Chuyện gia đình Cụ
Phán Long
Cụ Thục có với Cụ Điến người con lớn là Bà Tạ Thị Nghi (đời
thứ 12). Bà Nghi lấy chồng là Ông Ký Thập, thư ký Ty Rượu ở Thị xã Thái Bình.
Bà Nghi có hai người con gái là bà Vàng (bà Đội Xuân) và bà Son. Bà Son theo chồng
vào làm ăn ở miền Nam. Sau 1975, Ông Phách có tìm và chị em đã gặp nhau. Có hai
người con trai là Ông Khuê và Ông Chương. Ông Khuê tham gia quân đội và đã hy
sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ông Chương cũng tham gia quân đội,
tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Khi về hưu, Ông sống ở Thị xã Thái
Bình. Trong trận bão năm 1968, bà Ký Thập bị nhà sập làm gãy chân. Ông Hoan, chồng
Bà Xuyến lúc đó công tác ở Tỉnh đội Thái Bình đã tới cứu được Bà ra. Sau đó ít
lâu, Bà mất.
Khu mộ Tổ ở Giang Đoài, trong đó có mộ Cụ Tạ Ngọc Lung |
Người con thứ hai là Cụ Tạ Ngọc Lung (Long). Cụ Long sinh
năm 1892 là đời thứ 12. Lúc nhỏ, Cụ Lung được cha mẹ cho đi học Nho giáo, Quốc
ngữ và tiếng Pháp. Rồi Cụ làm Thư ký Ty Rượu Văn Điển tại Kiến Xương, lúc này mọi
người gọi Cụ là Ký Long. Năm Cụ 30 tuổi (là năm 1922) có Cụ Tổng Tương (sinh ra
Ông Quỹ, Ông Thức) cùng làng có cho vay 200 đồng bạc để đi thi ngạch thông phán
tại Hà Nội. Cụ thi đỗ và lên Hà Nội làm thông phán tại Phủ Thống sứ, từ đó mọi
người gọi Cụ là Phán Long. Khi làm Thông Phán tại Hà Nội, lương chỉ đủ ăn nên
không trả được nợ cho Cụ Tổng Tương. Cụ Tổng Tương bèn gửi hai người con trai
là các Ông Quỹ và Ông Thức cho Cụ Long nuôi ăn học để trừ nợ. Mãi 5 năm sau mới
hết nợ.
Người con thứ ba là Cụ Tạ Thị Kỳ, mất từ nhỏ. Trong nhà vẫn
thờ là Bà Cô.
Chân dung Cụ Tô Thị Phủng |
Có Cụ Cửu Tạo ở Trình Phố chơi với Cụ Long, tuy lớn tuổi hơn
Cụ Long nhưng rất thân thiết như anh em. Cụ Cửu có người bạn là Cụ Phòng ở An
Khang. Cụ Phòng là con Cụ Phường, Cụ Phường có các con là Phưởng, Phòng, Phóng
và con gái là Cụ Phủng. Cụ Cửu Tạo có ý giới thiệu Cụ Long cho Cụ Phủng là em
gái Cụ Phòng. Cụ Cửu kể gia cảnh nhà Cụ Lý trưởng Phường ở An Khang cho Cụ Điến
và Cụ Thục nghe. Hai Cụ ưng ý lắm bèn nhờ người mối lái tới xin Cụ Phường cho
con trai mình sang coi mặt con gái Cụ. Khi được phép, Cụ Long sang An Khang coi
mặt, gặp lúc Cụ Phủng mình trần, đóng khố vừa đi kéo bè rạ về không hay biết
gì. Lúc này Cụ Long khoảng 14 tuổi và Cụ Phủng khoảng 13 tuổi. Năm năm sau làm
đám cưới. Khi về nhà chồng, Cụ Phường có cho con gái sáu chục quan tiền kẽm do
13 tráng đinh vác sang và một thuyền thóc làm của hồi môn. Chúng ta lưu ý một
điều là bà vợ cả của Cụ Phòng là cô ruột của Đại tướng Hoàng Văn Thái. Khi Cụ
Phủng còn sống, ông Hoàng Văn Thái vẫn thường đến thăm hỏi và gọi Cụ là Cô.
Cụ Tô Thị Phủng và Bà Tạ Thị Xuyến năm 1948 |
Khi Cụ
Phủng về làm dâu thì Cụ Thục đã già yếu, hai mắt mù lòa, tính tình trở nên rất
khó. Thêm nữa gia cảnh sa sút nhiều nên Cụ Phủng hết sức vất vả gánh vác công
việc nhà chồng. Có những bữa bưng mâm cơm lên, Cụ Thục lấy tay sờ quanh mâm, nếu
có hạt bụi nào thì không chịu ăn và nhờ người viết thư kể tội con dâu với con
trai. Cụ Long về bênh mẹ lại quay sang đánh vợ. Cụ Long tuy đi làm thư ký Ty Rượu
ở Kiến Xương nhưng gia đình vẫn phải nuôi ăn học thêm quốc ngữ và tiếng Pháp để
chuẩn bị thi thông phán.
Cụ Phủng lấy Cụ Long vào khoảng năm 1910, mãi năm năm sau, tức
là 1915 mới sinh con gái đầu là Bà Tạ Thị Thi. Năm 1919 sinh Bà Tạ Thị Câu, năm
1923 sinh Ông Tạ Ngọc Phách và tới năm 1930 thì sinh Bà Tạ Thị Xuyến.
Cụ Long làm thông phán ở Hà Nội năm 1922, khoảng năm năm sau
thì Cụ Thục qua đời. Đó là ngày 01 tháng 3 Âm lịch năm 1927. Đám ma Cụ Thục làm
khá to, giết tới ba con trâu làm đám.
Nhà tuy nghèo khó nhưng các Cụ vẫn lo cho con cái học hành tử
tế. Hai Bà Thi và Câu đều được học qua Sơ học yếu lược. Ông Phách học xong Cao
đẳng tiểu học (Certificat) ở Đông Hướng, sau đó lên Hà Nội học trung học năm thứ
nhất tại trường Duvillier, do tham gia làm báo chống Pháp nên bị bắt, sau khi
được thả Ông trở về quê bắt đầu tham gia hoạt động Cách mạng.
Năm Ông Phách 6 tuổi, Cụ Phủng gửi Ông lên ở với Cụ Long để
chuẩn bị đi học. Thương chồng con không người chăm sóc, Cụ Phủng hỏi cưới Cụ
Cót về làm lẽ Cụ Long và ở với Cụ Long tahi Hà Nội. Được hơn 1 năm thì Cụ Long
bệnh nặng rồi mất, đó là ngày 14 tháng 5 Âm lịch năm 1930. Khi Cụ nằm tại nhà
thương Đồn Thủy, luôn có người cháu là Ông Tạ Ngọc Oanh, lúc đó khoảng 15, 16
tuổi chăm nom.
Bà Tạ Thị Xuyến và Ông Tạ Ngọc Phách thắp hương mộ Mẹ |
Cũng chính Ông Oanh 3 năm sau lại lên Hà Nội đưa hài cốt Cụ
về an táng tại nghĩa trang họ Tạ. Khi Cụ Long mất, Cụ Cót mới sinh một người
con trai được 3 tháng rưỡi, đó là Ông Tạ Ngọc Giao. Một năm sau Ông Giao mất.
Hiện nay trong gia đình vẫn thờ là Ông Mãnh.
Trong khi đó ở nhà Cụ Phủng mới sinh Bà Tạ Thị Xuyến được 1
ngày rưỡi. Sau khi Cụ Long mất, Cụ Cót về quê ở với Cụ Phủng. Sau khi Ông Giao
mất, Cụ Cót xin trở về nhà ở Thị xã, sau đó lấy chồng là Ông Phong Hòa, sinh được
các bà Dần, bà Dậu...
Sau khi Cụ Long mất, Ông Phách trở về quê, theo học tiểu học
ở Đông Hướng. Thấy gia cảnh khó khăn, các Cụ Phán Nhoạn, Cụ Tham Bia, Cụ Phán
Thuần là bạn Cụ Long đã góp nhau được 200 đồng bạc, giúp Cụ Phủng nuôi Ông
Phách ăn học được vài ba năm.
Lại nói về hai người con riêng của Cụ Thục là Cụ Cận và Cụ
Dương. Khi Cụ Cận lớn, lấy vợ và sinh sống ở Ninh Bình. Cụ Cận sinh được ông Du
và ông Oanh. Khi ông Oanh 7, 8 tuổi thì Cụ Cận mất, Bà Cận lấy chồng khác. Ông
Oanh phải đi ở đợ cho chủ đồn điền, ông Du kiếm củi sống qua ngày, hết sức cực
khổ. Cụ Ký Thập dò la biết được tình cảnh các cháu bèn nói với Cụ Long. Cụ Long
nhờ chị sang đón cháu về. Cụ Ký Thập bèn thuê ngựa, tự mình sang đón được ông
Oanh về, năm đó ông Oanh mới 9 tuổi. Còn ông Du mấy năm sau mới đón về được, ở
nhà một thời gian ông lên Hà Nội bán kem dạo kiếm sống, sau đó không có tin tức
gì nữa. Ông Oanh ở với Cụ Phủng, giúp việc nhà, trông nom và dạy bảo các em. Cụ
Phủng cho đi học Cụ Giáo Thâm. Lớn lên, Cụ Phủng cho đi học nghề may, dần dần
mua được máy may và mở một hiệu may nhỏ tại nhà. Năm 25 tuổi, Cụ Phủng hỏi và
cưới bà Nguyễn Thị Ngân, con gái Cụ Đồ Tuy ở Trình Phố cho ông Oanh. Vợ chồng
ông Oanh sinh được Tạ Ngọc Toản (liệt sĩ chống Pháp), Tạ Ngọc Cửu, Tạ Thị Thái,
Tạ Thị Khuy, Tạ Thị Lan, Tạ Ngọc Tuân, Tạ Ngọc Cầu (mất năm 5 tuổi). Nghĩ về đời
mình, ông Oanh thường đọc câu thơ:
“Khôn ngoan cũng thể đất người,
Dẫu rằng đần dại cũng là đất ta”
Để nói lên tình cảm gắn bó với mảnh đất do Cụ Thục tạo dựng
nên, nơi mà ông đã sống gần cả cuộc đời.
Tới năm 1957, ông Oanh mới mua mảnh đất khác, cách nhà Cụ Phủng
khoảng hơn chục mét, để ra ở riêng. Sau khi bà Ngân mất năm 1956, ông Oanh có lấy
bà vợ sau là Tô Thị Bầu và được hai con gái là: Tạ Thị Yến và Tạ Thị Huệ. Ông
Oanh mất năm 1991.
Bà Xuyến còn nhớ Cụ Phủng kể lại khi Cụ Long ốm nằm ở nhà
thương Đồn Thủy, ông Oanh đã sớm hôm chăm nom cho chú rất chu đáo hàng tháng trời.
Khi Cụ Long mất, ông Oanh cũng là người tham gia tẩm liệm nên ông nhớ lúc đó Cụ
Long mặt một cái áo đoạn cũ, mà 5, 6 năm nay Cụ vẫn mặc đi làm, đã cũ rách lắm
rồi. Mọi người vội may mới cho Cụ một cái áo lụa Cẩm Châu, mình khô hoa ướt.
Cái áo đoạn cũ ông Oanh giữ gìn mãi cho tới trước khi gần chết thì trao lại cho
bà Xuyến và sau đó bà giao cho cháu Thắng. Cháu Thắng giữ được 3 năm thì tự nó
mủn ra, tan hết. Khi sang cát và đưa hài cốt Cụ Long về quê, cũng chính ông
Oanh cùng với ông Phách, vượt qua mọi khó khăn, lên Hà Nội mang về an táng tại
khu mộ họ Tạ ở Giang Đoài. Năm 1991, có ông Đỗ Bá Hiệp, một nhà ngoại cảm được
gia đình mời về xác định vị trí mộ Cụ Long. Ông đã chỉ chính xác vị trí và còn
mô tả lúc mất Cụ Long mặc một tấm áo dài bằng lụa Cẩm Châu mình khô hoa ướt,
đúng như ông Oanh đã nói.
Còn Cụ Dương lấy bà vợ người Tiểu Hoàng, có con là Tạ thị Mỳ
(Bá Tý), Tạ Thị Mỵ (Bá Quỹ), Tạ Ngọc Tuynh (chết đói năm 1945). Bà Tý có các
con là Năm, Thảo, Truật... Bá Quỹ có con là Bảng, Sáu, Doãn, Mẫn, Bi...
Khi Cụ Phủng về làm dâu, gia đình nhà chồng đã sa sút nhiều.
Cụ thường làm hàng xáo (mua thóc, xay giã lấy gạo bán, còn lại tấm ăn, cám nuôi
lợn), bán rượu, giã cói đan gió, vỉ, bị... mang ra chợ bán. Ngoài ra một xuất
đinh của Ông Phách, được làng chia cho 2 sào ruộng xấu, lại ở xa, nhưng vẫn phải
mất 18 đồng bạc cho hào, lý. Cụ không làm nổi nên thường cho người khác thuê
làm. Khi Cụ Long mất, Cụ Phủng mới 37 tuổi, phải nuôi dạy bốn người con nên vô
cùng vất vả. Mấy năm sau, khi bà Thi về nhà chồng, bà Câu, ông Phách hoạt đồng
cách mạng bị lộ lần lượt thoát ly ra đi, Cụ lại sống trong cảnh luôn luôn bị bọn
Pháp, hào lý đe dọa. Có lần chúng bắt Cụ gặp Ông Phách khi đó đang bị bắt ở
Thái Bình để lung lạc tinh thần Ông, biết vậy mặc dù rất lo cho con nhưng Cụ từ
chối không đi. Sau đó ông Phách bị kết án 15 năm khổ sai, 15 năm quản thúc. Khi
ra tòa, nhìn thấy con bị tra tấn dã man, thân hình tiều tụy, Cụ khóc ngất đi mấy
lần. Ông Phách nhìn mẹ, cố nén đau thương và nói to an ủi mẹ: “Mẹ ơi, 15 năm
con coi như một giấc ngủ ngày”. Sau đó, Ông bị đưa đi đày ở nhà tù Sơn La.
Thời gian sau lại đến lượt bà Câu sa vào tay giặc, bị tra tấn
dã man, và bị kết án 25 năm tù khổ sai, tháng 9/1944 bà Câu hy sinh trong nhà
tù Hỏa Lò. Bao nỗi đau ập đến tưởng chừng như không chịu nổi. Ở nhà lúc này chỉ
có bà Xuyến sớm hôm cùng Cụ lo công việc gia đình. Nhưng rồi cũng như định mệnh,
bà Xuyến đã sớm theo anh chị tham gia hoạt động cách mạng từ những năm 1940,
khi đó bà mới 10 tuổi. Năm 1945, nạn đói khủng khiếp xảy ra, kéo theo trộm cướp
tràn lan. Tháng 3/1945, bọn cướp ập tới cướp phá nhà Ông Oanh, chúng chém Ông bị
thương, Cụ ra chống lại cũng bị chém nhiều nhát vào đầu, rồi bị cướp sạch mọi
thứ trong nhà. Về sau do chấn thương, Cụ phải cạo trọc đầu và thường phải chịu
những cơn ác mộng khủng khiếp. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông
Phách trở về thăm Cụ, nói sao cho hết tấm lòng của người Mẹ khi gặp lại đứa con
trai sau bao năm tháng chờ mong vô vọng. Rồi con trai Cụ lại ra đi, vẫn chỉ còn
Cụ với người con gái út. Lúc này bà Xuyến tham gia công tác cách mạng ở địa
phương rất bận. Cụ lại phải gánh vác mọi việc nhà cho con cái yên tâm đi công
tác. Năm 1949, bà Xuyến lấy chồng và về nhà chồng ở Văn Hải. Cụ lại sống một
mình. Trong những năm Pháp trở lại chiếm đóng Thái Bình, toàn bộ nhà cửa, vườn
tược bị đốt phá tan hoang, chúng càn quét bắn phá thường xuyên nên Cụ phải chạy
giặc theo bà con hàng xóm vô cùng khổ cực. Bà Xuyến thương mẹ, đã nhờ người tìm
mãi mới đón được Cụ về ở với mình. Hòa bình lập lại, Cụ cùng bà Xuyến trở về đất
cũ, dựng tạm ngôi nhà lá để sống. Mười năm miền Bắc hòa bình, Cụ như khỏe ra vì
con cháu trở về đầy đủ đông vui, mặc dù vẫn phải chạy ăn từng bữa. Chưa bao giờ
Cụ được sống thực sự no đủ. Cuộc kháng chiến chống Mỹ lan rộng, con trai Cụ lại
ra đi, rồi lần lượt đến lớp cháu nội, cháu ngoại của Cụ cũng ra đi chiến đấu
trên mọi chiến trường. Con cháu ở nhà bên Cụ cũng ngày đêm công tác chống cuộc
chiến tranh phá hoại và chi viện cho miền Nam. Lại ngày đêm thương con nhớ cháu
nơi chiến trường, mong mỏi có ngày gặp mặt. Năm 1974, Ông Phách từ chiến trường
trở về, thật vui mừng khôn tả, nhưng Cụ vẫn chưa yên lòng vì các cháu Cụ vẫn
còn ở xa. Thế rồi, tuổi cao sức yếu, cả cuộc đời kham khổ, cộng thêm nỗi buồn
vì mất ông Hoan, là người con rể út yêu thương, Cụ ốm nặng.
Bà Tạ Thị Xuyến và Bà Nguyễn Thị Phúc Hằng cùng các con Ông Tạ Ngọc Phách trong khu mộ Gia đình ở Đông Lang |
Cũng trong năm 1974, sau bao cố gắng, bà Xuyến xây được ngôi
nhà gạch mới. Cụ rất mừng và mong chờ từng ngày. Khi nhà xây xong, Cụ gắng gượng
lên xem và chỉ chỗ mình nằm. Lúc này bệnh trở nặng. Cụ biết mình không qua khỏi
nhưng vẫn luôn hỏi bà Xuyến là giải phóng rồi, hết chiến tranh rồi, các cháu của
bà đã được về hết chưa? May sao cháu Thắng đích tôn của bà đã về kịp và gặp bà
lần cuối. Hơn tuần sau Cụ mất.
Tính ra Cụ nằm ở ngôi nhà mới xây được có hơn ba tháng. Cụ mất
nhằm ngày 25 tháng 6 Âm lịch năm 1975, thọ 83 tuổi. Cuối đời Cụ là một mẫu hình
cao đẹp của bà mẹ Việt Nam, suốt đời tận tụy chăm lo cho con, cho cháu nên người.
Cụ đã giữ gìn nguyên vẹn mảnh đất mà cha mẹ đã để lại.
(Trích Chuyện Xưa... Chuyện Nay của Tạ Trần Thắng, 2017)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét