiên là bài viết về Trần Độ của Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hạnh, nguyên Phó trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục với tiêu đề “Anh Chín”. Là một người bạn của Trần Độ từ những năm 80 của thế kỉ hai mươi, về tình cảm, quan điểm cũng như tư tưởng Trần Độ và Nguyễn Văn Hạnh luôn có sự tương đồng, gắn bó. Nhìn nhận về con người và hoạt động của Trần Độ từ góc độ của một người bạn từng nhiều năm cùng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, Nguyễn Văn Hạnh thấy Trần Độ là một “tụ điểm của đời sống”. Đó là những con người có sức sống mạnh mẽ, có khả năng hoàn thành những công việc lớn, âm thầm hoặc vang dội, có sức lôi cuốn, kích thích những người xung quanh sống và làm việc năng nổ sáng tạo.

Sau nữa là bài viết của Tiến sĩ Tô văn Trường về Trần Độ trên trang trandotacpham.blogspot.com năm 2013 với tiêu đề “Bản lĩnh Trần Độ”. Tác giả Tô văn Trường đã viết: “Danh tướng ở nước ta có nhiều, nhưng là tướng tài, “văn –võ song toàn” như ông Trần Độ rất hiếm. Ông được người đời mến mộ bởi tâm sáng, chí cao, bản lĩnh phi thường, lập trường kiên định”. Qua bài viết, tác giả đã khái quát về cuộc đời và nêu bật được bản lĩnh phi thường cùng phẩm chất cao đẹp của danh tướng Trần Độ.

Trong những bài viết về Trần Độ không thể không nhắc đến những trang viết của nhà văn Võ Bá Cường. Dưới con mắt của Bá Cường, Trần Độ là một con người ông ngưỡng mộ từ lâu. Với tư cách nhà văn, Võ Bá Cường đã tự nguyện dấn thân kiên trì và dũng cảm làm công việc sưu tầm tư liệu, gặp gỡ các nhân chứng còn sống ở khắp miền đất nước, xuất bản sách để dư luận hiểu rõ về phẩm chất cao đẹp, sáng ngời chính nghĩa của Trần Độ. Mặc dù tác giả ít được gặp Trần Độ nhưng ấn tượng của Võ Bá Cường về những trang văn của Trần Độ vẫn khá sâu sắc. Võ Bá Cường đã có những nhận xét khá thấu đáo về con người và văn chương Trần Độ.

Như vậy, viết về con người, nhân cách Trần Độ có khá nhiều tác giả. Mỗi người có một ấn tượng riêng về ông. Chúng tôi chỉ tập trung vào một số bài tiêu biểu. Song, qua khảo sát tài liệu trên, chúng tôi có thể thâu tóm như sau: Cuộc đời hoạt động cách mạng, văn hóa văn nghệ gần sáu chục năm, với nhiều trọng trách khác nhau, không ít sóng gió, Trần Độ có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng đất nước và công cuộc đổi mới, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Với nghiệp văn ông là cây bút tiên phong, trong lối sống đời thường, ông là người lính, người chỉ huy giản dị, nhân hậu.

Ông là một tướng tài có lương tri người cầm bút. Nhưng có lẽ vì thế, cuộc đời ông đã có lúc cũng không tránh khỏi những gian nan, nhưng sự cống hiến của ông là to lớn cho nhân dân và đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét