Thứ Năm, 20 tháng 6, 2024

Ông Trần Độ trong Tổng tập Nhà văn Quân đội (2023)

Bộ Tổng tập Nhà văn Quân đội xuất bản năm 2023 do Tạp chí Văn Nghệ Quân đội tuyển chọn, trong đó có mục Nhà văn Trần Độ từ trang 913 đến trang 920, tập 1.


Dưới đây là bài giới thiệu tác phẩm:

Lời nói đầu

Hiếm có dân tộc nào nặng lòng văn chương như dân tộc Việt Nam ta. Cũng hiếm có đất nước nào phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt để bảo vệ sự độc lập, vẹn toàn như đất nước ta. Đặc điểm lịch sử ấy đã kiến tạo nên dòng văn học về đề tài chiến tranh với nhiều những tác phẩm xuất sắc, cùng đội ngũ các tác giả xuất sắc, trong đó có những tướng lĩnh nhà văn và chiến sĩ nhà văn. Chỉ riêng ở thế kỷ 20, đất nước trải qua bốn cuộc chiến tranh lớn, chống thực dân, đế quốc và đánh đuổi xâm lấn để bảo vệ vẹn toàn biên cương Tổ quốc, đã hình thành một đội ngũ nhà văn áo lính đông đảo, hùng hậu. Qua sáng tác của đội ngũ này, ta thấy diện mạo của dòng văn học về chiến tranh, người lính vô cùng phong phú, dày dặn và hết sức giá trị. Bằng sức sáng tạo của mình, những nhà văn – chiến sĩ thời đại Hồ Chí Minh đã góp phần làm nổi bật lên hình ảnh cao đẹp của tinh thần quả cảm chiến đấu hi sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc, vì sự toàn vẹn của Tổ quốc. Xét về phương diện tuyên truyền, có thể nói tác phẩm của các nhà văn quân đội đã làm tròn nhiệm vụ một cách xuất sắc với việc kịp thời động viên chiến sĩ trong những thời khắc cam go nhất, lúc lòng dạ con người xốn xang vì sự lựa chọn giữa mạng sống cá nhân với lẽ tồn vong của Tổ quốc. Nhưng sâu hơn, các sáng tác ấy đã bồi đắp, nâng cánh cho tâm hồn người lính trong chiến tranh, gieo vào họ tình yêu quê hương, gieo vào họ tinh thần nhân đạo và nghị lực chờ đợi ngày mai. Giá trị này không thể đo đếm được, nhưng có thể thấy được qua tinh thần lạc quan và điềm tĩnh của người chiến sĩ lúc băng qua đạn lửa cũng như lúc giành chiến thắng cuối cùng. Nếu cần tìm hình ảnh đầy đủ nhất, cụ thể nhất, tinh tế, sâu sắc nhất thì không đâu hơn là tìm kiếm trong những trang sáng tác văn học của các nhà văn quân đội. Từ hình ảnh mộc mạc chất phác nhưng không kém phần hào hoa lãng mạn của anh Vệ Quốc đoàn áo trấn thủ, tới hình ảnh uy nghi, lẫm liệt của anh Giải phóng quân miền Nam, của người lính miền Bắc xã hội chủ nghĩa, và giờ đây, trong một thể thống nhất tuyệt đối, của anh Bộ đội Cụ Hồ, thảy đều hành quân qua những trang con chữ của các nhà văn mặc áo lính. Nói cách khác, lịch sử sáng tác của các nhà văn quân đội chính là lịch sử tâm hồn người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Lịch sử ấy được ghi chép, được khắc họa bởi tinh thần trách nhiệm, và trên hết, bởi tài năng xuất sắc của đội ngũ nghệ sĩ – chiến sĩ, những người luôn đặt sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc lên trên nhu cầu sáng tạo cá nhân. Vì sự nghiệp chung, những nghệ sĩ – chiến sĩ ấy thanh thản vào trận, sẵn sàng chấp nhận hi sinh cả tính mạng mình, để rồi từ trong thực tiễn khốc liệt đã trích xuất ra, đã cố định lại bằng văn học cho thế hệ sau những nét cao đẹp nhất của người chiến binh thời đại Hồ Chí Minh.

Bộ sách này được xuất bản một phần nhằm tri ân các thế hệ nhà văn áo lính, những người đã dành sự tâm huyết của đời mình để cống hiến cho dòng văn học vừa phong phú, sống động mà cũng hết sức vạm vỡ, lẫm liệt về đề tài chiến tranh Cách mạng và hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ. Đây cũng là công trình chào mừng 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 80 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Mặc dù đã hết sức cố gắng, nhưng do nhiều yếu tố, cả khách quan lẫn chủ quan, nên bộ sách chắc chắn khó tránh khỏi những sơ suất. Đặc biệt, do khó khăn trong việc liên lạc với các tác giả để trao đổi về tư liệu, cùng với việc khuôn khổ có hạn nên bộ sách không thể tập hợp đầy đủ các nhà văn đã từng tham gia quân đội qua các thời kỳ, rất mong được sự lượng thứ.

Xin trân trọng!

Nguyễn Bình Phương

(Tổng tập Nhà văn Quân đội, Kỷ yếu – Tác phẩm, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Nxb Văn học, 2023) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét