Thứ Tư, 10 tháng 1, 2024

Bên sông đón súng


Trời đã sẩm tối. Nước sông dâng to mênh mông, ven sông những ngọn cây dâu nhấp nhô, loáng thoáng sau màn mưa bàng bạc. Sấm vẫn rền rĩ. Tiếng ếch kêu oàm oạp. Mọi người đều lắc đầu chán ngán: “Trời còn mưa, nước còn to nữa!”.

Tiết tháng bảy, trời hơi lành lạnh. Làng Bỏi dìm mình trong giải nước mênh mang. Nhà anh C. đứng chon von riêng rẽ ở đầu làng. Đây là nơi cao nhất làng mà nước cũng đã mấp mé thềm nhà. Trong nhà gường, phản đã được kê cao lên; gạo, thóc, ngô, khoai thì treo cao chót vót…
Tối hôm nay, chúng tôi phải đi đón một món súng ở bên kia sông. Thuyền đã sắp sẵn, buộc vào một gốc tre ở sân. Anh C. và tôi còn chờ hai anh tự vệ nữa. Chúng tôi đã chuẩn bị mấy manh chiếu rách mang đi để bó súng và mấy cái bị để đựng lựu đạn, súng lục. Thuyền tuy nhỏ chúng tôi cũng làm mui cẩn thận để khỏi ướt súng. Trong khoang có một ngọn đèn dầu lạc con con…
Từ hồi tháng ba đến giờ, chúng tôi luôn luôn đi đón súng kiểu ấy. Các đội tự vệ ở ven sông này đã được học tháo súng và các động tác quân sự khá thành thạo. Làng nào cũng có mấy khẩu và rất nhiều lựu đạn. Anh em tự vệ địa phương mê súng lắm. Mấy anh đi đón súng với tôi đều là những đội viên tự vệ kiểu mẫu. Các anh rất tận tụy, không quản hy sinh. Thường đêm đến các anh phải đi đón súng hay đưa súng từ bảy giờ đến mười hai giờ có khi đến hai ba giờ sáng. Sáng hôm sau các anh lại phải dậy thật sớm để đi cày hay xuôi đò dọc. Đôi khi có những chuyến đưa súng đi địa phương khác vào sáng sớm thì mỗi đêm như vậy các anh chỉ được chợp mắt chừng một hai tiếng đồng hồ.
Độ này phải đưa đón luôn, các anh rộc hẳn người đi, trông rất thương. Đi cày, các anh ngủ gật ngoài ruộng. Đi chở đò, các anh ngủ gật trên mái chèo. Nhiều anh còn phải giấu gia đình. Và các anh cũng tìm được nhiều cách nói dối. Có anh liều, nhà bảo là đi đánh bạc cũng ừ, bảo đi chơi gái cũng ừ. Các anh không sợ nhiếc móc, không sợ mệt, không ngại vất vả. Các anh tha thiết mong mỏi một ngày kia được “đền ơn” một cách rất giản dị: “mỗi thằng một khẩu súng ra trận!”.
Các anh chỉ băn khoăn một điều: “Chịu khó chuyên chở thế mà không được bắn thì ức lắm?”.
Muốn an ủi các anh, những đêm mưa gió to, tôi cũng để các anh bắn đôi phát ở giữa sông. Mỗi lần được thế, các anh phấn khởi vô cùng, cả tôi cũng thích. Chỉ cần bắn một lần cũng đủ để câu chuyện súng giật, nòng nóng kéo dài cả tuần.
Hai anh tự vệ đã đến. Một anh vác một cái gậy ngắn. Chúng tôi sửa soạn xuống thuyền ngay. Lội lõm bõm qua một khoảng sân đất trơn như mỡ, chúng tôi bám vào thuyền đu người lên, vẩy chân cho hết nước rồi ngồi vào khoang. Chân bị nước ăn ngứa đến phát nhức. Anh C. và anh T. chèo đầu tiên. Chiếc thuyền tròng trành một lúc rồi hướng ngược nước trườn lên, rướn lên từng nhịp nhẹ nhàng. Ngồi trong khoang thấy khoan khoái. Mưa càng nặng hạt. Tiếng mưa rơi lộp bộp vào áo tơi hai anh hòa với tiếng sóng vỗ lép bép vào mạn thuyền. Tất cả như gợi lên một sự thúc giục êm ái, làm cho giữa cảnh man mác ấy tôi cứ thấy trong lòng rộn lên náo nức. Tôi vươn vai, rướn người và vung tay như để hả bớt một chút rạo rực.
- Thuyền dóng đến đâu mới sang hở các anh? Tôi hỏi.
- Hôm nay nước chảy xiết, phải dóng đến gần đình Chèm.
- Chà, lâu lắm nhỉ! – Tôi sốt ruột nói thêm.
Câu chuyện mở đầu khe khẽ nhưng giòn giã. Hóa ra các anh lái đò này trước kia đã từng mạo hiểm buôn lậu. Các anh đi như thế này là thường, đã từng bị đoan đuổi, đôi lần suýt chết vì súng thị oai của chúng. Các anh đã từng bơi thuyền xuôi mà ca-nô của đoan đuổi không kịp. Một ý nghĩ ngộ nghĩnh lướt qua đầu tôi: “Mình cũng đang đi buôn lậu đây!”. Nhưng chuyện gì thì chuyện, súng vẫn là chuyện chính vì súng ám ảnh tâm trí các anh tự vệ sâu sắc lắm.
Các anh đòi xem khẩu súng lục của tôi, bắt tôi tháo đạn để các anh bóp cò suông lách cách cho “đỡ nghiện”. Có một điều mà các anh nhắc tôi đến hàng chục lần, là hôm nay sấm chớp và mưa to, đón được súng, cho các anh bắn thử ở giữa sông.
Trời đã tối hẳn. Nhìn ra ngoài chỉ thấy mặt nước loang loáng. Thỉnh thoảng gặp một chiếc thuyền xuôi lao vun vút. Có chiếc có đèn sáng và véo von một giọng đò đưa trong trẻo, tình tứ. Có chiếc lại có vẻ âm thầm, bí mật. Tôi có cảm tưởng đó là những thuyền “đồng chí”. Đôi khi gặp chiếc thuyền khả nghi, chúng tôi quát hỏi: “Ai” thật dõng dạc và lần nào cũng đắc thắng, nghĩa là thuyền kia tránh ra xa và trả lời rất lễ phép. Mỗi lần hỏi như vậy, khẩu súng nằm gọn lỏn trong lòng tôi, lại được nhắc dậy.
Thuyền đã bắt đầu sang ngang. Bờ sông đen sì đang lừ lừ đến gần chúng tôi. Thuyền đi van vát nên không ì ạch như trước nữa. Tiếng lạch cạch của mái chèo nghe gọn và vui.
Tôi khe khẽ hát bài “Con thuyền nước nhà …” theo điệu “kéo thuyền trên sông Vôn-ga”. Anh tự vệ ngồi nghe chăm chú và hẹn tối mai nhớ chép cho anh và dạy anh hát. Thuyền cập bến. Chỗ buộc thuyền nước chảy xiết ghê gớm. Chúng tôi lịch kịch vất vả mất mười lăm phút mới neo xong.
Một người ở lại coi thuyền, còn chúng tôi lên bờ đi tới chỗ hẹn. Lúc ấy đã mười giờ khuya, là giờ hẹn cuối cùng. Tôi lo quá, giục hai anh rảo bước.
Mỗi người khoác một áo tơi, đội một nón rách, hai tay thủ bọc, chạy thoăn thoắt qua một con đường nhỏ trơn như mỡ để lên đê. Đối với nhiều người những hình ảnh “chiến sĩ cách mạng” bao giờ cũng rất đẹp đẽ oai hùng. Nhưng đây trong hoàn cảnh “qua sông phải lụy đò” này, chúng tôi phải làm ra bộ bé nhỏ và kém cỏi vô cùng. Có một tuần đinh vừa nắm lấy hỏi, tôi phải lễ phép thưa gửi và xưng anh anh em em để đi cho mau mà hắn cứ hoạnh họe mãi. Tuy vậy vừa đi khỏi, tôi lại mừng thầm cho tôi và cho anh ta. Chẳng may mà lại bắt tôi thì anh ta thật xấu số…
Đến chỗ hẹn, tôi bồn chồn đi đi lại lại, ngóng từng bóng đen.
Gặp ai tôi cũng hỏi: “Ai”, người đó đáp: “Tôi” rồi lủi thủi đi. Không mấy ai hỏi thêm điều tôi đang nóng lòng mong đợi. Mãi lâu lắm tôi mới thấy một người hấp tấp sột soạt từ phía trong đê đi ra. Tôi khấp khởi quát: “Ai !”. Một tiếng quen quen:
- Tôi, bác Đông đi đón hàng đấy à?
Tôi sung sướng vội nói thêm:
- Phải, tôi đi đón hàng ngược Bắc đây!
Người kia vồ lấy tôi trách lấy trách để:
- Sao chậm thế? Tôi định ra qua lần này nữa, không thấy là về đấy.

Ảnh : Trên thuyền xuôi dòng sông Hương, 1998.
Tôi không phân trần gì, chỉ giục anh mang “hàng” ra cho mau.
Thế là trong đêm tối chúng tôi làm một chuyện rất bình thường và đơn giản: bó mấy khẩu súng trường và chuyển những quả lựu đạn từ ở bị các anh bên kia cho vào bị mình. Chúng tôi làm rất mau, dặn nhau vài điều và hấp tấp xuống thuyền.
Bỗng trong làng có tiếng chó sủa và một hồi tù và rúc lên. Chúng tôi đẩy vút thuyền ra giữa sông, chèo xuôi đi veo veo. Mái chèo khua gấp và tiếng mưa cũng mau hơn. Tôi hồi hộp ngoái lại. Bóng tối dày đặc như đang rung lên trong những tiếng tù và nghe thật bướng bỉnh và hỗn xược.
Chỉ độ mười phút sau, bóng cây gạo đầu làng Bỏi đã lù lù trước mặt chúng tôi. Thuyền xuôi nhanh gấp mười lần ngược. Lúc đi chúng tôi đã phải mất hai tiếng đồng hồ.
Trong làng Bỏi tiếng chó sủa khắc khoải. Chúng tôi sửa soạn ghìm thuyền để thử súng. Ai nấy hí hửng hồi hộp. Tôi đã bằng lòng để ba anh bắn ba phát. Anh nào cũng đã soi đèn chọn những viên đạn sáng, mới nhất, cầm khư khư trong tay và đang hì hục cởi bó súng.
Bỗng có tiếng ầm ầm như tiếng một thứ máy chuyển động từ xa. Chúng tôi ngừng tay, lắng tai và quan sát tứ phía. Ở phía làng D. và làng R. chúng tôi trông thấy những vệt dài trắng xóa. Những vệt ấy cứ lừ lừ tiến về phía làng Bỏi. Tiếng ầm ầm lúc càng mạnh, càng gần.
Không cần suy nghĩ, chúng tôi hiểu ngay: “Đã có quân Nhật chuyển ngược đây”. Những cảnh này hiện ra luôn, có khi hàng hai, ba chục cái cam-nhông chạy qua đường này. Có đêm tiếng ì ì suốt từ mười giờ tối cho đến hai, ba giờ sáng. Không ai để ý đếm được bao nhiêu chiếc xe, nhưng ai cũng biết chắc là lính Nhật di chuyển. Những đêm ấy chó các làng ven đê sủa mỏi mồm.
Thế là hy vọng bắn thử của các anh tắt ngấm. Các anh tức quá, chửi Nhật ầm ĩ. Mấy khẩu súng trường cứ như những món ăn ngon mà không được nếm và con thuyền chúng tôi trở nên âm thầm lặng lẽ. Đoàn xe giặc lũ lượt kéo trên đê, đèn pha sáng rực cả góc trời. Tiếng chó sủa ran ran, dai dẳng, bất lực…
Cả bốn chúng tôi không ai bảo ai đều im lặng chèo. Nhưng cũng không quên vuốt ve đám súng nằm trong khoang thuyền.
Tôi đặt khẩu súng lục trước mặt và nhìn về phía xe đi. Tôi có cảm tưởng đó là một đàn chó dại.
Một anh tự vệ hăm hở:
- Chèo sát thuyền vào bờ, ném cho mấy quả lựu đạn và bắn bỏ bố chúng nó đi!… - Không thấy ai hưởng ứng, anh lại nói tiếp – Được đấy nhé! Nó biết đâu. Cứ chia nhau từng đoạn, nấp ở vệ đê bắn lung tung, rồi dân làng đổ ra là nó chết đấy. Thế là du kích chứ gì? – Anh nói bằng một giọng thật thà, hăm hở và tin tưởng cứ như người sắp làm thế thật. Chúng tôi đều hiểu rằng chẳng qua phải nói ra cho nó hả tức một chút thôi. Cả ba anh mắt quắc lên, hậm hực tức tối. Không một chút sợ sệt nào thoảng qua trong đầu óc chúng tôi…
Thuyền chúng tôi từ từ bám vào gốc gạo đầu làng Bỏi và đỗ lại. Chúng tôi im lặng chờ đám xe đi hết. Chúng đông quá. Chúng tôi nhìn đoàn xe bằng con mắt khinh thị, vì đều nghĩ, chúng đang đi vào một thứ cạm bẫy nguy hiểm. Những làng ven đê vẫn khắc khoải tiếng chó và trong bóng tối. Tôi đang mê mải vẽ lên trong đầu óc hình ảnh một trận đánh du kích. Một đoàn người nâu sồng đang vác gậy, vác giáo xông xáo chung quanh những chiếc xe cam nhông chết cứng. Trời! lúc này mà được bắn lẻ thì sung sướng bao nhiêu. Chỉ cần vài khẩu súng thôi, dân làng nấp chung quanh vệ đê đông lắm rồi. Đấy vài khẩu súng đối với công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa của chúng tôi lúc này quý giá biết bao nhiêu. Nó là “vốn làm ăn để chúng tôi kiếm thêm lãi”. Bỗng nhiên anh T. nói to lên như đang nói theo ý nghĩ của tôi:
- Như thế thì đánh du kích dễ thật! Nó chết tươi ngay chứ có gì! – Rồi anh thích chí cười. – Mình được thêm bao nhiêu súng!
Đoàn xe vẫn cứ ầm ầm kéo đi. Chúng tôi yên lặng, bình tĩnh và kiên nhẫn nhìn đoàn xe như những con thú, đang đâm đầu vào chỗ chết. Anh C. cầm quả lựu đạn nhìn về phía đê giơ tay dứ dứ như muốn ném lên đê, làm như quả lựu đạn của anh ghê gớm lắm. Anh chửi lầm nhầm mấy câu. Lực lượng chúng tôi quá bé nhỏ, nhưng niềm kiêu hãnh của chúng tôi thật lớn và lòng tin tưởng chắc chắn vào tương lai của chúng tôi lại vững chắc vô cùng.
Ngay lúc ấy, cảm xúc đang dấy lên trong lòng tôi đã là cảm xúc của người chiến thắng.
                                                                                            07-9-1946

(Trích Anh bộ đội, Nxb Văn Học, 2017)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét