Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2025

Bốn năm luyện “vàng” nơi “địa ngục”

               Một trong những nữ tù chính trị trẻ tuổi của Nhà tù Hỏa Lò thời Pháp thuộc là đồng chí Nguyễn Thị Phúc Hằng (đồng chí bị giam từ năm 1941 đến tháng 3/1945).

Đồng chí tên thật là Hoàng Thị Huynh (tên dùng trong kháng chiến là Điệp), sinh năm 1921 tại xóm Chùa, làng Liễu Khê, xã Song Liễu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Năm 18 tuổi, đồng chí thoát ly, tham gia cách mạng, làm liên lạc cho Xứ ủy Bắc Kỳ và là liên lạc viên cho nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ. Để tiện việc nắm bắt tình hình, che mắt địch, đồng chí được tổ chức cho mở quán cơm trước cửa ga Văn Điển. Khi quán cơm bị lộ, đồng chí được điều về số 2 phố Hàng Nón - nơi có xưởng in bí mật của Đảng, tham gia rải truyền đơn.


Đầu năm 1941, cơ sở bị lộ, đồng chí bị bắt và đưa về Sở Mật thám. Sau hơn 2 tháng giam cầm, tra tấn, đồng chí kiên quyết không khai, buộc Tòa phải kết án 5 năm tù và giam tại Nhà tù Hỏa Lò. So với các nữ tù chính trị bị bắt giam thời gian đó như các đồng chí: Hoàng Thị Ái (sau này là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), Hoàng Ngân (sau này là Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ Cứu quốc), Bùi Thị Diệm (sau này là Đại biểu Quốc hội khoá I), Nguyễn Thị Quang Thái (vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp)… đồng chí Phúc Hằng là nữ tù chính trị ít tuổi nhất.

Trong thời gian 4 năm bị giam tại đây, đồng chí Phúc Hằng cùng các chị em tổ chức, tham gia các ban: Ban chính trị, Ban cứu tế, Ban ngoại giao, Ban nội trợ, Ban khánh tiết… nhằm tổ chức cuộc sống trong lao tù và đấu tranh chống lại chế độ giam cầm hà khắc. Trong những tháng ngày cùng bị giam cầm, cùng đấu tranh với các chị em đã tôi luyện thêm ý chí, niềm tin và nghị lực cho nữ tù nhân trẻ tuổi.

Khi Nhật đảo chính Pháp (tháng 3/1945), Chính phủ Trần Trọng Kim (thân phát xít Nhật) đã thả đồng chí Phúc Hằng. Sau khi được tự do, đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng và tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở Đông Anh. Sau thắng lợi Cách mạng tháng Tám, đồng chí được phân công làm Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính lâm thời và Phó Bí thư huyện ủy.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng kiên trung, đồng chí Nguyễn Thị Phúc Hằng vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng.

Tại tầng 2 Di tích Nhà tù Hỏa Lò, tên của nữ tù chính trị Nguyễn Thị Phúc Hằng được trang trọng ghi danh trên Bảng vàng cùng tên tuổi các chiến sỹ yêu nước, cách mạng khác.

Biên soạn: Thúy Hạnh (Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét