Hiện nay, nhiệm vụ chủ yếu của chúng ta là đẩy mạnh
cuộc thi đua xây dựng quân đội để chấp hành nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ
ba. Muốn đẩy mạnh công cuộc thi đua xây dựng quân đội, chúng ta cần nghiên cứu
mấy đặc điểm về tình hình bộ đội hiện nay xem trong công tác lãnh đạo chính trị
nói chung và lãnh đạo thi đua nói riêng cần giải quyết những vấn đề gì.
I- Mấy đặc
điểm mới của tình hình quân đội và tình hình công tác chính trị hiện nay.
Chúng ta đang sống trong một giai đoạn sôi nổi của
cách mạng, đang ra sức chấp hành nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ ba : đẩy
mạnh xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đẩy mạnh đấu tranh giành thống nhất
đất nước, thực hiện cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam.
Nhiệm vụ và đường lối xây dựng quân đội ngày càng được xác định rõ ràng. Công
cuộc xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng cũng đang đề ra những yêu cầu rộng
lớn và cấp bách. Nhiều điều kiện mới trong xã hội cũng như trong quân đội đã
phát sinh và phát triển. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng
cố quốc phòng, không thể không nghiên cứu, tính toán đến những điều kiện đó. Về
mặt lãnh đạo chính trị trong quân đội, có những đặc điểm mới phải tính đến. Đó
là những đặc điểm sau đây:
Đặc điểm thứ nhất: Hiện nay, cơ cấu tổ chức của bộ
đội đã thay đổi, chế độ nghĩa vụ quân sự đã thành hình và bắt đầu đi vào nề nếp
đều đặn. Trong các đơn vị, hiện nay thanh niên tân binh chiếm đa số (toàn thể
chiến sĩ và hầu hết cán bộ tiểu đội); cán bộ, thường là đảng viên và là người
lớn tuổi. Chế độ sĩ quan đã thực hiện, các cán bộ đi vào chuyên nghiệp, phải
làm nhiệm vụ lâu dài của mình. Chi bộ còn ít đảng viên (trên dưới 10 đảng viên
một đại đội), lại thường là cán bộ; đoàn viên thanh niên lao động chiếm số rất
lớn (từ 60 đến 70% quân số), vai trò hoạt động nổi bật lên. Phương thức hoạt
động của các chi bộ cần thay đổi để thực hiện quan hệ lãnh đạo cho đúng: giữ
vững và củng cố vai trò lãnh đạo của chi bộ, đồng thời phát huy đầy đủ tác dụng
tích cực của chi đoàn thanh niên.
Đặc điểm thứ hai: Yêu cầu xây dựng quân đội chính
quy và hiện đại là mọi người phải đi sâu nắm vững khoa học kỹ thuật, quản lý
trang bị, khí tài mới, chấp hành đúng mọi chế độ điều lệnh.
Điều này nói chung thì ai cũng thấy cả, nhưng trong
thực tế, công tác chính trị chưa có một biến chuyển lớn và có những phương thức
hoạt động cụ thể mới, để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ này.
Công tác huấn luyện là công tác trung tâm thường
xuyên và lâu dài để xây dựng quân đội. Phải làm cho cán bộ và chiến sĩ thực sự
nắm vững những tri thức quân sự và sử dụng thành thạo mọi trang bị kỹ thuật,
biết chấp hành một cách có hiệu lực mọi chức trách của mình trong mọi tình
huống, có tinh thần kỷ luật rất cao. Công tác chính trị hiện nay không thể chỉ là
một công tác cổ động chung chung được. Công tác chính trị phải giải quyết vấn
đề lãnh đạo cán bộ và chiến sĩ học tập nắm vững khoa học kỹ thuật quân sự, lãnh
đạo rèn luyện cán bộ và chiến sĩ chấp hành giỏi chức trách, chấp hành tốt mọi
chế độ điều lệnh và có tinh thần kỷ luật cao. Đặc điểm này có ảnh hưởng nhiều
đến mọi mặt hoạt động của công tác chính trị.
Đặc điểm thứ ba: Phong trào thi đua trong quân đội
hiện nay rất tốt. Phong trào đó được xây dựng và phát triển mấy năm qua, đến
nay đã có cơ sở vững chắc trong quần chúng. Quần chúng hưởng ứng rất sôi nổi. Phương thức thi
đua đã rõ ràng. Đó là phương thức phát hiện và bồi dưỡng tiên tiến. Tính chất
xã hội chủ nghĩa, tính chất tiên tiến của phong trào cũng đã thể hiện rõ ràng.
Đó là tính chất của phong trào thi đua Ba Nhất. Phong trào thi đua lại đang mở
rộng đi đến kết nghĩa thi đua công nông binh. Đó cũng là một điểm rất mới mẻ.
Nhiệm vụ của chúng ta là phải lãnh đạo phong trào
thi đua đó trở nên một cuộc vận động cách mạng thường xuyên, liên tục, bồi
dưỡng cho phong trào đó tiến lên từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Có phong
trào thi đua là một thuận lợi, nhưng phải thấy phong trào là một cuộc vận động
cách mạng, phải gian khổ, tốn nhiều công phu, luôn luôn cố gắng tìm tòi, bồi
dưỡng những yếu tố mới, phát hiện và đấu tranh sắc bén với những hiện tượng trì
trệ, lạc hậu.
Không phải có phong trào để mà có phong trào. Phải
lãnh đạo đưa phong trào đi lên đạt những mục tiêu của nhiệm vụ cách mạng.
Những tình hình nói trên, chắc không ai không biết.
Nhưng từ tình hình đó cần rút ra những kết luận gì, phải giải quyết những vấn
đề gì mới, để đẩy mạnh được công tác cách mạng? Rõ ràng đặc điểm tình hình
hiện nay đã khiến ta phải coi đối tượng của công tác chính trị là thanh niên,
nội dung lãnh đạo là khoa học kỹ thuật, phương thức hoạt động là phong trào thi
đua. Đó là một sự thực: hiện nay ta lãnh đạo tư tưởng là tư tưởng của thanh
niên, lãnh đạo hoạt động của tổ chức quần chúng thì đó là tổ chức Đoàn thanh
niên lao động, lãnh đạo học tập khoa học kỹ thuật thì thanh niên học khoa học
kỹ thuật; phong trào thi đua chủ yếu là phong trào của thanh niên. Tuy vậy, để
hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng quân đội, ta cũng phải yêu cầu về học tập rèn
luyện của cán bộ là một nhiệm vụ cấp bách, không những để hoàn thành nhiệm vụ
học tập của mình, mà chủ yếu để hoàn thành nhiệm vụ chỉ huy, lãnh đạo đơn vị,
một đơn vị ngày càng mới mẻ và gồm toàn tân binh thanh niên. Vì vậy, ta cần đặt
vấn đề như sau:
1- Nắm vững công tác cơ bản thường xuyên là giáo dục
tư tưởng và xây dựng Đảng cho tốt, lấy công tác thanh niên làm khâu trung tâm
để đẩy mạnh công tác chính trị làm khâu trung tâm để đẩy mạnh công tác chính
trị nói chung, đẩy mạnh công tác chính trị huấn luyện, đẩy mạnh công tác thi
đua và do đó ảnh hưởng tốt cả đến việc giáo dục và bồi dưỡng đảng viên.
2- Phải nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp cán bộ trong công tác lãnh đạo thanh niên, phải làm cho cán bộ và chi bộ là động lực thúc đẩy công tác thanh niên, là lực lượng lãnh đạo dìu dắt một cách thân ái và có hiệu lực đối với thanh niên.
Đặt vấn đề như vậy không phải chỉ để giải quyết nhận
thức mà là yêu cầu một sự chuyển biến mới mẻ trong lãnh đạo công tác chính trị
hiện nay. Phải tìm hiểu sâu sắc về đặc điểm thanh niên hiện nay, phải thay đổi
phương thức lãnh đạo của chi bộ và cán bộ, phải chỉ đạo hoạt động cụ thể của
thanh niên, phải giải quyết các vấn đề về tổ chức và giáo dục thanh niên, phải
lãnh đạo phong trào thi đua một cách chặt chẽ, thường xuyên và luôn luôn thúc
đẩy, bồi dưỡng cho phong trào càng ngày càng tốt.
Phải thực sự giải quyết vấn đề đi sâu vào khoa học
kỹ thuật, để lãnh đạo huấn luyện quân sự được tốt. Trước hết, qua công tác thực
tế của một số chi đoàn, ta có thể nêu lên một số vấn đề công tác thanh niên để
nghiên cứu.
II- Mấy vấn
đề về công tác thanh niên hiện nay
Ý nghĩa quan trọng của công tác thanh niên hiện nay
thế nào, tình hình thực tế các đơn vị cũng đã đang nói rõ. Hoạt động thực tế
của các chi đoàn đang đòi hỏi cấp thiết sự chỉ đạo của cán bộ và chi bộ. Hiện
nay ta chưa thể tổng kết ngay được những kinh nghiệm đầy đủ về sự chỉ đạo hoạt
động của các tổ chức thanh niên. Nhưng những hoạt động gần đây của nhiều chi bộ, nhiều cán
bộ cùng với hoạt động của thanh niên đã đặt ra trước mắt chúng ta một số vấn
đề. Những vấn đề này có nơi đã giải quyết tốt hoặc đang tìm cách giải quyết, có
nơi giải quyết chưa tốt lắm hoặc có vấn đề có nơi chưa được giải quyết.
Những vấn đề đó nay đề ra là phải được tất cả các
cán bộ và chi bộ cùng nhau giải quyết mới xong:
1- Trước hết là vấn đề nhận thức về thanh niên, đánh giá thanh niên:
Đây là một vấn đề cơ bản, tức là vấn đề đánh giá
quần chúng, nhận định về khả năng đặc điểm của quần chúng, nó sẽ quyết định
thái độ đối với quần chúng; có tin tưởng quần chúng hay không, cần phải giáo
dục quần chúng cái gì, cần phải dìu dắt quần chúng cái gì? Đó là vấn đề tìm
hiểu yêu cầu, nguyện vọng, trình độ của quần chúng. Chi bộ 3 đoàn X trước khi
vào huấn luyện đã đặt vấn đề ra thảo luận sâu sắc và sôi nổi, có đấu tranh đánh
bại những nhận thức phiến diện, không đúng đắn, xác định được sự tin tưởng vào
quần chúng thanh niên, nắm được rõ tính chất của thanh niên, do đó xác định
được những phương châm lãnh đạo cụ thể đem lại kết quả tốt : đã đưa đại đội
tiến nhanh từ chỗ bình thường trong đoàn đến chỗ đạt những thành tích xuất sắc
như bắn súng, ném lựu đạn, công sự, bộc phá đạt loại giỏi, đâm lê đạt loại khá,
chấp hành điều lệnh khá nhất tiểu đoàn. Các mặt khác như tăng gia, hoạt động
văn nghệ đều xuất sắc. Về nuôi quân phòng bệnh, thường xuyên bảo đảm 99,5 %
quân số học tập.
Nhiều chi bộ cũng có đặt vấn đề, nhưng không giải
quyết được tương đối sâu sắc và triệt để như chi bộ X. Chi bộ X không những
nghiên cứu nhận thức về thanh niên chung, còn chia thanh niên thành từng loại
một để tìm đặc điểm cho kỹ. Thường chỉ có trong chi bộ nhất trí được sâu sắc
vấn đề này thì mới có những quyết nghị sắc bén để lãnh đạo tốt thanh niên. Nói
chung các cấp lãnh đạo chưa hiểu thanh niên thực đầy đủ, chỉ mới đối chiếu qua
mấy câu lý luận khái quát chung chung “thanh niên hăng hái, tiên tiến …”, “thanh
niên chưa được rèn luyện”, v.v… mà chưa thực thông cảm sâu sắc tâm lý, nguyện
vọng của thanh niên, chưa thấy hết nhu cầu hoạt động của thanh niên, chưa hiểu
đúng đắn những yêu cầu và những nhược điểm của thanh niên. Có người chỉ nhìn
nặng vào nhược điểm khuyết điểm của thanh niên, nhìn vào mặt non nớt, kém kinh
nghiệm và chỉ một mực “dìu dắt thanh niên như trẻ con” mà chưa hiểu những yếu
tố mới mẻ trong khả năng thanh niên. Có người coi chiến sĩ tân binh cũng giống
như một chiến sĩ cũ, chưa cảm thấy cần phải tìm hiểu sâu sắc, nắm những cái mới
cần giải quyết, cứ lắp lại những nhận định về “tư tưởng lạc hậu” một cách “cổ
lỗ sĩ”, không thấy mình đang phải lãnh đạo một sức sống mới đang vươn lên. Ở
nhiều đồng chí, chưa nảy nở được tình yêu cần thiết đối với thanh niên. Không
yêu mến thanh niên, tin cậy thanh niên thì không thể lãnh đạo được thanh niên,
không thể đổi mới nhận thức và tác phong lãnh đạo của mình được!
Ảnh : Chính ủy Trần Độ trồng cây lưu niệm nhân dịp Hội nghị Chiến sĩ Thi đua của Quân khu năm 1960 |
2- Một trong những vấn đề chỉ đạo rất quan trọng là vấn đề chi bộ và chi đoàn thanh niên:
Bây giờ vấn đề đặt ra là chi bộ còn ít người (lại
thường là người lớn tuổi, cán bộ, sĩ quan) phải lãnh đạo một chi đoàn thanh
niên chiếm gần hết số người trong đại đội (hầu hết là chiến sĩ). Không cẩn thận
sẽ có thể lẫn lộn ba thứ: chi bộ và chi đoàn, cán bộ và chiến sĩ, người lớn
tuổi và thanh niên. Thực ra chi bộ phải làm sao xứng đáng là “bộ tham mưu” chỉ
đạo hoạt động của thanh niên, đồng thời cũng là những người anh cả dìu dắt chỉ
bảo thanh niên từng bước, một cách thân ái, chân tình.
Chi bộ không thể chỉ quan hệ với chi đoàn qua các
hội nghị có nghị quyết và trao nhiệm vụ. Ngoài việc đó ra, tất cả chi bộ phải
hoạt động hàng ngày với chi đoàn, nghĩa là mỗi một đảng viên phải hàng ngày
quan hệ mật thiết với các đoàn viên, phải là những “cố vấn” cho các đoàn viên
và là bạn thân với một số đoàn viên, giải thích nghị quyết chi bộ, bàn bạc biện
pháp chấp hành nghị quyết, giải quyết những khó khăn cụ thể, tìm hiểu và thu
thập ý kiến của đoàn viên, nói chuyện giáo dục các đoàn viên và động viên, cổ
vũ đoàn viên. Chỉ có như thế mới thật sự là chi bộ lãnh đạo chi đoàn, giáo dục
chi đoàn. Theo như kinh nghiệm của chi đoàn 15 (Mộc Châu) thì ở đó chi bộ và
chi đoàn đã giải quyết tốt vấn đề này.
Một vấn đề lớn nữa là chi bộ (và cán bộ) trao nhiệm
vụ cho chi đoàn như thế nào? Hiện nay, nói chung các chi bộ đều thấy khả năng
hoạt động của thanh niên nên hết sức mạnh dạn trao nhiệm vụ cho thanh niên.
Nhưng cách trao việc và khối lượng việc trao thì còn có nhiều điểm khác nhau. Có nơi trao cho thanh
niên “quản lý điều lệnh”, “làm chủ kỹ thuật”, “quản lý giờ nghỉ”. Có nơi trao
hẳn cho thanh niên, coi đó là việc của thanh niên, tự thanh niên xử lý, v.v…
Qua kinh nghiệm các đơn vị và áp dụng đúng nguyên
tắc tôn trọng tính độc lập của tổ chức thanh niên thì có thể giải quyết vấn đề
đó như sau:
- Trao nhiệm vụ cho thanh niên phải “kết hợp tính
chất vận động quần chúng với thủ trưởng quản lý, chi bộ lãnh đạo”. Như thế
nghĩa là, trừ công tác nội bộ của thanh niên, còn nói chung, các nhiệm vụ trong
đại đội không nên có việc gì “khoán trắng” cho thanh niên, chỉ có thanh niên
“quản lý” và tự thanh niên xử lý theo ý kiến của mình. Các nhiệm vụ trong đại
đội đều có thể trao cho thanh niên tự tổ chức việc chấp hành. Nhưng yêu cầu của
nhiệm vụ và kết quả của nhiệm vụ thế nào phải là theo nghị quyết của chi bộ và
mọi việc kiểm tra nhận xét phải tập trung ở các thủ trưởng. Các thủ trưởng có
thể lấy ý kiến của người này người khác, nhưng trách nhiệm kiểm tra, nhận xét
là ở thủ trưởng. Ở chi đoàn 1 đoàn X, thanh niên chấp hành mọi quy định nội vụ
xong, mời thủ trưởng đi kiểm tra ; căn cứ vào nhận xét của thủ trưởng, thanh
niên lại sửa chữa và lại mời thủ trưởng kiểm tra nữa. Như thế vẫn không giảm
tính độc lập của thanh niên mà lại nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng.
- Khi chi bộ trao nhiệm vụ cho thanh niên, không nên trao nghị quyết như
trao mệnh lệnh, mà nên khêu gợi làm cho bản thân thanh niên (ban chấp hành chi
đoàn – chi đoàn) cũng yêu cầu một nhiệm vụ như thế … Như vậy nghị quyết chi bộ
sẽ mau chóng biến thành yêu cầu nguyện vọng chung của quần chúng.
Thanh niên hăng hái có thừa nhưng vì ít kinh nghiệm
nên nhiều khi nhận nhiệm vụ lại đề ra yêu cầu rất cao. Chi bộ cần phải nắm chắc
được khả năng của thanh niên, phải bảo đảm thanh niên chắc chắn có thể làm
được, chắc chắn thắng lợi. Nhất là những bước đầu của nhiệm vụ, cán bộ, thủ
trưởng và các đảng viên phải luôn luôn tìm tòi và suy nghĩ để khêu gợi giúp đỡ
thanh niên mọi biện pháp thiết thực cụ thể, mọi hiểu biết cần thiết để hoàn
thành các nhiệm vụ đề ra. Khi cần thiết thì tự mình kiểm tra đôn đốc, làm mẫu
động tác, có khi tổ chức huấn luyện những người, những bộ phận làm mẫu cho
thanh niên hoặc tiến hành đột phá nhỏ, đột phá từng việc.
3- Mấy vấn đề về tổ chức của thanh niên:
Ở đây không bàn về củng cố tổ chức của chi đoàn hay
kết nạp đoàn viên. Có mấy vấn đề về những tổ chức hoạt động của chi đoàn và các
tổ chức khác của đại đội:
- Trước hết là cần chỉ đạo các cuộc sinh hoạt của
chi đoàn và của ban chấp hành chi đoàn. Chi bộ không nên chỉ khoán cho một đồng
chí phụ trách thanh niên chỉ đạo mà thường xuyên tạo điều kiện cùng sinh hoạt
với chi đoàn hoặc ban chấp hành. Khi tham gia sinh hoạt, không nên có ý kiến
hạn chế sự thảo luận của chi đoàn mà nên tìm cách khuyến khích thanh niên phát
biểu tự giải quyết các vấn đề của họ, tùy thời góp ý kiến, thân ái bàn bạc. Hết
sức tránh lối góp ý kiến có “tính chất quyết định” và “chỉ thị”. Phải nhân các
cuộc sinh hoạt đó mà thực hiện sự dìu dắt thân ái, sâu sắc của chi bộ đối với
chi đoàn.
- Sinh hoạt của chi đoàn hoặc ban chấp hành cần
tránh nặng nề, khô khan. Không nên lý thuyết suông, nên đi vào các việc cụ thể
của thanh niên. Tránh giải thích, “lên lớp” nhiều, chuyển đạt nhiều. Nên có
nhiều cuộc sinh hoạt thảo luận, tranh luận một vấn đề gì thanh niên đang chú ý
đến trong các lĩnh vực học tập, hoạt động của đơn vị hoặc một vấn đề gì về tri
thức khoa học, về tư tưởng, tình cảm về đời sống một vấn đề gì do báo chí nêu
lên hoặc một vấn đề gì do thanh niên đọc một quyển sách nêu ra – tham gia các
cuộc thảo luận trên báo chí, v.v… ; có cả các cuộc sinh hoạt vui chơi giải trí,
hoạt động văn nghệ, thi vẽ, thi thơ, v.v…
- Cần phải giải quyết quan
hệ giữa các tổ chức có tính chất quần chúng của đại đội với những hoạt động của
thanh niên. Nên giữ nguyên tắc tổ chức của đại đội : câu lạc bộ, chiến sĩ bảo
mật, chiến sĩ vệ sinh, v.v… và nhất là tổ kỹ thuật ; các thủ trưởng phải dựa
theo nghị quyết của chi bộ mà chỉ đạo các hoạt động đó. Chi đoàn thanh niên
thường có lực lượng của mình trong các tổ chức đó. Chi đoàn trao nhiệm vụ cho
những đồng chí hoạt động trong các tổ chức đó đề nghị những phương pháp hoạt
động và bằng những hoạt động của thực tế của lực lượng thanh niên, đẩy mạnh
hoạt động các tổ chức đó,
- Không nên có những tổ chức riêng của thanh niên
cùng hoạt động những công việc của các tổ chức của đại đội. Không nên “khoán
trắng” các tổ chức của đại đội cho thanh niên chịu trách nhiệm quản lý và điều
khiển hết. Như vậy không phải là phát huy tính độc lập của thanh niên mà là làm
cho hoạt động của thanh niên vất vả, tách rời sự chỉ đạo, không phát huy được
nhiều sáng kiến,
- Cũng nên có chỉ tiêu xây
dựng chi đoàn tiên tiến. Chỉ tiêu nên có hai phần: một phần là những chỉ tiêu
của đại đội, đó là những chỉ tiêu thi đua hoàn thành nhiệm vụ của đại đội,
không thể có một chi đoàn tiên tiến của một đại đội không hoàn thành nhiệm vụ ;
ngược lại không thể có một đại đội giỏi, trong đó chi đoàn lại hạng bét. Một
phần khác là chỉ tiêu về những công tác nội bộ xây dựng chi đoàn, như vấn đề
giáo dục lý tưởng, giáo dục chủ nghĩa cho thanh niên, vấn đề phát triển Đoàn,
vấn đề giới thiệu đoàn viên vào Đảng, v.v…
4- Vấn đề giáo dục cho thanh niên :
Đây phải là một vấn đề được đề lên hàng đầu. Như ta đã biết, thanh niên
sẽ là những người hoàn thành việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và lại tiếp tục xây
dựng chủ nghĩa cộng sản, có tư tưởng tiên tiến vững chắc, có tài năng xuất sắc.
Ở đây chủ yếu là nói vấn đề giáo dục tư tưởng cho
thanh niên. Như thế không có nghĩa là chỉ có các bài tư tưởng và những cuộc lên
lớp, kiểm thảo gay go. Phải dựa vào đường lối giáo dục tư tưởng của toàn Đảng,
nhưng phải kết hợp với thực tế tư tưởng của thanh niên trong đơn vị và những
điều kiện công tác, sinh hoạt hiện nay của thanh niên. Phải giáo dục lý tưởng
cộng sản chủ nghĩa cho thanh niên, nhưng đồng thời phải giáo dục mọi quan điểm
của Đảng về quân sự, về kỹ thuật khoa học, các quan điểm của Đảng về văn hóa,
văn nghệ, về tình cảm, đạo đức, v.v… Ngoài ra, còn phải tìm mọi cách cho thanh
niên có thể học tập thêm được nhiều tri thức khác về xã hội cũng như về khoa
học tự nhiên.
Việc giáo dục phải tiến hành rất rộng rãi, thường
xuyên và linh hoạt. Phải dùng rất nhiều hình thức ngoài hình thức lên lớp. Ví
dụ : nhân một tiết mục văn nghệ, một phim chiếu bóng, nhân một việc xảy ra
trong đơn vị, nhân một quyển sách mới đọc, nhân một tin tức hoặc một cuộc tranh
luận trên báo … đều có thể tiến hành khêu gợi thảo luận hoặc cán bộ chỉ ra
những điều học tập, tốt nhất là nêu các gương chiến đấu cách mạng của ông cha,
những chuyện hay trong lịch sử. Nói đi nói lại nhiều lần, bằng nhiều hình thức
khác nhau. Biểu dương khen ngợi luôn luôn, tổ chức tham quan, kết bạn thật
nhiều. Phải động viên và tận dụng mọi hình thức hoạt động văn nghệ của thanh
niên. Việc giáo dục rộng rãi cho thanh niên cũng sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tốt
cho việc học tập kỹ thuật quân sự của thanh niên.
Nhưng vấn đề rất quan trọng là cán bộ và đảng viên
trong chi bộ phải hết sức tìm hiểu tâm lý và nhu cầu của thanh niên và phải
hiểu thấu suốt những điều đó. Đồng thời phải tự nâng cao trình độ hiểu biết của mình
trên nhiều lĩnh vực để có thể xứng đáng là người dìu dắt thanh niên, đào luyện
họ trở thành những người xây dựng chủ nghĩa cộng sản xuất sắc. Đóng vai dìu dắt
những thanh niên như hiện nay không thể nào chỉ có một ít hiểu biết và kinh
nghiệm cũ mà đủ được, tuy rằng những cái đó rất quý báu và cần thiết. Nó như
cái nền nhà cũ. Xây nhà lên thì nó là cái nền vững chãi và quý báu. Không xây
nhà mới thì nó sẽ phôi pha mòn mỏi như cảnh những nền nhà bỏ hoang, đầy rêu
phong cỏ mọc.
5- Mấy vấn đề về hoạt động của thanh niên:
Hiện nay khắp nơi, các chi đoàn hoạt động rất náo nhiệt, phạm vi hoạt
động ngày càng rộng, hình thức hoạt động ngày càng phong phú. Chưa thể một lúc
tổng kết được hết, nhưng trước mắt có ngay những vấn đề cần chú ý giải quyết.
Sách báo là một vấn đề hoạt động rất lớn của thanh
niên, nhưng hiện nay chưa được chú ý. Sách báo cấp trên phát xuống có nhiều,
nhưng thường bị mất và không được sử dụng đầy đủ. Rất hiếm những đại đội tổ
chức được một thư viện tương đối ra trò. Nhiều đại đội sau vài lần bàn giao,
chỉ có độ 10 quyển sách cũ kỹ và độ vài chục tờ họa báo rách nát, trong khi ấy
thanh niên tân binh có những người có trình độ từ lớp 7 trở lên rất ham đọc
sách báo, đa số anh em là có trình độ lớp 3, 4, 5 đều có thể đọc nhanh, đọc
nhiều. Nhiều anh em tự động mua riêng sách báo. Có người mua báo Khoa học
thường thức, có người mua báo Văn hóa, có người mua tiểu thuyết hoặc tạp chí
Học tập để nghiên cứu, cũng có nhiều cán bộ tháng nào cũng mua sách.
Nhưng tất cả đều do ý muốn riêng, cố gắng riêng,
không có chỉ đạo, tổ chức, giúp đỡ và khuyến khích.
Hiện nay có thể đặt ra vấn đề kết hợp cấp phát của
trên với đóng góp của quần chúng, tích lũy dần để xây dựng một tủ sách đại đội,
mỗi tháng tăng chừng 1.500 hoặc hơn 1.500 trang sách (độ 7, 8 cuốn 200 trang
hoặc độ 30 – 40 cuốn sách mỏng). Nếu biết giữ gìn và tổ chức cẩn thận thì chỉ
trong vòng năm, sáu tháng ta có một tủ sách đại đội tương đối đầy đủ. Muốn thực
hiện được điều này, có một yêu cầu lớn đối với cán bộ : cần tranh thủ đọc thêm
nhiều sách để có thể chỉ đạo kịp thời cho thanh niên học tập. Hết sức chú trọng
các loại sách phổ thông, kể cả sách Kim Đồng, các sách văn nghệ (tiểu thuyết,
thơ ca). Cán bộ đọc nhiều những sách nhỏ nhẹ như vậy không phải khó khăn lắm ;
đọc được nhiều, cán bộ sẽ tự nâng cao tri thức, sức tưởng tượng, sức suy nghĩ
để công tác cho tốt ; có đọc nhiều như thế, mới chỉ đạo được việc đọc sách của
thanh niên. Phải coi việc dùng sách báo là một trong những nhiệm vụ quan trọng
hoặc một trong những hình thức chủ yếu để hoạt động công tác chính trị và giáo
dục thanh niên.
- Thanh niên rất thích khẩu hiệu. Hiện nay khắp nơi
khẩu hiệu như nấm gặp mưa rào. Nhiều khẩu hiệu cổ động rất tốt có tác dụng kích
thích động viên mạnh. Nhiều khẩu hiệu có tính chất chỉ đạo linh động, giúp thêm
trí nhớ trong luyện tập kỹ thuật. Nhiều khẩu hiệu lãnh đạo tư tưởng xác định
được những yêu cầu tư tưởng, phương pháp tư tưởng, phương hướng tư tưởng, từng
lúc từng thời kỳ. Nhưng cũng có nhiều khẩu hiệu trống rỗng, không có tác dụng.
Nếu không chú trọng chỉ đạo chặt chẽ ngay việc dùng khẩu hiệu thì sẽ có một lúc
nào đó khẩu hiệu trở nên nhàm và những khẩu hiệu tốt cũng mất hiệu lực. Hoặc
khẩu hiệu mọc lung tung, mỗi khẩu hiệu sai đi một tý nhỏ, rút cục phương hướng
chung của cấp trên trong khẩu hiệu chỉ đạo cũng mất tác dụng. Cần phải chú ý
phân biệt khẩu hiệu chỉ đạo của từng cấp, xác định cả phương hướng nhiệm vụ,
phương hướng tư tưởng – thường phải do cấp ủy định và nêu ra từng thời kỳ. Các
khẩu hiệu khác không được trái với khẩu hiệu đó, phải xoay quanh khẩu hiệu đó.
Phải có những khẩu hiệu có giá trị từng thời kỳ như : “Giương cao ngọn cờ Ba Nhất,
thanh niên quyết làm chủ kỹ thuật” hay “Vùi kém xuống đất, hất khá một bên,
quyết vươn lên loại giỏi”, lại có những khẩu hiệu chỉ phát huy tác dụng từng
thời gian nhất định hay từng lúc mà thôi như : “Thanh niên quyết đạt loại giỏi
và ưu tú trong xạ kích đợt một” hoặc “Xuống thuyền rẽ sóng ra khơi, quyết làm
kiện tướng anh nuôi kỳ này”. Phải có những khẩu hiệu cổ động chung như : “Tôi,
anh, ta quyết thi đua, lập nhiều thành tích trong mùa luyện quân” hoặc “Toàn
chi đoàn thành một tuyến mãnh liệt xung phong chiếm đỉnh cao nhất của phong
trào Ba Nhất”. Nhưng quan hệ nhất có những khẩu hiệu vừa cổ động tinh thần, vừa
có giá trị chỉ đạo hành động, tư tưởng cụ thể và có những khẩu hiệu để nhắc nhở
một vấn đề nào đó của kỹ thuật hay chiến thuật như : “Tác phong chưa gọn gàng
chưa ra ngoài doanh trại” – “Chi đoàn ta chỉ được biểu dương quyết không phạm
kỷ luật” – “Yếu lĩnh chưa thoải mái thì chưa giương súng, đường ngắm chưa tốt
thì chưa bóp cò”. Khẩu hiệu hiện nay đã trở thành một hoạt động quần chúng, nó
rất phù hợp với tính tình hăng hái thích hoạt động của thanh niên, thích hợp
với những suy nghĩ tươi tắn và đơn giản của thanh niên. Cần phải đặt thành một
vấn đề chỉ đạo cho tốt. Không nên đề khẩu hiệu trở thành cái “mốt”, trở thành
sáo rỗng, lung tung, nhạt nhẽo.
- Thanh niên thích chơi, hay chơi cho nên giờ nghỉ
của thanh niên trở thành một vấn đề có quan hệ đến ý thức về quyền lợi thanh
niên và quan hệ đến công cuộc giáo dục thanh niên. Phải làm sao sử dụng giờ
nghỉ để cho anh em được nghỉ thật, nhưng trong đó có những hoạt động bổ ích cho
thanh niên, ví dụ như : vui chơi, làm văn nghệ, hát, xem tranh, đọc tiểu
thuyết, v.v… Không nên biến giờ nghỉ của anh em thành những hoạt động nặng nề,
căng thẳng mà phải tổ chức nghỉ cho thoải mái, chơi hoàn toàn. Trong cái vui
chơi ấy, người ta thấy rõ tinh thần tập thể, lành mạnh, trong sạch. Như thế
cũng là giáo dục chủ nghĩa cộng sản rồi chứ không phải trong vui chơi phải nhất
định có hái hoa, trả lời vài câu “mác-xít” có bài hát “chủ nghĩa cộng sản muôn
năm”, mới gọi là chơi để giáo dục chủ nghĩa cộng sản. Trong một cuộc đá bóng,
một điệu nhảy, một bài hát đồng ca là đã có một không khí có tổ chức, có tập
thể, có giáo dục rồi. Thanh niên ưa hoạt động, ham chơi, có anh em trông thấy
quả bóng là có thể đá suốt ngày được, đá không biết chán, có khi bóng bẹp cũng
chơi. Cũng phải thấy đó là một nguyện vọng của thanh niên và là một nhu cầu,
một quyền lợi của thanh niên. Do đó, chi bộ và thủ trưởng, cán bộ phải thấy tổ
chức cho thanh niên nghỉ tốt là một nhiệm vụ của mình, phải hướng dẫn, tổ chức
cho anh em chơi được tốt, lại không ảnh hưởng đến học tập và sức khỏe. Muốn như
thế, cán bộ phải là người tương đối hiểu biết các môn chơi để chỉ đạo cho thanh
niên chơi được thích hợp và điều chủ yếu là biết tôn trọng, quan tâm đến giờ
nghỉ, giờ chơi của chiến sĩ, hết lòng tổ chức hướng dẫn cho họ, làm cho họ được
vui chơi thoải mái, lành mạnh và bổ ích, biến giờ nghỉ chơi thành những giờ
sung sướng, vui vẻ mà lại nâng cao tri thức, nâng cao tư tưởng, nâng cao sức
khỏe, nâng cao nhiệt tình của thanh niên.
- Về các hình thức hoạt động khác của thanh niên,
những hình thức để động viên khuyến khích thanh niên, hiện nay cũng có rất
nhiều kinh nghiệm phong phú.
Các cán bộ đều thường lo nghĩ mong muốn có nhiều
hình thức hoạt động cho thích hợp với thanh niên. Nhưng kinh nghiệm lớn nhất là
để cho thanh niên hoạt động thì thanh niên sẽ tự tìm ra những hình thức thích
hợp với tuổi của mình.
Hiện nay có hàng trăm hình thức động viên, khuyến
khích và giáo dục thanh niên, bước đầu có thể phân loại các hình thức hoạt động
đó như sau:
- Những hình thức động viên, giáo dục dựa vào ý thức
tự giác, trọng danh dự của thanh niên, như những hình thức tự cắm cờ, tự cho
điểm về trật tự nội vụ, tự quản kỷ luật, hòm phiếu tự giác để bỏ những câu hỏi
ôn tập hoặc câu hỏi tranh luận tư tưởng, v.v…
- Những hình thức động viên, giáo dục dựa vào chí tiến
thủ, hiếu thắng, cầu tiến của thanh niên, tổ chức tham quan, bảng danh dự (bảng
ngựa phi, tên lửa, mũi tên, máy bay phản lực) “sao vàng”, “sao đỏ”, “hái hoa ôn
tập”, “hái hoa khoa học”; “đố nhau ôn luyện, thi tài, thi sức, thi trí” (tùy
theo yêu cầu rèn luyện, tổ chức các cuộc thi nhỏ: thi ngắm, thi bóp cò, thi
vật, thi co tay, thi nhanh trí; đố những câu về kỹ thuật, thi thơ ca để minh
họa các điều học tập, thi vẽ, thi khẩu hiệu, v.v…)
- Những hình thức động viên, giáo dục dựa vào tình
bạn của thanh niên. Một đặc điểm của thanh niên là thích có bạn, tôn trọng tình
bạn, thích học tập ở bạn. Nhiều đơn vị đã tổ chức kết nghĩa đôi bạn trong đơn
vị, lại kết nghĩa hai đơn vị, hai chi đoàn với nhau, thăm nhau, tặng quà trao
đổi tâm tình, trao đổi kinh nghiệm, ra “tuyên bố chung”, tổ chức lễ kết nghĩa
rầm rộ, v.v… Đó cũng là những hình thức bổ ích.
- Những hình thức động viên, giáo dục dựa vào tính
ưa hoạt động, sôi nổi hoạt bát, thích mới lạ của thanh niên. Đó là những hình
thức mít tinh, biểu tình, xin nhiệm vụ, báo cáo thành tích, báo cáo quyết tâm,
những cuộc rước thành tích, rước cờ, rước giải thưởng, những cuộc tham quan,
liên hoan, kết nghĩa, thi đố những buổi hoạt động văn nghệ, bình các cuộc thi
bích báo, thi thơ, thi hát (với nội dung theo yêu cầu của nhiệm vụ từng lúc),
v.v… Cũng phải kể đến vấn đề trang trí câu lạc bộ, thư viện, cờ, trống trong
những buổi tập hợp vui chơi, v.v…
Tất nhiên không thể kể hết các hình thức ra đây
được. Vì mỗi đơn vị, với truyền thống riêng, hoàn cảnh riêng, lại có những hoạt
động cho thích hợp. Đơn vị ở thành phố khác đơn vị ở nông thôn, đơn vị binh
chủng kỹ thuật khác đơn vị bộ binh. Nhưng bất cứ ở đâu hễ thanh niên được hoạt
động rộng rãi, có sự chăm sóc và chỉ đạo của chi bộ và cán bộ thì ở đó hình
thức hoạt động rất phong phú. Cán bộ không thể nào ngồi mà “rặn ra khẩu hiệu”,
“nặn ra hình thức hoạt động” được. Phải làm cho tự thanh niên hoạt động rồi rút
ra từ những hoạt động của họ mà chỉ đạo.
Để kết luận và cũng là điều cuối cùng rất quan trọng
của công tác thanh niên là: “Cán bộ phải học lãnh đạo công tác thanh niên”.
Thanh niên có khả năng hoạt động lớn, nhưng phải có
sự chỉ đạo của chi bộ, của cán bộ. Thanh niên như cái cây non, sức vươn lên rất
mạnh, nhưng phải có người chăm bón, che chở, chống đỡ những sâu bọ, gió mưa.
Chi bộ và cán bộ phải làm một nhiệm vụ rất vẻ vang là chăm lo cho lớp người xây
dựng xã hội sau này.
Muốn thế, cán bộ phải tự nâng cao trình độ lãnh đạo
của mình lên. Phải thiết tha yêu mến thanh niên, nâng cao trình độ tri thức mọi
mặt, nâng cao sức tưởng tượng, sức suy nghĩ, sức sáng tạo. Phải học tập các
kinh nghiệm của đơn vị khác, nhưng nhất là phải có suy nghĩ tìm tòi, phải đọc
sách. Phải thấy yêu cầu cấp thiết trong việc nâng cao trình độ của mình. Và
điều chủ yếu nữa là phải hòa mình mật thiết với phong trào, với thanh niên.
Phải sống như một thanh niên, thông cảm những nguyện vọng, hiểu thấu những yêu
cầu về tình cảm, về tư tưởng của thanh niên. Tự tu dưỡng mình và liên hệ mật
thiết với quần chúng là hai mặt không thể thiếu được của người cán bộ để nâng
cao năng lực lãnh đạo.
Đó là vấn đề mấu chốt của công tác thanh niên. Hiện
nay, các hoạt động ở cơ sở của thanh niên cứ bừng lên hết sức sôi nổi và náo
nhiệt. Các chi bộ cũng không kịp để nhận thức cho sâu sắc mọi lý luận bàn về
thanh niên nữa và đã bắt tay vào chỉ đạo thanh niên. Trao đổi kinh nghiệm, tổng
kết kinh nghiệm có chất lượng lúc này là một yêu cầu cấp thiết của phong trào.
Mong rằng tất cả mọi cán bộ đều quan tâm sáng tạo và
tổng kết thì chúng ta sẽ mau chóng có những kinh nghiệm bổ ích để đưa phong
trào thanh niên cũng như phong trào thi đua tiến lên những bước vững chắc để
hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ xây dựng quân đội.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét