I. Quan hệ giữa
văn hoá và kinh tế
Trong những năm gần đây, những vấn đề kinh tế trong văn
hoá, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, được đặt ra một cách bức thiết, đặc biệt
là sau Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Muốn giải đáp được rõ ràng những vấn đề kinh tế trong
văn hoá, cần có sự nhất trí về mối quan hệ giữa kinh tế và văn hoá trên cơ sở một
quan niệm đúng đắn, đầy đủ về văn hoá.
Văn hoá là tổng hợp những giá trị vật chất và tinh thần,
do con người sáng tạo ra và được tích luỹ, trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ
khác, suốt dòng phát triển của lịch sử loài người. Hoạt động của con người tạo
ra những giá trị văn hoá đó, cũng là một hiện tượng văn hoá. Và con người, chủ
thể của mọi hoạt động văn hoá, cũng là một sản phẩm của văn hoá, là đối tượng
phải hướng tới của mọi hoạt động văn hoá.
Như vậy, bản chất văn hoá là con người, là sự tiến bộ,
hoàn thiện của con người, thiếu văn hoá cũng đồng nghĩa với thiếu tính người. Nói
rộng ra và đúng đắn hơn, con người phải là đối tượng phục vụ, là đối tượng phải
hướng tới của mọi hoạt động xã hội, kể cả kinh tế, chứ không phải riêng gì hoạt
động văn hoá.
Sự phát triển văn hoá được quyết định bởi những điều
kiện vật chất của đời sống xã hội, và do đó, lĩnh vực sản xuất của cải vật chất
là rất quan trọng trong mọi xã hội. Nhưng không phải chỉ cần có của cải vật chất
dồi dào là sẽ có được hạnh phúc của con người trong một xã hội lý tưởng.
“Nếu chúng ta không tạo ra nhu cầu một cuộc sống tinh
thần cao cả, nếu cuộc sống và lao động không được chói sáng bởi những lý tưởng
cao quý, thì có thể xảy ra khả năng một số người tự đóng khung mình trong thế
giới hạn hẹp của những lo lắng vị kỷ, trong khi mức sống vật chất tăng lên không
ngừng. Tiện nghi vật chất lúc đó có thể chuyển ngược lại, từ cơ sở của sự phát
triển tinh thần, trở thành một sức mạnh bóp méo nhân tính, khiến con người tách
rời những chân giá trị của cuộc sống” (Ma-se-rốp “Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô
lần thứ XXV và các vấn đề thời sự của giáo dục cộng sản chủ nghĩa đối với thanh
niên”. Nxb Mát-xcơ-va, 1976, tr. 40). Đó là ý kiến được chấp nhận phổ biến ở Liên
Xô.
Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra vấn đề đường lối “tiến hành
đồng thời ba cuộc cách mạng” để thực hiện các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là
nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, nền văn hoá mới và con người mới xã hội chủ
nghĩa, nêu lên nhiệm vụ trung tâm của cách mạng tư tưởng và văn hoá là xây dựng
con người mới xã hội chủ nghĩa, lại nêu khẩu hiệu chiến lược : Vì Tổ quốc xã hội
chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân. Như vậy, quan điểm của Đảng ta về văn hoá
cũng là văn hoá là con người, vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển của từng
con người. Như vậy văn hoá hoàn toàn không phải chỉ là một cái gì phụ thuộc vào
kinh tế, theo sau kinh tế và chỉ là kết quả thụ động của sự phát triển kinh tế.
Văn hoá không phải là cái gì để trang trí đời sống, có cũng được, không có cũng
chẳng sao.
Trong hoạt động thực tiễn, có nhiều hoạt động văn hoá
có nhiệm vụ trực tiếp cổ vũ cho việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế. Vì vậy có
người chỉ thấy có khía cạnh phục vụ đó và chỉ thấy văn hoá là phương tiện, là công
cụ cho kinh tế, cho chính trị. Thật ra, văn hoá có vai trò chủ động và quan trọng
của nó trong phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. Văn hoá xây dựng và bồi dưỡng
con người, làm cho mọi con người nâng cao kiến thức, kỹ năng, thể lực, nhiệt tình
và sự khéo léo trong lao động, nâng cao năng lực làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa,
nó là động lực cho sự tăng năng suất, phát triển sản xuất và phát triển xã hội.
Văn hoá hướng vào việc xây dựng những con người phát triển toàn diện và hài hoà
để tạo ra một cộng đồng những con người mới xã hội chủ nghĩa, tạo ra một xã hội
văn hoá cao, một đời sống tươi vui, hạnh phúc cho nhân dân, văn hoá còn là mục
tiêu của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, chúng ta thường hay nhắc một
ý kiến rất biện chứng và sâu sắc của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn là : văn hoá
vừa là phương tiện, vừa là động lực, vừa là mục đích của cách mạng xã hội chủ
nghĩa.
Văn hoá với quan niệm đầy đủ như vậy, có mặt trong mọi
ngóc ngách của đời sống xã hội. Các hoạt động văn hoá phục vụ các nhiệm vụ kinh
tế, các hoạt động kinh tế lại phải có văn hoá, góp phần xây dựng văn hoá (hay nói
cách khác phải phục vụ văn hoá).
Như vậy, quan hệ giữa văn hoá và kinh tế là quan hệ biện
chứng tích cực, quan hệ trong một mục đích chính trị chung là xây dựng con người,
phục vụ hạnh phúc của con người. Kinh tế nhằm mục đích xã hội chủ nghĩa cũng phải
có văn hoá, phải tạo điều kiện cho văn hoá phát triển. Không phải chỉ có sức mạnh
kinh tế tạo ra văn hoá, mà văn hoá có sức mạnh riêng, sức mạnh ấy thúc đẩy sức
mạnh kinh tế, tổng hợp với sức mạnh kinh tế mà tạo ra sức mạnh của cuộc sống một
xã hội, một dân tộc.
II. Vấn đề kinh tế trong văn hoá
Mọi hoạt động văn hoá - nghệ thuật đều ít nhiều có ý
nghĩa kinh tế và đặt ra các vấn đề kinh tế cần được cân nhắc và giải quyết, bởi
lẽ mọi dạng hoạt động văn hoá - nghệ thuật đều đòi hỏi một cơ sở vật chất kỹ
thuật nhất định, đều đòi hỏi có sự tham gia của ít hay nhiều người. Nói như Lê-nin
: “cuộc cách mạng văn hoá đối với chúng ta có những khó khăn không thể tưởng tượng
được, về mặt văn hoá cũng như về mặt vật chất (bởi lẽ muốn trở thành những con
người có văn hoá, thì các tư liệu vật chất của sản xuất phải có một sự phát triển nhất định, phải có một cơ
sở vật chất nhất định)” (V.I Lê-nin. Toàn tập, Nxb Tiến bộ Mát-xcơ-va, 1978, tập
45, tr.429).
Ý nghĩa kinh tế đó càng lớn, các vấn đề kinh tế đặt ra
càng phức tạp, khi những hình thức hoạt động văn hoá – nghệ thuật sử dụng những
phương tiện kỹ thuật hùng hậu và hiện đại và hướng tới một công chúng đông đảo
hàng triệu người.
Hiện nay, khi những quy mô hoạt động văn hoá ngày càng
lớn, đụng đến nhiều vấn đề vật tư, kỹ thuật, đầu tư, chi, thu lớn, mặt kinh tế
trong các hoạt động văn hoá có vẻ nổi bật lên, thì trong chúng ta có người nghĩ
rằng “có một nền kinh tế văn hoá”. Phải nói ngay rằng đó là một ý kiến không đúng.
Nếu khẳng định như vậy thì tức là không có vấn đề văn hoá với nhiệm vụ và mục
tiêu của nó, mà các hoạt động văn hoá chỉ còn là hoạt động kinh tế, văn hoá ấy
cũng là một ngành kinh tế, như kinh tế nông nghiệp, kinh tế thủ công nghiệp và
nó chỉ có nhiệm vụ kinh tế mà thôi. Đây là một sự lầm lẫn không thể chấp nhận được.
Nếu theo ý kiến này thì mọi hoạt động văn hoá, mọi hoạt động nghệ thuật đều phải
nhằm kinh doanh thu lãi và phải tìm mọi cách thu lãi và thu lãi càng lớn càng tốt,
là hoàn thành nhiệm vụ tốt (?). Cũng theo ý kiến này, nhiều địa phương khi xây
dựng các công trình văn hoá thì đặt mục tiêu kinh tế lên hàng đầu, chọn công trình
nào có thể có hoạt động thu hồi vốn nhanh và mau có lãi, chứ không xem xét đến
nhiệm vụ chính trị của các thiết chế văn hoá là nâng cao đời sống văn hoá cho
nhân dân. Có địa phương ra quyết định chính thức trao chỉ tiêu nộp ngân sách
cho một thiết chế văn hoá (nhà văn hoá) như là một trong những nhiệm vụ chủ yếu
của nó. Và cũng do ảnh hưởng của ý kiến này, mà có lúc các cơ quan có thẩm quyền
trao chỉ tiêu chi thu tài chính cho các đơn vị nghệ thuật như trao chỉ tiêu cho
một đơn vị kinh doanh, điều đó dẫn đến tình trạng có Giám đốc nhà hát, Trưởng đoàn
nghệ thuật khi đi tìm tiết mục cho đơn vị mình chỉ đề ra có một yêu cầu : “ăn
khách”, bán được nhiều vé, còn không cần xem xét gì đến yêu cầu tư tưởng, yêu cầu
nghệ thuật. Và vì thế có một hồi chúng ta đã phải sôi nổi báo động, phê phán,
ngăn chặn một hiện tượng gọi là “nghệ thuật thương mại”. Thật ra hiện tượng thương
mại có nhiều khía cạnh cần phân tích. Ở đây chỉ đề cập tới khía cạnh “ý kiến
kinh tế” mà thôi.
Có một loại ý kiến cực đoan khác : là không có vấn đề
kinh tế trong văn hoá. Văn hoá là văn hoá, bất cứ một hoạt động văn hoá – nghệ
thuật nào đều không có vấn đề kinh doanh, không có vấn đề tính toán lỗ lãi.
Trong hoạt động văn hoá chỉ có vấn đề yêu cầu chính trị, tư tưởng là quan trọng
nhất, “lãi” duy nhất và chủ yếu của hoạt động văn hoá là “lãi về chính trị, về
tư tưởng”. Ý kiến này thường dẫn đến một phương châm là phải hoạt động, phải tạo
ra cho kỳ được một sự kiện văn hoá, theo yêu cầu chính trị với “bất cứ giá nào”
– có thể gọi là xu hướng “bất cứ giá nào”.
Xu hướng này sẽ dẫn đến tình trạng quan liêu, bao cấp
tràn lan, lãng phí ghê gớm trong hoạt động văn hoá, hoặc là đến chỗ bế tắc do
không có cơ sở vật chất và kinh phí, nên không thể nào thực hiện được bất cứ một
loại hoạt động văn hoá nào. Xu hướng này không cần biết đến chuyện tính toán tiền
nong, chỉ chờ cấp phát, nên cũng chẳng quan tâm đúng mức đến công chúng. Chúng
ta cho rằng, hoạt động văn hoá – nghệ thuật ở cấp trung ương cũng như địa phương
cần được tiến hành một cách có kế hoạch, theo một trình tự ưu tiên rõ ràng, được
các giới lãnh đạo và bản thân các văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hoá bàn bạc
kỹ, có tính toán khoa học, có tính toán cả về mặt kinh tế.
Qua những phân tích như trên, chúng tôi đi đến một ý
kiến khẳng định là có “những vấn đề kinh tế trong văn hoá”. Nói “những vấn đề
kinh tế trong văn hoá” là vì có nhiều loại vấn đề kinh tế đặt ra khác nhau
trong các dạng hoạt động văn hoá, ở các cấp văn hoá khác nhau. Ở mỗi dạng và mỗi
cấp, cách giải quyết vấn đề kinh tế một khác.
Hướng để giải quyết các vấn đề kinh tế trong văn hoá là
ở chỗ tạo nguồn vốn và phát triển vốn để bảo đảm cơ sở vật chất kỹ thuật và
kinh phí cho hoạt động văn hoá, chứ không phải nhằm kinh doanh có lãi. Các hoạt
động văn hoá hiện nay đều yêu cầu cơ sở vật chất kỹ thuật ngày càng lớn và càng
cao. Nên mỗi hoạt động văn hoá đều phải đạt được cả hai mặt hiệu quả : hiệu quả
xã hội và hiệu quả kinh tế. Hiệu quả xã hội là hiệu quả của sự tác động vào tư
tưởng, tình cảm và đời sống tinh thần của nhân dân. Hiệu quả kinh tế là hiệu quả
của việc sử dụng ở mức độ ngày càng cao các cơ sở vật chất kỹ thuật và kinh phí,
hiệu quả của việc tự mình phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật để cho hoạt động văn
hoá có hiệu quả xã hội ngày càng cao hơn, rộng hơn và sâu hơn. Những chỉ tiêu
kinh tế đạt được của các cơ sở hoạt động văn hoá chỉ là những chỉ tiêu chứng
minh mặt số lượng của hiệu quả xã hội do cơ sở hoạt động văn hoá tạo nên chứ không
thể là những chỉ tiêu cứu cánh của nó, không thể là chỉ tiêu duy nhất hoặc chủ
yếu để đánh giá hoạt động của cơ sở.
III. Nội dung
vấn đề kinh tế trong hoạt động văn hoá – nghệ thuật
Mọi hoạt động văn hoá, dù là với quy mô nhỏ, địa phương,
chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp đều đòi hỏi vật tư, kỹ thuật, sự tham dự
của một số ít hay nhiều người. Mọi hoạt động văn hoá đều đòi hỏi kinh phí và
kinh phí đó phải được tính toán, đối chiếu với hiệu quả. Kinh phí bỏ ra càng lớn
thì yêu cầu tính toán kinh tế càng phải cụ thể, chính xác, có luận chứng khoa học.
Không phải ngẫu nhiên mà những ngành hoạt động văn hoá lớn, như điện ảnh, đều đã
sớm phải có một số cán bộ kinh tế chuyên trách, được đào tạo có hệ thống ở nước
ngoài. Rõ ràng chúng ta cần đi sâu nghiên cứu các vấn đề kinh tế trong văn hoá –
nghệ thuật.
Chú ý đầy đủ ý nghĩa kinh tế trong hoạt động văn hoá -
nghệ thuật có nghĩa là phải :
a) Sử dụng một cách tiết kiệm nhất, hợp lý nhất mọi phương
tiện, mọi cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện có,
b) Tận thu mọi nguồn thu có khả năng, không để thất
thu,
c) Chi những mục cần phải chi, với tinh thần tiết kiệm
; tiết kiệm phải được mọi ngành, mọi cán bộ quán triệt như là một quốc sách,
d) Xác định rõ ràng, một cách có cơ sở khoa học những
cơ sở nào hoạt động phải có lãi, những cơ sở nào Nhà nước phải bù lỗ một phần
hay toàn bộ, những cơ sở nào Nhà nước chỉ phải tài trợ một số vốn ban đầu, sau đó
nó phải hoạt động có hạch toán, v.v…
Trong thời gian gần đây, việc xuất bản nhiều sách hay
về văn học, các lịch đẹp và sự xuất hiện một số vở kịch thành công như “Nhân
danh công lý”, “Tôi và chúng ta” … đã cho chúng ta thấy một tình hình là các tác
phẩm nghệ thuật và sản phẩm văn học có chất lượng cao có khả năng tạo ra hiệu
quả kinh tế lớn. Và hiệu quả kinh tế là sự chứng minh trình độ của hiệu quả xã
hội. Chúng ta phải làm sao cho hai mặt hiệu quả phát triển theo tỷ lệ thuận : có
vốn tốt tạo điều kiện có sản phẩm hay, sản phẩm hay đáp ứng tốt nhu cầu và thị
hiếu của nhân dân, tạo nguồn thu lớn. Không nên để nó phát triển theo tỷ lệ nghịch
: tác phẩm hay, sản phẩm càng đắt tiền thì càng lỗ to. Tác phẩm rẻ tiền, nhiều điều
dở, điều xấu lại tạo nguồn thu lớn.
Tất nhiên, chúng ta không thể đề ra một phương châm
chung là mọi hoạt động văn hoá – văn nghệ, mọi đơn vị và cơ sở hoạt động văn hoá
– văn nghệ đều phải có lãi, đều phải thăng bằng thu chi. Một quyết định như vậy
cũng là quan liêu và thiếu thực tế. Chúng ta không thể từ cực đoan quan liêu
bao cấp chuyển ngoặt sang rơi vào cực đoan khác coi nhẹ, thậm chí lãng quên mục
đích cao nhất của mọi hoạt động văn hoá – văn nghệ xã hội chủ nghĩa là cung cấp
những giá trị tinh thần và thẩm mỹ cao đẹp, vượt trên mọi định lượng bằng đồng
tiền, nhằm giúp cho con người mới xã hội chủ nghĩa phát triển toàn diện, hài hoà
và cân đối. Chính sách kinh tế đối với các loại hoạt động văn hoá – văn nghệ, các
cơ sở hoạt động văn hoá – văn nghệ phải là một chính sách có phân biệt đối đãi.
Nội dung của vấn đề kinh tế trong một cơ sở hoạt động
văn hoá hay trong một dạng hoạt động văn hoá buộc ta phải suy nghĩ và tính toán
:
a) Giải quyết các vấn đề vật tư, kỹ thuật, kinh phí hoạt
động bao gồm :
- Vốn để tạo những cơ sở ban đầu,
- Vốn để cho quá trình bảo dưỡng, sửa chữa, bổ sung,
- Kinh phí ban đầu và những kinh phí hoạt động thường
xuyên theo kế hoạch, hoặc đột xuất, bất thường.
b) Phát hiện, tạo ra những hoạt động có thu để đáp ứng
những đòi hỏi về vốn, về kinh phí hoạt động, kinh phí chính sách, tận dụng các
khả năng hoạt động chuyên môn để phát triển nguồn thu, mức thu,
c) Cả hai mặt tạo vốn, chi và thu đều có tính toán, cân
nhắc tìm ra phương thức và mức độ thế nào là hợp lý nhất, là góp phần phát triển
chức năng xã hội của hoạt động văn hoá, không để bị biến dạng hoạt động văn hoá,
d) Cần có những chính sách xã hội đối với văn hoá – nghệ
thuật, cũng như cần có chính sách xã hội đối với giáo dục (sách giáo khoa) và y
tế (thuốc chữa bệnh) mà không quan niệm đó là bao cấp hay bù lỗ.
Chính sách xã hội cần biểu hiện ở hai hình thức :
- Bảo trợ tài chính cho các loại hoạt động nghệ thuật,
không thể thăng bằng chi thu,
- Các cơ quan có yêu cầu thực
hiện đặt hàng cho các cơ sở sản xuất sản phẩm và tác phẩm văn hoá, rồi sử dụng
những hàng đặt đó theo yêu cầu của mình, mà không bắt các cơ sở văn hoá phải
chịu các yêu cầu đó một cách bao cấp.
IV. Phân loại các hoạt động văn hoá dưới góc độ kinh tế
Việc phân loại một cách thích đáng các hoạt động văn
hoá dưới góc độ kinh tế là tiền đề, điều kiện thiết yếu để mỗi cơ sở, mỗi loại
hoạt động văn hoá có hướng đi, cách làm ăn rõ ràng, trước tình trạng bao cấp, bù
lỗ không đúng đắn và khuyến khích tính chủ động, sáng tạo của cơ sở, của mỗi loại
hoạt động văn hoá.
1. Các cơ sở sản xuất các loại vật tư văn hoá, như sản
xuất phim sống, nhạc cụ, máy ampli, son phấn, … nói tóm lại tức là các loại
nguyên liệu, vật tư trực tiếp phục vụ hoạt động biểu diễn và sáng tác văn hoá -
nghệ thuật. Hoạt động này phải có tính chất kinh doanh thực sự.
2. Các cơ sở sản xuất sản phẩm văn hoá nghệ thuật, như
các xí nghiệp ấn loát, xuất bản, sản xuất băng nhạc và đĩa hát, xí nghiệp sản
xuất phim điện ảnh, v.v… Các cơ sở này phải hạch toán kinh tế đầy đủ, làm ăn phải
tính lỗ lãi, tuy nhiên không thể áp dụng nguyên xi các thể chế tài chính như đối
với các cơ sở sản xuất kinh doanh của các ngành kinh tế.
3. Các cơ sở biểu diễn và sáng tạo nghệ thuật, bao gồm
các rạp và đoàn nghệ thuật sân khấu, ca múa nhạc, xiếc, các tạp kỹ. Các loại cơ
sở này cũng có ý nghĩa sản xuất, nhưng là sản xuất sáng tạo, đồng thời có ý nghĩa
dịch vụ.
Có những loại cơ sở sáng tác và biểu diễn một loại hình
nghệ thuật được đông đảo công chúng rất ham thích, có khả năng bán vé thu tiền
lớn như xiếc, cải lương, tạp kỹ, nhạc nhẹ. Có những loại hình nghệ thuật Nhà nước
chủ trương khuyến khích phát triển, có thứ không chủ trương khuyến khích (tuy
không cấm) thứ khác. Đối với các cơ sở này, cần có chính sách tài chính cụ thể để
thực hiện việc khuyến khích và không khuyến khích.
Có những loại cơ sở phụ trách những loại hình nghệ thuật
cao cấp mà việc sáng tác, dàn dựng, đào tạo rất tốn kém, khó khăn, trong khi đó
công chúng chưa quen biết, chưa ham thích (như ô-pê-ra, ba-lê, giao hưởng, tuồng,
chèo, v.v…). Trong số này, có loại nhất thiết phải có, một mặt để làm cho bộ mặt
nghệ thuật đất nước phong phú, mặt khác để chuẩn bị cho những bước phát triển
nghệ thuật cao hơn sau này, thì Nhà nước cần có chính sách tài chính thích hợp.
Cũng có loại tuy có sự cần thiết, nhưng vì nó có những
yêu cầu hết sức cao về kinh tế và kỹ thuật, mà tình trạng kinh tế chung của đất
nước chưa cho phép thì phải cân nhắc, xem có nên lập ra hay không nên lập ra,
chứ dứt khoát không để xảy ra tình trạng “có đẻ mà không có nuôi”.
4. Các cơ sở dịch vụ bảo tồn, bảo tàng, các cơ sở làm
chức năng truyền bá và phổ cập văn hoá, như các viện bảo tàng, nhà triển lãm,
nhà truyền thống, thư viện, v.v… Tuỳ tình hình, các cơ sở này có thể thu một số
khoản lệ phí nhất định, một mặt để đóng góp vào ngân sách văn hoá chung của trung
ương hay địa phương, mặt khác để gây quỹ hoạt động cho mình.
Các Nhà văn hoá ở các cấp làm nhiều chức năng, trong đó
có những chức năng chính như sáng tác, phổ cập, bảo tồn và đào tạo, đồng thời lại
thường đóng vai trò trung tâm xúc tác văn hoá của địa phương và vùng, v.v… Do có
một vai trò nhiều chức năng như vậy cho nên các Nhà văn hoá cần được hưởng một
quy chế tài trợ riêng, do các cấp chính quyền địa phương quyết định, tuỳ theo tình
hình cụ thể.
5. Các cơ sở kinh doanh có tính chất dịch vụ thương nghiệp,
như các loại cửa hàng, cửa hàng sách, văn hoá phẩm, cửa hàng mỹ nghệ, mỹ thuật,
cửa hàng chụp ảnh, cửa hàng sửa chữa các thiết bị văn hoá, v.v… Những cơ sở này
hoạt động theo phương thức thương nghiệp và dịch vụ - nghĩa là buôn bán lấy lãi
và làm thuê lấy công. Có cửa hàng có thể kinh doanh một mặt hàng hoặc nhiều mặt
hàng có tính chất gần nhau. Một cơ sở dịch vụ có thể dịch vụ một thứ hoặc nhiều
thứ tổng hợp. Các cơ sở này phải có lãi và thu nhập đều, nhưng phải coi trọng
chức năng truyền bá văn hoá, các mặt hàng kinh doanh phải bảo đảm tính lành mạnh
và tiến bộ của văn hoá.
6. Các cơ quan nghiên cứu đào tạo, các trường học, các
viện nghiên cứu về văn hoá – nghệ thuật.
Các trường học văn hoá, nghệ
thuật các cấp, các loại là những nơi đào tạo những văn nghệ sĩ có năng khiếu,
những nhà hoạt động và quản lý văn hoá có tài năng, có trình độ. Các viện
nghiên cứu văn hoá các cấp là những nơi tiến hành các công trình nghiên cứu
khoa học, nhằm vào những chủ đề mà nếu giải quyết tốt và thích đáng, sẽ có tác
dụng đẩy mạnh sự phát triển của toàn ngành văn hoá văn nghệ nói chung, hay của
một số ngành, một số địa phương nói riêng.
Các cơ sở này vốn đã có kinh phí theo tiêu chuẩn nhưng
những kinh phí đó thường hết sức hạn chế. Trong khi đó chất xám và sức lao động
của các cơ sở chưa được khai thác nhiều hơn. Ở đây, có thể có hoạt động kinh tế
nhằm phát huy cao hơn nữa trình độ và khả năng chuyên môn của các cơ sở và tăng
cường khả năng tài chính cho các cơ sở.
Do hoạt động văn hoá trong xã hội xã hội chủ nghĩa có
tính đặc thù của nó cho nên các vấn đề kinh tế trong văn hoá xã hội chủ nghĩa
phải được giải quyết theo những nguyên tắc nhất định :
1. Các cơ quan Nhà nước phải là người có trách nhiệm lớn
nhất trong việc đầu tư, bảo trợ, là người bảo trợ hào hiệp nhất cho các hoạt động
văn hoá sáng tạo. Nhà nước có thể huy động sự tham gia đóng góp của nhân dân
theo một thể chế nhất định, hoàn toàn không thể để mặc cho các cơ sở hoạt động
văn hoá tự xoay xở, tự túc trong hoạt động của mình được.
2. Các cơ sở hoạt động văn hoá đều phải có trách nhiệm
về hai mặt hiệu quả của mình là “hiệu quả xã hội” và “hiệu quả kinh tế”. Phải
chú trọng trước hết đến “hiệu quả xã hội”, không hoạt động theo lối chỉ nhằm
“thu càng nhiều lãi càng tốt”, nhưng không bỏ qua một khả năng thu nào và cũng
không hoạt động theo kiểu “bằng bất cứ giá nào”.
3. Mỗi loại hoạt động văn hoá có một khả năng hoạt động
kinh tế khác nhau.
Nhà nước cần xác định các chính sách tài chính một cách
có hệ thống phù hợp với các dạng hoạt động kinh tế trong các loại hoạt động văn
hoá để đảm bảo cả nguyên tắc 1 và nguyên tắc 2. Không thể áp dụng nguyên xi các
thể chế tài chính với cơ sở văn hoá như đối với cơ sở sản xuất kinh doanh của các
ngành kinh tế.
4. Phải triệt để vận dụng nguyên tắc Nhà nước và nhân
dân cùng làm, với quan niệm nhân dân tham gia đóng góp vật tư, lao động, tiền của,
sức mua, trí tuệ và khả năng sáng tạo, hoạt động. Cần tính toán được sự đóng góp
này, và thể chế hoá sự đóng góp sao cho phù hợp với sức của dân và được lòng dân.
Cần chống lại các hiện tượng lạm dụng.
* * *
Vấn đề kinh tế trong văn hoá là một vấn đề mới mẻ, lại
là vấn đề có nhiều yếu tố khó tính toán, nhiều mối quan hệ lắt léo. Chúng tôi nêu
ra một số ý kiến trên đây là để mong có được sự nghiên cứu tiếp tục sâu hơn, kỹ
hơn.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét